• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Lá thư trắng

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Lá thư trắng

    Lá thư trắng
    Hồ Đình Nghiêm

    chutluulai" align="left" border="0" alt="" style="padding:7px;" /> Trong năm, tôi có hứa là sẽ viết thư cho Huệ. Sáng nay, nhận được tấm thiệp chúc Tết của một người bạn, nhìn hình vẽ con trâu tôi giật thót cả mình. Trâu bò hình như là động vật có rất ít trí khôn, tôi đã lỡ quên lời hứa và tôi không đủ thông minh để nhận biết cái hậu quả sẽ xẩy tới dành cho một đứa chẳng giữ tròn lời.

    Ở đời sống, chúng ta đã làm “con ma nhà họ Hứa” biết bao nhiêu bận, hả Huệ? Chuyện đó thật ra cũng đáng thứ tha, nếu như kẻ ấy còn biết tới đôi điều ăn năn. Lúc này tôi đang ăn năn, tôi lục soạn hết những ngăn kéo, tôi xóc xáo lại hết những giấy má và tôi ngồi thừ ra. Mất nửa ngày mồng Một Tết linh thiêng, cuối cùng tôi tìm thấy cái muốn tìm: Tờ giấy thấm (lau tay, chùi miệng) gấp làm tư nằm trốn trong túi áo vest. Nó nhỏ nhoi quá, nó không đủ bề rộng để lau khô những giọt mồ hôi rịn ứa ra trên mặt tôi khi đó. Tờ giấy có in cái logo của nhà hàng, một dòng chữ nhoè nét mực ghi chẳng rõ lắm tên họ địa chỉ của Huệ. Và tuồng như ở góc giấy nhăn còn lưu giữ một vết son môi.

    Trí nhớ tôi quay về sống lại cái khung cảnh tối hôm đó. Nhà hàng nhiệt náo, đèn đuốc sáng trưng như có ở sở cảnh sát. Đối diện chỗ tôi ngồi, một bà già luôn nhìn tôi, dường như ái ngại cho sự lạc lõng mà tôi đang hứng chịu. Và có lẽ kiếp trước (Huệ có tin chuyện luân hồi?) bà làm chánh sở mật thám?

    - Cậu cũng người Huế đó hỉ?
    - Dạ, con người Huế.
    - Rứa cậu qua đây đã lâu chưa?
    - Dạ, mới hôm qua. Con ở bên Canada…
    - Nói đã ngẵng chưa? Làm dân tị nạn lâu mau rồi?
    Tôi ngồi nhớ lại một vài con số, một vài cái mốc, một vài chặng đường.

    Thấy nơi bàn tròn kê tám cái ghế, một ghế để trống và sáu người ngồi vây quanh đang chú mục tới tôi.
    - Dạ đã bốn năm.
    - Tội chưa! Mới bốn năm mà đã nhớ Huế gắt gao rồi đó hỉ?

    Mặt tôi hơi ửng đỏ. Người bạn có tên trong ban tổ chức “Đêm nhớ Huế” đã lu bu ở đâu đó, dồn tâm trí vô việc sắp xếp chương trình và hắn phó mặc cho cảnh “hoa lạc giữa rừng gươm”. Nói Huệ đừng cười, thực tâm thì hắn rất dễ thương, phải động não ghê gớm lắm mới xí được cho tôi một chỗ ngồi tốt, chung bàn với mấy mệ mấy mụ mấy cô mấy dì mấy em mấy út. Ừ, toàn cả bóng hồng! Huệ biết đó, tôi còn độc thân và người bạn thì luôn muốn cho tôi bị chảy máu bởi gai nhọn. “Tra có hột rồi đó mi, lạng quạng không khéo lấy con gái tao làm vợ!” Hắn nói. Tôi lại đỏ mặt. Huệ biết tính tôi mà. Ngồi gần một cô gái mặc áo hở ngực, cô cúi xuống lượm chiếc muỗng sơ ý bị đánh rơi, tôi ngó và màu sắc trên mặt tôi tươi hơn một chùm hoa phượng đỏ.

    - Rứa thì khi xưa ở Huế cậu ngụ chốn mô? Qua một mình hay răng?
    - Dạ hồi trước con ở trong thành nội, đường Âm Hồn. Con xuống biển Thuận An và con ra đi côi cút một mình.
    - Chao, đã tội chưa! Rứa ba mạ còn sống hay đã quy thiên rồi?
    - Dạ song thân đều lặng lẽ trớ về với cát bụi mất rồi.
    - Nghe mà chảy nước mắt! Vụ Mậu thân phải không?
    - Dạ mô. Mới đây thôi.
    - Tội chưa! Rứa ở bên ni có bà con thân thích chi không?
    - Dạ chẳng có ai.

    Tôi kiên nhẫn trả lời, tôi chờ nghe thêm một chữ “tội chưa” thì lúc đó chợt nhát thấy một bóng hồng xuất hiện bên chiếc ghế trống. Nói hồng thì có hơi oan uổng, một người con gái (hay đàn bà?) mặc áo dài tím vén vạt áo yểu điệu đặt đít trùng khít vô vuông ghế nệm đỏ. Chao ơi! Đêm nhớ Huế mà mặc cái áo ray rức một màu tím than thì rõ là khéo lựa chọn, có ý nghĩa. Tôi ngó qua và tôi sững sốt. Lúc đó Huệ biết tôi mọc lên ý nghĩ gì không? Ủa, cái o mô mà ngó quen ri hè? Mặt hoa da phấn thiệt khéo và tuồng như mình đã gặp qua rồi. Ở siêu thị Song Long? Ở sở an sinh xã hội? Ở chốn điền đơn khai thất nghiệp? Ở nhà băng sắp hàng chờ thanh toán mấy cái hoá đơn?

    Huệ! Lồng ngực tôi râm ran một tiếng kêu vừa vỡ ra bên trong. Phút giây đó, có sự khác biệt giữa tôi và Từ Hải. Tôi chết ngồi còn nhân vật nọ thì nghe đâu bị chết đứng. Ba hồn bảy viá lộn lui, tôi đủ tỉnh táo để nhìn thấy sự ngờ vực đong đầy trong mắt Huệ. Huệ nuốt nước miếng, một tiếng kêu “Oh, my God!” đã không gióng lên trong thảng thốt, và thảm thiết.

    Đôi ta đều lúng túng, cái lúng túng dễ thương thường nhìn thấy ở những cặp vợ chồng son trong ngày cưới trọng đại.

    - Vô lý chưa? Không bà con thân sơ thì ít ra cậu phải có bạn có bè chớ? Sống mò mẫm mình ên thì chịu đời chi thấu!
    Người đàn bà bạc tóc tiếp tục “hầu chuyện”. Tội chưa tề! Qua bên ni chẳng có trầu cau để nhai, thuốc Cẩm lệ để hút nên cái miệng lúc mô cũng buồn. Tôi ngó bà, định nói ra danh tánh thằng bạn.
    - Định ở chơi lâu mau? Hồi mô về lại?
    - Dạ khoảng đôi ba ngày. Con chưa tính…
    - Nghe nói bên nớ lạnh lắm hỉ? Lạnh thấy ôn thấy mệ luôn. Nghe bắt ớn.
    - Dạ nói chi nữa. Lạnh nhất nhì thế giới.
    - Rứa thì có tính về thăm lại cố đô tiêu điều không?

    …………………

    - Mạ thiệt kì cục. Quen biết chi mà đè người ta ra hỏi cố xá.

    Huệ chen vô. Huệ cất tiếng. Huệ đại diện cho văn phòng Liên hiệp quốc. Huệ theo tàu Ánh Sáng nhân đạo cứu vớt thuyền nhân. Huệ quăng cho tôi một cái phao… Nhưng thực bụng thì tôi chẳng có chi phiền hà với màn lấy “khẩu cung” đó. Tôi hiểu được cảnh sống của mấy ông bà già ở xứ lạ và thành tâm mà nói cái điệp khúc “tội chưa tề” nghe sướng lỗ tai hơn là những bản tình ca cứ luân phiên tiếp diễn trên sân khấu nhà hàng. Tôi không ôm cái phao Huệ vừa thảy xuống. Tôi như đứa bị vọp bẻ, cứng tay cứng chân, uống đầy một bụng nước rồi nặng người mà chìm lỉm. Tôi nhớ như in Mạ của Huệ đã khuất núi từ khuya, vậy thì còn Mạ mô đó nữa mà vung vẫy bộ tịch để phụng phịu cằn nhằn? Người Tàu họ có chữ “Tứ thân phụ mẫu”. Ui chao, rứa thì Mạ nớ đích thị là Mạ chồng rồi! “Sông kia rày đã nên đồng”. Ừ tụi mình xa nhau đã quá lâu, biết bao là sao dời vật đổi! Huệ không lấy chồng cũng uổng! Lòng tôi rưng rưng. Sao tôi luôn là kẻ chậm chân ở cuộc đời này? Tôi thủng thẳng, tôi rùa bò hay tôi đi cà nhắc thì cũng đồng nghĩa mà dị âm, ngôi số ít chia ở động từ quá khứ. Chà, thiệt là rắc rối! Ngay cả vấn đề ngoại ngữ cũng thế, lưu lạc bốn năm rồi mà cứ đui què mẻ sứt. “Vu lê vu cút sê a véch moa xơ xoa?” Chi thì chi, mấy câu vớ vẫn đó lại ăn nói ra chiều lưu loát chẳng kém thằng Tây nào cả. Huệ ở Mỹ chắc không rành tiếng Pháp, tôi phải làm thông ngôn cái câu cắc cớ nọ ra đây: Em (bé, chị, cô, bà) có muốn ngủ với tôi đêm nay không? Đọc tới đây Huệ đừng mắng tôi là kẻ cầm tinh con dê. Huệ biết tính tôi rồi, miệng hùm mà gan sứa, khẩu xà mà tâm Phật. Bông lơn cho vui rứa thôi, kệ cha mệ nội, cuộc đời này buồn quá mà!

    - Uả, té ra hai đứa bây có quen nhau hay răng?
    - Dạ, bạn học cũ của con. Huệ nhỏ nhẹ.
    - Sách xưa họ lập ngôn, như rứa là tha phương mà ngộ cố tri. Tao nói có đúng không? Bọn bây tha hồ mà mở cờ trong bụng.
    - Mạ nói cái chi cũng hơi quá đáng.

    Huệ trả lời. Tôi hết ngó qua bên này lại trông về bên kia. Tôi biết một điều tầm thường, là khi quả đất quay thì mọi chuyện sẽ theo đó mà thay đổi. Điều làm tôi ngạc nhiên là tại sao giọng nói Huệ vẫn dậm chân tại chỗ, vẫn như xưa? Thánh thót, êm ái, róc rách, dịu dàng. Tôi không nói quá đâu, dù lúc đó trên sân khấu cái micro cầm trong tay ca sĩ nghiệp dư bỗng dở chứng kêu lên một tiếng cao vút, sắc lạnh, đâm thốn màn nhĩ.

    Nhờ “tiếng thét hãi hùng” đó mà mọi con mắt tạm thời rời xa đôi ta để hướng nhìn tới nơi xảy ra thảm kịch. Chúng ta ngó nhau. Không mãn nhãn. Như bới móc, vạch lá tìm sâu. Như nhặt sạn trong gạo. Cứ trương mắt ra, chăm bẳm. Tôi ưa nước đục thả câu, tôi muốn theo chủ nghĩa cơ hội để nắm lấy bàn tay Huệ mà nâng niu, sờ soạn, mày mò, vân vê, rờ rẫm, chà xát, bẹo ngắt rồi thì thầm: Đôi khi thế giới ta bà này nhỏ thua một trái… vú sữa! Nhưng mọi hành động và lời nói thảy đều đông cứng.

    Bạn học cũ? Ừ, năm thứ nhất lên năm thứ ba. Tới đó thì Huệ chọn ban lụa, tôi phung phá đi qua phiá sơn dầu. Tôi ghét cái tẳn mẳn có nơi tranh lụa nhưng chẳng nói ra, tôi cũng dấu kín ý nghĩ, Huệ đã là nước mà tôi là lửa. Vả lại khi đó, ai đã tiêm nhiễm vào đầu óc Huệ cái ý tưởng phản khoa học: Trai gái đồng tuổi thì nên ngầm hiểu là gái già dặn khôn lanh đi trước con trai những hai năm. Huệ làm tàng, làm le làm gió nhưng tôi hiểu “bà chị” mình ngó rứa chứ yếu lòng lắm. Huệ cần tôi nhắc lại chuyện cũ ra đây chăng? Khỏi cần, đúng không? Bởi vì nụ hôn đầu thì ngàn năm hồ dễ Huệ khuấy quên?

    “Lan Huệ sầu ai lan huệ héo?” Không khéo mà giờ này tôi nghiệm ra câu nói cũ của Huệ là đúng, là khoa học biện chứng. Trước mặt tôi hôm ấy, Huệ có vẻ đẹp của một người đàn bà đứng cheo leo bên bờ vực, dưới chân là hố sâu và bên kia là lãnh địa của những gì gọi là tàn phai. Văn vẻ hơn, người ta gán ghép dung nhan Huệ đang mang là một bông hoa đã vừa mãn khai. Tôi nhìn xuống bàn ăn và lạ lùng thay, tôi phát hiện mình đang nhậu một cục nem trong khi ở cái dĩa của Huệ thì đang hứng miếng chả. Tôi suy nghĩ, chẳng có gì trớ trêu cả. Tôi là trai tân (và hồn nhiên) nên buộc phải trẻ. Huệ có chồng nên chuyện sinh hoạt ngủ ngáy hẳn là khác tôi xa. Tôi mất ngủ thì lồm cồm dậy mở đèn mà vớ đại một cuốn sách đọc cho tới hồi mỏi mắt. Huệ mất ngủ thì… Ôi thôi, tôi nào dám tưởng tượng thêm. (Chuyện xác thịt phòng the thì ai nấy cũng đã tường, kể ra làm gì cho tốn giấy!)

    Huệ nhìn tôi giây lâu, rồi Huệ nói:
    - Ở bên này người ta đẻ ra nhiều hội đoàn, người ta bày ra nhiều đêm tưởng nhớ. Đêm Đồng Khánh, đêm Trưng Vương, đêm Chu văn An, đêm Quốc Học… Sao chẳng ai đề xướng ra một đêm Mỹ Thuật cả hè?

    Tôi hơi cảm động với ý nghĩ của Huệ. Tôi hình dung ra vẻ bề thế của đêm hôm đó. Mỗi thành viên tới họp mặt đều mang theo một tác phẩm của mình chưng bày cho anh em xem. Điêu khắc, sơn mài, tranh lụa, sơn dầu, bột màu, khắc gỗ, in đá, bích chương, biểu ngữ, cờ quạt hằm bà lằng… Nghĩ mà ham.

    - Chứ lâu nay có vẽ được bức mô ưng ý không?

    Huệ chống cằm, chẳng màn tới chuyện ăn uống, mắt long lanh. Tôi gãi đầu, tôi nốc đại một hơi rượu cay:
    - Mình li dị với người đẹp hội họa đã lâu rồi, chắc sẽ vọc lại cọ màu hồi nào có được sự ổn định. Tâm bất an thì chớ có miễn cưỡng vẽ rồng vẽ rắn. Còn Huệ?
    - Cũng rứa. Công việc. Trách nhiệm. Bổn phận. Biết bao điều để lo toan. Hiểu không? Thật là xa xỉ nếu bỏ thì giờ ra để vẽ nhăng vẽ cuội. Buồn hỉ? Chẳng làm nên trò trống gì cà!

    Buồn thiệt. Tôi dấu tiếng thở dài. Tôi ngó những vết nhăn có ở đuôi mắt Huệ. Những đường vẽ xanh đen trên mí mắt. Một chút phấn hồng nhẹ phớt trên má và bên dưới, đôi môi mím lại, như ngậm một nụ tường vi. Sự tàn phai lẩn trốn đâu đó, ngày ấy cô sinh viên Cao đẳng mỹ thuật chẳng bao giờ đụng tới phấn son. Mỹ phẩm sẽ giết đi nét đẹp rạng ngời mà cô luôn mang. Cô tới trường, lay động trong gió một hương mùi tinh khiết, có thể xua tan đám sương mù giăng mắc trên Đại nội cổ kính. Tôi mãi miết đi theo luồng sáng kia, mù loà. Và chúng tôi định nghiã: Đó là tình yêu.

    - Không vẽ? Rứa có mang trách nhiệm bổn phận giống Huệ không?
    - Nghĩa là sao?
    - Gia đình… Vợ con ra răng?
    - Cù bơ cù bất. Tứ cố vô thân. Hồi nãy mình có thưa chuyện với bác đây là mình chỉ có duy một mạng sống. Đúng như bác nói, thiệt là chịu đời không thấu. Tím ruột bầm gan.

    Huệ nhăn mặt. Tôi nhớ không lầm. Lúc đó, vì sao Huệ lộ ra phản ứng ấy? Ngờ vực? Hay xót thương? Sẵn, tôi chép ra đây những câu mà trong đêm nhớ Huế kia tôi định cả gan leo lên sân khấu để đóng góp vào chương trình văn nghệ bằng hò mái nhì, ngâm điệu Nam ai: “Xa làm chi mà xa quanh xa quất. Xa làm chi mà xa tối xa tức xa vội xa vàng”... “Thương chi mà bạn thương vô cớ, Nhớ chi mà bạn nhớ bao đồng. Trai đà có vợ gái đã có chồng mà bạn thương” ... “Lên non đốn củi đụng chỗ đốn rồi, Xuống sông gánh nước đụng chỗ cát bồi khe khô! Cây khô xuống nước cũng khô, Vận nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo”...

    Huệ ơi, tôi nhớ Huệ quá lắm. Tôi là đứa bé con đứng trong sân trường giờ ra chơi, chảy nước miếng nhìn thằng cha bán kẹo kéo bóp bóp cục đường đầy bột. Cục đường tròn vin, trắng trẻo, mềm mại, và êm ái gợi cảm là chuyện hiển nhiên. Có vẻ sướng tay hay răng mà hắn ưa bóp dữ. Bóp rồi thoa, thoa cho đã rồi hắn nắn, hắn bọc một lớp vải mỏng và hắn kéo dài khúc kẹo ra, đưa tay ngắt một cái điếng hồn; ngắt hà tiện, đôi ba hột đậu phụng dấu bên trong rớt rơi. Tôi lỡ ăn một lần và tôi cứ thòm thèm mãi.

    Sau “Đêm dớ Huế” tôi giả bộ ngây thơ làm con trẻ cho Huệ nắm tay lôi đi. Thằng bạn tôi dễ thương (một lần nữa) tế nhị kiếm cớ rút lui, ngụy biện là sợ về khuya ắt phải nghe chim hót. (Thằng khéo nịnh vợ, bị vợ mắng lại thi vị hoá ra tiếng chim lãnh lót đầu cành. Chắc hắn chưa đọc bài viết “Làm thế nào để giết chết một bài thơ?”) Phần tôi, tội gì lại ngứa miệng hỏi : Chồng Huệ đâu? Không sợ ảnh ghen hay sao? Tôi đóng vẻ mặt nghiêm trọng, ngồi cứng ngắt trên xe để cho Huệ chỉ cái nét đẹp về đêm của thành phố Huệ cư ngụ đang trôi lướt thướt một bên hông. Tôi nào thấy gì ngoài khuôn mặt Huệ gần gũi lấn át, che choáng, phủ ngợp. Cảnh vật thì bao giờ cũng chung tình, nó đứng đó, dầm mưa dãi nắng đợi mình trở lại mà chẳng hề thốt nên tiếng trách cứ; không xem lúc này thì bữa khác hẳn coi, lổ lã gì đâu? Tôi không ngắm Huệ, không ăn tươi nuốt sống Huệ bây chừ thì biết bao giờ… “lịch sử tái diễn lần thứ hai”?

    Chẳng hiểu sao khi ấy tụi mình đồng loạt thả người xuống sự lặng im. Ngạn ngữ có câu: “Lời nói là vàng, im lặng là kim cương”. Tôi không biết giá trị hơn thua giữa hai thứ, nhưng một tiếng nói cất lên lúc đó, giả dụ như Huệ khẽ khan: “Hãy hôn Huệ đi” thì dĩ nhiên bốn chữ ấy nó biến thành bốn hạt kim cương ngay. Tôi tưởng tượng vậy thôi, Huệ vẫn ngậm câm trước tay lái. Huệ không ưa làm mấy tấn vàng (tài sản quốc gia đào thoát ra được ngoại quốc). Lẩn thẩn, tôi nghĩ tới ông chồng Huệ, đẹp xấu tùy người đối diện? Vai u thịt bắp hay hạng thư sinh trói gà không chặt? Theo đạo Hồi, hay Phật tử thuần thành? Râu xồm hay sạch bóng bờ môi trơn. Anh ta thường gọi Huệ bằng tiếng nói âu yếm nào? Mình ơi! Cục cưng của Trẫm? Con bồ câu bé bỏng? Con gà mái đẻ trứng vàng? Honey?.. Tất cả lời lẽ kia nghe rất dễ giận. Vừa cải lương vừa lòng tham vô đáy… Nếu tôi làm chồng, tôi sẽ xào nấu ra câu lục bát để tặng Huệ: “Trên trời có một vì sao, dưới đất chỉ có mình em rạng ngời!”

    - Buồn ngủ hả? Tụi mình đi uống cà phê. Ở đây có khu của người Pháp bán cà phê ngon hết ý. Huệ ưa nghe bồ tèo nói tiếng Tây tiếng u thử xem có xịn không?

    Huệ nói và Huệ thực hành ngay trong việc bẻ tay lái thật gắt khi đun xe vào một con đường nhỏ bé, hiểm nghèo. Huệ có những thứ làm tôi khâm phục. Can đảm chở tôi đi chơi giữa đêm khuya thanh vắng, phố phường im lắng, trái đất tịch mịch duy chỉ còn đôi trai đơn gái chiếc. Và khi vào quán, Huệ gọi Espresso đậm đen lúc đồng hồ treo tường chỉ tới con số 11. Huệ mất ngủ (bắt buộc rồi). Huệ trằn trọc (dĩ nhiên) và năm canh đó Huệ sẽ trắng con mắt nghĩ tới một điều gì?
    - Mai chia tay rồi, nghe buồn quá hở?

    Huệ thì thầm. Tôi đón nhận sự ẩm ướt có từ hai phía.
    - Về lại bên đó nhớ viết thư cho Huệ đọc. Nhớ không lầm là mỗi lá thư cô đúc như một cái truyện ngắn.
    - Mỗi năm viết chừng mười hai lá thư, đã đủ chưa?
    - Đủ. Huệ sẽ để dành tiền và in nó thành tuyển tập truyện ngắn.
    Tôi nắm tay Huệ. Tôi đan ngón và lòng tôi dệt đầy niềm xúc động.
    - Biết đặt tên gì cho đứa con đầu lòng đó hả Huệ?
    - Làm sao tìm cho ra một chữ thật ý nghĩa. Đơn độc một chữ thôi. Mạnh mẽ, dứt khoát, dù có hơi cộc cằn.
    - Huệ trình bày bià. Huệ vẽ phụ bản và Huệ viết một cái bạt nhé?
    - Chuyện đó dễ. cái khó là mình nên ghi giá tiền ra sao đây? Mười hai Mỹ kim thôi ư? Hừ, rẻ như bèo!
    - Mình đang ở hạ giới mà Huệ. Ngày xưa có đôi tiên kia lỡ dại hôn nhau nên bị đày ải.
    - Khi không mà lại lò dò vác mạng tới đây? Nguyên cớ gì? Lí do chi?
    - Đâu biết. Mắt trái không giật, lỗ mũi chẳng hắt hơi hách-xì, thầy bói không dặn phải xuất hành hướng nam, giờ hoàng đạo. Tự nhiên thằng bạn gọi điện thoại viễn liên: “Mi có đủ tiền mua vé xe đò không? Qua đây tao nuôi cho vài ngày, tẩm bổ cho ít sơn hào hải vị rồi chỉ cho mi thấy mặt mũi hiền khô của thằng đế quốc xâm lược thực dân Mỹ.

    - Thật kì lạ, nước mất nhà tan. Mọi thứ đều bị đổ nhào, dâu bể trùng vây và cuối cùng chúng ta cũng nhìn thấy nhau, ngồi kề bên nhau.

    - Chạy trời cho khỏi nắng. Đúng không? Nhiệm vụ của hai cục nam châm là gì, nếu như không muốn nói tới sự ôm cứng lấy nhau thật kì lạ của nó? Bu vô nhau, gỡ không ra!

    Hai đứa ngồi vẽ ra những mộng mị, nói tới những điều hoang tưởng mà cứ tin là có thật, thường hằng đó đây và nó sẽ xẩy tới.

    Tôi ngồi nhớ lại quá vãng, cái đốm màu đỏ loang ra sau quần trắng Huệ mặc vẫn còn đóng mộc trong trí nhớ. Lúc đó tôi nào biết gì, tội chưa tề cậu sinh viên ngu ngơ: “Huệ vẽ cách chi mà lại để cho màu mè vấy bẩn luôn cả sau đít?” Hôm ấy chúng ta có giờ trang trí, vẽ poster về chủ đề chiến tranh, hòa bình. Huệ đỏ mặt lên khi nhìn thấy “vết dầu loang”. Huệ xin nghỉ học, cuốn tròn tờ croquis che sau mông, khép nép bỏ đi. Thời điểm đó, nếu muốn tôi có thể cầm súng ra chiến trường, chiêm nghiệm thêm về hòa bình, chiến tranh; nhưng muốn làm cha tương lai, loay hoay cái công việc vợ chồng thì chắc là vụng dại không biết đường mô mà mò. Ừ, cũng nên tin đốm máu ứa ra theo chu kì kinh nguyệt vận hành kia là một nhát cọ đỏ bệt lần đầu lên mặt bố trắng cho vấn đề được thơ mộng.

    Hai đứa đi ra xe. Gió nhẹ vờn quanh. Trời thăm thẳm mà đất thì như chẳng còn sức hút, nghe lâng lâng. Người Huệ thơm, mùi hoang đường, phảng phất bay như hương hoa sứ trắng lay động mỗi khuya ở thâm cung Đại nội. Dáng Huệ gầy, mềm mại, sương khói như vừa lách người ra khỏi những trang sách Liêu trai. Tôi tự hỏi, những người như bạn tôi cần gì phải bỏ công sức tổ chức ra đêm nhớ Huế. Hãy đi gặp một người tình cũ, đi bên người ấy trên con đường nhiều bóng tối và khi đó anh sẽ sống lại trọn vẹn những ngày đã lỡ đánh mất. Như tôi chẳng hạn, tâm thần tôi dựng nguyên cảnh trí xứ Thần kinh. Thành quách miếu mạo con sông trái núi rêu phong suối khe gà gáy ve kêu nắng cuồng mưa thâm gió Lào hung tợn.

    Huệ chở tôi đi loanh quanh. Huệ trầm mặc, Huệ đăm chiêu. Huệ chú tâm nhìn thẳng vào con đường như muốn tìm kiếm ở đó sự kỳ lạ của phần số, nhìn ra những ngã rẽ luôn bày biện sự chia lìa. Sau cùng thì xe dừng lại giữa một khoảng sân trống. Tôi nhìn thấy những ánh đèn đang nô đùa chớp nháy quanh một mũi tên, và nó có khả năng mời mọc mắt ngó tới chữ Motel kẻ sơn thật bay bướm. Huệ tắt máy. Huệ mở miệng:
    - Thử vào trong này giang hồ một đêm.

    Có lẽ suốt đời tôi chẳng thấy chữ nào hay hơn chữ giang hồ vừa thoát khỏi miệng Huệ. Nó phong trần chi lạ, nó bụi đời cách chi! Nó cóc cần đời và tự nó phát quang. Tôi đã nhiều lấn đi giang hồ, sông dài biển rộng vẫn luôn còn đó những gợi mời, những khuất lấp chờ được vén lên. Khi viết tới đây, người tôi còn đủ sự ngây ngất của hôm nào. Tôi khép nép đi sau lưng Huệ như hình ảnh cậu bé con trong ngày tựu trường có Mẹ dẫn lối khuyên lơn. (Hỡi các cậu bé con, trong lúc tuổi còn non, các cậu phải chăm học, có học mới nên thân!). Huệ thuê phòng, Huệ trả tiền, Huệ nói câu gì đó làm gã đàn ông da trắng cười ồ ề giọng đục khi trao chìa khóa. Tôi đứng như phỗng đá và đón nhận cái nháy mắt nhiều ý nghĩa của gã đàn ông râu xồm. Rồi sau đó cánh cửa gỗ mở ra, rồi sau đó cánh cửa sơn trắng đóng chặt lại, rồi sau đó… rồi sau đó…

    Tôi không nên nhắc kể lại vì giờ này sự hối tiếc đang dồn lên tự muôn phía. Tôi vụng dại, tôi cà chớn, tôi cù lần, tôi hổng xịn chút nào và tôi mang mặc cảm có lỗi với Huệ. Nhưng mà Huệ ơi, có một điều Huệ cần phải hiểu là tối hôm ấy người tôi căng ra, tôi như một khung lụa bồi sẵn để cho Huệ vung tay vẫy màu lên đó. Chắc Huệ còn nhớ chuyện kể ông họa sĩ đã hoàn thành bức tranh vẽ cọp nhưng không dám điểm nhãn vì sợ cọp sống động sẽ phóng ra khỏi bức tranh? Tôi là con hổ mà phút giây đó Huệ đã hứng chí vẽ giùm cho hai con mắt. Huệ giúp tôi nhìn thấy con đường hoan lạc và thoắt một cái, từ con trai, tôi biến thành thằng đàn ông nằm chìm sâu trong mặt nệm, không cục cựa, chẳng nói năng… (Có bài hát cũ do Mai Lệ Huyền hát bị bọn nhỏ sửa lời: “Sao không ôm người ta như ngày xưa, không chơi người ta như hồi hôm, mà nằm xuội lơ vậy cha!...”)

    Sáng hôm sau, khi tôi thức giấc, Huệ đã âm thầm bỏ đi. Tôi đọc trên tờ giấy Huệ để lại bên gối: “Đừng tìm gặp Huệ nữa. Có nhớ thì viết thư cho nhau”. Tôi ngồi trên giường ngác ngơ. (Như đứa con vô thừa nhận Mẹ buộc lòng đem bỏ trước cổng chùa) Căn phòng nhỏ, lặng yên, lạ mặt. Nó tựa một đầm lầy mà thủy triều đã rút đi, bày ra tất cả những xấu xa bên dưới. Tôi không thể bày tỏ thứ trạng thái mà tôi hứng lấy ở vào cái bình minh nọ. Tôi nghĩ nhiều tới Huệ, hình dung ra khuôn mặt một người đàn ông đang chờ Huệ phiá sau cánh cửa. Huệ vào nhà và hai người sẽ nói những gì với nhau? (Hai ba hôm sau, thằng bạn mới cho tôi hay là thời gian đó chồng Huệ đang du lịch Việt-nam. Hú hồn!) Du lịch mình ên? (Bia ôm? Thuốc lắc? Gái gọi? Người mẫu chân dài? Chứ ở bển có chó gì để du lịch?)

    Tôi không tắm rửa. Tôi đứng xiêu đổ mặc lại bộ áo quần nhăn nhàu. Tôi nhìn cái bừa bộn có trên giường như một kẻ thưởng tranh mãi miết ngắm tới bức tĩnh vật vẽ xoàng mà ghi giá cao. Tôi cầm chìa khóa phòng đi tìm tên râu xồm mà trao trả. Đầu gối mỏi. (Chân thì bao giờ cũng mềm, đá thì ngàn đời vẫn cứng; cái đó gọi là chân lý mấy ôn ơi!) Tôi nhờ gã đàn ông gọi giúp một chiếc Taxi, hắn vui vẻ nhấc điện thoại lên còn tôi thì tẳn mẳn ngó hàng chữ lớn dán bên quầy: “I can only please one person a day and today is not your ****ing day.”

    Giờ đây, tôi ngồi lẻ loi ở phương này. Trời ui ui. Tuyết không tuyết, nắng không nắng, mưa không mưa. Trời cau có như muốn cảm. Tôi cũng thế, đầu óc đang ui ui. Cúm không cúm, sốt không sốt. Điên chẳng ra điên, tỉnh chẳng ra tỉnh. Vì thế có lẽ thư này tôi viết ra trong thứ thần thái có hơi bấn loạn. Tôi nhớ lại khuôn mẫu của một lá thư, phần kết luận người ta ưa dùng hai câu đắc địa sau đây:

    1.Giấy ngắn mà tình dài.
    2. Nói ít mà hiểu nhiều.

    Đắn đo suy nghĩ toan tính một hồi, tôi lựa cho mình cái ví dụ số 2 để cóp gửi tới Huệ.

    Tái bút: Tôi biết địa chỉ Huệ cho là mượn địa chỉ một người bạn thân của Huệ, bạn tâm giao. Tuy vậy tôi vẫn cầu mong là thư này đến tay Huệ trong bình an. Không bị kiểm duyệt, chẳng bị xé nát, dập liễu vùi hoa, ghen tuông, cãi lẫy, vân vân và vân vân.

    Đầu năm, không lẽ tôi lại chúc Huệ một câu tầm thường: “Xin hãy cứ cơm lành canh ngọt trong cảnh vợ chồng đề huề. Đầu năm sanh trai cuối năm sanh gái!”. Tầm thường và giả dối!

    Trâu bò là loài động vật có rất ít trí khôn. Năm nay là năm trâu. Tôi ưa mọc sừng trên đầu, băng đồng vượt suối chạy qua Mỹ húc đại vào một người đã trót gây cho tôi sự mù lòa. Tôi tưởng tượng (tưởng tượng dù trong tưởng tượng!) Huệ lật đật thay áo màu đỏ chói đầy khiêu khích. Và tưởng tượng một trong hai câu nói sẽ được Huệ thốt ra khi bị hăm dọa kiểu đó:

    A. Chơi kiểu chi mà nghiệt rứa hè!
    B. Tội chưa tề!

    Huệ nhớ lựa câu B mà ta thán cho. Hẹn thư sau.

    Thân mến,

    (Trích Giai phẩm Xuân Người Việt Kỷ Sửu 2009)
    Sống trên đời

    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom