• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Tết nhắc chuyện rượu trong thơ xưa

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Tết nhắc chuyện rượu trong thơ xưa

    Nói đến rượu lại nhớ đến thơ. Các nhà thơ lớn của Trung Hoa cũng như của Việt Nam không mấy ai là không biết uống rượu, uống dữ dội là đàng khác. Có ai dám đến trước mặt vua mà say bí tỉ không? Chỉ có Lý Bạch. Một lần trong cung, vua Đường Minh Hoàng sai trồng ở trước đình Trầm Hương bốn thứ hoa mẫu đơn: hồng, tía, hồng nhạt và toàn trắng rất đẹp. Một hôm hoa nở rực rỡ, Đường Minh Hoàng thích lắm bèn đưa Dương Quí Phi đến đó thưởng hoa. Tại đây, một ca sĩ nổi tiếng là Lý Qui Niên cầm phách toan hát thì Đường Minh Hoàng ngăn lại bảo:

    Lý Bạch say rượu

    – Thưởng danh hoa, đối với Phi tử, sao lại dùng bài hát cũ?

    Rồi sai Lý Qui Niên triệu Lý Bạch vào cung. Bấy giờ Lý Bạch đang say khướt, binh sĩ phải đặt ông lên kiệu để khiêng đi. Vào tới đình Trầm Hương, Bạch vẫn còn say. Dương Quí Phi vội sai người đem canh giã rượu đến, Đường Minh Hoàng tự tay đút canh cho Lý Bạch rồi lấy khăn lau miệng cho ông. Lý Bạch hồi tỉnh, vung tay múa bút viết luôn ba bài Thanh bình điệu rất nổi tiếng ca tụng nhan sắc của Dương Quí Phi.

    Ở Việt Nam, số nhà thơ làm bạn với Lưu Linh không phải hiếm. Nhà thơ Phạm Thái, tự xưng là Chiêu Lỳ, một lòng khôi phục nhà Lê, chống Tây Sơn nhưng lực bất tòng tâm, lại thêm cái chết của người yêu là Trương Quỳnh Như nên sinh ra bất đắc chí, mượn rượu giải sầu, coi thường tất cả mọi sự ở đời. Ông thường hay ngâm nga bài thơ yết hậu:

    Sống ở dương gian đánh chén nhè,
    Thác về âm phủ cắp kè kè.
    Diêm vương phán hỏi rằng chi đó?
    – Be!

    Trong các thi sĩ lớp sau, đứng đầu là Tản Đà, có thể xem như vua rượu. Năm 1926 ông vào Sài Gòn làm trợ bút cho tờ Đông Pháp thời báo của Diệp Văn Kỳ, thuê nhà ở Xóm Gà Gia Định. Tản Đà uống toàn Cô-nhắc của Pháp, vỏ chai xếp kín cả chân tường nên Tùng Lâm mới viết:

    Uống liều đã mấy chai Cô-nhắc,
    Bồi mãi chưa xong bức địa đồ.

    Những lúc tỉnh, ông cũng thấy say sưa thật là hư, biết vậy nhưng không thể nào không say được:

    Say sưa nghĩ cũng hư đời,
    Hư thời hư vậy, say thời cứ say.
    Đất say đất cũng lăn quay,
    Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười?
    (Lại say)



    Rượu đối với Nguyễn Công Trứ lại khác. Theo ông, rượu là một thú vui dùng để tiêu khiển những lúc nhàn hạ hay buồn rầu, nhưng không bao giờ say túy lúy như Tản Đà. Khi chán đường công danh, muốn thoát vòng danh lợi, ông nghĩ đến rượu và thơ:

    Hẹn với lợi danh ba chén rượu,
    Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ.
    (Thoát vòng danh lợi)

    Nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng thích rượu nhưng ông uống rất chừng mực, không nhiều:

    Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy
    Độ dăm ba chén đã say nhè.
    (Thu ẩm)



    Chỉ khi nào trong lòng buồn bã ông mới say tít cung thang:

    Mở miệng nói ra gàn bát sách,
    Mềm môi chén mãi tít cung thang.
    (Tự trào)

    Khi Dương Khuê mất, ông buồn rầu nhắc lại kỷ niệm xưa với người bạn đồng khoa và đồng liêu thân thiết:

    Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
    Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.
    Vắng bạn, việc uống rượu đối với ông không còn thú vị nữa:
    Rượu ngon không có bạn hiền,
    Không mua không phải không tiền không mua.
    (Khóc ông Dương Khuê)


    Từ khi nền văn hóa Âu Tây du nhập vào Việt Nam, các nhà thơ ta ít uống rượu hơn, tuy vậy cũng có dăm ba nhà thơ thường say túy lúy. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương, người đã từng than thở:

    Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa,
    Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh
    (Phương xa)

    trong bài thơ Đời vắng em rồi say với ai? (tập thơ “Mây”) đã thở than như một lời tuyệt vọng:

    Gặp gỡ chừng như chuyện Liêu Trai,
    Ra đi chẳng hứa một ngày mai.
    Em ơi! Lửa tắt, bình khô rượu,
    Đời vắng em rồi, say với ai?



    Nhà thơ Lưu Trọng Lư trong một đêm tâm tình thân mật với nàng kỹ nữ nhưng khi nàng mời rượu thì thi nhân từ chối.

    Giờ này còn của đôi ta,
    Giang hồ rượu ấy còn pha lệ người.
    Ồ sao rượu chẳng kề môi?
    Lời đâu kiều diễm cho nguôi lòng chàng?

    bởi ý ông đã quyết:

    Đêm ấy rượu nàng ta không uống,
    Từ sau thề không uống rượu ai.

    Thế nhưng khi về nhà, gặp sinh nhật vợ, ông không thể nào từ chối được:

    Chén lại chén, kề môi thủ thỉ,
    Càng vơi càng túy lúy càng đầy.

    Riêng nhà thơ Thế Lữ rất tỉnh táo. Trong suốt tập Mấy vần thơ gồm 47 bài, chỉ có một lần ông nhắc đến rượu mà cũng chẳng hề uống:

    Lòng ta hồ vỡ tan tành
    Vì hờn, vì giận, vì tình, vì thương.
    Vì cay đắng đủ trăm đường,
    Than ôi! Ly rượu mơ màng khi xưa.
    Ai đem dốc cạn bao giờ,
    Chẳng cùng chia nửa, chẳng chờ hưởng chung.
    (Lời tuyệt vọng)

    Trong thơ Nguyễn Bính, ông nhắc tới rượu cũng bằng những lời buồn bã:

    Cao tay nâng chén rượu hồng,
    Mừng em, em sắp lấy chồng xuân nay,
    Uống đi! Em uống cho say!
    Để trong mơ thấy những ngày xuân qua.
    Thấy tình duyên của đôi ta
    Đến đây là…. đến đây là… là thôi!
    Em đi dệt mộng cùng người,
    Lẻ loi xuân một góc trời riêng anh!
    (Rượu xuân)

    * * *

    Ngày xưa, đàn ông không biết uống rượu thì bị chê, cho rằng không xứng là đàn ông, nhưng ngày nay ai cũng biết cái hại của rượu, vì thế, hãy chừng mực…

    HUYỀN VIÊM
    Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom