• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Xem tuyệt tác Buổi tiệc ly

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Xem tuyệt tác Buổi tiệc ly

    Xem tuyệt tác Buổi tiệc ly

    Có một địa điểm mà mọi du khách đến thành phố Milan (Italia) đều muốn được xem: đó là nơi có bức tranh Buổi tiệc ly (The Last Supper) của danh họa Leonardo Da Vinci.

    Bức tranh này được vẽ trên tường nhà thờ Santa Maria della Grazie vào thế kỷ XV (trong ba năm, từ 1495 đến 1498). Thời gian đó, danh họa làm việc ở thành phố Milan dưới sự bảo trợ của công tước Sforza và chính ông ta đã đặt vẽ bức tranh này.

    Do lượng khách muốn xem tranh rất đông, mà theo quy định thì mỗi lần chỉ có 25 người được vào xem trong 15 phút nên khách thường phải đặt mua vé trên Internet trước hai tháng (giá vé 8 euro). Muốn xem sớm hơn thì có thể mua vé tại một số công ty du lịch với giá đắt, khoảng 20 euro.


    Khách được nhân viên dẫn qua mấy lớp cửa bảo vệ để vào phòng ăn của nhà thờ, nơi bức tranh được Da Vinci vẽ trên bức tường cách đây 600 năm với kích thước 8,8 x 4,6 (m). Khi sáng tác bức tranh, danh họa không theo kỹ thuật lúc bấy giờ là sử dụng thạch cao ướt, mà dùng thạch cao khô. Vì vậy, bức tranh bị tàn phai nhanh chóng theo thời gian và trong nhiều thế kỷ sau, người ta phải tu bổ rất nhiều lần và việc này cũng gây nhiều tranh cãi về độ chính xác của bức tranh.

    Khi Pháp chiếm Milan hồi thế kỷ XVIII, quân lính của Napoléon đã phá hoại không thương tiếc bằng cách ném đá lên tường nơi có bức tranh. Trước đó (thế kỷ XVII), một người vô ý thức ở nhà thờ còn nảy ra sáng kiến là đục một cánh cửa ra vào ở giữa bức tường, ngay vị trí chân của Chúa. Sau này, cánh cửa bị bít lại, nhưng phần chân của Chúa phía dưới bàn (mà theo các bản vẽ ban đầu là có tư thế bắt chéo như khi bị treo trên thánh giá) không được phục hồi lại.

    Lần tranh bị phá hoại nặng nề nhất là trong Thế Chiến thứ II, khi nhà thờ bị bỏ bom và hư hỏng nặng.

    Bức tranh này vẽ cảnh buổi tiệc cuối cùng của Chúa và 12 môn đệ vào hôm thứ Năm (một ngày trước khi Chúa mất). Trong buổi tiệc này, Chúa bất ngờ nói với các học trò rằng trong số 12 môn đệ có một người đã bán Chúa (ám chỉ Judas). Bức tranh mô tả thời điểm diễn ra sự kiện này với nét mặt thể hiện sự phản ứng của mọi người trên bàn ăn, trong đó có Judas - người mặc áo xanh thứ tư từ bên trái, tay cầm bọc tiền, có thể là tiền bán Chúa.

    Chủ đề này trước và sau Da Vinci đã được nhiều họa sĩ vẽ. Tuy nhiên, bức tranh của Da Vinci nổi tiếng nhất vì hai lý do: Thứ nhất, lần đầu tiên buổi tiệc ly được vẽ với các nhân vật hết sức sống động như người thật. Mỗi môn đệ tỏ một thái độ khác nhau khi nghe tin này, người thì bàng hoàng, người thì muốn ngất xỉu (thánh John, người ngồi bên phải Chúa), mấy người khác ngạc nhiên hỏi nhau. Thứ hai, khả năng thể hiện luật viễn cận của Da Vinci trong bức tranh hết sức tuyệt vời, mọi điểm trên bức tranh đều tụ về một điểm chung là khuôn mặt của Chúa.

    Có một truyền thuyết về bức tranh này như sau: Khi vẽ hình Chúa, Da Vinci tìm một thanh niên có khuôn mặt thật thánh thiện để làm mẫu, sau đó mới vẽ những môn đệ còn lại, riêng Judas thì ông vẫn chưa tìm được người mẫu vừa ý. Nhiều năm sau, ông gặp một tù nhân có khuôn mặt gian ác, tham lam, rất phù hợp với khuôn mặt của Judas. Sau khi Da Vinci vẽ xong, người tù mới bật khóc và nói với danh họa rằng anh ta chính là người mà mười năm trước đã làm mẫu để vẽ hình Chúa!

    Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng truyền thuyết này không có thật, vì Da Vinci vẽ bức tranh này chỉ trong ba năm chứ không phải mười hay 20 năm như trong câu chuyện. Dù sao thì nó cũng đưa ra một thông điệp có tính triết lý.

    Cũng trong căn phòng này, đối diện với bức tranh Buổi tiệc ly là bức Thập tự giá của Giovanni Donato da Montorfano - một họa sĩ cùng thời với Da Vinci nhưng ít tên tuổi hơn.

    Cho dù đã từng xem bức tranh nổi tiếng của Da Vinci trong sách, nhưng khi đứng trước tuyệt tác này, nhiều người mới cảm nhận được kích thước to lớn của nó và đặc biệt là nghệ thuật xử lý ánh sáng của danh họa vì ánh sáng trong bức tranh được vẽ là hướng từ cửa sổ bên trái phía sau.
    Phần bên phải của bức tranh được danh họa vẽ sáng hơn, màu sắc trang phục các nhân vật cũng được xử lý rất khéo: cùng một màu xanh, nhưng chiếc áo của những người ngồi bên phải khác với màu xanh chiếc áo của Chúa ở giữa và những người ngồi bên trái. Những điều này khó có thể cảm nhận được trên các bản sao.

    Milan không chỉ là trung tâm tài chính và thời trang của Ý, mà nó còn mang giàu tính văn hóa với tác phẩm Buổi tiệc ly của một trong những danh họa bậc nhất thế giới.

    Theo THẾ PHƯƠNG
    Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
    Sống trên đời

    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom