• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Già sao cho... sướng -B.s Đỗ Hồng Ngọc

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Già sao cho... sướng -B.s Đỗ Hồng Ngọc

    Già sao cho... sướng
    B.s Đỗ Hồng Ngọc


    Già thì khổ, ai cũng biết. Sanh bệnh lão tử! Nhưng già vẫn có thể sướng. Muốn sống lâu thì phải già chớ sao! Già có cái đẹp của già. Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái giú ép.

    Cái sướng đầu tiên của già là biết mình… già, thấy mình già, như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây. Nhiều người chối từ già, chối từ cái sự thật đó và tìm cách giấu cái già đi, như trái chín cây ửng đỏ, mềm mại, thơm tho mà ráng căng cứng, xanh lè thì coi hổng được.

    Mỗi ngày nhìn vào gương, người già có thể phát hiện những vẻ đẹp bất ngờ như những nếp nhăn mới xòe trên khóe mắt, bên vành môi, những món tóc lén lút bạc chỗ này chỗ nọ, cứng đơ, xơ xác… mà không khỏi tức cười! Quan sát nhìn ngắm mình như vậy, ta mới hiểu hai chữ “xồng xộc” của Hồ Xuân Hương:

    “Chơi xuân kẻo hết xuân đi.
    Cái già xồng xộc nó thì theo sau!” .

    Có lẽ nữ sĩ lúc đó mới vào lứa tuổi 40! Thời ta bây giờ, 40 tuổi lại là tuổi đẹp nhất. Phải đợi đến 80 mới gọi là hơi già. Trong tương lai, khi người ta sống đến 160 tuổi thì 80 lại là tuổi đẹp nhất!

    Tuy vậy, thực tế, già thì khó mà sướng. Con người ta có cái khuynh hướng dễ thấy khổ hơn. Khổ dễ nhận ra còn sướng thì khó biết! Một người luôn thấy mình… sướng thì không khéo người ta nghi ngờ hắn có vấn đề… tâm thần! Nói chung, người già có ba nỗi khổ thường gặp nhất, nếu giải quyết được sẽ giúp họ sống “trăm năm hạnh phúc”:

    * Một là thiếu bạn!

    Nhìn qua nhìn lại, bạn cũ rơi rụng dần… Thiếu bạn, dễ hụt hẫng, cô đơn và dĩ nhiên… cô độc. Từ đó dễ thấy mình bị bỏ rơi, thấy không ai hiểu mình! Quay quắt, căng thẳng, tủi thân. Lúc nào cũng đang như

    “Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt
    Ta nằm dài nghe ngày tháng dần qua…!”.

    Người già chỉ sảng khoái khi được rôm rả với ai đó, nhất là những ai “cùng một lứa bên trời lận đận”… Gặp đựơc bạn tâm giao thì quả là một liều thuốc bổ mà không bác sĩ nào có thể biên toa cho họ mua được!

    Để giải quyết chuyện này, ở một số nước tiên tiến, người ta mở các phòng tư vấn, giới thiệu cho những người già cùng sở thích, cùng tánh khí, có dịp làm quen với nhau. Người già tự giới thiệu mình và nêu “tiêu chuẩn” người bạn mình muốn làm quen. Nhà tư vấn sẽ “matching” để tìm ra kết quả và làm… môi giới…Dĩ nhiên môi giới cho họ kết bạn. Còn sau này họ thấy tâm đầu ý hợp tiến tới hôn nhân (nếu còn độc thân) thì họ ráng chịu! Đó là chuyện riêng của họ. Ngày trước, Uy viễn tướng công mà còn phải than:

    Tao ở nhà tao tao nhớ mi
    Nhớ mi nên phải bước chân đi
    Không đi mi bảo rằng không đến
    Đến thì mi hỏi đến làm chi
    Làm chi tao có làm chi đựơc
    Làm được tao làm đã lắm khi…
    Nguyễn Công Trứ

    Rồi họ dạy người già học vi tính để có thể “chat”, “meo” với nhau chia sẻ tâm tình, giải tỏa stress…






    Thỉnh thoảng tổ chức cho các cụ họp mặt đâu đó để được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, dòm ngó, khen ngợi hoặc… chê bai lẫn nhau. Khen ngợi chê bai gì đều có lợi cho sức khỏe! Có dịp tương tác, có dịp cãi nhau là sướng rồi. Các tế bào não sẽ đựơc kích thích, đựơc hoạt hóa, sẽ tiết ra nhiều kích thích tố. Tuyến thượng thận sẽ hăng lên, làm việc năng nổ, tạo ra cortisol và epinephrine làm cho máu huyết lưu thông, hơi thở trở nên sảng khóai, rồi tuyến sinh dục tạo ra DHEA (dehydroepiandosterone), một kích thích tố làm cho người ta trẻ lại, trẻ không ngờ!…Dĩ nhiên phải chọn một nơi có không khí trong lành. Hoa cỏ thiên nhiên. Thức ăn theo yêu cầu. Gợi nhớ những kỷ niệm xưa… Rồi dạy các cụ vẽ tranh, làm thơ, nắn tượng… Tổ chức triển lãm cho các cụ. Rồi trình diễn văn nghệ cây nhà lá vườn. Các cụ dư sức viết kịch bản và đạo diễn. Coi văn nghệ không sướng bằng làm … văn nghệ!

    * Cái thiếu thứ hai là thiếu… ăn !

    Thực vậy. Ăn không phải là tọng là nuốt là xực là ngấu nghiến …cho nhiều thức ăn! Ăn không phải là nhồi nhét cho đầy bao tử! Trong cuộc sống hằng ngày có nhiều thứ nuốt không trôi lắm! Chẳng hạn ăn trong nỗi sợ hãi, lo âu, bực tức; ăn trong nỗi chờ đợi, giận hờn thì nuốt sao trôi? Nuốt là một phản xạ đặc biệt của thực quản dưới sự điều khiển của hệ thần kinh. Một người trồng chuối ngược vẫn có thể nuốt được dễ dàng! Nhưng khi buồn lo thì phản xạ nuốt bị cắt đứt!

    Nhưng các cụ thiếu ăn, thiếu năng lựơng phần lớn là do sợ bệnh, kiêng khem quá đáng. Bác sĩ lại hay hù, làm cho họ sợ thêm! Nói chung, chuyện ăn uống nên nghe theo mệnh lệnh của… bao tử:

    Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
    Cơ tắc xan hề khốn tắc miên…”
    (Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
    Đói đến thì ăn mệt ngủ liền…)
    Trần Nhân Tông

    “Listen to your body”. Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình! Cơ thể nói… thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó, thiếu cái đó! Nhưng nhớ ăn là chuyện của văn hóa ! Chuyện của ngàn năm, đâu phải một ngày một buổi. Món ăn gắn với kỷ niệm, gắn với thói quen, gắn với mùi vị từ thuở còn thơ! Người già có thể thích những món ăn…kỳ cục, không sao. Đừng ép! Miễn đủ bốn nhóm: bột, đạm, dầu, rau…Mắm nêm, mắm ruốc, mắm sặc, mắm bồ hóc, tương chao… đều tốt cả. Miễn đừng quá mặn, quá ngọt…là được. Cách ăn cũng vậy. Hãy để các cụ tự do tự tại đến mức có thể đựơc. Đừng ép ăn, đừng đút ăn, đừng làm “hư” các cụ!

    Cũng cần có sự hào hứng, sảng khoái, vui vẻ trong bữa ăn. Con cháu hiếu thảo phải biết … giành ăn với các cụ. Men tiêu hoá được tiết ra từ tâm hồn chớ không chỉ từ bao tử.

    * Cái thiếu thứ ba là thiếu vận động !

    Già thì hai chân trở nên nặng nề, như mọc dài ra, biểu không chịu nghe lời ta nữa! Các khớp cứng lại, sưng lên, xương thì mỏng ra, dòn tan, dễ vỡ, dễ gãy…! Ấy cũng bởi cả một thời trai trẻ đã “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…” (TCS)!

    Bác sĩ thường khuyên vận động mà không hướng dẫn kỹ dễ làm các cụ ráng quá sức chịu đựng, lâm bệnh thêm. Phải làm sao cho nhẹ nhàng mà hiệu quả, phù hợp với tuổi tác, với sức khỏe. Phải từ từ và đều đều. Ngày xưa người ta săn bắn, hái lượm, đánh cá, làm ruộng, làm rẫy… lao động suốt ngày. Bây giờ chỉ ngồi quanh quẩn trước TV!. Có một nguyên tắc “Use it or lose it!” . Cái gì không xài thì teo! Thời đại bây giờ người ta xài cái đầu nhiều quá, nên “đầu thì to mà đít thì teo”. Thật đáng tiếc!

    Không cần đi đâu xa. Có thể tập trong nhà. Nếu nhà có cầu thang thì đi cầu thang ngày mươi bận rất tốt. Đi vòng vòng trong phòng cũng được. Đừng có ráng lập “thành tích” làm gì! Tập cho mình thôi.. Từ từ và đều đều… Đến lúc nào thấy ghiền, bỏ tập một buổi … chịu hổng nổi là được!

    Nguyên tắc chung là kết hợp hơi thở với vận động. Chậm rãi, nhịp nhàng. Lạy Phật cũng phải đúng …kỹ thuật để khỏi đau lưng, vẹo cột sống. Đúng kỹ thuật là giữ tư thế và kết hợp với hơi thở. Đó cũng chính là thiền, là yoga, dưỡng sinh… ! Vận động thể lực đúng cách thì già sẽ chậm lại. Giảm trầm cảm, buồn lo. Phấn chấn, tự tin. Dễ ăn, dễ ngủ…

    Tóm lại, giải quyết đựơc “ba cái lăng nhăng” đó thì có thể già mà… sướng vậy


    [U][SIZE=3][COLOR=#0000ff][url="http://www.dohongngoc.com/web/"][B]"]Không tìm thấy trang này
    Đã chỉnh sửa bởi GRANDET; 31-10-2011, 11:40 PM.
    Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......
    Similar Threads
  • #2

    Gió heo may đã về ...


    không hẹn mà đến
    không chờ mà đi
    bốn mùa thay lá thay hoa
    thay mãi đời ta ….
    (TCS)

    Một sớm mai thức dậy, người uể oải, nặng nhọc, bước vào phòng tắm , nhìn vào gương soi , ngỡ ngàng như vừa gặp một người quen mà Nhưng không nhớ là ai, nhìn tới nhìn lui một lúc mới nhận ra chính là ta đó .

    Ta mà như không ta . Ta bỡ ngỡ như ở cái tuổi mới lớn năm nào , chợt cao lên , chợt lớn lên và lạ lẫm với chính mình, chân tay lọng cọng như thừa như thiếu, mà mày thanh mắt sáng , mà muốn làm nghiêm cũng thấy như tủm tỉm cười; còn giờ đây , cũng bỡ ngỡ lạ lẫm với chính mình mà thử nhích khóe môi tìm lại nụ cười chợt thấy khó khăn .

    Niềm vui thì vẫn vậy sao mắt môi như trĩu nặng. Một nếp xếp đã đậm theo vòng cung khóe miệng , những dấu chân chim đã hằn trên khóe mắt . Và kia, một vài nhánh tóc đã nhạt phai , khô quắt, mỏng tanh. Bỗng dưng thèm vẽ lại tức khắc khuôn mặt xa lạ mà thân quen kia trước khi tắm táp, để rồi mày râu nhẵn nhụi lao vào công sở hay đến giảng đường , xí nghiệp, công ty ….

    Rồi ngắm nghía mình , nghĩ ngợi mình, rình rập mình, mới hay, đã khá lâu rồi không còn dõi theo ta nữa, đã lâu rồi phải lao vào bao nỗi lo toan , đã lãng quên cả chính mình. Đã lâu rồi như không thấy có thời gian, không chờ lễ hội , dửng dưng với những tờ lịch rụng rơi, nặng trĩu kế hoạch , những lịch công tác, vùi đầu vào những lôi kéo bộn bề . Chợt nhớ ra đã có lúc nào kia, phải chú ý lắng tai hơn nữa để nghe người nói, có khi phải hử hả đôi lần . Có cái gì ở tai ta vậỷ

    Rồi một lần kia , cầm tờ báo thân quen lên đọc bỗng cứ thấy phải đẩy dần tờ báo ra xa , xa chút nữa, rồi chỉ đọc được những cái tựa , những dòng to . Thôi thì đành phải mua cái kính lão . Có kính lão rồi cũng nhất định chưa lão , bất đắc dĩ lắm mới phải đeo lên, cho đến một hôm rồi đành mua thêm sợi dây toòng teng vì kiếm kính hoài thật vất vả .

    Rồi có lúc chợt quên mất tên một người quen, quá quen . Quên cái tên thơi còn thì nhớ tất cả . Khi cần nhớ thì quên mà khi cần quên thì nhớ . Nhớ rất kỹ những chuyện xưa cũ . Lạ lùng chưa! Có lúc nhấc điện thoại lên , gọi cho ai đó , định nói điều gì đó thì quên tuốt, đành xin lỗi , nhầm số . Không lẽ hỏi người đầu dây bên kia, xin vui lòng cho biết tôi đang định nói gì với bạn đó vậy ? Tính tình cũng đâm ra cáu gắt . Chuyện không đáng gì sao cũng quạu . Lại trách cứ . Lại giận hờn . Lại ngờ vực . Lúc nào cũng nói tôi già rồi tôi già rồi như để được nghe mọi người nói không chưa già, vẫn trẻ .

    Rồi những ông bà già ngày nào thấy sao mà họ già khụ , già quá cỡ kia bỗng dưng như trẻ lại , ấy là lúc ta đã già kịp với họ , đã vào cái lứa của họ mà lâu nay vẫn cứ ráng như còn ở lứa tuổi nhỏ hơn . Có lúc đã giâu bơt’ tuổi đi . thì bây giờ lại muốn nâng lên . Ở phụ nữ thì không muốn ai hỏi tuổi nữa . Phụ nữ dĩ nhiên có vẻ như chậm già hơn khi trang điểm tí chút , vẫn giấu được nếp nhăn chìm khuất .

    Nhưng khi một mình thức dậy, đứng trước gương soi , cũng sẽ nhận ra chút ngỡ ngàng xa lạ thân quen . Tất cả những “triệu chứng “ kỳ cục đó là đặc trưng của tuổi chớm già, đang già, mới già . Và ơi cái tiếng Việt phong phú của mình còn đẻ ra nhiều thứ già khác như già nua , già cả , già xụ , già háp, già khú đế , già …. dịch .

    Che giấu nó, trốn chạy nó, dối gạt chính mình hay chấp nhận nó , mĩm cười với nó, điều chỉnh mình …. là tuỳ mỗi chúng ta, tùy mỗi cá tính và tùy mỗi nền văn hóạ Nơi người ta tôn trọng ngươì già, người ta hãnh diện vì già , muốn mau già . Nơi người ta tôn trọng tuổi trẻ, hất hủi tuổi già thì người ta có khuynh hướng trốn chạy xua đuổi tuổi già . Nhưng dù muốn hay không muốn , tuổi gì cũng cứ đến , lù lù đến, xồng xộc đến .

    Trước đây không lâu, dưới thời Pháp thuộc thôi, tuổi thọ bình quân của người VN không quá bốn mươi, và do đó, vấn đề tuổi già, tuổi sắp già đã không cần đặt ra . Vả lại ở một nền văn hóa phong kiến, lúa nước, vị trí của các lứa tuổi đã được định sẵn, không có xáo trộn gì nhiều, nên an phận thủ thường thật dễ dàng cho tất cả mọi người .

    Ngày nay tuổi thọ của người VN đã tăng đáng kể, nam sáu mươi ba,
    nữ sáu mươi bảy và còn có thể tăng nhanh trong thời gian tới, kèm với kế hoạch dân số , sinh suất sẽ giảm, tháp tuổi sẽ ngày một phình to phía trên, và người già sẽ ngày càng đông trong xã hội, đặt ra những vấn đề mớị

    Hiện nay, tỷ lệ người già trên sáu mươi ở nước ta đã vào khoảng gần 10 phần trăm dân số và những người sống ngoài 80 không còn là hiếm. Bùng nổ thông tin, đô thị hóa, di dân , và những đổi thay nàỵ Người ta đã có thể thỉnh thỏang vào ra mỹ viện, chẻ cái cằm, độn cái ngực, lóc cục mỡ bụng, bơm xóa nếp nhăn, tiêm kích thích tố , rồi mỹ phẩm, rồi trang sức, rồi quần áo muôn màu muôn vẻ, người ta có thể dễ dàng đánh lừa mình, đã có thể chọn lựa già hay không già , to be or not to be vậỵ

    BS. Đỗ Hồng Ngọc
    Đã chỉnh sửa bởi GRANDET; 01-11-2011, 12:01 AM.
    Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

    Comment

    • #3


      Áo xưa dù nhàu …

      Viết thêm của Trịnh Công Sơn



      Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn


      “Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”. Đó là lời trong bài hát Hạ Trắng của tôi. Bạc đầu có phải đã chớm già không.

      Theo tôi, bạn Đỗ Hồng Ngọc ạ, đó chỉ là thay đổi một màu tóc. Trời đất có bốn mùa. Con người cũng có những mùa riêng của nó. Hết mùa Đông, thiên nhiên trở lại mùa Xuân. Tôi cũng nghĩ như thế, con người có trái tim biết chìu chuộng và yêu thương cuộc đời cũng sẽ có lại những mùa xuân. Mùa Xuân là bất tận đối với thiên nhiên và của cả nhân loại. Đừng bao giờ ngại ngùng nói với đời riêng chung là tôi còn rất trẻ. Sống trong cùng thời đại, có cùng một ngôn ngữ, một phong tục tập quán, theo tôi, nói với một người trẻ, tôi già rồi em ạ là một điều vô lễ.

      Hãy mạnh dạn nói rằng: Tôi với em là hai kẻ đồng hành trong cuộc đời này. Sống trong cùng thơì đại, tôi nghĩ rằng, không có già không có trẻ. Nếu không thì làm sao cảm thông nhau được. Tất cả mọi người là bạn dù đó là con của bạn đi nữa. Nếu cuộc đời này ai cũng nghĩ rằng mọi ngưòi đều là bạn của nhau chắc là cuộc sống sẽ thêm da thêm thịt đẹp đẽ biết bao nhiêu. Đây có thể chỉ là giấc mơ riêng của tôi nhưng trong đời sống tôi đã nhiều lần thấy giấc mơ ấy có thực.

      Cái biên giới giữa tuổi chớm già và tuổi trẻ chỉ là một ước lệ mà nghìn năm trước đã bịa ra. Cái khuôn phép ấy đã làm cho thế hệ này và thế hệ kia có những ngăn cách không cần thiết và từ đó đã làm cho cuộc đời buồn tẻ hẳn đi. Tôi cho rằng cách xử thế như vậy là thiếu lòng nhân ái. Có những thứ tôn ti trật tự cần giữ gìn nhưng cũng có những thứ tôn ti cần xoá bỏ. Xoá bỏ để cuộc đời trở nên thân ái hơn. Yêu thương nhau ai mà không mơ ước. Tóc trắng tóc xanh đáo cùng cũng chỉ một màu hư vô mây nước trong trời đất mà thôi.

      Trịnh Công Sơn

      Gió Heo May Đã Về- Đỗ Hồng Ngọc, 1997
      Đã chỉnh sửa bởi GRANDET; 01-11-2011, 12:00 AM.
      Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

      Comment

      • #4

        Như sông vào biển





        Trời ạ! Cuộc cãi nhau này làm sao cho cùng? Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói không, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói có, nói chớm.

        Ở phương diện y học, tôi đương nhiên tin bác sĩ, nhưng Đỗ Hồng Ngọc đâu chỉ đơn thuần là bác sĩ, anh còn làm thơ từ hồi còn là sinh viên, đã có tác phẩm xuất bản hẳn hoi với bút danh Đỗ Nghê (họ cha, họ mẹ ghép lại): Tình Người (1967), Thơ Đỗ Nghê (1973), rồi Giữa hoàng hôn xưa (1993), Vòng Quanh 1997)…. Chàng sinh viên mà học giả Nguyễn Hiến Lê thường nhắc tên trong hồi ký của ông. Rồi gần đây là Đỗ Hồng Ngọc tên thật trên trang thơ Tuổi Trẻ Chủ Nhật 1994 với những bài “haiku” rất hay viết từ Boston, Mỹ.

        Lại không chỉ thơ, trang thơ ấy đựơc minh họa bằng chính những ký họa bút dạ về một góc Chinatown, một góc điện Capitol với mùa thu vàng, ghế đá công viên. Nghĩa là ông bác sĩ ấy cũng rất chi nghệ sĩ. Vậy, ở phương diện nghệ sĩ, Trịnh Công Sơn lại nói đúng? Không có tuổi già!

        Tôi đâm… hoài nghi tìm hỏi Đỗ Hồng Ngọc về cái “hoàn cảnh” gì đã giúp anh viết một cuốn sách y học lại bằng văn phong của văn học, nhẹ nhàng, trầm tư và tất cả đều lấy tựa lẫn tiêu đề bằng lời ca khúc Trịnh Công Sơn. “Có! Có tuổi chớm già đấy! Một sớm nọ khi thức dậy, nhìn vào gương soi tôi suýt nữa không … nhận ra mình. Ai đó ở trong gương với vết chân chim trên khóe mắt,.vết rạn trên khóe miệng… Tôi lấy vội giấy bút vẽ lại gương mặt ấy, tôi nghĩ về cái chớm cho tôi và những người khác…”. Đỗ Hồng Ngọc nói vậy. Và, cả Đỗ Hồng Ngọc bác sĩ lẫn Đỗ Hồng Ngọc nhà thơ cùng ngồi vào bàn- đồng tác giả.

        Viết về tâm sinh lý, chuyên môn y học bằng giọng văn tâm tình, “ướt át” như thế quả là hiếm gặp trong sách y khoa giáo dục.
        Một ngày của bác sĩ Ngọc thật không còn chỗ thở: hội họp, giảng dạy, hướng dẫn chuyên môn, khám bệnh ngoài giờ cho trẻ con. Anh là bạn thân của lứa tuổi Mực tím (Phòng mạch Mực Tím) , là “ông ngọai” của những đứa nhỏ đang ốm sốt trong tay người mẹ trẻ. Việc viết lách, viết sách , làm thơ khi trời hửng sáng, dậy sớm, ngồi vào bàn computer gõ, đề đó, khi nào rảnh mới xem lại, sửa chữa, sắp xếp. Sức làm việc thật dữ dội và tất nhiên cũng phải… chớm già thôi!

        Anh đâu có sợ tuổi già, đâu có cố gắng chống chọi với thời gian. Anh.đã và đang tự điều chỉnh mình, hiểu đạo sống thuận thiên, thấm cái tư tưỏng nhập thế, xuất thế Á Đông. Vị bác sĩ, thi sĩ ấy vẫn vui vẻ “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” để hòa nhập vào biển đời rộng lớn. Dù một chiều chợt thấy “ngồi ôm tóc dài, chập chờn lau trắng trong tay…”.

        Đỗ Trung Quân và “Gió heo may đã về”
        Đã chỉnh sửa bởi GRANDET; 31-10-2011, 11:58 PM.
        Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

        Comment

        • #5

          Tuổi đẹp nhất

          Tuổi đẹp nhất



          Nếu có ai hỏi tôi tuổi nào là tuổi đẹp nhất của người phụ nữ thì tôi bảo đó là tuổi bốn mươi. Tại sao ư? Bởi nó như một thứ trái cây chín tới mà chưa đủ muồi. Nó hườm hườm, chưa gọi là chín được mà cũng chẳng còn xanh nữa! Cho nên nó vẫn còn căng cứng, còn mơn mỡn, mướt rượt chớ không xanh xao, ẻo lả, và dĩ nhiên nó cũng chưa mềm èo, mềm rục. Nó chuyển như mùa, như trời đất vào thu. Nó vàng mơ. Vàng ươm. Nó rạo rực.Nó thổn thức. Và nó tươm mật. Nghề nghiệp đã vững chãi. Kinh nghiệm đã no nê. Khó mà lường gạt nó trừ phi nó cố tình để cho …lường gạt. Nghề nghiệp chín rộ, chín tới nên nó tự tin, tự tin ở chính mình, và từ đó, dẫn đến tự tại. Cái inner freedom đó làm cho nó vừa đủ kiêu hãnh mà cũng vừa đủ nhún nhường, vừa đủ khoan dung mà cũng vừa đủ cứng rắn, với mình, với người. Cho nên nó hấp dẫn. Về tình yêu nó là tuổi của dâng hiến. Cũng là tuổi của nề nếp. Hết mình cho tình yêu. Chung và riêng. Nó bớt đắn đo, nó không toan tính. Như đã vượt ra, vượt qua, vượt lên
          một đời lận đận đo rồi đếm/
          mỏi gối người đi đứng lại ngồi (Bùi Giáng).
          Bây giờ nó đứng nó ngồi đã thong dong. Tình yêu không như tình đầu mà như tình cuối, lúc nào cũng tình cuối!


          Ở phụ nữ bốn mươi, vẻ gợi cảm kín đáo. Không lộ liễu mà mời mọc. Con cái cũng vừa lên mười, mười hai. Tuổi đủ mệt để chăm lo. Họ quên quá khứ. Quên cả hiện tại. Phải đợi thêm vài chục năm nữa, quá khứ mới ùa về và hiện tại mới phủ tràn đời sống của họ. Cái tuổi đẹp nhất đó không phù du. Nó kéo dài từ khoảng 40 đến 60 ở phụ nữ. Cũng có người gọi là hoàng hôn, nghĩ là hoàng hôn:
          Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng!(ND).
          Nhưng không! Bởi hoàng hôn ở nơi này lại là bình minh ở nơi kia!
          Bạn bè, đó là niềm say mê lớn. Là ưu tiên một! Họ thường quây quần bên nhau, sống cho nhau, sống vì nhau, nghĩ đến nhau. Họ có cái lứa của nhau. Đám nhỏ cũng bắt đầu có cái lứa của đám nhỏ và người có tuổi trong gia đình cũng lại có cái lứa của mình. Nhưng cái lứa của họ hình như đắm đuối hơn, gần gũi hơn, sôi động hơn. Họ dễ bắt chước nhau, dễ thành mốt này mốt nọ. Áo áo quần quần giày giày dép dép… Và mọi người nhìn họ thấy như Trịnh Công Sơn:
          lòng chợt từ bi bất ngờ!

          Suy tưởng ở tuổi này cũng đã chín, đã chắc. Nhìn cuộc đời đã rõ một kiếp nhân sinh. Có những người không đủ bản lĩnh, hốt hoảng, chèo kéo thời gian. Nâng chỗ này, lấp chỗ nọ, bơm chỗ kia. Lýnh quýnh tội nghiệp. Họ ráng tìm cách đắp lên người những phù phiếm xa hoa lớp này lớp khác như để che giấu, bù đắp nỗi muộn màng. Rồi đâu cũng vào đó. Chỉ có tê hơn thôi! Chỉ có những người thực sự tự tại, mới được thong dong, hạnh phúc. Họ ngụp lặn trong hạnh phuc của lứa tuổi, bởi tuổi nào cho ta cũng chỉ có một lần nên tuổi nào cũng là một tuổi mới toanh! Và cũng bởi họ hiểu rằng không có cái gọi là tuổi tác:
          The age is the matter of mind. If you don’t mind, it does’nt matter.
          Tuổi tác là chuyện của cái tâm, nếu đừng quan tâm, chả có vấn đề tuổi tác!

          Ngừơi tự tin, tự tại, có thể không cần chạy theo nhan sắc nọ kia bởi họ biết họ chính là nhan sắc. Họ cũng không cần chạy theo mốt này mốt khác vì bởi họ chính là mốt. Họ mặc thế nào thì đó là mốt, họ ăn thế nào thì đó là mốt. Mốt của riêng mình. Ở họ toát ra một điều gì đó làm người khác phải ngưỡng mộ. Họ khoác chiếc áo. Họ choàng chiếc khăn. Họ lượm cục đá, xỏ chỉ đeo vào cổ, thế là mốt. Họ lỡ mặc cái áo nhăn, chưa kịp ủi, thế là mốt. Họ lỡ mặc cái áo… rách, chưa kịp vá, thế là mốt. Mọi người đổ xô đi tìm đá, vò áo cho nhăn, xé áo cho rách, mài quần cho sờn để được gíống họ! Điều quan trọng, cái đẹp ở họ toát ra không phải là những thứ đó. Nó ở bên trong kìa!
          “Em ơi em đẹp vô cùng!
          Vì em có cái lạ lùng bên trong!”

          Bùi Giáng đã kêu lên như vậy! Cái lạ lùng bên trong? Đố ai biết nó là cái gì, nhưng dứt khóat nó phải là cái lạ lùng! Vâng, mỗi người chỉ một. Và nó ở bên trong, cái lạ lùng đó!

          Đỗ Hồng Ngọc
          Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

          Comment

          • #6

            Con mắt thứ ba

            Con mắt thứ ba



            Khi thấy Tu Bồ Đề và mọi người trong thính chúng có vẻ như hả hê vì đã đựơc chỉ dạy xong cách hàng phục tâm, thì Phật đã vội gọi: Lại nữa! Này Tu bồ Đề! khiến cho mọi người sực tỉnh. Lại nữa ư? Chưa xong, chưa hết ư? Còn nhiều chuyện quan trọng nữa ư? Đúng vậy, Phục thứ, Tu Bồ Đề. Bồ tát ư pháp, ưng vô sở trụ hành ư bố thí! Bồ tát ở trong pháp, đừng trụ vào đâu cả để làm việc bố thí!

            Tôi lại một phen chưng hửng! Bồ tát ở trong pháp? Pháp gì? Ưng vô sở trụ bố thí là bố thí làm sao? Tự dưng đang bàn chuyện diệt độ chúng sanh, chuyện thiền định vô ngã cao xa vời vợi bỗng nhảy đùng vào chuyện xin cho, chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện bố thí này nọ?

            Đọc kinh sách, chúng ta dễ bối rối khi thấy từ “pháp” có lúc là cách thế, là phương pháp, có lúc lại là một trong lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp! Bồ tát ở trong pháp, thì pháp đây là phương pháp, là cách thế. Có sáu cách thế giúp rèn luyện để trở thành một vị Bồ tát gọi là Lục độ: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ. Bố thí là yếu tố thứ nhất, đựơc nói đến đầu tiên ở đây! Bố thí là cửa ngõ dễ nhất – ai cũng có thể làm được- mà cũng là khó nhất, không phải ai cũng làm được!

            Với hai câu hỏi của Tu Bồ Đề “Làm cách nào để an trụ tâm? Làm cách nào để hàng phục tâm?” thì Phật đã chỉ dạy cách hàng phục trước. Hàng phục thì… dễ, dạy trước, an trụ khó, dạy sau. Rõ ràng cái tâm viên ý mã, cái tâm quậy phá, như ngựa chứng, như trâu điên sức mấy mà an trụ được nếu chưa hàng phục! Hàng phục là trị nó, là làm cho nó quy hàng, làm cho nó chịu phép, bấy giờ mới tính chuyện “an trú” nó, cho nó ra đảo hoang hay vào rừng sâu. Cũng như người ta phải bắn thuốc mê để hàng phục mấy con voi điên ở rừng Tánh Linh dạo nọ trước khi chở nó lên Darlak để tiếp tục thuần hóa nó, làm cho nó ngoan ngoãn và trở nên hữu ích ?
            Hàng phục… không khó, nhưng là bước căn bản, không có không xong! Chỉ cần giới và định là đủ. Giới và định thì hình như những người có mặt trong buổi truyền trao “gươm báu” này ai cũng đã quen thuộc, nhiều người thậm chí còn có “chức danh” này khác! Nhưng sao tâm vẫn chưa an? Vẫn thấy còn nhộn nhạo? Ấy là bởi thuốc chưa đủ mạnh, trị chưa tận gốc, cần phối hợp với một thứ thuốc đặc trị mạnh hơn, đó là Tuệ! Có giới, định mà thiếu tuệ vẫn chưa xong, bệnh vẫn còn tái phát. Hàng phục mà chưa an trụ cũng vậy!

            “Bồ tát ư pháp, ưng vô sở trụ hành ư bố thí”! Muốn an trụ tâm ư? Dễ lắm! Thì đừng có trụ vào đâu cả! “Ưng vô sở trụ” là xong hết! Đừng trụ vào đâu cả thì sẽ được an trụ? Câu nói nghe lạ, nhưng tuyệt diệu!
            Muốn an tâm ư? Thì hãy vô tâm! Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền (Trần NhânTông). Vô tâm ở đây không phải là bỏ mặc, là mặc kệ! Không phải thế. Trần Nhân Tông đã rời bỏ vương triều, đi tu trên núi Yên tử, vậy mà khi quân Nguyên sang xâm lấn nước ta, nhà sư đâu có mặc kệ, ông tức khắc xuống núi, bày mưu tính kế, góp sức đánh đuổi ngoại xâm. Cái “vô tâm’ của ông là ở chỗ đánh đuổi xong giặc thì xoa tay, về núi tu tiếp. Muốn an trụ thì vô trụ, muốn an tâm thì vô tâm. Đơn giản vậy. Lục tổ Huệ Năng chỉ nghe lóm một câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” mà ngộ, còn ta sao cứ mãi mịt mờ! Ấy là bởi ta còn ham “dính mắc”, ham tích cóp hơn là từ bỏ, buông xả, bố thí !

            Phật nói rõ hơn: vô sở trụ nghĩa là… đừng có trụ vào sắc bố thí, đừng có trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp… Tóm lại đừng có trụ vào tướng! Bất trụ tướng bố thí. Trụ là dựa, là dính, là mắc. Bố thí mà dính mà mắc, mà dựa vào “tướng”, vào hình thức thì chưa phải là bố thí đúng nghĩa! Bố thí mà còn thấy có kẻ cho người nhận, có quay TV để lăng xê tên tuổi, để hù thiên hạ, để “đầu tư” kiếm danh, kiếm lợi, kiếm phước thì chưa phải bố thí đúng nghĩa. Đúng nghĩa là bố thí…bất vụ lợi, bố thì không thấy có ta có người có vật bố thí, bố thí đựơc như vậy mới… thực là hạnh phúc. Đó là cách bố thí vô ngã, bố thí không dính mắc, không toan tính.
            Một đời lận đận đo rồi đếm/
            Mỏi gối người đi đứng lại ngồi! (Bùi Giáng).
            Cáí bố thí mà Phật dạy để có Tuệ chính là cái bố thí vượt qua, vượt ra, vượt lên, bố thí ở bờ bên kia, bờ của tuệ giác, bố thí balamật đó vậy.

            Tiếng Hán khá thú vị. Ghép chữ mộc là cây (trần) với mục là mắt (căn) thành “tướng”. Lục trần khi tiếp xúc với lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý),nhất là khi có tâm dính vào thì thành “tưởng”, tạo ra đủ thứ chuyện! Như các chàng Đào cốc lục tiên trong tiểu thuyết Kim Dung, ngớ ngớ ngẩn ngẩn, chịu sự sai khiến của người khác, lúc vầy lúc khác, lúc thông thái lúc điên rồ, tranh cãi nhau chí chóe lọan xạ suốt ngày. Người mới tu thuờng tìm đến núi cao rừng rậm cho khuất mắt, khỏi bận lòng. Họ lánh trần, ly trần (chớ không phải lìa trần) là để không sanh sự nữa. Người đắc đạo rồi thì thỏng tay vào chợ! Khi Lệnh hồ huynh đệ học được Dịch cân kinh chính truyền rồi thì không còn sợ Đào cốc lục tiên nữa, họ trở thành bạn chí cốt của nhau!

            Dò sông dò biển dễ dò. Đừng coi mặt mà bắt hình dong!Thấy vậy mà không phải vậy! Dựa vào “tướng” thì dễ vỡ mộng! Lầm chết! Phật cho một thí dụ cụ thể: Thiên hạ nói Phật có 32 tướng tốt, vậy ai có đủ 32 tướng tốt đều có thể coi là Phật chăng? Biết bao lần Đường Tăng lầm chết người như thế! Cả Trư Bát Giới, Sa Tăng cũng hì hục lạy yêu quái. Trừ lão Tôn, nhờ con mắt thứ ba, lão Tôn trợn lên một cái thì… vượt qua tướng, thấy cái thực chất, cái tánh bên trong! Hình thức không gạt đựơc lão Tôn! Phật dặn đi dặn lại: Đừng có lấy hình sắc mà tưởng Ta, đừng có lấy âm thanh mà cầu Ta… ! Thời buổi bây giờ người ta… gạt nhau hơi nhiều! Người khôn ăn bòn kẻ dại. Quảng cáo nghe bùi tai, tiếp thị thấy sướng mắt… Thỉnh thoảng cũng nên trợn con mắt thứ ba lên một cái!

            Điều cần nhớ là Phật dạy “bất trụ tướng bố thí”, “vô sở trụ hành ư bố thí” chớ không phải không bố thí. Vẫn có bố thí, vẫn còn bố thí, vẫn cần bố thí. Miếng khi đói bằng gói khi no. “Bố thí” cách thế sống hạnh phúc, không lo âu, sợ hãi, là cái mà Phật gởi gấm, tin tưởng vào các vị Bồ tát sẽ “ vị tha nhơn thuyết”, dù một chữ một câu, dù tứ cú kệ đẳng…

            Bố thí đã vậy thì các “độ” khác cũng phải vậy! “Ưng vô sở trụ hành ư bố thí” thì cũng phải ưng vô sở trụ hành ư trì giới, ưng vô sở trụ hành ư nhẫn nhục v.v… Không chỉ Bố thí đừng trụ, đừng dính mắc mà trì giới cũng đừng trụ, đừng dính mắc! Quả là không dễ! Không dễ nên mới phải tu, phải rèn, phải luyện dài lâu!

            ( trích Gươm Báu Trao Tay ).

            Đỗ Hồng Ngọc
            Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

            Comment

            • #7

              Trò chuyện với con em về giới tính






              “Nói chuyện với con em về giới tính như thế nào cho tốt?”

              là chủ đề mà Nhà giáo Đàm Lê Đức, hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng Văn hoá 218 Lý Tự Trọng, TP HCM và Ban chủ nhiệm CLB Cha mẹ học sinh của trường đã đặt ra cho bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, trong buổi nói chuyện với hơn 500 phụ huynh vào sáng Chủ Nhật ngày 26.7. 2009 vừa qua. Đây là một đề tài khá nhạy cảm và thiết yếu trong tình hình hiện nay cho lứa tuổi đang lớn, khi các bậc phụ huynh gặp không ít khó khăn trong việc truyền đạt cho con em những vấn đế liên quan đến giới tính, tình dục. Trong hơn hai tiếng đồng hồ, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, một chuyên gia của “tuổi mới lớn” đã trao đổi thân mật cùng các bậc phụ huynh của trường trong không khí chân tình, gần gũi…

              Dưới đây là một vài hình ảnh và tài liệu tham khảo của buổi nói chuyện trên.


              TRÒ CHUYỆN VỚI CON EM VỀ GIỚI TÍNH

              BS Đỗ Hồng Ngọc

              Tới tuổi nào đó tự nhiên mà người ta biết về giới tính, về tình dục. Nhưng cũng vì không ai dạy mà biết nên mới có nhiều huyền thoại đầy bí ẩn, cấm kỵ, gây tò mò, sinh chuyện. Cha mẹ dạy con đủ thứ, dạy con học ăn học nói học gói học mở nhưng chuyện rất quan trọng này, ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản, hạnh phúc tương lai của cả một đời người, thì lại giấu nhẹm, không chịu dạy! Không chịu dạy không phải vì cố tình giấu giếm mà vì dạy… không đựơc. Bởi cha mẹ cũng chưa hề đựơc dạy từ thế hệ ông bà! Nhưng rõ ràng tình hình nay đã khác xưa rôì. Xưa không dạy cũng biết nhưng không có nhiều cám dỗ, nhiều hiểm nguy rình rập như bây giờ. Bây giờ mà không dạy thì nguy! Hồi xưa, nhà nhà xài đèn dầu, có lỡ bị phỏng một chút cũng không sao. Còn bây giờ đèn điện, lớ quớ sẽ bị điện giựt! Cho nên cha mẹ có bổn phận phải dạy con thôi, không thể khoán cho nhà trường, cho xã hội được. Và, như một câu tục ngữ: Dạy con từ thuở còn thơ nên không thể trì hưỡn được. Bởi đây là vấn đề văn hóa, vấn đề giá trị, nếp nhà, về kỹ năng sống…Trẻ con bây giờ có khi còn biết rành hơn cả người lớn. Có điều biết không đúng, không đầy đủ, và đó chính là nguy cơ lớn nhất.

              Tình dục không xấu. Tình dục gắn với con người từ trong trứng nước. Thực vậy, khi thụ tinh thì đã sẵn các nhiễm sắc thể X,Y, phân định giới tính cho đứa bé dù đến 3 tháng trong bụng mẹ, thai nhi mới có đầy đủ các bộ phận sinh dục nam hay nữ! Bên cạnh đó con người còn đựơc trang bị một hệ thống các tuyến sinh dục, tạo ra các kích thích tố dành sẵn để tới tuổi nào đó thì được kích họat… nổ bùng ra! Nhiều khi cản không nổi là vậy! Cũng có trường hợp kích họat sớm quá, đâm ra bị “giú ép”, bị chai, sạn, thật là đáng tiếc. Nhất là vì không biết, vì thành kiến sai lầm mà gây hại không hay! Có người hỏi tại sao bày đặt trai gái chi cho phiền hà.

              Thực ra thì một trong những chức năng của sinh vật là phải… truyền giống., phải sinh sôi nảy nở, phải làm mới mình không ngừng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thiên nhiên chắc cũng đã thử nhiều cách rồi mới chọn cách có hai giới nam và nữ, đực và cái. Chẳng hạn có những sinh vật sinh sản bằng cách nhân đôi, tách mình ra làm hai, y hệt nhau. Lại có những sinh vật được lắp đặt cả hai bộ phận sinh dục đực và cái trên mỗi khoan của thân thể, để chẳng phải vất vả tìm kiếm đâu xa như ở một lọai ký sinh trùng.. Nhưng đó lại là những sinh vật cấp thấp. Những có lẽ thiên nhiên thử nghiệm như vậy thấy không hay lắm, nên cần phải có sự trao đổi gène di truyền giữa hai giống tách biệt nhau thì sự “đổi mới” từ thế hệ trước đến thế hệ sau mới hòan chỉnh, tốt đẹp hơn để duy trì nòi giống. Do vậy mà trong cùng một gia tộc, cùng một dòng gène mà hôn phối với nhau thì sẽ không tốt, sinh ra nhiều thứ bệnh nguy hiểm, thậm chí có thể đến chỗ diệt vong.

              Sinh vật thì phải ăn, phải ngủ, phải thải chất bã và phải… truyền giống. Những chuyện này luôn được gắn sẵn vào trong gène. Con gà mới nở đã biết mổ thóc ăn, đã biết bươi để kiếm thức ăn, và sau đó biết… đạp mái! Con bê mới sinh chập chững vài bước đã biết tìm đến vú mẹ và sau đó biết kiếm cỏ rồi tìm con cái. Con ngừơi cũng vậy, sanh ra đã vùi đầu tìm vú mẹ mà nút chùn chụt ngon lành! Thế nhưng con ngừơi là sinh vật… cao cấp nên không chỉ biết ăn thôi, mà còn biết tìm món ngon vật lạ, cao lương mỹ vị, để ăn sao cho ngon, cho khóai. Ngon quá, khoái quá, nhồi nhét cho cành hông, dô dô trăm phần trăm hoài thì bắt đầu sinh bệnh. Bệnh là một cách nhắc nhở, từ khiển trách, cảnh cáo đến… sa thải! Ngủ cũng vậy. Không thể không ngủ. Ngủ để phục hồi năng lượng, để các tế bào đựơc nghỉ ngơi. Ngủ thừa hay thiếu đều sinh bệnh. Thải bã cũng vậy. Bón hay tiêu chảy đều,,, khổ!

              Cuối cùng là chuyện truyền giống! Để khuyến khích các sinh vật đừng làm biếng đối với chuyện truyền giống này nên thiên nhiên đã dụ nó bằng cách ban thưởng ít nhiều khoái cảm. Vì thế mà ta thấy các sinh vật đều hùng hục về chuyện này một cách hăng say! Có điều các sinh vật đều làm nhiệm vụ theo bản năng, đúng mùa đúng tiết. Nó cũng chẳng ngựơng ngùng, chẳng cần dạy dỗ. Dĩ nhiên nó cũng phải….dày công chọn lựa bạn tình, cũng phải ve vản múa may chút đỉnh để các hormone có dịp được kích họat đâu ra đó cho đến lúc chín muồi. Con người do sự “thông minh vốn sẵn tính trời” của mình đã… tận dụng mọi điều kiện để hưởng thụ khoái cảm mà chẳng thèm quan tâm tới chuyện… truyền giống! Kết quả, nhiều xã hội đang chới với vì thiếu sự đổi mới thế hệ, người già cứ già hoài, ngừơi trẻ chẳng chịu sinh ra! Vậy là có chuyện lùng sục kiếm con nuôi!

              Tóm lại, tình dục là chuyện …bình thường, cần thiết, và sở dĩ nó có vẻ… “rùng rợn” là do ta không biết rõ nên đâm ra sợ. Trẻ mới lớn thì tò mò vì bị bưng bít, hù dọa, người lớn thì cũng … mù tịt chẳng biết gì hơn! Phim ảnh về chuyện này thì nhảm nhí, hư cấu, giả tạo, diễn tả những cảnh quái đản làm lệch lạc trong suy nghĩ của nhiều người.

              Nếu tình dục là chuyện bình thừơng, cần thiết, quan trọng thì nói chuyện tình dục cho trẻ là chuyện đương nhiên phải làm, nên làm, để trẻ biết mà khỏi sợ hãi, khỏi làm bậy, khỏi bị dụ dỗ hay hù dọa, có khả năng kiểm sóat đựơc hành vi của mình để có những quyết định đúng đắn với đầy đủ thông tin. Trứơc đây do giấu giếm mà nhiều khi những chuyện bình thừơng trở thành “cấm kỵ”! Cho đến bây giờ nhiều nơi xa xôi vẫn còn bắt “đàn bà đẻ” nằm chòi riêng, cả tháng không đựơc tắm, nhét bông gòn đầy tai! Nghe nói đến hai chữ kinh nguyệt nói ra đã tó vẻ bí mật, sợ hãi, coi như “bị” trời hành; nghe nói tử cung, âm hộ, âm đạo, buồng trứng… tưởng gì ghê gớm lắm; nghe nói dương vật, tinh hoàn, túi tinh gì đó tưởng chuyện gì rùng rợn! Vì tưởng là cái gì đó ghê gớm lắm mới sinh ra “thắc mắc biết hỏi ai”, mới sinh ra nhiều ngộ nhận, tưởng tựơng, và hàng loạt những điều đáng tiếc.

              Báo chí có lần tường thuật một cặp vợ chồng mới cưới nọ chèo thuyền ra giữa dòng sông tự tử. Người chồng đựơc cứu sống. Trong bệnh viện, các bác sĩ đã khám cẩn thận và khẳng định anh hòan tòan bình thường. Thế mà hai anh chị đã tưởng mình không có khả năng tình dục nên hẹn nhau ở kiếp lai sinh! Thì ra cũng tại bị hù dọa cường dương liệt dương gì đó mà đâm ra xìu! Rõ ràng khi nào còn giấu giếm, “không công khai” thì ngừơi ta hay thêu dệt, tưởng tựơng, ngờ vực, sợ hãi. Nào di tinh, mộng tinh, hượt tinh như bình thủng đáy, nào tam tinh hải cẩu, bổ thận tráng dương, bạch đới … này nọ nghe thật rùng rợn. Gần đây mở hộp thư email ra thì thấy, ôi thôi bao nhiều là lời dụ dỗ làm dài làm to, làm mới khiến cho người ta cứ so đo tính tóan, làm như hết chuyện gì khác ở trên cõi đời! Nếu cứ “huỵch tọet” ra hết có khi lại hay, hết bí mật, hết bị hù dọa, kẻ xấu hết lợi dụng làm ăn! Nhưng như vậy có làm mất đi cảm xúc khộng? Không. Tôi thấy các sinh viên y khoa học kỹ về cơ thể học, sinh lý học con ngừơi mà đâu có mất cảm xúc.

              Chính những ‘danh từ” bí hiểm thường dễ gây hoang mang nhất, nào tử cung, âm đạo, nào kinh nguyệt, buồng trứng, rồi dương vật, xuất tinh…Khi người sinh viên y khoa học tử cung là cái…tử cung thì hết chuyện! Tử là con, cung là chỗ ở, tử cung là chỗ ở của con, cũng như hoàng cung là chỗ ở của vua, vậy thôi. Còn âm đạo là con đường dẫn vào tử cung, âm hộ là cửa của âm đạo. Đạo là đường, còn hộ là cửa một cánh. Những nơi này bình thường vốn sạch sẽ, đựơc lót bởi những lớp tế bào niêm mạc như ở mũi, miệng. Khi bị can thiệp “thô bạo” làm thay đổi môi trường thì nó mới sanh chuyện. Kinh nguyệt cũng vậy, kinh là thường, nguyệt là tháng. Kinh nguyệt là một hiện tựơng xảy ra đều đều hằng tháng, gắn với sự rụng trứng ở người nữ thế thôi. Tử cung hằng tháng lót ổ sẵn cho trứng thụ tinh, nhưng trứng không thụ tinh thì tự bốc dở đi, tạo ra cái gọi là kinh nguyệt.. Thiên nhiên bày vẻ như vậy chẳng qua là tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền giống. Khi trứng tiếp xúc với tinh trùng thì có sự thụ tinh. Thai nhi lớn dần lên trong tử cung và đến một lúc phát triển đầy đủ thì cửa âm đạo sẽ mở ra để thai thoát ra ngòai, oa oa chào đời. Tinh trùng đựơc sinh sản ở tinh hòan, đựơc chứa ở một cái túi gọi là túi tinh. Khi đầy quá thì túi co bóp, phọt ra gọi là xuất tinh. Xuất tinh trong giấc ngủ được gọi là…mộng tinh. Chuyện bình thường ở con trai, như kinh nguyệt ở con gái. Nhưng mỗi lần xuất tinh có kèm ít nhiều sảng khoái nên nhiều trẻ lạm dụng, sinh thủ dâm, dễ dẫn đến rắc rối khác: di tinh, hượt tinh. Cũng chỉ là một cách gọi. Không có gì rùng rợn ghê gớm cả. Thế nhưng, lạm dụng sẽ dẫn đến những điều không hay. Ăn thì tốt, nhưng ăn nhiều quá thì sình bụng, không tiêu, phát ách, không kể có thể bị rối lọan tiêu hóa! Hiểu những danh từ, tên gọi, ta sẽ có thể trao đổi thẳng thắn với con em, với học sinh, như người sinh viên y khoa học ở trường y, không thấy có gì là “tục tĩu”, “bậy bạ” cả. Còn úp úp mở mở vừa nói vừa ngượng, đỏ mặt tía tai thì mọi người tưởng tượng này nọ làm cho buổi trò chuyện trở nên khó khăn. Hiểu biết rõ về cơ thể học, về sinh lý học các cơ quan sinh dục, hiện tượng thụ tinh, sinh đẻ… ta sẽ biết trân trọng, biết chăm sóc , biết bảo vệ để có đựơc một sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản lành mạnh. Nhờ đó có cuộc sống hạnh phúc, có những quyết định đúng đắn trong giao tiếp, trong quan hệ và sinh con đẻ cái phù hợp.


              Nhiều người hiểu lầm giáo dục giới tính là dạy cách làm tình, giao hợp! Cách làm tình, giao hợp thì cần gì phải dạy. “Con” nào cũng biết, từ con gà con vịt con heo con ếch con chim, con nào cũng biết. Có điều con “người” thì khác, vì ở con người nó không chỉ thuần là bản năng. Ăn uống vốn là chuyện bản năng, vậy mà với con người cũng phải “ăn coi nồi ngồi coi hướng”, cũng phải học ăn học nói học gói học mở! Huống chi là chuyện làm tình, giao hợp! Dĩ nhiên là có chuyện làm tình, chuyện giao hợp ở đây nhằm để đưa được tinh trùng đến gặp trứng, tạo nên sự thụ tinh, truyền giống. Nếu không có sự giao hợp giữa giống đực và giống cái- giữa nam và nữ- thì vẫn có thể thụ tinh đựơc qua biện pháp nhân tạo gọi là “thụ tinh nhân tạo”. Ở người, những trường hợp hiếm muộn, không thể sinh con bằng cách bình thừơng ngừơi ta cũng sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Khoa học tiến bộ, thậm chí ngày nay ngừơi ta có thể nuôi một cái trứng non thành trứng trưởng thành, cũng như chỉ chiết lấy phần lõi của tinh trùng để tạo sự thụ tinh. Ở thú vật, thụ tinh nhân tạo đã quá phổ biến!

              Gíao dục giới tính là một tiến trình suốt đời người, tạo nên nền tảng vững chắc cho sức khỏe tình dục. sức khỏe sinh sản. Gíao dục giới tính là chuyện phải làm hằng ngày ở mỗi gia đình, ở nhà trường, ở các cơ sở tôn giáo và qua truyền thông đại chúng

              Gíao dục giới tính là một tiến trình dài lâu, không chỉ một ngày một buổi, để thu nhập thông tin và hình thành thái độ, lòng tin, các giá trị. Nó bao gồm sự phát triển tính dục, sức khỏe sinh sản, các mối quan hệ xã hội, tương tác cá nhân, tình yêu thương, hình ảnh về thể chất và vai trò giới.
              Gíao dục giới tính như vậy phải bao gồm các khía cạnh về sinh học, văn hóa xã hội, tâm lý và tâm linh liên quan đến vấn đề giới tính từ lãnh vực nhận thức (thông tin), đến lãnh vực tình cảm (cảm xúc, giá trị, thái độ) và lãnh vực hành vi (kỹ năng truyền thông và kỹ năng quyết định). Cho nên thật là sai lầm khi cho rằng giáo dục giới tính là bày vẽ cách quan hệ tình dục hay cách tránh thai!

              Giáo dục giới tính (GDGT) đúng nghĩa là giáo dục cho trẻ biết về cơ thể học các cơ quan bộ máy sinh dục, về sinh lý học, họat động của các kích thích tố khác nhau giữa nam và nữ tạo nên những tính cách riêng của mỗi giới, chẳng hạn nam tu nữ nhũ (trai thì có râu, gái thì có ngực), mỗi giới có những đặc điểm riêng về hình dáng về tâm sinh lý tạo nên sự hấp dẫn lẫn nhau khi đến tuổi chín muồi, có khả năng sinh sản. GDGT cũng sẽ dạy về các mối quan hệ xã hội, tương tác của mỗi giới, vai trò vị trí của mỗi cá nhân trong nền tảng văn hoá chung của một chủng tộc, quốc gia. Dĩ nhiên có một phần về chuyện quan hệ tình dục, giao phối, những bệnh tật có thể xảy ra nếu không giữ đúng phép vệ sinh. Đồng thời cũng giáo dục cả những tình cảm. cảm xúc, sự tôn trọng lẫn nhau, hỗ trợ gíup đỡ lẫn nhau. Giáo dục giới tính cũng sẽ dạy cách chăm sóc gia đình, nuôi dưỡng con cái.

              Các nghiên cứu trong lãnh vực này cho thấy cha mẹ chỉ có thể nói chuyện giới tính, tình dục với trẻ thoải mái khi cha mẹ có thái độ cởi mở và nhất là chịu khó, biết cách lắng nghe trẻ! Kiểu rấy la “Mày biết gì mà nói”, chuyện tục tĩu, cấm nói hoặc chờ lớn lên thì biết! Lúc đó trẻ chỉ còn cách im lặng, lén lút tìm nguồn thông tin ngoài luồng, không đáng tin cậy mà còn có thể rất nguy hiểm nữa! Nghiên cứu cũng cho thấy trẻ có hiểu biết về tình dục thì không phạm phải những sai lầm đáng tiếc ở tuổi mới lớn, tuổi mà dưới ảnh hưởng của kích thích tố sinh dục phát triển mạnh mẽ có thể có nhưng hành vi không kiểm sóat được.

              Vậy làm cách nào nói chuyện ấy với trẻ đây?

              Trước hết cần chuẩn bị một thái độ cởi mở, chấp nhận, sẵn sàng lắng nghe và nếu thấy chưa đủ tự tin thì tìm đọc thêm sách hướng dẫn đứng đắn về vấn đề này để trong lúc trao đổi thì “nói có sách mách có chứng”. Ngẫm nghĩ thử xem mình có đủ “bản lãnh”, có thấy cảm xúc xấu hổ, ngượng ngùng khi đề cập các vấn đề tế nhị này không. Phải vượt qua cảm xúc đó mới có thể làm “thầy” cho trẻ được.

              Có câu chuyện ông bố thấy cậu con trai 15 tuổi đã lớn, kêu lại bảo: hôm nay bố muốn nói chuyện với con về vấn đề tình dục, đây là một chuyện khó nói… Cậu con vồn vã: bố cứ tự nhiên, có gì thắc mắc cứ hỏi đi ạ!

              Cũng có khi phải học thêm kinh nghiệm của bạn bè, thậm chí phải hỏi ý kiến bác sĩ. Tôi biết có bà mẹ mua sách về giới tính giả vờ để quên trên bàn và con tò mò lấy đọc. Nhân dịp đó, chị thẳng thắn trao đổi với con như một bác sĩ với thân chủ của mình Trong lúc trao đổi, chị có dịp nhắc kinh nghiệm của chị, quan điểm của chị, của gia đình. Trẻ có thể chưa đồng ý nhưng cũng đã ghi nhận những quan điểm về giá trị của mẹ mình, sau này có khi xuất hiện trong trí nhớ của em, thành một vũ khí bảo vệ trẻ.
              Trong những buổi họp hội Phụ nữ, có thể đem chuyện làm cách nào giáo dục giới tính cho con ra bàn bạc, chia sẻ kinh nghiệm. Việc này thực chất góp phần làm xã hội lành mạnh, tránh bệnh tật và giúp gia đình hạnh phúc.

              GDGT bắt đầu trứơc hết là tại gia đình. Cha mẹ và những người chăm sóc trẻ là những nhà giáo dục giới tính đầu tiên cho trẻ. Các cơ hội có thể dạy – trò chuyện, trao đổi- về giới tính xảy ra hằng ngày trong gia đình. Ngay từ lúc mới sinh, trẻ đã đựơc học về tình yêu thương, trìu mến, vuốt ve, cưng, nựng, và những mối quan hệ trong gia đình, cha mẹ, ông bà… Trẻ học về giới tính khi cha mẹ chăm sóc, chuyện vãn, tỏ lòng yêu thương, chơi với chúng, thay quần áo cho chúng, dạy chúng biết các bộ phận của cơ thể chúng. Trẻ lớn dần thì hiểu biết nhiều thêm về các hành vi, thái độ, giá trị về giới tính của gia đình mình và môi trường xã hội chúng đang sống.

              Không chỉ cần phải tìm hiểu, nghiên cứu cho đủ tự tin, bố mẹ còn phải nhớ rằng đây không chỉ là truyền trao kiến thức mà chính là thái độ, tình cảm, giá trị, niềm tin và những hành vi đúng sai, điều nào nên, điều nào không nên. Không áp đặt mà ngựơc lại cần thóang mở trong trò chuyện. Ta có thể tìm một cái cớ nào đó để gợi ý đưa vào cụôc trò chuyện: một cô hàng xóm có bầu, một người bà con vừa sanh em bé, hai anh chị vừa kết hôn…Đó là cơ hội để ta đề cập dễ dàng nhất. Chuyện cha mẹ thấy khó nói không có gì lạ. Không phải lỗi của cha mẹ! Ngày xưa có ai dạy họ đâu, ông bà cũng đâu có đề cập bao giờ. Nhưng như đã nói, xưa khác nay khác! Xưa chưa có AIDS, chưa có phim sex, chưa có internet…. Có thể bắt đầu buổi trò chuyện bằng cách thú thiệt với con là chuyện này khó nói quá! Hồi xưa bà cũng chẳng nói gì với mẹ… Nhưng bây giờ thời kỳ mới, mẹ múôn trao đổi với con, con có muốn hỏi gì mẹ không? Điều gì mẹ không rành, mẹ sẽ hỏi bác sĩ tiện hơn… Như vậy cuộc trao đổi có thể bắt đầu!

              Nguyên tắc là dạy càng sớm càng tốt. Mỗi tuổi sẽ có cách tiếp cận riêng nhưng càng sớm càng tốt để tránh cho trẻ khỏi bất ngờ, ngỡ ngàng khi đối diện “sự thật” ngay trong bản thân mình và người bạn khác giới. Cậu con trai sẽ đựơc hiểu biết về kinh nguyệt, cô con gái sẽ hiểu biết về xuất tinh, thủ dâm… Mọi sự đựơc “bình thường hóa”, không còn có chỗ cho thành kiến, hù dọa, sợ hãi, lo lắng! Vấn đề sẽ phải được đề cập một cách dịu dàng, cởi mở nhưng nghiêm túc,mang tính khoa học, chớ không thô lỗ, sổ sàng, và những thông tin phải tuần tự nhi tiến, ngày này qua ngày khác, chứ không phải một ngày một buổi là xong! Những sự thô lỗ, cục cằn chỉ làm thui chột cảm xúc. Đây chính là dạy quan niệm sống, các giá trị của gia đình, văn hóa của dân tộc và hạnh phúc cá nhân. Khi dạy cho đứa bé đây là cái mũi của con, đây là cái tai của con, thì đây là con “cu” của con, đây là con “chim” của con v.v.. để trẻ thấy các cơ quan đó đều “bình đẵng” với nhau, không phân biệt đối xử! Khi trẻ lớn dần lên, các thông tin sẽ càng chi tiết hơn. Ở phương Tây thậm chí cha mẹ thay quần áo trứơc mặt con cái lúc nó còn bé tí để nó học sự khác biệt của người lớn và trẻ con.

              Tìm một cơ hội: Con thấy dì Ba có cái bụng bự không? Có một em bé ở trong đó. Con có biết tại sao có em bé trong đó không?… Tùy tuổi, nhiều khi cách trả lời còn quan trọng hơn nội dung. Em bé chui ra cách nào? Lúc em bé đủ lớn, mẹ nó sẽ mở một cái cửa cho nó chui ra. Vậy là đủ. Đó cũng là lúc cho trẻ thấy sự quan tâm chăm sóc của cả gia đình dành cho dì Ba, nhất là của dượng Ba là cha của đứa bé. Dạy trẻ thấy trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình. Sự chăm sóc từ thai nhi đến dạy dỗ. nuôi nấng con đến ngày khôn lớn, rằng công cha như núi thái sơn nghĩa mẹ như nứơc trong nguồn chảy ra…. Nhờ đựơc nghe nói về lối sống, quan niệm sống như vậy của gia đình, của ông bà cha mẹ, dù trẻ không quan tâm nhưng cũng đã gieo vào tâm hồn trẻ một “hạt giống” lành. Khi đối phó với một tình huống nào đó, những lời cha mẹ dặn sẽ tái hiện trong trí nhớ và giúp trẻ ứng xứ.

              Một số bậc cha mẹ và ngừơi chăm sóc trẻ thấy dễ dàng trong chuyện trao đổi với trẻ về giới tính, nhưng cũng có một số khác thấy khó, ngại ngùng, nhất là không biết trả lời những câu hỏi “khó” của trẻ. Thẳng thắn, chân tính, cởi mở trong trao đổi là cách tốt nhất để truyền thông giữa cha mẹ và con cái súôt giai đoạn tuổi thơ cũng như ở tuổi tiền dậy thì, dậy thì và thanh niên, nhờ đó tạo nên một phương hướng xứ thế khi trẻ trưởng thành cho vấn đề sức khỏe tình dục.

              Cho nên khi nói về giới tính, là nói đến mối quan hệ xã hội giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với cộng đồng, giữa nam và nữ, sự tôn trọng, chăm sóc, thương yêu, công bằng, trách nhệim… bên cạnh những vấn đề sinh lý, sức khỏe. Những điều học hỏi này ngay từ tấm bé giúp trẻ có khả năng quyết định, đề kháng, kiểm sóat cảm xúc tốt hơn khi lớn lên, trưởng thành. Khi trẻ lên 10, 11 tuổi, đã có thể nói đến hiện tượng xuất tinh, kinh nguyệt, kèm với chuyện tránh thai, có thai ngoài ý múôn, về hậu quả của chuyện quan hệ tình dục không an tòan, về các thứ bệnh lây truyền qua tình dục v.v… Điều này cũng giúp trẻ biết sợ khi có những quyết định không đứng đắn, giúp trẻ biết tự bảo vệ khi cần.

              Hiện nay,nguồn phim ảnh, internet có những thông tin không thể kiểm soát đựơc làm cho trẻ dễ hiểu lầm. Xem phim thấy hai người vừa gặp nhau, nói vài câu đã lên giường làm tình. Điều này ngay cả ở các xã hội “thoáng” nhất cũng không hề có hoặc chỉ là những tình huống đặc biệt đựơc thổi phồng. Các phim gọi là “giáo dục giới tính” nhiều khi chỉ bày cách làm tình một cách thô tục, đa số chỉ là cảnh giả, hình giả do kỹ thuật hình ảnh tạo ra. Xem phim cũng là lúc nói với trẻ về tình yêu lửa rơm và tình yêu chân chính, tình yêu chiếm đoạt và tình yêu trách nhiệm. Dù trẻ thấy không giống quan điểm của mình và bạn bè, trẻ cũng sẽ ghi nhận quan điểm của ngừơi lớn để có sự chọn lực, tham khảo, quyết định chín chắn hơn về sau. Do vậy cha mẹ đừng thấy trẻ phản đối quan điểm mình mà ngao ngán, lắc đầu, than thở, buông xuôi, mặc kệ. Thông tin phải chính xác và phù hợp lứa tuổi. Cách nói mơ hồ, lấp lững không hiệu quả mà còn gợi ra những tưởng tựơng không cần thiết.

              Trứơc đây, dưới tám tuổi, trẻ trai và gái còn có thể tắm chung trần trùông với nhau cũng không mắc cỡ vì các kích thích tố sinh dục chưa họat hóa, nay thì nhiều trẻ dậy thì sớm, 8 tuổi đã có kinh nguyệt, nhất là ở các đô thị lớn, luôn tiếp xúc với những thông tin kích thích. Do vậy, cách nói, giọng điệu khi trao đổi với các em phải rõ ràng, chính xác, khoa học: trong cơ thể chúng ta có những hormone, là chất hoá học làm cho con trai thì bể tiếng, giọng ồ ề, dương vật to ra, hai tinh hòan lớn nằm trong hai bìu dái thòng, để giữ được nhiệt độ mát mẻ cho việc sinh tinh…: con gái thì ngực lớn dần, sau này sinh sứa cho con bú, với những thay đổi ở âm hộ, âm đạo, chuẩn bị thời kỳ khởi sự có kinh nguyệt. Khi nói về những vấn đề này nên có sách, có hình vẽ mang tính khoa học, hoàn tòan không hề là chuỵên tục tĩu, không hề có một chút gợi dục. Dĩ nhiên luôn luôn kèm theo đó là hướng dẫn cách gìn giữ vệ sinh, phòng tránh bệnh tật, và đả phá những thành kiến sai lầm nếu có.



              Tuổi dậy thì là tuổi có nhiều thay đổi đột ngột nhất về thể chất và tâm sinh lý. Do vậy, cần “đón đầu” trước cho trẻ, nghĩa là chuẩn bị tinh thần để trẻ sẵn sàng chấp nhận mình là mình, một cá thể độc lập, riêng biệt, không cần phải giống bất cứ ai, không cần phải chạy theo thần tượng này hay thần tượng khác. Phải chuẩn bị trước cho trẻ 11-12 tuổi, đừng để muộn, những biến đổi “lạ lùng” của tuổi này, có thể gây sốc, từ chối bản thân hoặc say đắm bản thân! Khi đã hiểu rõ thì trẻ sẽ chờ đợi, không hoang mang, không sợ hãi nữa, không thấy kỳ cục nữa! Kể cả những chuyện mụn, mập ốm, cao lùn, râu tóc, ngực bên to bên nhỏ, bìu dái bên cao bên thấp…. đều là những chuyện bình thường! Nhờ vậy mà trẻ sẽ không mất nhiều thì giờ và năng lượng cho sự lo lắng, sợ hãi, tò mò, nghe lóm bạn bè…. mà sẽ dành hết thời gian và năng lựơng cho việc học hành.

              Ta thường thấy trẻ gái học rất giỏi ở các lớp dưới nhưng đến tuổi dậy thì ( cấp 2) lại học kém đi vì phải lo bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh như… đau bụng kinh, cùng với những thay đổi lạ lùng, kỳ cục nữa trong cơ thể mình, tóc tai, mặt mũi, quần áo. Con trai cũng có những vấn đề riêng của con trai, nào bể tiếng, nào cao lùn, mập ốm, mụn bọc, mụn trứng cá…. Một phòng y tế học đừơng nếu chỉ mở ra để bác sĩ ngối đó đợi trẻ chảy máu cam, gãy tay gãy chân, cảm cúm, ngất xỉu mới sơ cứu thì thật…uổng quá! Bác sĩ y tế học đừơng phaỉ là bác sĩ giỏi về tâm sinh lý lứa tuổi, phải là một tham vấn viên đáng tin cậy cho trẻ và cả cho phụ huynh, thầy cô giáo, và sẵn sàng tham gia vào việc gíao dục giơi tính cho học sinh. Giáo dục giới tính trong nhà trừơng rất quan trọng, trẻ có cơ hội “thực tập” về mối quan hệ bạn bè khác giới, học về tình bạn, tình yêu, lối sống.

              Thầy cô giáo dạy về giáo dục giới tính phải đựơc chọn lọc, được tập huấn, có thể kết hợp với các bác sĩ để cùng giảng dạy, mang tính khoa học, tâm lý xã hội đứng đắn. Và quan trọng là không mâu thuẩn với những điều cha mẹ dạy tại gia đình. Nhiều gia đình bây giờ chỉ có một người cha hoặc mẹ. Mẹ sẽ khó nói với con trai cũng như cha khó nói với con gái. Khó, nhưng không vì thế mà không thực hiện. Có thể nhờ thầy thúôc, thầy cô giáo hoặc bạn bè, bà con tin cậy cùng giới mà trẻ quý mến để có thể thay cha hoặc mẹ trao đổi với trẻ.

              Đừng quá lo lắng về những câu hỏi “khó trả lời” của trẻ. Đâu có ai biết hết mọi thứ chuyện trên đời, nên cách trả lời còn quan trọng hơn nội dung. Không biết thì cứ nói không biết và sẽ tìm hiểu trả lời sau thì trẻ sẽ yên tâm. Phải tự tin, thoải mái, cởi mở thì trẻ sẽ tin cậy./.

              26.7.2009

              (Email: bacsi@dohongngoc.com)
              Đã chỉnh sửa bởi GRANDET; 31-10-2011, 11:56 PM.
              Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

              Comment

              • #8


                BS Đỗ Hồng Ngọc

                - Bác sĩ, tôi 49 nên lúc nào cũng bị ám ảnh bởi câu “49 chưa qua 53 đã tới…” của ông bà mình nói. Thực tế bây giờ tôi cũng đã bắt đầu thấy có chút gì đó lôi thôi rồi?

                - Chút gì là chút gì…?

                - Đái đêm. Đêm nào cũng phải thức giấc hai ba lần để đi tiểu. Hồi trước đâu có vậy. Ngủ thẳng cẳng tới sáng!


                - Chắc tại bạn nhậu nhẹt bù khú bia ôm bia vịn gì trước đó rồi phải không? Dân gian ta có câu “Nhà giàu đi xe hơi uống bia ôm, nhà nghèo đi xe ôm uống bia hơi” đó thôi!

                - Không bác sĩ. Hoàn toàn nghiêm túc. Lạ lắm. Vừa mới tiểu xong lại mắc tiểu nữa…Mà lâu lắc chớ không… ào ào như xưa!

                - Vậy thì chắc có vấn đề ở tuyến tiền liệt rồi!

                - Cái gì? Sắp “liệt” rồi hả?

                - Không, đây là tên gọi của một cái tuyến có hình dáng giống như một trái mận nằm chặn ngay cửa bàng quang, bao trùm lấy ống tiểu ở người đàn ông gọi là tiền liệt tuyến, có khi còn gọi là tiền lập tuyến hay nhiếp hộ tuyến…

                - Ôi, rắc rối quá! Nhưng nó có nghiã là gì?

                - Chả có nghĩa gì cả! Người ta dịch từ chữ Prostate, tiếng Hy lạp, có nghĩa là “đặt trước”, vậy thôi! Nhà khoa học đầu tiên thấy cái cục tuyến này bèn gọi như vậy và chết tên luôn.

                - Nhưng nó để làm gì? Bày đặt chi cho khổ vậy trời?

                - Phải có ý nghĩa gì chứ. Thiên nhiên đâu có làm chuyện gì vô ích. “Tiền liệt” hay “tiền lập” đều mang nghĩa là “đặt trước”, dịch sát chữ Prostate vậy thôi, còn “nhiếp hộ” mới nói lên chức năng quan trọng của nó: chính nó nuôi dưỡng, hỗ trợ cho hoạt động của tinh trùng. Nó tiết ra một chất lỏng nhờn, màu trắng đục, có tính kiềm (gọi là tinh dịch) để một mặt bảo vệ tinh trùng, giúp tinh trùng vượt qua chốn gian nan thử thách đầy acid trong âm đạo. Không có nó, acid của môi trường âm đạo diệt sạch tinh trùng luôn lấy đâu mà thụ tinh, truyền giống. Tinh dịch còn giúp cho tinh trùng bơi lội tung tăng thoải mái, trong cuộc chạy đua marathon vào tìm trứng nắm sâu trong tử cung. Tóm lại, nó cần thiết cho cuộc sống…

                - Nhưng sao…

                - Hồi “trẻ” dĩ nhiên nó mềm mại, khi “già” thì nó mới bắt đầu khô cứng, phình to ra, chặn nghẹt đường tiểu, vậy nên… mót đái hoài mà đái không hết, bàng quang cứ tích chứa nước tiểu thừa làm cho khó chịu…

                - Hèn chi mà thức giấc mấy lần trong đêm. Họp, hội, nghiêm chỉnh vậy mà cứ nhấp nha nhấp nhỏm… đi vào đi ra! Khổ ơi là khổ!

                - Chưa đâu. Có khi còn bí… đái nữa. Phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Bác sĩ sẽ phải đặt một ống sonde nong đường tiểu hoặc mở bàng quang…

                - Không lẽ y học bó tay?

                - Đâu có bó! Ngày càng có nhiều thứ thuốc chữa trị đó chớ! Tuy vậy khi nó đã to quá, nghẹt quá, người ta đành phải can thiệp bằng phẫu thuật!

                - Nghiã là mổ?

                - Chớ sao. Để xén bớt, cắt bớt, đốt bớt chỗ nghẹt, mở đường cho nước tiểu thoát ra chứ! Nhưng đó là trường hợp nhẹ, bướu lành, nếu gặp trường hợp ung thư thì giải quyết cách khác, triệt đễ hơn…

                - Phải làm sao?

                - Trong mọi tình huống tốt nhất nên đến bác sĩ chuyên khoa Niệu. Họ mới có chẩn đoán chính xác và khuyên ta nên làm thế nào tốt nhất.

                - Nghe nói phải thử máu tìm cái gì đó?

                - Tìm PSA, một kháng nguyên đặc hiệu của tiền liệt tuyến (Prostate Specific Antigen). Nếu nó cao trêm 4 ng/mL thì bác sĩ sẽ giám sát kỹ… để can thiệp, phẫu thuật, xạ trị v.v… Có trường hợp phải “hoạn”…

                - Thiến hả? Thôi chết rồi! Giống như mấy ông hoạn quan trong triều vậy hả? Mấy ông này không bị hả?

                - Người ta nhận thấy vậy. Tuyền tiền liệt hoạt động dưới ảnh hưởng của kích thích tố nam. Không có kích thích tố này thì tuyến ngừng hoạt động, không phát triển nữa…

                - Chẳng lẽ Nhạc Bất Quần vung kiếm là vì chuyện này…?

                - Dám lắm! Chỉ tội nghiệp Lâm Bình Chi bắt chước làm cho hư chuyện hết trơn…

                - Vậy hóa ra đàn ông ai cũng bị cả sao?

                - Gần như vậy. Các chuyên gia cho biết từ 50 tuổi trở lên, cứ hai người đàn ông thì có một người bị bướu lành tiền liệt tuyến (50%), 60 -70 tuổi thì 70% bị, rồi 80 – 90 tuổi thì 90% bị… Khó mà tránh khỏi. Dĩ nhiện chỉ một tỷ lệ nhỏ biến thành ung thư thôi. Đã mang lấy nghiệp vào thân!

                - Nghiệp gì?

                - Thì nghiệp “đàn ông”! Râu hùm hàm én mày ngài, vai năm tấc rộng thân mười thước cao…

                - Từ Hải cũng bị hả?

                - Hỏi Thúy Kiều mới biết đêm Từ Hải thức dậy mấy lần… Thực ra bướu tiền liệt tuyến không từ một ai. Tổng thống Pháp Francois Mitterand, cựu Thủ tướng Úc Bob Hawke, đại tướng Mỹ Norman Schwarzkopf, một số lãnh tụ tôn giáo… cũng bị, không chừa ai.

                - Nhưng tôi mới 49 ?

                - Đã có dấu hiệu. Vậy nên đến khám ở một bác sĩ chuyên khoa Niệu.

                - Có cách gì làm chậm sự xuất hiện của bướu tiền liệt tuyến không?




                - Bác sĩ chuyên khoa sẽ hướng dẫn cụ thể. Nói chung, người ta khuyên không nên hút thuốc lá, bớt uống rượu, nên ăn nhiều rau trái, đậu nành… vì đâu nành có chất chống kích thích tố nam. Đại khái vậy.

                - Cảm ơn bác sĩ. Còn “…53 đã tới!” có nghĩa là sao?

                - Là “đã tới… 53!” chớ sao! Thiệt ra câu “49 chưa qua… 53 đã tới! ” của ông bà mình là muốn nhắc nhở mọi người nên cảnh giác ở lứa tuổi này. Đây là thời “vận hạn” của con người qua tổng kết kinh nghiệm ngàn đời đó chớ chẳng chơi đâu!

                - Nhưng nó “nói lên” cái gì? Sao nghe cứ rờn rợn lo lo làm sao!

                - Rờn rợn lo lo là phải. Bởi đó là một lứa tuổi có nhiều nguy cơ trong cuộc sống. Nhiều người đang ở đỉnh cao sự nghiệp, phát tài phát tướng, xây nhà, sắm xe, ngồi sui… làm ăn phát đạt hết bề ngang sang bề dọc, toan tính chuyện cá lớn nuốt cá bé đầy háo hứng… thì đùng một cái…

                - Đùng một cái… sao?

                - “Tri thiên mệnh”… chớ sao!

                - Nghe ghê quá! Vậy có nên cúng sao giải hạn, mỗi mỗi nhờ… thầy bói chỉ đường dẫn lối cho chắc ăn không?

                - Lại càng nhảm. Không biết sao gần đây người ta mê tín dị đoan dữ quá! Đồng cô bóng cậu, lang băm, bói toán, phong thủy… tràn lan! Chắc người ta mất nhiều niềm tin và nghĩ có “linh” có “ứng”, có “kiêng” có “lành”?…

                - Chớ không phải vậy sao?

                - Phải chớ! Một người đầu óc cứ lơ mơ, luôn ám ảnh nọ kia, luôn sống với “cõi trên” thì đi đứng lạng quạng dễ té cầu thang, dễ bị xe đụng gãy tay gãy chân là chuyện không khó hiểu… Rồi đổ cho số xui, vận hạn nọ kia! Đặc biệt là khi người ta ở vào lứa tuổi 49-53 có nhiều thay đổi tâm sinh lý…

                - Là sao?

                - Nhớ lại coi. Có phải cái hồi 13-16 người ta cũng đã có một giai đoạn “lộn xộn” vậy không? Nữ thập tam nam thập lục! Tới cái tuổi đó người ta bỗng dưng… sinh sự, kỳ cục chịu không nổi, luôn cãi lại cha mẹ, suốt ngày khắc khoải với mấy cái mụn trứng cá, tập tành “gần mực thì bia gần đèn thì thuốc”, nhớ không? Tất cả chẳng qua do ảnh hưởng của kích thích tố sinh dục. Cô gái ngày nào thò lò mũi xanh bỗng yểu điệu thục nữ, nguyệt thẹn hoa nhường, câu trai ngày nào thả diều đá dế bỗng hàm én mày ngài, vai u thịt bắp, … Đều là do kích thích tố sinh dục đó thôi. Nó bừng bừng lên vậy để người ta phải cuốn hút vào nhau, ve vản nhau… mà sinh con đẻ cái. Đến 49-53, khi “hoàn thành nhiệm vụ” rồi thì các kích thích tố sinh dục làm việc uể oải, xìu xìu ễnh ễnh… Lúc đó người ta chẳng thèm ve vản nhau chi nữa mà chuyển tông “ghét cay ghét đắng” hoặc vội vã “tung cánh chim…”.

                - Hèn chi mà Nguyễn Công Trứ chẳng kêu lên: “Mười lăm trẻ năm mươi già không kể!”.

                - Ông “chỉ kể” cái quãng giữa, cái quãng hừng hực 15-49 đó thôi! Sau đó thì ông than: Tao ở nhà tao tao nhớ mi/ Nhớ mi nên phải bước chân đi/ Không đi mi bảo rằng không đến/ Đến thì mi hỏi đến làm chi/ Làm chi tao có làm chi được/ Làm được tao làm đã lắm khi…

                - Cụ mà sống thời bây giờ thì thuốc men đầy ra cả đó thôi. Muốn gì chả được! Nhưng, nói chung, ở tuổi này, một số người thường cảm thấy uể oải, mệt mỏi, cáu gắt, hay quên… làm gì cũng nóng nảy, vụt chạc, dễ dẫn đến thất bại rồi lại đổ cho “vận hạn”…!

                - Đúng vậy. Về sinh lý một số đàn ông lứa tuổi này thấy giảm ham muốn tình dục, thường rối loạn dương cương, đổ mồ hôi, đỏ bừng mặt, rụng tóc, dáng bệ vệ ra, mập lên… ; khó tập trung, dễ bị stress, dễ nhiểm trùng… Nhưng thực tế bây giờ nào phẫu thuật thẩm mỹ, nào bác sĩ “Nam khoa” tận tình chăm sóc… nên nhiều người vẫn còn phong độ lắm, khí thế lắm… muốn như Nguyễn tướng công: “Ngũ thập niên tiền nhị thập tam” (Năm mươi năm trước, ta mới 23 tuổi!) khi trả lời người hầu thiếp trẻ…

                - Vậy “…53 đã tới” có thể coi như là thời điểm “mãn kinh” ở nam giới không?

                - Ở nam giới không có vụ “mãn kinh”- dứt kinh- rõ rệt như nữ giới. Nhưng về sinh lý cũng có những dấu hiệu tương tự. Cần ý thức để điều chỉnh hành vi trong cuộc sống.

                - Có thể dùng kích thích tố để duy trì…?

                - Có thể. Kích thích tố nam là testosterone dùng dưới nhiều dạng như chích, uống, dán, cấy đưới da… làm cho “một người khỏe nhiều người vui” gì gì đó nhưng cũng có nguy cơ gây ung thư nên phải rất dè dặt, cần sự gíám sát nghiêm nhặt của bác sĩ.

                - Ngày nay tuổi thọ con người tăng cao, phải chăng tuổi “mãn kinh” nam giới cũng thay đổi, nghĩa là không còn đúng với câu “49 chưa qua 53 đã tới” nữa?

                - Tùy. Có khi còn ngược lại. Ở Thượng Hải, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đàn ông “già sớm” tăng gấp đôi chỉ trong vài chục năm gần đây. Có nhiều nam giới “mãn kinh” ở tuổi… 35 mới lạ! Có lẽ do đời sống bây giờ ở các đô thị căng thẳng quá, con người ngày càng xa cách với thiên nhiên. Môi trường sống thay đổi. Trái đất nóng lên. Con người như bị… nung lên và do đó, “mãn kinh” nhanh!

                - Vậy có cách nào?

                - Có. Tuệ Tĩnh. Một danh y thế kỷ thứ XIV của ta đã đúc kết rồi đó:

                “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
                Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”.
                Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

                Comment

                • #9



                  chọn những bông hoa
                  và những nụ cươì…
                  (TCS)



                  Tôi nhớ Phạm Trọng Cầu đã “xuyên tạc” câu hát đó bằng cách đổi lời là: “Mỗi ngày tôi nhậu một lần thôi, từ sáng tinh mơ cho tới chiều tà…” rồi nhớ Trịnh Công Sơn viết “…một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ, ngày qua” mới thấy để cho ngày qua thật nhẹ đôi khi người ta cần một chút say. Có người say cái này, có người say cái khác, nhưng say.

                  Ở tuổi chớm già, người ta gần như phải say một cái gì đó nếu không muốn… tự tử. Có người say… hoa kiểng, chiều chiều bắt chước người áo xanh Tư mã Giang Châu tỉa một cành hoa, nắn một nậm rượu còn xanh trên giàn bầu, có người trau chuốt một vần thơ, có người hò hét ở sân bóng đá, cũng có người đắm đuối vào chén rượu, canh bạc. Có cái say tốt và cái say không tốt, dĩ nhiên. Ở đây ta nói cái say, cái đam mê, cái sở thích của tuổi chớm già. Hình như ở tuổi đó, sở thích của người ta khựng lại, chắt lọc hơn, tinh chất hơn và lắng đọng hơn. Phần đông không chọn cái ồn ào mà chọn cái yên ả, đôi khi rất một mình để lắng nghe cái im lặng chung quanh và…”im lặng đời mình”. Nhiều người chọn đọc sách như một thú vui tao nhã, thanh khiết. Sách cổ, lịch sử, danh nhân, hồi ký có vẻ hợp với tuổi chớm già hơn là tiểu thuyết giả tưởng, hành động, phiêu lưu. Dĩ nhiên cũng tùy người, tùy cá tính. Có người gắn chặt vào cái TV, hết chương trình này qua chương trình khác, cầm cái “remote” bấm liên tục, đổi từ kênh nọ qua kênh kia đến nỗi thành một thứ bệnh mới, bệnh “bấm nút”.

                  Nhiều người thuở trẻ bay nhảy, hào hoa, bỗng nhiên về già ngán ngẩm tìm đến những thú vui văn hoá, tao nhã, từ bỏ những bữa nhậu nhẹt bí tỉ, bù khú bạn bè, ồn ào náo nhiệt. Tuổi chớm già dường như thích nghe hoà nhạc, nghe diễn thuyết, xem kịch, xem triển lãm hội họa, nhiếp ảnh nhiều hơn. Trước kia nhiều cuộc vui tổ chức nam riêng nữ riêng thì nay các… chớm già có thể chia sẻ niềm vui chung với nhau, vì thú vui đã gần như giống nhau, và phải chăng một phần cũng do nguồn kích thích tố đã cạn dần nên họ gần như đồng nhất với nhau, chẳng cần õng ẹo chi nữa cho thêm mệt!

                  Nhưng cũng có cái không giống. Đàn ông thường có vẻ tìm thú vui trong nghề nghiệp của mình, đặc biệt khi họ thành công, họ sẵn sàng dành hết thì giờ cho sự nghiệp, sẵn sàng bỏ bê tất cả. Phụ nữ thì khác, sau bao năm nặng gánh gia đình, con cái, nay họ đã có nhiều thời gian hơn để có thể tìm lại những thú vui riêng. Có người thích học một kỹ năng mới nào đó như cắm hoa, thêu đan, bánh trái, bơi lội… Nói chung tuổi này người ta ít đi tìm cái gì mới lạ hoàn toàn mà tìm lại những thú vui, sở thích cũ hồi còn trẻ, thí dụ một người hồi trẻ chơi bóng bàn thì ở tuổi này người ta cũng lại chơi bóng bàn thay vì chơi tennis. Học một kỹ năng mới dĩ nhiên là khó rồi, nhất là khi đã lọng cọng, lưng mỏi, khớp cùn, ở đây còn chủ yếu là do ngươì ta tự tin hơn khi sử dụng lại kỹ năng cũ của mình và do người ta biết rõ giá trị của nó. Có vẻ như ở tuổi chớm già người ta để ý đến chuyện ăn mặc của mình hơn. Có gì đâu, trước kia khi ngươì ta trẻ thì ăn mặc sao cũng thấy được, thấy hợp, thấy tươi mát, nay về già thì cần phải chăm sóc bộ cánh mình hơn chút để phù hợp với tuổi tác, để trông chững chạc, trẻ trung hơn, và nếu họ có tham gia vào các hoạt động xã hội thì sự ăn mặc càng được chăm sóc, chọn lọc kỹ càng hơn. Không ngạc nhiên khi thấy một người chớm già dành thời giờ săm soi chăm sóc quần áo tỉ mỉ, có vẻ như “điệu” hơn xưa, đặc biệt là ở các ông, nhiều khi còn bị nghi oan.

                  Các bà… chớm già thì khác. Hồi trẻ hình như họ quan tâm chăm sóc sự ăn mặc nhiều hơn để được hấp dẫn hơn, còn nay, họ thấy sao cũng được, bất cần, nhiều khi ăn mặc cẩu thả vì coi như thôi già rồi, bày đặt chi nưã! Tuy vậy khi phải ăn mặc phù hợp với công việc, với giao đãi bên ngoài xã hội, họ cũng hết sức chăm chút. Ngày nay, nhờ biết cách chọn thức ăn, không để cho bị béo phệ, rèn luyện thể hình, quần áo phù hợp, trang nhã, với một chút mỹ phẩm sẽ làm cho người phụ nữ trông trẻ hơn nhiều so với tuổi tác. Cả các ông nữa, đã bắt đầu ra vào các thẩm mỹ viện. Đã có khá nhiều những loại mỹ phẩm, nước hoa dành cho đàn ông, đã có những kỹ thuật căng da, độn mặt, xóa nếp nhăn cho cả bà lẫn ông.

                  Ai cũng thấy một đặc tính chung của người lớn tuổi là… keo kiệt, nhiều khi bủn xỉn. Dễ hiểu thôi, họ không còn khả năng tăng thu nhập dễ dàng như hồi trẻ, họ phải chắt mót dành dụm cho những lúc bất trắc, khó khăn. Tuổi già neo đơn, tuổi già bị con cái bỏ rơi vẫn thường thấy, vậy để có sự an toàn, họ phải chắt mót, dành dụm. Đàn ông có vẻ như ít quan tâm về tiền nong, họ quan tâm nhiều hơn đến sự nghiệp, danh tiếng, trừ những người nghề nghiệp không ổn định, nợ nần, sức khỏe yếu kém. Đàn bà thì khác, họ quan tâm đến kinh tế nhiều hơn, lo lắng dành dụm, không phải là để tiêu pha cho mình mà lo cho tương lai con cái, lo cho những lúc bất trắc, và để được sự an toàn hơn trong lúc tuổi già.

                  Ở tuổi chớm già người ta cũng thường quan tâm đến những biểu trưng xã hội, vì những biểu trưng đó “nói lên” vị trí của họ trong cộng đồng. Nhà này có xe dream, thì nhà nọ cũng phải có suzuki, nhà này có TV, thì nhà kia đầu máy… Nhiều kẻ trọc phú, đùa bỡn với đồng tiền, khoe của một cách vô văn hoá vẫn thường thấy. Dĩ nhiên, đa số người có học không ai làm như vậy. Tri túc rất cần thiết để cho thần kinh được dịu êm. Tôi mê nhất “Bài ca một nửa” ( Bán bán ca ) sau đây của Lý Mật Am mà Nguyễn Hiến Lê đã dịch ( Sống Đẹp, Lâm Ngữ Đường):

                  Tôi đã thấy già nửa kiếp phù sinh này rồi
                  Chữ “nửa” đó có công dụng vô biên
                  Có hưởng nửa tuổi trời rồi
                  mới cảm được hết cái vui nhàn nhã
                  Có vườn tược ở nửa đường lên núi nửa đường xuống sông
                  Nửa đọc sách, nửa làm ruộng, nửa buôn bán
                  Nửa là kẻ sĩ nửa bình dân
                  Đồ dùng nửa nhã nửa thô
                  Nhà nửa đẹp nửa xấu
                  Quần áo nửa mới nửa cũ
                  Thức ăn nửa phong nửa kiệm
                  Vợ nửa chất phác nửa khôn lanh
                  Tên tuổi nửa vinh hiển nửa tối tăm
                  Uống rượu nửa say mới ngon
                  Ngắm hoa bán khai mới đẹp
                  Thuyền giương nửa buồm mới khỏi lật
                  Cuộc đời trăm năm nửa vui nửa khổ
                  Thì hưởng một nửa là thích đáng hơn cả…

                  Tuổi chớm già, trên dưới năm mươi như người xưa nói, là tuổi ” tri thiên mệnh” gẫm không sai. Muốn không tri cũng không được. Tạo hóa sẽ cho ngay một vố để sáng mắt ra. Tục ngữ nói “bốn chín chưa qua năm ba đã tới” là vậy. Người bị cú này, người bị cú khác như một cảnh báo. Đủ rồi. Thôi đi. Chuẩn bị đi. Bác L C, một nhà báo đã bảy mươi lăm tuổi nói với tôi, hồi còn trẻ ông không tin những gì ông bà mình nói, nay thì càng ngẫm càng thấy đúng đến phát sợ. Hình như mọi thứ đều đã được sắp đặt đâu đó rồi, nhất ẩm nhất trác giai do tiền định. Do vậy mà tuổi chớm già thích tìm tới tôn giáo. Nhỏ đọc Khổng, lớn đọc Lão Trang, già nữa thì Lão Trang cũng không đủ mà phải Chúa, phải Phật. Người ta thích tìm đến thiền, đọc thiền, hành thiền. Người ta theo dưỡng sinh, tập khí công, ráng đưa khí vào huyệt đan điền… trong tư thế bán già, kiết già gì gì đó. Một số nhà khoa học đâm ra tin huyền bí, điều mà lúc trẻ họ phản đối quyết liệt. Tôn giáo trở thành niềm an ủi, niềm hạnh phúc của nhiều người. Một số thích đi chùa, lễ Phật, số thích đi nhà thờ, nguyện Chúa và người ta cũng thích làm việc từ thiện. Nhưng nói chung, ở tuổi chớm già, ngươì ta không bám vào những giáo điều cứng nhắc. Người ta có thể hiểu sâu xa hơn ý nghĩa cuả Từ bi, Bác ái. Người ta nhìn đời bằng con mắt cảm thông hơn, độ lượng hơn bởi vì người ta đã từng trải, đã tích lũy nhiều kinh nghiệm sống, người ta đã “tri thiên mệnh”.

                  Ở nông thôn, ngày xưa, người vào tuổi năm mươi đã con đàn cháu đống, ra đường đã có nhiều người gọi là ông, là cụ, và mỗi khi có lễ lạc trong làng họ luôn được ăn trên ngồi trước ( “sống lâu lên lão làng”, “kính lão đắc thọ” ). Nhiều người mới hườm hườm cũng ráng đóng vai già, nói năng điệu bộ cho ra vẻ già khá ngộ nghĩnh. Tuy vậy, nhờ xã hội hóa theo một nếp văn hóa lâu đời ít thay đổi ở nông thôn như vậy, người chớm già dễ dàng chấp nhận và an phận. Đó là ngày xưa. Bây giờ nông thôn cũng đã khác. Người chớm già ở đô thị nói chung thường thích tham gia vào một công việc nào đó của cộng đồng, như tham gia vào một hội đoàn, một câu lạc bộ, là thành viên của hội phụ huynh học sinh, hội chữ thập đỏ , hội từ thiện v.v… Nhờ sinh hoạt trong một tập thể như vậy họ thấy thoải mái, dễ chịu, thấy mình vẫn có ích cho cộng đồng, vẫn có thể đóng góp những kinh nghiệm trong lãnh vực này hay lãnh vực khác. Những người vốn quen với công việc xã hội sẽ thích nghi dễ dàng và hài lòng với công việc mới này, nhưng những người không quen cũng không phải dễ dàng tham gia một cách thoải mái. Một số người tìm kiếm những người bạn cùng sở thích, hợp thành những nhóm nhỏ thân mật, gần gũi, tổ chức những cuộc vui chơi yên tĩnh, hoặc đi đó đi đây, thăm viếng các thắng cảnh, chuà chiền cũng là một cái thú rất tốt. Lúc này họ thường đi với nhau từng nhóm nhỏ mà không đi theo từng gia đình có nhiều thế hệ như trước. Thực ra bọn nhóc cũng đã lớn, có khuynh hướng tách thành từng nhóm riêng của chúng mà không theo cha mẹ nữa.


                  Đỗ Hồng Ngọc
                  (Gió heo may đã về)
                  Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

                  Comment

                  • #10

                    Già Thêm Chút Nữa...






                    Già Thêm Chút Nữa...


                    Nhà văn Võ Hồng ở Nha Trang là một người đặc biệt hóm hỉnh. Cách đây mươi năm, vào tuổi 80, ông kể tôi nghe chuyện người ta tổ chức buổi lễ mừng thọ tuổi bảy mươi của ông rất trang trọng, ai cũng nhắc câu “thất thập cổ lai hy”… Khi đứng lên đáp từ, ông làm bộ đưa tay sờ vào cổ mình và kêu lên đúng là thất thập “cổ” lai hy, rồi ông lần tay xuống ngực: lục thập “ngực” lai hy, ngũ thập… “bụng” lai hy, và … tứ thập… Mọi người phát hoảng rồi cười ầm lên sảng khoái!

                    Tưởng đùa mà thật! Tuổi 60 dễ có những vấn đề tim mạch, tuổi 50 thì gặp những vấn đề tiêu hóa, còn tuổi 40, rõ ràng đã nghe những trục trặc, lôi thôi của gió heo may, “trên bảo dưới không nghe” … như bây giờ người ta thường nói.


                    Khi tôi gởi ông bản thảo “Già ơi… Chào bạn!”, ông cười bảo sau già ơi chào bạn anh sẽ viết tiếp cái gì đây? Có vẻ ông đang tủm tỉm “Chết ơi… chào em!” chăng?

                    Nhưng ông lầm. Sau cái già ơi, người ta chỉ già thêm chút nữa! Sau già thêm chút nữa người ta lại già thêm chút nữa… nữa, rồi lại già thêm chút nữa nữa nữa… Cứ thế.

                    Như bác sĩ Dương Cẩm Chương trả lời tôi năm ngoái: “Chú cảm thấy thế nào trong buổi mừng đại thọ 100 tuổi của chú hôm nay?”. Ông đáp gọn lỏn “Thấy già thêm chút nữa.” Rồi tủm tỉm cười, hơi móm mém một chút so với mấy năm trước. Hổm giờ tôi bận, chưa có dịp đến thăm ông. Nay ông đã 101 tuổi rồi. Già thêm chút nữa rồi! Bác sĩ Thân Trọng Minh, cháu ông, phone tôi báo ông đã hôn mê, bệnh viện ghi “agonisant” (hấp hối) cho về. Hôm kia, hỏi thăm Minh, anh bảo ông Cụ giờ lại khỏe lại. Khi đưa ông về, người nhà mời thầy đến tụng kinh. Ông bỗng ngồi dậy quát hỏi đứa nào bày đặt tụng kinh, muốn cho tao chết sớm hả? Mọi người một phen hoảng vía. Nay thì ông đã tỉnh hẳn, chỉ già thêm chút nữa thôi, vẫn ngồi tiếp Phạm Văn Hạng đến nói chuyện về hội họa…

                    Ủa, còn cái “Chết ơi… chào em!” thì sao? Làm gì có cái chết! Cái chết là của người khác. Làm gì có cái chết riêng mình. Cái chết của ta nếu có thì cũng người khác biết chứ ta đâu có biết? Nói khác đi, ta chẳng chết bao giờ. Không có chuyện chết với ta! Thực ra, ta đã và đang chết từ lúc sinh ra, chết mỗi phút giây, rồi phục sinh, rồi chết, để cuối cùng là đi vào “Như Lai thọ lượng”, nghĩa là vô lượng thọ, “tathagata”, không mất đi đâu cả!

                    Thử xem: cứ mỗi giây, có hằng trăm triệu hồng cầu tự hủy diệt đi để tạo ra hằng trăm triệu hồng cầu mới; cứ mỗi năm ngày, hằng tỷ tế bào nhung mao ở ruột được thay thế bởi hằng tỷ tế bào nhung mao mới… Không có lúc nào ngừng nghỉ cái sự thay đổi đó cả, ngay trong cơ thể ta, trong mỗi sát-na. Còn cái không khí ta hít thở chẳng qua là tự động chạy vào chạy ra trong cơ thể mình, vẫn cứ y nguyên như thế hằng triệu triệu năm qua, chẳng cần biết có ta, chẳng là ta, chẳng của ta. Nó cứ lạnh lùng vào ra như thế hết đời này đến đời khác. Nó chẳng quan tâm ta đang đau khổ hay hạnh phúc, ta đang được yêu thương hay đang… thất tình. Còn cái khối “tứ đại” 60 nguyên tố đồng chì sắt kẽm mangan, ma-nhê, phospho, vôi vữa… kia cứ mãi còn đó, nhào nặn triền miên.

                    Lá cứ rụng rồi lá cứ xanh. Hoa cứ nở rồi hoa cứ tàn. Trăng cứ tròn rồi trăng cứ khuyết…

                    Cho nên, chỉ già thêm chút nữa, rồi già thêm chút nữa… nữa với mỗi người, thế thôi.

                    Đỗ Hồng Ngọc


                    “Già thêm chút nữa…”
                    Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

                    Comment

                    Working...
                    X
                    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom