• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Chuyện Cơm Hến _ HPNT

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Chuyện Cơm Hến _ HPNT

    Chuyện Cơm Hến

    Hoàng Phủ Ngọc Tường


    Người Huế ăn giống như học bài học cuộc đời, phải nếm đủ vị mặn, lạt, chua, cay, ngọt, bùi... không chê vị nào; lại còn tỏ ra thích thú với hai vị mà thiên hạ đều sợ là cay và đắng. Vườn Bắc cũng trồng mướp đắng, chỉ dùng trái chín đỏ độn thịt làm món hầm, còn trái xanh chỉ dùng... xoa sảy cho trẹ con.
    Người Huế thích dùng mướp đắng lúc còn xanh; nấu canh phải đuống nồi nước sôi xuống mới thả mướp vào để đảm bảo là đắng, lại còn bóp mướp sống làm món nộm, đắng một cách tuyệt vời! Có hôm tàu dừng ở ga Lăng Cô, thấy nấm tràm bán rẻ như cho không, tôi bèn hí hửng mua luôn một rổ làm quà cho chú bạn tôi ở Đà Nẵng, gọi là đặc sản xứ Huế. Cháo nấm tràm nấu ra ngon đến thế, nhưng chỉ có đám dân Huế sì sụp vừa húp vừa khen, còn bạn nhậu người Quảng đều né hết, vì đắng chịu không nổi. Hóa ra chỉ cách nhau một cái đèo Hải Vân mà thôi mà cách ăn uống của người Huế lạ đời đến thế!

    Nhưng lạ nhất là thói ăn cay, đến nỗi chính tôi cũng không hiểu sao mình ăn cay đến như vậy. Người Huế có đủ cung bậc ngôn ngữ để diễn tả vị cay, bao gồm hết mọi giác quan, càng nói càng "sướng miệng": cay phỏng miệng, cay xé lưỡi, cay điếc mũi, cay chảy nước mắt, cay toát mồ hôi, cay điếc tai, cau điếc óc, và hết cỡ là (xin lỗi mọi người) cay thấu... lỗ đít! Có thể nói rằng người Huế bắt đầu thực đơn hàng ngày bằng một tô bún bò "cay dễ sợ", tiếp theo là một ngày cay "túi mắt túi mũi", để kết thúc với tiếng rao "Ai ăn chè?", một chén ngọt lịm trước khi ngủ.

    Tôi xin giới thiệu một ngày " hạnh phúc trời hành" của dân Huế tui, bắt đầu bằng món cơm hến. Những món ăn Huế như bún bò, cháo lòng... bây giờ trở thành phổ biến khắp nước (dù đã mất đi bản chất cay của nó), chỉ món cơm Hến này không nơi nào có, Hà Nội, Sài Gòn cũng có vài ba quán Huế có cả cơm hến, tôi đã thử xem, đều toàn là nghêu xắt nhỏ, đâu phải là hến! Vậy thì, cơm hến là gì?

    Trước hết, nói về cơm. Người Việt mình ăn cơm kiểu nào cũng phải nóng, duy chỉ cơm hến nhất thiết phải là cơm nguội. Hình như người Huế muốn bày tỏ một quan niệm rằng trên đời chẳng có một vật gì đáng phải bỏ đi, nên bày ra món cá lẹp kẹp rau mưng, và món cơm nguội với những con hến nhỏ lăn tăn làm sốt ruột người chế biến món ăn, gọi là cơm hến. Sau này ở Huế người ta bày thêm món bún hến, dùng bún thay cơm nguội. Tôi rất ghét những lối cải tiến tạp nham như vậy. Bún đã có bún bò, ai có giang sơn nấy, việc gì phải cướp bản quyền sáng chế của người khác. Vả lại, người Huế (Huế xưa, không phải bây giờ) rất kiên định trong "lập trường ăn uống" của mình. Tôi nghĩ rằng trong vấn đề khẩu vị, tính bảo thủ la một yếu tố văn hóa hết sức quan trọng, để bảo toàn di sản. Với tôi, một món ăn đặc sản cũng giống như một di tích văn hóa, cứ phải giống y như nghìn xưa, và mọi ý đồ cải tiến đều mang tính phá phách, chỉ tạo nên những "đồ giả"!

    Xin tiếp tục chuyện cơm hến. Hến ở Huế, ngon nhất là hến cồn, do đó cái gò nổi chiếm vị trí "Tả Thanh Long" rất mực sang trọng trong Dịch Lý của kiến trúc kinh thành, dân chỉ gọi nôm na là Cồn Hến. Đáy sông quanh cồn có một lớp bùn sâu, là môi sinh màu mỡ của loài hến. Điều lạ là con hến, dù không có tay chân, nhưng khi thời tiết thay đổi làm dòng nước chảy mạnh, nó có thể lặn sâu xuống đáy bùn để khỏi bị nước cuốn đi. Dân cồn làm nghề xúc hến mỗi năm đều có lễ cúng hến vào tháng bảy, trên những con đò cờ xí rộn rịp, tiếng trống vang lừng. Người ta luộc hến xong đem ra sông đãi trong những chiếc rỗ lớn, tách vỏ, lấy riêng mặt hến đem đong chén bán cho những người làm cơm hến.

    Mặt hến này là vị chủ của cơm hến, xào kèm theo bún tàu (miến), măng khô và thịt heo thái chỉ. Món thứ ba trong cơm hến là rau sống. Chỉ một nhúm thôi, nhưng rau sống này làm bằng thân chuối hoặc bắp chuối xắt mảnh như sợi tơ, trộn lẫn với môn bạc hà, khế và rau thơm thái nhỏ, có khi còn điểm thêm những cánh bông vạn thọ vàng, nhìn tươi mắt và có thêm mùi hương riêng.

    Nước luộc hến được múc ra từ chiếc nồi bung bốc khói nghi ngút, bằng chiếc gáo làm bằng sọ dừa xinh xắn, cho vào đầy một cái tô đã gồm đủ cơm nguội, hến xào, rau sống và được gia thêm đủ vị đồ màu. Nước hến có giã thêm gừng, màu trắng đùng đục. Vâng, mê nhất cái màu đùng đục ấy, ăn cơm hến mà chê nước đục là... dại!

    Bộ đồ màu của cơm hến là nhiêu khê nhất thiên hạ. Đây là bảng liệt kê các món gia vị mà tôi từng quan sát được ở một gánh cơm hến, chắc có thể coi là "lý tưởng", như sau:
    1.Ớt tương 2.Ớt màu, ớt dầm nước mắm 3.Ruốc sống, 4.Bánh tráng nướng bóp vụn, 5.Muối rang, 6.Hạt đậu phụng rang mỡ, giã hơi thô thô, 7.Mè rang, 8.Da heo rang giòn , 9.Mỡ và tóp mỡ ,10. Vị tinh . Tất cả được đựng trong những thẩu, những vịm bày trên một cái trẹc, o bán cơm hến lấy ra bằng những chiếc gáo mù-u nhỏ xíu, bàn tay thoăn thoắt mỗi thứ một ít như là rây... nước thánh!

    Hương vị bát ngát suốt đời người của tô cơm hến là mùi ruốc thơm dậy lên tận óc, và vị cay đến trào nước mắt. Người "máu" cơm hến vẫn chưa vừa lòng với vị cay sẵn có, còn đòi thêm một trái ớt tươi để cắn kêu cái rốp! Nước mắt đầm đìa, mồ hôi ròng ròng nhỏ giọt vào tô cơm, thế mà cứ sì sụp, xuýt xoa kêu "ngon, ngon!"; đi xa nhớ lại thêm tới đứt sợi tóc, ở nước ngoài về bay ra Huế để ăn cho được một tô cơm hến lấy làm hả hê, thế đấy, chao ôi là Huế!

    Tôi nhớ lần ấy, chiều mưa râm ri cữ tháng mười một, tôi ngồi ăn cơm hến ở nhà Bửu YÙ ở đường Hàng Me. Tôi vừa đi Tây về, suốt hai tuần ở Cung Đại Hội các nhà văn, bữa ăn nào cũng toàn thịt, bơ, phó mát..., đến nỗi tôi thất kinh, nhiều ngày chỉ mang một trái mớ cây về phòng, ăn trừ bữa. Nhiều tuần lễ không có một hột cơm trong bụng, nghe tiếng rao cơm hến, tôi thấy xúc động tận chân răng. Đây là lần đầu tiên, tôi ăn một tô cơm hến bằng tất cả tâm hồn. Thấy chị bán hàng phải cho quá nhiều thứ trong bát cơm nhỏ, công thế mà chỉ bán có năm đồng bạc, tôi thấy làm ái ngại hỏi chị:

    Lời lãi bao nhiêu mà chị phải công kỹ đến thế. Chỉ cần ba bốn thứ, vừa vừa thôi, có đỡ mất công không? Chị nhìn tôi với đôi mắt giận dỗi rất lạ:

    Nói như cậu thì... còn chi mà là Huế!

    Chị gánh hàng đi, dáng gầy mỏng manh, chiếc áo dài đen cũ kỹ, chiếc nón cời và tiếng rao lanh lảnh, bây giờ tôi mới phát hiện thêm vị thứ mười lăm, là lửa. Vâng, một bếp lửa chắt chiu, ấp ủ đi trong mưa suốt mùa đông, bền bỉ theo bước chân người...


    tusach.vietnhim.com/
    Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......
    Similar Threads
  • #2

    Bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường: Quà vặt

    tuoitre.com.vn - 11:03 21-01-2004


    Ngoài những món ăn chính thống như phở, bún bò, hủ tiếu được sử dụng làm quà sáng của những người dân đô thị ở mọi nơi, hệ thống quà vặt được dùng để đáp ứng một nhu cầu thường xuyên của con người từ lúc bỏ bú; khuynh hướng này là một yếu tố tâm lý gọi là khuynh hướng thực phẩm (tendance alimentaire) hoặc còn gọi là thói “nhân chi sơ” … giúp mọi loài vật tìm lấy thức ăn để tồn tại. Nó còn được mệnh danh là “tâm hồn ăn uống” nơi con người.

    Nói đến quà vặt, người ta lập tức nhớ đến tiếng rao lanh lảnh của những gánh hàng rong, thưở các đô thị chưa bị náo loạn bởi động cơ nổ hoặc bởi tiếng nhạc cà phê. Hàng rong là đặc sản của mỗi vùng, thậm chí của ngõ hẻm, và làm nên hương vị không thể quên được của thời thơ ấu. Tôi cũng có một tuổi thơ, với những món hàng rong đầy thi vị của những gì thuộc ngày hôm qua, và bây giờ đã … một đi không trở lại.

    Đó là tiếng rao “Bún nước mắm chanh tỏi tạm thời” của những người đàn ông rao dọc con hẻm ở Huế (ông lấy bún từ làng gốc Vân Cù và những sợi bún được cuộn thành dây chão khoanh tròn trên tấm lá chuối) mà tôi thường nghe sau giấc ngủ trưa, lẫn trong tiếng gáy buồn thiu của con gà trống nào nhớ trời xanh.

    Sau Cách mạng Tháng Tám, tôi có gặp ông cầm mã tấu đứng gác ở cầu Kho Rèn; sau đó, không biết ông biến mất đằng nào. Nhưng từ đó, tiếng rao “bún nước mắm…” cũng vắn bặt, hình như cũng chìm trong làn sóng của lịch sử.

    Hoặc món thạch gồm những miếng đông sương được xắt nhỏ thoăn thoắt trên tay ông bán hàng rong, thạch trộn với đường cát vàng ăn vào thấy mát rượi cả tâm hồn trẻ thơ, mẹ tôi thường bảo là “để giải nhiệt”. Ông bán thạch gánh hai đầu hai cái chậu bằng đất nung, đầu này đựng mấy cái chén sành, đũa, chanh, đường; đầu kia là những khối thạch lớn thả bồng bềnh trong nước.

    Những món ăn sáng còn lại cũng được các bà chủ đem bán rải rác thành hàng rong. Độ giữa buổi chiều trở đi, có các bà bán các loại bánh mặn đựng đầy một rổ nách bên hông. Lũ trẻ chúng tôi rất thèm thuồng mọi thứ đựng trong chiếc rổ ấy.

    Một cái rổ thì đựng được bao nhiêu; nhưng tôi tưởng chừng muốn thứ gì cũng có: nào bánh nậm, bánh bột lọc, bánh ít trắng, bánh hỏi (ngày nay ở Huế hầu như không có), bánh ướt, bánh gói, bánh xéo, được đựng trong những chiếc đĩa đất nung nhỏ xíu; và người ta có thói quen chồng đĩa thành chồng cao trước mặt và đo bằng sải tay để khoe sức ăn.

    Nguồn quà vặt còn tìm thấy trên bàn thờ, như chè đậu xanh đánh đã lên mốc xanh sau ngày rằm tháng giêng; hoặc bánh lục giác là thư bánh in được gói thành khối lập phương, bằng giấy ngũ sắc sặc sỡ.
    Ở các chợ trong thành phố có những gánh đồ chơi trẻ con, trong đó có những con bột pha màu, nặn hình Hai Bà Trưng cưỡi voi, con gà ấp trứng, hoặc bầu hồ lô có thắt dải lụa. Chúng tôi rất thích được mẹ mua cho những con bột này, bởi vì chơi chán, chúng tôi thường chia nhau đem nướng ăn, bột nướng lên vừa giòn vừa béo, rất ngon.
    Việc ấy tất nhiên là phải thực hiện thật kín đáo; lỡ bị người lớn bắt gặp, thường bị tịch thu và bị ăn đòn; bởi tôi lỡ ăn phải đồ đầy đất cát bụi bặm “coi chừng bị ho lao”.

    Hệ thống quà vặt thời thơ ấu của tôi còn gồm có một chuỗi những quán cóc ở các làng quê. Những quán ấy đối với tôi thân thuộc biết nhường nào, vì ở đấy mẹ tôi thường sai tôi đi mua kim chỉ, dầu hỏa v.v …
    Trên chiếc kệ day mặt ra đường thường bày một dãy những thùng sắt tây mặt lồng bằng kính ở trong đựng những thứ kẹo bánh mà tôi rất thích, như kẹo vừng, kẹo đậu nành, bánh sen chấy, bánh kẹp … (các loại bánh này đều là đặc sản của Huế, ngày nay còn lại rất hiếm). Đặc biệt là kẹo cau, như một miếng cau vừa bổ ra; hạt cau là một phiến nước đường vàng óng và thịt cau làm bằng bột trộn đường; hàng trao cho tôi thường được gói trong lá chuối khô.

    Kẹo cau là thứ duy nhất vẫn giữ vững vị trí của nó trong bảng tổng sắp của tôi. Đến tuổi già ngồi nhớ lại thời thơ ấu, tôi lại băng mình ra chợ Bến Ngự hỏi mua cho được thứ kẹo ấy; mời bạn bè từ xa đến cứ như mời cau, khỏi xấu hổ chi cả vì đi mời bạn ăn kẹo.

    Mùa trái chín, các vườn Huế cũng chứa đầy quà vặt. Tôi thường ngồi vắt vẻo trên một càng cây chắc chắn, nếm đủ thứ, nào là ổi, là nhãn, là đào… Tôi có con em rất tinh nghịch, thường thích mai phục trên cành cây, chờ bạn tôi đi qua, lại ném trái cây lộp bộp vào áo. Tôi xem trong sách thấy có anh chàng Phan An, Tống Ngọc “lúc ra đường quả ném đầy xe”. Làm gì có quả sẵn giữa đường mà ném, coi chừng các chàng này lại vô phước gặp phải một cô em bạn tinh nghịch!


    Lớn lên, qua tuổi sinh viên, tôi vẫn giữ thói ăn quà vặt; nhiều khi cũng là quà sáng luôn thể. Hồi ấy có những món đặc sản miền Bắc mới hội nhập vào thị trường Sài Gòn. Tôi rất thích món suông Thanh Thế, gồm bún nấu với mướp ngọt.
    Nếu có thêm năm đồng, chủ quán Thanh Thế thường rút trong túi áo trên ra một chiếc lọ nhỏ xíu, nhúng một que tăm vào một chất thơm cà cuống rồi quậy que tăm vào bát suông của mình. Tôi chỉ quan sát cách họ dùng cà cuống, còn tôi là sinh viên, làm sao mà có tiền để nếm thử những món hàng xa xỉ phẩm ấy.

    Tôi nhớ dạo ấy, gần chỗ Passage dEden có một hàng cơm tấm hành mỡ rất nổi tiếng , bán lúc 5 giờ sáng. Gaọ tấm chỉ nhỏ bằng hạt cườm, nấu rất mau chín, đem chiên lại với hành mỡ và ngồi ăn dưới ánh đèn cầy. Người ăn quán này gồm toàn dân xích lô, xe thổ mộ, từ ngoại ô vào và tôi, giưã những ngưòi lao động nghèo khổ trong thành phố.

    Hồi ấy trên đường Hàm Nghi có một chiếc xe đẩy bán món “đuôi bò hầm” hoạt động lúc 2 giờ khuya sáng. Khách hàng gồm những cô ca ve về ăn khuya, vừa nhai ngấu nghiến vừa đứng tụm năm tụm ba giữa lòng đường. Tưởng tượng thấy người bưng ăn ngoài đường, lại còn khen chê, bàn tán om sòm, thật cũng là “siêu hoang dại”.

    Cùng thời ấy, có cửa hàng Viễn Đông bán nước mía ở vỉa hè Lê Lợi. Chúng tôi đi phố về, luôn luôn ghé vào đó, chen vào đám đông người đi đường trước cửa hàng Viễn Đông. Nước mía đựng gần đầy cóc vại, trả thêm một đồng thì lại có một quả quýt vắt vào đầy ly nước mía. Xong, bê ra vỉa hè đầu xa, đứng uống từ từ.

    Buổi chiều, thường có gánh thịt bò viên bán trước đại học xá miền Trung ở đường Bùi Quang Chiêu. Thịt nạc vo thành viên tròn ăn với nước xúp lõng bõng, mỗi chén từ ba đến năm viên tùy theo kết quả về cuộc đổ tào cáo ăn thua với người bán hàng.

    Sau buổi cơm tối, tôi lên nằm cạnh ông nội, nghĩa là hết một ngày ăn quà vặt. Ngay lúc ấy, ngoài đường bỗng hiện ra một bóng người một tay nách rổ, tay kia xách một tay gióng mang chiếc vịm lớn có cây đèn hột vịt chao nhẹ theo vịm chè, cất lên một giọng rao lanh lảnh:
    - Ai ăn hột vịt lộn …?
    Bất ngờ tiến rao ngân nga ấy chợt trở giọng thành một tiếng nạt tưởng như giận ai:
    - … chè không?

    Vào một thời kì nào đó của tuổi trưởng thành, khuynh hướng thực phẩm tự nhiên biến mất, không phải vì được thoả mãn đầy đủ về nhu cầu ăn uống mà vì vị giác không còn sức kích thích trước những thực phẩm trần gian của bữa tiệc đời, điều mà nhà thơ Ôn Như Hầu đã từng nói: “Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ …”.
    Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

    Comment

    • #3

      Bói Tết -

      Hoàng Phủ Ngọc Tường
      Ngày Tết, việc đạp đất hoặc xuất hành đã là một thông tục của người Việt ở nhiều nơi; hai phong tục này vốn đã có liên hệ nhiều ít với ý niệm ngũ hành trong thói bói toán. Đạp đất (còn lại là xông đất) cần nhất phải so tuổi giữa khách và chủ, thí dụ một người có tuổi Mão (cầm tinh con mèo) thì không nên đạp đất cho một người tuổi Tí. Một người mạng Hoả lại không nên xuất hành về phương Bắc; vì bắc thuộc Thuỷ, vì Thuỷ Hoả tương khắc. Vì vậy, trong nhiều trò chơi được ưa chuộng ở Huế có lắm trò chơi bao hàm phép bói toán. Chúng ta có thể nhớ lại:

      a. Bói bài:
      Ngày Tết, nhà nào ở Huế cũng có phổ biến trò chơi bài bạc. Tuy nhiên, bài bạc ở đây không cốt để ăn thua nhau bằng tiền bạc (dù cũng có chuyện tiền bạc chút ít), mà chỉ nhằm có cớ để xen lẫn trong đó trò bói bài. Người ta thường đoán vận mệnh hên xui trong năm bằng cách nhìn qua sự ăn thua trên từng ván bài. Trong dân gian nhất là ở miền quê, thường sử dụng bộ bài tới, trong đó có nhiều con bài chỉ có nét đen tuyền, và một số con bài có đóng dấu đỏ. Vì vậy, trò chơi cờ bạc thường được gọi chung là trò đỏ đen.

      b. Bói mai:
      Ở Huế, cành mai là không thể thiếu được trong các loại hoa ngày Tết. Người ta thường giải thích rằng mai tượng trưng cho đức tính của người quân tử, vì tuy gầy guộc như một hàn sĩ nhưng lại nở hoa rất dày dặn. Càng gầy guộc, cây mai càng khiến người ta yêu thích, gọi là lão mai. Độ 28 Tết trở đi thì chợ Tết trở thành thời vụ của hoa mai; vì bấy giờ chợ mới đông đảo những người bán kẻ mua quanh chủ đề hoa mai. Những ngày giáp Tết, ở Huế thường có những chiếc xe (xe đạp, xích lô, xe ba gác) chở mai đi bán rong trong các phố lẻ.
      Cành mai thường được dành một vị trí chủ đạo trong phòng khách của mỗi gia đình, chưng bày từ ngày mồng 1 đến mồng 7 Tết. Đó cũng là thời kỳ diễn ra phong tục bói hoa mai. Hoa mai bình thường có năm cánh; bắt đầu từ mồng 1 Tết trở đi, lại có một “bóng” của cành mai do những cánh hoa rụng đổ trên mặt đất. Người chơi hoa cũng thường giữ gìn những cánh hoa rụng này, không quét dọn nó đi vì sợ mất hên. Có hoa mai 6, 7 cánh trên một cành mai được xem là điềm lành của gia đình; tuy nhiên quý nhất lại là hoa mai có 4 cánh vì hiếm có. Đoá mai 4 cánh được gìn giữ trân trọng một cách đặc biệt trên một cành mai Tết, được chủ nhà lưu ý đặc biệt để theo dõi xem nó rụng chưa.
      Những người trẻ thì quan tâm về tình yêu, và vì thế họ thường chọn hoa cúc để bói. Họ thường bắt đầu bằng một cánh hoa ở trung tâm, rồi xoay quanh lần lượt đếm từng cánh hoa, vừa nói theo thứ tự: “Nàng yêu tôi”, “Nàng yêu tôi nhiều”, “Nàng yêu tôi say đắm”, “Nàng không yêu tôi chút nào cả”. Cứ tiếp tục đếm như thế, cho đến cánh hoa cuối cùng rơi vào nhóm chữ nào thì duyên số cũng đạt tới vận mệnh đó.
      Những người trẻ trong nhà thường tỏ ra lãnh đạm đối với hoa mai và ưa chuộng hoa cúc hơn vì hoa mai không phải là thức đặc dụng để bói về tình yêu. Tuy nhiên từ lúc nào đó tự họ trở thành người chủ của gia đình, thì cành mai lại chiếm giữ đúng vị trí của nó nghĩa là để đoán vận mệnh hên xui của gia đình theo một hướng khác.


      c. Bói xăm hường:
      Hường là một mặt tứ màu đỏ trong bộ tào cáo. Mỗi ván xăm hường được mở đầu bằng cách mỗi người lần lượt vốc bộ xăm hường trong nắm tay rồi thả ra lòng một cái bát. Khi bộ tào cáo đã ổn định thì những mặt tào cáo giống nhau (tất cả có 6 con) sẽ làm thành một tổ hợp; mọi tổ hợp sẽ hợp thành một cấu trúc có ý nghĩa, đem lại cho người đổ một số thẻ; ván xăm hường bắt đầu bằng lần đổ đầu tiên và kết thúc khi có ông Trạng anh xuất hiện (Trạng: một thẻ tre cái tương đương với 32 đơn vị). Đại lược có:
      - Thẻ 1 đơn vị tương đương với một mặt tứ gọi là nhất hường.
      - Thẻ nhị hường, tương đương với 2 thẻ đơn vị, gồm hai mặt tứ của tào cáo.
      - Thẻ tứ tự (hay gọi là cử nhân) có mệnh giá bằng 4 thẻ đơn vị gồm bốn mặt đen giống nhau của tào cáo (không có mặt hường).
      - Thẻ tam hường có mệnh giá bằng 8 thẻ đơn vị, ứng với ba mặt hường của tào cáo (gọi là tiến sĩ).
      - Thẻ Trạng em có mệnh giá bằng 16 thẻ đơn vị, gọi là suốt, nghĩa là các mặt tào cáo đậu lại theo thứ tự từ nhất đến lục; hoặc là phân song, gồm có một tổ hợp cân đối của bộ tào cáo với mỗi phần gồm ba mặt tào cáo giống nhau. Và còn nhiều tổ hợp khác.
      - Thẻ Trạng anh gồm 32 đơn vị, tương ứng với bốn mặt hường.
      - Nếu có năm mặt hường thì lấy cả một trạng anh và hai trạng em (gọi là ngũ hường đoạt tam khôi); nếu có ngũ hường + mặt đen của tào cáo gọi là ngũ hường x tuổi; ngũ hường + một mặt nhất (gọi là ngũ hường đại ấn); nếu có năm mặt đen (gọi là ngũ tử).
      Lục phú hường (gồm sáu mặt hường thì ăn toàn ván xăm hường hai lần; lục phú đen (sáu mặt đen của tào cáo giống nhau), ăn toàn bộ ván xăm hường một lần.


      Xăm hường là trò chơi đổ bát gợi lại ý niệm về thi cử ngày xưa, phù hợp với nguyện vọng và tính ăn thua nhẹ nhàng của phụ nữ giới quý tộc ở Huế, cầu mong cho con thành đạt.

      Chất bói toán khiến người đổ xăm hường thích chí nhất là đổ ra suốt hơn là trạng anh; vì bao hàm việc làm ăn hanh thông; hoặc thích lục phú đen hơn là lục phú hường vì tin rằng đỏ quá hoá đen.

      d. bói tuồng:
      Thời tôi lớn lên, đi học vẫn ngang qua rạp Bà Tuần, là một rạp hát tư nhân thường trực vào thời mà đào kép Huế còn diễn trên sân khấu do các gia đình quý tộc giàu có hoặc những ông hoàng bà chúa dựng lên tại các thành phố và thị trấn nổi tiếng khắp ba cõi Đông Dương. Sau cách mạng tháng Tám, tuồng Huế hết thời, nhưng rạp Bà Tuần vẫn còn sống lây lất, và những đào kép cũ, tuồng tích cũ ít ra còn đem lại cho xứ Huế đôi nét vàng son của sân khấu thời Nguyễn.

      Ở rạp Bà Tuần, người ta thường xào xáo một chương trình tuồng Tết, gồm có những vở tuồng có đoạn nói về tình duyên, để các cô các cậu ở Huế thích đi xem; thí dụ tuồng Phụng Nghi Đình (hay gọi là Lữ Bố hí Điêu Thuyền); Tôn Phu Nhân Quy Thục; Mạnh Lệ Quân thoát hài... Đôi khi người ta diễn cả tuồng Lộ Địch của Ưng Bình Thúc Giạ, là vở tuồng do cụ Thúc Giạ phóng tác phỏng theo vở bi kịch Le Cid của Corneil, trong đó có thay đổi đôi chút, thí dụ như cô tiểu thư Don Chimène sau khi thắng quân giặc bèn vào chùa đi tu, hoặc tác giả phóng bút thêm vào một vai hề tuồng để thích nghi với sân khấu Hát Bội, và hợp với “gu” Huế.

      e. Bói đò:
      Nguyên giữa chợ Gia Lạc (vùng Vĩ Dạ) và chợ Dinh (cùng Gia Hội) trên sông Hương Huế có một con đò ngang, mà người ta cho là rất thiêng, thật ra là bến đò ngang duy nhất để người Huế ở khu Gia Hội có thể xuất hành trong ngày Tết. Tâm lý xuất hành rất quan trọng ở người Huế, ví dụ ra đi khỏi nhà lỡ có người gọi giật lui liền quay về, không dám đi đâu nữa, tức bực suốt ngày hôm ấy. Hơn nữa chợ Gia Lạc lại chỉ đông vào ba ngày Tết, nên càng bao hàm tính xuất hành của chuyến đò đầu năm.

      Đến bến đò chợ Dinh nói trên, nếu con đò vẫn đang nằm chờ hoặc vừa mới ghé vào bờ thì đó là vận may, buôn bán hàng thông suốt năm, lỡ đò đã ra giữa vời thì đành đứng đợi, than thân trách phận rằng vận rủi sẽ theo mình quanh năm, không thể thành đạt việc gì khác.

      Sự bói ngày Tết là tâm lý rất phổ biến ở người Huế, nhưng chẳng qua là một nét mê tín rất nhẹ nhàng, tuy nhiên người ta vẫn giữ bền là vì nó cũng chẳng dẫn đến hậu quả nào tai hại; nó chỉ làm cho cuộc sống thêm một chút thi vị, giống như người ta thích giữ mãi niềm tin ngây thơ, lúc nhân loại còn thơ ấu.

      Huế, tháng 11 năm 2005

      nhavanhue.org.vn
      Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

      Comment

      Working...
      X
      Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom