Biển của nghìn năm
Chị không thể nào tưởng tượng nổi cái ngày ông ấy lại nói lời chia tay, thế mà không để cho chị có cơ hội hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Lá thư để ngỏ trên bàn cùng với tờ đơn xin ly hôn, chữ của ông rõ ràng từng nét như điều ấy đã được sắp xếp rồi. “Tôi biết mình sẽ rất đau khổ nhưng hãy tha thứ cho tôi. Xin cho tôi lấy lại phần đời sau của mình từ bây giờ. Tôi không thể nào sống mà thiếu cô ấy...”.
Ba mươi năm vợ chồng biết bao nhiêu là tình nghĩa, biết bao nhiêu là lúc chia sẻ cùng nhau đắng cay, hạnh phúc vậy mà ông ấy có thể xem nhẹ như cái phẩy tay. Chị ngơ ngác trước những ngăn tủ còn nguyên đồ đạc của ông ấy, những quyển sách còn dựa nhau trên kệ không thiếu quyển nào. Ông ấy bỏ đi như tháo chạy, như ra điều rằng tất cả mọi thứ ở đây không còn cần thiết bằng nơi ông sẽ đến, không có gì quan trọng bằng kẻ ấy.
Có nằm mơ chị cũng không thể hình dung ra tình huống dở khóc dở cười của mình lúc này. Mới tối hôm qua ông ấy còn đứng bên cạnh trong tiệc cưới của con gái, cùng chia sẻ với nhau ly rượu mừng của con. Ngày mai khi con gái trở về trong ngày lại mặt, chị sẽ nói với nó thế nào về sự vắng mặt của ông? Sẽ nói thế nào với chính mình nếu thực sự ông ấy không quay trở về?
...Ngôi nhà đã vắng nay lại càng vắng hơn. Mỗi chiều chị vẫn ra ngồi nơi bãi cỏ xanh trong mảnh vườn nhỏ trước nhà, tỉ mỉ tỉa những chiếc lá héo trên cành, cầm chiếc bình tưới không sót một chậu cây nào. Đây là công việc của ông ấy, chị vừa làm vừa tự hỏi tới chừng nào thì ông ấy về giành lại công việc mà ông ấy yêu thích.
Đứa con gái khi về thăm nhà sau ngày cưới đã không thắc mắc nhiều về sự vắng mặt của cha. Có lẽ nó đã quen với những lần ông ấy vắng nhà và có lẽ nó đang quá vui với hạnh phúc mới. Chị thấy nhẹ nhõm khi không phải nói dối nhiều nhưng chị càng buồn hơn khi nhận ra rằng rồi chỉ còn một mình loay hoay trong nỗi cô đơn mới.
Chị không còn trẻ nhưng chưa phải đã già, công việc ở cơ quan phần nào giúp chị khỏa lấp được khoảng trống trong lòng mình. Nhưng dẫu sao cũng phải có ai đó trả lời giúp cho chị vì sao ông ấy có thể bỏ lại tất cả sau gần ba mươi năm chung sống? Chị không thể đi tìm ông để hỏi điều đó. Chị là người mau nước mắt nhưng nhiều tự ái. Tình yêu đối với ông ấy dù sâu nặng thế nào cũng không thể lớn hơn lòng tự trọng của chị. Nhiều đêm dài không ngủ vì ức lòng, vì giận dỗi nhưng không thể khóc như chị vốn vẫn dễ khóc. Không hiểu vì sao nhưng chính vì thế lòng chị càng đau đớn hơn, nỗi đau này chị chưa từng trải qua và cũng không thể nghĩ rằng mình phải mang nó khi đời đã sang khúc rẽ cuối.
Sau cùng thì con gái cũng biết chuyện, khi về thăm nhiều lần mà không gặp cha, chị im lặng chỉ cho con hai tờ giấy để nguyên trên bàn làm việc của ông ấy. Con bé không ầm ĩ như chị nghĩ, nó chỉ nói như giật mình:
- Trời đất, lâu nay mẹ chỉ có một mình ở nhà vậy sao? Nhỡ đêm hôm có chuyện gì?
- Có gì đâu con! Mẹ quen rồi.
Con bé nói với giọng buồn buồn: “Ba tệ thật, ba vẫn biết là mẹ sợ bóng tối cơ mà”.
Ơn trời là con vẫn nhớ được điều đó, nó nói gì với chồng nó mà vài hôm sau hai đứa đùng đùng dọn đồ về nhà.
- Bọn con sẽ ở với mẹ. Mẹ đừng buồn nữa.
Thằng rể cũng nói như an ủi: “Rồi ba cũng về thôi mẹ à, đàn ông ấy mà!”.
Căn nhà bớt âm u hơn trước, những bữa cơm tối được dọn lại như cũ, cả hai đứa con làm như không có chuyện gì xảy ra, còn chị muốn cho vui lòng con cũng vờ như mình không có gì phải buồn khi vắng ông ấy.
Chiều chiều sau khi rời cơ quan, chị không vội trở về mà cho xe chạy chầm chậm dọc đường biển hít thở mùi biển thấm đậm trong gió. Cũng có lúc chị gởi xe rồi đi bộ xuống bãi, chọn một chỗ vắng người ngồi nhìn vu vơ. Ở đâu chị cũng có điều để nhớ lại, chị với ông ấy cùng sinh ra ở đây, lớn lên cùng sóng và gió biển. Biển cách đây ba mươi năm hoang sơ hiền lành nhưng xa cách, còn biển bây giờ thì ồn ào sôi động nhưng gần gũi. Chị nhìn những con thuyền nhỏ nhấp nhô cùng sóng và thoáng nghĩ ở một nơi nào đó ông ấy có bao giờ nhớ đến chị và tất cả những gì bỏ lại đây không...
Ông ấy im lặng không một lời nhắn gởi, dù chỉ để tìm hiểu về đơn xin ly hôn để lại. Chị vẫn đợi một tiếng reo của điện thoại như những lần ông đi công tác xa. Đêm đi ngủ, chị mang chiếc điện thoại rời để trên đầu giường, hy vọng sẽ có lúc ông gọi về nhưng chỉ là chờ đợi mà thôi. Một lần chị tình cờ nghe con gái hỏi chồng: “Mẹ còn buồn không anh nhỉ? Sao không thấy mẹ khóc” và chồng nó trả lời: “Mẹ cao ngạo lắm, em là con mà không biết sao?”. Chị cười buồn một mình, nước mắt không biết vì sao cũng đã khô rồi.
Một đêm chị bắt đầu giấc ngủ lơ mơ thì điện thoại reo, chị phải để tay lên ngực cho tim bớt đập mạnh rồi mới cầm ống nghe. Không phải là giọng của ông ấy, đó là một người bạn cũ.
- Ê, Lam! Hạ đây, tao vừa xuống sân bay, mai gặp nhau nhé!
Chị nghĩ lan man cả đêm cho đến khi gặp lại bạn cũ, họ ngồi cùng nhau ở cái bàn đặt sát bãi biển của một nhà hàng khá sang trọng. Ánh nến lung linh trong đêm tối làm cho đôi mắt của bạn long lanh và đôi má hồng hào, chị nắm tay bạn nắn nót nhè nhẹ vừa đủ cảm nhận bàn tay ram ráp trong tay mình.
- Lâu quá mới về Hạ nhỉ? Chàng có đi cùng không?
Hạ ngồi tựa lưng ra ghế, nụ cười sáng ngời:
- Về một mình, tự do rồi.
- Sao kia?
- Chia tay chứ sao? Ba mươi năm không ngờ mọi chuyện nhẹ nhàng hơn mình tưởng...
Ngày xưa, bạn của chị đã từng yêu điên cuồng, bất chấp mọi thứ để được sống cạnh người yêu. Ra đến nước ngoài, cô ấy vẫn sống vô tư thoải mái với người chồng, cúc cung tận tụy mọi điều từ giấc ngủ đến bữa cơm.
- Ai mà học được chữ ngờ, đôi ba lần để ông ấy về thăm nhà là có chuyện. Mà Lam xem có đau không chứ, kẻ kia có phải trẻ đẹp tài giỏi gì hơn mình cho cam. Đó là một đứa bạn học cũ.
Vậy là cô ấy cũng như mình, chị cảm thấy như được chia sẻ. Ngọn nến ngắn dần, hai ly cà phê cũng cạn, chuyện của hai người cứ nối nhau không dứt, những cơn sóng sủi bọt trắng xóa cứ chạy và rồi lui ra mất tăm vào biển đêm sâu hun hút. Hai người đứng dậy khi chung quanh chỉ còn mấy cô phục vụ đang nôn nóng chờ đợi.
Đêm nằm gác hai tay lên trán, chị cảm thấy xấu hổ khi đã lấy chuyện của bạn xoa dịu cho lòng mình. Suốt một tuần đi chơi với bạn, chị mới hiểu được rằng nụ cười của cô ấy chỉ là để khỏa lấp nỗi xót xa trong lòng. Lứa tuổi của chị không thể giống bọn trẻ bây giờ, thích thì ở, không thích nữa thì chia tay nhau. Hồi xưa chị ru con “Ví dầu tình bậu muốn thôi. Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra”. Chị đã cám cảnh cho người phụ nữ trong ca dao và tự nhủ chẳng cần phải da diết buồn như thế. Học hành, công việc, địa vị xã hội sẽ giúp cho người phụ nữ có thể độc lập. Thế nhưng giờ đây chị mới hiểu rằng nếu thiếu hạnh phúc lứa đôi thì mọi thứ khác cũng không còn mấy ý nghĩa.
Vẫn không có tin tức gì của ông ấy. Đêm đêm, đứa con gái cứ thắc thỏm chờ đèn ở phòng mẹ tắt rồi mới dám đi ngủ. Hai vợ chồng nó dè dặt từng tiếng cười, trong nhà thiếu hẳn một điều gì đó dù mọi việc vẫn êm đềm. Thương con, chị lại cố làm ra vẻ tự nhiên nói cười, tự nhiên làm việc, tự nhiên đi chơi với bạn. Thảng hoặc bắt gặp hai vợ chồng đứa con nhìn nhau chị lại chột dạ, không biết mình có làm gì thái quá hay không.
Dần dần chị hiểu ra rằng không phải là đóng kịch, vì những gì đang diễn ra chính là chị đang sống. Cuộc đời là lẽ thường tình, trăng tròn rồi trăng khuyết, hết mùa nắng sẽ đến mùa mưa, cũng như thủy triều lên xuống mỗi ngày, ai đó từng nói cuộc đời là một bữa tiệc thì phải. Sẽ đến lúc tiệc tàn.
Hiểu thấu đáo mọi lẽ, chị thấy lòng nhẹ nhàng, cuối tuần hai đứa con thấy mẹ cùng vào bếp, cùng sửa soạn bữa cơm. Trong khi xắt thịt, lặt rau chị lại tỉ mỉ dạy cho con những bí quyết làm cho thức ăn không những ngon mà còn giữ được chất dinh dưỡng. Anh con rể thấy mẹ vui cũng cao hứng tham gia, anh giành phần trải khăn dọn bàn, rồi chạy ra vườn hái mấy cánh hoa hồng cắm vào chiếc lọ lâu nay bỏ không.
Hai đứa con tránh nhắc đến cha nhưng chị chủ động kể lại những chuyện vui ngày xưa của mình, có chuyện xưa như cổ tích, tỷ như lần giận nhau đầu tiên của hai người sau ngày cưới. Lần đó vì nể bạn chị đã đi chơi quá giờ cơm tối. Khi trở về thấy chồng đang ngồi đợi mình trước mâm cơm dọn sẵn, chị xin lỗi chồng nhưng sau đó thì ấm ức khóc vì chồng giận mình. Chị chợt nhớ là hình như chưa bao giờ chị nói cho con nghe về cha mẹ nhưng có quá nhiều chuyện để kể, chị chẳng biết bắt đầu từ đâu.
Thấy chị đã vui, đứa con gái theo chồng về nhà thăm cha mẹ. Còn một mình ở nhà, chị lại đi ra đi vào, loay hoay quét lá tưới hoa. Lòng cũng tưởng chừng đã bình lặng theo ngày tháng. Đêm tiếp nối ngày, thời gian chưa bao giờ nhanh như thế. Khi người ta không còn thấy thời gian chậm chạp nghĩa là tuổi không còn trẻ, soi gương chị đã bắt đầu thấy tóc mình thấp thoáng những sợi màu trắng.
Một chiều, người bạn cũ lại gọi điện: “Lam hả? Hạ đây. Sao kín tiếng thế?”. Chị chưa kịp hiểu lời bạn thì cô ấy đã nói như trách: “Cùng chia sẻ với nhau cũng tốt chứ, mình gặp ông ấy rồi, tình cờ nhưng đủ hiểu. Đến đây đi, đừng cao ngạo quá như thế, tuần sau tao cũng bay rồi!”.
Chị theo người bạn đến nơi chồng mình ở, nhưng ông ấy đi vắng, dấu hiệu chứng tỏ sự hiện diện của ông là bức thư pháp chữ Tâm, giống tấm treo ở nhà khiến chị không khỏi cười cay đắng. Tiếp chị là một cô gái ngoài ba mươi, đậm người, không có gì xuất sắc ngoài đôi mắt tròn to ngơ ngác.
Chị ngồi im lặng nghe người bạn nói chuyện với cô ta: “Em gặp anh ấy ba năm trước ở Tuần Châu, vợ của anh ấy đã đi với người khác, vì ảnh không có con, ảnh rất cô đơn, thật tội”. Chị lặng người, lần đó chị không đi du lịch được với ông ấy vì con gái chị sắp thi tốt nghiệp nhưng tại sao ông ấy có thể nói như thế? Cô gái vẫn hồn nhiên: “Hai chị biết không, như có phép lạ, em sắp có con với ảnh”.
Mặc cho người bạn níu kéo, chị ra về, ở chơi với bạn một hôm rồi đưa bạn ra sân bay. Hai người phụ nữ như không còn chuyện gì để nói cho đến khi chia tay với nhau. Hạ nói với chị mà như tự an ủi: “Có lẽ duyên số bọn mình như vậy”. Chị trở về nhà cũng không ngạc nhiên vì sao mình không buồn, chỉ tiếc là mình đã hết lòng hết dạ, hết cả cuộc đời mà không hiểu hết người cùng chia sẻ với mình ngần ấy năm.
Chiều nay chị đứng trước biển, cơn dông trái mùa làm cho biển cuồng nộ, những con sóng dữ dồn dập va đập vào nhau. Lòng chị cũng đã từng như vậy, thật không dễ dàng để thông suốt hết mọi lẽ đời. Nhưng chiều nay, biển nổi sóng thì lòng chị lại êm ả. Biển mênh mông là thế, bền bỉ là thế mà còn có lúc đầy, lúc vơi thì lòng người làm sao không dời đổi.
Tình yêu là vậy, người này không giống với người khác, dù chị chưa bao giờ quên thì ông ấy đã không còn nhớ những lời thề nguyền năm nào khi họ đến với nhau. Không thể trách ai, vì thế cũng không nên trói buộc nhau khi một trong hai người đã thay đổi.
Trên đường về, chị ghé bưu điện gởi chiếc phong bì, ghi địa chỉ mà chị vừa đến, đó là tờ đơn xin ly hôn ông ấy để lại giờ có thêm chữ ký của chị. Chị không kể gì với con để ông ấy vẫn là một hình ảnh đẹp trong lòng con. Bạn chị về đến nhà ân cần điện sang hỏi: “Có sao không?”. “Không sao”. Chị trả lời thế, rất thật lòng. Dẫu sao trong sâu thẳm, chị nghĩ dù thay đổi thế nào thì nghìn năm nữa biển vẫn là biển mà thôi.
Chị không thể nào tưởng tượng nổi cái ngày ông ấy lại nói lời chia tay, thế mà không để cho chị có cơ hội hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Lá thư để ngỏ trên bàn cùng với tờ đơn xin ly hôn, chữ của ông rõ ràng từng nét như điều ấy đã được sắp xếp rồi. “Tôi biết mình sẽ rất đau khổ nhưng hãy tha thứ cho tôi. Xin cho tôi lấy lại phần đời sau của mình từ bây giờ. Tôi không thể nào sống mà thiếu cô ấy...”.
Ba mươi năm vợ chồng biết bao nhiêu là tình nghĩa, biết bao nhiêu là lúc chia sẻ cùng nhau đắng cay, hạnh phúc vậy mà ông ấy có thể xem nhẹ như cái phẩy tay. Chị ngơ ngác trước những ngăn tủ còn nguyên đồ đạc của ông ấy, những quyển sách còn dựa nhau trên kệ không thiếu quyển nào. Ông ấy bỏ đi như tháo chạy, như ra điều rằng tất cả mọi thứ ở đây không còn cần thiết bằng nơi ông sẽ đến, không có gì quan trọng bằng kẻ ấy.
Có nằm mơ chị cũng không thể hình dung ra tình huống dở khóc dở cười của mình lúc này. Mới tối hôm qua ông ấy còn đứng bên cạnh trong tiệc cưới của con gái, cùng chia sẻ với nhau ly rượu mừng của con. Ngày mai khi con gái trở về trong ngày lại mặt, chị sẽ nói với nó thế nào về sự vắng mặt của ông? Sẽ nói thế nào với chính mình nếu thực sự ông ấy không quay trở về?
...Ngôi nhà đã vắng nay lại càng vắng hơn. Mỗi chiều chị vẫn ra ngồi nơi bãi cỏ xanh trong mảnh vườn nhỏ trước nhà, tỉ mỉ tỉa những chiếc lá héo trên cành, cầm chiếc bình tưới không sót một chậu cây nào. Đây là công việc của ông ấy, chị vừa làm vừa tự hỏi tới chừng nào thì ông ấy về giành lại công việc mà ông ấy yêu thích.
Đứa con gái khi về thăm nhà sau ngày cưới đã không thắc mắc nhiều về sự vắng mặt của cha. Có lẽ nó đã quen với những lần ông ấy vắng nhà và có lẽ nó đang quá vui với hạnh phúc mới. Chị thấy nhẹ nhõm khi không phải nói dối nhiều nhưng chị càng buồn hơn khi nhận ra rằng rồi chỉ còn một mình loay hoay trong nỗi cô đơn mới.
Chị không còn trẻ nhưng chưa phải đã già, công việc ở cơ quan phần nào giúp chị khỏa lấp được khoảng trống trong lòng mình. Nhưng dẫu sao cũng phải có ai đó trả lời giúp cho chị vì sao ông ấy có thể bỏ lại tất cả sau gần ba mươi năm chung sống? Chị không thể đi tìm ông để hỏi điều đó. Chị là người mau nước mắt nhưng nhiều tự ái. Tình yêu đối với ông ấy dù sâu nặng thế nào cũng không thể lớn hơn lòng tự trọng của chị. Nhiều đêm dài không ngủ vì ức lòng, vì giận dỗi nhưng không thể khóc như chị vốn vẫn dễ khóc. Không hiểu vì sao nhưng chính vì thế lòng chị càng đau đớn hơn, nỗi đau này chị chưa từng trải qua và cũng không thể nghĩ rằng mình phải mang nó khi đời đã sang khúc rẽ cuối.
Sau cùng thì con gái cũng biết chuyện, khi về thăm nhiều lần mà không gặp cha, chị im lặng chỉ cho con hai tờ giấy để nguyên trên bàn làm việc của ông ấy. Con bé không ầm ĩ như chị nghĩ, nó chỉ nói như giật mình:
- Trời đất, lâu nay mẹ chỉ có một mình ở nhà vậy sao? Nhỡ đêm hôm có chuyện gì?
- Có gì đâu con! Mẹ quen rồi.
Con bé nói với giọng buồn buồn: “Ba tệ thật, ba vẫn biết là mẹ sợ bóng tối cơ mà”.
Ơn trời là con vẫn nhớ được điều đó, nó nói gì với chồng nó mà vài hôm sau hai đứa đùng đùng dọn đồ về nhà.
- Bọn con sẽ ở với mẹ. Mẹ đừng buồn nữa.
Thằng rể cũng nói như an ủi: “Rồi ba cũng về thôi mẹ à, đàn ông ấy mà!”.
Căn nhà bớt âm u hơn trước, những bữa cơm tối được dọn lại như cũ, cả hai đứa con làm như không có chuyện gì xảy ra, còn chị muốn cho vui lòng con cũng vờ như mình không có gì phải buồn khi vắng ông ấy.
Chiều chiều sau khi rời cơ quan, chị không vội trở về mà cho xe chạy chầm chậm dọc đường biển hít thở mùi biển thấm đậm trong gió. Cũng có lúc chị gởi xe rồi đi bộ xuống bãi, chọn một chỗ vắng người ngồi nhìn vu vơ. Ở đâu chị cũng có điều để nhớ lại, chị với ông ấy cùng sinh ra ở đây, lớn lên cùng sóng và gió biển. Biển cách đây ba mươi năm hoang sơ hiền lành nhưng xa cách, còn biển bây giờ thì ồn ào sôi động nhưng gần gũi. Chị nhìn những con thuyền nhỏ nhấp nhô cùng sóng và thoáng nghĩ ở một nơi nào đó ông ấy có bao giờ nhớ đến chị và tất cả những gì bỏ lại đây không...
Ông ấy im lặng không một lời nhắn gởi, dù chỉ để tìm hiểu về đơn xin ly hôn để lại. Chị vẫn đợi một tiếng reo của điện thoại như những lần ông đi công tác xa. Đêm đi ngủ, chị mang chiếc điện thoại rời để trên đầu giường, hy vọng sẽ có lúc ông gọi về nhưng chỉ là chờ đợi mà thôi. Một lần chị tình cờ nghe con gái hỏi chồng: “Mẹ còn buồn không anh nhỉ? Sao không thấy mẹ khóc” và chồng nó trả lời: “Mẹ cao ngạo lắm, em là con mà không biết sao?”. Chị cười buồn một mình, nước mắt không biết vì sao cũng đã khô rồi.
Một đêm chị bắt đầu giấc ngủ lơ mơ thì điện thoại reo, chị phải để tay lên ngực cho tim bớt đập mạnh rồi mới cầm ống nghe. Không phải là giọng của ông ấy, đó là một người bạn cũ.
- Ê, Lam! Hạ đây, tao vừa xuống sân bay, mai gặp nhau nhé!
Chị nghĩ lan man cả đêm cho đến khi gặp lại bạn cũ, họ ngồi cùng nhau ở cái bàn đặt sát bãi biển của một nhà hàng khá sang trọng. Ánh nến lung linh trong đêm tối làm cho đôi mắt của bạn long lanh và đôi má hồng hào, chị nắm tay bạn nắn nót nhè nhẹ vừa đủ cảm nhận bàn tay ram ráp trong tay mình.
- Lâu quá mới về Hạ nhỉ? Chàng có đi cùng không?
Hạ ngồi tựa lưng ra ghế, nụ cười sáng ngời:
- Về một mình, tự do rồi.
- Sao kia?
- Chia tay chứ sao? Ba mươi năm không ngờ mọi chuyện nhẹ nhàng hơn mình tưởng...
Ngày xưa, bạn của chị đã từng yêu điên cuồng, bất chấp mọi thứ để được sống cạnh người yêu. Ra đến nước ngoài, cô ấy vẫn sống vô tư thoải mái với người chồng, cúc cung tận tụy mọi điều từ giấc ngủ đến bữa cơm.
- Ai mà học được chữ ngờ, đôi ba lần để ông ấy về thăm nhà là có chuyện. Mà Lam xem có đau không chứ, kẻ kia có phải trẻ đẹp tài giỏi gì hơn mình cho cam. Đó là một đứa bạn học cũ.
Vậy là cô ấy cũng như mình, chị cảm thấy như được chia sẻ. Ngọn nến ngắn dần, hai ly cà phê cũng cạn, chuyện của hai người cứ nối nhau không dứt, những cơn sóng sủi bọt trắng xóa cứ chạy và rồi lui ra mất tăm vào biển đêm sâu hun hút. Hai người đứng dậy khi chung quanh chỉ còn mấy cô phục vụ đang nôn nóng chờ đợi.
Đêm nằm gác hai tay lên trán, chị cảm thấy xấu hổ khi đã lấy chuyện của bạn xoa dịu cho lòng mình. Suốt một tuần đi chơi với bạn, chị mới hiểu được rằng nụ cười của cô ấy chỉ là để khỏa lấp nỗi xót xa trong lòng. Lứa tuổi của chị không thể giống bọn trẻ bây giờ, thích thì ở, không thích nữa thì chia tay nhau. Hồi xưa chị ru con “Ví dầu tình bậu muốn thôi. Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra”. Chị đã cám cảnh cho người phụ nữ trong ca dao và tự nhủ chẳng cần phải da diết buồn như thế. Học hành, công việc, địa vị xã hội sẽ giúp cho người phụ nữ có thể độc lập. Thế nhưng giờ đây chị mới hiểu rằng nếu thiếu hạnh phúc lứa đôi thì mọi thứ khác cũng không còn mấy ý nghĩa.
Vẫn không có tin tức gì của ông ấy. Đêm đêm, đứa con gái cứ thắc thỏm chờ đèn ở phòng mẹ tắt rồi mới dám đi ngủ. Hai vợ chồng nó dè dặt từng tiếng cười, trong nhà thiếu hẳn một điều gì đó dù mọi việc vẫn êm đềm. Thương con, chị lại cố làm ra vẻ tự nhiên nói cười, tự nhiên làm việc, tự nhiên đi chơi với bạn. Thảng hoặc bắt gặp hai vợ chồng đứa con nhìn nhau chị lại chột dạ, không biết mình có làm gì thái quá hay không.
Dần dần chị hiểu ra rằng không phải là đóng kịch, vì những gì đang diễn ra chính là chị đang sống. Cuộc đời là lẽ thường tình, trăng tròn rồi trăng khuyết, hết mùa nắng sẽ đến mùa mưa, cũng như thủy triều lên xuống mỗi ngày, ai đó từng nói cuộc đời là một bữa tiệc thì phải. Sẽ đến lúc tiệc tàn.
Hiểu thấu đáo mọi lẽ, chị thấy lòng nhẹ nhàng, cuối tuần hai đứa con thấy mẹ cùng vào bếp, cùng sửa soạn bữa cơm. Trong khi xắt thịt, lặt rau chị lại tỉ mỉ dạy cho con những bí quyết làm cho thức ăn không những ngon mà còn giữ được chất dinh dưỡng. Anh con rể thấy mẹ vui cũng cao hứng tham gia, anh giành phần trải khăn dọn bàn, rồi chạy ra vườn hái mấy cánh hoa hồng cắm vào chiếc lọ lâu nay bỏ không.
Hai đứa con tránh nhắc đến cha nhưng chị chủ động kể lại những chuyện vui ngày xưa của mình, có chuyện xưa như cổ tích, tỷ như lần giận nhau đầu tiên của hai người sau ngày cưới. Lần đó vì nể bạn chị đã đi chơi quá giờ cơm tối. Khi trở về thấy chồng đang ngồi đợi mình trước mâm cơm dọn sẵn, chị xin lỗi chồng nhưng sau đó thì ấm ức khóc vì chồng giận mình. Chị chợt nhớ là hình như chưa bao giờ chị nói cho con nghe về cha mẹ nhưng có quá nhiều chuyện để kể, chị chẳng biết bắt đầu từ đâu.
Thấy chị đã vui, đứa con gái theo chồng về nhà thăm cha mẹ. Còn một mình ở nhà, chị lại đi ra đi vào, loay hoay quét lá tưới hoa. Lòng cũng tưởng chừng đã bình lặng theo ngày tháng. Đêm tiếp nối ngày, thời gian chưa bao giờ nhanh như thế. Khi người ta không còn thấy thời gian chậm chạp nghĩa là tuổi không còn trẻ, soi gương chị đã bắt đầu thấy tóc mình thấp thoáng những sợi màu trắng.
Một chiều, người bạn cũ lại gọi điện: “Lam hả? Hạ đây. Sao kín tiếng thế?”. Chị chưa kịp hiểu lời bạn thì cô ấy đã nói như trách: “Cùng chia sẻ với nhau cũng tốt chứ, mình gặp ông ấy rồi, tình cờ nhưng đủ hiểu. Đến đây đi, đừng cao ngạo quá như thế, tuần sau tao cũng bay rồi!”.
Chị theo người bạn đến nơi chồng mình ở, nhưng ông ấy đi vắng, dấu hiệu chứng tỏ sự hiện diện của ông là bức thư pháp chữ Tâm, giống tấm treo ở nhà khiến chị không khỏi cười cay đắng. Tiếp chị là một cô gái ngoài ba mươi, đậm người, không có gì xuất sắc ngoài đôi mắt tròn to ngơ ngác.
Chị ngồi im lặng nghe người bạn nói chuyện với cô ta: “Em gặp anh ấy ba năm trước ở Tuần Châu, vợ của anh ấy đã đi với người khác, vì ảnh không có con, ảnh rất cô đơn, thật tội”. Chị lặng người, lần đó chị không đi du lịch được với ông ấy vì con gái chị sắp thi tốt nghiệp nhưng tại sao ông ấy có thể nói như thế? Cô gái vẫn hồn nhiên: “Hai chị biết không, như có phép lạ, em sắp có con với ảnh”.
Mặc cho người bạn níu kéo, chị ra về, ở chơi với bạn một hôm rồi đưa bạn ra sân bay. Hai người phụ nữ như không còn chuyện gì để nói cho đến khi chia tay với nhau. Hạ nói với chị mà như tự an ủi: “Có lẽ duyên số bọn mình như vậy”. Chị trở về nhà cũng không ngạc nhiên vì sao mình không buồn, chỉ tiếc là mình đã hết lòng hết dạ, hết cả cuộc đời mà không hiểu hết người cùng chia sẻ với mình ngần ấy năm.
Chiều nay chị đứng trước biển, cơn dông trái mùa làm cho biển cuồng nộ, những con sóng dữ dồn dập va đập vào nhau. Lòng chị cũng đã từng như vậy, thật không dễ dàng để thông suốt hết mọi lẽ đời. Nhưng chiều nay, biển nổi sóng thì lòng chị lại êm ả. Biển mênh mông là thế, bền bỉ là thế mà còn có lúc đầy, lúc vơi thì lòng người làm sao không dời đổi.
Tình yêu là vậy, người này không giống với người khác, dù chị chưa bao giờ quên thì ông ấy đã không còn nhớ những lời thề nguyền năm nào khi họ đến với nhau. Không thể trách ai, vì thế cũng không nên trói buộc nhau khi một trong hai người đã thay đổi.
Trên đường về, chị ghé bưu điện gởi chiếc phong bì, ghi địa chỉ mà chị vừa đến, đó là tờ đơn xin ly hôn ông ấy để lại giờ có thêm chữ ký của chị. Chị không kể gì với con để ông ấy vẫn là một hình ảnh đẹp trong lòng con. Bạn chị về đến nhà ân cần điện sang hỏi: “Có sao không?”. “Không sao”. Chị trả lời thế, rất thật lòng. Dẫu sao trong sâu thẳm, chị nghĩ dù thay đổi thế nào thì nghìn năm nữa biển vẫn là biển mà thôi.
LƯU CẨM VÂN
(SGGP thứ Bảy)
(SGGP thứ Bảy)