Giấc mơ hình cánh bướm
Thu Phong
Cả nhà đều thích bướm.
Vợ anh có một bộ sưu tập 6 con bướm, từ rất lâu, hiện vẫn treo nó trong nhà. Có lần, nằm bên anh trên chiếc giường tre, cô ao ước: “Nếu giàu có, mình sẽ cất lại nhà và lập một vườn bướm, anh há?”, “Và em sẽ không cần bộ sưu tập các con bướm bất động nữa?”, “Vâng.”
Link" align="left" border="0" alt="" style="padding:7px;" />Thuở nhỏ, anh thường bắt bướm. Anh thích bướm không phải vì hình dáng, màu sắc của đôi cánh; mà, vì quá trình sinh trưởng kỳ diệu của chúng.
Cũng như hầu hết các cô bé lên mười khác, con anh thích bắt bướm. Nó gọi các con bướm là giấc mơ của nó, giấc mơ mang hình cánh bướm. Có lẽ, với nhiều người, đó là một ý tưởng ngộ nghĩnh, thú vị; với anh, nó đã làm anh chảy nước mắt.
Chuyện bắt đầu từ bữa một con bướm bay qua rào dâm bụt, lượn trên giàn hoa thiên lý, con bướm không giống con nào trong bộ sưu tập của vợ anh: bướm Dẻ Xanh màu nâu thẫm, với cánh sau có đuôi nhỏ. Con gái anh rượt đuổi con bướm, kêu lên: “Mẹ !Bắt nó đi mẹ!” Vợ anh ngăn cản: “Không! Đừng bắt nó, con, nó sẽ chết đấy!”, “Nhưng mẹ cũng giữ những con bướm chết mà ?”, “Đó là việc khác, mẹ không làm chết chúng, chúng đã được ép.” Thấy con gái xịu mặt, vợ anh nói một cách thành thực, hồn nhiên: “Dù sao nhìn bướm bay lượn vẫn thích hơn, có đúng không?”
Con Dẻ Xanh nhởn nhơ bay lên bay xuống, rồi vụt mất. Con gái anh đưa mắt tìm kiếm, luyến tiếc.
Vợ anh vào nhà nấu ăn, anh kéo ghế cùng con gái ngồi ngoài hiên, bắt đầu kể quá trình sinh trưởng của loài bướm: “Bướm mẹ đẻ trứng trên lá cây, trứng biến thành ấu trùng, ấu trùng biến thành nhộng; rồi nhộng hóa thành bướm. Con biết không, con sâu mà con thường thấy trên cây, chính là ấu trùng của bướm.” Con gái anh ngạc nhiên, kêu lên: “Bố nói con bướm đẹp đẽ chính là con sâu xấu xí sao?”. Anh gật đầu: “Đúng thế! Người ta gọi sự biến đổi ấy là cuộc hoá thân; đó là điều kỳ diệu nhất của thiên nhiên…”
Đôi mắt con gái anh tròn xoe, nó nhìn một lượt giàn thiên lý, cây nguyệt quế, mai, dâm bụt…rồi bỏ chạy ra vườn, nơi con bướm thoắt ẩn thoắt hiện.
Vài ngày sau, trong lúc vợ anh về thành phố thăm ngoại, anh để ý con gái anh nhiều lần chạy ra luống cải, vạch lá tìm kiếm cái gì đấy. Anh bước đến bên con, hỏi: “Con tìm gì đấy?” Con gái anh nghiêng người nói nhỏ ra vẻ bí mật: “Bố! Bố ngồi xuống đây, con cho bố xem cái này!” Anh ngồi xổm bên cây cải có một chiếc lá bị sâu ăn lỗ chỗ. Cô bé nói: “Bố đừng cho ai biết và hứa để cho nó yên, nhé? Đây là bí mật chỉ có con và bố biết thôi, bố nhé?” Anh gật đầu nói ừ. Cô bé đưa tay chỉ vào một con sâu nhỏ màu xanh lục hơi xám với những dấu màu vàng và đen, có lông ngắn màu trắng. Anh nhận ra đó là một con sâu cải thường gặp thuở nhỏ ở thôn quê. Loài sâu này đục những lỗ lớn trong lá, phá hoại rất dữ. Anh bước vội đến các cây cải khác. Những chiếc lá nguyên vẹn, xanh tươi xòe quanh thân cải đã bắt đầu nhú cuống bông. Anh vạch thử vài chiếc lá, không thấy một con sâu nào. “Con bắt nó ở vườn cải nhà bạn”, con gái anh giải thích. Anh gật gù, hiểu ra, nhưng không khỏi ngạc nhiên, hỏi: “Con không sợ sâu à?” Cô bé lắc đầu.
Anh lấy một cái thùng giấy, xé bỏ phần đáy, tròng vào cây cải có con sâu.
Hôm sau, vừa thức dậy, con gái anh đã đòi ra thăm con sâu. Nhưng trời còn tối nên họ không nhìn thấy nó.
Hai cha con vun gốc cho luống cải. Con gái anh hỏi: “Bố ơi, con sâu cũng giống như cô bé Lọ Lem, bố nhỉ?”, “Sao con nghĩ vậy?”, “Cô bé Lọ Lem nghèo hèn, lem luốc xấu xí bỗng trở thành giàu sang đẹp đẽ, cưới được Hoàng tử…”
Anh dừng tay, sững sờ. Con gái anh được bạn học và lũ trẻ trong làng gọi là cô bé Lọ Lem, có lẽ vì là con nhà nghèo, gầy ốm, đen đủi, luôn mặc áo quần cũ kỹ. Chắc nó nhiều lần mơ ước được như cô bé Lọ Lem trong truyện, biến thành một công nương xinh đẹp, giàu sang, khoác bộ cánh lộng lẫy. “Nó sẽ như thế nào hở bố?”, con gái anh hỏi. “Nó sẽ trở thành một con bướm cánh trắng, đầu mút cánh màu đen, có một dấu đen trên mép trước của cánh sau…”. “Hay quá! Con thích bướm trắng!”, con gái anh reo lên.
Thỉnh thoảng con gái anh chạy đến chổ cây cải có con sâu. Khi trời đủ sáng có thể nhìn thấy con sâu, cô bé gọi anh đến.
Con sâu lớn rất nhanh. Nó bám chặc vào chiếc lá đầy lỗ trống, bất động. “Nó còn đang ngủ đấy bố ạ”, con gái anh nhìn con sâu, nói; rồi ngước nhìn anh, đôi mắt mở to trên gương mặt hốc hác vì thiếu dinh dưỡng: “Bố ơi, sâu có nằm mơ không bố?”
Anh nhìn chăm chăm vào con sâu. Đúng thế, con sâu có vẻ như đang ngủ vùi. Anh hôn lên mái tóc rối và khét nắng của con, nói: “Có, nó có nằm mơ, nó mơ giấc mơ có thực…” Im lặng một lát, anh đứng lên, nhìn cảnh vật mờ trong sương sớm, lẩm bẩm: “Nó nhìn thấy kiếp sau đẹp đẽ: từ một ấu trùng hình ống nhiều khoang với những đôi chân ngắn mọc từ thân mềm oặt đầy lông, xấu xí, ghê tởm nhất, nó hoá thành bướm với đôi cánh mỏng đầy màu sắc đẹp mộng mị nhất.”
Chăm sóc vườn rau xong, con gái anh giúp anh tưới nước cho cây trong vườn, rồi quay vào nhà chiên cơm. Hai cha con ăn sáng, ra vườn làm cỏ đến trưa. Sau khi ăn trưa, anh chở con đi học ở trường cách nhà hơn 5 cây số.
Sáng sớm hôm sau, vừa thức dậy, con gái anh nói: “ Bố ơi, tối qua con nằm mơ?”, “Con thấy gì?”, “Con thấy mình mọc đôi cánh bướm!”
Cũng như con gái, anh hồi hộp theo dõi quá trình biến đổi của con sâu. Anh biết nó đổi lớp nhiều lần, vóc dáng thay đổi lớn lao sau mỗi lần thay lớp. Anh chờ đợi giây phút nó hôn mê, trở thành con nhộng với lớp da cứng cáp dần; để rồi cuối cùng hoàn tất cuộc hoá thân kỳ diệu.
*
Chở bao phân về, anh nhìn thấy vợ anh đang lui cui bên các luống cải. Cô đã về. Anh dựng chiếc xe đạp cũ trong sân, dỡ bao phân xuống, hấp tấp bước ra vườn.
Đúng như anh nghĩ, vợ anh đã nhổ bỏ cây cải ấy. “Anh xem, cũng may là em phát hiện kịp, nếu không cả luống cải bị sâu phá hết rồi…mà không biết ai đã dựng các miếng các-tông che cây cải lại như thế này”, “Anh đấy…Anh muốn ngăn không cho sâu phá hoại các cây khác…”, “Sao anh không giết nó đi?”
Anh cúi xuống, nhặt cây cải bị sâu ăn gần như trụi lá, tìm kiếm con sâu; nhưng không thấy. Không, nó chưa kịp hoá thành bướm, anh nghĩ thầm. “Em đã giết nó?”, “Không có anh, em đành phải làm việc ấy chứ sao, ghê thấy mồ!” Anh thốt lên: “Em…” Anh định nói với vợ anh rằng nó sẽ là một con bướm mà cô rất thích; tuy nhiên, anh im lặng. Trong trường hợp này, đó sẽ là một lời trách móc. Anh không thể trách vợ. Những cây cải, cũng như cây ớt, bụi hành góp phần làm nên bữa ăn đạm bạc của gia đình.
Anh thẫn thờ bước đi dọc luống cải, hình dung con gái sẽ phản ứng thế nào khi đi học về không nhìn thấy con sâu. Mấy ngày nay con sâu ấy không còn là một con vật gớm ghiếc, mà là niềm vui, là hy vọng, là ước mơ của con anh, một mơ ước có hình dáng đôi cánh bướm.
Anh thở dài, nói với vợ anh: “Em biết con sâu ấy ỏ đâu ra không?” Vợ anh nhìn anh, chau mày, lắc đầu. Anh bảo với cô anh sẽ nói bí mật ấy với một điều kiện. Vợ anh hứa. Và rồi, anh bắt đầu kể…
*
Chiều xuống, cả gia đình ngồi bên luống rau.
“Nó đã hoá bướm, và đã bay đi con ạ. Từ cây cải, nó bay lên, chờn vờn trên các bông huệ đất, bông cúc của con rồi bay vào sân…”, anh kể lại cho con gái . “Rồi nó bay đi đâu nữa, hở bố?”, “Nó bay vào cửa sổ, đậu trên ngăn sách bàn học của con“, “Nó bay vào chỗ của con?”, “Ừ!”, “Nó làm gì ở đấy, hở bố?”
Vợ anh lên tiếng: “Có lẽ nó muốn cám ơn con, và muốn từ giã con.”
Con anh nhìn ra sân, mắt ánh lên vẻ xa xăm, lẩm bẩm: “Tiếc là con không có ở nhà, không được nhìn thấy nó.”
Cả ba đứng lên. Vợ anh nói: “Bố định bắt nó cho con”. Anh tiếp lời vợ: “Nhưng mẹ ngăn lại, vì mẹ sợ nó chết, con biết đấy …”, “Trông nó thế nào, bố?”, “Nó màu trắng, phơi phới, vui tươi…”,“Y hệt như bố đã mô tả cho con à?” Anh gật đầu.
Con gái anh im lặng, có vẻ như suy nghĩ. Một lát, nó nói: “Những con sâu không bao giờ buồn, bố nhỉ?” Vợ anh âu yếm hỏi: “Tại sao con nghĩ thế? Con gái anh trả lời: “Vì nó biết chắc là nó sẽ thành bướm.”
Vợ anh nhìn anh; rồi vuốt tóc con, hỏi: “Thế còn cô bé Lọ Lem”
Anh quỳ xuống, nắm bàn tay sớm chai sạn của con gái bé bỏng: “Cô bé ấy cũng không bao giờ buồn, đúng không?” Con gái anh gật đầu: “Vâng ạ.”
Anh đứng lên. Ba người ôm lấy nhau một lát. Rồi anh cúi xuống nhặt nón lá đưa cho vợ, sửa lại chiếc nón nỉ cũ kỹ trên đầu con gái, cầm lấy cuốc, nói “Ta vào nhà thôi.” Vợ anh nói: “Phải rồi, mẹ còn phải nấu cơm chiều…Ờ, bà ngoại có gởi cho con cái bánh kem vì con học giỏi đấy!”
Ba người cùng bước về nhà.
Sau lưng họ, trên các ngọn cây, các luống hoa cải, nắng chiều trải lên lớp ánh vàng rực rỡ.
Chợt con gái anh dừng bước, ngoảnh đầu nhìn lại. Nhìn theo hướng nhìn con gái, anh thấy dưới tàng lá nhiều đóm nắng nhảy múa tựa những cánh bướm bay lượn.
Thu Phong
Nhìn về phía ánh mặt trời, các bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.
- Whitman
- Whitman
Cả nhà đều thích bướm.
Vợ anh có một bộ sưu tập 6 con bướm, từ rất lâu, hiện vẫn treo nó trong nhà. Có lần, nằm bên anh trên chiếc giường tre, cô ao ước: “Nếu giàu có, mình sẽ cất lại nhà và lập một vườn bướm, anh há?”, “Và em sẽ không cần bộ sưu tập các con bướm bất động nữa?”, “Vâng.”
Cũng như hầu hết các cô bé lên mười khác, con anh thích bắt bướm. Nó gọi các con bướm là giấc mơ của nó, giấc mơ mang hình cánh bướm. Có lẽ, với nhiều người, đó là một ý tưởng ngộ nghĩnh, thú vị; với anh, nó đã làm anh chảy nước mắt.
Chuyện bắt đầu từ bữa một con bướm bay qua rào dâm bụt, lượn trên giàn hoa thiên lý, con bướm không giống con nào trong bộ sưu tập của vợ anh: bướm Dẻ Xanh màu nâu thẫm, với cánh sau có đuôi nhỏ. Con gái anh rượt đuổi con bướm, kêu lên: “Mẹ !Bắt nó đi mẹ!” Vợ anh ngăn cản: “Không! Đừng bắt nó, con, nó sẽ chết đấy!”, “Nhưng mẹ cũng giữ những con bướm chết mà ?”, “Đó là việc khác, mẹ không làm chết chúng, chúng đã được ép.” Thấy con gái xịu mặt, vợ anh nói một cách thành thực, hồn nhiên: “Dù sao nhìn bướm bay lượn vẫn thích hơn, có đúng không?”
Con Dẻ Xanh nhởn nhơ bay lên bay xuống, rồi vụt mất. Con gái anh đưa mắt tìm kiếm, luyến tiếc.
Vợ anh vào nhà nấu ăn, anh kéo ghế cùng con gái ngồi ngoài hiên, bắt đầu kể quá trình sinh trưởng của loài bướm: “Bướm mẹ đẻ trứng trên lá cây, trứng biến thành ấu trùng, ấu trùng biến thành nhộng; rồi nhộng hóa thành bướm. Con biết không, con sâu mà con thường thấy trên cây, chính là ấu trùng của bướm.” Con gái anh ngạc nhiên, kêu lên: “Bố nói con bướm đẹp đẽ chính là con sâu xấu xí sao?”. Anh gật đầu: “Đúng thế! Người ta gọi sự biến đổi ấy là cuộc hoá thân; đó là điều kỳ diệu nhất của thiên nhiên…”
Đôi mắt con gái anh tròn xoe, nó nhìn một lượt giàn thiên lý, cây nguyệt quế, mai, dâm bụt…rồi bỏ chạy ra vườn, nơi con bướm thoắt ẩn thoắt hiện.
Vài ngày sau, trong lúc vợ anh về thành phố thăm ngoại, anh để ý con gái anh nhiều lần chạy ra luống cải, vạch lá tìm kiếm cái gì đấy. Anh bước đến bên con, hỏi: “Con tìm gì đấy?” Con gái anh nghiêng người nói nhỏ ra vẻ bí mật: “Bố! Bố ngồi xuống đây, con cho bố xem cái này!” Anh ngồi xổm bên cây cải có một chiếc lá bị sâu ăn lỗ chỗ. Cô bé nói: “Bố đừng cho ai biết và hứa để cho nó yên, nhé? Đây là bí mật chỉ có con và bố biết thôi, bố nhé?” Anh gật đầu nói ừ. Cô bé đưa tay chỉ vào một con sâu nhỏ màu xanh lục hơi xám với những dấu màu vàng và đen, có lông ngắn màu trắng. Anh nhận ra đó là một con sâu cải thường gặp thuở nhỏ ở thôn quê. Loài sâu này đục những lỗ lớn trong lá, phá hoại rất dữ. Anh bước vội đến các cây cải khác. Những chiếc lá nguyên vẹn, xanh tươi xòe quanh thân cải đã bắt đầu nhú cuống bông. Anh vạch thử vài chiếc lá, không thấy một con sâu nào. “Con bắt nó ở vườn cải nhà bạn”, con gái anh giải thích. Anh gật gù, hiểu ra, nhưng không khỏi ngạc nhiên, hỏi: “Con không sợ sâu à?” Cô bé lắc đầu.
Anh lấy một cái thùng giấy, xé bỏ phần đáy, tròng vào cây cải có con sâu.
Hôm sau, vừa thức dậy, con gái anh đã đòi ra thăm con sâu. Nhưng trời còn tối nên họ không nhìn thấy nó.
Hai cha con vun gốc cho luống cải. Con gái anh hỏi: “Bố ơi, con sâu cũng giống như cô bé Lọ Lem, bố nhỉ?”, “Sao con nghĩ vậy?”, “Cô bé Lọ Lem nghèo hèn, lem luốc xấu xí bỗng trở thành giàu sang đẹp đẽ, cưới được Hoàng tử…”
Anh dừng tay, sững sờ. Con gái anh được bạn học và lũ trẻ trong làng gọi là cô bé Lọ Lem, có lẽ vì là con nhà nghèo, gầy ốm, đen đủi, luôn mặc áo quần cũ kỹ. Chắc nó nhiều lần mơ ước được như cô bé Lọ Lem trong truyện, biến thành một công nương xinh đẹp, giàu sang, khoác bộ cánh lộng lẫy. “Nó sẽ như thế nào hở bố?”, con gái anh hỏi. “Nó sẽ trở thành một con bướm cánh trắng, đầu mút cánh màu đen, có một dấu đen trên mép trước của cánh sau…”. “Hay quá! Con thích bướm trắng!”, con gái anh reo lên.
Thỉnh thoảng con gái anh chạy đến chổ cây cải có con sâu. Khi trời đủ sáng có thể nhìn thấy con sâu, cô bé gọi anh đến.
Con sâu lớn rất nhanh. Nó bám chặc vào chiếc lá đầy lỗ trống, bất động. “Nó còn đang ngủ đấy bố ạ”, con gái anh nhìn con sâu, nói; rồi ngước nhìn anh, đôi mắt mở to trên gương mặt hốc hác vì thiếu dinh dưỡng: “Bố ơi, sâu có nằm mơ không bố?”
Anh nhìn chăm chăm vào con sâu. Đúng thế, con sâu có vẻ như đang ngủ vùi. Anh hôn lên mái tóc rối và khét nắng của con, nói: “Có, nó có nằm mơ, nó mơ giấc mơ có thực…” Im lặng một lát, anh đứng lên, nhìn cảnh vật mờ trong sương sớm, lẩm bẩm: “Nó nhìn thấy kiếp sau đẹp đẽ: từ một ấu trùng hình ống nhiều khoang với những đôi chân ngắn mọc từ thân mềm oặt đầy lông, xấu xí, ghê tởm nhất, nó hoá thành bướm với đôi cánh mỏng đầy màu sắc đẹp mộng mị nhất.”
Chăm sóc vườn rau xong, con gái anh giúp anh tưới nước cho cây trong vườn, rồi quay vào nhà chiên cơm. Hai cha con ăn sáng, ra vườn làm cỏ đến trưa. Sau khi ăn trưa, anh chở con đi học ở trường cách nhà hơn 5 cây số.
Sáng sớm hôm sau, vừa thức dậy, con gái anh nói: “ Bố ơi, tối qua con nằm mơ?”, “Con thấy gì?”, “Con thấy mình mọc đôi cánh bướm!”
Cũng như con gái, anh hồi hộp theo dõi quá trình biến đổi của con sâu. Anh biết nó đổi lớp nhiều lần, vóc dáng thay đổi lớn lao sau mỗi lần thay lớp. Anh chờ đợi giây phút nó hôn mê, trở thành con nhộng với lớp da cứng cáp dần; để rồi cuối cùng hoàn tất cuộc hoá thân kỳ diệu.
*
Chở bao phân về, anh nhìn thấy vợ anh đang lui cui bên các luống cải. Cô đã về. Anh dựng chiếc xe đạp cũ trong sân, dỡ bao phân xuống, hấp tấp bước ra vườn.
Đúng như anh nghĩ, vợ anh đã nhổ bỏ cây cải ấy. “Anh xem, cũng may là em phát hiện kịp, nếu không cả luống cải bị sâu phá hết rồi…mà không biết ai đã dựng các miếng các-tông che cây cải lại như thế này”, “Anh đấy…Anh muốn ngăn không cho sâu phá hoại các cây khác…”, “Sao anh không giết nó đi?”
Anh cúi xuống, nhặt cây cải bị sâu ăn gần như trụi lá, tìm kiếm con sâu; nhưng không thấy. Không, nó chưa kịp hoá thành bướm, anh nghĩ thầm. “Em đã giết nó?”, “Không có anh, em đành phải làm việc ấy chứ sao, ghê thấy mồ!” Anh thốt lên: “Em…” Anh định nói với vợ anh rằng nó sẽ là một con bướm mà cô rất thích; tuy nhiên, anh im lặng. Trong trường hợp này, đó sẽ là một lời trách móc. Anh không thể trách vợ. Những cây cải, cũng như cây ớt, bụi hành góp phần làm nên bữa ăn đạm bạc của gia đình.
Anh thẫn thờ bước đi dọc luống cải, hình dung con gái sẽ phản ứng thế nào khi đi học về không nhìn thấy con sâu. Mấy ngày nay con sâu ấy không còn là một con vật gớm ghiếc, mà là niềm vui, là hy vọng, là ước mơ của con anh, một mơ ước có hình dáng đôi cánh bướm.
Anh thở dài, nói với vợ anh: “Em biết con sâu ấy ỏ đâu ra không?” Vợ anh nhìn anh, chau mày, lắc đầu. Anh bảo với cô anh sẽ nói bí mật ấy với một điều kiện. Vợ anh hứa. Và rồi, anh bắt đầu kể…
*
Chiều xuống, cả gia đình ngồi bên luống rau.
“Nó đã hoá bướm, và đã bay đi con ạ. Từ cây cải, nó bay lên, chờn vờn trên các bông huệ đất, bông cúc của con rồi bay vào sân…”, anh kể lại cho con gái . “Rồi nó bay đi đâu nữa, hở bố?”, “Nó bay vào cửa sổ, đậu trên ngăn sách bàn học của con“, “Nó bay vào chỗ của con?”, “Ừ!”, “Nó làm gì ở đấy, hở bố?”
Vợ anh lên tiếng: “Có lẽ nó muốn cám ơn con, và muốn từ giã con.”
Con anh nhìn ra sân, mắt ánh lên vẻ xa xăm, lẩm bẩm: “Tiếc là con không có ở nhà, không được nhìn thấy nó.”
Cả ba đứng lên. Vợ anh nói: “Bố định bắt nó cho con”. Anh tiếp lời vợ: “Nhưng mẹ ngăn lại, vì mẹ sợ nó chết, con biết đấy …”, “Trông nó thế nào, bố?”, “Nó màu trắng, phơi phới, vui tươi…”,“Y hệt như bố đã mô tả cho con à?” Anh gật đầu.
Con gái anh im lặng, có vẻ như suy nghĩ. Một lát, nó nói: “Những con sâu không bao giờ buồn, bố nhỉ?” Vợ anh âu yếm hỏi: “Tại sao con nghĩ thế? Con gái anh trả lời: “Vì nó biết chắc là nó sẽ thành bướm.”
Vợ anh nhìn anh; rồi vuốt tóc con, hỏi: “Thế còn cô bé Lọ Lem”
Anh quỳ xuống, nắm bàn tay sớm chai sạn của con gái bé bỏng: “Cô bé ấy cũng không bao giờ buồn, đúng không?” Con gái anh gật đầu: “Vâng ạ.”
Anh đứng lên. Ba người ôm lấy nhau một lát. Rồi anh cúi xuống nhặt nón lá đưa cho vợ, sửa lại chiếc nón nỉ cũ kỹ trên đầu con gái, cầm lấy cuốc, nói “Ta vào nhà thôi.” Vợ anh nói: “Phải rồi, mẹ còn phải nấu cơm chiều…Ờ, bà ngoại có gởi cho con cái bánh kem vì con học giỏi đấy!”
Ba người cùng bước về nhà.
Sau lưng họ, trên các ngọn cây, các luống hoa cải, nắng chiều trải lên lớp ánh vàng rực rỡ.
Chợt con gái anh dừng bước, ngoảnh đầu nhìn lại. Nhìn theo hướng nhìn con gái, anh thấy dưới tàng lá nhiều đóm nắng nhảy múa tựa những cánh bướm bay lượn.