• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Khi ẩm thực phối vị cùng thơ nhạc

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Khi ẩm thực phối vị cùng thơ nhạc

    Khi ẩm thực phối vị cùng thơ nhạc

    Theo nhà văn Nguyễn Tuân thì người Huế ăn bằng mũi, bằng mắt trước khi ăn bằng miệng. Nói cách khác, ẩm thực Huế chứa đựng đầy đủ ba yếu tố: khẩu thực, nhãn thực và tâm thực. Có lẽ vì thế mà Huế có những chuyên gia ẩm thực danh tiếng và những phụ nữ Huế giỏi chuyện bếp núc. Một bữa ăn với họ không chỉ bấy nhiêu món ăn, chén bát, muỗng đũa... mà là cả một nghệ thuật "hòa sắc phối vị” cùng nhạc, cùng thơ, cùng họa, miễn cái rốt cùng ấy là " chỉ xin ít hạt muối tình. Nêm cho đỡ nhạt lúc mình nhớ ta...".

    Người thừa kế

    Chiều cuối năm, mặc cho gió, nước đang mấp mé triền sông Bồ, trước mắt tôi vẫn là một màu xanh thanh bình của cơ man các loại rau (nhất là rau má), đặc sản của làng Phước Yên, Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. Một chút ngậm ngùi về cuộc dời đô cách đây gần 400 năm, trước biến thiên dâu bể, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã dời lỵ sở từ Dinh Cát bên bờ sông Ái Tử vào Phước Yên nằm dọc theo con sông Bồ hiền lành, trù phú. Trả ơn khai quốc, sau này triều Nguyễn đã chọn làng Phước Yên là nơi chuyên nấu ăn cho vua chúa tại cung đình.


    ẢNH: HẢI ĐÔNG


    Năm tháng đổi dời, trong dòng họ của ông Hồ Văn Tá - đội trưởng đội thượng thiện (phụ trách nấu ăn cho vua chúa) dưới triều Khải Định và Bảo Đại nay chỉ còn duy nhất người cháu nội gái, chị Hồ Thị Hoàng Anh, hiện là chủ nhà hàng Phú Xuân (Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM). Phú Xuân còn có một chi nhánh tại Nhật, được xếp vào top 70 nhà hàng danh tiếng của Nhật.

    Không qua trường lớp, nhưng chính từ những bài học bếp núc được truyền dạy từ ông bà, mẹ và các dì, lại vốn là người thích... ăn ngon, nên Hoàng Anh đã âm thầm lĩnh hội hết những bí quyết gia truyền. Thế nhưng, chưa một lần chị tự nhận mình là người biết nấu ăn.

    Phải đến khi, cô cháu nội gái của vị đội trưởng Đội thượng thiện phải lòng cháu nội trai của ngài Đông các đại học sĩ Trần Đình Bá, là Trần Đình Sơn - một nhà Huế học, thì công phu ẩm thực gia truyền ấy chỉ dành để chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho chồng và hai cậu con trai. Cô cử nhân ngành vật lý hạt nhân lọt vào mắt xanh của "cậu", vốn là người hoài cổ, như bổ khuyết cho nhau những nghịch lý trong tính cách, sở thích... Cũng từ đó, "từ điển ẩm thực cung đình Huế" trong Hoàng Anh được chồng mở rộng thêm với gần trăm món, vốn được lưu giữ trong những sách cổ qua các triều vua chúa.

    Những món ăn do Hoàng Anh nấu được Trần Đình Sơn sắp xếp, bày biện lại theo đúng nghi lễ xưa. Trong không gian ấm cúng của gia đình, cái hồn ẩm thực cung đình Huế được lưu giữ nguyên vẹn cùng một kho tàng di sản Huế với sách cổ, tranh lụa cổ, những bộ triều phục lẫn thường phục chốn cung đình xưa... Đặc biệt nhất là những bộ chén bát bằng sứ men lam Huế, do cháu đích tôn của ngài Đông các đại học sĩ sở hữu. Hàng ngày, Trần Đình Sơn vẫn dành thời gian vùi mình trong thư viện gia đình. Hoàng Anh sau khi sắp xếp hoạt động của nhà hàng lại trở về bên chồng, trực tiếp kiểm tra, lau chùi, bảo quản các vật dụng trong "kho báu". Chị tiết lộ một mẹo nhỏ mà trong cung nội vẫn thường dùng để bảo quản các tài liệu thư tịch cổ là rắc tiêu vào sách sẽ diệt được con mọt hai đuôi chuyên lấy giấy má làm món khoái khẩu!


    Lễ cưới của Trần Đình Sơn và Hoàng Anh


    Bên mâm cơm chiều mưa Sài Gòn, phảng phất chút gì rất Huế khi Hoàng Anh thết đãi món le le nấu chột nưa. Chị vừa so đũa cho chồng, vừa nhỏ nhẹ: "Chột nưa ni phải đem từ làng Phước Yên vô, vì Phước Yên gần sông, đất tơi xốp, lại vào mùa mưa nên rất ngon. Đây là món ăn mà sinh thời, vua Bảo Đại rất ưa thích. Kể cũng lạ, hồi đó sau một thời gian sống bên Tây, ngài Vĩnh Thụy về nước để chấp chánh. Ông nội tôi nấu món le le hầm chột nưa dâng lên. Sau bao nhiêu năm ăn bánh mì phô mai, nay được nếm vị ngọt của le le thấm vào miếng chột nưa, vua Bảo Đại gật gù khen ngon. Hỏi ra mới biết là món ăn rất dân dã, ngài hài lòng rồi bỏ một đồng ban (thưởng một đồng bạc) cho ông nội tôi. Ẩm thực Huế là rứa đó, từ chốn bình dân đĩnh đạc bước vào cung đình lúc nào không hay không biết".

    Ăn từ âm nhạc ăn ra...

    Từ thập niên tám mươi của thế kỷ trước, khi hướng dẫn sinh viên Mỹ về thực tập tại một nhà hàng Việt trên đất Mỹ, GS - TS Nguyễn Thuyết Phong đã đưa các học trò của mình đến hai điểm, một là nhà hàng thuần túy và một là nhà hàng có kèm biểu diễn âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Từ đó, những nét tương đồng lẫn dị biệt giữa âm nhạc - ẩm thực được ông gợi mở và phân tích rất thú vị cho các sinh viên bản địa.

    Tuy nhiên, phải đợi đến khi ông "theo nàng về... Việt Nam", ra tận cố đô Huế - quê vợ thì như càng hình thành đậm nét hơn trong ông tiến sĩ âm nhạc mối lương duyên văn hóa này. Vợ chồng ông quyết định mở nhà hàng Lá Thơm (Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận) với đặc sản trên 50 loại cá từ các vùng nước ngọt, nước lợ của đầm phá, sông ngòi miền Trung và các loại rau tươi. Trước và sau những bữa tiệc là chương trình biểu diễn âm nhạc Việt, từ hát trống quân, hát xẩm, ca trù của miền Bắc, ca Huế, chầu văn Huế và một phần trong nhã nhạc cung đình, cho đến đờn ca tài tử và nhạc cải lương của Nam bộ.

    Thực khách sau khi thưởng thức tiệc cá và rau, lại được nghe đích thân chủ quán trò chuyện: "Bữa ăn của người Việt rất giàu rau cải. Nó mang lại màu sắc tươi tắn và độ hài hòa trong cái nhìn lẫn vị giác. Âm nhạc Việt Nam cũng mang nét tương đồng. Thử nhìn qua âm nhạc ngũ cung, đất nước của mấy ngàn năm giữ nước, liên tục chống ngoại xâm nhưng linh hồn của âm nhạc Việt lại không hề hướng vào thanh âm quân hành, chiến trận. Nhạc Việt thanh bình và trữ tình. Ngay cả chén nước mắm, cũng là nơi kết tinh tính tập thể, cộng đồng chứ không biểu hiện tính cá thể như phương Tây qua từng khẩu phần ăn riêng biệt, dù mỗi miền pha nước chấm, nước mắm theo kiểu riêng. Tính ngẫu hứng ấy vốn là khởi đầu của âm nhạc Việt Nam".

    Sở trường ngón đàn tranh, Tịnh Hải càng cảm nhận một cách tinh tế nhạc tính trong ẩm thực để mỗi thao tác nêm nếm, tỉa gọt... đều có độ trầm bổng, thăng giáng, đậm nhạt rất bài bản mà cũng cực kỳ ngẫu hứng.


    Nghệ nhân ẩm thực Phan Tôn Tịnh Hải - ẢNH: HẢI ĐÔNG


    "Bạn thấy đấy, ca sĩ hát chưa hay, có khi người ta bảo là... ca sống quá. Lại có lúc nghe khen tiếng đờn rất chín, rất mùi. Trong nghệ thuật ca trù, người ta dùng khái niệm nẩy hạt, đổ hạt... Món ăn này bồi bổ tinh thần, món ăn kia nuôi dưỡng cơ thể, tưởng hai mà hóa ra một". Cũng vì thế mà "gái miền sông Hương hẹn trai miền Cửu Long" đã đồng hành trên mọi nẻo đường để gieo mầm văn hóa Việt.

    Theo em đi chợ chiều hôm...

    Ngày thấy thằng con trai tập tễnh làm thơ đăng báo, người mẹ lo âu mắng: "Kiếm cái nghề chi mà làm, ai lại làm cái nghề tội lỗi nớ!". Con trai hỏi: "Có chi mô mà mạ kêu tội lỗi!". Người mẹ, một thời là vợ của ông hương sư, cái nghề sáng vác ô đi tối vác về, dạy chữ, coi sóc việc học hành cho trẻ con trong thôn xóm, bảo: "Cái chữ cái nghĩa là của thánh hiền, con viết ra rồi đem đi bán là tội lỗi chứ răng!". Thằng con cười toét miệng, thương không hết nỗi niềm của mạ, kể từ ngày cha vào rừng làm "Việt minh", rồi hy sinh, để mạ lại nhà cùng bầy con nheo nhóc... Vậy mà bài thơ đầu tiên của thi sĩ xuất thân từ làng Chuồn, rẻo đất nằm lọt trong phá Tam Giang lại viết "xót xa mạ ngóng từng giờ/ bóng cha điệp khuất bến bờ ngàn xanh/ chiều chiều hái mướp nấu canh/ mạ nói mướp đắng nhưng ăn mát lòng".


    Mường Mán biết nấu ăn trước cả làm thơ, có lẽ thế, chắc phải từ di truyền của mẹ, người phụ nữ giỏi giang, mỗi lần cúng chạp trong họ, mình bà nấu trên tám mươi mâm cỗ vừa chay vừa mặn cho suốt hai ngày. Nhưng khi cưới vợ, anh lại chọn trúng một tiểu thư Đồng Khánh, chẳng biết đường vô bếp, chỉ mỗi dịu dàng nhan sắc và yêu rồi nằm lòng bài thơ "Qua mấy ngõ hoa". Thế mà xuôi ngược dòng đời, hơn hai mươi năm sau, "tiểu thư” Phương Bình ngày nào, là nội tướng của thi sĩ Mường Mán lại trở thành bà chủ, bếp chính của nhà hàng Ruốc (Q.Phú Nhuận, TP.HCM).


    Mường Mán và vợ bên mâm cơm
    ẢNH: QUỐC ANH


    Cũng từ đó, trong thi nghiệp của mình, cảm xúc của Mường Mán có vẻ đậm đà... ẩm thực hơn: "bóng kèo kho dưa cải chua/ nêm thêm trái ớt/ tình vừa đủ cay..." hay "...tặng em miếng gừng chia hai/ hạt muối xẻ nửa đêm dài chia đôi/ tặng nguyên trái tim mồ côi/ bơ vơ từ thuở đứng ngồi không yên...". Bù lại, giữa những lúc gác bút, Mường Mán lại xuống bếp, tra thêm chút ruốc, dằn thêm tí nước mắm... Với Phương Bình, anh không chỉ là thi sĩ mà còn là một... bếp sĩ!

    Người thầy đã dìu dắt Phương Bình không ai khác chính là bà mẹ chồng vừa chuẩn mực, nghiêm khắc vừa tận tụy, bao dung. Chị kể: "Chỉ mỗi món chè đậu xanh, tôi phải thức đêm thức hôm để quậy cho đều tay theo lửa. Ông ấy thấy xót, nói đỡ cho tôi nhưng mạ nói, ngon hay dở của món chè này là ở chỗ giữ đều tay theo ngọn lửa, đậu thơm và chín tới chứ không vón cục, khô hay lỏng, nhão". Rồi bà mẹ chồng vốn liếng chữ nghĩa không nhiều đã dẫn dắt từ nghệ thuật nấu ăn sang nghệ thuật... giữ chồng một cách ngoạn mục: "Cư xử với chồng cũng không khác chi mấy chuyện nấu ăn ni mô con ạ, thả quá thì chồng hắn quên đường về nhà mà neo quá thì hắn lại tìm cách thoát ra...".

    Lê Huyền Ái Mỹ
    (Theo Phụ Nữ Online)
    Tôi yêu tiếng nước tôi

    Audio Truyện Kiều
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom