• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Báu vật của ông Tiều

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Báu vật của ông Tiều



    BÁU VẬT CỦA ÔNG TIỀU



    Mệt, đói và nhất là không biết đi đâu, hắn buông mình xuống phiến đá lớn ven đường. Nằm gặm nhấm nỗi bất hạnh của mình, hắn không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua. Đột nhiên, một giọng hát từ đâu vọng đến khiến hắn chú ý. Ca từ không nghe rõ nhưng âm điệu ung dung khiến hắn tò mò: “kẻ thì quá sức bất hạnh nằm đây, kẻ thì ung dung ca hát, đời thật quá bất công”. Hắn dõi mắt về phía tiếng ca. Kia rồi, từ sau khúc ngoặt của con đường núi bước ra một lão tiều phu, râu tóc bạc trắng cả nhưng phong thái ung dung nom còn mạnh khoẻ lắm. Trên đầu gánh củi còn lủng lẳng cả một bầu rượu nữa kia mà.


    Hắn vô tình nhìn sững ông lão. Cái nhìn của hắn làm ông chú ý. Ông hạ gánh củi, ngồi xuống bên hắn cất giọng sang sảng: “Gì thế cậu trai. Trông cậu đói đấy, dùng bữa với ta nhé”. Không quan tâm đến câu trả lời lí nhí của hắn, ông lão bày lên tảng đá bình rượu và mấy chiếc bánh. Ông đưa một chiếc cho hắn, mỉm cười khuyến khích: “ăn đi”. Hắn rụt rè cắn từng miếng nhỏ rồi dần dần, cơn đói thức dậy khiến hắn bạo dạn hơn. Ông lão thong thả vừa ăn vừa đẩy những chiếc bánh về phía hắn. Sau khi đã tỉnh người nhờ mấy chiếc bánh và ngụm rượu của ông lão, hắn ngước nhìn ông vẻ biết ơn.

    “Cậu ở nơi khác đến hả?” Ông già gợi chuyện.

    “Vâng” hắn thận trọng.

    “Cậu trông khá giả, sao đến nông nổi này?”

    “Chuyện dài lắm”. Được khích lệ bởi sự tin cậy hắn tìm thấy từ cái vẻ từ tốn khoan thai của ông lão, hắn nói thêm: “cháu gặp quá nhiều điều không may”. Rồi, như nước vỡ bờ, những ấm ức dồn nén bấy lâu hắn tuôn cả ra.

    Hắn là con trai một trong một gia đình giàu có. Được xem là người con mẫu mực và được hưởng một nền giáo dục đầy đủ, hắn cũng đã đôi lần lai kinh ứng thí nhưng không thành. “Học tài, thi phận. Gia cảnh sung túc cần chi lập nghiệp chốn quan trường” Song thân hắn nghĩ thế và mở cho hắn một hiệu buôn lớn nhất trấn. Khai trương rầm rộ, hàng hoá dồi dào, nhân công đông đúc. Thế nhưng vận may có vẻ không mỉm cười với hắn. Một thời gian ngắn, công việc kinh doanh đình trệ. “Ngành này không hợp, làm thứ khác vậy, khối người buôn gạo làm giàu”. Thế là xoay qua buôn gạo, lại khai trương rỡ ràng nhưng một thời gian ngắn lại đình đốn, lại chuyển sang kinh doanh thứ khác. Hắn cứ xoay vần như thế từ gạo sang tơ lụa rồi nhà hàng... thứ nào cũng chỉ được đôi ba tháng. Rồi cha mẹ hắn mất, cơ nghiệp vào tay hắn, hắn càng cố làm ăn càng thua lỗ. Vài hôm trước, thanh lý công nợ, hắn trắng tay, ra khỏi dinh cơ chỉ với bộ đồ mặc trên người. Và bây giờ thì hắn ở đây.

    “Cháu là kẻ bất hạnh nhất đời. Thế gian thật bất công, người thì gặp toàn may mắn, kẻ thì chỉ toàn vận rủi” hắn kết thúc câu chuyện bằng lời than.

    Ông già cười khà khà: “cậu đã có nhiều quá đấy, những ức vạn gì gì cả đời ta chưa bao giờ đếm tới, còn tứ thư ngũ kinh gì cậu kể ta cũng chưa bao giờ nghe qua”. Rồi ông nghiêm túc: “Thế bây giờ cậu tính sao?”

    “Còn tính gì được nữa bây giờ” hắn nghĩ thầm và chỉ khẽ lắc đầu.

    “Sao thế? Nếu ai cho một cơ hội, cậu có dám làm lại không?” Ông già cau mày.

    “Cháu còn đường nào nữa đâu” hắn trả lời buông xuôi.

    Ông già không màng đến thái độ của hắn: “Thế thì cậu xoè tay ra”. Ông cầm chiếc que, vạch vào tay hắn mấy nét. Lạ chưa kìa! Trong tay hắn hiện lên chữ “Cần” rõ như vẽ bằng mực tàu. “Tay kia nữa”. Chưa hết kinh ngạc, hắn kính cẩn chìa tay kia, lòng thầm chờ một vật gì thần kỳ, một cây đũa thần hoá đá cục ra vàng chẳng hạn. Nhưng hắn không giấu nổi vẻ thất vọng khi ông già bỏ vào tay hắn vài đồng xu. “Không đủ một bữa ăn”, hắn nghĩ thầm.

    “Chữ Cần đầu tiên cậu phải biết là Cần Kiệm” Ông già khoan thai nói. “Cậu có biết một bữa ăn của những người làm công nhà cậu tốn bao nhiêu không?”

    Hắn chợt nhớ đến hình ảnh những tộ cơm chan thức ăn kèm theo một chén canh với vài lá cải mà những người làm công cho hắn vui vẻ lua vội một cách ồn ào mỗi buổi trưa. Ừ nhỉ, hắn chưa bao giờ để ý đến điều đó. Hắn ngượng ngùng lắc đầu.

    “Mấy đồng xu này đổi được vài bữa ăn như thế đó”. Ông già tiếp.

    Hắn bừng tỉnh: hiểu một chữ Cần Kiệm khiến mấy đồng xu vô giá trị trở thành nguồn sống vài bữa cho hắn, quả là thần kỳ. Bất giác hắn nắm chặt hai bàn tay như sợ vài đồng xu và “bùa hộ mệnh” của hắn rơi đi mất, tươi mặt nhìn ông già chờ đợi.

    “Cậu ngộ nhanh đấy. Nhưng Kiệm đôi ba bữa rồi thôi chưa đủ, phải nhớ luôn Cần Kiệm”, ông già cười. “Chữ kế tiếp cậu phải nhớ là Cần Cù. Dưới chân núi này có một trấn nhỏ. Cậu xuống đó tìm việc làm đi. Quá khứ huy hoàng quên đi, mộng bá đồ vương cũng quên đi. Cần Cù làm việc để sống trước đã. Thôi cậu đi đi, trể rồi”.

    Mấy ngày sau đó, hắn gặp gì làm nấy. Khuân vác vặt ngoài chợ để đổi lấy bữa cơm cũng làm, có chút đỉnh tiền công càng hay. Đôi khi gặp chủ trở chứng, mắng như tát nước, hắn toan liều, ra sao thì ra, nhưng nhìn đến chữ Cần trong tay, hắn lại nhẫn nhịn, cố bình thản mà làm. Tối ngủ trên sạp hàng, có gì mà sợ mất.

    Rồi hắn cũng tìm được công việc ổn định, một chân giúp việc cho hiệu buôn. Chủ đãi cơm, tối thì chia xẻ gian phòng nhỏ trong cửa hiệu với ông chưởng quĩ già thân tín. Càng hay, đỡ phải nói chuyện nhiều sinh buồn. Được nuôi ăn ở, không có hoài bão gì, lương bổng hắn cũng chẳng màng, gởi cả cho nhà chủ. Quá khứ bây giờ đối với hắn dường như xa lơ xa lắc.

    Rồi lễ tết đến, cửa hàng nghỉ, công nhân được thưởng món tiền nhỏ, rủ nhau đi lễ hội. Hắn chợt nhớ đến ông tiều phu. Hắn mua vò rượu ngon, một ít bánh quả, lần lại con đường núi. Như hắn thầm mong, ông già đang ngồi ung dung trên tảng đá, vò rượu và gánh củi kế bên. Hắn rụt rè gật đầu chào, không biết nói gì. Hỏi sức khoẻ ông thì quá thừa, còn hỏi thăm gì khác thì hắn có biết gì về ông để mà hỏi. Hắn lẳng lặng bày rượu, bánh ra. Ông già nhìn hắn cười: “cậu trông rắn rỏi hẳn ra. Cảm thấy đỡ hơn chứ?”. Hắn cười, nhớ lại: “Vâng, cuộc sống có vẻ không đến nỗi đáng sợ như lần trước con gặp ông”. “Thế đấy” ông già gật đầu.

    “Không ngờ chữ Cần thế mà thần kỳ, con tưởng đã chết mất từ lâu.” hắn xoè bàn tay, gợi chuyện sau một lúc lặng im.

    “Cậu không nên hài lòng ở đây. Cậu nên biết một chữ Cần nữa, đó là Chuyên Cần. Chăm chú vào công việc, xem mình có thể làm tốt hơn nữa không. Và Ân Cần cũng cần thiết lắm, hãy quan tâm đến mọi người xung quanh, xem thử mình có thể làm gì hơn cho họ với cái mình đang có trong tay”.

    Hắn trở về cửa hiệu với một sinh khí mới. Quyết tâm xem thử câu thần chú mới của ông già làm được gì, hắn bắt đầu quan tâm đến từng thứ một. Hắn thú vị nhận thấy hắn có thể cải tiến công việc cho đỡ cực nhọc hơn và kết quả khả quan hơn ví dụ dành vài phút sau khi bán hàng để dọn dẹp, hắn tiết kiệm được hàng giờ cho cùng công việc lúc cuối ngày. Những kinh nghiệm đó được bạn đồng nghiệp ứng dụng nhanh chóng và chẳng bao lâu hắn lên “lão làng”, ai có gì cứ hỏi hắn. Hắn quan tâm đến người mua hơn và phát hiện ra rằng chỉ thêm vài lời ân cần hỏi han, hắn có thể hướng nhu cầu của khách đến những món hàng có sẵn thay vì chỉ đơn giản trả lời: ”không có”. Hắn lại có thể đề xuất với chủ những món hàng khách cần mà cửa hiệu không có khiến lòng tin của chủ tăng dần. Buổi tối thay vì nằm than thân trách phận, hắn lân la giúp ông chưởng quĩ già cộng sổ sách, nghe ông rề rà kể chuyện ở đời, chuyện sổ sách, công nợ... có chuyện hay, cũng có chuyện chán chết được nhưng hắn cứ cười xoà. Dần dà, được việc, hầu như sổ sách ông chưởng quĩ đưa cho hắn làm cả.

    Lúc này những lúc gặp ông tiều phu hắn không còn ngồi lặng im ăn bánh uống rượu nữa. Hắn đã có thể kể cho ông nghe những điều thú vị hắn gặt hái trong cuộc sống. “Có một bà khách khó tính như quỉ. Đến cửa hàng cứ đòi đích thân con bán, mà nào có dễ dàng gì, hỏi han chê bai đủ thứ mới mua được vài món. Không có chữ Cần của ông chắc con chạy mất dép. Mấy cửa hàng trong trấn chắc cũng chạy mặt bả, thấy bả chỉ mua được chổ con”. Ông già cười: “Cái tật khó khăn khiến bả tự buộc mình thành khách hàng trung thành của cậu rồi, đố chạy đâu được”. Nhận xét kỳ dị nhưng chí lý của ông già khiến hắn bất ngờ và thú vị. Hai người bất giác bật cười ha hả.

    Mê say với những điều thú vị rút ra khi áp dụng câu thần chú của ông già, hắn đôi lúc quên rằng mình là kẻ làm công ăn lương. Rồi ông già chưởng quĩ về hưu, hắn được chủ thay vào đấy như một sự tự nhiên nhất trên đời. Còn ai trong tiệm này rành hơn hắn? Không còn ông chưởng quĩ để chia xẻ bữa cơm, hắn được gọi ăn chung với nhà chủ như con cháu trong nhà.

    Một ngày nghỉ, sau bữa cơm sáng, hắn hồi hộp linh cảm thấy có gì bất thường. Ngước mắt nhìn, hắn thấy ông bà chủ chăm chú nhìn hắn. Ông hắng giọng: “Con nghe này! Con ở trong nhà này đã lâu, tánh ý ta cũng hiểu, công sức con bỏ vào cơ nghiệp nhà này cũng nhiều. Ta già rồi, chỉ có một đứa con gái, muốn gả cho con để con nối nghiệp nhà. Con nghĩ sao?” Hắn sững sờ không nói nên lời. Sự việc đến với hắn bất ngờ quá.

    Ông chủ cười ”Không cần đáp ta cũng đoán được. Nhưng ta tôn trọng câu trả lời của con. Đi ra suy nghĩ đi và trả lời ta sau cũng được”.

    Vận may đến quá bất ngờ nhưng trách nhiệm cũng làm hắn choáng ngợp. “Cả một cơ ngơi của nhà chủ, rồi còn gia đình mới phải chu toàn, liệu mình có giữ vững nổi không hay lại làm hỏng như xưa?” Hắn bất giác nhìn vào bàn tay, lá bùa hộ mạng chữ “Cần” đã biến đâu mất. Nỗi kinh hoàng bóp nghẹt cả tâm trí làm hắn không suy nghĩ gì được. Hắn chạy như điên lên núi. Ông tiều phu già vẫn thong dong ngồi đó.

    Hắn hổn hển, lắp ba lắp bắp kể. Ông già khoát tay: “thế thì sao nào?”.

    “Con sợ” hắn nói “sợ làm hỏng như xưa. Chữ “Cần” ông cho đã mất rồi”. Hắn lo lắng xoè tay

    Ông già khẽ gắt: “chữ Cần ở trên tay cậu làm gì, nó đã vào trong đầu cậu rồi. Còn cậu sợ gì nào? Chuyện may rủi là ngẫu nhiên có chừa một ai? Thế nhưng hậu quả là do mỗi người. Nghĩ lại mà xem. Cần Kiệm giúp cậu sống sót qua vận bỉ. Cần Cù giúp cậu có miếng ăn. Chuyên Cần giúp cậu thăng tiến trong công việc. Ân Cần giúp cậu hiểu người và được lòng người. Quả ngon hay dở do cậu tạo ra cả.”

    Hắn tạm yên lòng: “dù sao con cũng phải cám ơn ông về mấy đồng xu và chữ Cần khởi nghiệp”.

    Ông già cười ha hả: “Trong gia sản của cậu ngày xưa chả lẽ không có mấy đồng xu ấy. Còn chữ Cần ắt phải có đâu đó trong mấy cuốn tứ thư ngũ kinh gì gì của nhà cậu. Ta chả cho cậu cái gì thêm đâu”

    Hắn chợt tỉnh ngộ, quá khứ ập về với một đống “phải chi” khiến hắn choáng váng. Cả một gia sản nhà hắn... phải chi... Khi hắn tỉnh lại, ông già đã đi mất chỉ còn lại văng vẳng lời ca:

    Gieo lúa thì gặt lúa

    Trồng cam thì hái cam

    Bất dụng công, chớ mong hưởng quả...



    Sài gòn 28.2.2006


    Triều Anh (Theo Kiến Thức Ngày Nay 561)
    Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom