Dấu Cỏ Trên Đồi
Nguyễn Bá Dĩnh
Tôi sanh ra ở Tuy Hòa nhưng đến năm lên bảy thì theo gia đình dọn vô Nha-trang, miền quê hương cát trắng. Năm đó, tôi học đệ tam, ban Văn chương, nên tha hồ xả hơi giữa hai kỳ thi trung học và tú tài một.
Link" align="right" border="0" alt="" style="padding:7px;" /> Trong lớp tôi có nhiều nhân vật kỳ khôi lắm, một phần do các học sinh trường Collège francais bên cạnh đậu “brevet” xong chuyển sang, một phần do truyền thống cố hữu của các lớp đệ tam C.
Phá nhất là thằng Ngọc, vác cả kèn saxo vô lớp, đợi cô giáo quay lưng lại là lôi ra thổi toe toe mấy tiếng vang dội khiến cô giáo giật bắn cả người, may mà không tè ra lớp! Hiền lành thì cỡ thằng Hiệp, con nuôi thầy Cung Giũ Nguyên, lúc nào cũng sẵn sàng bị nhảy cửa sổ, cúp cua… Nhưng cự phách nhất phải là thằng Kim xóm chợ cá Phương Sài.
Đúng là dân chợ cá. Cả trường ai cũng sợ nó. Thành tích của nó là bẻ gãy tay một thằng lớp đệ nhất khi có chuyện xô xát ngoài đường. Tính tình nó dữ dằn đến nỗi nó không có một thằng bạn nào, trừ… tôi.
Chuyện tôi kết bạn với thằng Kim chợ cá cũng khá ly kỳ.
Hôm đó, tình cờ dun rủi, tôi gây lộn với một tay anh chị trong trường. Thằng này còn kéo thêm ba tay anh chị khác lảng-vảng trước cổng trường chờ tôi. Cả lớp xanh mặt, xì xào dữ lắm, nhưng không ai dám can thiệp hay có ý định can thiệp. Phần tôi ngồi học nhưng cứ nhấp nha nhấp nhổm, chưa biết tính sao. Bốn đánh một không chột cũng què. Phen này chắc tôi bỏ mạng sa tràng, khó thoát cảnh bị làm nhục giữa ban ngày! Thì giờ lại cứ ác nghiệt, càng qua mau.
Chuông tan học hôm nay reo to hơn mọi khi. Chuông vừa reo, cả lớp không giấu vẻ ái ngại quay lại nhìn tôi. Mặt tôi lúc đó không biết màu gì, tay chân luống cuống thu xếp sách vở, chuẩn-bị ra đấu trường. Trong hoàn-cảnh thập tử nhất sinh ấy, chợt thằng Kim bước lại, ném cho tôi chiếc khóa dây xe đạp, hất hàm.
- Mày đi với tao
Tôi lẳng lặng nhìn Kim, bỡ ngỡ, nhưng cũng hơi an tâm. Hai đứa song
song bước ra khỏi cổng trường, mắt không rời kẻ địch. Hôm ấy, lạy trời, có thầy giám học tình cờ đi cùng nên dưới thế vẫn bình-an, hai người thiện tâm thơ thới ra về còn nguyên một miếng.
Mấy hôm sau tôi với Kim luôn luôn về chung, trong cặp thủ sẵn bộ khóa dây làm vũ khí phòng thân. Thầy giám-học không về chung, nhưng mấy tay anh chị cũng không còn ngăn đường đón ngõ nữa.
Dần dà, Kim và tôi thân nhau. Kim rủ tôi về nhà chơi. Nhà Kim nghèo, cách chợ cá Phương Sài chỉ vài trăm thước. Mẹ Kim thấy tôi hiền, chăm học, không lêu lổng hoang đàng như con bà nên bằng lòng lắm.
- Bác có mình nó là con trai. Con lên đây học với nó cho có bạn. Để nó một mình, cứ đi chơi hoài, bác nói không nổi
Nhà tôi lúc đó khách khứa ra vô suốt ngày vì ba mẹ tôi là nhà buôn, học ở nhà cũng bị chia trí nên tôi đồng ý ngay. Thế là ngày nghỉ và cuối tuần, tôi hay đến nhà Kim để ôn bài, làm bài, ăn dầm nằm dề như nhà mình, thật thoải mái. Vui thì học, học chán lăn ra đi-văng mà ngủ, chẳng ai quở mắng rầy la gì cả.
Một hôm, Kim và tôi ngủ trưa dậy, tôi thấy bóng một ni cô thấp-thoáng sau nhà. Kim bảo:
- Chị Phương đó. Chị tao đi tu.
Chị Phương học lớp đệ nhất, ban A Vạn Vật, trường Bồ Đề, trên tôi và Kim hai lớp. Dáng người chị tầm thước, trắng trẻo phúc hậu chứ không đen đúa bặm trợn như Kim. Nụ cười chị thật nhẹ nhàng, tia mắt của chị thật hiền dịu. Khi chị cười, hỏi chào “Vĩnh phải không?”, tôi cứ đứng trân trối nhìn chị như nhìn một bà tiên trong truyện cổ-tích.
Chị tôi đi lấy chồng sớm. Mẹ tôi không thân với tôi. Tôi chưa bao giờ được hưởng sự ngọt ngào đằm thằm từ một người đàn bà. Chị Phương là hoa thơm, mật ngọt. Dòng suối tình thương mát mẻ đã khơi nguồn chảy thẳng vào tâm hồn của một đứa trẻ thiếu tình thương của mẹ, của chị, là tôi. Ba tôi bệnh liên miên, nên mẹ tôi nắm quyền lãnh đạo gia đình, nghĩa là làm những việc mà người đàn ông thường làm: lo cái ăn cái mặc cho gia đình, dạy dỗ con cái. Thương cho roi cho vọt. Trong nhà hình như tôi được mẹ…thương nhiều nhất, nên tôi không hề biết đến sự dịu dàng của một người đàn bà Việt nam như trong sách vở vẫn mô tả. Chưa bao giờ mẹ tôi ôm tôi vào lòng, vuốt ve: con ngoan của mẹ, ngủ đi, mai mẹ làm bánh cho ăn. Muốn tôi đi ngủ, bà tay cầm chiếc roi, mắt nhìn tôi nghiêm khắc:
- Đi ngủ! Mai còn đi học sớm
Thường thì tôi riu ríu leo lên giường ngay để tránh cảnh leo thang chiến cuộc và những đường roi vun vút lạnh mình.
Tôi thương chị Phương ngay khi vừa nghe tiếng chị. Không có âm thanh nào thân ái bằng tên mình, nhất là khi nó được cất lên với một giọng nhu hòa, từ ái từ một cái miệng xinh xinh tươi tắn, với đôi môi đỏ hồng khỏe mạnh. Tôi nhớ mãi những câu chị nói, và thỉnh thoảng khi nhớ chị, tôi lặp lại nho nhỏ chỉ vừa đủ cho mình nghe: “Vĩnh rán học cho xong bài đi, chị làm bánh su cho ăn!”, “Vĩnh có thích đi lên đồi học bài với chị không?”, “Vĩnh đi với chị có mắc cỡ không? Thiệt hả chị? Vĩnh mê bánh su của chị lắm đó! Có, chị ơi! Vĩnh thích lên đồi học bài với chị lắm. Chẳng những lên đồi, mà lên núi, hay đi năm châu bốn biển với chị, đi suốt đời Vĩnh, Vĩnh cũng thích. Không, chị ơi! Không bao giờ Vĩnh mắc cỡ khi đi chung với chị ngoài đường. Đừng nói chị là ni cô, cho dù chị là bà la sát thì em vẫn luôn luôn sung sướng được đi bên chị.
Tôi thường trả lời như vậy, và nhìn sâu vào mắt chị, với nụ cười ấm áp trẻ thơ của tôi. Những lúc ấy chị hay quay mặt nghiêng đi chỗ khác, tránh ánh mắt tôi. Tôi đoán là chị Phương có tâm sự gì u-ẩn, và chị chưa muốn chia sẻ với tôi, một người bạn nhỏ của chị.
Từ nhà chị Phương đi vô phía trong, qua chợ cá Phương Sài chừng nửa cây số là gặp con sông Vĩnh Xương. Phía bên kia bờ sông là quận Vĩnh Xương nơi có nhiều ngọn đồi cao thấp không đều, cảnh trí rất yên-tĩnh.
Chùa Hải Đức nằm trên một ngọn đồi ở đây. Trong những ngày hè, chị Phương thường rủ tôi lên một ngọn đồi nhỏ, ngồi dưới bóng cây râm mát để học bài.
Chị chăm học hơn tôi. Trong khi chị ngồi học, tôi trải khăn lên cỏ nằm ngủ. Thật ra thì tôi đâu ngủ liền. Tôi chỉ làm bộ ngủ để xem chị làm sao. Khi tôi nằm lăn ra ngoài nắng, chị đỡ đầu tôi, kéo vô trong mát. Mắt chị không rời trang sách, nhưng một con muỗi bay qua mặt tôi chị cũng biết, lấy tay quạt đi.
Nằm ngắm trộm chị một lúc, tôi có khi ngủ quên luôn. Đôi khi tôi mớ, chị Phương ơi, chị là bóng mát che đời em đó. Chị Phượng gõ gõ một ngón tay lên trán tôi, mắt chị nhìn xa xôi, nghĩ ngợi. Thật vậy, chị Phương ơi, chưa bao giờ có một tàn cây nào cho em bóng mát êm ả như chị. Chưa có ngọn gió nào làm em ngất ngây bằng bàn tay quạt muỗi của chị. Em thương chị. Em muốn suốt đời được nằm trên đồi xem chị học bài. Thời gian hãy ngừng lại, em không bao giờ lớn nữa và chị vĩnh viễn là cô học trò ngồi học trên đồi, chị Phương ơi.
Chị Phương thường nhờ tôi dò những bài triết, khi chị lẩm-nhẩm ôn lại. Có lẽ nhờ vậy mà sau này tôi quen với triết học hơn những môn khác. Có lần tôi hỏi chị Phương:
- Tình yêu là gì hả chị
Chị Phương đỏ mặt
- Ai biết
Tôi chợt thấy mình vớ vẩn, ai lại đi hỏi một ni cô về tình yêu! Tôi không bao giờ có ý trêu chị. Hỏi chị, nhưng chính là hỏi lòng tôi. Tôi còn trẻ dại quá. Tôi không hiểu thế nào là cho hay nhận, phân biệt giữa chủ thể hay khách thể. Tôi chỉ hiểu là chị Phương cho tôi rất nhiều, chị là gió mắt, là trăng thanh, là không khí trong lành, là nắng đẹp đầu hiên. Tôi êm đềm thụ hưởng và bơi lội trong thứ hạnh phúc trong sáng ấy như một chú cá nhỏ bên khe nước trong xanh. Phải chăng đó là tình yêu? Một thứ tình yêu thánh thiện vượt lên trên mọi thói tục tầm thường. Tự nhiên chị và tôi cùng im lặng. Cái im lặng lắng đọng, trong suốt như mặt nước trên dòng sông thủy tinh. Tôi để tâm hồn bay theo những suy tư không giới hạn, như những đám mây trên khoảng trời mùa hạ, lóng lánh như những hạt cát của hải tần, theo sóng chạy lăn tăn dưới ánh nắng trưa hè. Chị Phương trầm ngâm, xa vắng. Mắt chị đã rời trang sách, dõi theo một đôi chim trắng xoải cánh bay về một cõi trời xa..
Chị Phương thường nấu cơm chay đãi tôi. Ăn đi em, ăn chay lòng dạ nhẹ nhàng, trí huệ khai mở, Trời Phật độ trì học đâu nhớ đó. Tôi cười, chị ưa thuyết pháp quá, chị có muốn em cạo đầu đi tu với chị cho có chị có em không. Chị thở dài, mặt hơi chìm xuống. Tôi hối hận ngay. Chị ơi, em nói thật mà, chị là một tiên cô do Trời Phật sai xuống trần để cảm hóa em. Em sẽ ăn chay, những món chị làm. Em sẽ niệm Phật, những lời chị niệm. Em nhìn thấy ánh sáng chói lọi của niết bàn qua tâm hồn thanh cao của chị. Em sẽ…
Chị Phương hiểu lòng tôi. Chị đã cười lên trong ánh mắt. Nắng ấm ngoài sân hắt lên sáng bừng trên mặt chị..
Một cuối tuần tôi dầm mưa đạp xe đến nhà Kim. Chị Phương thấy tôi ướt như chuột lụt, lo lắng:
- Sao dại vậy em! Đợi tạnh mưa rồi đi! Dầm mưa cảm cho mà coi
- Em sợ chị đợi
Tôi vừa nói xong thì hắt hơi luôn mấy cái. Chị nhìn tôi nghiêm giọng
- Cảm rồi. Lên đi-văng nằm, chị cạo gió cho Chị lấy quần áo của Kim cho tôi mặc tạm, trong khi chờ hong bộ đồ ướt sũng của tôi. Tôi ngoan ngoãn nghe lời chị, leo lên đi-văng nằm sấp xuống cho chị cạo gió. Chị chọn đồng tiền nhẵn nhất để cạo cho tôi, vậy mà tôi vẫn thấy hơi đau, cứ nhúc nhích hoài. Chị Phương rầy:
- Con trai gì!..
Rồi chị xuống bếp lục tìm củ gừng để thay đồng tiền. Những vệt cạo của chị không làm tôi đau nữa, mà trái lại còn êm ái làm sao. Hơi ấm của dầu nóng, hơi ấm của chị, từ bàn tay thoăn thoắt nuột nà lan sang tôi. Tôi nghe hơi ấm truyền sâu vào da thịt, tỏa ra từng mạch máu. Tôi nằm lim dim nhắm mắt thụ hưởng cảm giác êm đềm ấy rồi ngủ quên luôn. Lúc giật mình chợp mắt, tôi thấy chị Phương bắc ghế ngồi đọc sách bên cạnh tôi. Lặng lẽ nằm ngắm chị một lúc, tôi cất tiếng, giọng hơi ỡm ờ.
- Cảm ơn chị Phương. Mai mốt chị cảm, em cạo gió lại cho chị nghe.
Chị Phương cười hiền
- Chị sợ cạo gió lắm. Khi nào chị cảm, Vĩnh nấu cho chị tô cháo lỏng thật nóng, ăn xong chị khỏe liền hà.
Năm ấy chị Phương thi rớt. Tôi hỏi chị có buồn không. Chị cười:
- Má muốn chị học thì chị học. Má muốn chị đi thi thì chị đi thi. Đậu rớt cũng chẳng để làm gì. Chị là người xuất gia mà. Hai chữ xuất gia từ cửa miệng chị chợt làm tôi xúc động.
- Tại sao chị đi tu hả chị
Chị trù trừ một lúc lâu rồi thong-thả
- Chị qui y để giải nghiệp cho má. Em biết không, má chị sống bằng nghề cho vay lãi, nghiệp chướng khôn cùng em ạ
- Đó là chị tự ý, hay má bảo chị
Chị Phương trả lời rất chậm:
- Ý má, mà cũng là ý chị, em à. Em có đọc truyện Mục Kiền Liên không? Chị nghe lời má, chính là để sau này có dịp vun phước chuộc tội cho má.
Tôi hỏi thêm:
- Sao chị không khuyên má đổi nghề khác?
Chị Phương cười buồn:
- Không được đâu em. Thời buổi khó khăn, một mình má bươi chải trăm chiều..
Tôi làm ra vẻ không tin:
- Có thật là má bảo chị đi tu không? Chớ không phải chị thất tình ông nào..
Tôi kịp dừng lại bên bờ vực thẳm. Chị Phương kịp nắm tôi, lôi lên:
- Vĩnh ơi, làm gì có thứ gọi là tình yêu trên cõi đời này hả em! Tất cả những gì mà Vĩnh nghĩ là tình yêu, chỉ là vị kỷ, nghiệp chướng, mà thôi. Tình yêu thực sự phải vị tha, phải giải nghiệp.
Tôi cúi đầu suy nghĩ, chẳng hiểu gì ráo, mà còn cảm thấy hơi hờn chị..
Nhưng tôi không hờn được lâu, vì má chị hôm ấy trái buổi chợ, về sớm. Như không kịp thấy tôi trong nhà, bà cao giọng gắt con gái:
- Hết mùa thi rồi, mầy không trở lại chùa, bộ tính bỏ tu luôn hả?
Chị Phương há hốc nhìn mẹ, rồi đôi dòng nước mắt từ từ lăn trên đôi gò má. Chị nhỏ nhẹ:
- Con đi bây giờ đó má
Nói xong, chị Phương quay gót vô phòng thu dọn quần áo. Má chị lúc đó mới quay qua nói với tôi:
- Nghĩ mà chán! Tu với hành gì mà cứ đi đi về về như đi chợ!
Tôi không dám nói gì, đứng dậy đi lên phòng khách, nghe lòng mình đau điếng. Tôi không nỡ thấy chị thân gái phải khăn gói ra đi khi trời sắp tối. Tôi đợi chị ra, nói nhỏ vào tai chị:
- Để em đưa chị lên chùa nghen
- Tùy Vĩnh
Tôi dắt xe đạp ra khỏi nhà, mời chị Phương ngồi lên yên sau để tôi chở. Chị nói nhẹ:
- Chị thích đi bộ
Tôi dắt xe đạp đi bộ cùng chị. Được một quãng đường dài, chợt chị Phương dừng lại:
- Vĩnh về đi, không lẽ theo chị đến tận chùa?
Tôi cười buồn:
- Theo chị đến đâu em cũng theo hết. Chị cười thành tiếng:
- Đồ điên. Chị chết đi Vĩnh có theo không?
Một cơn gió đêm lạnh lẽ thoảng qua khiến rồi rùng mình. Phương ơi, đừng nói gở, đừng bao giờ bỏ em. Tôi níu tay chị:
- Chị làm em sợ
Chị Phương quay lại, để yêu tay chị trong tay tôi, hai giọt nước mắt long lanh, không nói.
Tôi năn nỉ:
- Chị lên chùa vài hôm rồi về nhà nghe chị!
- Làm sao về được?
- Chị còn giận má phải không?
- Hết rồi! Nghĩ lại má cũng đúng. Ai đời ni cô gì mà không ở trong chùa mà cứ cặp đôi với..
Tôi hỏi trây:
-… với ai
Chị Phương thở dài:
- Thôi, em về đi Vĩnh
Tôi làm thinh không đáp, lặng lẽ bước bên chị cho đến khi cổng chùa hiện ra trước mặt. Chị Phương nắm chặt tay tôi, bàn tay chị lạnh ngắt. Chị siết mạnh một cái rồi buông tay tôi ra, giọng lạc đi:
- Thôi Vĩnh! Vĩnh biệt em!.
Tôi choáng váng tưởng mình nghe lầm. Chị quay lưng, bước thật nhanh.
Bóng chị nhòa đi, dài ngoằng, nhòe nhoẹt trên gương mặt đẫm nước của tôi. Chị ơi!..
Trời đã khuya lắm. Bầu trời đen thẳm. Tiếng chim ăn đêm nảo nuột một góc đồi. Tôi không về thẳng nhà, cứ đạp xe vòng khắp các ngả đường, dọc theo bờ biển. Vĩnh biệt? Tại sao lại vĩnh biệt? Chị Phương không bao giờ về nhà nữa sao? Tôi nhớ chị Phương. Hai mắt tôi ướt đẫm. Tôi sợ ngày mai. Ngoài khơi, những ngọn đèn thuyền lù mù, lung linh như réo gọi hồn tôi vào một cõi giới huyền hoặc. Tôi ngồi bệt xuống mặt cát ẩm, vốc lên từng nắm siết chặt trong lòng bàn tay. Phương ơi, chị ơi!.
Chiến cuộc xoay vần, ba mẹ và mấy anh em tôi dọn vô Sài Gòn ngay mùa thu năm đó. Tôi muốn ở lại lắm, nhưng không làm sao được. Cuộc sống mới, đèn sách, thi cử giam kín tôi trong một nỗi buồn vô hạn. Ba năm sau, tôi vào đại học. Rồi tôi có người yêu, một người con gái có mái tóc nhung đen và đôi mắt thăm thẳm như chị Phương.
Mùa hè năm đó tôi có dịp trở về Nha Trang. Chạy ào tới nhà Kim, mong thăm dò tin tức chị Phương. Vừa thấy tôi vô nhà, má Kim đã sướt mướt
- Vĩnh ơi, con Phương chết rồi!
Tôi xây xẩm như té xuống hố băng. Mặt tôi chắc tái mét đến độ má Kim giật mình. Tôi bàng hoàng như người vừa tỉnh sau một giấc mộng ngàn năm. Chẳng ngờ hai tiếng “vĩnh biệt” mà chị nói với tôi lại có nghĩa này. Tôi ngồi bệt xuống đi-văng, lắp-bắp:
- Tại sao, bác?
Má Kim thở dài:
- Hai bên đụng nhau dữ quá… đạn lạc… chùa sập, nhiều người chết lắm..
Giọng má Kim nghẹn lại. Tôi chợt nhớ:
- Còn Kim đâu bác?
- Nó nhập ngũ, đóng ngoài Quảng trị, lâu lắm mới về một lần.
Tôi hỏi:
- Mộ chị Phương chôn ở đâu bác? Bác cho con đi thăm mộ..
Tôi theo chân mẹ Kim đến nơi an nghỉ của chị Phương. Chính là ngọn đồi mà chị và tôi ngồi dưới bóng cây để học bài trong những buổi trưa nắng cháy. Má Kim nói:
- Đó là ý nguyện của nó khi lâm chung. Nước mắt tôi tới phút này mới trào ra được. Tôi nói:
- Bác về trước. Con ở đây một lúc với chị Phương rồi về sau.
Khi bóng mẹ Kim khuất dưới chân đồi, tôi ngã xuống mặt cỏ, khóc như một đứa bé khát sữa, quằn quại đau đớn. Chị Phương ơi, bóng cây còn đây, trời xanh mây trắng còn kia mà chị đi phương nào hả chị! Khóc đã, tôi lại nằm lăn ra, tìm lại trên mặt cỏ những dấu tích ngày xưa của chị. Tôi thấy hình ảnh chị lẫn lộn trong từng bụi cây từng lá cỏ. Tôi nghe cô đơn trùng điệp phủ vây. Chị vĩnh biệt em thật tình sao chị? Nước mắt của tôi lại trào ra. Phía bên dưới mặt đất mặt cỏ là thân xác chị. Tôi thấy từng ngọn cỏ như có linh hồn, vươn tay đón nhận những hạt nước mắt, thấm xuống tận thân thể chị. Tôi thấy trên từng dấu cỏ như còn in vết tích của người xưa. Những dấu cỏ theo tôi suốt cuộc đời. Phương ơi!..
Nguyễn Bá Dĩnh
Tôi sanh ra ở Tuy Hòa nhưng đến năm lên bảy thì theo gia đình dọn vô Nha-trang, miền quê hương cát trắng. Năm đó, tôi học đệ tam, ban Văn chương, nên tha hồ xả hơi giữa hai kỳ thi trung học và tú tài một.
Phá nhất là thằng Ngọc, vác cả kèn saxo vô lớp, đợi cô giáo quay lưng lại là lôi ra thổi toe toe mấy tiếng vang dội khiến cô giáo giật bắn cả người, may mà không tè ra lớp! Hiền lành thì cỡ thằng Hiệp, con nuôi thầy Cung Giũ Nguyên, lúc nào cũng sẵn sàng bị nhảy cửa sổ, cúp cua… Nhưng cự phách nhất phải là thằng Kim xóm chợ cá Phương Sài.
Đúng là dân chợ cá. Cả trường ai cũng sợ nó. Thành tích của nó là bẻ gãy tay một thằng lớp đệ nhất khi có chuyện xô xát ngoài đường. Tính tình nó dữ dằn đến nỗi nó không có một thằng bạn nào, trừ… tôi.
Chuyện tôi kết bạn với thằng Kim chợ cá cũng khá ly kỳ.
Hôm đó, tình cờ dun rủi, tôi gây lộn với một tay anh chị trong trường. Thằng này còn kéo thêm ba tay anh chị khác lảng-vảng trước cổng trường chờ tôi. Cả lớp xanh mặt, xì xào dữ lắm, nhưng không ai dám can thiệp hay có ý định can thiệp. Phần tôi ngồi học nhưng cứ nhấp nha nhấp nhổm, chưa biết tính sao. Bốn đánh một không chột cũng què. Phen này chắc tôi bỏ mạng sa tràng, khó thoát cảnh bị làm nhục giữa ban ngày! Thì giờ lại cứ ác nghiệt, càng qua mau.
Chuông tan học hôm nay reo to hơn mọi khi. Chuông vừa reo, cả lớp không giấu vẻ ái ngại quay lại nhìn tôi. Mặt tôi lúc đó không biết màu gì, tay chân luống cuống thu xếp sách vở, chuẩn-bị ra đấu trường. Trong hoàn-cảnh thập tử nhất sinh ấy, chợt thằng Kim bước lại, ném cho tôi chiếc khóa dây xe đạp, hất hàm.
- Mày đi với tao
Tôi lẳng lặng nhìn Kim, bỡ ngỡ, nhưng cũng hơi an tâm. Hai đứa song
song bước ra khỏi cổng trường, mắt không rời kẻ địch. Hôm ấy, lạy trời, có thầy giám học tình cờ đi cùng nên dưới thế vẫn bình-an, hai người thiện tâm thơ thới ra về còn nguyên một miếng.
Mấy hôm sau tôi với Kim luôn luôn về chung, trong cặp thủ sẵn bộ khóa dây làm vũ khí phòng thân. Thầy giám-học không về chung, nhưng mấy tay anh chị cũng không còn ngăn đường đón ngõ nữa.
Dần dà, Kim và tôi thân nhau. Kim rủ tôi về nhà chơi. Nhà Kim nghèo, cách chợ cá Phương Sài chỉ vài trăm thước. Mẹ Kim thấy tôi hiền, chăm học, không lêu lổng hoang đàng như con bà nên bằng lòng lắm.
- Bác có mình nó là con trai. Con lên đây học với nó cho có bạn. Để nó một mình, cứ đi chơi hoài, bác nói không nổi
Nhà tôi lúc đó khách khứa ra vô suốt ngày vì ba mẹ tôi là nhà buôn, học ở nhà cũng bị chia trí nên tôi đồng ý ngay. Thế là ngày nghỉ và cuối tuần, tôi hay đến nhà Kim để ôn bài, làm bài, ăn dầm nằm dề như nhà mình, thật thoải mái. Vui thì học, học chán lăn ra đi-văng mà ngủ, chẳng ai quở mắng rầy la gì cả.
Một hôm, Kim và tôi ngủ trưa dậy, tôi thấy bóng một ni cô thấp-thoáng sau nhà. Kim bảo:
- Chị Phương đó. Chị tao đi tu.
Chị Phương học lớp đệ nhất, ban A Vạn Vật, trường Bồ Đề, trên tôi và Kim hai lớp. Dáng người chị tầm thước, trắng trẻo phúc hậu chứ không đen đúa bặm trợn như Kim. Nụ cười chị thật nhẹ nhàng, tia mắt của chị thật hiền dịu. Khi chị cười, hỏi chào “Vĩnh phải không?”, tôi cứ đứng trân trối nhìn chị như nhìn một bà tiên trong truyện cổ-tích.
Chị tôi đi lấy chồng sớm. Mẹ tôi không thân với tôi. Tôi chưa bao giờ được hưởng sự ngọt ngào đằm thằm từ một người đàn bà. Chị Phương là hoa thơm, mật ngọt. Dòng suối tình thương mát mẻ đã khơi nguồn chảy thẳng vào tâm hồn của một đứa trẻ thiếu tình thương của mẹ, của chị, là tôi. Ba tôi bệnh liên miên, nên mẹ tôi nắm quyền lãnh đạo gia đình, nghĩa là làm những việc mà người đàn ông thường làm: lo cái ăn cái mặc cho gia đình, dạy dỗ con cái. Thương cho roi cho vọt. Trong nhà hình như tôi được mẹ…thương nhiều nhất, nên tôi không hề biết đến sự dịu dàng của một người đàn bà Việt nam như trong sách vở vẫn mô tả. Chưa bao giờ mẹ tôi ôm tôi vào lòng, vuốt ve: con ngoan của mẹ, ngủ đi, mai mẹ làm bánh cho ăn. Muốn tôi đi ngủ, bà tay cầm chiếc roi, mắt nhìn tôi nghiêm khắc:
- Đi ngủ! Mai còn đi học sớm
Thường thì tôi riu ríu leo lên giường ngay để tránh cảnh leo thang chiến cuộc và những đường roi vun vút lạnh mình.
Tôi thương chị Phương ngay khi vừa nghe tiếng chị. Không có âm thanh nào thân ái bằng tên mình, nhất là khi nó được cất lên với một giọng nhu hòa, từ ái từ một cái miệng xinh xinh tươi tắn, với đôi môi đỏ hồng khỏe mạnh. Tôi nhớ mãi những câu chị nói, và thỉnh thoảng khi nhớ chị, tôi lặp lại nho nhỏ chỉ vừa đủ cho mình nghe: “Vĩnh rán học cho xong bài đi, chị làm bánh su cho ăn!”, “Vĩnh có thích đi lên đồi học bài với chị không?”, “Vĩnh đi với chị có mắc cỡ không? Thiệt hả chị? Vĩnh mê bánh su của chị lắm đó! Có, chị ơi! Vĩnh thích lên đồi học bài với chị lắm. Chẳng những lên đồi, mà lên núi, hay đi năm châu bốn biển với chị, đi suốt đời Vĩnh, Vĩnh cũng thích. Không, chị ơi! Không bao giờ Vĩnh mắc cỡ khi đi chung với chị ngoài đường. Đừng nói chị là ni cô, cho dù chị là bà la sát thì em vẫn luôn luôn sung sướng được đi bên chị.
Tôi thường trả lời như vậy, và nhìn sâu vào mắt chị, với nụ cười ấm áp trẻ thơ của tôi. Những lúc ấy chị hay quay mặt nghiêng đi chỗ khác, tránh ánh mắt tôi. Tôi đoán là chị Phương có tâm sự gì u-ẩn, và chị chưa muốn chia sẻ với tôi, một người bạn nhỏ của chị.
Từ nhà chị Phương đi vô phía trong, qua chợ cá Phương Sài chừng nửa cây số là gặp con sông Vĩnh Xương. Phía bên kia bờ sông là quận Vĩnh Xương nơi có nhiều ngọn đồi cao thấp không đều, cảnh trí rất yên-tĩnh.
Chùa Hải Đức nằm trên một ngọn đồi ở đây. Trong những ngày hè, chị Phương thường rủ tôi lên một ngọn đồi nhỏ, ngồi dưới bóng cây râm mát để học bài.
Chị chăm học hơn tôi. Trong khi chị ngồi học, tôi trải khăn lên cỏ nằm ngủ. Thật ra thì tôi đâu ngủ liền. Tôi chỉ làm bộ ngủ để xem chị làm sao. Khi tôi nằm lăn ra ngoài nắng, chị đỡ đầu tôi, kéo vô trong mát. Mắt chị không rời trang sách, nhưng một con muỗi bay qua mặt tôi chị cũng biết, lấy tay quạt đi.
Nằm ngắm trộm chị một lúc, tôi có khi ngủ quên luôn. Đôi khi tôi mớ, chị Phương ơi, chị là bóng mát che đời em đó. Chị Phượng gõ gõ một ngón tay lên trán tôi, mắt chị nhìn xa xôi, nghĩ ngợi. Thật vậy, chị Phương ơi, chưa bao giờ có một tàn cây nào cho em bóng mát êm ả như chị. Chưa có ngọn gió nào làm em ngất ngây bằng bàn tay quạt muỗi của chị. Em thương chị. Em muốn suốt đời được nằm trên đồi xem chị học bài. Thời gian hãy ngừng lại, em không bao giờ lớn nữa và chị vĩnh viễn là cô học trò ngồi học trên đồi, chị Phương ơi.
Chị Phương thường nhờ tôi dò những bài triết, khi chị lẩm-nhẩm ôn lại. Có lẽ nhờ vậy mà sau này tôi quen với triết học hơn những môn khác. Có lần tôi hỏi chị Phương:
- Tình yêu là gì hả chị
Chị Phương đỏ mặt
- Ai biết
Tôi chợt thấy mình vớ vẩn, ai lại đi hỏi một ni cô về tình yêu! Tôi không bao giờ có ý trêu chị. Hỏi chị, nhưng chính là hỏi lòng tôi. Tôi còn trẻ dại quá. Tôi không hiểu thế nào là cho hay nhận, phân biệt giữa chủ thể hay khách thể. Tôi chỉ hiểu là chị Phương cho tôi rất nhiều, chị là gió mắt, là trăng thanh, là không khí trong lành, là nắng đẹp đầu hiên. Tôi êm đềm thụ hưởng và bơi lội trong thứ hạnh phúc trong sáng ấy như một chú cá nhỏ bên khe nước trong xanh. Phải chăng đó là tình yêu? Một thứ tình yêu thánh thiện vượt lên trên mọi thói tục tầm thường. Tự nhiên chị và tôi cùng im lặng. Cái im lặng lắng đọng, trong suốt như mặt nước trên dòng sông thủy tinh. Tôi để tâm hồn bay theo những suy tư không giới hạn, như những đám mây trên khoảng trời mùa hạ, lóng lánh như những hạt cát của hải tần, theo sóng chạy lăn tăn dưới ánh nắng trưa hè. Chị Phương trầm ngâm, xa vắng. Mắt chị đã rời trang sách, dõi theo một đôi chim trắng xoải cánh bay về một cõi trời xa..
Chị Phương thường nấu cơm chay đãi tôi. Ăn đi em, ăn chay lòng dạ nhẹ nhàng, trí huệ khai mở, Trời Phật độ trì học đâu nhớ đó. Tôi cười, chị ưa thuyết pháp quá, chị có muốn em cạo đầu đi tu với chị cho có chị có em không. Chị thở dài, mặt hơi chìm xuống. Tôi hối hận ngay. Chị ơi, em nói thật mà, chị là một tiên cô do Trời Phật sai xuống trần để cảm hóa em. Em sẽ ăn chay, những món chị làm. Em sẽ niệm Phật, những lời chị niệm. Em nhìn thấy ánh sáng chói lọi của niết bàn qua tâm hồn thanh cao của chị. Em sẽ…
Chị Phương hiểu lòng tôi. Chị đã cười lên trong ánh mắt. Nắng ấm ngoài sân hắt lên sáng bừng trên mặt chị..
Một cuối tuần tôi dầm mưa đạp xe đến nhà Kim. Chị Phương thấy tôi ướt như chuột lụt, lo lắng:
- Sao dại vậy em! Đợi tạnh mưa rồi đi! Dầm mưa cảm cho mà coi
- Em sợ chị đợi
Tôi vừa nói xong thì hắt hơi luôn mấy cái. Chị nhìn tôi nghiêm giọng
- Cảm rồi. Lên đi-văng nằm, chị cạo gió cho Chị lấy quần áo của Kim cho tôi mặc tạm, trong khi chờ hong bộ đồ ướt sũng của tôi. Tôi ngoan ngoãn nghe lời chị, leo lên đi-văng nằm sấp xuống cho chị cạo gió. Chị chọn đồng tiền nhẵn nhất để cạo cho tôi, vậy mà tôi vẫn thấy hơi đau, cứ nhúc nhích hoài. Chị Phương rầy:
- Con trai gì!..
Rồi chị xuống bếp lục tìm củ gừng để thay đồng tiền. Những vệt cạo của chị không làm tôi đau nữa, mà trái lại còn êm ái làm sao. Hơi ấm của dầu nóng, hơi ấm của chị, từ bàn tay thoăn thoắt nuột nà lan sang tôi. Tôi nghe hơi ấm truyền sâu vào da thịt, tỏa ra từng mạch máu. Tôi nằm lim dim nhắm mắt thụ hưởng cảm giác êm đềm ấy rồi ngủ quên luôn. Lúc giật mình chợp mắt, tôi thấy chị Phương bắc ghế ngồi đọc sách bên cạnh tôi. Lặng lẽ nằm ngắm chị một lúc, tôi cất tiếng, giọng hơi ỡm ờ.
- Cảm ơn chị Phương. Mai mốt chị cảm, em cạo gió lại cho chị nghe.
Chị Phương cười hiền
- Chị sợ cạo gió lắm. Khi nào chị cảm, Vĩnh nấu cho chị tô cháo lỏng thật nóng, ăn xong chị khỏe liền hà.
* * *
Năm ấy chị Phương thi rớt. Tôi hỏi chị có buồn không. Chị cười:
- Má muốn chị học thì chị học. Má muốn chị đi thi thì chị đi thi. Đậu rớt cũng chẳng để làm gì. Chị là người xuất gia mà. Hai chữ xuất gia từ cửa miệng chị chợt làm tôi xúc động.
- Tại sao chị đi tu hả chị
Chị trù trừ một lúc lâu rồi thong-thả
- Chị qui y để giải nghiệp cho má. Em biết không, má chị sống bằng nghề cho vay lãi, nghiệp chướng khôn cùng em ạ
- Đó là chị tự ý, hay má bảo chị
Chị Phương trả lời rất chậm:
- Ý má, mà cũng là ý chị, em à. Em có đọc truyện Mục Kiền Liên không? Chị nghe lời má, chính là để sau này có dịp vun phước chuộc tội cho má.
Tôi hỏi thêm:
- Sao chị không khuyên má đổi nghề khác?
Chị Phương cười buồn:
- Không được đâu em. Thời buổi khó khăn, một mình má bươi chải trăm chiều..
Tôi làm ra vẻ không tin:
- Có thật là má bảo chị đi tu không? Chớ không phải chị thất tình ông nào..
Tôi kịp dừng lại bên bờ vực thẳm. Chị Phương kịp nắm tôi, lôi lên:
- Vĩnh ơi, làm gì có thứ gọi là tình yêu trên cõi đời này hả em! Tất cả những gì mà Vĩnh nghĩ là tình yêu, chỉ là vị kỷ, nghiệp chướng, mà thôi. Tình yêu thực sự phải vị tha, phải giải nghiệp.
Tôi cúi đầu suy nghĩ, chẳng hiểu gì ráo, mà còn cảm thấy hơi hờn chị..
Nhưng tôi không hờn được lâu, vì má chị hôm ấy trái buổi chợ, về sớm. Như không kịp thấy tôi trong nhà, bà cao giọng gắt con gái:
- Hết mùa thi rồi, mầy không trở lại chùa, bộ tính bỏ tu luôn hả?
Chị Phương há hốc nhìn mẹ, rồi đôi dòng nước mắt từ từ lăn trên đôi gò má. Chị nhỏ nhẹ:
- Con đi bây giờ đó má
Nói xong, chị Phương quay gót vô phòng thu dọn quần áo. Má chị lúc đó mới quay qua nói với tôi:
- Nghĩ mà chán! Tu với hành gì mà cứ đi đi về về như đi chợ!
Tôi không dám nói gì, đứng dậy đi lên phòng khách, nghe lòng mình đau điếng. Tôi không nỡ thấy chị thân gái phải khăn gói ra đi khi trời sắp tối. Tôi đợi chị ra, nói nhỏ vào tai chị:
- Để em đưa chị lên chùa nghen
- Tùy Vĩnh
Tôi dắt xe đạp ra khỏi nhà, mời chị Phương ngồi lên yên sau để tôi chở. Chị nói nhẹ:
- Chị thích đi bộ
Tôi dắt xe đạp đi bộ cùng chị. Được một quãng đường dài, chợt chị Phương dừng lại:
- Vĩnh về đi, không lẽ theo chị đến tận chùa?
Tôi cười buồn:
- Theo chị đến đâu em cũng theo hết. Chị cười thành tiếng:
- Đồ điên. Chị chết đi Vĩnh có theo không?
Một cơn gió đêm lạnh lẽ thoảng qua khiến rồi rùng mình. Phương ơi, đừng nói gở, đừng bao giờ bỏ em. Tôi níu tay chị:
- Chị làm em sợ
Chị Phương quay lại, để yêu tay chị trong tay tôi, hai giọt nước mắt long lanh, không nói.
Tôi năn nỉ:
- Chị lên chùa vài hôm rồi về nhà nghe chị!
- Làm sao về được?
- Chị còn giận má phải không?
- Hết rồi! Nghĩ lại má cũng đúng. Ai đời ni cô gì mà không ở trong chùa mà cứ cặp đôi với..
Tôi hỏi trây:
-… với ai
Chị Phương thở dài:
- Thôi, em về đi Vĩnh
Tôi làm thinh không đáp, lặng lẽ bước bên chị cho đến khi cổng chùa hiện ra trước mặt. Chị Phương nắm chặt tay tôi, bàn tay chị lạnh ngắt. Chị siết mạnh một cái rồi buông tay tôi ra, giọng lạc đi:
- Thôi Vĩnh! Vĩnh biệt em!.
Tôi choáng váng tưởng mình nghe lầm. Chị quay lưng, bước thật nhanh.
Bóng chị nhòa đi, dài ngoằng, nhòe nhoẹt trên gương mặt đẫm nước của tôi. Chị ơi!..
Trời đã khuya lắm. Bầu trời đen thẳm. Tiếng chim ăn đêm nảo nuột một góc đồi. Tôi không về thẳng nhà, cứ đạp xe vòng khắp các ngả đường, dọc theo bờ biển. Vĩnh biệt? Tại sao lại vĩnh biệt? Chị Phương không bao giờ về nhà nữa sao? Tôi nhớ chị Phương. Hai mắt tôi ướt đẫm. Tôi sợ ngày mai. Ngoài khơi, những ngọn đèn thuyền lù mù, lung linh như réo gọi hồn tôi vào một cõi giới huyền hoặc. Tôi ngồi bệt xuống mặt cát ẩm, vốc lên từng nắm siết chặt trong lòng bàn tay. Phương ơi, chị ơi!.
Chiến cuộc xoay vần, ba mẹ và mấy anh em tôi dọn vô Sài Gòn ngay mùa thu năm đó. Tôi muốn ở lại lắm, nhưng không làm sao được. Cuộc sống mới, đèn sách, thi cử giam kín tôi trong một nỗi buồn vô hạn. Ba năm sau, tôi vào đại học. Rồi tôi có người yêu, một người con gái có mái tóc nhung đen và đôi mắt thăm thẳm như chị Phương.
Mùa hè năm đó tôi có dịp trở về Nha Trang. Chạy ào tới nhà Kim, mong thăm dò tin tức chị Phương. Vừa thấy tôi vô nhà, má Kim đã sướt mướt
- Vĩnh ơi, con Phương chết rồi!
Tôi xây xẩm như té xuống hố băng. Mặt tôi chắc tái mét đến độ má Kim giật mình. Tôi bàng hoàng như người vừa tỉnh sau một giấc mộng ngàn năm. Chẳng ngờ hai tiếng “vĩnh biệt” mà chị nói với tôi lại có nghĩa này. Tôi ngồi bệt xuống đi-văng, lắp-bắp:
- Tại sao, bác?
Má Kim thở dài:
- Hai bên đụng nhau dữ quá… đạn lạc… chùa sập, nhiều người chết lắm..
Giọng má Kim nghẹn lại. Tôi chợt nhớ:
- Còn Kim đâu bác?
- Nó nhập ngũ, đóng ngoài Quảng trị, lâu lắm mới về một lần.
Tôi hỏi:
- Mộ chị Phương chôn ở đâu bác? Bác cho con đi thăm mộ..
Tôi theo chân mẹ Kim đến nơi an nghỉ của chị Phương. Chính là ngọn đồi mà chị và tôi ngồi dưới bóng cây để học bài trong những buổi trưa nắng cháy. Má Kim nói:
- Đó là ý nguyện của nó khi lâm chung. Nước mắt tôi tới phút này mới trào ra được. Tôi nói:
- Bác về trước. Con ở đây một lúc với chị Phương rồi về sau.
Khi bóng mẹ Kim khuất dưới chân đồi, tôi ngã xuống mặt cỏ, khóc như một đứa bé khát sữa, quằn quại đau đớn. Chị Phương ơi, bóng cây còn đây, trời xanh mây trắng còn kia mà chị đi phương nào hả chị! Khóc đã, tôi lại nằm lăn ra, tìm lại trên mặt cỏ những dấu tích ngày xưa của chị. Tôi thấy hình ảnh chị lẫn lộn trong từng bụi cây từng lá cỏ. Tôi nghe cô đơn trùng điệp phủ vây. Chị vĩnh biệt em thật tình sao chị? Nước mắt của tôi lại trào ra. Phía bên dưới mặt đất mặt cỏ là thân xác chị. Tôi thấy từng ngọn cỏ như có linh hồn, vươn tay đón nhận những hạt nước mắt, thấm xuống tận thân thể chị. Tôi thấy trên từng dấu cỏ như còn in vết tích của người xưa. Những dấu cỏ theo tôi suốt cuộc đời. Phương ơi!..