Đồng vọng
Cổ Ngư
Link" align="left" border="0" alt="" style="padding:7px;" />Gần suốt một tháng nay, sáng nào thức dậy, ông Hạnh cũng như còn nghe văng vẳng bên tai tiếng sói tru. Cái thứ tiếng sắc nhọn hung tợn dội qua mấy triền núi đá rồi văng mạnh vào giấc ngủ chập chờn, rít róng đeo đẳng ông mãi đến khi mặt trời ló dạng mới chịu buông tha. Ông Hạnh thu người trên giường, ngồi chìm trong bóng tối, lưng dựa tường, hai chân gập thước thợ, mảnh chăn ấm phủ kín người, chỉ chừa phần mặt và cổ. Tiếng sói vẫn lanh lảnh trong đầu, như giục giã, như lôi kéo ông đến bờ vực và mời gọi ông lao người xuống. Như tiếng còi lệnh, hồi chuông, nhịp trống báo hết cuộc chơi. Ông Hạnh nghĩ thầm, giờ của ông đã điểm, tiếng sói chỉ là một tín hiệu báo tin. Ðèn xanh rồi đó, đi đi! Mắt ông quét một vòng quanh phòng. Cái thứ ánh sáng nhàn nhạt, xam xám của buổi bình minh mùa đông phủ một lớp mờ lên mọi thứ đồ vật. Căn phòng bỗng trở nên xa lạ, siêu thực. Tất cả chỉ còn lại một nửa. Phần nửa hướng ra cửa sổ, mờ sáng, phản quang trong mắt ông. Phần nửa còn lại quay lưng, biến mất trong cái giếng bóng tối. Ông Hạnh cứ ngồi như thế, nhìn phần sáng từ từ lấn dần phần tối của từng vật thể cho đến khi bóng đêm chiến bại, trốn sâu trong những kẹt tủ gầm bàn, ông mới kéo chăn rời giường, và nhận ra tiếng sói tru rờn rợn trong đầu cũng vừa dứt.
Ông Hạnh máy móc lập lại những thao tác của một ngày. Từ sáu, bảy năm nay, vẫn đều đặn mỗi ngày những thao tác ấy, có điều càng lúc càng chậm đi, để đến một giờ khắc nào đó, hết dây cót, ông sẽ cứng đờ ra rồi đổ vật xuống. Món đồ chơi cũ kỹ, hết thời, chẳng ai còn thèm mó đến. Phần tối trong ông chăm chỉ lấn dần phần sáng. Cái phần tối im lặng và nhẫn nại, dù biết trước sau gì, chiến thắng cũng sẽ thuộc về nó. Còn cái phần sáng cứ mải ơ thờ, co cụm teo tóp lại. Từ ngày về hưu, ông Hạnh dọn hẳn lên núi, sống thui thủi với tùng và mây. Ông đi ra đi vào đi lên đi xuống căn nhà gỗ hai tầng của mình, săn đuổi từng hạt bụi, đánh cho bóng cho mòn những bực thang gác và đôi khi ngẩn ngơ hàng giờ đứng ngắm rừng tùng bên cửa sổ. Những thân cây chắc nịch, sừng sững đứng, cành xoè ra nhiều lớp như chiếc áo dạ hội xanh ngắt, trên điểm một hàng trái nhỏ, từa tựa dãy nến nâu chĩa thẳng lên trời. Những ngọn nến mùa Giáng Sinh. Hoa đèn lấp lánh. Rượu champagne với gà tây quay sau lễ Nửa Ðêm. Con Josiane và thằng Denis tranh nhau mở quà. Mắt ông, mắt Sylvie gặp nhau, say sóng sánh. Hạnh phúc. Hạnh phúc cuộn sóng ầm ào vỗ trong ông những ngày tháng cũ. Nice, thời sáu mươi. Josiane, “con đầm con,” mang nhiều nét của mẹ. Thằng Denis, nhỏ hơn hai tuổi, giống ông như khuôn đúc. Nhìn hai đứa nắm tay nhau chạy lon ton trên Promenade des Anglais, đố ai dám bảo chúng là chị em cùng cha cùng mẹ. Sylvie đằm thắm bên ông, tóc óng ánh nắng, mắt trong veo và váy áo phần phật gió. Sóng hiền hoà chạm bờ, nhìn hạnh phúc gia đình ông bước qua. Sóng êm đềm từng đêm dỗ giấc cho các con ông, tan hoà vào từng lời thầm thì tình tự của vợ chồng ông. Và cũng sóng ấy, lãnh đạm tẩy rửa thi hài chiếc Peugeot trắng của Sylvie rúm ró dưới vực đá. Tai nạn xảy ra giữa mùa hè. Tên say rượu lạc tay lái, từ trên dốc đèo đổ xuống, lao thẳng vào chiếc xe chạy ngược hướng. Cả hai rơi xuống vực, chết nát người. Hôm đứng đợi trục xác xe vợ lên, ông Hạnh hiểu, hạnh phúc của ông đã vỡ vụn, không cách gì kết nối lại được. Gần một ngày đứng trơ bên ghềnh đá, dưới cái nóng thiêu đốt của mặt trời Ðịa Trung Hải, tai ông ù đặc đi vì tiếng sóng. Sóng òm ọp va vào đá, va vào khối sắt trắng móp méo, va vào hồn ông tang tóc, và ở lại đó, cuồn cuộn gào thét, và ở lại đó, thê thiết than van. Ông Hạnh từ đấy sống đời của một cái bóng. Những đứa con lớn dần lên, trưởng thành. Thằng Denis nay đây mai đó, lang bạt kỳ hồ. Họa hoằn lắm, ông mới nhận được một cú điện thoại ngắn ngủi hay vài dòng chữ ngoáy vội, để biết, nó hiện giờ ở đâu và vẫn còn đang tiếp tục cùng ông chia sẻ bầu khí quyển này. Josiane xong đại học, ra riêng, xuất sắc trong công việc nhưng gian nan với nhiều mối tình không thành. Cha con vẫn sống cùng thành phố, gặp nhau chủ nhật thứ hai và thứ tư mỗi tháng, nhưng da Josiane nâu hồng, da ông xanh nhợt. Ông yêu các con, lo cho các con, nhưng không hiểu chúng được bao nhiêu. Thế giới của ông và của chúng là những hành tinh khác biệt. Ông ngớ người trước quyết định bỏ trường, bỏ nhà đi hoang không kèn không trống của Denis. Ông hoảng loạn trong lần tự tử hụt thứ nhất của Josiane và cáu kỉnh trong lần tự tử hụt thứ nhì. Sao nó không nói gì với ông hết vậy? Sao nó bình thường vui vẻ cười giỡn với ông chủ nhật tuần trước để thứ tư tuần sau uống một lố thuốc ngủ định chấm dứt cuộc đời? Khi ông về hưu, dọn vào núi sống được gần hai năm, Josiane lấy chồng, “người Việt Nam giống bố,” và không còn làm ông phiền não nữa. Chúng nó có con trai đầu lòng, gọi ông là papy và cứ vòi chocolat mỗi lần gặp mặt. Yên thân được một đứa. Thằng Denis thì vẫn chân trời góc bể, ông không hiểu nó làm nghề gì để sống, để có tiền mà đi, mải miết?
Ông Hạnh hớp nốt ngụm cà-phê không đường, nhìn da trời xanh ngắt ngoài cửa sổ. Một ngày đẹp. Nắng loá trên đỉnh núi trắng tuyết. Những cành tùng cong oằn, mướt lá. Cây táo trước nhà trơ xương trần trụi. Bãi cỏ biến mất dưới lớp tuyết mỏng đầu mùa. Lối đi biến mất. Tiếng sói tru cũng biến mất. Chỉ còn lời sóng âm vang. Ông trốn Nice, tưởng đã yên. Nhưng tiếng sóng rì rào ca hát nào chịu buông tha, nó đã ẩn sâu đâu đó bên màng nhĩ, đều đều, khoan thai dội đập. Làm sao lấy được lời đại dương ra khỏi vỏ ốc biển? Ông Hạnh ao ước có Sylvie ngồi bên cạnh mình lúc này để thầm thì tình tự. Yêu em biết bao nhiêu! Sylvie, tuổi ba mươi, tóc mượt mắt trong, như Josiane bây giờ. Những suy nghĩ của ông già đi theo tuổi tác, nhưng tình cảm dành cho Sylvie còn tươi nguyên như ngày nào. Trẻ mãi như những tấm ảnh, như màu áo mùa thu chọn sẵn chưa kịp mặc. Ông Hạnh quên hết khuôn mặt những người đàn bà đến sau. Chỉ còn lại nụ cười Sylvie. Duy nhất. Ông đã thử bắc vài chiếc cầu, mong nối hòn đảo cô đơn của mình với đôi ba hòn đảo lân cận. Nhưng cứ mỗi lần cầu xây được dăm nhịp, ông lại thẳng tay chặt, châm thuốc nổ giật sập ngay, không thương tiếc. Những ngọn sóng thình thình giận dữ bứt tung. Mọi cửa nẻo đóng kín. Nice mùa bão, biển chòng chành gây hấn, không như mọi khi phẳng mặt hồ bơi. Ông Hạnh nổi giận với chính mình. Những người đàn bà hoảng sợ, bỏ chạy. Khung ảnh Sylvie rạng rỡ nụ cười. Ông được ủi an, nguôi ngoai, yên tâm tiếp tục sống. Nhưng những mùa động biển vẫn đến trong ông, như chu kỳ của con trăng, của một năm, một giáp. Ông sống đong đưa như thế suốt thời trung niên, giữa phần sáng và phần tối của chính mình, giữa sự chung thủy, tình yêu dành cho Sylvie và những đòi hỏi, thúc bách của bản thân bao năm khao khát sự trao đổi cả về tinh thần lẫn thể xác. Dằn vặt chấm dứt ở tuổi sáu mươi. Ông thảnh thơi đóng chặt cánh cửa hồn, niêm phong lại, giam kín chỉ một nụ cười Sylvie. Ông thảnh thơi giao chùm chìa khoá căn nhà nhỏ nằm cheo leo trên sườn đá dựng cho người chủ mới, bỏ biển, bỏ Nice, về sống ẩn trong vùng núi Alpes. Ông thảnh thơi dọn lòng, chờ ngày gặp lại người vợ yêu ở đằng sau cánh cổng thiên đường, trong vườn trời bát ngát. Nhưng không, tiếng sóng vẫn còn. Và ông ngày một cùn nhụt, yếu đuối, cô đơn, mới đây lại sinh tật cứ ngồi lâu là chảy nước mắt khóc một mình. Ông muốn chấm dứt cõi buồn. Tiếng sói đến như một thiên khải bao lâu mong đợi. Hôm nay, đúng ngày sinh nhật bảy mươi tuổi, quần áo chỉnh tề, ông Hạnh quyết định sẽ lái xe lao xuống vực từ độ cao 1650m, chỗ đèo Turini, để được sống, được cảm nỗi hãi sợ của Sylvie, để được hiểu vợ ông trọn vẹn hơn trước giây phút gặp lại. Ông để tờ di chúc lên bàn, có chữ ký của ông, dấu triện đỏ và chữ ký của chưởng khế. Ông tắt gaz, tắt lò sưởi, tắt đèn. Khép cửa. Ðóng những ngoặc đơn ngoặc kép của cuộc đời. Chấm hết. Tiếng điện thoại reo hoảng. Ông Hạnh do dự vài giây, tay vẫn không rời quả nắm cửa. Thôi, vào! Mở khoá. Bật đèn. Nhấc máy.
- Allo?
- Ong nhoai... Joyeux anniversaire!
Lỗ tai ông lùng bùng. Sóng. Sóng.
- Quoi? Qui est là? (*)
Tiếng Josiane vang lên ở đầu ống nghe:
- Bonjour papa, tout à l'heure, c'est Tâm qui veut dire bonjour à papy, en vietnamien...
Ông Hạnh ngồi thụp xuống ghế. Hơi thở nhanh. Nhịp tim mạnh. Sóng. Sóng.
- Depuis quand? Il sait parler vietnamien... depuis quand?
- Récemment. Il suit les cours de vietnamien avec deux petits copains. Tu sais, c'est Minh le professeur!
Minh, chồng Josiane, dạy thằng Tâm tiếng Việt. Chuyện hiển nhiên hẳn phải là như thế, chỉ riêng ông mãi mới hiểu ra. Chỉ vì ông trót đã không nghĩ như vậy. Chỉ vì các con ông đã nghĩ khác những điều ông nghĩ. Chúng cũng thường làm khác nhiều điều ông hằng chờ đợi, từ trước đến nay. Tiếng Josiane vẫn nói như reo nơi đầu dây bên kia. Con gái ông, nó đang nói tiếng Pháp hay tiếng Việt vậy?
- Bố khoẻ không? Tụi con định lên thăm bố hôm nay, nhưng tuyết mới đổ, đường còn trơn lắm. Mai tụi con đến, bố nhé! Thằng Tâm nôn nóng muốn khoe với ông ngoại tài đọc tiếng Việt... Bố, bố có nghe con nói không?
- À... ừ... có! Mai tụi mày đến mấy giờ?
- Khoảng trưa trưa bố ạ! Con chuẩn bị thức ăn sẵn rồi, bố không phải nấu nướng gì cả nhé!
- Mày nói với thằng Minh, lái xe phải cẩn thận, coi chừng đường đèo trơn trợt...
- Vâng! Con ngừng nghe bố. Chúc bố sinh nhật vui vẻ. Ngày mai, tụi con lên, nghe bố!
Sinh nhật vui vẻ! Ông Hạnh gác máy, nghĩ đến lời chúc như một thành ngữ quen thuộc tuôn ra từ miệng con gái. Joyeux anniversaire! Tiếng Việt có cái thành ngữ ấy không nhỉ? Trí óc cùn mằn của ông chậm chạp làm việc, đào xới từng tầng ký ức, mong tìm lại một vài di tích cũ nát. Tất cả thời thơ ấu, thuở thiếu niên bị bỏ quên lại sau lưng. Cuộc đời ông hình như chỉ bắt đầu từ 1953, năm ông đặt chân lên nước Pháp du học. Cái mảnh đất ở xa, như một đại lục đã ngập sâu trong lòng biển, khép lại vĩnh viễn, mất dấu. Ông nghe Minh kể lại những dâu bể nơi quê mẹ với thái độ thờ ơ của kẻ ngoại cuộc, thoảng chút xót xa của một người ngoại quốc. Ðông Dương, Việt Nam, Hải Phòng, từ lâu lắm, đã không gợn lên nơi ông chút tâm tưởng nào. Bỗng nhiên hôm nay... Ðúng vào ngày sinh nhật thứ bảy mươi, đúng vào lúc ông muốn kết thúc cuộc sống. Ngẫu nhiên hay định mệnh? Ông Hạnh đứng dậy treo mũ, cởi áo khoác, mở ngăn kéo cất tờ di chúc. Ừ, thì ông sẽ đợi đến mai. Ít ra, ông cũng muốn được nghe thằng cháu ngoại nói tiếng Việt. Biết đâu, ông sẽ còn phải học chung với nó nữa, bao nhiêu năm không sử dụng, miệng lưỡi cứng đờ ra cả rồi, câu cú, chữ nghĩa cũng rơi rụng hết. Ông Hạnh thấy vui vui. Ngày mai, chắc chắn sẽ khác nhiều so với ngày hôm nay, ngày hôm qua và những ngày trước đó...
Buổi tối, truyền hình đài ba có một mẩu tin ngắn, nhắc đến vài con sói từ Ý, đã men theo đường rừng, đến sinh sống trong vùng núi Alpes, gây thiệt hại khá lớn cho những người chăn cừu. Ông Hạnh chợt hiểu tiếng sói tru về sáng mà ông nghe được là có thật. Không như tiếng sóng, vẫn miên man vọng động trong hồn ông từ bao nhiêu năm qua.
SAINT-QUENTIN-EN-YVELINES 12.1999
(*)
- Cái gì vậy? Ai đó?
- Thưa bố, lúc nãy thằng Tâm muốn chào ông ngoại bằng tiếng Việt...
- Từ lúc nào? Nó biết nói tiếng Việt... từ lúc nào?
- Mới đây thôi ạ. Nó học tiếng Việt với hai thằng bạn. Bố biết không, anh Minh dạy tụi nó đó!
Cổ Ngư
Bàn tay mềm khói sương
Tiếng hát nào hơ nóng?
Và ai qua đời tôi
Chiều âm vang ngàn sóng?
“Người đi qua đời tôi” - Trần Dạ Từ & Phạm Ðình Chương
Tiếng hát nào hơ nóng?
Và ai qua đời tôi
Chiều âm vang ngàn sóng?
“Người đi qua đời tôi” - Trần Dạ Từ & Phạm Ðình Chương
Ông Hạnh máy móc lập lại những thao tác của một ngày. Từ sáu, bảy năm nay, vẫn đều đặn mỗi ngày những thao tác ấy, có điều càng lúc càng chậm đi, để đến một giờ khắc nào đó, hết dây cót, ông sẽ cứng đờ ra rồi đổ vật xuống. Món đồ chơi cũ kỹ, hết thời, chẳng ai còn thèm mó đến. Phần tối trong ông chăm chỉ lấn dần phần sáng. Cái phần tối im lặng và nhẫn nại, dù biết trước sau gì, chiến thắng cũng sẽ thuộc về nó. Còn cái phần sáng cứ mải ơ thờ, co cụm teo tóp lại. Từ ngày về hưu, ông Hạnh dọn hẳn lên núi, sống thui thủi với tùng và mây. Ông đi ra đi vào đi lên đi xuống căn nhà gỗ hai tầng của mình, săn đuổi từng hạt bụi, đánh cho bóng cho mòn những bực thang gác và đôi khi ngẩn ngơ hàng giờ đứng ngắm rừng tùng bên cửa sổ. Những thân cây chắc nịch, sừng sững đứng, cành xoè ra nhiều lớp như chiếc áo dạ hội xanh ngắt, trên điểm một hàng trái nhỏ, từa tựa dãy nến nâu chĩa thẳng lên trời. Những ngọn nến mùa Giáng Sinh. Hoa đèn lấp lánh. Rượu champagne với gà tây quay sau lễ Nửa Ðêm. Con Josiane và thằng Denis tranh nhau mở quà. Mắt ông, mắt Sylvie gặp nhau, say sóng sánh. Hạnh phúc. Hạnh phúc cuộn sóng ầm ào vỗ trong ông những ngày tháng cũ. Nice, thời sáu mươi. Josiane, “con đầm con,” mang nhiều nét của mẹ. Thằng Denis, nhỏ hơn hai tuổi, giống ông như khuôn đúc. Nhìn hai đứa nắm tay nhau chạy lon ton trên Promenade des Anglais, đố ai dám bảo chúng là chị em cùng cha cùng mẹ. Sylvie đằm thắm bên ông, tóc óng ánh nắng, mắt trong veo và váy áo phần phật gió. Sóng hiền hoà chạm bờ, nhìn hạnh phúc gia đình ông bước qua. Sóng êm đềm từng đêm dỗ giấc cho các con ông, tan hoà vào từng lời thầm thì tình tự của vợ chồng ông. Và cũng sóng ấy, lãnh đạm tẩy rửa thi hài chiếc Peugeot trắng của Sylvie rúm ró dưới vực đá. Tai nạn xảy ra giữa mùa hè. Tên say rượu lạc tay lái, từ trên dốc đèo đổ xuống, lao thẳng vào chiếc xe chạy ngược hướng. Cả hai rơi xuống vực, chết nát người. Hôm đứng đợi trục xác xe vợ lên, ông Hạnh hiểu, hạnh phúc của ông đã vỡ vụn, không cách gì kết nối lại được. Gần một ngày đứng trơ bên ghềnh đá, dưới cái nóng thiêu đốt của mặt trời Ðịa Trung Hải, tai ông ù đặc đi vì tiếng sóng. Sóng òm ọp va vào đá, va vào khối sắt trắng móp méo, va vào hồn ông tang tóc, và ở lại đó, cuồn cuộn gào thét, và ở lại đó, thê thiết than van. Ông Hạnh từ đấy sống đời của một cái bóng. Những đứa con lớn dần lên, trưởng thành. Thằng Denis nay đây mai đó, lang bạt kỳ hồ. Họa hoằn lắm, ông mới nhận được một cú điện thoại ngắn ngủi hay vài dòng chữ ngoáy vội, để biết, nó hiện giờ ở đâu và vẫn còn đang tiếp tục cùng ông chia sẻ bầu khí quyển này. Josiane xong đại học, ra riêng, xuất sắc trong công việc nhưng gian nan với nhiều mối tình không thành. Cha con vẫn sống cùng thành phố, gặp nhau chủ nhật thứ hai và thứ tư mỗi tháng, nhưng da Josiane nâu hồng, da ông xanh nhợt. Ông yêu các con, lo cho các con, nhưng không hiểu chúng được bao nhiêu. Thế giới của ông và của chúng là những hành tinh khác biệt. Ông ngớ người trước quyết định bỏ trường, bỏ nhà đi hoang không kèn không trống của Denis. Ông hoảng loạn trong lần tự tử hụt thứ nhất của Josiane và cáu kỉnh trong lần tự tử hụt thứ nhì. Sao nó không nói gì với ông hết vậy? Sao nó bình thường vui vẻ cười giỡn với ông chủ nhật tuần trước để thứ tư tuần sau uống một lố thuốc ngủ định chấm dứt cuộc đời? Khi ông về hưu, dọn vào núi sống được gần hai năm, Josiane lấy chồng, “người Việt Nam giống bố,” và không còn làm ông phiền não nữa. Chúng nó có con trai đầu lòng, gọi ông là papy và cứ vòi chocolat mỗi lần gặp mặt. Yên thân được một đứa. Thằng Denis thì vẫn chân trời góc bể, ông không hiểu nó làm nghề gì để sống, để có tiền mà đi, mải miết?
Ông Hạnh hớp nốt ngụm cà-phê không đường, nhìn da trời xanh ngắt ngoài cửa sổ. Một ngày đẹp. Nắng loá trên đỉnh núi trắng tuyết. Những cành tùng cong oằn, mướt lá. Cây táo trước nhà trơ xương trần trụi. Bãi cỏ biến mất dưới lớp tuyết mỏng đầu mùa. Lối đi biến mất. Tiếng sói tru cũng biến mất. Chỉ còn lời sóng âm vang. Ông trốn Nice, tưởng đã yên. Nhưng tiếng sóng rì rào ca hát nào chịu buông tha, nó đã ẩn sâu đâu đó bên màng nhĩ, đều đều, khoan thai dội đập. Làm sao lấy được lời đại dương ra khỏi vỏ ốc biển? Ông Hạnh ao ước có Sylvie ngồi bên cạnh mình lúc này để thầm thì tình tự. Yêu em biết bao nhiêu! Sylvie, tuổi ba mươi, tóc mượt mắt trong, như Josiane bây giờ. Những suy nghĩ của ông già đi theo tuổi tác, nhưng tình cảm dành cho Sylvie còn tươi nguyên như ngày nào. Trẻ mãi như những tấm ảnh, như màu áo mùa thu chọn sẵn chưa kịp mặc. Ông Hạnh quên hết khuôn mặt những người đàn bà đến sau. Chỉ còn lại nụ cười Sylvie. Duy nhất. Ông đã thử bắc vài chiếc cầu, mong nối hòn đảo cô đơn của mình với đôi ba hòn đảo lân cận. Nhưng cứ mỗi lần cầu xây được dăm nhịp, ông lại thẳng tay chặt, châm thuốc nổ giật sập ngay, không thương tiếc. Những ngọn sóng thình thình giận dữ bứt tung. Mọi cửa nẻo đóng kín. Nice mùa bão, biển chòng chành gây hấn, không như mọi khi phẳng mặt hồ bơi. Ông Hạnh nổi giận với chính mình. Những người đàn bà hoảng sợ, bỏ chạy. Khung ảnh Sylvie rạng rỡ nụ cười. Ông được ủi an, nguôi ngoai, yên tâm tiếp tục sống. Nhưng những mùa động biển vẫn đến trong ông, như chu kỳ của con trăng, của một năm, một giáp. Ông sống đong đưa như thế suốt thời trung niên, giữa phần sáng và phần tối của chính mình, giữa sự chung thủy, tình yêu dành cho Sylvie và những đòi hỏi, thúc bách của bản thân bao năm khao khát sự trao đổi cả về tinh thần lẫn thể xác. Dằn vặt chấm dứt ở tuổi sáu mươi. Ông thảnh thơi đóng chặt cánh cửa hồn, niêm phong lại, giam kín chỉ một nụ cười Sylvie. Ông thảnh thơi giao chùm chìa khoá căn nhà nhỏ nằm cheo leo trên sườn đá dựng cho người chủ mới, bỏ biển, bỏ Nice, về sống ẩn trong vùng núi Alpes. Ông thảnh thơi dọn lòng, chờ ngày gặp lại người vợ yêu ở đằng sau cánh cổng thiên đường, trong vườn trời bát ngát. Nhưng không, tiếng sóng vẫn còn. Và ông ngày một cùn nhụt, yếu đuối, cô đơn, mới đây lại sinh tật cứ ngồi lâu là chảy nước mắt khóc một mình. Ông muốn chấm dứt cõi buồn. Tiếng sói đến như một thiên khải bao lâu mong đợi. Hôm nay, đúng ngày sinh nhật bảy mươi tuổi, quần áo chỉnh tề, ông Hạnh quyết định sẽ lái xe lao xuống vực từ độ cao 1650m, chỗ đèo Turini, để được sống, được cảm nỗi hãi sợ của Sylvie, để được hiểu vợ ông trọn vẹn hơn trước giây phút gặp lại. Ông để tờ di chúc lên bàn, có chữ ký của ông, dấu triện đỏ và chữ ký của chưởng khế. Ông tắt gaz, tắt lò sưởi, tắt đèn. Khép cửa. Ðóng những ngoặc đơn ngoặc kép của cuộc đời. Chấm hết. Tiếng điện thoại reo hoảng. Ông Hạnh do dự vài giây, tay vẫn không rời quả nắm cửa. Thôi, vào! Mở khoá. Bật đèn. Nhấc máy.
- Allo?
- Ong nhoai... Joyeux anniversaire!
Lỗ tai ông lùng bùng. Sóng. Sóng.
- Quoi? Qui est là? (*)
Tiếng Josiane vang lên ở đầu ống nghe:
- Bonjour papa, tout à l'heure, c'est Tâm qui veut dire bonjour à papy, en vietnamien...
Ông Hạnh ngồi thụp xuống ghế. Hơi thở nhanh. Nhịp tim mạnh. Sóng. Sóng.
- Depuis quand? Il sait parler vietnamien... depuis quand?
- Récemment. Il suit les cours de vietnamien avec deux petits copains. Tu sais, c'est Minh le professeur!
Minh, chồng Josiane, dạy thằng Tâm tiếng Việt. Chuyện hiển nhiên hẳn phải là như thế, chỉ riêng ông mãi mới hiểu ra. Chỉ vì ông trót đã không nghĩ như vậy. Chỉ vì các con ông đã nghĩ khác những điều ông nghĩ. Chúng cũng thường làm khác nhiều điều ông hằng chờ đợi, từ trước đến nay. Tiếng Josiane vẫn nói như reo nơi đầu dây bên kia. Con gái ông, nó đang nói tiếng Pháp hay tiếng Việt vậy?
- Bố khoẻ không? Tụi con định lên thăm bố hôm nay, nhưng tuyết mới đổ, đường còn trơn lắm. Mai tụi con đến, bố nhé! Thằng Tâm nôn nóng muốn khoe với ông ngoại tài đọc tiếng Việt... Bố, bố có nghe con nói không?
- À... ừ... có! Mai tụi mày đến mấy giờ?
- Khoảng trưa trưa bố ạ! Con chuẩn bị thức ăn sẵn rồi, bố không phải nấu nướng gì cả nhé!
- Mày nói với thằng Minh, lái xe phải cẩn thận, coi chừng đường đèo trơn trợt...
- Vâng! Con ngừng nghe bố. Chúc bố sinh nhật vui vẻ. Ngày mai, tụi con lên, nghe bố!
Sinh nhật vui vẻ! Ông Hạnh gác máy, nghĩ đến lời chúc như một thành ngữ quen thuộc tuôn ra từ miệng con gái. Joyeux anniversaire! Tiếng Việt có cái thành ngữ ấy không nhỉ? Trí óc cùn mằn của ông chậm chạp làm việc, đào xới từng tầng ký ức, mong tìm lại một vài di tích cũ nát. Tất cả thời thơ ấu, thuở thiếu niên bị bỏ quên lại sau lưng. Cuộc đời ông hình như chỉ bắt đầu từ 1953, năm ông đặt chân lên nước Pháp du học. Cái mảnh đất ở xa, như một đại lục đã ngập sâu trong lòng biển, khép lại vĩnh viễn, mất dấu. Ông nghe Minh kể lại những dâu bể nơi quê mẹ với thái độ thờ ơ của kẻ ngoại cuộc, thoảng chút xót xa của một người ngoại quốc. Ðông Dương, Việt Nam, Hải Phòng, từ lâu lắm, đã không gợn lên nơi ông chút tâm tưởng nào. Bỗng nhiên hôm nay... Ðúng vào ngày sinh nhật thứ bảy mươi, đúng vào lúc ông muốn kết thúc cuộc sống. Ngẫu nhiên hay định mệnh? Ông Hạnh đứng dậy treo mũ, cởi áo khoác, mở ngăn kéo cất tờ di chúc. Ừ, thì ông sẽ đợi đến mai. Ít ra, ông cũng muốn được nghe thằng cháu ngoại nói tiếng Việt. Biết đâu, ông sẽ còn phải học chung với nó nữa, bao nhiêu năm không sử dụng, miệng lưỡi cứng đờ ra cả rồi, câu cú, chữ nghĩa cũng rơi rụng hết. Ông Hạnh thấy vui vui. Ngày mai, chắc chắn sẽ khác nhiều so với ngày hôm nay, ngày hôm qua và những ngày trước đó...
Buổi tối, truyền hình đài ba có một mẩu tin ngắn, nhắc đến vài con sói từ Ý, đã men theo đường rừng, đến sinh sống trong vùng núi Alpes, gây thiệt hại khá lớn cho những người chăn cừu. Ông Hạnh chợt hiểu tiếng sói tru về sáng mà ông nghe được là có thật. Không như tiếng sóng, vẫn miên man vọng động trong hồn ông từ bao nhiêu năm qua.
SAINT-QUENTIN-EN-YVELINES 12.1999
(*)
- Cái gì vậy? Ai đó?
- Thưa bố, lúc nãy thằng Tâm muốn chào ông ngoại bằng tiếng Việt...
- Từ lúc nào? Nó biết nói tiếng Việt... từ lúc nào?
- Mới đây thôi ạ. Nó học tiếng Việt với hai thằng bạn. Bố biết không, anh Minh dạy tụi nó đó!