• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Ảnh hưởng Phật giáo trên Văn học, Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Ảnh hưởng Phật giáo trên Văn học, Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

    Ảnh hưởng Phật giáo trên Văn học, Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
    TS Thái Văn Kiểm

    Văn Học gồm có: Ngôn ngữ, Văn tự, Văn phẩm, Thi ca và Mỹ thuật, trong đó có Âm nhạc, Hội hoạ và Kiến trúc.

    Ngôn ngữ
    Click image for larger version

Name:	phat_02.jpg
Views:	49
Size:	28.2 KB
ID:	261685Trước hết, ta hãy nói về Ngôn ngữ, bằng cách đơn cử cái chữ đầu tiên là Phật, được Việt-nam-hóa là Bụt, rút ra từ danh từ Bouddha, có nghĩa là Biết, người hiểu biết tất cả, thông suốt cả mọi việc, từ dĩ vãng tới tương lai. Cái từ ngữ chính yếu đó đã được sự truyền bá Phật Giáo tới Việt Nam, qua hai ngã đường: đường biển phía dưới theo Tiểu Thừa (Hinayana), và đường lục địa phía trên theo Đại Thừa (Mahayana), sẽ gặp nhau cách đây gần 19 thế kỷ tại Chiêm Thành và Giao Chỉ, nơi Trung Tâm Luy Lâu (Bắc Ninh bây giờ).

    Những từ-ngữ khác bằng tiếng và chữ Phạn (sanscrit) sẽ lục tục theo sau, khá nhiều, để nhập vào để đồng hóa và phong-phú-hóa Việt ngữ chính thống xa xưa như:

    Nước là xứ sở, do chữ phạn nogara, đọc vắn là nok, là nước. Chữ nogara, đọc vắn là nogar như Poh Nogar là Bà Chúa Xứ.
    Dấp (dáng dấp: aspect, physionomie) do chữ phạn rupa, đọc vắn là rúp, là dúp.
    Búp (hoa) do phạn ngữ bupha là hoa.
    Sạch sẽ là do chữ phạn suci mà ra.
    Vài (quelques) do chữ phạn dvi, dva mà ra.
    No (ăn no) do chữ phạn purna mà ra.
    Đau (đau khổ) do chữ phạn dukkha mà ra.
    Hằng hà sa số: nhiều như cát sông Gange (Hằng Hà) của Ấn Độ.
    Cửa do chữ phạn Kuala, như cửa biển (embouchure, estuaire, portuaire), như Hà Tiên ngày xưa dân Miên gọi là Kual, người Bồ Đào Nha viết là Coal trong các du ký, còn người Tàu nối gót Mạc Cửu và Mạc Thiên Tứ thì viết là Cảng khẩu quốc, còn người Tây Phương như Pháp thì viết là "Royaume de Cancao".

    Văn tự
    Trong địa hạt Văn tự, qua các Tôn giáo như Phật Giáo từ Ấn Độ truyền sang và Khổng Giáo từ Trung Quốc tràn xuống, dân tộc Lạc Việt đã sớm tiếp dùng ít nhất là hai (2) thứ chữ khác nhau:

    Mường ngữ và Hán ngữ.

    Văn tự mà các nhà nhân chủng học gọi là Mường ngữ, tương tợ các thứ chữ của Miên, Lào và Thái, gốc chữ phạn (sanscrit) hoặc là chữ Pali, còn xa xưa hơn. Người xưa gọi là Khoa đẩu văn (văn vẽ như đuôi nòng nọc), mà người Pháp gọi là "écriture en queue de têtard", cũng có người gọi là chữ cung quăn (larves de moustiques).

    Để chứng minh điều này, chúng ta sẽ đưa ra quyển sách "Thanh Hóa Quan Phong" mà tác giả là cụ Vương Duy Trinh, Tổng Đốc Thanh Hoá, hồi đầu thế kỷ XX. Sách này trình bày Địa lý, Nhân văn, Phong tục, Thi ca bình dân trong vùng này, xưa kia gọi là Ái Châu, với nhiều truyện tích, ca dao, ngạn ngữ bằng tiếng Mường của người Mường, mà các nhà bác học gọi là "Tiền Việt" và người Tây Phương gọi là "Proto-Vietnamiens".

    Nhờ sách đó mà chúng ta được biết Mường ngữ gồm có 35 chữ cái, viết theo lối "loan phụng khoa đẩu", như dấu chân chim loan phụng và nòng nọc, cung quăng.

    Năm 1953, nhân được Chính phủ Quốc Gia cử vào trấn nhậm hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, Nha Trang và Phan Rang, trong những lúc đi hành hạt, chúng tôi đã cố gắng học hỏi thêm các thứ ngôn ngữ Chiêm Thành và Đồng bào Thượng, phần lớn thuộc về ngôn ngữ Á-Úc (langues austro-asiatiques), mà ngữ pháp phần nhiều được sắp xếp ngược lại với ngữ pháp của Trung Quốc. Nghĩa là tính từ nằm sau danh từ (le substantif précède le qualificatif), nói một cách khác: định từ đi sau bị-định-từ (le déterminant suit le déterminé).

    Ví dụ như người Tàu nói: thanh thiên, bạch nhựt, cô nhi quả phụ, còn người Việt-Mường và phần nhiều các Dân tộc thiểu số Đông Dương thì nói: trời xanh, ngày trắng, mẹ goá con côi. Đó là những ví dụ cụ thể giúp chúng ta phân định rõ ràng: Người Lạc Việt và phần lớn Đồng bào thiểu số không phải là người Tàu, mà đó là những sắc dân trong Đại tộc Bách Việt, theo đúng truyền thuyết Trăm trứng (100) sinh nở ra Trăm con đã rải rác đồng đều trên lãnh thổ và các quần đảo khắp vùng Đông Nam Á.

    Trong những chuyến đi "thăm dân cho biết sự tình", theo lời nói bất hủ của ký giả khả kính Vũ Bằng, tôi có để ý ba việc:

    1. là danh từ kép "Khoa đẩu văn" có ghi khắc trên một tấm bia đá dựng nơi đền tháp Poh Ino Nogar, do cụ Phan Thanh Giản biên soạn năm 1856 (Tự Đức năm thứ 9), kể rõ sự tích của Thiên Y Ana Thánh Mẫu, vết tích rõ ràng và "rành rành như canh lá hẹ".

    Ấy thế mà có một Giáo sư Pháp, rất giỏi Hán Văn và nói rành tiếng Việt, cứ nói ép với tôi rằng chữ Tàu là "Khoa đẩu văn" đó, vì chữ Tàu cũng có hình dáng "đuôi nòng nọc". Tôi đành ngậm mà nghe, vì tôi đang thi cử với lều chõng nghênh ngang, không tiện "đương dương trường bản"!

    2. là lúc lên Cao nguyên, theo dấu chân Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ ở làng An Tây, nơi giáp giới Bình Định và Pleiku, xuyên qua nhiều sông ngòi và đèo cao, rừng rậm, tôi đã tìm thấy sắc tộc Cà Lơ (Khả Lũ) chuyên dùng cách đếm bằng những sợi dây nhiều màu, có làm gút nút, giống như Kipu của các sắc dân Maya và Aztèque miền Trung Mỹ và Nam Mỹ thời tiền Kha-Luân-Bố (Amérique pré-colombienne).

    3. là dân Cao nguyên thiểu số ưa dùng danh từ Poh có nghĩa là Lãnh chúa, là vua, cũng giống như người Việt và người Mường vùng Bắc Trường Sơn và cả vùng Bình-Trị-Thiên ưa dùng chữ Bua trong danh từ kép việc bua quan, tức là việc vua quan, việc hành chánh, tương đối với việc dân gian, việc dân dã.
    Đã chỉnh sửa bởi hoangvu; 10-04-2020, 12:25 PM.
    Sống trên đời

    Similar Threads
  • #2

    Ảnh hưởng Phật giáo trên Văn học, Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

    Thi văn
    Sau Ngôn ngữ và Văn tự, chúng ta hãy bàn tới Thi văn của nước ta xuyên qua Phật Giáo đã truyền sang từ những thế kỷ đầu tiên của Lịch đại quốc tế. Bài thơ tiên khởi của nền Văn chương Việt Nam là của một nhà sư tên Đỗ Pháp Thuận, sinh năm 915 và mất năm 990. Ông sống vào thời kỳ Lê Đại Hành (980-1005), là một nhà sư thuộc thế hệ thứ 10 dòng Thiền Nam phương. Nhờ kiến thức rộng, giỏi thi văn và tích cực khuông phò nhà Tiền Lê, nên được vua Lê Đại Hành phong đến chức Pháp sư. Cùng với nhà sư Khuông Việt, ông đã giữ chức Cố vấn dưới triều Tiền Lê, và có lần được cử đi tiếp đón sứ giả nhà Tống là Lý Giác. Với tài ứng đối của mình, ông đã làm cho Lý Giác ngạc nhiên, kính phục.

    Theo sách Thiền Uyển Tập Anh và Đại Việt Sử Ký thì trong cuộc tiếp đón này, sư Pháp Thuận đóng vai người lái đò. Trên con đường sông nước dẫn vào kinh thành Đại La, Lý Giác thấy hai con ngỗng bơi lội trên mặt nước, bèn ngâm rằng:

    Nga nga! Lưỡng nga nga,
    Ngưỡng diện hướng thiên nha.

    Dịch:
    (Ngỗng kia! Ngỗng một đôi,
    Nghển cổ nhìn chân trời)

    Ông đang cầm chèo, liền ngâm tiếp ngay:

    Bạch mao phô lục thủy,
    Hồng trạo bãi thanh ba.

    Dịch:
    (Nước xanh bày lông trắng,
    Sóng biếc chân hồng bơi)

    Lý Giác nghe rất thán phục, về sau có làm một bài thơ tặng riêng ông. Theo truyền thuyết thì bài thơ đối đáp trên kia, có thể là phỏng theo bài thơ của Lạc Tân Vương đời Đường, đã làm ra lúc mới lên 10 tuổi!

    Đến đời Lý Công Uẩn, Tả thân Vệ Điện tiền Chỉ huy sứ, nối ngôi nhà Tiền Lê, dưới Vương hiệu Lý Thái Tổ (974-1028), chúng ta được thêm một bản văn lịch sử là Chiếu dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long (tức thành Đại La dưới thời Cao Biền), do sự khuyến khích của đại thần Đào Cam Mộc và nhà sư Nguyễn Vạn Hạnh (?-1018). Trong bài chiếu ấy có câu:

    ..."Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, đã tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoảng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của Đế vương muôn đời."

    Trong Văn chương, ảnh hưởng của Phật Giáo lại càng thấy rõ hơn nữa. Thi phẩm Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu chịu ảnh hưởng Phật Giáo nhiều nhất, như ta thấy trong những câu thơ sau đây:

    Tuồng hoãn hóa đã bày ra đấy
    Kiếp phù sinh trông thấy mà đau
    .......
    Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật,
    Mối thất tình quyết dứt cho xong.

    Còn ảnh hưởng Lão Giáo, ta tìm thấy trong thơ của Trạng Trình:

    Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa,
    Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên,
    Thoát trần một gót thiên nhiên,
    Cái thân ngoại vật là tiên trên đời.

    Nói tới kiếp phù sinh, với tình duyên dang dở, thì bà Đoàn Thị Điểm, trong Chinh Phụ Ngâm, cũng thốt ra những lời đượm mùi Phật Giáo:

    Ấy loài vật tình duyên còn thế,
    Sao kiếp người nỡ để đó đây?
    Thiếp xin về kiếp sau này,
    Như chim liền cánh, như cây liền cành!

    Đọc lại Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, một nhà Nho chính thống, một nhà ái quốc chân thành, ta thấy Cụ Đồ Chiểu đem thơ văn mà dạy đời theo Khổng Giáo. Thế mà suốt trong thi phẩm Cụ luôn luôn nhắc tới miền Hà Khê, là nơi xây dựng chùa Thiên Mụ bởi Chúa Nguyễn Hoàng vào năm 1601, trên hữu ngạn sông Hương, thơm hương Sen và hoa rễ thạch-xương-bồ (gramineus acorus).

    Từ Gia Định, Nhà Bè nước chảy chia hai, Nguyễn Đình Chiểu đã đi ghe ra tận thần kinh Huế năm 1848, ở lại miền Hà Khê để chờ thi. Bất ngờ được tin mẹ mất, Cụ phải lập tức khăn gói lên đường. Nhưng, phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí, dọc đường bị bịnh, lại thêm buồn thảm vì mất mẹ mà than khóc đến mù lòa, Cụ Đồ Chiểu đã để lại những vần thơ tuyệt tác, trong đó Cụ không quên nhắc tới miền Hà Khê, non xanh nước biếc, điện ngọc chùa vàng, như sau:

    Thưa rằng: Tôi Kiều Nguyệt Nga,
    Người này tì tất tên là Kim Liên,
    Quê nhà ở quận Tây Xuyên,
    Cha làm tri-phủ ở miền Hà Khê.
    ........
    Hà Khê qua đó cũng gần,
    Xin theo cùng thiếp đền ân cho chàng.
    ........
    Đoạn này đến thứ Nguyệt Nga,
    Hà Khê phủ ấy theo cha học hành.
    ........
    Kim Liên ơi hỡi Kim Liên,
    Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê.

    Cụ Đồ Chiểu, trong cơn nguy biến, luôn luôn khấn vái Trời Phật trên đường về Gia Định:

    Thỉnh ông Phật Tổ A-Di,
    Thập phương chư Phật phù trì giúp công.

    Và đây là một nhận xét sâu sắc của Cụ về hiện trạng bên ngoài không đúng với thực trạng và giá trị tuyệt đối của bên trong, ít ai trông thấy, cũng như cái hoa Ưu đàm, màu hồng, núp kín trong quả bồ đề vậy:

    Trực rằng:
    Chùa rách Phật vàng,
    Ai hay trong quán ẩn tàng Kinh luân.

    Kinh luân đây là ba bộ Kinh Đại Tạng: Kinh Tạng, Kinh Luận và Kinh Luật, tức là Tam Tạng (Tripitaka, Trois Corbeilles) mà Thầy Đường Huyền-Trang đã thỉnh từ Thiên Trúc về chùa Từ Ân, ở Trường An, trong năm 645.

    Thầy Huyền-Trang đã rời Trung Quốc hồi tháng 9 năm 629 và Tâydu 15 năm, xuyên qua các nước Trung-Á, vòng quanh Hy-Mã-Lạp-Sơn để đi vào Thiên-Trúc tìm kiếm vết tích của Phật Thích-Ca và thỉnh Kinh Đại Tạng về nước vào tháng 4 năm 645. Thầy đã đem về 657 quyển Kinh, viết bằng chữ phạn. Ngoài ra, Thầy Huyền-Trang còn đem về rất nhiều tượng Phật bằng vàng, ngọc, gỗ thơm (giáng hương), nhiều tranh họa và 150 xá-lợi cùng những di-tích chân thực của Phật. Nhiều đến nỗi phải có 20 con ngựa tốt để chuyên chở mới đủ.

    Về nước rồi, Thầy Huyền-Trang phải tuyển nhiều học-sĩ trong nước và nhiều tu-sĩ thông thạo Ấn ngữ để dịch Kinh Đại Tạng ra Hán ngữ. Đồng thời, Thầy phải viết hồi ký "Tây du ký" dâng lên nhà vua năm 646. Từ đó, suốt 19 năm trời, Thầy phải lo việc phiên dịch Kinh, thuyết giảng đạo Phật và đào tạo cán bộ truyền giáo khắp nơi. Ngày 6 tháng 2 năm 664, Thầy viên tịch, lên thẳng Niết Bàn là nơi chấm dứt hoàn toàn mọi sự truyền kiếp (samsara).
    Sống trên đời

    Comment

    • #3

      Ảnh hưởng Phật giáo trên Văn học, Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

      Nói về Kinh Phật, chúng ta cần biết rằng: nguyên đầu thế kỷ I Công nguyên, một Đại hội Phật Giáo nguyên thủy đã được tổ chức tại Tích Lan, do sáng kiến của những bậc kỳ cựu (Thera). Click image for larger version

Name:	ct.jpg
Views:	26
Size:	36.9 KB
ID:	261686Trước đó, tu sĩ Mahinda, em vua A-Dục (Açoka), đã đem vào trồng nơi đảo Tích Lan một nhánh bồ-đề chiết từ cây mẹ mọc tại Bodh-Gaya, nơi hạ lưu sông Hằng Hà, xứ Bihar. Đại hội nói trên họp ở Tịnh Xá Alu-Vihara, châu thành Matale, đã quyết định biên chép lại toàn bộ Giáo lý và cuộc đời đức Phật, cùng các đệ tử tiên khởi. Đại hội quyết định biên chép bằng cổ-phạn Pâli, biên chép trên lá kè (latanier), tục gọi là lá-bối, Hán ngữ gọi là tung-lư. Cũng có khi chép trên vỏ cây điên-điển (écorce de bouleau). Công trình biên chép kéo dài 25 năm. Những bài chép được phân chia bỏ vào ba cái giỏ lớn, cho nên gọi là Tam Tạng (Trois Corbeilles, Tripitaka). Một giỏ dành riêng cho Kinh điển (Sutta, Enseignement du Maître), tức là Giáo lý chính yếu của Đức Phật, một giỏ dành cho Luật lệ (Vinaya, Discipline, Règlement Intérieur) và một giỏ nữa dành cho phần Luận giảng (Abhidamma, Exégèses et Commentaires scholastiques). Cả ba loại: Kinh, Luật, Luận gọi là Đại Tạng Kinh, gồm trên dưới một ngàn quyển.

      Di tích cơ sở soạn thảo và biên chép Đại Tạng Kinh còn trông thấy bên đường đá gồ ghề vùng rừng núi dẫn từ Kandy tới Anuradhapura, cựu thủ phủ Tích Lan.

      Trong khi Ấn Độ và Tích Lan dùng lá kè và vỏ điên-điển để biên chép kinh kệ từ đó cho đến nhiều thế kỷ sau, thì ở Giao Chỉ chúng ta, thủ công nghệ làm giấy đã lên đến trình độ khá cao. Những thương gia Tây phương và Trung Quốc thời đó hay ghé lại Giao Chỉ (Cattigara) để mua nhiều phẩm vật, trong đó có giấy rất tốt, làm với vỏ cây mật hương, tục gọi là cây dó, cây dó bầu, tên khoa học là Aloexyllum agalochum L. Cây này về già thì sinh ra trầm hương và kỳ nam. Trầm hương thì chìm mà kỳ nam thì nổi.

      Người Trung Quốc công nhận kỹ thuật làm giấy của người Việt Giao-Chỉ và Giao-Châu rất tinh-vi. Sách Nam Phương Thảo Mộc Trang của Kế Hàm viết hồi thế kỷ IV, ghi rằng "giấy trầm hương sắc trắng, rất thơm, bỏ xuống nước không nát, trên mặt giấy có nổi vân như vẩy cá". Những vân này do chất dầu thơm trong cây dó bầu, cũng có tên là vân bầu.

      Sách Thập Dị Ký của Vương Gia, thế kỷ IV, viết: "Người nước Nam dùng rong rêu làm giấy, gọi là giấy Trắc lý".

      Sách Đại Việt Sử Lược của ta, thế kỷ XIII, chép: "Từ đầu thế kỷVIII, ở ngoại thành phía tây Thăng Long có một xóm thợ thủ công chuyên làm giấy".

