• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Làng Phước Tích (Thừa Thiên Huế) - Ngôi làng cổ thứ hai của Việt Nam

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Làng Phước Tích (Thừa Thiên Huế) - Ngôi làng cổ thứ hai của Việt Nam

    Làng Phước Tích (Thừa Thiên Huế) - Ngôi làng cổ thứ hai của Việt Nam
    Thu Hiền

    Link" align="left" border="0" alt="" style="padding:7px;" />Nếu như làng Việt cổ ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) mang dáng dấp đặc trưng của vùng quê đồng bằng Bắc bộ, thì làng Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) lại còn khá nguyên vẹn những yếu tố gốc của làng cổ vùng văn hóa Huế và miền Trung.

    Hai hàng chè tàu ven ngõ dẫn vào một ngôi nhà rường, nét đặc trưng ở Phước Tích.

    Đây là ngôi làng thứ 2 của Việt Nam được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Lễ công bố quyết định quan trọng này diễn ra song song với "Festival nghề truyền thống Huế - 2009" (ngày 13-6), mở ra cơ hội phát triển mới cho Phước Tích. Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Di sản văn hóa, Sở VH-TT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế.

    - Trong một chuyến điền dã vào Huế năm 2003, tình cờ KTS Hoàng Đạo Kính "gặp" Phước Tích và thốt lên: "Tôi thực sự sửng sốt khi bắt gặp một ngôi làng Việt cổ ở vùng đất không phải là cổ xưa của người Việt, với quá nhiều những ngôi nhà rường cổ tồn tại qua nắng mưa và nghèo khó một cách kỳ diệu…". Và sự phát hiện đó được KTS Hoàng Đạo Kính đánh giá là tương đương với sự phát hiện phố cổ Hội An vào những năm tám mươi của thế kỷ trước. Nhận xét như thế liệu có "lạc quan" quá không thưa bà?

    - Nhận xét trên hoàn toàn có cơ sở. Khác với những ngôi làng ở miền Trung cát trắng, làng Phước Tích nằm bên dòng sông Ô Lâu xanh mát với lịch sử ngót 500 năm. Làng còn 27 nhà rường hơn trăm năm tuổi, tập trung chủ yếu ở xóm Đình. Xóm Đình đẹp như bức họa cổ. Ngõ xóm thẳng tắp, sau những chiếc cổng xưa cũ vẫn là hai hàng chè tàu dẫn vào sân gạch và một ngôi nhà rường lặng lẽ phía sau bức bình phong. Đầu làng có văn miếu thờ đức Khổng tử và các vị hiền nhân, cuối làng có miếu Đôi thờ ngài Khai canh và ngài Bổ nghệ (ông tổ nghề gốm của làng), giữa làng là ngôi miếu thờ các vị thần linh, tương truyền được xây dựng trước khi lập làng.

    Về kiến trúc, làng Phước Tích như một bảo tàng về di sản văn hóa vật thể của làng quê với 17 nhà thờ, trong đó có 10 nhà là nhà rường và còn lưu giữ đầy đủ gia phả, hương án, mộc chủ của dòng họ mình cùng với hoành phi câu đối từ khi thành lập đến nay. Bên cạnh đó là hàng chục đình, chùa, miếu phục vụ đời sống văn hóa cộng đồng có dấu tích của nền văn hóa Chăm cổ. Đây chính là những thiết chế tổ chức làng Việt…

    - Xưa dân làng Phước Tích không có ruộng mà sống bằng nghề gốm. Theo đánh giá, nghề gốm và các sản phẩm gốm là yếu tố không thể thiếu tạo nên giá trị di sản văn hóa độc đáo ở Phước Tích. Nay nghề gốm ở đây không còn, xin bà cho biết, nghề gốm sẽ được khôi phục như thế nào trong phương án bảo tồn và phát huy giá trị làng Việt cổ?

    - Mẻ gốm đầu tiên ra lò vào ngày 13-6 vừa rồi thay lời khẳng định của các cấp chính quyền và người dân Phước Tích quyết tâm "đỏ lửa" lại nghề gốm một cách chắc chắn nhất. Song để làm sống lại một làng nghề với chúng tôi thật không dễ dàng.


    Đình làng Phước Tích

    Tại Festival Huế năm 2006, xã Phong Hòa đã đầu tư cho làng Phước Tích phục hồi nghề gốm phục vụ cho tua du lịch "Hương xưa - làng cổ", nhưng cũng chỉ được vài mẻ. Năm 2007, UBND huyện Phong Điền tiếp tục đầu tư 300 triệu đồng và cử 2 người có kinh nghiệm ở làng Phước Tích ra làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) học cũng không thành công vì công nghệ làm gốm bằng lò ga ở Bát Tràng khác với công nghệ làm thủ công ở Phước Tích. Đầu năm 2009, Cộng đồng Pháp ngữ vùng Walomine (Bỉ) phối hợp với Viện Văn hóa - nghệ thuật Việt Nam hỗ trợ xây dựng lò nung có thể nung tới nhiệt độ 1.400-1.600oC tại Phước Tích… Với công nghệ này, nghề gốm có thể sống lại, nhưng đó sẽ là những sản phẩm gốm mới. Để làm ra những sản phẩm nhỏ, xinh với họa tiết, hoa văn, nước men độc đáo, tinh xảo dùng để trang trí những nơi sang trọng hoặc để làm sản phẩm phục vụ cho du lịch thì chúng tôi vẫn chưa khôi phục được. Khó khăn hơn, số người biết nghề gốm ở Phước Tích còn lại chưa đến 10 người.

    - Bài học nhãn tiền từ nhiều khu di tích cho thấy số di sản được bảo tồn luôn tỷ lệ nghịch với sự phát triển của hệ thống dịch vụ phục vụ du lịch. Với vai trò của mình, xin bà cho biết hướng quản lý để làng cổ Phước Tích vừa được bảo tồn, vừa được phát huy?

    - Khi đã được công nhận là di tích, làng Phước Tích được phân vùng bảo vệ rất rõ ràng. Do đó, việc quản lý trước hết phải tuân theo Luật Di sản Văn hóa. Mặt khác, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang củng cố nhân sự để thành lập Ban Bảo vệ và phát triển làng cổ Phước Tích; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu được ý nghĩa lịch sử của làng nhằm nâng cao ý thức bảo tồn di sản trong mỗi người dân. Tới đây, Phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở VH-TT&DL tỉnh) sẽ phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Trường Đại học Nữ Showa (Nhật Bản) tiến hành khảo cứu để có thể đưa ra phương án bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Phước Tích một cách phù hợp và hiệu quả nhất. Nhưng dù làm gì chúng tôi cũng sẽ coi trọng yếu tố gốc của di sản và bảo vệ, giữ gìn chúng một cách tối đa, từng bước đưa Phước Tích trở thành điểm du lịch về nguồn hấp dẫn của du khách trong hành trình đến Huế.

    Sống trên đời

    Similar Threads
  • #2



    Xưa, xanh Phước Tích

    Hồ Đăng Thanh Ngọc

    Có một ngôi làng nằm ven sông Ô Lâu mang trong mình những vỉa tầng văn hóa rất đáng ngạc nhiên. Ở đó có cây thị ngàn năm, có những chòm xóm toàn nhà rường trên trăm năm tuổi nằm lẩn khuất trong những vườn hoa trái, tạo nên diện mạo làng quê rất đặc trưng. Tôi đã về ngôi làng ấy, nghe những người già kể chuyện của làng dưới những tán cây im mát trong vườn...

    Ngôi làng đó là làng Phước Tích, thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền. Ông Hồ Văn Tế, một người đàn ông trung niên của làng, giải thích; Phước Tích là tụ phước lại cho con cháu đời sau... Rất ít làng còn giữ được gốc tích rõ ràng như Phước Tích. Ngược dòng lịch sử, căn cứ vào gia phổ các hộ, có thể khẳng định làng được thành lập năm 1470, nổi tiếng với nghề làm gốm từng được các vương triều đặt làm các đồng dùng ngự thiện.




    Những ngôi nhà khuất trong cây

    Đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi tôi đi dưới những tán cây vườn im mát của làng, để khám phá từ nhà này sang nhà khác những vỉa tầng văn hóa mà làng chứa. Một trong những đặc trưng của làng cổ Phước Tích là nhà rường. Nhà rường được dựng san sát nhau thành những chòm xóm rất đặc trưng.

    Theo dân làng kể, ngày xưa nhà rường rất nhiều, người dân ở đây to nhỏ gì cũng đều làm nhà rường, hoặc ba gian hai chái hoặc nhà vuông. Qua thời gian, một số ngôi nhà bị giặc Pháp đốt thời chiến tranh, một số ngôi nhà mục nát, chủ nhân không có điều kiện bảo quản đã phải bán đi phần gỗ để tu sửa lại bằng bê tông, cốt thép. Anh Lương Lê Vĩnh Long, Trưởng thôn rất trẻ, 36 tuổi, cho biết: Phước Tích còn chừng 30 ngôi nhà rường, có diện tích từ 70-130m2, có tuổi từ 70 đến 130 năm. Anh Hồ Tấn Minh, công an thôn, nhớ lại: "Ông nội tôi kể ngày xưa mỗi lần làm nhà rường, phải kiếm tre la ngà thật nhiều để làm rạp che. Có những cái nhà làm mất hàng tháng trời, có khi cả năm".

    Theo khảo sát bước đầu của Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong cuối tháng 5/2003, làng hiện có 27 ngôi nhà rường còn khá nguyên vẹn. Trong đó có 12 nhà rường thuộc loại có giá trị đặc biệt (loại 1), 11 nhà có giá trị (loại 2) và 4 nhà ít giá trị (loại 3). Không như các nơi, như ở Kim Long, Vĩ Dạ (Huế) hay Phú Thượng (Phú Vang), nhà rường thưa thớt. Ở Phước Tích nhà rường nằm san sát nhau, chỉ cách nhau khu vườn rộng rãi với những hàng gia tàu xanh ngắt. Chỉ riêng một xóm Đình dài khoảng 200m, đã có đến 10 cái nhà rường, trong đó nhà ông Lương Thanh Thu "trẻ" nhất cũng đã 100 năm tuổi. Xóm Đình có nhà rường lâu đời nhất làng là nhà Hồ Thị Thanh Nga đang ở, tuổi nhà lên đến 180 năm. Những ngôi nhà rường ở làng này đều có vi kèo hoa văn tinh tế. Nét cổ kính của những ngôi nhà cổ ấy, tất cả đều nằm dưới những tán cây cây xanh, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên cổ tích lạ kỳ.

    Một điểm không thể không nhắc đến là có khá nhiều đình, chùa, miếu nằm rải rác trong làng. Có nhiều miếu cổ của Chăm Pa vẫn còn được dân làng tiếp tục thờ phượng.





    Câu chuyện của cỏ cây

    Một trong những giá trị của nhà vườn xứ Huế là những khu vườn rộng, với hoa trái quanh năm. Xem ra, những khu vườn ở Phước Tích cũng không kém cạnh gì, thậm chí, tuổi đời của các khu vườn này còn vượt xa. Đỉnh cao của tuổi đời các loài cây Phước Tích phải nhắc đến cây thị ngàn năm. Nó có chu vi đến bốn, năm sải tay người lớn. Người dân làng Phước Tích cho biết, từ khi lập làng, cây thị này đã có và cũng đã cao lớn lắm rồi.

    Rất nhiều cây ăn trái được người dân Phước Tích ưa trồng, bên cạnh các loại cây thông thường là các loại cây như bồ quân, trần bì, cây bẹ (dùng để ăn trầu)... Những chủ vườn sống chủ yếu nhờ hoa lợi quanh năm, song cây cho thu nhập chính lại là cây vả, loại cây được trồng nhiều ở đây.



    Có một điều thú vị là trong các nhà vườn ở Phước Tích, trước mỗi ngôi nhà đều có sân rộng và trong sân được trồng kiểng như vạn tuế, lan, kim đồng...Song hoa ở Phước Tích cũng có nhiều cái lạ, tôi đã gặp ở đây những loài rất hiếm thấy ở Huế như hoàng lan, ngọc lan, hàm tiếụ..Những loài hoa ấy nở một cách đài trang, quý phái, thanh sạch như chính phong cách, bản lĩnh văn hóa của người làng. Những cái màu xanh đặc trưng của làng Phước Tích lại là những hàng gia tàu được trồng rất kỹ lưỡng, cứ xanh mướt bên những lối đi vào xóm, vào nhà, làm cho những ranh giới giữa vườn nhà, nhà khác trở nên đầm ấm theo đúng cái nghĩa chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau, không có cảm giác quá gay gắt như tường rào bê tông ở góc phố.

    Điểm xuyết cho thực thể không gian xanh của Phước Tích là cái hồ sen rộng. Người dân làng vẫn còn truyền tụng truyền thuyết ngày xưa có một thầy phong thủy đi qua làng nhìn thấy hồ sen có hình dáng ngọn bút, nghiêng mực đã phán rằng làm đúng là đất học, thời nào cũng có người đỗ đạt, thành danh....

    Người Phước Tích

    Truyền thuyết ấy quả nhiên đúng với làng. Tiền nhân đã làm giàu cho làng từ nghề gốm truyền thống. Cùng với sự giàu có ấy, con cháu trong làng được các bậc cha mẹ chú trọng chuyện học hành nên có nhiều người được học hành đến nơi, đến chốn, đỗ đạt cao, nhiều người được cất nhắc vào các vị trí cao trong xã hôi. Không biết trên đất nước Việt Nam có bao nhiều làng xây dựng đền thờ Khổng Tử như làng Phước Tích? Nhưng cái đền thờ ấy là bằng chứng hiển nhiên cho truyền thống hiếu học của làng.

    Cũng rất lạ, ở làng ấy, sự học không hề phân biệt con trai hay con gái. Người xưa muốn cho con cái học hành thì thuê thầy đồ về dạy tại nhà. Về sau các bậc cha mẹ cho con cái theo học các trường danh tiếng như Hai Bà Trưng, Quốc Học ở Huế...Vậy nên lúc ban đầu tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy những người phụ nữ có tuổi ở đây không hề có ai mù chữ, đọc sách báo là một trong những nét sinh hoạt thường ngày của họ. Tôi đã gặp trong ráng chiều những mệ già ngồi dưới hiên nhà xem những tờ báo tôi đem về từ Huế.

    Học vấn là môi trường hoa trái vây quanh, sự yên tĩnh thanh sạch và đẩy cổ kính đã làm cho phong thái người Phước Tích trở nên thanh nhã kỳ lạ. Cộng đồng dân cư ở đây còn gìn giữ những nền nếp gia phong, họ luôn ôn hòa, cởi mở với người ngoài. Trong mắt tôi, người Phước Tích đã tạo được cho mình một phong cách sống cực kỳ đặc biệt, đó là biết ứng xử một cách đầy nhân văn trước cây cỏ và người.





    Những bộ sưu tập xưa và xanh

    Về Phước Tích sẽ gặp nhiều bộ sưu tập kỳ thú. Đó là bộ sưu tập hàng chục ngôi nhà rường, bộ sưu tập về những đình, chùa, miếu, mạo cổ xưa, bộ sưu tập về những vật dụng cổ...đặc biệt thú vị là bộ sưu tập (nếu có thể gọi như thế) về những ứng xử nhân văn của dân làng. Tôi đã từng rợn người khi nhìn thấy những bình vôi, hủ đựng muối, những chiếc mâm gỗ, những vật dụng gia đình do chính dân làng sản xuất và sử dụng truyền đời có tuổi 150-200 năm.

    [COLOR=darkgreen]Làng còn nguyên một cái cồn Trèng quy tập những mảnh gốm vỡ trong quá trình sản xuất, sử dụng đồ gốm của dân làng. Làng cũng còn dấu tích một lò nung gốm xưa và phế tích của một lò gốm trước khi nghề này tàn lụi hẳn ở làng này. Người dân làng hiện vẫn còn nhiều người biết làm đồ gốm, song những người yêu nghề thì đã già, những người trẻ thì họ đã đi xa lập nghiệp. Những người già ở lại, họ sống và gìn giữ tất cả những gì có thể gìn giữ được cho con cháu sau này bằng bản lĩnh văn hóa của họ. Có lẽ chính vì vậy mà những gì quý giá nhất, tinh túy nhất của làng vẫn còn đang tồn tại, rất nguyên sơ...

    [url="http://www.suutap.com/hue/default.asp?id=573&muc=10"]Just a moment...

    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 25-07-2010, 10:00 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    Working...
    X
    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom