• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Năm Sửu nói chuyện Trâu

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Năm Sửu nói chuyện Trâu

    NĂM SỬU NÓI CHUYỆN TRÂU
    (Kỷ Sửu từ 26-01-2009 đến 13-02-2010)
    Hàn Lâm Nguyễn Phú Thứ

    Link" align="left" border="0" alt="" style="padding:7px;" />Sau khi năm Mậu Tý chấm dứt, thì đến năm Kỷ Sửu được bàn giao từ giờ giao thừa bắt đầu giữa đêm chủ nhựt, 25-01-2009 để cầm tinh đến 24 giờ đêm thứ bảy 13-02-2010. Năm Kỷ Sửu này cũng thuộc hành Hỏa và mạng Tích Lịch Hỏa tức Lửa Sấm Sét, năm này thuộc Âm, có can Kỷ thuộc mạng Thổ và có chi Sửu thuộc mạng Thổ. Căn cứ theo luật thuận hạp hay khắc kỵ của Ngũ Hành, thì năm này “Can tương hòa Chi” Bởi vì, Can = Thổ và Chi = Thổ. Trường hợp này, giống như các năm Kỷ Mùi (1919-1979-2039-2099) có Can Chi tương hòa lại có cùng mạng Thổ giống như năm Kỷ Sửu này hoặc là các năm Nhâm Tý (1912-1972-2032-2092) có Can Chi tương hòa đều có cùng mạng Thủy. Vì vậy, người hay năm Kỷ Sửu này xem như tổng quát rất thuận lợi, bởi vì Trời Đất được giao hòa nhau, không khác trong nhà có đôi vợ chồng sống rất hạnh phúc vậy, cho nên có thể nói là năm được thăng tiến từ vật chất đến tinh thần được vững chắc trong sự nghiệp tương lai. Được biết năm Sửu vừa qua là năm Đinh Sửu thuộc hành Thủy, nhằm ngày thứ sáu, 07-02-1997 đến 27-01-1998.

    Căn cứ theo Niên Lịch Cổ Truyền Á Đông xuất hiện được minh định quảng bá từ năm thứ 61 của đời Hoàng Đế bên Tàu, bắt đầu năm 2637 trước Công Nguyên, cho nên chúng ta lấy 2637 + 2009 = 4646, rồi đem chia cho 60 thì có kết quả Vận Niên Lục Giáp thứ 77 và số dư 26 năm bắt buộc rơi vào Vận Niên Lục Giáp thứ 78 bắt đầu từ năm 1984 cho đến năm 2043. Do vậy, năm Kỷ Sửu 2009 này là năm thứ 26 của Vận Niên Lục Giáp 78.
    Năm Sửu tức Trâu cũng là Ngưu, cho nên trong bàn dân thiên hạ cũng thường nhắc nhở luôn trong sinh hoạt xả hội hằng ngày, từ đó mới có những từ ngữ liên quan, xin trích dẫn như sau :

    Sửu là con Trâu đứng hạng thứ 2 của 12 con vật trong Thập Nhị Địa Chi, vì lớn con kình càng, lại còn mang cặp sừng trên đầu nên không thể sánh bằng con Chuột lanh lợi nhỏ con đến trước.

    Giờ Sửu = là giờ từ 01giờ đến đúng 03 giờ sáng hôm sau.
    Tháng Sửu = là tháng Chạp của năm âm lịch.
    Hoàng Ngưu = Hỏa Ngưu = con Bò.
    Thủy Ngưu = Con Trâu.
    Ngưu Dương = Trâu Dê.
    Ngoài ra, chúng ta còn thấy cây cỏ mang tên Ngưu, xin trích dẫn như sau :
    Ngưu hoàng = Vật vàng vàng mà cứng ở trong cái mật con Bò, người ta dùng để làm thuốc trị phong đàm.
    Hắc Sửu = là loại cây bìm bìm lông, hột nó đen, dùng để làm thuốc trị hạ nhiệt.
    Ngưu bàng tử = Hột cây muồng hoè để làm thuốc trị ghẻ.
    Ngưu tất = Rễ cỏ xước dùng để làm thuốc trị chứng bịnh đau gân cốt..
    Khiên Ngưu = Loại dây hắc sửu, dùng để làm thuốc trị hạ nhiệt.v.v.

    Đặc biệt, có những Ca Dao, Tục Ngữ và Thành Ngữ, xin trích dẫn như sau :

    Trâu Bò ở với nhau, quen chuồng quen chỏi,(*)
    Người ở với nhau lâu, inh ỏi đủ điều
    (*)Chỏi : là cây chắn ngang ở cửa chuồng để Trâu Bò ra không được..
    Trâu kia kén cỏ bờ ao,
    Anh kia, không vợ đời nào có con.
    Người ta con trước con sau,
    Thân anh không vợ như cau không buồng.
    Cau không buồng như tuồng cau đực,
    Trai không vợ cực lắm anh ơi!
    Người ta đi đón về đôi,
    Thân anh đi lẻ về loi một mình.
    Mất Trâu thì lại mua Trâu,
    Những quân cướp nó có giàu hơn ai.
    Trâu Bò được ngày phá đổ,
    Con cháu được ngày giổ ông.
    Nhịn thuốc mua Trâu,
    Nhịn trầu mua ruộng.
    Muốn giàu, nuôi Trâu cái,
    Muôn lụn bại, nuội Bồ Câu…(Ca Dao).
    Trâu chậm uống nước đục.
    Trâu ngơ ăn cỏ héo.
    Trâu lành không ai mà cả (*).
    (*) cả = trả giá để mua.
    Trâu ngả lắm kẻ cầm dao.
    Trâu đạp cũng chết, Voi đạp cũng chết.
    Trâu hay ác thì Trâu vạt sừng.
    Trâu bịnh cũng bằng Bò khoẻ.
    Trâu toi thì Bò ngả.
    Trâu lấm vẩy quàng.
    Trâu trắng đi đâu mất mùa đến đấy.
    Trai mười bảy, bẻ gãy sừng Trâu.
    Thân Trâu lo, thân Bò liệu.
    Có ăn có chọi mới gọi là Trâu.
    Thở hơn Trâu hạ địa (*)
    (*) Trâu hạ địa = Trâu bịnh lâu ngày).
    Mua Trâu vẽ bóng.
    Máu đâu, Trâu đó.
    Không có Trâu, bắt Bò thế, (đi đẩm).
    Thà chết vũng chân Trâu, hơn chết khi dĩa đèn.
    Tham bong bóng bỏ bọng Trâu.
    Thật thà lái Trâu.
    Thở như Trâu Bò mới vực (*)
    (*) vực = Tập kéo xe hay cày bừa.
    Trâu Bò húc nhau Ruồi Muổi chết.
    Trâu cày, Ngựa cởi.
    Trâu chết chẳng khỏi rơm.
    Trâu chết mặc Trâu, Bò chết mặc Bò.
    Trâu cột ghét Trâu ăn.
    Trâu đồng nào ăn cỏ đồng ấy.
    Trâu già đâu nệ dao phay.
    Trâu nghiến hàm, Bò bạch thiệt (*)
    (*) Bạch thiệt = Lưỡi trắng.
    Trâu tìm cột (*), cột chẳng tìm Trâu.
    (*) Cột = Cọc.
    Dắt Trâu chui qua ống.
    Ngưu tầm Ngưu, Mã tầm Mã.
    Thọ hóa thành Ngưu.
    (Cây lâu năm hoá thành Trâu xanh)… v.v. (Thành Ngữ).
    Miếng trầu là đầu câu chuyện,
    Con Trâu là đầu cơ nghiệp… v.v (Tục Ngữ).

    Xuyên qua Ca Dao, Tục Ngữ và Thành Ngữ có liên quan đến Trâu đã dẫn ở trên kia, chúng ta không thể ngừng ở đây, mà còn thấy rất nhiều sách viết về những huyền thoại Trâu, xin trích dẫn để quý bà con đồng hương nhàn lãm như sau :

    Trâu là gia súc, loài nhai lại, trên đầu có cặp sừng hình vòng cung, nó chính là người bạn chân thành của những nhà nông từ xa xưa, đã từng đổ mồ hôi, sót con mắt trên luống cày hay bừa trên thửa ruộng, để cho có những hạt lúa, nương khoai nuôi dưỡng gia đình tộc Việt chúng ta. Ngày nay, nhờ cơ giới hóa có máy cày thay Trâu, nên Trâu bớt cơ cực như ngày xưa. Đối với thời xưa, dân tộc mình xem Trâu là một trong ba việc hàng đầu căn bản cho gia đình và xả hội cần phải sắm, cho nên trong dân gian thường nhắc nhở như sau :

    Tậu Trâu, lấy vợ, làm nhà
    Trong ba việc ấy lọ là khó thay!

    Ngoài ra, đất nước chúng ta là nông nghiệp, cho nên trong dân gian cũng thường nhắc đến Chồng cày, Vợ cấy, con Trâu đi bừa trên đồng ruộng. Đó chính là hình ảnh thân quen của những nông gia, có đời sống rất chất phát, cần cù lại êm đềm và hạnh phúc trong sự phân công giữa người và Trâu, xin trích dẫn như sau đây:

    Rủ nhau đi cấy, đi cày,
    Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu,
    Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
    Chồng cày, vợ cấy, con Trâu đi bừa.

    hoặc là :

    Trâu ơi, ta bảo Trâu cày,
    Trâu ra ngoài ruộng, Trâu cày với ta,
    Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
    Ta đây, Trâu đấy ai mà quản công,
    Bao giờ cây lúa còn bông,
    Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng Trâu ăn.
    Khi viết về cái Cày và con Trâu, tôi lại nhớ trong ngạn ngữ (Proverbe) Pháp cũng có câu như sau :
    Mettre la charrue devant les boeufs
    (Đặt cái cày trước con Trâu)

    Ý nói, bất cứ việc gì chúng ta đừng bao giờ làm việc trái đời, ví như đặt cái cày trước con Trâu, thì không thể thực hiện để thành công được.
    Trong dân gian mình có những huyền thoại tương truyền về Trâu, xin trích dẫn như sau:

    Tại sao Trâu ăn cỏ?

    Thuở xưa, Ngọc Hoàng sai một vị Bồ Tát xuống trần gian mang theo 1 bao hạt giống lúa và 1 bao cỏ để phổ độ chúng sanh. Trước khi xuống trần, Ngọc Hoàng đã tỉ mỉ căn dặn, đến trần gian phải gieo rắc bao hạt giống lúa trước để dân có dư giả mà ăn, còn bao cỏ thì gieo sau để nuôi thú vật. Nhưng khi vị Bồ Tát đến trần gian, thấy phong cảnh khác lạ, nên mãi mê xem mà quên lời căn dặn của Ngọc Hoàng, để rồi gieo bao cỏ trước và bao hạt giống lúa sau. Từ đó, cỏ không cần trồng cũng mọc tràn lan khắp mọi nơi, các thú vật ăn không bao giờ hết vì quá dư thừa và không làm sao diệt cỏ hết được. Còn lúa phải gieo trồng rất cực khổ và khó khăn mới có ăn, bởi vì bị cỏ mọc lấn áp làm lúa phát triển chậm hơn cỏ. Bởi lỗi ấy của vị Bố Tát, làm cho người trần gian trồng lúa rất khó nhọc mới có ăn và cỏ thì mọc tự nhiên quá nhiều, cho nên Ngọc Hoàng mới đày vị Bồ Tát này xuống trần gian hóa thành con Trâu để giúp người trần gian cày bừa trồng lúa và ăn cỏ, chừng nào hết cỏ sẽ được tha thứ cùng phục hồi địa vị cũ, nhưng ăn hoài vẫn không bao giờ hết cỏ được, nên Trâu chưa thoát kiếp. Do lý do trên, nên Trâu thường đi cày bừa giúp nông gia và ăn cỏ.

    Trong dân gian xem Trâu là vị Bồ Tát, có tánh tình hiền, nên ít ăn thịt hơn Bò là thế.

    Tại sao Trâu chỉ có một hàm Răng ?

    Cũng tương truyền thuở xưa rằng: Các loài thú vật bốn cẳng như Chó, Mèo, Trâu, Cọp …v.v thì có được hai hàm răng, duy chỉ có con Ngựa dù cũng có 4 cẳng, nhưng chỉ có một hàm răng. Bửa nọ, Ngựa được mời đi dự tiệc, Ngựa nghĩ rằng mình chỉ có một hàm răng ăn rất chậm, nên đi hỏi Chó, Mèo, Cọp … để mượn hàm răng, thì Chó, Mèo, Cọp …. cũng được mời ăn tiệc, chỉ còn Trâu cũng được mời ăn tiệc, nhưng không muốn đi vì lười, phần làm việc cực nhọc nên thân thể ê ẩm, nên không đi dự tiệc, cho nên Trâu được Ngựa đến năn nỉ và than thân trách phận vì số không có hai hàm răng, rồi hứa chỉ mượn tạm hàm răng của Trâu đi ăn tiệc xong sẽ trả lại liền, còn đền ơn đáp nghĩa cho Trâu. Trâu nghe bùi tai, động lòng nên gỡ cho Ngựa mượn. Sau khi dự tiệc xong, Ngựa thấy có hai hàm răng ăn rất mau và lại ngon miệng, nên động lòng tham, không giữ gìn lời hứa, bèn trốn lánh Trâu để giựt luôn hàm răng. Một hôm Trâu gặp được Ngựa đòi lại hàm răng và mắng chửi Ngựa thậm tệ, Ngựa phóng nước đại chạy trốn mất dạng, Trâu rượt theo một hồi không bắt kịp Ngựa, vì thân thể nặng nề nên rất chậm chạp. Từ đó, Trâu dành nuốt hận cho đến ngày nay, chỉ có một hàm răng, trong khi Ngựa lại có hai hàm răng.

    Đó là, nguyên do Trâu ăn cỏ, chỉ có một hàm răng và cày bừa giúp nhà nông trồng lúa. Đây là một trong những tương truyền trong dân gian để răng đời đáng quý !

    Tại sao Trâu không biết nói tiếng người và có cái sẹo như nốt ruồi dưới cổ:

    Thuở xa xưa, Trâu cùng nói được tiếng với người, nhờ vậy người dùng lời nói để sai khiến Trâu, cho nên bọn mục đồng (chăn Trâu) không thể dùng roi để đánh đập Trâu hay không cho Trâu ăn cỏ đầy đủ, vì sợ Trâu mét chủ. Nhờ vậy, người cùng vật quấn quít và thương mến nhau. Có một gia đình nông dân nọ, có nuôi một con Trâu và mướn một cậu bé để chăn Trâu, thời gian sau nó bỏ bê chăn Trâu, vì mê lo đánh đáo cùng bọn chăn Trâu khác, nhưng sợ Trâu đi ăn lúa, nên nó cột Trâu lại một chỗ không cho ăn uống, cho nên Trâu bị đói, bụng xếp ve, để qua mắt chủ, nó lấy mo cau áp vào bụng Trâu rồi trét bùn bên ngoài. Cứ thế, ngày ngày nó dẫn Trâu về chuồng, người chủ thấy bụng Trâu no tròn thì hài lòng và yên bụng tưởng rằng nó lo cho Trâu cẩn thận chu đáo, có ngờ đâu Trâu thì bị đói cả ngày, không như các ngày vừa qua, chỉ bỏ Trâu đói vài giờ, cho nên Trâu định mét chủ, nhưng Trâu bị nó khôn ngoan, lanh lợi dùng lời lấn áp Trâu, không cho Trâu có dịp nói với chủ. Sáng hôm sau, người chủ dắt Trâu đi cày, Trâu đi không nổi vì đói, nên bị chủ quát: “Mau lên đồ lười”. Trâu trả lời: “Không phải lười vì đói”. Chủ nói: “Ngày nào nó cũng cho mầy ăn một bụng no nê mà đói nỗi gì?”. Trâu thố lộ: “Nó chỉ lo mê đánh đáo, rồi nói láo cho tôi ăn no, no gì mà no trong mo cau ngoài đất sét”. Người chủ vội vàng kiểm chứng thấy sự thật, khi lột mo cau trét bùn dưới bụng Trâu và đánh cậu bé chăn Trâu một trận nên thân. Từ đó, ngày nào Trâu cũng được ăn no và tắm rửa chu đáo. Riêng cậu bé chăn Trâu, ba bốn ngày hôm sau chỗ bị đánh vẫn còn sưng, cậu bé ngồi khóc trên bờ ruộng, bỗng một ông lão hiện ra hỏi han nguyên do bị đánh, cậu bé trình bày sự thật và ông lão rút trong người ra một nén nhang, rồi đốt lên dí vào cổ con Trâu, làm cho Trâu đau điếng, kêu khan cả cổ, tiếng nói dần dần biến mất, sau cùng khi nào muốn nói, Trâu chỉ phát ra được tiếng “nghé…ọ”. Riêng ở chổ bị thương, sau đó trở thành một cái sẹo như nốt ruồi. Từ đó, Trâu sanh ra đều không nói được tiếng người và đều mang cái nốt sẹo ở dưới cổ.

    Những huyền thoại về Trâu còn nhiều, nào là :

    Trâu nhà, Trâu rừng, Ngưu Mân (Trâu ngủ), trong Tây Du Ký tác giả Ngô Thừa Ân nói về Ngưu Ma Vương đánh với Tề Thiên Đại Thánh cuối cùng nhờ có Thái Thượng Lão Quân mới thu phục được Ngưu Ma Vương dẹp bỏ được chướng ngại trên đường thầy Trần Huyền Trang tức Tam Tạng phụng chỉ vua Đường Thái Tôn sang nước Thiên Trúc để thỉnh kinh Phật về truyền bá trong dân gian. Ba bộ kinh của Phật Giáo là: Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng gọi chung là Tam Tạng. Trên đường đi xa xôi ngàn dặm, hành trình gian nan, nguy hiểm vì có nhiều yêu quái, nhờ có bọn học trò giỏi theo phò như sau:

    - thứ nhứt là Tôn Ngộ Không tức Tôn Hành Giả, cốt Khỉ tu hành lâu năm nên thành người, có 72 phép biến hóa thần thông, được biệt danh là Tề Thiên Đại Thánh.

    - thứ nhì là Trư Bát Giới, cốt Heo tu hành lâu năm nên thành người, cũng có phép không vừa.

    - thứ ba là Sa tăng, một con quỷ hung tợn được thầy Tam Tạng thuyết phục và thâu dụng làm đệ tử.

    Mặc dù thầy Trần Huyền Trang có ba đệ tử tài năng phép luật cao cường, nhưng khi đến Hoả Diệm Sơn đành phải chùn bước, vì trở ngại núi quá cao lại có phun lửa rực trời, sức nóng mãnh liệt. Muốn vượt qua phải dập tắt ngọn lửa này, nhưng phải có cây quạt Ba Tiêu của Ngưu Ma Vương tức chồng của Bà La Sát nắm giữ. Được biết, Ngưu Ma Vương vốn là con Trâu đã tu luyện cả ngàn năm thành người, nên tài phép không thua gì Tề Thiên Đại Thánh. Thầy trò Đường Tăng Tam Tạng tìm đến mượn quạt Ba Tiêu, thì Ngưu Ma Vương không cho mượn, còn nặng lời sỉ vả, cho nên Tôn Hành Giả hiệp cùng Trư Bát Giới được Thổ Địa trợ giúp vây đánh Ngưu Ma Vương suốt ba ngày ba đêm để chiếm đoạt quạt Ba Tiêu, nhưng bất phân thắng bại. Sau cùng, nhờ Phật Tổ cho bốn Ông Kim Cang tấn công bốn hướng như sau :

    - Ông Đại Lực Kim Cang hướng Đông.
    - Ông Vĩnh Trụ Kim Cang hướng Tây.
    - Ông Thắng Chi Kim Cang hướng Nam .
    - Ông Bát Pháp Kim Cang hướng Bắc.

    Khi đó, Ngưu Ma Vương mới cùng đường chống đỡ, nên phải chạy trốn, nhảy lên cao núp trong mây, nhưng cũng không thoát khỏi được, vì có các sứ thần của thượng đế là Na Tra và Lý Thiên Vương chận đường vây bắt. Cuối cùng Ngưu Ma Vương mới chịu đầu hàng và quy y đầu Phật.
    Nhân đây, tôi xin trích dẫn Ngài Huyền Trang như sau: Ngài Huyền Trang tức Hiuan-Trang (có người nói ngài họ Trần tên Huyền Trang), sanh năm 602 và chết năm 664, hưởng thọ 63 tuổi. Năm 13 tuổi ngài xuất gia học đạo. Năm 20 tuổi thọ giới cụ túc, lúc bấy giờ nước Tàu có loạn lạc, mãi đến năm 629, ngài được 27 tuổi, thuộc đời nhà Đường (618-907) niên hiệu Trinh Quáng năm thứ ba, Ngài mới sang Ấn Độ thỉnh kinh, phải qua 100 quốc gia thuộc các nước nhỏ của xứ Ấn Độ, cho nên có tên Đường Tam Tạng. Việc đi này, rất nhiều cuộc nguy hiểm trên đường đi và nhờ phép Phật che chở, nên Ngài vượt qua các tai nạn và cuối cùng được các Vua Tây Vực tiếp rước và giúp đỡ tận tình để Ngài tu học các ngôi đại tự cho thành tài, cuối cùng thỉnh các tạng kinh sách từ Ấn Độ mang về, được Vua Thái Tông tiếp rước nồng hậu. Sau đó, Ngài dịch kinh luận được trên 1.500 quyển từ Phạn ngữ sang Hán ngữ, riêng bộ Duy Thức Luận là đặc sắc nhứt và được người đời tôn Ngài là Giáo Tổ dịch giả của Pháp Tướng Tông. Hơn nữa, Ngài còn soạn xong bộ Tây Du Ký dâng lên vua Thái Tông, được vua ngự phê cùng các bộ kinh khác của Ngài dịch và khi Ngài tịch được vua Cao Tông cử hành quốc táng, cùng xây tháp tôn thờ Ngài. Do đó, có thể nói Ngài là một đại sa môn người Trung Hoa đầu tiên dịch kinh từ tiếng Phạn sang tiếng bản xứ. Nếu kể từ sau khi Đức Phật diệt độ, cho đến Ngài đi thỉnh kinh từ Ấn Độ về năm 645 là 1.189 năm (bởi vì : 544 + 645 = 1.189 năm) và thời gian ngài đi thỉnh kinh là 16 năm (bởi vì : 645 - 629 = 16 năm). (Trích dẫn bài Năm Hợi Nói Chuyện Heo ở trước).

    Ngoài ra còn có :

    Tục đấu (chọi) Trâu:
    Tục này xưa kia thường được tổ chức ở một vài nơi như huyện Lập Thạch, Tỉnh Vĩnh Yên hoặc ở Đình Bảng, Hà Đông hay ở Đồ Sơn, Kiến An, cho nên trong dân gian thường truyền tụng để nhớ ngày đấu Trâu như sau :

    Dù ai bán đâu, buôn đâu,
    Mùng mười tháng tám đấu Trâu thì về.
    hoặc là :
    Dù ai buôn bán trăm nghề,
    Mùng mười tháng tám nhờ về đấu Trâu.

    Đặc biệt, khi nói đến mục đồng(chăn Trâu) ngày xưa, không phải người mục đồng nào cũng nghèo hèn, thất học hết, tối ngày chân lắm tay bùn cơ cực suốt một cuộc đời ở cận kề với Trâu, mà không thể trở thành danh nhân lừng lẩy. Bằng chứng là trong lịch sử đất nước chúng ta có hai danh nhân đã từng là mục đồng. Đó là :

    - Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ là người mục đồng, quê ở Hoa Lư , huyện Gia Viễn, Tỉnh Ninh Bình. Sau khi đứng lên dẹp được loạn sứ quân lên ngôi trở thành vua Đinh Tiên Hoàng (năm 968) làm vua được 12 năm, thọ 56 tuổi (chết năm 979).

    Trong Đại Nam Quốc Sử diễn ca, có đoạn nói về vua Đinh Tiên Hoàng như sau :

    Có ông Bộ Lĩnh họ Đinh,
    Con quan Thứ Sử ở thành Hoa Lư ,
    Khác thường từ thuở còn thơ,
    Rủ đoàn mục tử mở cờ bông lau …

    - Đào Duy Từ thuở nhỏ cũng là mục đồng, con của Đào Tá Hán làm nghề hát tuồng và Bà Kim Chi là người hiếu học, nên sau được Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên phong chức Nha Úy Nội Tán, tước Lộc Khê Hầu, Quan Quản nội ngoại quân cơ, Tham lý quốc chánh và Cụ Đào Duy Từ là người đứng ra tổ chức đắp xây lũy Trường Dục ở huyện Phong Lộc và lũy Định Bắc Trường Thành dọc theo sông Nhật Lệ tục gọi là Lũy Thầy Đồng Hới để ngăn chận hữu hiệu quân Chúa Trịnh.

    Viết huyền thoại về Trâu còn dài dài, nếu kể thêm các lịch sử tương truyền bên Tàu hoặc đi vào văn chương sách vở thì không thể kể hết được, cho nên xin tạm ngưng ở đây, khi có dịp sẽ nối tiếp.

    Trước khi tạm kết thúc bài này, tôi xin trích dẫn thời gian 10 năm những năm con Trâu vừa qua và sắp tới có Hành như thế nào? để cống hiến quý bà con đồng hương nhàn lãm hoặc xem mình có phải sanh đúng năm Sửu hay không như dưới đây :

    Tên Năm Thời Gian Hành Gì?

    Tân Sửu 19-02-1901 đến 07-02-1902 Thổ
    Quý Sửu 06-02-1913 đến 25-01-1914 Mộc
    Ất Sửu 25-01-1925 đến 12-02-1926 Kim
    Đinh Sửu 11-02-1937 đến 30-01-1938 Thủy
    Kỷ Sửu 29-01-1949 đến 16-02-1950 Hỏa
    Tân Sửu 15-02-1961 đến 04-02-1962 Thổ
    Quý Sửu 03-02-1973 đến 22-01-1974 Mộc
    Ất Sửu 20-02-1985 đến 08-02-1986 Kim
    Đinh Sửu 07-02-1997 đến 27-01-1998 Thủy
    Kỷ Sửu 26-01-2009 đến 13-02-2010 Hỏa

    Và nhân đây, xin trích dẫn các ngày Tết nguyên đán kể từ năm Tân Mão 2011 đến năm Quý Mão 2023 để cống hiến quý bà con đồng hương thưỡng lãm như sau:

    - Tết Tân Mão, nhằm thứ năm, 03-02-2011 *
    - Tết Nhâm Thìn, nhằm thư hai, 23-01-2012 **
    - Tết Quý Tỵ, nhằm chủ nhựt, 10-02-2013 **
    - Tết Giáp Ngọ, nhằm thứ sáu, 31-01-2014 *
    - Tết Ất Mùi, nhằm thứ năm, 19-02-2015*
    - Tết Bính Thân, nhằm thứ hai, 08-02-2016 **
    - Tết Đinh Dậu, nhằm thứ bảy, 28-01-2017 *
    - Tết Mậu Tuất, nhằm thứ sáu, 16-02-2018 *
    - Tết Kỷ Hợi, nhằm thứ ba, 05-02-2019 *
    - Tết Canh Tý, nhằm thứ bảy, 25-01-2020 *
    - Tết Tân Sửu, nhằm thứ sáu, 12-02-2021 *
    - Tết Nhâm Dần, nhằm thứ ba, 01-02-2022 **
    - Tết Quý Mão, nhằm chủ nhựt, 22-01-2023 *

    Cước Chú: Những năm có một dấu * thì Tết có ngày 30, còn những năm có hai dấu ** thì Tết không có ngày 30, nên đón giao thừa vào giữa đêm 29, vì tháng thiếu.

    Kính chúc tất cả gia đình quý bà con đồng hương năm mới Vạn Sự Cát Tường.

    (Trich dẫn trong tác phẩm Tìm Hiểu Cuộc Đời của Nguyễn Phú Thứ)
    Sống trên đời

    Similar Threads
  • #2

    ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi hoangvu View Post
    Tại sao Trâu chỉ có một hàm Răng ?

    Cũng tương truyền thuở xưa rằng: Các loài thú vật bốn cẳng như Chó, Mèo, Trâu, Cọp …v.v thì có được hai hàm răng, duy chỉ có con Ngựa dù cũng có 4 cẳng, nhưng chỉ có một hàm răng. Bửa nọ, Ngựa được mời đi dự tiệc, Ngựa nghĩ rằng mình chỉ có một hàm răng ăn rất chậm, nên đi hỏi Chó, Mèo, Cọp … để mượn hàm răng, thì Chó, Mèo, Cọp …. cũng được mời ăn tiệc, chỉ còn Trâu cũng được mời ăn tiệc, nhưng không muốn đi vì lười, phần làm việc cực nhọc nên thân thể ê ẩm, nên không đi dự tiệc, cho nên Trâu được Ngựa đến năn nỉ và than thân trách phận vì số không có hai hàm răng, rồi hứa chỉ mượn tạm hàm răng của Trâu đi ăn tiệc xong sẽ trả lại liền, còn đền ơn đáp nghĩa cho Trâu. Trâu nghe bùi tai, động lòng nên gỡ cho Ngựa mượn. Sau khi dự tiệc xong, Ngựa thấy có hai hàm răng ăn rất mau và lại ngon miệng, nên động lòng tham, không giữ gìn lời hứa, bèn trốn lánh Trâu để giựt luôn hàm răng. Một hôm Trâu gặp được Ngựa đòi lại hàm răng và mắng chửi Ngựa thậm tệ, Ngựa phóng nước đại chạy trốn mất dạng, Trâu rượt theo một hồi không bắt kịp Ngựa, vì thân thể nặng nề nên rất chậm chạp. Từ đó, Trâu dành nuốt hận cho đến ngày nay, chỉ có một hàm răng, trong khi Ngựa lại có hai hàm răng.

    Đó là, nguyên do Trâu ăn cỏ, chỉ có một hàm răng và cày bừa giúp nhà nông trồng lúa. Đây là một trong những tương truyền trong dân gian để răng đời đáng quý !
    Bài học rút ra là không nên cho ai mượn cái gì hết phải không huynh, nếu (bị ép) cho mượn thì phải có... thế chấp, vậy chắc ăn hơn.

    Mà huynh ơi tại sao con trâu lại có hai cái sừng vậy huynh?
    Tôi yêu tiếng nước tôi

    Audio Truyện Kiều

    Comment

    • #3

      ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi nhé View Post
      Bài học rút ra là không nên cho ai mượn cái gì hết phải không huynh, nếu (bị ép) cho mượn thì phải có... thế chấp, vậy chắc ăn hơn.

      Mà huynh ơi tại sao con trâu lại có hai cái sừng vậy huynh?
      Có thể cũng là vì ngày xưa trâu có mượn một anh chàng nào đó như Tê giác ...... một cái sừng để mang thử, nhưng khi mang vào xong trâu thấy hai cái sừng có vẻ đẹp và "phong độ" hơn một cái nên từ đó giữ luôn và không trả lại giống như chú ngựa vậy đó.
      Sống trên đời

      Comment

      • #4

        ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi hoangvu View Post
        Có thể cũng là vì ngày xưa trâu có mượn một anh chàng nào đó như Tê giác ...... một cái sừng để mang thử, nhưng khi mang vào xong trâu thấy hai cái sừng có vẻ đẹp và "phong độ" hơn một cái nên từ đó giữ luôn và không trả lại giống như chú ngựa vậy đó.
        Tại sao Trâu mượn Tê giác một cái sừng mà cuối cùng có tới hai cái sừng lận, bộ con Trâu này hên nên mượn được cái sừng đang có... chửa hả huynh?
        Tôi yêu tiếng nước tôi

        Audio Truyện Kiều

        Comment

        • #5

          Năm Sửu nói chuyện các loài trâu

          Trên hành tinh xanh của chúng ta đang sống, có nhiều loài trâu khác nhau, được phân biệt bằng màu sắc lông và hình dạng của cặp sừng. Trâu có mặt ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ latinh và cả châu Âu.

          1- Trâu nhà: có xuất xứ từ trâu rừng, được con người thuần hóa cách nay hơn 3.000 năm. Trâu nhà có tên khoa học chung là Buffalusindicus, tên tiếng Anh là Buffalo, được xếp vào loài động vật guốc chẵn, thú có móng bằng, thuộc họ nhai lại. Trâu nhà có thân dài từ 2,5-3m, chiều cao từ 1,3-1,5m, trọng lượng từ 600-800kg.

          Cặp sừng cong trên đầu trâu, loại sừng rỗng, được sử dụng để mở đường qua các tầng cây thấp hoặc dùng đào đất lên thành các hố bùn để tắm, dầm mình. Mỗi chiếc sừng trâu nhà dài từ 60-120cm, khoảng cách giữa hai sừng là 50-90cm. Khi được 3 tuổi, trâu nhà đẻ lứa đầu, mỗi lứa chỉ đẻ một con. Trong suốt cả một đời, trâu nhà có thể đẻ từ 5 đến 6 lứa.

          2- Trâu rừng: tên khoa học là Bubalus bubalis, thân dài 3-3,5m, chiều cao từ 1,5 đến 1,8m, trọng lượng từ 800-1.000kg. Sừng trâu rừng dài khoảng 190cm, cong. Chúng thường đi ăn từng bầy. Bình thường, trâu rừng hiền lành, nhưng khi gặp kẻ thù chúng sẽ trở nên hung tợn.

          Trong thiên nhiên, chẳng có loài thú nào dám tấn công trâu rừng, kể cả hổ báo cũng phải kiêng dè. Trâu rừng sinh sản vào mùa hè, trâu cái mang thai khoảng 10-11 tháng, đẻ mỗi lứa một con, hiếm khi đẻ hai con. Hiện nay, trâu rừng còn sót lại rất ít ở vùng Tây Nguyên nước ta và vùng rừng rậm ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ...

          3- Trâu nước: tên khoa học là Bubalus arnee, tên tiếng Anh: Water Buffalo, còn được gọi là Trâu Arni, thân hình dài từ 2,5 - 3m, chiều cao 1,5 đến 1,8m ở tầm vai, trọng lượng tới 1.000kg. Hình vòng cung của cặp sừng trâu nước được xem là lớn nhất trong tất cả các loài trâu và bò khác, rất dễ bị nhầm lẫn với loài trâu nhà, nếu như không lưu ý đến những đặc điểm riêng của chúng.

          Trâu nước có ở Ấn Độ, Nhật Bản, Đông Nam Á, châu Âu, châu Phi, Hawaii, Trung và Nam Mỹ, Australia. Trâu nước sống thành đàn ở các lứa cỡ khác nhau. Vào mùa sinh sản, con đực tách riêng một vài con cái khỏi đàn, rồi lập ra các “khuê phòng” của riêng chúng. Mỗi con cái sinh 1 hay 2 con nghé sau thời kỳ mang thai 10 tháng. Trâu nước sống khoảng 18 năm. Ước lượng số trâu nước nuôi trong nhà ở Ấn Độ và Đông Nam Á hiện nay khoảng 75 triệu con

          4- Trâu Anoa: Tên khoa học là Bubalus depressicornis, tên tiếng Anh: Anoa Buffalo. Kích thước thân hình từ 1,6 đến 1,7m. Anoa là loài nhỏ nhất trong các loài trâu. Một con đực trưởng thành khi đứng chỉ cao 69-106cm ở tầm vai.

          Tuy nhiên, cấu trúc của nó lực lưỡng với một cái cổ dày và cặp sừng ngắn, nặng nề khoảng 38cm. Chúng chỉ còn tồn tại ở rừng hạ nguồn vùng Sulawesi, đảo Cebeles của Indonesia với tình trạng bảo tồn là báo động diệt chủng. Trâu Anoa có thể sống 20 đến 25 năm. Hiện nay chúng bị con người săn lùng ráo riết để lấy sừng, thịt và da, bất chấp những lời kêu gọi của các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã.

          5- Trâu châu Phi: tên khoa học là Synceros caffer, tên tiếng Anh là African Buffalo, kích thước thân hình dài từ 2,1-3m, sống chủ yếu ở khu vực châu Phi và miền Nam của sa mạc Sahara. Có hai chủng loại trâu châu Phi: loài nhỏ hơn là trâu đỏ có tên khoa học là Synceros nanus, chỉ sống ở trong rừng, rất hiếm; loài Synceros caffer, đang được mô tả ở đây, là loài trâu sống ở vùng đồng cỏ không cây cối và một số vùng quê hiu quạnh. Loài trâu này là một “chiến binh” đáng sợ, đặc biệt nguy hiểm vì chúng có thể tấn công mà không chờ bị khiêu khích.
          Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.

          Comment

          • #6

            Con trâu trong văn thơ Việt Nam

            Dân tộc Việt Nam là dân tộc sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước. Cơ nghiệp của nhà nông gắn liền với con trâu. Vì là vật chủ lực trong công việc đồng áng nên kinh nghiệm chọn trâu của ông cha đã được đúc kết:

            Sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi,
            Ăn ra lôi, cày ra thép

            Hay là:
            “Trâu to ngà, càng già đường kéo”.

            Cách chọn trâu cày khỏe dựa trên kinh nghiệm của nhà nông còn phải là “da đồng, lông mốc” và:

            - “Đầu thanh, mặt nhẹ, khô chân
            Vai cao, mình thẳng, mặt gân, sườn tròn”
            - “Chùng đùi, thắt quản, ngắn đuôi
            To ngà, móng hến thì nuôi đáng tiền”.

            Con trâu dễ bảo nhu mì, nên xưa nay nhà nông thường cho trẻ con chăn dắt. Hình ảnh chú bé mục đồng chăn trâu thổi sáo, mô tả hình ảnh thanh bình trên quê hương. Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ, ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau... Cậu bé chăn trâu Đinh Bộ Lĩnh trong lịch sử nước ta đã từng phất ngọn cờ lau, dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Cậu bé chăn trâu Đào Duy Từ, người chỉ huy đắp lũy Trường Dục (tục gọi Lũy Thầy) nêu tấm gương kiên trì học tập, trở nên hiền tài...

            Không ai biết con trâu có từ bao giờ, nhưng chỉ biết khi có con người thì có con trâu, con trâu là bạn con người. Những bài ca “gọi nghé” kết thúc bằng tiếng “nghé... ơ... ơ... ơi!” nói lên tình cảm của con người lúc nào cũng gắn bó, thương cảm với con trâu:

            ... Nghé ơ...
            Mẹ gọi tiếng trước,
            Cắt cổ lên đàng... Nghé ơ...
            Mẹ gọi tiếng sau,
            Cất lồng lên chạy...
            Có khôn thì đi theo mẹ
            Có dại thì đi theo đàn,
            Chớ đi theo quẩn theo quàng,
            Có ngày mất mẹ... nghé ơ...

            * * *

            Trong tục ngữ ca dao nói về con trâu có một bộ phận khá lớn mang tính chất trào phúng. Điều này ít thấy ở các con giáp khác. Một anh chồng đã coi việc chăm vợ như việc chăn trâu thì còn gì hài hước cho bằng:

            Ai bảo chăn trâu là khổ
            Tôi chăn nàng còn khổ hơn trâu.

            Cũng thật là thú vị, khi cô vợ gọi người chồng có “khả năng đàn ông” hết sức hấp dẫn của mình là “Trâu cày”:

            Của chua ai thấy chẳng thèm
            Em cho chị mượn chồng em ít ngày.
            Chồng em đâu phải trâu cày
            Để cho chị mượn cả ngày lẫn đêm.

            Một cô gái rất hóm hỉnh, đã tự ví mình là “nghé đã thành trâu” để nhắc khéo chàng trai đã đeo đuổi mình từ lâu mà chưa tính đến hồi kết:

            Công anh chăn nghé đã lâu
            Bây giờ nghé đã thành trâu ai cày?

            Có khi chàng trai còn bị coi là một con nghé ngây ngô và quá vô tình trước một người con gái đã trải lòng ra với mình:

            Em như ngọn cỏ phất phơ
            Anh như con nghé nhởn nhơ trên đồng.

            Dùng chuyện “chăn trâu chẳng biết mặt trâu” để cười cho sự quá đểnh đoảng của chàng trai đã yêu mình hoặc đã có cảm tình sâu nặng với mình mà không hiểu biết gì về gốc gác của mình, thì không còn gì đắc địa cho bằng:

            Chăn trâu chẳng biết mặt trâu
            Trâu về cầu Cậy biết đâu mà tìm.

            Thuộc loại vui cười này còn có những câu không có ý nghĩa gì cả, giống như những câu hát ru:

            Ông trăng mà cưới bà sao
            Ngày mai có cưới, cho tao miếng trầu,
            Có cưới thì cưới con trâu
            Đừng cưới con nghé nàng dâu không về.

            Rõ ràng đây là những câu hát vui, ý tứ trong đó mơ hồ lộn xộn, chỉ để cho các bà, các mẹ, vừa ăn trầu, vừa đu đưa trên võng, ru cho con cháu mình ngủ. Thế nhưng, cũng có những câu có vẻ bâng quơ, ngớ ngẩn, mới đọc lên chỉ thấy buồn cười, nhưng đọc đi đọc lại và suy nghĩ kỹ, người ta sẽ hết sức bất ngờ về cái ý nghĩa sâu xa, ẩn chứa ở bên trong nó:

            Thứ nhất vợ dại trong nhà
            Thứ hai trâu chậm, thứ ba rựa cùn,
            Vợ dại thì đẻ con khôn
            Trâu chậm lắm thịt, rựa cùn chịu băm.
            Trâu chậm thì anh bán đi
            Rựa cùn đánh lại, vợ thì làm sao?

            Hoặc:
            Thiệt tình hổng phải ba hoa
            Hôm qua tui thấy con gà đá trâu,
            Gà đá trâu bao lâu mới thắng
            Trâu đá gà, què cẳng con trâu.

            LÊ KIM - HOÀNG NGHĨA
            Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.

            Comment

            • #7

              Điển tích trâu trong bài thơ Nôm thời Gia Long (1802-1820)

              XUÂN 09 DNSGCT - Năm 1774, cơ nghiệp chúa Nguyễn ở Đàng Trong sụp đổ, Nguyễn Phước Ánh mới 12 tuổi xuống thuyền theo Định Vương chạy vào miền Nam lánh nạn. Lăn lóc khắp miệt ruộng vườn sông Tiền, sông Hậu, trôi dạt ra ngoài hải đảo Phú Quốc, Thổ Châu. Có lúc sa cơ, thất thế phải chạy tuốt qua tận Xiêm La nương náu.

              Sau 28 năm nằm gai, nếm mật đến 40 tuổi, Nguyễn Phước Ánh hoàn toàn chiến thắng, bước lên ngai vàng trở thành hoàng đế Gia Long (1802-1820).

              Dưới thời Gia Long, thơ văn quốc âm rất thịnh hành. Trên đồ sứ ngự dụng còn bảo lưu nhiều bài thơ Nôm đề vịnh phong cảnh, tứ dân tứ thú (ngư, tiều, canh, mục) với khẩu khí đế vương rất độc đáo.

              Chúng tôi xin giới thiệu bài thơ vịnh chăn trâu để độc giả ngâm nga thưởng thức nhân dịp xuân Kỷ Sửu.

              Lân la chiếu đất liền màn trời
              Thong thả rừng đào mặc thích chơi
              Ghẹo nguyệt nghêu ngao ba chặp địch
              Nhúng sương chỉ vẫy một tay roi
              Xang ca Ninh Thích khoan khoan dắng
              Tưởng trận Điền Đan khích khích cười
              Dò hỏi chúng chàng nào bói thử
              Thưa rằng chúa Hán có tin bài.

              Quý hạ vọng hậu đề ở Thúy Liên đường (1)

              Mở đầu bài thơ diễn tả cuộc sống tự do, thú vị của người chăn trâu. Tuy nhiên hai câu 5, 6 tác giả nhắc đến hai nhân vật nổi tiếng trong sử sách xưa, có liên quan tới trâu.

              * “Xang ca Ninh Thích khoan khoan dắng” (Ninh Thích cất tiếng ca chậm rãi, réo rắt).

              Ninh Thích, người nước Vệ thời Xuân Thu, học vấn uyên bác, có tài kinh bang tế thế. Lúc còn nghèo hèn, ông chăn trâu ở Dao Sơn để chờ thời cơ. Một hôm gặp lúc Tề Hoàn Công kéo đại binh đi đánh nước Tống, Ninh Thích gõ vào sừng trâu cất cao giọng ca:

              Kìa sông Thương Lang đá trắng lởm chởm
              Có con cá chép dài một thước hơn
              Nghiêu Thuấn thái bình đã không được gặp
              Áo cộc che thân độ đến ngang lưng
              Ta cho trâu ăn từ tối đến đêm
              Đêm tối mờ mờ, bao giờ thấy sáng! (2)

              Vua Tề nghe được, giận dữ sai lính đi bắt dẫn đến hỏi:

              - Người là thằng chăn trâu sao dám chê bai việc nước?

              Ninh Thích đáp:

              - Tâu chúa công, kẻ hèn này đâu dám cười chê chuyện chính trị đương thời.

              Tề Công nói:

              - Ngày nay đất nước thái bình, ổn định, phát triển tốt đẹp. Nhân dân vui vẻ, cây cỏ tốt tươi, dẫu đời Nghiêu Thuấn cũng không hơn được. Vậy sao ngươi dám ca “Nghiêu Thuấn thái bình đã không được gặp... Đêm tối mờ mờ bao giờ thấy sáng!”. Thế chả phải gièm chê, nói xấu vua chúa đương thời là gì?

              Ninh Thích đáp.

              - Tôi nghe nói đời Nghiêu Thuấn mưa hòa gió thuận, nhân dân yên vui sinh sống. Nay tôi thấy giềng mối rối loạn, đạo đức suy đồi. Nghiêu Thuấn trừ kẻ hung ác, tham tàn làm hại dân. Nên không tuyên truyền mà dân tin tưởng, không dọa nạt mà dân tuân phục. Nay chúa công quanh năm tính việc chinh chiến hao người tốn của mà bảo “nhân dân vui vẻ, cây cỏ tốt tươi”, thì tôi thật không hiểu được!

              Vua Tề nổi lôi đình, quát lớn:

              - Thằng dân đen nói càn rỡ, bậy bạ. Đem chém đầu răn chúng, trị tội khi quân ngay.

              Ninh Thích bị lính trói tay dẫn đi, mặt không biến sắc, nhìn lên trời cười mà nói to: “Xưa vua Kiệt giết Long Bàng, vua Trụ giết Tỷ Can, nay ta cùng hai người đó hợp thành bộ ba rồi”.

              Ngay lúc đó, có quan Đại phu Thấp Bằng đứng ra can gián vua Tề:

              - Người này không khiếp sợ uy vũ, xem thường việc sống chết, chỉ mong nói thẳng ý mình. Như thế không phải là kẻ chăn trâu tầm thường, xin chúa công đừng vội giết bậc hiền tài mà hỏng việc nước.

              May thay Tề Hoàn Công tỉnh ngộ, truyền mở trói tha ngay Ninh Thích, nghe theo lời tiến cử của Tể tướng Quản Trọng phong Ninh Thích làm Đại phu.

              Nước Tề nhờ tài trị nước, an dân của hai người này mà nhanh chóng hùng mạnh nắm quyền lãnh đạo chư hầu.

              Tô vẽ cảnh chăn trâu

              * “Tưởng trận Điền Đan khích khích cười” (Nghĩ lại trận trâu lửa của Điền Đan mà cười thích thú). Điền Đan người đất Lâm Truy nước Tề thời Chiến Quốc. Vua Yên cử Nhạc Nghị làm đại tướng dẫn quân vây thành Tức Mạc, nước Tề. Điền Đan được cử làm tướng chống giặc. Ông cho tập trung 1.000 con trâu của dân trong thành, ấy vải nhuộm màu sắc lòe loẹt, may thành áo mặc cho trâu, dùng gươm đao buộc vào sừng, lấy cỏ lau khô tẩm dầu bó vào đuôi.

              Chọn quân sĩ mạnh khỏe, cảm tử bắt vẽ mặt mày hung tợn, trang phục kỳ dị chờ sẵn. Đến đêm khuya mở cửa thành, châm lửa đốt đuôi trâu. Đàn trâu rống lên đâm đầu xông thẳng vào trại quân Yên, đằng sau có quân cảm tử hò hét, cắm cổ chạy theo. Trong thành dân chúng già trẻ khua chiêng, đánh trống vang trời trợ chiến.

              Quân Yên ngái ngủ, thất kinh hồn vía chạy tán loạn bị trâu húc chết, quân Tề tha hồ chém giết, chủ tướng là Kỵ Kiếp cũng bị Điền Đan chém đầu. Thừa thắng, quân Tề tổng phản công khôi phục 70 thành đã mất, nước Yên đại bại. Đó là trận trâu lửa (Hỏa ngưu trận) nổi tiếng trong lịch sử chiến tranh thời cổ ở Trung Quốc.

              Ở nước ta, trong văn học Hán Nôm rất nhiều tác giả nhắc nhở đến Ninh Thích và Điền Đan.

              Học Lạc (Nguyễn Văn Lạc) vịnh trâu, có câu:

              “Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy
              Làm lễ bôi chuông dớn dác sầu” (3)

              Cụ Huỳnh Mẫn Đạt, trong bài Con trâu già than thở:

              “Đuôi cùn biếng vẫy Điền Đan hỏa,
              Tai điếc buồn nghe Ninh Thích ca”.

              Theo TRẦN ĐÌNH SƠN
              Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

              (1) Tô sứ ký kiểu năm Canh Ngọ (1810). Viết ở Thúy Liên đường sau ngày rằm tháng Sáu.

              (2) Bản dịch Nguyễn Hoài Nam - Tham khảo sách Điển Hay Tích Lạ - Nguyễn Tử Quang, Khai Trí, Sài Gòn 1974.

              (3) Bôi chuông: Ngày xưa sau khi đúc chuông thì giết trâu lấy máu làm lễ bôi vào thân chuông để cầu tiếng vang. Vua Tề một hôm thấy dẫn trâu đi giết nó tỏ ra buồn bã nên động lòng thương xót truyền thả trâu và dùng dê thay thế.
              Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.

              Comment

              • #8

                Con trâu trong võ học

                Con trâu trong tâm thức của Việt Nam nói riêng và các dân tộc gắn bó với cây lúa nói chung, là một biểu tượng cho tính cách bền bỉ, dẻo dai, chịu đựng, khỏe mạnh, hiền lành, chất phác… Con trâu còn tượng trưng cho ước vọng mùa màng tốt đẹp, ấm no hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ.

                Tuy nhiên, trong hầu hết các động tác võ thuật đều mô phỏng các hoạt động nào đó của loài vật. Ví dụ như Ngũ Hình quyền với Long - Hổ - Báo - Xà - Hạc, Hầu (khỉ), Đường Lang quyền (bọ ngựa), Hùng Kê quyền (gà)… thậm chí có cả Cẩu quyền (chó)… mà hầu như chưa nghe nói đến Ngưu quyền. Có lẽ do con trâu hiền lành, ít đánh nhau cho nên các "mảng miếng" của trâu ít được các bậc tôn sư võ học chú ý đến.

                Động tác chủ yếu của trâu chỉ là kéo cày và húc. Trong các kỳ thư về võ học, nghe nói còn một công phu thượng thặng liên quan đến trâu, nhưng có lẽ chỉ là một truyền kỳ võ lâm, đó là môn "Cách sơn đả ngưu". Tương truyền, cao thủ môn này vận chưởng đánh chết một con trâu, mà con trâu ấy lại đứng bên kia núi mới ghê chứ!

                Trâu vốn hiền lành, ít mảng miếng, chỉ biết... húc nhau.

                Sau này, có người lại gọi môn này là "Cách không đả ngưu", đại khái là đánh chết trâu mà không đụng vào trâu, bỏ bớt cái vụ "cách một trái núi" đi cho nó dễ tin một chút! Thực tế, đây là một môn công phu khí công thượng thặng. Dễ thấy nhất có lẽ là các pha biểu diễn công phá của các cao thủ võ lâm. Người biểu diễn xếp một chồng gạch, và tùy ý đánh nát bất cứ viên nào trong khi các viên khác vẫn còn nguyên.

                Trâu cũng xuất hiện trong chiến trận, nhưng hoàn toàn khác với ngựa. Người ta thường dùng lửa đốt đuôi trâu, để trâu hoảng sợ mà chạy vào nơi đồn trú gây thiệt hại cho giặc. Cách đánh này có lẽ bị các nhà bảo vệ động vật... phê phán nhiều nhất.

                Trong bài viết "17 con trâu trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung", tác giả Vũ Đức Sao Biển đã kể khá nhiều chuyện lý thú. Trong 17 con trâu ấy, đáng chú ý nhất là 2 con trâu nước và trâu xanh.

                Con trâu nước (thủy ngưu) chính là "nick name" của chàng đại hiệp Quách Tỉnh do chính sư phụ Hồng Thất Công đặt cho. Ấy là bởi tướng mạo của Quách Tĩnh mộc mạc, quê mùa, ít miệng lưỡi, chậm hiểu và phục phịch như trâu. Ai đời học mãi vẫn chỉ loanh quanh 18 đường Giáng Long Thập Bát Chưởng. Cũng may, cần cù bù thông minh, Quách Tĩnh nỗ lực học tập và về sau nổi danh là một đại hiệp hiệp nghĩa.

                Trong khi con trâu xanh chính là Hồ Thanh Ngưu. Tên là Thanh Ngưu nhưng "con trâu" này chẳng hề ngu và dở tí nào. Ngoại hiệu của Hồ Thanh Ngưu là Điệp Cốc Y Tiên. Chữa bệnh đến mức được gọi là Y Tiên thì tài năng của người đó phải thế nào? Vậy ra không phải con trâu nào cũng là ngu hết nhỉ?

                Tuy nhiên, có một "con trâu" mà có lẽ độc giả nào cũng muốn được một lần đóng thế, đó là chàng Tăng A Ngưu - Trương Vô Kỵ. Với một thân đầy mình võ công, suýt thành hoàng đế, lại thêm nhiều giai nhân mà nhan sắc thì thuộc hàng quốc sắc say mê như điếu đổ: Triệu Mẫn - quận chúa Mông Cổ, Tiểu Siêu - thánh nữ Minh Giáo Ba Tư, Chu Chỉ Nhược - chưởng môn phái Nga My… Vậy thử hỏi ai không muốn một lần làm Trương Vô Kỵ?

                Đầu xuân Kỷ Sửu, nói chuyện con trâu trong võ học xem như chút góp vui gửi đến mọi nhà


                PHAN MẠNH TÂN
                Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.

                Comment

                • #9

                  Con trâu trong dân ca, ca dao

                  Trong lịch sử can chi đã quen dùng ở phương Đông số thứ tự thứ 2 là Sửu tượng trưng bằng con trâu. Giờ Sửu được tính từ 1 đến 3h đêm, là thời gian yên tĩnh nhất, mọi người ngủ say, thế nhưng con trâu lại thức lặng lẽ nhai lại.

                  Tháng Sửu là tháng Chạp, là tháng mà mọi người hân hoan đón Tết. Trong 12 con vật thời gian, trâu là con vật to nhất, khỏe nhất. Trâu sớm được thuần hóa, gần gũi với con người, giúp con người trong việc đồng áng nên người nông dân coi trâu như người bạn thân.

                  Trong ca dao dân ca, trâu được nói đến nhiều vì trâu đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt ở nông thôn. Từ việc ví von về tuổi tác đến việc đồng áng, tình yêu nam nữ... đều có mặt trâu. Trâu gần gũi thân thiết với con người như hình với bóng. Thế nên trong cơ nghiệp nhà nông con trâu được xếp hạng nhất "Con trâu là đầu cơ nghiệp".

                  Tuổi sửu con trâu kềnh càng,
                  Cày chưa đúng buổi lại mang cày về.

                  Trâu thay sức người làm công việc đồng áng nên việc mua sắm trâu là việc hệ trọng. Nhà nghèo thường khó sắm được trâu để làm mùa, phần nhiều là mướn trâu.

                  Tậu trâu, lấy vợ, cất nhà
                  Trong ba việc ấy thật là khó thay

                  Từ buổi đầu lịch sử, khi dân ta biết trồng cây lúa nước con trâu đã là người bạn thân thiết gắn bó với nông dân. Tất cả đều phải cần cù làm lụng, hỗ trợ cho nhau để có miếng ăn.

                  Trâu ơi ta bảo trâu này
                  Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
                  Cấy cày vốn nghiệp nông gia
                  Ta đây trâu đấy ai mà quản công
                  Bao giờ ngọn lúa còn bông
                  Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn

                  Đôi khi người nông dân cũng tâm tình thì thầm to nhỏ cùng trâu như nói chuyện với một đứa trẻ con.

                  Nghé ơi ta bảo nghé này
                  Nghé ăn cho béo nghé cày cho sâu
                  Ở đời khôn khéo chi đâu
                  Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần

                  Tuy bận rộn vất vả trong những ngày mùa nhưng trâu cũng có ngày thong thả đứng bên bờ ruộng ăn cỏ tươi hoặc nằm trong chuồng nhỏ nhẹ nhấm bó rơm khô. Số phận của con trâu và người nông dân gắn bó đồng cam cộng khổ.

                  Rủ nhau đi cấy đi cày
                  Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu

                  Nông dân rất quý con trâu, nó là một phần tài sản của họ. Nó đã được đưa ra so sánh đánh giá sự giàu nghèo.

                  Thằng bờm có cái quạt mo
                  Phú ông xin đổi ba bò chín trâu

                  Và hình ảnh thằng Cuội chăn trâu cũng thật thà đáng thương

                  Chú Cuội ngồi gốc cây đa
                  Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
                  Cha còn cắt cỏ trên trời
                  Mẹ còn cưỡi ngựa đi chơi cầu vồng

                  Hình ảnh con trâu cũng được dùng để phê phán những kẻ lừa đảo chỉ biết vì quyền lợi cá nhân.

                  Lái trâu, lái lợn, lái bò
                  Trong ba anh ấy chớ nghe anh nào

                  Hoặc tỏ thái độ mỉa mai, châm biếm

                  Thật thà như thể lái trâu,
                  Yêu nhau như thể nàng dâu mẹ chồng.

                  Ai cũng biết buôn bán thì không thể có sự thật thà, quan hệ mẹ chồng, nàng dâu cũng rất phức tạp, khó có sự dung hòa được.

                  Lại có câu ca dành cho người thích lấy vợ dại, ngoan hiền

                  Vợ dại thì đẻ con khôn
                  Trâu chậm lắm thịt, rựa cùn chịu băm

                  Bởi vậy ta nên trở về với cái vốn có không nên quá mộng tưởng. Cái gì của mình có sẵn quý hơn vì nó là có thực.

                  Trâu ta ăn cỏ đồng ta
                  Tuy rằng cỏ cụt nhưng là cỏ thơm

                  Và rất nhiều người bằng lòng với cuộc sống hiện tại, cho như thế là sung sướng hơn người.

                  Ai bảo chăn trâu là khổ
                  Không, chăn trâu sướng lắm chứ?
                  Ngồi lưng trâu ta hát nghêu ngao...

                  Con trâu cũng là đề tài để người ta trêu chọc nhau một cách tình tứ trong những lúc lao động để quên đi nỗi mệt nhọc, vất vả.

                  Trâu kia kén cỏ bờ ao
                  Anh kia không vợ đời nào có con
                  Người ta có trước có sau
                  Thân anh không vợ như cau không buồng
                  Cau không buồng như tuồng cau đực
                  Trai không vợ cực lắm anh ơi
                  Người ta đi đón, về đôi
                  Thân anh đi lẻ, về loi một mình

                  Hoặc để gợi chuyện làm quen nhau:

                  Hỡi cô cắt cỏ bên đồng
                  Nuôi trâu cho béo làm giàu cho cha
                  Giàu thì chia bảy chia ba
                  Thân em là gái được là bao nhiêu?

                  Các cô gái cũng hóm hĩnh, đáo để không kém

                  Cưới em tám vạn trâu bò
                  Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm

                  Đến khi có vợ rồi nên một lòng một dạ không nên bắt chước những người đi trước năm thê bảy thiếp để rồi gặp phải cảnh.

                  Ba vợ bảy nàng hầu
                  Đêm nằm chuồng trâu, gối đầu bằng chổi.
                  Trâu anh con cưỡi con dòng
                  Có con đi trước lòng thòng theo sau.

                  Và đôi khi là những hình ảnh ẩn dụ về những ngang trái mà con trâu phải gánh chịu.

                  Con trâu có một hàm răng
                  Ăn cỏ đồng bằng uống nước bờ ao
                  Thời sống mày đã thương tao
                  Bây giờ mày chết cầm dao xẻ mày
                  Thịt mày tao nấu linh đình
                  Da mày bịt trống tụng kinh trong chùa
                  Sừng mày tao tiện con cờ
                  Làm dao, cán mác, lược dày, lược thưa…

                  Thời gian dần qua đi. Theo đó, hình ảnh mục đồng vắt vẻo trên lưng trâu, hát ngêu ngao những bài đồng dao cũng đã dần mất đi. Thế nhưng hình ảnh làng quê, đồng ruộng, cây lúa, con trâu vẫn thấm sâu vào tâm hồn người dân Việt.
                  Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.

                  Comment

                  Working...
                  X
                  Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom