Đợi
Nguyên tác : Matsu của Dazai Osamu
Người dịch : Quỳnh Chi
Link" align="left" border="0" alt="" style="padding:7px;" />Ngày ngày tôi đi đón người ở một ga xép ấy trên đường tàu hàng tỉnh. Đón một người chẳng biết là ai.
Tôi đi chợ xong, ra về, thế nào cũng ghé vào nhà ga, buông mình ngồi xuống chiếc ghế dài lạnh ngắt trong ga, đặt chiếc làn đi chợ lên đùi, lơ đãng đưa mắt nhìn về phía cửa soát vé. Cứ mỗi lần có chuyến tàu xuôi ngược nào cập tới sân ga, cửa các toa tàu nhả ra những người là người rầm rập tiến ra cửa soát vé, sắc mặt ai nấy đều hầm hầm như giận dữ, họ chìa chiếc vé đi tàu tháng hay đưa vé cho người thu vé, sau đó xồng xộc bước thẳng tới mà chẳng thèm nhìn ngang liếc dọc, lướt qua trước chiếc ghế dài nơi tôi đang ngồi, ra tới quảng trường trước nhà ga, rồi mỗi người một ngả tản mác đi các nơi. Tôi ngồi thẫn thờ lơ đãng. Có ai đó sẽ mỉm cười bắt chuyện với tôi. Ối, thế thì sợ lắm. Ôi, không được đâu. Trống ngực tôi đánh thình thình. Chỉ mới nghĩ thế, tôi đã thấy rợn cả người như bị giội gáo nước lạnh vào sống lưng, muốn nghẹn thở rồi. Tuy thế mà rốt cuộc là tôi vẫn đợi một ai đó. Không hiểu ngày ngày tôi đến ngồi đây để đợi ai. Người nào mới được chứ ? Không, không chừng tôi đợi đây không phải là đợi người cũng nên. Tôi vẫn không thích người ta cơ mà. Không, đúng ra là tôi sợ người ta. Khi gặp người ta và chào hỏi chiếu lệ cho có những điều thực lòng chẳng muốn nói như " Độ này có gì lạ không ạ ?", "Trời lạnh rồi nhỉ ", tôi cảm thấy khổ sở như thể mình là kẻ giả dối chưa từng có trên đời này, muốn chết đi được. Và người kia cũng lại hết sức thận trọng tìm câu gì đó vô thưởng vô phạt để lấy lòng tôi, hoặc họ giả vờ góp ý một cách trịnh trọng, tôi sẽ phải nghe người ta nói để rồi thấy buồn cho sự nghi kỵ nhỏ nhen của họ, thấy tình đời mà chán chết đi được. Con người ta ở đời này chung quy chỉ những lo chào hỏi khách sáo, lo giữ kẽ gờm nhau, để rồi bên nào cũng hao tâm tổn trí, cứ như thế mãi suốt đời sao ? Tôi sợ gặp người ta lắm. Vì thế, chỉ trừ phi có chuyện gì ghê lắm, còn thì chẳng bao giờ tôi lại tự mình đến chơi nhà bè bạn bao giờ. Ở nhà, chỉ có hai mẹ con với nhau, lặng lẽ ngồi đan lát là tôi cảm thấy dễ chịu nhất. Thế nhưng đến lúc thế chiến bùng nổ, tình hình chung quanh trở nên hết sức căng thẳng, chẳng lẽ một mình tôi vẫn cứ hàng ngày thơ thẩn ở nhà mãi thì cũng cảm thấy như là mình đang làm điều gì không phải, thấy trong lòng không yên, thấp thỏm bồn chồn. Tâm trạng của tôi là muốn xả thân ra làm việc gì đó trực tiếp giúp ích cho đời. Tôi không còn tự tin để cứ sống theo cách của mình lâu nay nữa.
Thế nhưng, tuy nghĩ mình không thể lặng lẽ ở yên trong nhà mãi, tôi bèn đi ra đường, xong tôi lại chẳng có chỗ nào để tới. Tôi bèn đi chợ, rồi trên đường về ghé lại nhà ga, thẫn thờ ngồi xuống chiếc ghế dài lạnh lẽo ở đấy, vừa mong đợi có ai đó bỗng hiện ra với mình, đồng thời lại hãi hùng chỉ sợ lỡ ai đó hiện ra thật thì sẽ lúng túng chẳng biết phải làm sao. Nhưng nếu người ấy hiện ra thì cũng đành vậy, tôi sẽ dâng cả đời mình cho người đó. Tôi bằng lòng hầu như chấp nhận số phận đã an bài như thế, và còn tưởng tượng ra những chuyện không đâu, ngổn ngang trăm mối trong lòng đến muốn nghẹn thở được. Tôi như người mộng du giữa ban ngày, chẳng biết là mình còn sống hay đã chết, dường như đã mất hết cả tự tin. Người qua kẻ lại trước nhà ga như thuộc về một nơi nào thật xa xôi, ở tận đầu đằng kia của chiếc kính vạn hoa nhìn ngược, một thế giới hoang vắng cô liêu. Ôi, Không biết là tôi đang đợi cái gì đây ? Biết đâu, tôi là thứ con gái mất nết cũng không chừng. Không chừng, tuy bảo rằng từ khi thế chiến bùng nổ, thấy hoang mang làm sao ấy nên muốn xả thân làm việc gì giúp ích chỉ là nói điêu, tình thật chỉ là viện ra một cái cớ đàng hoàng như thế hòng thực hiện những điều hoang tưởng nông nổi của mình. Biết đâu là tôi đang rắp tâm chờ đợi một dịp may cũng không chừng Ngồi ở đây thế này, ngoài mặt thẩn thờ lơ đãng thế mà biết đâu trong đầu đang lởn vởn nhen nhóm những toan tính xấu xa.
Không biết tôi đang đợi ai đây ? Không có gì có hình thù rõ rệt cho tôi đợi, mà chỉ có một cái gì ấy thật mù mờ. Tuy thế, tôi vẫn đợi. Từ khi thế chiến bùng nổ, ngày lại ngày đi chợ về tôi lại ghé vào nhà ga, ngồi trên chiếc ghế dài lạnh lẽo này mà đợi. Có ai đó, một người nào đó sẽ mỉm cười, lên tiếng bắt chuyện với tôi. Ôi, tôi thấy sợ. Ối, không được đâu. Tôi đợi nhưng mà không phải là người đâu. Nhưng thế thì tôi đợi gì đây. Tôi đợi ai thế nhỉ. Chồng ư ? Không phải. Người yêu ư ?Không phải ạ. Bạn à ? Đâu có. Tiền bạc ư ? Đời nào ! Hồn ma à ? Ối ! Ghê quá !
Tôi đợi một cái gì êm ả, tươi sáng, tuyệt vời. Tôi cũng không biết là cái gì nữa cơ. Ví dụ một cái gì như mùa xuân. Ồ không, không phải thế. Lá non. Tháng năm. Nước trong vắt dưới ruộng lúa mì. Cũng không hẳn là thế. Ôi, thế nhưng mà tôi vẫn đợi đấy. Tôi vẫn đợi với lòng rạo rực. Giòng người lũ lượt lướt qua trước mắt tôi. Người tôi đợi không phải là người này, cũng không phải là người kia. Tôi vẫn tay cầm chiếc làn đi chợ, lòng thổn thức run rẩy tha thiết đợi chờ. Xin người đừng quên tôi nhé. Xin hãy nhớ dùm cho rằng có một người con gái tuổi đôi mươi, trên môi chẳng có nụ cười, vẫn ngày ngày đến ga chờ đón người. Tôi cố tình không cho người biết tên nhà ga xép ấy. Nhưng dù tôi không cho biết, một ngày nào đó, người cũng sẽ trông thấy tôi mà.
Nguyên tác : Matsu của Dazai Osamu
Người dịch : Quỳnh Chi
Link" align="left" border="0" alt="" style="padding:7px;" />Ngày ngày tôi đi đón người ở một ga xép ấy trên đường tàu hàng tỉnh. Đón một người chẳng biết là ai.
Tôi đi chợ xong, ra về, thế nào cũng ghé vào nhà ga, buông mình ngồi xuống chiếc ghế dài lạnh ngắt trong ga, đặt chiếc làn đi chợ lên đùi, lơ đãng đưa mắt nhìn về phía cửa soát vé. Cứ mỗi lần có chuyến tàu xuôi ngược nào cập tới sân ga, cửa các toa tàu nhả ra những người là người rầm rập tiến ra cửa soát vé, sắc mặt ai nấy đều hầm hầm như giận dữ, họ chìa chiếc vé đi tàu tháng hay đưa vé cho người thu vé, sau đó xồng xộc bước thẳng tới mà chẳng thèm nhìn ngang liếc dọc, lướt qua trước chiếc ghế dài nơi tôi đang ngồi, ra tới quảng trường trước nhà ga, rồi mỗi người một ngả tản mác đi các nơi. Tôi ngồi thẫn thờ lơ đãng. Có ai đó sẽ mỉm cười bắt chuyện với tôi. Ối, thế thì sợ lắm. Ôi, không được đâu. Trống ngực tôi đánh thình thình. Chỉ mới nghĩ thế, tôi đã thấy rợn cả người như bị giội gáo nước lạnh vào sống lưng, muốn nghẹn thở rồi. Tuy thế mà rốt cuộc là tôi vẫn đợi một ai đó. Không hiểu ngày ngày tôi đến ngồi đây để đợi ai. Người nào mới được chứ ? Không, không chừng tôi đợi đây không phải là đợi người cũng nên. Tôi vẫn không thích người ta cơ mà. Không, đúng ra là tôi sợ người ta. Khi gặp người ta và chào hỏi chiếu lệ cho có những điều thực lòng chẳng muốn nói như " Độ này có gì lạ không ạ ?", "Trời lạnh rồi nhỉ ", tôi cảm thấy khổ sở như thể mình là kẻ giả dối chưa từng có trên đời này, muốn chết đi được. Và người kia cũng lại hết sức thận trọng tìm câu gì đó vô thưởng vô phạt để lấy lòng tôi, hoặc họ giả vờ góp ý một cách trịnh trọng, tôi sẽ phải nghe người ta nói để rồi thấy buồn cho sự nghi kỵ nhỏ nhen của họ, thấy tình đời mà chán chết đi được. Con người ta ở đời này chung quy chỉ những lo chào hỏi khách sáo, lo giữ kẽ gờm nhau, để rồi bên nào cũng hao tâm tổn trí, cứ như thế mãi suốt đời sao ? Tôi sợ gặp người ta lắm. Vì thế, chỉ trừ phi có chuyện gì ghê lắm, còn thì chẳng bao giờ tôi lại tự mình đến chơi nhà bè bạn bao giờ. Ở nhà, chỉ có hai mẹ con với nhau, lặng lẽ ngồi đan lát là tôi cảm thấy dễ chịu nhất. Thế nhưng đến lúc thế chiến bùng nổ, tình hình chung quanh trở nên hết sức căng thẳng, chẳng lẽ một mình tôi vẫn cứ hàng ngày thơ thẩn ở nhà mãi thì cũng cảm thấy như là mình đang làm điều gì không phải, thấy trong lòng không yên, thấp thỏm bồn chồn. Tâm trạng của tôi là muốn xả thân ra làm việc gì đó trực tiếp giúp ích cho đời. Tôi không còn tự tin để cứ sống theo cách của mình lâu nay nữa.
Thế nhưng, tuy nghĩ mình không thể lặng lẽ ở yên trong nhà mãi, tôi bèn đi ra đường, xong tôi lại chẳng có chỗ nào để tới. Tôi bèn đi chợ, rồi trên đường về ghé lại nhà ga, thẫn thờ ngồi xuống chiếc ghế dài lạnh lẽo ở đấy, vừa mong đợi có ai đó bỗng hiện ra với mình, đồng thời lại hãi hùng chỉ sợ lỡ ai đó hiện ra thật thì sẽ lúng túng chẳng biết phải làm sao. Nhưng nếu người ấy hiện ra thì cũng đành vậy, tôi sẽ dâng cả đời mình cho người đó. Tôi bằng lòng hầu như chấp nhận số phận đã an bài như thế, và còn tưởng tượng ra những chuyện không đâu, ngổn ngang trăm mối trong lòng đến muốn nghẹn thở được. Tôi như người mộng du giữa ban ngày, chẳng biết là mình còn sống hay đã chết, dường như đã mất hết cả tự tin. Người qua kẻ lại trước nhà ga như thuộc về một nơi nào thật xa xôi, ở tận đầu đằng kia của chiếc kính vạn hoa nhìn ngược, một thế giới hoang vắng cô liêu. Ôi, Không biết là tôi đang đợi cái gì đây ? Biết đâu, tôi là thứ con gái mất nết cũng không chừng. Không chừng, tuy bảo rằng từ khi thế chiến bùng nổ, thấy hoang mang làm sao ấy nên muốn xả thân làm việc gì giúp ích chỉ là nói điêu, tình thật chỉ là viện ra một cái cớ đàng hoàng như thế hòng thực hiện những điều hoang tưởng nông nổi của mình. Biết đâu là tôi đang rắp tâm chờ đợi một dịp may cũng không chừng Ngồi ở đây thế này, ngoài mặt thẩn thờ lơ đãng thế mà biết đâu trong đầu đang lởn vởn nhen nhóm những toan tính xấu xa.
Không biết tôi đang đợi ai đây ? Không có gì có hình thù rõ rệt cho tôi đợi, mà chỉ có một cái gì ấy thật mù mờ. Tuy thế, tôi vẫn đợi. Từ khi thế chiến bùng nổ, ngày lại ngày đi chợ về tôi lại ghé vào nhà ga, ngồi trên chiếc ghế dài lạnh lẽo này mà đợi. Có ai đó, một người nào đó sẽ mỉm cười, lên tiếng bắt chuyện với tôi. Ôi, tôi thấy sợ. Ối, không được đâu. Tôi đợi nhưng mà không phải là người đâu. Nhưng thế thì tôi đợi gì đây. Tôi đợi ai thế nhỉ. Chồng ư ? Không phải. Người yêu ư ?Không phải ạ. Bạn à ? Đâu có. Tiền bạc ư ? Đời nào ! Hồn ma à ? Ối ! Ghê quá !
Tôi đợi một cái gì êm ả, tươi sáng, tuyệt vời. Tôi cũng không biết là cái gì nữa cơ. Ví dụ một cái gì như mùa xuân. Ồ không, không phải thế. Lá non. Tháng năm. Nước trong vắt dưới ruộng lúa mì. Cũng không hẳn là thế. Ôi, thế nhưng mà tôi vẫn đợi đấy. Tôi vẫn đợi với lòng rạo rực. Giòng người lũ lượt lướt qua trước mắt tôi. Người tôi đợi không phải là người này, cũng không phải là người kia. Tôi vẫn tay cầm chiếc làn đi chợ, lòng thổn thức run rẩy tha thiết đợi chờ. Xin người đừng quên tôi nhé. Xin hãy nhớ dùm cho rằng có một người con gái tuổi đôi mươi, trên môi chẳng có nụ cười, vẫn ngày ngày đến ga chờ đón người. Tôi cố tình không cho người biết tên nhà ga xép ấy. Nhưng dù tôi không cho biết, một ngày nào đó, người cũng sẽ trông thấy tôi mà.