Học trò già
Nguyễn Ngọc Tuyết
Hương nhìn mải miết người học trò ngồi ở bàn đầu. Khóa học đã già nửa mà cô giáo vẫn chưa hết hiếu kỳ về bác học trò già gấp đôi tuổi mình. Mấy hôm đầu, Hương vẫn tưởng bác đưa con đến học rồi “quỡn” quá, ngồi chờ đến hết giờ luôn. Chừng đến hỏi chuyện, hóa ra cái bác tên Nguyễn Văn Phước này đến đây để học. “Nghỉ hưu lâu rồi, ở nhà buồn quá, tôi đi học cho trí óc vận động đỡ cùn mằn. Vả lại trước giờ tôi chỉ biết tiếng Pháp, học chút đỉnh tiếng Anh cho khỏi lạc lõng với mấy đứa cháu ngoại, cháu nội ở nhà”. Mà người học trò tóc bạc gần hết ấy học siêng thiệt! Ngày nắng, ngày mưa chưa thấy nghỉ buổi nào
Thi thoảng lắm, có việc hệ trọng gì đó ở nhà, bác đều xin phép trước với cô giáo, thí dụ như: “Cô cho tôi nghỉ một bữa. Mai tôi phải đi đón con bên Úc về chơi”, hoặc “Mai nhà tôi có giỗ, tôi xin phép nghỉ một đêm nghe cô giáo”... Hương để ý thấy ông học trò này chưa bao giờ nghỉ học không phép dù đây chỉ là một trung tâm ngoại ngữ đêm, học sinh vào ra khá thoải mái. Có học trò nào nghỉ học mà xin phép đâu! Hay tại cái nếp của những “người xưa” là vậy. Là giáo viên Anh văn, Hương dạy thêm ở trung tâm đêm này đã nhiều khóa liền để kiếm thêm thu nhập, cũng quen dần với ý nghĩ: học trò bỏ tiền ra để luyện ngoại ngữ, thi lấy bằng A, bằng B cho dễ tìm chỗ làm hoặc mấy học viên đã đi làm rồi thì hợp thức hóa mảnh bằng cũng là cách củng cố vị trí và thăng tiến trong công tác. Ít có ai học để “biết thêm” như cái bác học trò già này.
Hôm nào cũng vào lớp đúng giờ, ngồi ngay bàn đầu, bác Phước không chỉ siêng học mà còn rất hăng hái đưa tay phát biểu.
- Cô giáo cho tôi tập nói cho nhiều chứ không tôi đọc, nói tiếng Anh cứ giọng Pháp hoài, mấy đứa nhỏ không hiểu gì hết trơn.
Mỗi lần ông già đứng lên đọc bài, cả lớp lại vui như Tết. Đám học trò nhỏ cứ râm ran:
- Im, nghe bác Phước đọc kìa! Giống nói tiếng Tây quá ta ơi!
Riết thành quen, bác học trò cũng không mắc cỡ hay có chút rụt rè gì. Mấy đứa nhỏ hình như cũng bắt chước bác Phước học hành chăm chỉ hơn. Cô giáo Hương rất thích cái không khí sôi nổi, nhộn nhạo của lớp này, thích đến nỗi khác với thường khi, việc dạy thêm ban đêm không còn là gánh nặng công việc, cũng không còn chút ngậm ngùi “cơm áo” nữa. Cứ cách đêm, Hương lại tìm thấy niềm vui khi đến lớp cũng như nhiều điều thú vị khi trò chuyện cùng người học trò già. Nhà ở gần trường nên Hương thường đi bộ qua. Từ khi quen bác Phước, cô càng thích đi bộ hơn bởi sau buổi học có thể cùng đi một đoạn đường với bác. Bác nói:
- Tôi vừa đi học vừa có dịp đi bộ một chút để tập thể dục. Vậy là khỏe ra, còn hơn uống thuốc bổ đó cô giáo.
Ông kể lúc nhỏ cũng học ngôi trường lớn ở đây. Sau ra đời làm ăn buôn bán cũng “lên voi xuống chó” nhiều. May mà cuối đời mọi việc ổn cả. Con cái bốn đứa thì hai đứa con trai lớn định cư ở Úc, đứa con gái và thằng con trai út còn bên này cũng yên bề gia thất, việc làm ổn định. Nhà có dư chút đỉnh, ông có điều kiện để nghỉ ngơi và đi du lịch.
- Tôi đi Úc thăm con cũng mấy lần. Cũng qua Mỹ hai bận nhưng tiếng Anh bù trất, mắc cỡ quá nên ráng học. Chừng con rước qua chơi quều quào được vài ba câu cũng đỡ hé cô!
Bác học trò nói về gia cảnh mình rất ít, Hương cũng không tò mò tìm hiểu gì thêm. Thú vị nhất vẫn là những chuyện bác kể, những suy nghĩ thâm trầm về cuộc sống, về con người của bác. Cứ mỗi lần nói chuyện với người học trò lớn tuổi ấy, Hương như vỡ ra nhiều điều về đời sống, về bản thân...
Có bữa trưa vừa đi dạy về, Hương thấy hai cây xoài để ngay trên sân nhà. Mấy đứa cháu nói:
- Cái ông gì nói là học trò mang lại cho để thím trồng trong vườn.
À, bác Phước chứ chẳng ai. Hôm trước bác đem vào lớp hai trái xoài xanh, trái nào cũng “biết nói” hết, bảo:
- Cô ăn thử đi, ngon hơn xoài Thái Lan. Giống Đài Loan đó. Tôi cung cấp cho các siêu thị trong thành phố, họ bán được lắm.
Mà đúng là ngon thiệt. Ăn hết hai trái xoài mà cả nhà còn thòm thèm. Hương kể lại cho nghe, bác học trò cười:
- Để tôi chiết cho cô vài cây. Về trồng chừng hai năm là có trái ăn rồi.
Không ngờ bác đem lại thật. Hai nhánh xoài chiết đã thành cây xoài nhỏ, thân thẳng đuột, cành lá phổng phao, xanh mướt. Ông già kỹ tính đã giữ cho cây lên đến bằng này mới đem cho để cây chắc chắn sống được. Vậy là hai cô trò, hai người bạn vong niên lại có chuyện nói về trồng trọt, về cây cối. Trong phạm vi mới này, bác Phước đúng là người từng trải. Bác kể:
- Tôi cũng gốc quê mà. Hồi nhỏ thấy mấy ông già chơi cây cảnh, uốn cây, ghép cây thành đủ mọi hình thù tôi mê lắm. Nhưng mình còn nghèo, đâu có điều kiện. Sau này thư thả một chút, tôi lao vào trồng trọt, không phải để kiếm tiền mà thỏa mãn cái thú tìm tòi, phát hiện các giống cây quý thôi.
Đi theo lời kể của người học trò già, cô giáo Hương như lạc vào một thế giới khác: Nào là cây đinh lăng lá dài có thể làm tóc mướt đen, loại hoa ngâu nhỏ như hạt nút áo dùng để ướp trà trồng từ hột mới có thể ra trái, trái ngâu ngâm rượu uống cũng làm tóc đen trở lại, thiết mộc lan vì sao được gọi là cây phát tài, rồi cây xương rồng phong phú thể loại ra sao, làm thế nào để người làm vườn có thể khiến hoa trái ra hoa kết quả nghịch mùa... Nhưng thú vị nhất chính là quan điểm của ông về thiên nhiên:
- Cô coi, trời đất có thái cực, lưỡng nghi, tứ tượng... Cây cỏ cũng như con người đều có thì, có lúc nẩy lộc phát hoa. Người xưa thường sống thuận theo tự nhiên để có cuộc sống giản dị mà thanh thản, người nay “bóc lột” tự nhiên nhiều quá nên gánh lấy hậu quả đáng buồn là vậy...
Trò chuyện với bác Phước, Hương thấy tâm hồn mình mở ra, trong sáng mà lại sâu lắng hơn. Trong một lúc, cô giáo trẻ như quên đi những bon chen, xoay xở của đời thường để nhập vào thế giới của “người xưa”. Sau này ngẫm lại, dường như đó là những giây phút thư giãn êm ả của Hương trong vòng xoáy lốc của công việc triền miên, không dứt này.
Trong câu chuyện, Hương cũng than thở về việc học hành của con, về áp lực công việc của bản thân, người học trò già lại chia sẻ cùng cô một cách chân tình. Lắm lúc cô giáo dạy Anh văn tưởng như mình đang tâm tình với một người bạn đồng lứa thật thân thiết. Đúng như có lần bác Phước nói nửa đùa, nửa thật: “Cô và tôi quả có duyên”.
Bẵng đi mấy tối không thấy bác Phước đi học, cô giáo Hương rất ngạc nhiên. Cả lớp không ai biết nhà bác cả. Hương nóng ruột, chạy lên văn phòng trung tâm hỏi địa chỉ trong hồ sơ ghi danh của bác rồi lần đến nhà. Đứng trước cổng nhà mà Hương còn ngỡ ngàng. Không ngờ nhà bác học trò bề thế như một ngôi biệt thự tuy nằm ngay giữa thành phố. Nghe nói bác còn mảnh vườn cũng lớn lắm ở ngoại thành, trồng nhiều cây trái quý nữa.
Bác Phước nằm trên giường, ngóc đầu lên chào cô giáo. Không gặp mấy ngày mà ngó bác xanh xao quá. Không đợi Hương hỏi, bác học trò già nói liền:
- Bác sĩ nói tôi bị viêm gan siêu vi B, không phải ung thư đâu, cô đừng lo!
Ừ, mà nhìn bác Hương lo lắng thật. Sao bác như đọc được ý nghĩ của mình vậy kìa. Nói qua nói lại, hóa ra chính người bệnh lại động viên cô giáo:
- Cô cho tôi nghỉ ít hôm, vài bữa tôi sẽ đi học lại thôi. Mấy bữa ở nhà, nhớ bọn nhóc quá!
Rồi bác cười thật tươi:
- Nghe nói bệnh này khó dứt lắm. Chắc tôi phải “sống chung” với nó thôi.
Đúng là anh bạn không mời mà đến phải không cô?
Như mọi lần, ông học trò già lại khiến Hương nhẹ nhõm trong lòng. Ngồi bên ông, bàn luận tâm tình đủ mọi chuyện, Hương hoàn toàn không nhớ mình đang thăm bệnh bác Phước. Cho đến lúc vợ bác đi vào nhắc đến giờ uống thuốc, cô giáo mới giật mình về sự vô tâm của mình. Nhưng bác Phước lại cười:
- Có cô đến tôi mới được nói chuyện như người bình thường. Chứ hổm rày cả nhà này chăm bẳm, dòm ngó tôi như người bệnh sắp chết, chán lắm!
Dù vậy, Hương vẫn không dám nán lâu. Ai đời đi thăm bệnh lại ngồi nói huyên thuyên cả giờ bao giờ. Nhưng ánh mắt níu kéo của ông bạn vong niên khiến Hương chạnh lòng, rưng rưng. Trông bác Phước có vẻ cô đơn, mệt mỏi quá. Khác xa với vẻ hoạt náo, tươi vui thường khi trong lớp học. Ừ, chỉ là do cơn mệt của thể xác thôi mà. Ông già gân ấy sẽ không sao đâu, dù ông có “sống chung” với cơn bệnh ngặt nghèo đi nữa...
Buổi tối, cô giáo Hương bước vào lớp ngoại ngữ thông báo lý do vắng mặt của bác học trò già. Đám học trò lao xao bàn chuyện đi thăm bệnh. Lớp học mất hẳn khí thế học hành. Hương muốn khơi lại mà không khí cứ loãng ra. Sự vắng mặt của người học trò đặc biệt khiến mọi hoạt động như rời rã, nhạt nhẽo, thiếu thiếu một cái gì...
Tan buổi học, Hương một mình đi bộ về nhà. Không có bác Phước đi bên cạnh, cảm giác thật chông chênh, trống vắng làm sao. Những lời nói, câu chuyện hằng đêm của bác đã lấp đầy ý nghĩ, lấp đầy niềm vui trong Hương, giờ trốn đi đâu mất. Lần đầu tiên, Hương cảm nhận sâu sắc ảnh hưởng của người học trò tuổi đã “cổ lai hy” ấy trong lòng mình. Từ vị trí học trò, bác Phước đã trở thành ông thầy của Hương tự bao giờ. Qua bác, cô giáo Hương bao năm đứng trên bục giảng mới thấm thía về con đường đi tìm tri thức không ngừng nghỉ của con người. Hương như được soi mình vào cách sống, cách nghĩ của những con người cách cô chỉ mấy mươi năm mà đã “khác” biết mấy, khác đến nỗi cô nhìn bác mà nhận ra những thiếu sót, hời hợt của chính mình, của lớp người hôm nay. Sao những người xưa ấy họ sống ung dung, bình dị là vậy, đạt đạo là vậy? Có phải nói như bác Phước “duyên gặp gỡ” giữa hai người cũng là sự may mắn của mình chăng?
Hương cứ vừa đi vừa nghĩ miên man. Nỗi lo về chứng bệnh của bác học trò nặng trĩu trong lòng. Nhưng lại nhớ đến vẻ mặt tươi tỉnh, nhớ lời nói lạc quan của bác, Hương lại gạt đi những suy nghĩ không đâu. Chắc chắn bác Phước sẽ khỏe nhanh thôi. Một vài hôm nữa bác lại đến lớp, lại xung phong đứng lên đọc rôm rả mấy câu tiếng Anh bằng giọng Pháp ấy mà. Người vững vàng như bác làm sao gục ngã được chứ!
Hương cứ đi, cứ đi với những ý nghĩ tuôn trào, với hình ảnh người học trò già trong tâm trí. Từ hướng bờ sông, gió đêm lồng lộng thổi mát rượi và trên bầu trời những ngôi sao đã lấp lánh báo hiệu một ngày mai nắng đẹp.
Nguyễn Ngọc Tuyết
Hương nhìn mải miết người học trò ngồi ở bàn đầu. Khóa học đã già nửa mà cô giáo vẫn chưa hết hiếu kỳ về bác học trò già gấp đôi tuổi mình. Mấy hôm đầu, Hương vẫn tưởng bác đưa con đến học rồi “quỡn” quá, ngồi chờ đến hết giờ luôn. Chừng đến hỏi chuyện, hóa ra cái bác tên Nguyễn Văn Phước này đến đây để học. “Nghỉ hưu lâu rồi, ở nhà buồn quá, tôi đi học cho trí óc vận động đỡ cùn mằn. Vả lại trước giờ tôi chỉ biết tiếng Pháp, học chút đỉnh tiếng Anh cho khỏi lạc lõng với mấy đứa cháu ngoại, cháu nội ở nhà”. Mà người học trò tóc bạc gần hết ấy học siêng thiệt! Ngày nắng, ngày mưa chưa thấy nghỉ buổi nào
Thi thoảng lắm, có việc hệ trọng gì đó ở nhà, bác đều xin phép trước với cô giáo, thí dụ như: “Cô cho tôi nghỉ một bữa. Mai tôi phải đi đón con bên Úc về chơi”, hoặc “Mai nhà tôi có giỗ, tôi xin phép nghỉ một đêm nghe cô giáo”... Hương để ý thấy ông học trò này chưa bao giờ nghỉ học không phép dù đây chỉ là một trung tâm ngoại ngữ đêm, học sinh vào ra khá thoải mái. Có học trò nào nghỉ học mà xin phép đâu! Hay tại cái nếp của những “người xưa” là vậy. Là giáo viên Anh văn, Hương dạy thêm ở trung tâm đêm này đã nhiều khóa liền để kiếm thêm thu nhập, cũng quen dần với ý nghĩ: học trò bỏ tiền ra để luyện ngoại ngữ, thi lấy bằng A, bằng B cho dễ tìm chỗ làm hoặc mấy học viên đã đi làm rồi thì hợp thức hóa mảnh bằng cũng là cách củng cố vị trí và thăng tiến trong công tác. Ít có ai học để “biết thêm” như cái bác học trò già này.
Hôm nào cũng vào lớp đúng giờ, ngồi ngay bàn đầu, bác Phước không chỉ siêng học mà còn rất hăng hái đưa tay phát biểu.
- Cô giáo cho tôi tập nói cho nhiều chứ không tôi đọc, nói tiếng Anh cứ giọng Pháp hoài, mấy đứa nhỏ không hiểu gì hết trơn.
Mỗi lần ông già đứng lên đọc bài, cả lớp lại vui như Tết. Đám học trò nhỏ cứ râm ran:
- Im, nghe bác Phước đọc kìa! Giống nói tiếng Tây quá ta ơi!
Riết thành quen, bác học trò cũng không mắc cỡ hay có chút rụt rè gì. Mấy đứa nhỏ hình như cũng bắt chước bác Phước học hành chăm chỉ hơn. Cô giáo Hương rất thích cái không khí sôi nổi, nhộn nhạo của lớp này, thích đến nỗi khác với thường khi, việc dạy thêm ban đêm không còn là gánh nặng công việc, cũng không còn chút ngậm ngùi “cơm áo” nữa. Cứ cách đêm, Hương lại tìm thấy niềm vui khi đến lớp cũng như nhiều điều thú vị khi trò chuyện cùng người học trò già. Nhà ở gần trường nên Hương thường đi bộ qua. Từ khi quen bác Phước, cô càng thích đi bộ hơn bởi sau buổi học có thể cùng đi một đoạn đường với bác. Bác nói:
- Tôi vừa đi học vừa có dịp đi bộ một chút để tập thể dục. Vậy là khỏe ra, còn hơn uống thuốc bổ đó cô giáo.
Ông kể lúc nhỏ cũng học ngôi trường lớn ở đây. Sau ra đời làm ăn buôn bán cũng “lên voi xuống chó” nhiều. May mà cuối đời mọi việc ổn cả. Con cái bốn đứa thì hai đứa con trai lớn định cư ở Úc, đứa con gái và thằng con trai út còn bên này cũng yên bề gia thất, việc làm ổn định. Nhà có dư chút đỉnh, ông có điều kiện để nghỉ ngơi và đi du lịch.
- Tôi đi Úc thăm con cũng mấy lần. Cũng qua Mỹ hai bận nhưng tiếng Anh bù trất, mắc cỡ quá nên ráng học. Chừng con rước qua chơi quều quào được vài ba câu cũng đỡ hé cô!
Bác học trò nói về gia cảnh mình rất ít, Hương cũng không tò mò tìm hiểu gì thêm. Thú vị nhất vẫn là những chuyện bác kể, những suy nghĩ thâm trầm về cuộc sống, về con người của bác. Cứ mỗi lần nói chuyện với người học trò lớn tuổi ấy, Hương như vỡ ra nhiều điều về đời sống, về bản thân...
Có bữa trưa vừa đi dạy về, Hương thấy hai cây xoài để ngay trên sân nhà. Mấy đứa cháu nói:
- Cái ông gì nói là học trò mang lại cho để thím trồng trong vườn.
À, bác Phước chứ chẳng ai. Hôm trước bác đem vào lớp hai trái xoài xanh, trái nào cũng “biết nói” hết, bảo:
- Cô ăn thử đi, ngon hơn xoài Thái Lan. Giống Đài Loan đó. Tôi cung cấp cho các siêu thị trong thành phố, họ bán được lắm.
Mà đúng là ngon thiệt. Ăn hết hai trái xoài mà cả nhà còn thòm thèm. Hương kể lại cho nghe, bác học trò cười:
- Để tôi chiết cho cô vài cây. Về trồng chừng hai năm là có trái ăn rồi.
Không ngờ bác đem lại thật. Hai nhánh xoài chiết đã thành cây xoài nhỏ, thân thẳng đuột, cành lá phổng phao, xanh mướt. Ông già kỹ tính đã giữ cho cây lên đến bằng này mới đem cho để cây chắc chắn sống được. Vậy là hai cô trò, hai người bạn vong niên lại có chuyện nói về trồng trọt, về cây cối. Trong phạm vi mới này, bác Phước đúng là người từng trải. Bác kể:
- Tôi cũng gốc quê mà. Hồi nhỏ thấy mấy ông già chơi cây cảnh, uốn cây, ghép cây thành đủ mọi hình thù tôi mê lắm. Nhưng mình còn nghèo, đâu có điều kiện. Sau này thư thả một chút, tôi lao vào trồng trọt, không phải để kiếm tiền mà thỏa mãn cái thú tìm tòi, phát hiện các giống cây quý thôi.
Đi theo lời kể của người học trò già, cô giáo Hương như lạc vào một thế giới khác: Nào là cây đinh lăng lá dài có thể làm tóc mướt đen, loại hoa ngâu nhỏ như hạt nút áo dùng để ướp trà trồng từ hột mới có thể ra trái, trái ngâu ngâm rượu uống cũng làm tóc đen trở lại, thiết mộc lan vì sao được gọi là cây phát tài, rồi cây xương rồng phong phú thể loại ra sao, làm thế nào để người làm vườn có thể khiến hoa trái ra hoa kết quả nghịch mùa... Nhưng thú vị nhất chính là quan điểm của ông về thiên nhiên:
- Cô coi, trời đất có thái cực, lưỡng nghi, tứ tượng... Cây cỏ cũng như con người đều có thì, có lúc nẩy lộc phát hoa. Người xưa thường sống thuận theo tự nhiên để có cuộc sống giản dị mà thanh thản, người nay “bóc lột” tự nhiên nhiều quá nên gánh lấy hậu quả đáng buồn là vậy...
Trò chuyện với bác Phước, Hương thấy tâm hồn mình mở ra, trong sáng mà lại sâu lắng hơn. Trong một lúc, cô giáo trẻ như quên đi những bon chen, xoay xở của đời thường để nhập vào thế giới của “người xưa”. Sau này ngẫm lại, dường như đó là những giây phút thư giãn êm ả của Hương trong vòng xoáy lốc của công việc triền miên, không dứt này.
Trong câu chuyện, Hương cũng than thở về việc học hành của con, về áp lực công việc của bản thân, người học trò già lại chia sẻ cùng cô một cách chân tình. Lắm lúc cô giáo dạy Anh văn tưởng như mình đang tâm tình với một người bạn đồng lứa thật thân thiết. Đúng như có lần bác Phước nói nửa đùa, nửa thật: “Cô và tôi quả có duyên”.
Bẵng đi mấy tối không thấy bác Phước đi học, cô giáo Hương rất ngạc nhiên. Cả lớp không ai biết nhà bác cả. Hương nóng ruột, chạy lên văn phòng trung tâm hỏi địa chỉ trong hồ sơ ghi danh của bác rồi lần đến nhà. Đứng trước cổng nhà mà Hương còn ngỡ ngàng. Không ngờ nhà bác học trò bề thế như một ngôi biệt thự tuy nằm ngay giữa thành phố. Nghe nói bác còn mảnh vườn cũng lớn lắm ở ngoại thành, trồng nhiều cây trái quý nữa.
Bác Phước nằm trên giường, ngóc đầu lên chào cô giáo. Không gặp mấy ngày mà ngó bác xanh xao quá. Không đợi Hương hỏi, bác học trò già nói liền:
- Bác sĩ nói tôi bị viêm gan siêu vi B, không phải ung thư đâu, cô đừng lo!
Ừ, mà nhìn bác Hương lo lắng thật. Sao bác như đọc được ý nghĩ của mình vậy kìa. Nói qua nói lại, hóa ra chính người bệnh lại động viên cô giáo:
- Cô cho tôi nghỉ ít hôm, vài bữa tôi sẽ đi học lại thôi. Mấy bữa ở nhà, nhớ bọn nhóc quá!
Rồi bác cười thật tươi:
- Nghe nói bệnh này khó dứt lắm. Chắc tôi phải “sống chung” với nó thôi.
Đúng là anh bạn không mời mà đến phải không cô?
Như mọi lần, ông học trò già lại khiến Hương nhẹ nhõm trong lòng. Ngồi bên ông, bàn luận tâm tình đủ mọi chuyện, Hương hoàn toàn không nhớ mình đang thăm bệnh bác Phước. Cho đến lúc vợ bác đi vào nhắc đến giờ uống thuốc, cô giáo mới giật mình về sự vô tâm của mình. Nhưng bác Phước lại cười:
- Có cô đến tôi mới được nói chuyện như người bình thường. Chứ hổm rày cả nhà này chăm bẳm, dòm ngó tôi như người bệnh sắp chết, chán lắm!
Dù vậy, Hương vẫn không dám nán lâu. Ai đời đi thăm bệnh lại ngồi nói huyên thuyên cả giờ bao giờ. Nhưng ánh mắt níu kéo của ông bạn vong niên khiến Hương chạnh lòng, rưng rưng. Trông bác Phước có vẻ cô đơn, mệt mỏi quá. Khác xa với vẻ hoạt náo, tươi vui thường khi trong lớp học. Ừ, chỉ là do cơn mệt của thể xác thôi mà. Ông già gân ấy sẽ không sao đâu, dù ông có “sống chung” với cơn bệnh ngặt nghèo đi nữa...
Buổi tối, cô giáo Hương bước vào lớp ngoại ngữ thông báo lý do vắng mặt của bác học trò già. Đám học trò lao xao bàn chuyện đi thăm bệnh. Lớp học mất hẳn khí thế học hành. Hương muốn khơi lại mà không khí cứ loãng ra. Sự vắng mặt của người học trò đặc biệt khiến mọi hoạt động như rời rã, nhạt nhẽo, thiếu thiếu một cái gì...
Tan buổi học, Hương một mình đi bộ về nhà. Không có bác Phước đi bên cạnh, cảm giác thật chông chênh, trống vắng làm sao. Những lời nói, câu chuyện hằng đêm của bác đã lấp đầy ý nghĩ, lấp đầy niềm vui trong Hương, giờ trốn đi đâu mất. Lần đầu tiên, Hương cảm nhận sâu sắc ảnh hưởng của người học trò tuổi đã “cổ lai hy” ấy trong lòng mình. Từ vị trí học trò, bác Phước đã trở thành ông thầy của Hương tự bao giờ. Qua bác, cô giáo Hương bao năm đứng trên bục giảng mới thấm thía về con đường đi tìm tri thức không ngừng nghỉ của con người. Hương như được soi mình vào cách sống, cách nghĩ của những con người cách cô chỉ mấy mươi năm mà đã “khác” biết mấy, khác đến nỗi cô nhìn bác mà nhận ra những thiếu sót, hời hợt của chính mình, của lớp người hôm nay. Sao những người xưa ấy họ sống ung dung, bình dị là vậy, đạt đạo là vậy? Có phải nói như bác Phước “duyên gặp gỡ” giữa hai người cũng là sự may mắn của mình chăng?
Hương cứ vừa đi vừa nghĩ miên man. Nỗi lo về chứng bệnh của bác học trò nặng trĩu trong lòng. Nhưng lại nhớ đến vẻ mặt tươi tỉnh, nhớ lời nói lạc quan của bác, Hương lại gạt đi những suy nghĩ không đâu. Chắc chắn bác Phước sẽ khỏe nhanh thôi. Một vài hôm nữa bác lại đến lớp, lại xung phong đứng lên đọc rôm rả mấy câu tiếng Anh bằng giọng Pháp ấy mà. Người vững vàng như bác làm sao gục ngã được chứ!
Hương cứ đi, cứ đi với những ý nghĩ tuôn trào, với hình ảnh người học trò già trong tâm trí. Từ hướng bờ sông, gió đêm lồng lộng thổi mát rượi và trên bầu trời những ngôi sao đã lấp lánh báo hiệu một ngày mai nắng đẹp.