      Trong chuyến về thăm kinh-thành, Nguyễn Trãi (thế kỷ XV) ghi trong cuốn Dư Địa Chí: "Đương thời, phường Yên Thái, làng Bưởi, chuyên làm giấy".
      Giấy Việt Nam có thể làm với nhiều thứ cây, ngoài cây dó: cây bồ đề, cây dướng, cây thương lục (cây mết), cây dâu, cây lá gai (ramie), làm thành nhiều loại giấy: giấy bản, giấy bồi, giấy moi, giấy phén. Đẹp nhất là giấy sắc cung cấp cho Triều đình để viết sắc dụ ban cho thần dân và các vị Thần hoàng, cho nên có câu phương ngôn:

      Tiếng đồn con gái Nghĩa đô,
      Quanh năm làm giấy cho Vua được nhờ.

      Trong việc ấn tống Kinh Phật, Trung Tâm Luy-Lâu dùng thợ giỏi khắc chữ trên bản gỗ cây thị (plaqueminier), tên Hán-Việt là tử mà chúng ta đọc thấy trong Truyện Kiều:

      Đoái trông muôn dặm tử phần,
      Hồn quê theo ngọn mây tần xa xa.

      Sở dĩ kỹ thuật làm giấy của nước ta đã phát triển mạnh mẽ từ mấy ngàn năm là nhờ ba sự kiện lịch sử, chính trị và văn hóa: một là việc học chữ Hán và Nho giáo dưới thời Bắc thuộc, hai là việc biên chép Kinh nhà Phật và sự ấn tống những Kinh đó, cần phải dùng nhiều giấy, ba là Triều đình cần ban cấp sắc phong cho đình thần, thân hào, nhân sĩ và các vị thần hoàng sáng lập làng xã.
      Đã chỉnh sửa bởi hoangvu; 10-04-2020, 12:26 PM.
      Sống trên đời

      Comment

      • #4

        Ảnh hưởng Phật giáo trên Văn học, Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

        Khi nói tới đình chùa nước ta, danh lam, cổ tích nước ta, mọi người đều cảm thấy nhớ thương và quyến luyến, vì đó là công trình của tổ tiên chúng ta, rất đáng được thi ca truyền tụng.

        Ví dụ như chùa Hương-Tích ở phủ Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông (Bắc Việt), đã được chúa Trịnh tôn vinh là "Nam Thiên Đệ Nhất Động", là ngôi chùa được ca tụng nhiều nhất trong thi ca Việt Nam.

        Trước hết là Dương Khuê với bài Động Hương-Tích:

        Thú thiên nhiên đâu bằng Hương-Tích,
        Đủ thanh tao cảnh lịch trăm chiều,

        Kế đến là Vũ Phạm Hàm với bài Hương-Sơn Phong Cảnh Ca, mà chúng tôi sẽ trích mấy câu:

        Niệm Nam Mô A Di Đà Phật,
        Mãng vui chơi quên mất đường xa,
        Quả mơ non với nước mơ già,
        Trông chân cảnh nhìn ra chân vị.
        ...........

        Rồi đến Chu Mạnh Trinh cũng cảm hứng với "Hương-Sơn Phong Cảnh":

        Bầu Trời cảnh Bụt,
        Thú Hương-Sơn ao ước bấy lâu nay!
        Kìa non non, nước nước, mây mây,
        "Đệ-nhất-động" hỏi rằng đây có phải?

        Đến thời lãng mạn cận kim, chúng ta thấy xuất hiện nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, con của văn hào Nguyễn Văn Vĩnh, rất xuất sắc và tự nhiên trong bài Chùa Hương, mà chúng tôi trích vài đoạn sau đây:

        Hôm nay đi chùa Hương,
        Hoa cỏ mờ hơi sương,
        Cùng thầy me em dậy,
        Em vấn đầu soi gương.
        .........
        Thuyền đi, bến Đục qua,
        Mỗi lúc gặp người ra,
        Thẹn thùng em không nói:
        "Nam mô A Di Đà".
        ........
        Mẹ bảo: đường còn lâu,
        Cứ vừa đi ta cầu:
        Quan Thế Âm bồ tát,
        Là tha hồ đi mau!
        ........
        Ngun ngút khói hương vàng,
        Say trong giấc mơ màng,
        Em cầu xin Trời Phật:
        Sao cho em lấy chàng!

        Ở ngoài Huế xưa kia có Cụ Thảo-Am Nguyễn Khoa Vi, tiên tổ của danh tướng Nguyễn Khoa Nam, thường hay làm thơ nói lái nhưng rất đượm mùi giáo lý nhà Phật, ví dụ như những bài thơ sau đây:

        Ngày kia Thảo-Am lên Chùa, có nhiều bạn Thi-văn yêu cầu làm một bài thơ vịnh cảnh Chùa, mà hạn có 4 chữ: Huyền, Sắc, Nặng, Hỏi tại mỗi đầu câu, có thứ tự.

        Thảo-Am đề thơ:
        Huyền-diệu trông lên cửa Đạo thuyền,
        Sắc không khôn rõ thấu căn-nguyên,
        Nặng-nề nghiệp-chướng e chưa hết,
        Hỏi mấy ai đà có Thiện-duyên?

        Sau đó lại có người yêu-cầu Thảo-Am đổi 4 chữ đầu câu ra 4 chữ A,B,C,Đ.
        Thảo-Am ứng khẩu:

        A Di Đà Phật muốn quy thuyền,
        B bết lòng tham hãy cứ nguyên,
        C xích cho gần nơi cửa tịnh,
        Đ đầu nguyện dứt mối trần-duyên.
        Thảo-Am Nguyễn Khoa Vị
        (Vĩ-Dạ - Huế)

        Rồi Thảo-Am tiên sinh cao hứng làm thêm hai bài thơ nói lái nữa, khiến cho mọi người đều cảm phục tài năng quán xuyến của Cụ:
        Hoạ vần thơ đi tu:

        Đâu là nghiệp chướng bỏ đà lâu,
        Đạo cả theo tu đã cạo đầu.
        Mõ tối chuông khuya manh mối tỏ,
        Nâu sòng tiêu sạch mấy nong sầu.

        Vịnh cảnh Tây Đình lúc đêm đông:

        Vây đàn quanh vách dế vang đầy,
        Giá lọt canh khuya giọt lá cây,
        Tiếng nhạn kêu sương nghe tận giếng,
        Tây đình trăng tỏ sự tình đây.

        Khoa học và Kỹ thuật
        Bước sang địa hạt Khoa học và Kỹ thuật, chúng tôi chỉ nói sơ lược vì đề tài mênh mông như Vũ trụ, mà đã ở trong vũ trụ thì phải nghe lời răn dạy của Thi-bá Nguyễn Công Trứ (1778-1858), Uy Viễn Tướng Công:

        Vũ trụ chi gian giai phận sự,
        Nam nhi đáo thử thị hào hùng.

        Và đó là lời nhắn nhủ của Cụ Uy Viễn đối với các thế hệ chuyên gia và kỹ thuật gia, lúc:

        Rồng mây khi gặp hội ưa duyên,
        Đem quách cả sở tồn làm sở dụng,
        Trong lương miếu ra tài lương đống,
        Ngoài biên thùy rạch mũi can tương.
        Sĩ làm cho bách thế lưu phương,
        Trước là sĩ sau là khanh tướng.

        Theo lời dạy của Đức Phật thì Vũ trụ gồm có Ba ngàn thế giới, nghĩa vô cùng tận và hằng hà sa số, không thể nào đo lường được. Cũng như bên phía Ki-Tô giáo tin rằng "Những con đường của Thượng Đế không vào được" (Les voies de Dieu sont impénétrables), khiến cho chúng ta liên tưởng đến William Shakespeare trong lời than bất hủ trong bi kịch Hamlet: "Có biết bao là chuyện bí ẩn trên trời và dưới trần gian này, mà các người không hề suy nghĩ tới" (Il y a beaucoup plus de choses que vous n'auriez imaginées dans le Ciel et sur la Terre!).

        Đồng thời, chúng ta cũng liên tưởng tới triết gia Pháp Blaise Pascal (1626-1662) đã từng giải đáp câu hỏi về Vũ trụ: "Vũ trụ vốn là một khối tròn mà trung tâm ở mọi nơi và chu vi không biết ở nơi nào" (L'universest une sphère dont le centre est partout et la circonférence nulle part !).

        Thế là Triết lý và Khoa học Tây phương lẫn Đông phương đã gặp nhau trong nhiều trường hợp, nhờ nghiên cứu và thí nghiệm, cũng như nhờ cả trực giác (intuition), đứng trên cả lý trí!

        Khi người dân Lạc Việt đúc kết trong ngôn ngữ những thành ngữ ngắn gọn (formules lapidaires) như:

        Ăn năm ba hột - Nói đôi ba lời - Đi vài ba bước

        hoặc nói:

        Mồng năm, mười bốn, hăm ba (5-14-23)
        Cả ba ngày ấy tránh ma thờ thần.

        Nếu chúng ta đem ba số ấy mà so sánh với nhau, chúng ta sẽ thấy rằng: nếu cộng lại những số kép: 1 với 4 và 2 với 3, chúng ta sẽ thấy cả 3 nhóm là 5. Suy diễn ra, chúng ta mới thấy tính cách thiêng liêng của con số 5 tượng trưng cho Tam Thiên Lưỡng Địa (Trời ba Đất hai) và Ngũ hành: Kim Thủy Mộc Hỏa Thổ, đúng luật Tương sinh (loi de Générescence).
        Từ ngàn xưa, dân Lạc Việt đã biết nhờ linh tính và trực giác mà ngừng lại nơi số thiêng liêng 23, vì nó trùng hợp với 23 đôi vòng xoắn nhiễm thể (23 paires hélicoidales de chromosomes), mà Đấng Tạo Hoá đã tạo ra cơ thể con người, theo một "chương trình" mầu nhiệm mà họ đang khám phá với Khoa học thực tiễn.

        Nhân văn
        Click image for larger version

Name:	hinhcokhaichi.jpg
Views:	20
Size:	25.6 KB
ID:	261687Sau hết, khi nói tới Phật Giáo trong nhân văn, chúng ta không thể quên Thi-bá Nguyễn Du và Truyện Kiều, một thi-phẩm trường ca vô tiền khoáng hậu, dài 3254 câu, mà nhiều câu đượm mùi Phật Giáo:

        Thiện căn ở tại lòng ta,
        Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.

        ...........
        Sư rằng: hoạ phúc đạo Trời,
        Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra.
        Có Trời mà cũng có ta,
        Tu là cội phúc, tình là dây oan.

        Và hết thảy chúng ta, trong những trường hợp tương đối nghiêm trọng, ai mà không cầu Trời khẩn Phật trên đường đời, vì hy vọng với Mãn Giác Thiền sư (1052-1096) rằng:

        Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
        Đêm qua sân trước một cành mai!

        Kết luận:
        Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, Liên tộc Bách-Việt nói chung và Đại tộc Lạc-Việt nói riêng đã khéo léo dung hòa bốn hệ thống Giáo lý và Tư tưởng lớn: Duy tâm của Bắc phương, Duy lý của Tây phương, Duy thần của Ấn phương và Duy Việt của Nam phương, để kết tạo thành một nền Văn minh quân bình và đa diện gồm đủ: Idéalisme, Spiritualisme, Rationalisme và Vietnamisme, hun đúc thành một Nhân bản chủ thuyết, trong đó phần linh hồn và đạo lý (homo sapiens) phải đứng trên phần vật chất (homo faber), đồng thời phải dung hợp với Khoa học, Kỹ thuật và Mỹ thuật mà chúng tôi xin dành một kỳ khác để hầu chuyện với quí Liệt vị, vì lẽ thời giờ eo hẹp. Dám mong quí vị vui lòng thông cảm với điều nhắn nhủ của Tiên Điền Nguyễn Du trong Kim Vân Kiều thấm nhuần Phật Giáo:

        Khi thương Trời cũng chìu người,
        Nhẹ nhàng nợ trước, đền bù duyên sau.
        Đã chỉnh sửa bởi hoangvu; 10-04-2020, 12:27 PM.
        Sống trên đời

        Comment

        Working...
        X
        Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom