Rosa Parks: Người nữ anh hùng thầm lặng của phong trào nhân quyền Hoa Kỳ
Ngày nay nhìn lại lịch sử Hoa Kỳ, rất nhiều người trong chúng ta khó có thể tưởng tượng được rằng chỉ 50 năm, một nửa thế kỷ trước đây, nhiều nơi trên nước Mỹ vẫn còn đắm chìm trong tình trạng kỳ thị chủng tộc. Tình trạng kỳ thị không chỉ diễn ra một cách ngấm ngầm hay qua những thái độ biểu tỏ sự khinh miệt, mà là những biện pháp rõ ràng, những quy luật mà ngày nay chúng ta phải hết sức ngạc nhiên không thể hiểu được tại sao đã có lúc được chấp nhận.
Có nhìn lại lịch sử, ta mới thấy rõ ràng hơn giá trị của hành động của bà Rosa Parks, biểu tượng của phong trào đòi nhân quyền ở miền Nam Hoa Kỳ từ hơn nửa thế kỷ trước, người vừa qua đời tại Detroit hôm thứ Hai tuần này.
Dĩ nhiên, ngày hôm nay câu chuyện về bà Rosa Parks đều đã được kể lại trong tất cả các cuốn sách lịch sử dạy ở trường học Hoa Kỳ. Nhưng vào thời đó, khi bà khởi sự một cuộc tẩy chay hệ thống xe buýt của người Mỹ da đen sinh sống trong vùng Montgomery thuộc tiểu bang Alabama, bà đã khởi sự một cuộc cách mạng dẫn đến sự đối xử đồng đều theo pháp luật cho tất cả người Mỹ da đen. Ðối với những người đã sống trong thời kỳ thập niên 1950 và 1960 đầy biến động chủng tộc ở miền Nam Hoa Kỳ và tham gia vào cuộc đấu tranh dành nhân quyền, người phụ nữ có giọng nói hiền hòa tên Rosa Parks không chỉ là một người phụ nữ da đen từ chối không đứng dậy nhường chỗ cho người đàn ông da trắng trên chuyến xe buýt ở Montgomery, hành động của bà Parks đã thay đổi hoàn toàn và mãi mãi cái nhìn của người Mỹ da trắng đối với người Mỹ da đen và đồng thời thay đổi luôn cả quốc gia Hoa Kỳ.
Rosa Parks tên thật là Rosa McCauley sinh ngày 4 tháng 2 năm 1913 tại thành phố Tuskegee, tiểu bang Alabama. Khi bà còn nhỏ tuổi, cha mẹ bà li dị và bà về sống với mẹ tại thành phố Montgomery. Tại đây, bà lớn lên trong một đại gia đình gồm ông bà ngoại người em trai tên Sylvester. Thành phố Montgomery thuộc tiểu bang Alabama là một nơi không có nhiều thiện cảm đối với những cư dân da đen trong suốt thập niên 1920 và 1930. Trong thời gian sống tại đây, bà chỉ được đi học ở những ngôi trường nghèo nàn dành cho người da màu và mỗi ngày bà đều phải đối diện với những luật lệ áp đặt cách hành xử của bà nơi công cộng như chỉ được uống nước ở những nơi dành riêng cho người da màu, lên xe buýt phải nhường chỗ cho người da trắng và cũng không được ngồi ở những băng ghế ngang hàng với họ...
Nhưng với sự dẫn dắt của bà mẹ, Rosa Parks lớn lên với lòng tự hào về chính mình và về những người da đen khác, dù rằng phải sống với những luật lệ coi thường phẩm giá con người.
Khi lên 20 tuổi, Rosa lập gia đình với một người thợ hớt tóc tên Raymond Parks. Cả hai vợ chồng đều đi làm và có một đời sống tương đối khá giả. Trong giờ rảnh rỗi, bà Parks tham gia hoạt động với hiệp hội Thăng Tiến Ðời Sống Người Da Màu (NAACP) cũng như là Hội Cử Tri ở Montgomery.
Khi đến tuổi 30, bà Parks đã có nhiều kinh nghiệm với sự kỳ thị và bất công của các luật lệ của người da trắng. Cũng như nhiều người da đen khác ở miền Nam Hoa Kỳ, bà đã tẩy chay những nơi có bảng dành riêng cho người da màu “Colored”. Bà sẵn sàng đi bộ từng bậc thang thay vì đi thang máy dành riêng cho người da đen. Bà đặc biệt ghét hệ thống xe buýt. Vào thời của bà, hành khách da đen phải lên xe ở cửa trước, trả tiền vé, bước ra bằng cửa trước và lên xe lần nữa bằng cửa sau. Dù rằng đa số hành khách là người da đen, 4 hàng ghế trên đầu luôn được dành cho hành khách da trắng. Ngay cả hàng ghế ở giữa, họ chỉ được ngồi nếu không có hành khách da trắng nào lấy chỗ.
Thời gian đó, một cảnh tượng thường thấy trên xe buýt là những khách hàng da đen, đàn ông lẫn phụ nữ, đứng trong sự giận dữ thầm lặng trước 4 hàng ghế trống trơn dành cho người da trắng.
Cho đến ngày lịch sử 1 tháng 12 năm 1955, ngày mà sau này nhiều sử gia Hoa Kỳ coi là ngày xảy ra biến cố châm ngòi cho phong trào đòi nhân quyền ở vùng Nam Hoa Kỳ.
Bà Rosa Parks thời gian đó là thợ may cho cửa hàng Montgomery Fair. Hôm đó bà cảm thấy rất mệt mỏi vì đã phải làm việc nhiều trong ngày. Khi ra về, bà lên một chiếc xe buýt và chỉ có được ghế trống ở hàng ghế giữa. Xe chạy được một quãng thì có một nam hành khách da trắng bước lên xe và đòi bà phải đứng dậy nhường ghế. Tài xế xe buýt ra lệnh cho bà Parks và 3 hành khách da đen khác phải đứng lên nhường chỗ. Ba người kia làm theo lệnh, nhưng bà Parks từ chối. Người tài xế dọa gọi cảnh sát. Bà Parks chỉ nhẹ nhàng trả lời “xin cứ gọi cảnh sát.”
Bà Parks bị đưa về sở cảnh sát. Bị chụp hình, lấy dấu tay và bị giam.
Cộng đồng người da đen ở Montgomery phản ứng quyết liệt. Nhận thấy rằng tình hình đã chín mùi cho một cuộc tẩy chay hệ thống chuyên chở công cộng, họ đã họp nhau và quyết định kêu gọi toàn thể cộng đồng hưởng ứng điều này. Một mục sư da đen, ông Martin Luther King Jr., đã dùng máy quay roneo ở nhà thờ Báp Tít của ông để in ra 7,000 tờ truyền đơn kêu gọi mọi người bắt đầu từ ngày 5 tháng 12 năm 1955 hãy không sử dụng xe buýt mà hãy đi bộ, đi xe cùng với nhau hoặc đi tắc xi nếu cần.
Cuộc tẩy chay kéo dài 381 ngày, gây tình trạng thiệt hại tài chánh trầm trọng của công ty xe buýt và giúp dẫn đến việc chấm dứt thi hành các luật lệ kỳ thị trên xe buýt.
Từ đó, bà Parks được coi là “Bà Mẹ của Phong Trào Nhân Quyền Hoa Kỳ”. Câu chuyện của bà được in trong sách giáo khoa để nhiều thế hệ học sinh Hoa Kỳ lớn lên sau đó đều được đọc và hiểu về một thời đại với những điều phi lý, tưởng là ở thời cổ xưa nào nhưng thật ra cũng chỉ mới hơn nửa thế kỷ trước.
Năm 1996, bà được tổng thống Bill Clinton trao tặng Huy Chương Tự Do (Medal of Freedom). Trong buổi trao huy chương này, tổng thống Clinton nói “khi bà ngồi xuống trên chiếc xe buýt đó cũng chính là lúc bà đứng lên đòi hỏi công lý và công bằng cũng như đòi hỏi tất cả chúng ta phải có thái độ tương tự.”
Năm 1999, quốc hội Hoa Kỳ trao tặng bà Huy Chương Vàng Danh Dự (Congressional Gold Medal of Honor), giải thưởng dân sự cao quý nhất của Hoa Kỳ. Trong buổi nhận huy chương, có sự chủ tọa của tổng thống Clinton, bà Parks nói “chiếc huy chương này là niềm khích lệ cho tất cả chúng ta cố gắng đến khi nào tất cả mọi con người đều được quyền bình đẳng.”
Bà Rosa Parks qua đời ngày 24 tháng Mười năm 2005 trong căn chung cư của bà ở Detroit, nơi đã sống trong nhiều năm trời, hưởng thọ 92 tuổi.

Ngày nay nhìn lại lịch sử Hoa Kỳ, rất nhiều người trong chúng ta khó có thể tưởng tượng được rằng chỉ 50 năm, một nửa thế kỷ trước đây, nhiều nơi trên nước Mỹ vẫn còn đắm chìm trong tình trạng kỳ thị chủng tộc. Tình trạng kỳ thị không chỉ diễn ra một cách ngấm ngầm hay qua những thái độ biểu tỏ sự khinh miệt, mà là những biện pháp rõ ràng, những quy luật mà ngày nay chúng ta phải hết sức ngạc nhiên không thể hiểu được tại sao đã có lúc được chấp nhận.
Có nhìn lại lịch sử, ta mới thấy rõ ràng hơn giá trị của hành động của bà Rosa Parks, biểu tượng của phong trào đòi nhân quyền ở miền Nam Hoa Kỳ từ hơn nửa thế kỷ trước, người vừa qua đời tại Detroit hôm thứ Hai tuần này.
Dĩ nhiên, ngày hôm nay câu chuyện về bà Rosa Parks đều đã được kể lại trong tất cả các cuốn sách lịch sử dạy ở trường học Hoa Kỳ. Nhưng vào thời đó, khi bà khởi sự một cuộc tẩy chay hệ thống xe buýt của người Mỹ da đen sinh sống trong vùng Montgomery thuộc tiểu bang Alabama, bà đã khởi sự một cuộc cách mạng dẫn đến sự đối xử đồng đều theo pháp luật cho tất cả người Mỹ da đen. Ðối với những người đã sống trong thời kỳ thập niên 1950 và 1960 đầy biến động chủng tộc ở miền Nam Hoa Kỳ và tham gia vào cuộc đấu tranh dành nhân quyền, người phụ nữ có giọng nói hiền hòa tên Rosa Parks không chỉ là một người phụ nữ da đen từ chối không đứng dậy nhường chỗ cho người đàn ông da trắng trên chuyến xe buýt ở Montgomery, hành động của bà Parks đã thay đổi hoàn toàn và mãi mãi cái nhìn của người Mỹ da trắng đối với người Mỹ da đen và đồng thời thay đổi luôn cả quốc gia Hoa Kỳ.
Rosa Parks tên thật là Rosa McCauley sinh ngày 4 tháng 2 năm 1913 tại thành phố Tuskegee, tiểu bang Alabama. Khi bà còn nhỏ tuổi, cha mẹ bà li dị và bà về sống với mẹ tại thành phố Montgomery. Tại đây, bà lớn lên trong một đại gia đình gồm ông bà ngoại người em trai tên Sylvester. Thành phố Montgomery thuộc tiểu bang Alabama là một nơi không có nhiều thiện cảm đối với những cư dân da đen trong suốt thập niên 1920 và 1930. Trong thời gian sống tại đây, bà chỉ được đi học ở những ngôi trường nghèo nàn dành cho người da màu và mỗi ngày bà đều phải đối diện với những luật lệ áp đặt cách hành xử của bà nơi công cộng như chỉ được uống nước ở những nơi dành riêng cho người da màu, lên xe buýt phải nhường chỗ cho người da trắng và cũng không được ngồi ở những băng ghế ngang hàng với họ...
Nhưng với sự dẫn dắt của bà mẹ, Rosa Parks lớn lên với lòng tự hào về chính mình và về những người da đen khác, dù rằng phải sống với những luật lệ coi thường phẩm giá con người.
Khi lên 20 tuổi, Rosa lập gia đình với một người thợ hớt tóc tên Raymond Parks. Cả hai vợ chồng đều đi làm và có một đời sống tương đối khá giả. Trong giờ rảnh rỗi, bà Parks tham gia hoạt động với hiệp hội Thăng Tiến Ðời Sống Người Da Màu (NAACP) cũng như là Hội Cử Tri ở Montgomery.
Khi đến tuổi 30, bà Parks đã có nhiều kinh nghiệm với sự kỳ thị và bất công của các luật lệ của người da trắng. Cũng như nhiều người da đen khác ở miền Nam Hoa Kỳ, bà đã tẩy chay những nơi có bảng dành riêng cho người da màu “Colored”. Bà sẵn sàng đi bộ từng bậc thang thay vì đi thang máy dành riêng cho người da đen. Bà đặc biệt ghét hệ thống xe buýt. Vào thời của bà, hành khách da đen phải lên xe ở cửa trước, trả tiền vé, bước ra bằng cửa trước và lên xe lần nữa bằng cửa sau. Dù rằng đa số hành khách là người da đen, 4 hàng ghế trên đầu luôn được dành cho hành khách da trắng. Ngay cả hàng ghế ở giữa, họ chỉ được ngồi nếu không có hành khách da trắng nào lấy chỗ.
Thời gian đó, một cảnh tượng thường thấy trên xe buýt là những khách hàng da đen, đàn ông lẫn phụ nữ, đứng trong sự giận dữ thầm lặng trước 4 hàng ghế trống trơn dành cho người da trắng.
Cho đến ngày lịch sử 1 tháng 12 năm 1955, ngày mà sau này nhiều sử gia Hoa Kỳ coi là ngày xảy ra biến cố châm ngòi cho phong trào đòi nhân quyền ở vùng Nam Hoa Kỳ.
Bà Rosa Parks thời gian đó là thợ may cho cửa hàng Montgomery Fair. Hôm đó bà cảm thấy rất mệt mỏi vì đã phải làm việc nhiều trong ngày. Khi ra về, bà lên một chiếc xe buýt và chỉ có được ghế trống ở hàng ghế giữa. Xe chạy được một quãng thì có một nam hành khách da trắng bước lên xe và đòi bà phải đứng dậy nhường ghế. Tài xế xe buýt ra lệnh cho bà Parks và 3 hành khách da đen khác phải đứng lên nhường chỗ. Ba người kia làm theo lệnh, nhưng bà Parks từ chối. Người tài xế dọa gọi cảnh sát. Bà Parks chỉ nhẹ nhàng trả lời “xin cứ gọi cảnh sát.”
Bà Parks bị đưa về sở cảnh sát. Bị chụp hình, lấy dấu tay và bị giam.
Cộng đồng người da đen ở Montgomery phản ứng quyết liệt. Nhận thấy rằng tình hình đã chín mùi cho một cuộc tẩy chay hệ thống chuyên chở công cộng, họ đã họp nhau và quyết định kêu gọi toàn thể cộng đồng hưởng ứng điều này. Một mục sư da đen, ông Martin Luther King Jr., đã dùng máy quay roneo ở nhà thờ Báp Tít của ông để in ra 7,000 tờ truyền đơn kêu gọi mọi người bắt đầu từ ngày 5 tháng 12 năm 1955 hãy không sử dụng xe buýt mà hãy đi bộ, đi xe cùng với nhau hoặc đi tắc xi nếu cần.
Cuộc tẩy chay kéo dài 381 ngày, gây tình trạng thiệt hại tài chánh trầm trọng của công ty xe buýt và giúp dẫn đến việc chấm dứt thi hành các luật lệ kỳ thị trên xe buýt.
Từ đó, bà Parks được coi là “Bà Mẹ của Phong Trào Nhân Quyền Hoa Kỳ”. Câu chuyện của bà được in trong sách giáo khoa để nhiều thế hệ học sinh Hoa Kỳ lớn lên sau đó đều được đọc và hiểu về một thời đại với những điều phi lý, tưởng là ở thời cổ xưa nào nhưng thật ra cũng chỉ mới hơn nửa thế kỷ trước.
Năm 1996, bà được tổng thống Bill Clinton trao tặng Huy Chương Tự Do (Medal of Freedom). Trong buổi trao huy chương này, tổng thống Clinton nói “khi bà ngồi xuống trên chiếc xe buýt đó cũng chính là lúc bà đứng lên đòi hỏi công lý và công bằng cũng như đòi hỏi tất cả chúng ta phải có thái độ tương tự.”
Năm 1999, quốc hội Hoa Kỳ trao tặng bà Huy Chương Vàng Danh Dự (Congressional Gold Medal of Honor), giải thưởng dân sự cao quý nhất của Hoa Kỳ. Trong buổi nhận huy chương, có sự chủ tọa của tổng thống Clinton, bà Parks nói “chiếc huy chương này là niềm khích lệ cho tất cả chúng ta cố gắng đến khi nào tất cả mọi con người đều được quyền bình đẳng.”
Bà Rosa Parks qua đời ngày 24 tháng Mười năm 2005 trong căn chung cư của bà ở Detroit, nơi đã sống trong nhiều năm trời, hưởng thọ 92 tuổi.