• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Mực tươi nướng trên biển - Ngô Thị Giáng Uyên

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Mực tươi nướng trên biển - Ngô Thị Giáng Uyên

    Mực tươi nướng trên biển

    Chiếc thuyền thúng nhỏ tròn vạnh cập bờ, vài con cá giãy đành đạch và mấy con tôm bé xíu búng lách tách trong khoang tre. Hoàng hôn buông xuống bao phủ trời nước Mũi Né một màu vàng sóng sánh, in bóng mấy cây dừa nghiêng mình xuống biển làm duyên.


    Minh họa: Đỗ Trung Quân

    Tôi dẫn Alastair, anh bạn trai lần đầu đến Việt Nam, đi xem ngư dân trút hải sản ra thuyền sau chuyến lưới cá muộn mằn trong ngày. Anh hỏi tôi:
    - Cá này bắt được họ đem về làm gì?
    Tôi quay sang hỏi lại người đàn bà cắp rổ đứng cạnh bên.
    - Chủ yếu để bán ngoài chợ, thường là lưới tờ mờ sáng kìa. Bữa nay tranh thủ đánh thêm buổi chiều kiếm được chút nào hay chút đó, mà được ít quá chắc để ở nhà ăn thôi - giọng địa phương nằng nặng như có pha vị muối và gió biển, chị vừa nói vừa xóc lại rổ cá.
    Tôi nhìn chiếc rổ tre trong tay chị:
    - Hình như chị có nhiều mực kìa!
    - Ờ, chắc đem ra hỏi quán ăn coi họ có mua không, không mua thì muối để dành vậy. Em có muốn mua không?
    - Tụi em khách du lịch, ở đây không có đồ nấu đâu chị à!
    - Để chị ướp luôn cho, tối đem bếp than ra đây cho em nướng. Mực này coi nhỏ vậy chớ ngon lắm đó!
    Alastair níu tôi:
    - Họ muốn bán mực cho mình hả? Mua đi, ăn vầy mới ngon chứ!
    Như hiểu được lời anh, người đàn bà nhìn tôi:
    - Em lấy hết nhé. Năm chục ngàn được không em?
    Năm chục ngàn ở Sài Gòn chắc chỉ mua được một phần ba mớ này.
    Anh bạn hào hứng đưa tờ năm mươi ngàn. Chị cầm tiền, hồ hởi:
    - Vậy tối nay em muốn ăn mấy giờ?
    - 7g nhé! Em ở resort B, tụi em chờ chị ở dãy ghế gần biển.
    - Ừ, 7g chị đem ra.
    Bán được mớ mực, người đàn bà mừng rỡ gọi con về. Đứa con gái nhỏ loắt choắt da đen nhẻm chừng tám, chín tuổi đang ẵm đứa em cũng đen nhẻm không kém đứng gần đó trố mắt nhìn Alastair, có lẽ đây là lần đầu tiên nó thấy người mắt xanh.
    Khi gia đình ngư dân đã đi khuất, tôi trách anh:
    - Sao đưa hết vậy, đáng lẽ chỉ đưa một nửa thôi. Mình đâu biết họ là ai?
    - Có sao đâu, em đa nghi quá! Thấy họ cũng hiền lành thật thà...
    - Ừ thì hiền lành, nhưng họ là người lạ.
    Anh chàng khoát tay, nói cho qua chuyện:
    - Ồ, có mất cũng đâu bao nhiêu.
    Lần này tôi bực mình thật:
    - Đâu bao nhiêu, nhưng mà không đáng.
    Alastair xuống nước:
    - Ừ, mình xin lỗi. Lần sau sẽ nghe lời.
    7g tối. Chúng tôi ngồi chờ trên ghế gần bãi biển, không thấy ai đến. Gió bắt đầu thổi mạnh, làm rạp cả mấy cây dừa mọc nghiêng. Alastair ái ngại nhìn trộm tôi, chờ câu trách móc “Thấy chưa, đã nói mà không nghe!” nhưng tôi im lặng không nói gì. Một phần vì tôi ngượng với anh, nếu họ không đến có lẽ ấn tượng tốt về người Việt đối với anh cũng bị mờ đi phần nào.
    7g05. Mới có năm phút mà chúng tôi thấy dài dằng dặc, không ai nói gì với ai, không gian im lặng chỉ nghe tiếng thủy triều vỗ oàm oạp vào kè đá dưới chân và lá dừa xào xác trong gió. 7g10. Tôi thở dài bảo: “Thôi, mình chờ chút nữa nếu họ không đến anh đi mua gì về ăn. Em ngồi đây chờ họ tiếp vậy”. “Ừ, chắc họ không tìm ra resort này của mình, hay là gió quá họ không ra khỏi nhà được?”.
    Có đốm sáng di chuyển từ đằng xa, và giọng địa phương nằng nặng: “Xin lỗi hai em nhé!”.
    Người đàn bà bê chiếc bếp gạch và xách túi than không phải người chúng tôi gặp, nhưng dắt theo bé gái con của gia đình ngư dân đã đứng trố mắt nhìn Alastair hồi chiều.
    - Mẹ nó mắc ở nhà nấu cơm với coi em bé, không ra kịp. Mẹ nó sai nó mang đồ đi, tui là hàng xóm thấy tội nghiệp nên đi theo nó.
    Đứa bé ngước nhìn chúng tôi, cặp mắt đen lóng lánh trong biển đêm. Nó ngồi xổm xuống đất, lấy ra chiếc túi đựng lá khô, sắp lên than.
    - Lá đào lộn hột (*) đó! Cái này bắt lửa nhanh - người đàn bà vừa đưa cánh tay dính than lau mồ hôi lấm tấm trên mặt gió biển chưa kịp thổi khô, vừa giải thích.
    Alastair đi gom một mớ lá dừa rụng dưới đất.
    - Bỏ cái này vô nữa nè!
    Chiếc hộp quẹt trong tay chị bị ướt mãi vẫn không cháy. Đứa bé nhanh nhảu đứng dậy, chạy đi: “Để con đi mua hộp quẹt mới cho”.
    Chị chắc lưỡi nhìn theo:
    - Coi vậy chớ có ba đứa em luôn đó. Ngày nào cũng học một buổi, đi bán ngoài chợ phụ mẹ một buổi. Mười ba tuổi, học lớp 6 rồi mà nó đẹt ngắt.
    Tôi vừa dịch lại cho Alastair vừa vẩn vơ nghĩ không biết anh có so sánh đứa bé đó với những đứa trẻ cùng tuổi lớn phổng phao nhờ ăn uống điều độ và nhiều bơ sữa ở quê hương anh, chiều chiều đạp xe đạp chơi vòng quanh những khu nhà lớn và yên tĩnh rợp bóng cây.
    Đứa bé hớn hở chạy về mang theo hộp quẹt. Lá đào bắt lửa tỏa mùi thơm hăng hăng, lá dừa khô cũng xém lửa kêu lách tách. Khi lá cháy hết cũng là lúc than đỏ hồng, chị đặt vỉ lên bếp gạch, xếp lên một lớp mực rồi đưa đĩa mực đã ướp sẵn cho tôi: “Đó, hai em nướng ăn đi, có đĩa sạch và hai đôi đũa nữa đây. Ăn xong cứ để dưới gốc cây kia, sáng sớm mai mẹ nó ra lấy. Không sao đâu, ở đây không ai trộm vặt hết đâu mà sợ”.
    Rồi chị đứng dậy, bươn bả cầm đèn đi. Đứa bé gái dợm bước theo, nghĩ gì lại quay đầu nhìn tôi, rụt rè hỏi: “Ông này người Tây cũng biết ăn mực nướng nữa hả cô?”. Tôi bật cười: “Ăn chớ, đặc sản đó. Ở nước ổng cái này khó kiếm lắm nghe!”. Chừng như bằng lòng với câu trả lời của tôi, nó gật đầu như người lớn rồi chạy theo người hàng xóm tốt bụng.
    Chúng tôi nhìn theo hai cái bóng một đẫy đà một nhỏ loắt choắt chìm trong ánh điện vàng của khu resort cho đến khi mùi mực tươi nướng bốc lên thơm điếc mũi. Những con mực độ bằng ba ngón tay được xẻ ra ướp muối ớt và một ít mỡ, mùi mỡ chảy xèo xèo xuống than hồng, mùi muối ớt quyện mùi mực ngào ngạt làm cả hai ứa nước miếng.
    Mực rất ngon, lớp bên ngoài hơi xém cạnh vàng rộm giòn giòn điểm mấy lát ớt hiểm đỏ au, bên trong trắng ngần và sớ thịt mềm ngọt. Trong đĩa mực, chị vợ ngư dân còn cho thêm mấy con tôm nhỏ trong thuyền chúng tôi thấy ban chiều, ăn nguyên cả vỏ giòn tan, thịt chắc và thơm phức. Chúng tôi ăn no căng bụng trong những cơn gió lồng lộng thổi từ biển và những ánh đèn câu mực của ngư phủ nhấp nháy ngoài màn đêm đen kịt xa xa.
    Bữa mực tươi nướng trên biển ngon vì mực tươi rói mới câu ướp muối hột và ớt hiểm cay xè, vì mùi thơm của than hồng, lá đào lộn hột và lá dừa khô cháy, vì đất trời Mũi Né mênh mông xa lạ mà bỗng chốc trở thành gần gũi. Và vì những người dân làng chài chất phác làm thức dậy trong tôi một điều tưởng chừng đã dần phai nhạt trong cuộc sống xô bồ: niềm tin.


    (*): Đào lộn hột: tiếng địa phương chỉ cây điều.
    NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN
    (Theo Áo Trắng)
    Tôi yêu tiếng nước tôi

    Audio Truyện Kiều
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom