• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Dòng sông kỷ niệm

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Dòng sông kỷ niệm

    Dòng sông kỷ niệm
    Nguyễn Thị Ngọc Liên

    Quê ngoại tôi ở Hội An. Từ Đà Nẵng muốn vào Hội An phải đón xe đò đi thêm 30 cây số nữa. Má tôi từ ngày lấy chồng, theo chồng bỏ tỉnh nhỏ lại sau lưng, ít khi bà trở lại Hội An, nếu có chẳng khi nào bà ở lâu quá hai ngày. Có lẽ vì bà con thân thích còn ở lại trong ấy chỉ là vài người em chú bác họ.


    Ngày còn nhỏ bắt chước Má, chúng tôi gọi Hội An là Faifo hoặc Phố. Những ngày xưa ấy, ngây ngô, chưa biết đọc biết viết, tôi không chắc mình ngày ấy đã biết đánh vần hai chữ Faifo.

    Lâu rồi cái tên Phố nhạt nhòa trong ký ức. Phố Hội An cũng chỉ là một thành phố mù mờ cũ xưa buồn bã. Những căn nhà xây thế kỷ 16, sâu, dài, và tối, không gợi lại trong kỷ niệm nhiều nhớ thương bằng những hàng phượng vĩ, những gốc sân vườn nhiều bóng mát của tuổi thơ ở Đà Nẵng.
    Bức thư của Nguyện gởi cho tôi đến từ Hội An. Tỉnh nhỏ còn sót lại một tí âm vang trong kỷ niệm những ngày ấu thơ. Tên của đứa em họ trên một góc bìa bức thư nhắc nhở thảng thốt rằng đâu đây, người thân duy nhất của quê ngoại vẫn còn sống, nó vẫn còn hiện diện trên cõi đời. Nó vẫn còn sống trong thành phố u buồn bị bỏ quên từ cả trong kỷ niệm.

    Kỷ niệm về Nguyện tôi rất mù mờ. Cậu Năm, cha Nguyện, là người em trai độc nhất của Má tôi. Cậu Năm, đứa con trai duy nhất còn sống sót cho tới ngày trưởng thành của ông Ngoại tôi, cũng mất không lâu ngày Nguyện ra đời. Mẹ Nguyện ở với gia đình nhà chồng được ba năm thì bà xin phép tái giá. Ông Ngoại tôi năm ấy còn sống, không cho mẹ Nguyện bắt đi đứa cháu nội duy nhất. Mẹ Nguyện khóc quỳ tạ lỗi cùng cha chồng rồi dứt áo ra đi. Ông Ngoại tôi nuôi Nguyện cho đến năm nó sáu tuổi thì ông mất, mẹ Nguyện xin phép gia đình bên chồng cho bà đón nó về nuôi. Nhưng nó cũng chẳng ở lâu được với mẹ nó. Vài năm sau khi Nguyện theo mẹ, Má tôi, lúc ấy theo chồng làm việc ngoài Hà Nội, được tin người em dâu của mình đã chết vì bệnh thương hàn.

    Như thế đời Nguyện bắt đầu bằng những chương buồn. Mẹ mất đi, Nguyện trở thành đứa trẻ mồ côi thực thụ. Không thể để cháu dòng họ Phan lạc loài ở lại với người dưng, mấy người cậu họ bên ngoại tôi phải mang Nguyện về nuôi. Ngày Ba Má tôi mang gia đình dọn trở lại Đà Nẵng, Nguyện đã mười một, mười hai, lâu lâu có ngày nghỉ lễ, Má tôi nhờ người mang Nguyện ra Đà Nẵng ở chơi với gia đình tôi. Hình ảnh mỗi lần Nguyện lên xe đò trở lại Hội An, Má tôi thường dúi vào tay nó vài chục bạc làm quà, có lẽ là những hình ảnh tôi còn ghi nhận trong trí nhớ về Nguyện thời ấu thơ. Những ngày thơ dại, tôi không tài nào hiểu được tại sao Má tôi lại thương Nguyện, và binh vực nó nhiều hơn những đứa trẻ khác. Đối với tôi, Nguyện cũng chỉ là những đứa trẻ con nhà nghèo hay ra chơi nhà chúng tôi. Tôi nghĩ đến nó dừng dưng, không thân thiết. Trong khi ấy, có lẽ kiếp mồ côi đã ghi khắc nơi Nguyện những âu lo cho tương lai, khao khát một tình thương phụ-mẫu-tử nên những hình ảnh về Nguyện tôi chẳng nhớ được một kỷ niệm nào mà nó có được những nụ cười tưng bừng.

    Rồi Má tôi theo chồng vào Nam, chẳng bao giờ bà có dịp trở lại Phố Hội An. Ba tôi, vì nghề nghiệp, phải chuyển đi hoài hoài. Cả cuộc đời, Ba Má tôi chẳng ở một nơi nào nhất định. Anh em chúng tôi, mỗi đứa sinh ở mỗi thành phố khác nhau khắp cả Bắc Nam Trung, kỷ niệm tuổi ấu thơ mỗi người mỗi khác nhau, và mỗi người mang một niềm hãnh diện riêng về nơi mình sinh trưởng và bạn bè mình cùng lớn. Và Nguyện, đứa em họ côi cút, lạc loài, bị quên mau trong thế giới nhiều đổi thay của chúng tôi.
    Khi chúng tôi gặp lại Nguyện, nó đã thôi là thằng bé Má tôi thương nhớ mỗi lần về Phố thăm. Nguyện năm đó đã mười chín tuổi. Đậu tú tài trễ một năm, nó phải vào lính. Nguyện ghé Phú Nhuận thăm Má tôi khi nó còn ở trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.

    Dầu Nguyện đã lớn hơn ngày còn bé, gương mặt nó vẫn còn những nét quen thuộc chúng tôi nhận ra ngay. Nguyện giống cậu Năm như khuôn đúc. Má tôi thương Nguyện như thương người em trai yểu mệnh. Bà cầm chặt tay Nguyện mà khóc khi nó bước vào nhà, gỡ chiếc mũ kết, mái tóc hớt cao để lộ khoảng da cổ cháy đen vì nắng quân trường. Nguyện ít cười, gương mặt nó khắc khổ, làm nó có vẻ già hơn cái tuổi mười chín của nó. Tôi thua Nguyện gần mười tuổi, nhưng Nguyện vẫn lễ phép gọi tất cả chúng tôi bằng anh chị và xưng tên.

    Nguyện nhắc lại một vài kỷ niệm những ngày gia đình chúng tôi còn ở Đà Nẵng, hồi nó còn chín mười tuổi. Tôi không nhớ gì nhiều. Ngày tôi còn nhỏ, Ba Má tôi làm việc ở Đà Nẵng gần năm năm. Đà Nẵng cũng là quê nội, nên họ hàng chú bác chúng tôi thật nhiều, và bọn anh em họ bên nội cũng thật đông. Đông quá không nhớ hết từng gương mặt mỗi đứa. Và Nguyện cũng chỉ là một trong những đứa em họ tôi không nhớ hết. Nhưng với Nguyện, khi nhắc lại những lần ra Đà Nẵng thăm chúng tôi, nó kể lại như đó là những kỷ niệm đẹp đẽ và tưng bừng nhất trong đời!

    Sau ngày ra trường Thủ Đức, Nguyện được đổi về Quân Khu I. Nó chọn vào Binh Chủng Dù. Nó đến chào Ba Má tôi trước khi rời Sài Gòn. Má tôi than trách sao nó mặt mũi hiền lành sao lại chọn vào binh chủng gì mà dữ dằn. Tôi còn nhớ Nguyện, ngồi nơi ghế xa lông của phòng khách nhà tôi, cúi đầu nhìn mũi giày, tay xoay xoay chiếc nón kết, chẳng biết phải trả lời Má tôi vì sao nó chọn làm sĩ quan Dù.

    Má tôi vốn nói nhiều. Bà hay dài dòng những ý tưởng không quan trọng, và tôi còn nhớ, Nguyện ngồi gần hai tiếng đồng hồ nghe Má tôi giảng luân lý, kể chuyện đời. Má tôi nhắc nhở Nguyện ráng sống một cuộc đời đạo đức, đừng bê tha rượu chè, đừng cờ bạc.. Má tôi nhắc lại từng người thân thích, nghe bà nói như nghe một người đọc gia phả nhà họ Phan. Bà nhắc nhở Nguyện rằng nó là đứa cháu nối dõi tông đường của ông Ngoại nên nó phải ráng sống một cuộc đời xứng đáng, ráng mau lấy vợ, sinh con trai...

    Nguyện ngồi kiên nhẫn nghe Má tôi khuyên dạy. Tôi không chắc những lời thành khẩn của Má tôi lúc ấy có nghĩa gì với một thanh niên 19 tuổi còn nặng nợ sông hồ.

    Nguyện không lập gia đình, và chắc cũng chẳng bao giờ. Khoảng đầu năm 75, Má tôi được tin nó bị trúng thương. Viên đạn bắn vào gần sóng lưng, vết thương làm nó liệt nửa người, và nó bị cháy nám từ mặt xuống ngực. Nguyện may mắn không chết, không đui, nhưng cuộc đời nó đã thành cuộc đời của hàng ngàn người lính ngụy tàn phế. Thư Nguyện buồn u uất như cuộc đời nó. Nó viết, “Em muốn đi cũng chẳng đi được. Em bây giờ sống bám vào gia đình dì Diệu, bữa đói, bữa no. Nhà dì cũng chật vật lắm, em còn được ăn nhờ cũng đã là may..” Rồi nó khoe, nó đã biết đan rổ, mỗi ngày ra chợ giúp dì Diệu trông sạp hàng.

    Nhắc về căn nhà hương hỏa của ông Ngoại tôi, Nguyện viết, “Nhà ông nội bán cũng chẳng ai mua, mối ăn mấy cây cột gỗ gần rã. Người ta bảo nhà nầy xui, sát con trai, sát dâu. Ai đâu muốn gánh vác thêm vào của nợ què quặt như em”.

    Nguyện chẳng hỏi xin chúng tôi một thứ gì. Ngày Má tôi còn sống, vài ba tháng, bà dành dụm một hai trăm đồng gởi về cho Nguyện, cho dì Diệu. Bà khóc nỗi lần nhận được thư Nguyện. Bà than hoài, ông Ngoại bạc phước, đến đời Nguyện là tuyệt tự. Từ ngày bỏ quê hương, Má tôi nói nhiều hơn xưa. Bà sống trong kỷ niệm nhiều hơn trong đời thật. Bà nhắc nhở ngày cậu Năm còn sống, ngày nhà ông Ngoại còn là một gia đình có tiếng ở Hội An, và bà trách cứ chúng tôi không hết lòng mang đứa em con cậu sang đoàn tụ bên đất Mỹ. Từ ngày Má mất, chúng tôi cũng xao lãng lần và quên biệt những người họ hàng bên ngoại. Thư Nguyện làm chúng tôi chợt bâng khuâng và ân hận không biết Nguyện làm gì để sống được những ngày qua.

    Chúng tôi gói một gói quà cho Nguyện nhờ người ra Trung mang về giùm cho nó. Chẳng biết gởi gì cho đáng gói quà nhỏ, người quen không thể mang nhiều. Nguyện cần gì ở tuổi nó? Tội nghiệp Nguyện. Vài chiếc sơ mi? Một chiếc quần tây? Vài lọ thuốc bổ, và ít trăm đồng để nó có tiền tặng những người bà con đã tử tế chăm lo cho nó? Chúng tôi có thể gởi Nguyện tất cả những món quà ấy một cách dễ dàng. Nhưng nỗi cô đơn của đời Nguyện. Những giấc mơ mà ngày thơ dại nó đã có, chắc cũng giống những giấc mơ chúng tôi có thời thơ ấu, làm sao chúng tôi gởi về được cho Nguyện? Những bất hạnh của đời Nguyện, nào do nó tự chọn, chúng tôi làm gì để thay đổi được cho Nguyện?

    Nắng chiều đã xuống dần ngoài nghĩa trang nơi Má tôi nằm. Bức thư của đứa cháu ruột duy nhất của Má nằm chơ vơ trên bia mộ. Tôi nhớ lại dáng Nguyện ngồi nơi ghế xa lông, mắt nhìn xuống những viên gạch hoa, tay xoay xoay chiếc mũ nhà binh, lẳng lặng nghe Má tôi kể chuyện đời. Và Má tôi. Niềm lo âu, và tình thương đứa cháu bạc phước vẫn theo đuổi bà tới ngày bà qua đời. Tôi lại nghĩ đến Nguyện, bây giờ đã hơn năm mươi tuổi, ốm yếu, tật nguyền ngồi nơi bộ phản của căn nhà tối im ỉm của ông cố họ Phan ở Hội An. Có một nỗi buồn man mác tự dưng tràn ngập lòng. Lòng bỗng dưng thấy muộn phiền bởi nỗi bất công của cuộc đời. Chúng tôi và những dự tính tương lai nào cho cuộc đời nó chăng. Tôi nghĩ tôi sẽ biên cho Nguyện một bức thư dài. Món quà nào tôi gởi cho Nguyện bằng sự nhắc nhở rằng chúng tôi vẫn nghĩ đến Nguyện. Rằng Nguyện vẫn là một người ruột thịt thân thiết của chúng tôi nơi quê nhà.
    Sống trên đời

    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom