Lão Dậu tò he
Nguyễn Chính
Nguyễn Chính
***
Làng Tó nằm bên sông Giang thuộc vùng “chiêm khô, mùa thối”, từ xa xưa đã nghèo. Cứ liên miên mãi hết chiến tranh này đến chiến tranh khác, nên làng Tó lại càng nghèo. Lão Dậu mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bị tật bẩm sinh, bước đi khập khiễng vì cẳng chân trái chỉ nhỏ bằng cái ống điếu. Lão ở chăn trâu cho nhà cụ Bá Mật. Mang tiếng là giàu nhất nhì làng Tó, nhưng nhà cụ Bá Mật cũng chỉ có vài mẫu ruộng và mươi con trâu. Tuy chỉ là đứa ở, nhưng chăm chỉ, lại thật thà chịu khó, nên Dậu được cả nhà cụ Bá Mật thương, chẳng phân biệt đối xử gì. Cụ Bá Mật có người con trai đầu là Bân cùng trạc tuổi Dậu, sau này khi lập gia đình thường gọi là Trưởng Bân. Ngày ngày, Dậu và Bân cùng đi thả trâu, thân thiết chẳng khác gì anh em. Người làng Tó dựng vợ, gả chồng cho con cái sớm lắm. Chưa đầy mười tám tuổi, Bân đã có vợ. Còn Dậu, tuy khỏe mạnh, tốt tính thật, nhưng vì có tật nên nhà nào có con gái cũng ái ngại. Vậy mà không hiểu sao hồi ấy, mẹ thằng Thực lại bằng lòng lấy Dậu. Cụ Bá Mật mừng lắm, cho gọi Dậu lên, bảo :
- Nó hơn mày hai tuổi cũng không sao. Gái hơn hai, giai hơn một là chuyện thường. Cốt là ở sự hòa thuận, cùng bảo ban nhau mà làm ăn. Vậy là mày có phúc rồi, nếu mày chịu, ông sẽ cưới cho.
Có vợ rồi, Dậu được cụ Bá Mật cho một con trâu cùng sào rưỡi ruộng và được ra ở riêng. Cuộc sống tuy nghèo, nhưng đang an bình thì chiến tranh tràn đến. Việt Minh đuổi Pháp, rồi Pháp lại đuổi Việt Minh. Dân làng Tó tan tác, kẻ chạy ngược, người chạy xuôi. Vợ chồng Dậu tản cư lên ngả Hòa Bình. Thằng Thực vừa được sinh ra đã phải mồ côi mẹ, đúng vào những ngày chạy giặc khốn khổ ấy. Đó là giữa năm 1950. Khỏi phải nói những ngày tháng sau đó, Dậu đã phải một mình gà trống nuôi con cơ cực như thế nào. Thằng bé khát sữa cứ khóc ngằn ngặt. Dậu tập tễnh bế con đi hết bản này, đến bản khác xin người ta cho nó bú nhờ. Rồi cháo, rồi bột … Rồi địu con trên lưng, ai cần việc gì cũng gắng làm, vừa để kiếm sống qua ngày, vừa có chút tiền gom vào gửi người ta mua sữa. Nhờ giời, thằng bé hay ăn, mau lớn và cũng không hay ốm vặt, tối tối cứ rúc vào nách bố ngủ ngon lành. Cứ thế, thằng Dậu nhờ vào hơi ấm của bố nó mà lớn lên …
Khi Dậu dẫn con về lại làng Tó, thì thằng Thực đã được hơn ba tuổi. Bố con lếch thếch vừa đi, vừa nghỉ suốt mấy ngày liền. Thằng Thực lon ton lúc chạy, lúc lại được bố cõng trên lưng, cho ngồi lên cổ, về đến đầu làng thì trời đã tối mịt. Cả làng tối thui, chẳng thấy bóng người, chỉ nghe ran ran tiếng chó sủa, khiến thằng Thực sợ hãi cứ ôm riết lấy cổ bố. Căn nhà mái rạ bé tý của vợ chồng Dậu ngày nào đã biến mất, còn trơ ra cái nền đất lạnh ngắt trong ánh sáng lập lòe của lũ đom đóm. Lặng đi một lát, rồi Dậu cõng con lần mò đến nhà cụ Bá Mật. Cổng nhà cụ Bá Mật chỉ còn một cánh, mở toang. Nhà trên tối om . Nhà bếp phía dưới leo lét ngọn đèn dầu, lố nhố những bóng người. Chuồng trâu trống hoác. Thảo nào không thấy tiếng chúng cọ sừng vào cột chuồng sồn sột, hay quất đuôi xua muỗi đen đét …
- Cụ ơi ! Con đây cụ ơi ! - Dậu hấp tấp gọi liền mấy tiếng.
- Ôi ! chú Dậu, cả nhà ta ơi chú Dậu về này. Cả con chú ấy nữa này.
- Anh Bân ! chào bác Bân đi con !
Thằng Thực vẫn chưa hết sợ, nói lý nhí, chẳng nghe ra câu gì. Trưởng Bân bế thốc nó vào nhà :
- Vào trong này, vào trong này, thế là cu Mía có bạn chơi rồi đây.
Ngọn đèn dầu đã được vặn to lên. Dậu giật mình , khi nhìn thấy cái bàn thờ sơ sài ở gian giữa bếp có đồ thờ cúng trắng toát.
- Bác ơi, cụ đã …
Trưởng Bân buồn rầu :
- Ừ ! Thầy tôi đi rồi chú ạ, vừa qua bốn chín ngày. Chuyện dài lắm để nói sau. Thế thím ấy đâu, không về cùng à ? Sao, chú nói sao, thím ấy mất khi nào, làm sao mà mất ?
Chỉ mới nghe Dậu kể sơ qua, Trưởng Bân đã hiểu cả, nói sau tiếng thở dài :
- Thật tội nghiệp cho thím ấy, tội nghiệp cho bố con nhà chú. Thôi đã về rồi thì đừng đi đâu nữa, no đói gì, ở làng cũng vẫn hơn.
- Sao không để bàn thờ cụ ở nhà trên hở bác ?
- Chú ơi ! Vì bị quy là địa chủ nên nhà trên bị Đội cải cách niêm phong rồi, mọi thứ trong nhà đều bị tịch thu hết, đang chờ chia quả thực.
Mãi mấy hôm sau Trưởng Bân mới nói cho Dậu biết, cha mình vì bị đấu tố oan ức quá, nên đã uống thuốc chuột tự tử. Dậu nghĩ mà thương cụ Bá Mật quá. Ngày vợ chồng Dậu đến chào để chạy tản cư, cụ vẫn là một lực điền khỏe như vâm, vậy mà …
Trưởng Bân cũng có cậu con trai hơn thằng Thực gần một tuổi, được ông nội đặt tên là cu Mía. Hai đứa thân nhau ngay, suốt ngày tha thẩn đánh bi, bắt dế … Cho đến một hôm Dậu được tay đội trưởng cải cách gọi đến :
- Anh đi ở cho nhà địa chủ gian ác Bá Mật từ bao giờ ?
- Thưa , từ nhỏ.
- Cẳng chân anh tại sao lại bên bé bên to, đích thị là bị Bá Mật nó đánh đến thành tật như thế phải không ?
- Không ! hoàn toàn không ! Cụ chưa bao giờ đánh tôi – Dậu gay gắt cãi.
Người đội trưởng liền đập tay xuống bàn :
- Cụ, cụ cái gì. Không được gọi địa chủ là cụ. Nó ác như quỷ, nó đánh cho đến thọt cả chân, mà còn cụ, cụ …
- Không phải ! Chân tôi từ ngày cha mẹ sinh ra đã thế. Không tin, xin ông đội cứ đi mà hỏi cả làng. Cụ Bá Mật là người tốt. Cụ chẳng đánh ai bao giờ. Tôi không thể vu oan cho cụ…
Viên đội trưởng cải cách lại đập bàn cắt lời Dậu, quát lớn :
- Im ngay ! Tôi cấm anh không được gọi địa chủ là cụ.
- Nhưng cụ Bá Mật còn nhiều tuổi hơn cả bố tôi.
- Nhiều hơn, nhưng nó là địa chủ. Anh hiểu chưa ?
- Địa chủ thì địa chủ, tôi cũng không thể hỗn, thể láo với cụ được.
- Đấy ! lại cụ, cụ …
Rồi cả hai đều im lặng. Lát sau viên đội trưởng hạ giọng, nhưng vẫn đầy vẻ hách dịch :
- Anh Dậu ! Anh nghe đây, đội đã chọn anh làm cốt cán …
- Làm cốt cán là đi làm cái giống gì ? – Dậu hốt hoảng cắt ngang.
- Anh là đứa ở cho nhà nó lâu. Anh biết rõ nhiều chuyện. Anh phải tố giác những việc làm bóc lột nông dân, độc ác quỷ quyệt của nó …
- Nhưng người ta chết rồi.
- Chết rồi cũng phải tố cho nó lòi cái mặt giả nhân, giả nghĩa, tiếp tay cho phong kiến, đế quốc sài lang, nhằm chống đối cách mạng thế giới của nó ra. Anh sẽ được chia quả thực.
- Thế thì xin ông đội tìm người khác. Tôi không cần nhận quả thực, quả thiếc gì sốt. Tôi cũng không làm cốt cán được, không nói điều thất đức được.
- Hừ ! giỏi. Thế thì anh giỏi thật, dám chống lại đội thì rõ là to gan. Được, chúng tôi sẽ có biện pháp với anh. Kể từ hôm nay, bố con nhà anh không được ở trong nhà địa chủ Bá Mật, để bàn tính chuyện chống phá cách mạng thế giới với thằng Trưởng Bân con nó được nữa. Anh rõ chưa ? Thôi cho anh về.
Nói là làm. Ngay trưa hôm đó, viên đội trưởng đã cho hai du kích đến dẫn bố con Dậu ra ở một góc đình làng Tó, nơi từ mấy tháng qua đã bị biến thành chỗ nhốt trâu bò, lợn, gà tịch thu được của mấy nhà bị quy là địa chủ. Hồi ấy, quyền sinh, quyền sát của mấy anh đội cải cách ghê gớm đến mức được coi là lớn hơn cả giời, nên mới có câu “nhất đội, nhì giời”. Lão Dậu cũng tin như thế. Đúng là một lũ mù quáng u mê. Mãi đến những năm sau này, lão mới tỉnh ra rằng, giời cao vòi vọi chín mười tầng mây, đến bố bảo chúng nó cũng không dám cao hơn. Lưỡi tầm sét sẽ đánh chết tươi ngay đứa nào trái ý. Còn cái ý ấy nó to,bé, dài, ngắn,thơm, thối thế nào, thì trình độ mới tốt nghiệp bình dân học vụ của lão, làm sao mà cắt nghĩa cho người ta hiểu được ?
Lạy Chúa, những ngày điên điên, khùng khùng ấy rồi cũng nặng nề trôi qua. Dân làng Tó lại xúm nhau dựng cho bố con Dậu căn nhà mái rạ trên nền cũ. Bàn thờ cụ Bá Mật cũng đã được chuyển lên nhà trên. Ngày ngày, bếp của mỗi nhà dân trong làng lại mấy lần đỏ lửa. Bữa ăn tuy một phần gạo phải độn đến mấy phần khoai, sắn, nhưng cứ được an bình, không có giặc là sướng rồi. Thằng Thực và cu Mía cùng đi thả trâu, cùng học một lớp. Càng lớn lên, chúng càng thương nhau như anh em. Hai đứa cùng nhổ dò bằng nhau như đôi đũa. Vào cấp ba, phải đi học tận thị trấn cách nhà những hơn chục cây số, hai đứa vẫn cùng ở trọ một nhà, cùng góp gạo thổi cơm chung, đến quần áo cũng mặc chung. Cu Mía còn làm bí thư chi đoàn của lớp. Nó vừa hát hay, lại vừa hay hát và thiên về các môn xã hội, nên muốn trở thành nhà văn. Còn thằng Thực lại yêu thích các môn tự nhiên, nhất là môn sinh vật, mơ sau này được làm bác sỹ … Khi máy bay Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, thì hai đứa vừa nhận được bằng tốt nghiệp lớp mười. Một hôm, cu Mía hồ hởi chạy đến tìm thằng Thực :
- Này ! Tớ xung phong đi bộ đội ngay đợt này, đằng ấy đi cùng tớ không ?
- Đi ngay đợt này à ? Sợ thầy tớ không chịu.
- Có gì mà không chịu. Trai thời loạn, gái thời bình. Thầy cậu sẽ không cản đâu. Hôm dự lớp học chính trị trên tỉnh, nghe anh bí thư tỉnh đoàn nói, mình thấy chí lý lắm.
- Nói sao ?
- Lý tưởng của thanh niên phải là lý tưởng Cộng sản. Nợ nước, thù nhà thì phải trả. Đại khái anh ấy nói nhiều lắm. Khi viết thu hoạch bài giảng tớ đã liên hệ rằng, ông nội tôi chết oan ức cũng vì bọn phong kiến, đế quốc. Chúng đối xử với đồng loại như loài cầm thú. Bạn tôi, tức là cậu đấy, vừa lọt lòng đã phải mồ côi mẹ, cũng là vì bè lũ đế quốc, tư bản độc ác. À này, tớ vừa học thuộc được mấy bài hát. Bài nào cũng hay hết ý. Đằng ấy nghe thử nhé, tất nhiên là tớ hát chưa được đúng nhạc lắm.
Và, cu Mía lên giọng hát rất hồn nhiên :
“ Có những ngày vui sao cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre, từng hồi trống dục …” và “ Đường ra trận mùa này đẹp lắm…”. Rồi “đi ta đi, những trai làng Phù Đổng, còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân…”. À này, đằng ấy có nhớ câu nói của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, vị cha già của dân tộc ta chứ ? Bác đã nói là “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho được tự do, độc lập”. Riêng với nhà thơ Tố Hữu, một đại thi hào minh họa của cách mạng, thì được ra trận là hồ hởi lắm, sướng lắm, nên ông đã có câu thơ được coi là ngang tầm thời đại “ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai …”. Thế đấy, đằng ấy thấy chưa …
Thế là, giữa tháng 5 năm 1970, trong khí thế đầy phấn khích và bừng bừng hứng khởi như vậy, thằng Thực và thằng cu Mía làng Tó đã cùng xung phong nhập ngũ để được ra mặt trận.
***
Qua những ngày cố gượng vui, gượng cười cho con yên tâm cùng bạn bè ra đi, lão Dậu đổ sụp như cây chuối già sau trận bão, hết tập tễnh ra sân lại vào nhà, ngồi xuống ghế, nằm ra giường, rồi lại nhổm dậy. Tay chân lão cứ đờ đẫn không thể nào mó mẩn được cái gì, mồm miệng nhạt thếch, niêu cơm chỉ bé bằng quả quýt mà ăn mấy bữa không hết. Trưởng Bân bây giờ đã là đội trưởng sản xuất, thỉnh thoảng thường ghé qua nói dăm ba câu chuyện, nên dần dà lão cũng nguôi ngoai. Có lần Trưởng Bân đột ngột hỏi :
- Chú Dậu sinh sau tôi có vài tháng. Vậy là chú mới ở độ tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, tuy đã thông tỏ được mọi nhẽ đời, nhưng vẫn còn trẻ chán. Hay là, hay là tìm lấy một đám rổ rá cạp lại, cho cửa nhà đỡ hiu quạnh.
- Không ! Không được bác ạ. Thằng cháu Thực thương tôi, nhiều lần nó cũng bảo thế. Nhưng tôi sống thế này quen rồi. Mẹ nó mất sớm, tật nguyền như tôi, ông giời cho có được nó đã là đại phúc, chẳng còn dám mong gì nữa. Chỉ cầu cho chóng hết cái chiến tranh, đợi cháu Thực nó về, cưới vợ cho nó xong là tôi mãn nguyện.
- Ban quản trị hợp tác xã cũng ái ngại cho hoàn cảnh của chú lắm. Họ muốn kiếm một việc vừa sức để chú làm cho khuây khỏa. Nghe nói hồi tản cư ở Hòa Bình, chú có làm bẫy giữ nương cho đồng bào, để muông thú khỏi phá sắn, phá ngô …
- Có, có. Bẫy cũng làm, nhưng đánh không xuể, chủ yếu là tôi làm những thằng bù nhìn dọa cho chúng sợ. Tôi còn học được cả cái nghề làm tò he cho trẻ con. Hết mùa vụ, lại quay ra giã bột nặn tò he mang ra chợ bán.
Vậy mà hai bố con cũng sống tàm tạm được.
- Vậy thì tốt rồi, để tôi báo lại với mấy ông quản trị.
Thế là suốt mấy năm trời, cứ đến khi lúa bắt đầu đông sữa là những cánh đồng làng Tó lại ngất ngưởng lũ bù nhìn hình người kỳ dị đủ loại bằng rơm, bằng lá chuối. Người gọi là con bù nhìn. Người gọi là thằng bù nhìn. Trưởng Bân tặc lưỡi “Thôi thì con, thì thằng gì cũng được tuốt, tật tật đều bởi một tay lão Dậu bày ra cho chúng nó làm trò hề, miễn là đánh lừa được lũ chim muông ngu dại…”.
Ruộng đất làng Tó chẳng nhiều bằng ai, nhưng lại có hẳn một hợp tác xã với cái tên nghe thật oách : Hùng Mạnh. Mùa nào bội thu, mỗi ngày công là mười điểm cũng chỉ được chia dăm lạng thóc ướt, nên cả làng cứ đói dài dài. Mỗi con, mỗi thằng bù nhìn của lão Dậu, chẳng biết có được tích sự gì không cũng được phóng lên tới ba công, tức ba chục điểm. Dân làng Tó xì xào “ Lão Dậu thế mà sướng. Một thân một mình, chẳng phải nuôi ai, hai tay vày vào lỗ miệng”. Thời chiến, hàng hóa khan hiếm, phân phối từ lít nước mắm, vài ba cây kim, dăm trăm mét chỉ khâu, đến cả mấy cái áo may ô, mấy cái quần đùi. Cũng như những nhà khác có con ở chiến triến trường, cái gì lão Dậu cũng được ưu tiên, chỉ hơn người ta một tý ty thôi cũng thấy hãnh diện, thấy sướng. Vẻ vang nhất là trong các cuộc mít tinh, cha mẹ của liệt sỹ, của thương binh, của bộ đội chiến trường, đều được mời lên hàng ghế danh dự, được lãnh đạo đến bắt tay … Tuy vậy, lão Dậu vẫn sống rất tằn tiện, khiêm nhường. Ăn một miếng ngon, lão cũng ứa nước mắt nhớ thương con. Đêm giá rét, nằm trong chăn ấm lão cũng ứa nước mắt nhớ thương con. Từ ngày thằng Thực đi B, tức là ra chiến trường, mỗi tháng lão Dậu được nhà nước cấp cho mười đồng. Lão bảo, đó là tiền xương máu của thằng Thực, nên gửi tất vào ngân hàng. Làm lụng gom góp được đồng nào, lão cũng gửi hết cả vào ngân hàng. Lão bảo, thằng Thực về thì cứ sãn đấy mà cưới vợ.
Đã lâu lắm rồi, dễ cả gần nửa năm không có tin tức, thư từ gì của thằng Thực và thằng cu Mía. Không biết chúng nó có còn được ở với nhau nữa không. Nghe trên đài, thì càng ngày càng đánh nhau to lắm. Thấy bồn chồn không yên, lão Dậu liền đến nhà Trưởng Bân hỏi thăm. Lòng dạ Trưởng Bân cũng đang như lửa đốt, nhưng nhìn vẻ mặt lo lắng của lão Dậu, Trưởng Bân vẫn cố lấy giọng bình thản, an ủi :
- Chắc là chúng vẫn cùng ở với nhau thôi, tuổi trẻ là hay mê mải lắm, chúng còn phải lo kiếm lấy mấy cái dũng sỹ chứ.
- Bác bình tâm được, còn tôi lại cứ thấy lo. Tuổi trẻ, tuổi già gì thì cũng thế cả. Hòn tên, mũi đạn làm gì có mắt, nó nào có biết kiêng nể ai.
- Nhưng mình có lo cũng chẳng làm gì được. Thôi thì ta cứ nhờ vào ông giời …
***
Chạng vạng tối một ngày đầu hè năm 1972, sau trận chiến giáp lá cà với quân giải phóng bên bờ sông S, thuộc tỉnh Q, chiếc máy bay lên thẳng nhãn hiệu Hoa Kỳ loay hoay mãi vẫn chưa tìm được chỗ hạ cánh. Viên chỉ huy gầm lên :
- Cứ xuống đại đi ! Hết mẹ nó thời gian rồi.
Khi máy bay vừa tiếp đất, nhiều người đã nhảy xuống cùng với những chiếc cáng, chạy đến bên những thân người nằm ngổn ngang, không biết còn sống hay đã chết. Tất cả đều được chuyển vội vào máy bay. Viên chỉ huy luôn mồm la hét trong tiếng nổ phành phạch của động cơ :
- Nhanh lên, nhanh nữa lên ! Bọn pháo nó sắp chụp xuống rồi.
- Báo cáo đại úy có một Việt cộng bị thương rất nặng, hình như còn thở.
- Bỏ luôn ! chỉ còn mấy phút thôi, bỏ luôn đi, rõ chưa ? – Viên chỉ huy hét.
- Rõ !
- Không được ! Ông đại úy! Tôi đã xem kỹ, anh ta còn sống, đưa lên khoang cấp cứu ngay !
- Đù má, muốn hứng pháo hả. Đứa nào không nghe tao bắn bể …
Chợt nhận ra đó là tay bác sỹ, hình như là người nhà của chuẩn tướng tư lệnh mặt trận, viên đại úy chỉ huy khựng lại, rồi hạ giọng :
- Thôi được, thưa bác sỹ xin ông khẩn trương cho.
Người lính Việt cộng bị mất quá nhiều máu. Anh ta bị hai viên đạn xuyên qua phổi và nát hết bàn chân phải do mảnh pháo. Những người lính được chuyển lên máy bay, ngoài mấy người đã tử nạn, còn hầu hết đều bị thương. Họ luôn miệng rên la, chửi bới. Có ba người phải đưa vào khoang cấp cứu cùng người lính Việt cộng.
- Muốn liên lạc về Bộ tư lệnh có dễ không thưa ông đại úy – Người bác sỹ hỏi.
- Dễ ! Nhưng bác sỹ có yêu cầu gì cứ nói với tôi.
- Vậy, tôi muốn cả bốn người lính bị thương nặng này phải được đưa luôn vào Đà Nẵng. Vì tính mạng của họ rất nguy kịch.
- Được ! Tôi đồng ý.
***
Mía vừa thức dậy, chưa kịp rửa mặt đã thấy cậu liên lạc của đại đội hớt hải bước vào :
- Báo cáo trung đội trưởng, chính trị viên cho gọi anh lên ngay.
- Chắc là đã có tin về mấy anh em mình trong trận sông S ?
- Hình như thế. Anh lên ngay nhé.
Trống ngực đập thình thình, Mía loạng choạng bước thấp bước cao đi về phía hầm chỉ huy đại đội, bụng bảo dạ, chắc là lành ít, dữ nhiều.
- Cậu ngồi xuống đi, bình tĩnh nghe mình nói nhé – Sau giây lát im lặng, chính trị viên nói tiếp - Trong trận sông S, cả ta và địch đều tổn thất rất nặng . Chúng đã cho đạn pháo dọn sạch đến từng mét đất. Sau mấy ngày tìm kiếm, bộ phận công tác đặc biệt xác định một số đồng chí của ta đã hy sinh, trong đó có trung đối phó Thực…
Mía chết lặng, hai tai ù đặc, không còn nghe thấy chính trị viên nói gì nữa. Người Mía run bần bật như đang lên cơn sốt. Cả tuần rồi Mía lo lắng về Thực đến mất ăn, mất ngủ. Phút chốc hình ảnh chú Dậu tập tễnh, cố chạy theo cái xe nhà binh chở Thực và Mía hôm đưa tiễn hiện ra, khiến Mía thấy mặt mũi tối sầm …
- Liên lạc đâu, gọi y tá ngay !
Mía và Thực từ rất nhỏ đã sống với nhau, đi học cùng nhau, ăn chung, ngủ chung, quần áo cũng mặc chung, chia ngọt sẽ bùi, nhường nhịn nhau như thể anh em ruột thịt. Thực vô tư, thật thà đúng như cái tên của mình. Thực nhanh trí, thông minh, dễ tin và rất tự tin, thấy cái đúng là quyết theo bằng được. Khi vào trận, Thực luôn nhận thay Mía dẫn mũi tiến công chính, tìm mọi cách để kéo hỏa lực địch về phía mình, trận nào cũng có chiến tích. Vì thế mà từ tổ trưởng ba người, Thực được phong vượt cấp luôn lên trung đội phó… Thủa còn thả trâu, đánh đáo thì mày mày, tao tao. Lớn lên thì gọi nhau là “đằng ấy” với “tớ”. Nhưng bao giờ Thực cũng coi Mía như anh trai. Vào bộ đội, được ở cùng thì cặp kè như tình nhân, không “đằng ấy” với “tớ” nữa thì Thực cứ quen miệng gọi là “anh cu Mía”. Lần hành quân qua Quảng Bình, phải ở tạm nhà dân ít ngày, giao lưu với chi đoàn địa phương toàn là các o gái, mà Thực cũng cứ hồn nhiên gọi toáng lên : “ Anh cu Mía ơi ! anh cu Mía ơi ! à đồng chí bí thư ơi !...”, khiến các o gái vừa cười, vừa nhại theo “ eng cu Mía ơi ! eng cu Mía ơi!”, làm Mía đỏ mặt, ngượng chín cả người, mất cả khí thế, lúng túng mãi mới điều khiển được cuộc họp. Sau lần ấy, khi họp tiểu đội, Mía đã nghiêm khắc phê bình “ Từ nay tôi yêu cầu đồng chí Thực không được gọi anh cu, anh chim gì nữa, đồng chí Thực rõ chưa ?”. Thực vội đứng phắt dậy : “ rõ”. Thấy vẫn chưa yên tâm, Mía hỏi lại “ Đồng chí rõ, là rõ thế nào”. Thực lại phải đứng dậy, làm bộ dằn từng tiếng một “ Báo cáo tiểu đội trưởng, rõ là không được gọi anh cu, anh chim …”. Thế là tất cả cùng òa lên, ôm bụng cười … Còn bây giờ thì Thực ơi ! mày đâu còn, để tao cho mày tha hồ muốn gọi anh cu, anh kẹo, anh chim, anh cò gì cũng được … Chao ôi ! Cứ nhớ lại những kỷ niệm ấy là Mía lại nấc lên ngẹn ngào …
***
Đã qua gần một tuần rồi mà Thực vẫn sốt rất cao. Trong cơn mê sảng Thực luôn ú ớ gọi “ Thầy ơi ! Thầy đâu rồi … ”. Ngày nào người bác sỹ đã cấp cứu Thực trên máy bay cũng ghé đến và ở lại rất lâu bên người thương binh Việt cộng này. Ông kiểm tra rất kỹ đơn thuốc và các thông số ghi trong bệnh án. Nhìn biểu đồ theo dõi nhiệt độ của Thực , ông lắc đầu, hỏi cô y tá trực :
- Đã có kết quả xét nghiệm lại máu chưa ?
- Phải chờ khoảng nửa giờ nữa, thưa bác sỹ.
- Cô xuống đó chờ lấy, rồi đem ngay lên cho tôi nhé !
Vừa đi ra, cô y tá đã quay vào ngay :
- Thưa bác sỹ, lúc tám giờ có một ông nói là bạn của bác sỹ gọi điện đòi gặp, tôi nói bác sỹ đang ở phòng mổ. Vừa rồi ông ta lại gọi, nhưng bác sỹ vẫn chưa mổ xong. Ông ta nói bác gọi lại cho ông ấy theo số máy này.
- Xin cảm ơn cô. Đúng, ông ta là bạn tôi.
Người bác sỹ vội chạy lên phòng tổng đài dã chiến dành riêng cho bên quân sự. Ông nhấc máy, trầm ngâm hồi lâu rồi mới bấm số :
- A lô ! Xin chào tướng quân. Ừ, tao bác sỹ Lương vừa ở chỗ mày về đây, à cảm ơn, cảm ơn, đúng rồi, đúng rồi, tiến sỹ, tiến sỹ. Chưa khao, chưa khao, đợi lúc nào mày về Sài Gòn khao luôn. Ừ, ừ, thằng bé còn rất trẻ chỉ khoảng hai mươi, hai mốt gì đó thôi, đang trong cơn rất nguy kịch, không biết có qua khỏi không. Nặng ! nặng lắm, còn đánh đấm thế quái nào được nữa. Chân phải của nó nát hết, buộc lòng bọn tao phải tháo khớp rồi… Đúng! Bọn tao có lời thề Hyppocrate, cũng như chúng mày có lý tưởng đánh nhau giết người của chúng mày thôi. Cái gì ? lai lịch, quê quán, tên đơn vị của nó à ? Chúng mày cần những cái đó để làm gì ? Nguyên tắc phải thế à ? Được thôi, tao sẽ cho làm rồi gửi cho mày ngay. Nhưng tao cũng có một yêu cầu rất mong được mày giúp. Ừ, tao nói ngay đây. Khi về Sài Gòn, tao muốn mang theo thằng nhỏ Việt cộng đó. Mày cười cái gì ? Tất nhiên là nó đang rất nguy kịch, tao không nói láo đâu. Nhưng tao sẽ cố hết sức. Cái gì ? Mày bảo mày biết tỏng chuyện của tao rồi à ? Thế đấy, cô ấy đã bỏ tao để theo một thằng mẽo rồi, ừ hồi cuối năm ngoái. Tao nghĩ cũng phải thôi, gần năm chục cái xuân xanh rồi, biết chắc mình không bao giờ có con được, thì ràng giữ mà làm gì, giải phóng cho người ta là phải đạo. Chắc chứ ! tao là bác sỹ mà. Sao ? Mày bảo thế nào, yêu cầu của tao khó à ? Nhưng mày là tướng tư lệnh kia mà. Ừ, ừ tao hiểu rồi, tao sẽ cho gửi ngay những thông tin về thằng bé cho mày. Được mày ok như thế là tao cảm ơn mày lắm rồi. Thế nhé, tao chẳng chúc mày thắng thua gì đâu, chỉ cầu giời cho bom đạn của Việt cộng nó chê mày thôi. Rất cảm ơn. Goodnight !
Xem xong kết quả xét nghiệm lại máu của Thực, bác sỹ Lương giục cô y tá :
- Cô chuẩn bị mọi thứ để đưa cậu thương binh này bay vào Sài Gòn ngay.
- Thưa, bác sỹ cũng đi cùng phải không ạ ?
- Đúng rồi ! cô chuẩn bị gấp lên nhé.
Comment