Thiền Yên Lặng
Một Phương Pháp Thanh Lọc và Chuyển Hóa Thân Tâm
Hòa thượng Thích Giác Nhiệm
Một Phương Pháp Thanh Lọc và Chuyển Hóa Thân Tâm
Hòa thượng Thích Giác Nhiệm

Thiền Yên Lặng là một phương pháp thực tập dễ dàng, có hiệu quả cao và vô cùng hữu ích cho tất cả mọi người; thế tục, người tu, già, trẻ … ai tập cũng được. Đến với pháp môn này, người thế tục thì mong được lành bệnh và có một đời sống tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng, thoát khỏi sự đau khổ về những thăng trầm của cuộc đời, những hệ lụy gia đình, quan hệ giữa con người với con người, những khắc khoải về mất mát, thúc giục, tình cảm, quan niệm, v.v… Người tu thì muốn tiến hóa tâm linh nhưng vẫn còn bị trở ngại về thân như càng tu càng bệnh thêm, hay trở ngại về tâm như càng tu tánh tình càng khó khăn, cau có, nóng nảy, không cưỡng nổi ham muốn, cám dỗ, quyền lực, v.v…
Với nguyên lý thật đơn giản, pháp thiền Yên Lặng giúp ta giải quyết tận gốc rễ những chướng ngại nói trên. Sau những lần thực hành liên tục, chỉ trong mấy ngày, mọi người đều nhận ra những biến chuyển rõ rệt trong thân cũng như tâm. Tất cả dường như đều vơi đi hoặc tan mất những đau nhức bệnh hoạn hoặc những đau khổ về mặt tinh thần. Những bản tính khó khăn cố hữu tưởng chừng không bao giờ thay đổi được cũng từ từ thay vào đó là những nụ cười dễ dãi đầy cảm thông. Từ tận trong sâu kín, năng lực của yên lặng đã chuyển hóa thân tâm của hành giả, hóa giải những nghiệp thức chất chứa qua bao nhiêu đời, và đó là một món quà mà chúng tôi xin chia sẻ với những ai hữu duyên.
Trong quá trình nghiên cứu, trao đổi, thể nghiệm và học hiểu với các hành giả đến từ nhiều pháp môn, cũng như với những người thường chỉ mới thực tập duy nhất phương pháp Thiền Yên Lặng, chúng tôi gắng sức để tìm ra những phương cách bổ sung nào có thể đưa con người đến hạnh phúc bền vững hơn, với đích điểm cuối cùng là sự giải thoát. Giải thoát khỏi cái gì? Không phải là ra khỏi cuộc đời này như ta thường hiểu lầm, mà là ra khỏi mọi trói buộc bởi chính tâm thức của mình, ra khỏi những cái mà chúng ta thường cho là “đúng, sai” làm chúng ta đau đớn, ra khỏi những nghiệp quả từ tiền kiếp lẫn hiện đời để hành giả có thể sống hạnh phúc, ung dung, tự tại. Sau đó, hành giả mới có thể giúp đỡ người khác tìm được an vui, giúp cải thiện xã hội giảm dần tội phạm, bạo lực và đau khổ. Khi con trẻ và người lớn có khả năng tự hóa giải năng lực bạo động bên trong thì trường học sẽ là thiên đàng của tuổi thơ, gia đình sẽ là mái ấm của mọi người.
Mặc dù có rất nhiều phương pháp và như người ta thường nói: “đường nào cũng về tới La Mã”, nhưng chúng tôi muốn chọn ra con đường ngắn nhất, dễ đi, ai đi cũng được, ai đi cũng đến và đến ngay trong đời này. Sau một thời gian cùng nhau thể nghiệm, chúng tôi quyết định đưa đến tay người có duyên phương pháp dưới đây, tạm gọi là Hỏa Xà Kundalini, tức pháp Thiền Yên Lặng; một phương pháp có tính dung hòa và bổ sung, để giúp cho hầu hết mọi hành giả khắc phục được chướng ngại và bế tắc trên con đường tu tập, giúp cho người thế tục cải thiện về cả thân lẫn tâm.
Kinh nghiệm cho chúng tôi thấy pháp này đáp ứng được nhu cầu thanh lọc, đả thông kinh mạch để cơ thể tự chữa lành thân bệnh, đáp ứng được nhu cầu giải khổ, giải nghiệp của tất cả ai tìm đến nó. Và quả đúng như Đạo Sư Osho đã viết là ai đã thật sự thành công trong việc khai mở năng lực Hỏa Xà Kundalini thì sẽ không còn khả năng bạo lực, không còn khả năng gây đau đớn cho người khác, không còn lòng tham nên không trộm cắp, không còn khả năng nghiện ngập và không còn bị các ham muốn thể xác khống chế mình nữa. Đây là những dấu hiệu ta sẽ dần dần thể nghiệm được qua pháp này.
Trường phái Kundalini Yoga của Ấn Độ (tức là tu giác ngộ qua con đường khơi dậy Năng Lực hỏa xà) thường khởi dậy năng lực này ở phía sau lưng theo cột sống. Tây Tạng thì có Inner Fire, tức Nội Hỏa hay Chơn Hỏa Tam Muội và các phái Tiên Gia và khí công Trung Hoa thì phần đông khơi dậy sức nóng này từ đan điền đi lên ở giữa hoặc phía trước thân.
Trong sách vở cổ kim, năng lực này thường được xem là có liên quan mật thiết đến những hiện tượng như thanh lọc cơ thể, đả thông kinh mạch, phục hồi nguyên khí, giải khổ, giải nghiệp, khả năng thần thông, tiến hóa và thành tựu về mặt tâm linh. Cũng theo sách vở, năng lực này rất khó khai mở và các phương pháp thường mang tính cách bí truyền nên rất ít ai có may mắn học được.
Hiện nay Việt Nam đã có một công thức “mới nhất” để đánh thức năng lực ấy do một nhà sư Khất Sĩ người Việt Nam tìm ra: Thượng Tọa Thích Giác Nhiệm. Nói công thức này “mới” là vì lần đầu tiên cách thức khai mở có thể được phổ truyền, nghĩa là không còn dành riêng cho một số người đặc biệt như trước kia. Điểm mới lạ kế tiếp là ta có thể thực hiện dễ dàng và hữu hiệu một cách bất ngờ. Mọi người đều có khả năng khai mở năng lực này, bất kể tuổi tác, trường phái, tôn giáo, trình độ văn hóa hay tâm linh.
Lúc còn tại gia, qua con đường thiền quán, gần như vô tình, nhà sư Thích Giác Nhiệm đã tự khơi dậy được năng lực này. Sau đó, vào năm 19 tuổi, nhà sư xuất gia và tu theo hệ phái Khất Sĩ của Phật Giáo Việt Nam.
Tuy nhiên, mãi đến hơn 40 năm sau, nhà sư mới nghiên cứu tìm ra công thức sơ khởi để khai mở vừa dễ dàng vừa ít tốn thời gian hơn các truyền thống cũ. Sau này, được một nhóm hành giả hợp tác nghiên cứu và thể nghiệm, phương pháp này được điều chỉnh nên các hướng dẫn chi tiết, hữu hiệu hơn dần. Càng lúc, thiền sinh càng đạt hiệu quả cao và nhanh chóng hơn.
Chìa khóa khai mở năng lực này là Yên Lặng. Yên Lặng đây không phải là làm thinh không nói năng gì mà là trong trí của ta không có một ý tưởng nào dấy lên, trong lòng hoàn toàn bình yên, không có một dao động nào cả.
Theo nhà sư, Yên Lặng đây là định lực của vũ trụ nên nó hiện diện ở khắp mọi nơi, trong, ngoài và bao trùm muôn loài vạn vật, hữu hình lẫn vô hình. Nhà sư cho rằng nguyên lý của phương pháp Thiền Yên Lặng là Bất cứ ai, bằng cách dùng “động” không ngừng nghỉ để giữ được trí mình yên lặng, không để một tư tưởng hay cảm xúc nào dấy lên trong khoảng thời gian liên tục từ 30 phút đến 2 tiếng thì vô thức sẽ tự nhiên bắt đầu vận hành thanh lọc giải trược, tự đả thông kinh mạch, tự khơi mở những năng lực tiềm ẩn trong cơ thể mà không cần có bất kỳ một sự can thiệp nào của tư tưởng.
Trong cơ thể vật lý, hệ thống khí trong toàn thân cũng phải liên tục vận hành trôi chảy để đưa chất độc ra ngoài giống như hệ thống máu và bạch huyết. Chất thải của khí được gọi là trược khí. Nơi nào trong thân bị bế tắc thì nơi đó bị đau nhức, rối loạn hoặc hư hại. Sự bế tắc đó có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến một số loại bệnh mà không do vi trùng gây nên.
Comment