Con rẽ trái mẹ nhé!
Làm gì khi “Con rẽ trái mẹ nhé!”
SGTT Nguyệt san - “Mẹ thương con nhất trên đời. Vì thương con, mẹ làm tất cả, hy sinh và chiều chuộng những vòi vĩnh của con. Sẽ như thế nào nếu con không phải là một thành quả đẹp như mẹ mong muốn...
Mẹ ơi, con rẽ trái mẹ nhé! Mẹ à, ai sinh ra cũng mong muốn một cuộc sống tốt đẹp nhưng cuộc sống vốn dĩ không như điều ta mong đợi. Thuở nhỏ, mẹ tập con viết tay phải, đã bao lần mẹ đánh khẽ tay con vì con cứ lén cầm bút tay trái. Vì sợ mẹ la, con đã ngoan ngoãn nắn nót từng nét chữ bằng tay phải nhưng khi lớn lên, con lại muốn viết tay trái để giữ lại một chút gì đó trong con, và con đã tập viết tay trái.
Nhưng có lẽ sự thật thì khó mà chấp nhận. Đồng tính thì có gì là sai... con có muốn thế đâu. Người ta thích rẽ phải, còn con thích rẽ trái, chẳng phải vì con ương ngạnh... nhưng vì con là thế. Mà mẹ ơi, con không lạc loài khi rẽ trái đâu, vì con biết cũng nhiều người rẽ trái như con... con không một mình...”
(trích tâm sự “Con rẽ trái mẹ nhé” đăng trên Con "rẽ trái", Mẹ nhé !.)
Phần đông các cha mẹ thường bị sốc khi biết con trai hay con gái mình đồng tính. Các cảm xúc có thể là khác nhau nhưng đa phần đều là những cảm xúc tiêu cực như buồn chán, thất vọng, cay đắng, hụt hẫng, ân hận, tức giận hay dằn vặt. Sau khi cảm giác sốc ban đầu qua đi, cha mẹ sẽ liên tục chất vấn con với các câu hỏi khó trả lời như: Tại sao…
Những câu hỏi này được đưa ra phần nhiều là phản ứng tức thời của cha mẹ do không kiềm chế được cảm xúc bản thân chứ không phải là thực sự ghét bỏ hay tức giận con cái. Khi bắt con phải đối mặt với những câu hỏi này, cha mẹ đôi khi không ý thức được rằng chính mình đang đẩy con ra xa hơn, đang làm tăng thêm sự khổ sở và sự rối trí của con trong khi người con đang cần sự cảm thông và chia sẻ của cha mẹ hơn khi nào hết.
Tại sao con lại làm như vậy?
Cho đến nay không ai có thể trả lời được câu hỏi này, kể cả những nhà khoa học. Điều quan trọng chúng ta cần biết là đồng tính không phải là một bệnh cũng không phải là một sự bất bình thường. Đơn giản, những người đồng tính chỉ khác với những người khác về mặt tình dục. Thay vì việc có cảm xúc và muốn yêu thương một người khác giới tính với mình như đông đảo đa số mọi người vẫn làm thì những người đồng tính yêu thương người cùng giới tính với mình. Ngoại trừ điều này ra thì những người đồng tính hoàn toàn giống như những người khác. Tình dục đồng giới không quyết định tính cách con người và không làm thay đổi con của bạn. Trước sau, con bạn vẫn là con bạn. Tuy nhiên, do không nhận thức được điều này, nhiều cha mẹ sau khi biết con mình là người đồng tính đã thay đổi hẳn cách đối xử với con.
Tại sao con lại dám nói điều này với cha mẹ?
Nhiều cha mẹ cho rằng có lẽ tốt hơn nếu họ không biết sự thật “đau lòng” này để họ mãi có cảm giác yêu thương với đứa con bé bỏng của họ và để họ luôn giữ được cảm giác thanh thản trong lòng. Vì điều này mà nhiều cha mẹ đã kết tội con cái của mình. Tuy nhiên, nếu nhìn theo một cách khác, các bậc cha mẹ sẽ cảm thấy vui mừng vì con đã chia sẻ thật lòng với mình. Nói với cha mẹ “con là người đồng tính” là một điều không hề dễ dàng. Nếu quan tâm, các bậc cha mẹ hãy vào những diễn đàn của người đồng tính như bangaivn.com, adamzone.com, lezviet.vietqueer.net. Các bạn sẽ thấy các thảo luận về “lộ diện” hay theo từ trong giới là “coming out” luôn thường trực trong tất cả các diễn đàn của gay (đồng tính nam) hay của les (đồng tính nữ). Để nói được với cha mẹ chỉ năm từ đơn giản “con rẽ trái mẹ nhé”, các gay và les đã phải trải qua bao đêm mất ngủ và bao nước mắt. Nhiều người con vì e sợ đã giữ kín điều này cho riêng mình cho đến hết cuộc đời, nhưng cũng có những người con đã dám chia sẻ với cha mẹ để được cha mẹ “chấp nhận con như bản thân con vốn thế”. Vậy hãy là người cha, người mẹ vị tha để con cái có thể suốt đời tin tưởng và để con bạn được chính là con bạn. Xin hỏi, những người đã mang nặng đẻ đau đã sinh con ra mà còn không chấp nhận được thì liệu ai khác có thể chấp nhận con bạn.
Con làm thế thì sao ba mẹ dám ra ngoài đường ngẩng đầu với người ta? hay: Các em của con biết nói về anh/chị của nó thế nào?
Vô hình trung chúng ta đã càng làm tăng sự tự ti của con và điều này có thể làm mất đi niềm vui trong cuộc sống, tương lai và thậm chí tính mạng của người con. Không phải người đồng tính nào cũng biết được mình là người bình thường. Do sự thiếu hụt về thông tin, do sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người đồng tính vẫn còn phổ biến trong xã hội, nhiều người đồng tính tự kỳ thị nặng nề với chính bản thân mình. Chia sẻ với cha mẹ để nhằm tìm sự cảm thông nâng đỡ, lại chỉ nhận được những lời chỉ trích, lên án, những người đồng tính sẽ không còn tự tin trong cuộc sống. Nhiều người sẽ sống thu mình, bị trầm cảm và có thể có ý nghĩ tự tử. Nếu hiểu được đồng tính là bình thường, nhiều cha mẹ sẽ thay đổi cách nhìn với con cái mình.
Tại sao ông trời lại bắt tội tôi thế này?
Đồng tính không phải là tội lỗi. Hãy đừng coi đồng tính là bi kịch của gia đình hay là quả báo. Nhìn một cách tích cực chúng ta sẽ thấy tình dục đồng giới chỉ thể hiện sự đa dạng và phong phú trong tình dục mà thôi cũng như sự đa dạng và phong phú của các khía cạnh khác trong cuộc sống của chúng ta vậy. Nhiều người sẽ nhìn tình dục đồng giới như là hiểm hoạ của việc suy thoái dòng tộc do những người tình dục đồng giới sẽ không sinh con như những cặp gia đình truyền thống. Tuy nhiên, đây chỉ là một cách nhìn hẹp về tình dục và sinh sản. Hãy nhìn ra xung quanh, chúng ta thấy có bao nhiêu cặp vợ chồng tình dục khác giới cũng không thể sinh sản. Hay nhìn ra thế giới, ở những nước như Thuỵ Điển, Đan Mạch, Na Uy khi hôn nhân cùng giới đã được chấp nhận hay những cặp đồng giới cũng được quyền nhận con nuôi hay nhờ người mang thai hộ, chúng ta vẫn sẽ thấy hình ảnh những gia đình hạnh phúc. Chỉ có điều khác, thay vào việc có một ông bố mang giới tính nam và một bà mẹ mang giới tính nữ thì các em bé ở những gia đình này sẽ có hai ông bố hoặc hai bà mẹ. Nhưng có ai dám bảo là họ không hạnh phúc hay con cái họ sẽ không được nuôi dạy tốt?
Nếu bạn có con là người đồng tính, hãy tin rằng bạn không chỉ có một mình. Hiện tại trên thế giới đã có những tổ chức của cha mẹ có con là người đồng tính đứng lên đấu tranh cho con cái của mình. Ví dụ như mạng lưới Cha mẹ, gia đình và bạn bè của người đồng tính nam và nữ (PFLAG: Parents, Families and Friends of Lesbians and Gay). Ý tưởng thành lập mạng lưới được hình thành từ năm 1972 khi Jeanne Manford khởi động phong trào quốc tế nhằm vận động các bậc cha mẹ đấu tranh cho quyền của những người đồng tính. 30 năm sau PFLAG đã có trên 500 chi nhánh trên toàn nước Mỹ với hơn 200.000 thành viên. Với sự đấu tranh của PFLAG và nhiều tổ chức khác, quyền của người đồng tính tại Mỹ đã thay đổi rất nhiều.
Sau “tại sao” đến “giải pháp” hôn nhân
Qua giai đoạn sốc, các bậc cha mẹ bắt đầu nghĩ đến các giải pháp để thay đổi. Thông thường nhất là yêu cầu con lấy vợ hoặc lấy chồng. Điều này xuất phát từ quan điểm cho rằng con cái trở nên như thế là “do chưa gặp người thích hợp” hay “cứ làm đám cưới, sinh con rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy ngay mà”. Nhưng mọi việc liệu có đơn giản như vậy không? Trong một nghiên cứu do công ty
Tư vấn đầu tư y tế (CIHP) mới tiến hành, nhiều bạn nam giới có quan hệ tình dục đồng giới và vợ của họ đã chia sẻ những vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ. Như trường hợp của bạn X., mặc dù đã biết mình có xu hướng tình dục đồng giới nhưng bạn vẫn cưới vợ vì “bố mẹ thúc ép quá” và cũng vì “nếu mình không lấy vợ thì mọi người sẽ nghi ngờ, mình không biết phải giải thích như thế nào cả”. Vậy, những cuộc hôn nhân cực chẳng đã này có hạnh phúc không? Vợ của X. ngậm ngùi: “Trước khi kết hôn em đâu có biết anh ấy như thế. Bây giờ đã có con rồi thì thôi coi như mình sống cho con chứ anh ấy đâu có để ý đến em, đến con đâu”. Không chia tay, nhưng cũng không chịu được cảnh chồng cứ bỏ đi biền biệt, mãi rồi X. cũng có người khác. Vợ X. còn may mắn là có con, L. lại không được như thế. Lấy nhau đã lâu nhưng L. không mang thai. Trong cuộc phỏng vấn, L. chán nản: “Lấy nhau lâu thế nhưng hai vợ chồng có ngủ với nhau được mấy ngày đâu. Chồng sợ vợ cứ như là sợ gì ấy. Mình có xán vào thì chồng cũng lại lảng ra, lại tìm cách trốn”. Chị cảm giác được cái rùng mình của chồng mỗi khi vợ đụng chạm. Nhưng chị không dám thoát ra khỏi cuộc hôn nhân trớ trêu này vì sợ định kiến xã hội. Chị cũng không dám nói chuyện vợ chồng với ai. Vậy là những người
làm cha, làm mẹ, chúng ta có muốn đặt con cái mình vào những tình huống như vậy không? Nếu đã có thể chấp nhận con, hãy cho con cơ hội được lựa chọn.
Giải pháp “điều trị”
Lo sợ con mình bị bệnh hay bị ma ám, các bậc cha mẹ đã tìm mọi cách để chữa trị cho con bằng các biện pháp đông y, tây y, trị liệu tâm lý và tâm linh. Tuy nhiên, việc chữa trị chắc chắn sẽ chẳng có kết quả bởi như trên đã nói đồng tính đâu phải là bệnh. Kể từ năm 1992, tình dục đồng giới đã được đưa ra khỏi danh mục Phân loại bệnh quốc tế. Việc tìm mọi cách để chữa trị cho con không những chỉ làm tốn tiền mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý gia đình và đặc biệt là tâm lý của con cái. Chấp nhận con và hỗ trợ để con vượt qua các mặc cảm và tiếp tục sống một cách tích cực trong xã hội mới là liệu pháp quan trọng mà các bậc cha mẹ cần thực hiện.
Hoàng Tú Anh
Comment