• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Thơ Phạm Hữu Quang

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Thơ Phạm Hữu Quang

    Phạm Hữu Quang


    Giang hồ


    Tàu đi qua phố , tàu qua phố
    Phố lạ mà quen ta giang hồ
    Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
    Chẻ củi , trèo thang với … giặt đồ

    Giang hồ đâu bận lo tiền túi
    Ngày đi ta chỉ có tay không
    Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
    Mây trắng trời xa trắng cả lòng

    Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
    Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
    Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
    Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình

    Giang Hồ có bữa ta ngồi quán
    Quán vắng mà ta chửa chịu về
    Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
    Đếm thấy thừa ra một gốc si

    Giang hồ mấy bận say như chết
    Rượu sáng chưa thưa đã rượu chiều
    Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
    Ừ . Thôi . Trời đất cứ liêu xiêu

    Giang hồ ta chẳng hay áo rách
    Sá gì chải lược với soi gương
    Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc
    Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường

    Giang hồ ba bữa buồn một bữa
    Thấy núi thành sông biển hoá rừng
    Chân sẵn dép giày trời sẵn gió
    Ngựa về . Ta đứng . Bụi mù tung …

    Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
    Hình như ta mới khóc hôm qua
    Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
    Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà



    ....................Phạm Hữu Quang râu quai nón như Lỗ Trí Thâm, tướng tá kềnh càng như con gấu nhưng có ánh mắt và nụ cười thật dễ thương. Phạm Hữu Quang ăn ý với tôi ở chất Lục Vân Tiên, tại Long Xuyên hễ gặp chuyện bất bình là anh sẵn sàng ra tay can thiệp nên thường "xa huy chương mà gần tù tội". Anh lập gia đình có một vợ hai con, hồi học đại học Sư Phạm trên Sài Gòn cùng lớp với Nguyễn Nhật Ánh.

    Thơ Phạm Hữu Quang phải nói là độc đáo và có cá tính. Đọc những bài thơ phiêu bạt, khinh mạn của anh làm tôi liên tưởng đến thi sĩ Hà Thúc Sinh thời vàng son trước 1975.

    Hai anh em có một đêm nằm tâm sự với nhau và anh dúi vào tay tôi bài thơ mới làm từ chuyến viễn du miền Trung chống stress. Bài thơ được tôi đưa cho Tổng Biên Tập báo Văn Nghệ TP là anh Chim Trắng đăng ngay lúc phái đoàn Tây Du Ký trở về. Bài thơ nổi tiếng đến mức hai câu cuối cùng tới bây giờ vẫn còn lưu truyền trên mạng internet:

    Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
    Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà

    Khi tôi viết những dòng chữ này thì họ Phạm đã vĩnh biệt cõi đời sau một cơn bạo bệnh. Những dòng chữ xem như nén nhang thương tiếc một con người tài hoa sinh bất phùng thời...........

    (Giai thoại của thi sĩ -Hồi ký của Bùi Chí Vinh )
    Đã chỉnh sửa bởi GRANDET; 15-08-2009, 11:21 PM.
    Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......
    Similar Threads
  • #2

    Ngẫu hứng chiều sông Hậu

    Ngẫu hứng chiều sông Hậu
    Phạm Hữu Quang

    Rằng ta áo bụi ghé về thăm
    Chống xuồng theo em mót củi
    Vô tình đâu hay chèo phải lủi
    Phía bờ kia rực rỡ hoa vàng

    Rằng sông mùa nước nổi mênh mang
    Gío thổi tím mảnh hồn kẻ chợ
    Lục bình trôi tím hồn kẻ chợ
    Lửa đèn giăng. Về đâu ? Về đâu ?
    Bếp khói quẩn quanh dưới chân cầu

    Phía vầng trăng đỏ tiếng còi tàu
    Sông nước chập chờn vây đôi lũ
    Em hát làm chi câu hát cũ
    Rằng sông bên lở bên bồi
    Chân sàn nhà mẹ mấy lần trôi

    Rằng cành quen chim đứng gọi mồi
    Tìm đâu thấy mặt hồ ao nữa
    Em tần tảo thân cò góp bữa
    Đĩa bông vàng xối lửa mặt trời
    Thắp ấm chiều. Mưa rơi. Mưa rơi...

    Rằng ta chẳng phải đứa rong chơi
    Giang hồ nát chiếu về chốn cũ
    Gối đầu con sóng đêm nay ngủ
    So tiếng độc huyền rơi rơi rơi
    Ta lớn lên, từ đó, khoảng trời...
    Sống trên đời

    Comment

    • #3

      Qua Hàm Luông
      Qua Hàm Luông
      Phạm Hữu Quang

      Qua Hàm Luông lòng ta như say
      Con sông trắng màu sương khói vỡ
      Hơn mười năm ta về chốn cũ
      Lãng đãng chiều một bờ cây nghiêng
      Chắc gì không lạ bến lạ thuyền

      Đã lâu rồi ta nhớ ta quên
      Hàm Luông – bến ta quen ghé
      Bến Hàm Luông có em có mẹ
      Bến bờ này một sắc trời trong
      Ta gối ta ru giấc trưa nồng

      Qua Hàm Luông em nhớ gì không?
      Chiếc kẹp rơi vai chiều vỡ sóng
      Chiếc kẹp rớt bên trời lá mỏng
      Nụ hôn đầu, thuở ấy mười lăm
      Gương mặt em biêng biếc trăng rằm

      Qua Hàm Luông ta sẽ về thăm
      Vườn dừa cũ âm thầm dáng mẹ
      Bầy chìa vôi ríu ran giọng kể
      Rằng nắng mưa mẹ bạc mái đầu
      Cứ mơ hoài tiếng trẻ vườn sau

      Qua Hàm Luông qua dòng sông sâu
      Tiếng bìm bịp giăng giăng bờ bến
      Dòng sông trôi trôi về phía biển
      Rằng nơi đây ta gởi hồn mình
      Hàm Luông ơi Hàm Luông…

      Sống trên đời

      Comment

      • #4

        Thơ giang hồ, như những ngọn gió, không ngừng phiêu lãng

        "Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
        Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà"

        Chẳng cần phải rà soát trong trí nhớ, nhiều người đã bật lên hai câu này mỗi khi chén thù chén tạc; lúc đắc chí vỗ đùi cười rơi nước mắt; khi một mình dạ hành nơi đất khách lạ xa…

        Thơ của ai? Chẳng biết là thơ của ai. Chỉ biết rằng thơ hay quá, đọc lên nghe đã đời, sảng khoái cả tâm hồn, mà như một lời an ủi, ngọt dịu. Thơ ai vậy ta? Người đinh ninh thơ Nguyễn Bính. Kẻ đồ chừng thơ Nguyễn Duy. Có người lại "chắc cú" rằng thơ của Bùi Chí Vinh v.v… Thưa rằng chẳng phải. Người có hai câu thơ rất nổi tiếng trên "giang hồ" mà tên tuổi lại… hơi "mơ hồ" trên văn đàn đó chính là thi sĩ Phạm Hữu Quang quê Bắc Đuông, Thốt Nốt, Cần Thơ.

        Phạm Hữu Quang sinh năm 1952, từng học Đại học Sư phạm với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh rồi chuyển về Đại học Cần Thơ. Ra trường, đi dạy vài ba năm rồi chuyển qua làm văn nghệ (Hội VHNT An Giang). Theo mô tả của nhà thơ Trần Hữu Dũng thì Phạm Hữu Quang có vóc người thấp đậm, râu ria xù xì như con gấu. Con người có bài thơ "Giang hồ" nghe "dữ dằn" vậy mà hiền khô, lại rất siêng làm thơ thiếu nhi. Bài thơ "Giang hồ", Phạm Hữu Quang viết tháng 5/1991. Anh mất ngày 28/4/2000, vừa đúng 49 tuổi (bốn chín chưa qua…).

        Sau khi Phạm Hữu Quang mất, bạn bè thi hữu "kẻ góp của, người góp công" đã in cho anh một tập thơ có tên "Ngẫu hứng chiều sông Hậu". Nói cho đúng, thơ Phạm Hữu Quang không nhiều. Nhưng anh có bài "Giang hồ" quá xuất thần, dường như ai chỉ cần nghe đọc một lần là cũng có thể thuộc vài câu. Tất nhiên bài "Giang hồ" không chỉ có hai câu hay, mà còn có nhiều câu thấm thía, ví dụ:

        "Giang hồ ba bữa buồn một bữa
        Thấy núi thành sông biển hóa rừng…"

        Ồ! Thì ra xưa nay, người rong ruổi giang hồ cũng không phải là hiếm, nhưng mới đi ba bữa đã sầu một bữa, quặn lòng mình để cho thơ lên ngôi thì cũng chỉ riêng thi sĩ thứ thiệt mới có. Thật ra, giang hồ - xê dịch - rong chơi; nó vừa là hành động vừa là ý niệm của người thơ. Dấn thân để được đi mãi trên con đường sáng tạo luôn là ước muốn lớn lao của những ai làm nghệ thuật. Nhà thơ Thế Lữ từng viết: "Ta là một khách chinh phu/ Dấn bước truân chuyên khắp hải hồ". Thấy chưa? Giang hồ, đâu phải chỉ "đã đời sông núi" riêng mình, mà đôi khi nó là sứ mệnh.

        Bước chân giang hồ lắm khi cũng là định mệnh của không ít nhà thơ. Thi sĩ Nguyễn Bính có khá nhiều bài thơ thấm đượm cái phong vị của kẻ giang hồ thứ thiệt. Nhưng, có thể nói bài thơ "Hành phương Nam" của Nguyễn Bính được xem là một bài thơ giang hồ hay nhất, nổi tiếng nhất của ông. Nó như một cuốn "nhật ký" của thi sĩ trên đường lưu lạc vào phương Nam:

        "… Ta đi nhưng biết về đâu chứ
        Đã dấy phong yên khắp bốn trời
        Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
        Uống say mà gọi thế nhân ơi!".

        Ở chợ Đa Kao - Sài Gòn, năm 1943, Nguyễn Bính viết bài thơ này. Bây giờ đọc lại vẫn thấy hay, thấm thía một nỗi buồn. Còn gì buồn hơn là ngồi say giữa chợ? Giữa chốn đông mà nào có ai thân? Có một chi tiết trùng hợp khá thú vị là: Nguyễn Bính cũng mất năm 49 tuổi, bằng số tuổi mà Phạm Hữu Quang "tạm trú" trên cõi đời. Mất ở tuổi ấy, thường coi như là "chết yểu", nhưng kỳ lạ thay, thơ của họ lại có sức sống vượt thời gian.--

        Thơ giang hồ, thường là kết quả của những chuyến xê dịch. Sau những cuộc rong ruổi thỏa chí tang bồng là một niềm thương nhớ da diết. Đi chỉ là một phương thức nhằm thay đổi bối cảnh, không gian sống, chứ cũng khó lòng mà thay đổi tâm trạng, số phận. Thi sĩ Đynh Trầm Ca có hai câu thơ giang hồ rất tuyệt:

        "Giang hồ nào có ai phong ấn/
        Mà cũng từ quan, trở lại quê".

        Và, thi sĩ Linh Phương cũng từng cho "xuất xưởng" một bài thơ có tựa "Giang hồ" khá hay:

        "Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
        Vẫn thấy lòng đau rứt ruột đau
        Thèm nghe tiếng dế thời thơ ấu
        Ngắm cánh diều bay giữa vô cùng".

        Người ra đi bao giờ cũng mong được quay trở về. Xét cho cùng, sự trở về trọn vẹn nhất là trở về với hồn nhiên ấu thơ. Khi hồn ta còn tràn ngập tình thương trong sáng, khi đầu óc ta còn chưa mắc kẹt vào những dự án, toan tính bộn bề, mỏi mệt. Nhưng, làm sao quay ngược cây kim thời gian? Linh Phương thảng thốt:

        "Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
        Thầm hẹn mai này qui cố hương
        Ta về làm bạn cùng chim chóc
        Lẫn với muỗi mòng chín cửa sông".

        Có đôi người đọc bài thơ "Giang hồ" này thích quá, bèn gọi điện thoại hỏi tôi có biết tung tích của thi sĩ? Linh Phương là chị hay anh? Tôi không biết nhiều lắm. Nhưng chắc chắn một điều, thi sĩ Linh Phương đích thị là… đàn ông; hiện sống ở Rạch Giá - Kiên Giang.
        Giang hồ. Ừ nhỉ! Tại sao không giang hồ? Có ai cấm ta giang hồ? Dù chỉ là giang hồ vặt. Nhưng nói đến giang hồ thứ thiệt "chính tông" thì phải nói đến thi sĩ Bùi Giáng. Cái giang hồ của Bùi Giáng không chỉ tính ở dặm dài xê dịch mà nó nằm ngay trong bản thể của thi sĩ. Ông "đi vắng" ngay cả khi ông tồn tại. Ông ở đây mà hồn ở đâu. Ông quên lãng ngay chính bản thân, chính tên tuổi mình:
        "Hỏi tên rằng biển xanh dâu
        Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa…".

        Bùi Giáng rong chơi mải miết, rong chơi đến độ "quên cả đường đi lối về". Nhưng, trên con đường rong chơi của thi sĩ bao giờ cũng kè theo một "túi thơ" bên mình:
        "Rong chơi râu tóc bạc phơ
        Còn nghe đắm đuối vần thơ yêu người…".

        Nói đến chuyện rong chơi của trung niên thi sĩ thì có lẽ còn nói… đến khuya. Người bảo Bùi Giáng điên. Kẻ nói Bùi Giáng nào điên, chỉ giả vờ. Người kêu Bùi Giáng loạn chữ. Kẻ nói Bùi Giáng "múa chữ" như làm xiếc v.v… Mỗi người mỗi ý. Nhưng rốt lại, Bùi Giáng vẫn là thi sĩ "một trăm phần trăm". Với thơ, ông chỉ định "đùa chơi" một tẹo. Nhưng rồi:
        "Ta cứ ngỡ đùa vui trong chốc lát
        Nào ngờ đâu đùa mãi đến điêu linh".

        Thì đấy, "giang hồ muôn nẻo điêu linh". Giang hồ nào phải dành cho cho kẻ yếu bóng vía; ngán sóng, sợ gió. Nghe người giang hồ đã mê, đọc thơ giang hồ càng sướng. Thơ giang hồ còn nhiều. Trong một chốc, một lát; một buổi, một ngày không thể nào nhớ hết, liệt kê ra đầy đủ. Đó là chưa kể có nhiều bài thơ giang hồ còn nằm trong dân gian.

        Thơ giang hồ như những ngọn gió không ngừng phiêu lãng. Thổi phóng túng vào tâm hồn những ai yêu thơ, yêu đời sống thiệt tình (!)

        Văn nghệ Công an


        PHẠM HỮU QUANG:Giang Hồ

        Tàu đi qua phố , tàu qua phố
        Phố lạ mà quen ta giang hồ
        Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
        Chẻ củi , trèo thang với … giặt đồ


        Giang hồ đâu bận lo tiền túi
        Ngày đi ta chỉ có tay không
        Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
        Mây trắng trời xa trắng cả lòng


        Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
        Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
        Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
        Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình


        Giang Hồ có bữa ta ngồi quán
        Quán vắng mà ta chửa chịu về
        Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
        Đếm thấy thừa ra một gốc si


        Giang hồ mấy bận say như chết
        Rượu sáng chưa thưa đã rượu chiều
        Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
        Ừ . Thôi . Trời đất cứ liêu xiêu


        Giang hồ ta chẳng hay áo rách
        Sá gì chải lược với soi gương
        Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc
        Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường


        Giang hồ ba bữa buồn một bữa
        Thấy núi thành sông biển hoá rừng
        Chân sẵn dép giày trời sẵn gió
        Ngựa về . Ta đứng . Bụi mù tung …


        Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
        Hình như ta mới khóc hôm qua
        Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
        Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà

        ***

        LINH PHƯƠNG: Giang Hồ

        Giang hồ từ thuở ta thất thế
        Chí lớn không thành- thà ẩn cư
        Viễn xứ. Ờ ! Thôi thì viễn xứ
        Hết đời phiêu bạt chốn quê xa

        Mẹ xưa vốn quen mùi rơm rạ
        Đốt đồng khô khói phủ che trời
        Hoàng hôn mỏi mắt. Chiều châu thổ
        Vẳng tiếng kêu đò bên bến sông

        Cha xưa cầm súng ra đánh trận
        Bỏ xác trên rừng mấy mươi năm
        Lần đi đưa tiễn- tay chưa nắm
        Vạt áo che ngang mẹ khóc thầm

        Em xưa kẹp tóc thề vội lớn
        Cứ ngỡ tình xanh mãi biếc xanh
        Tương tư xếp lá đôi bờ mộng
        Mơ bóng trăng khuya- tiếng nguyệt cầm

        Ta xưa thắp nến chờ đêm xuống
        Đợi hồn thiêng khuất nẻo cha về
        Mộ bia hiu quạnh. Ngày dâu bể
        Phách lạc đâu còn chỗ nương thân

        Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
        Vẫn thấy lòng đau rứt ruột đau
        Thèm nghe tiếng dế thời thơ ấu
        Ngắm cánh diều bay giữa vô cùng

        Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
        Thầm hẹn mai này quy cố hương
        Ta về làm bạn cùng chim chóc
        Lẫn với muỗi mòng chín cửa sông


        ***

        NGUYỄN BÍNH :Hành Phương Nam

        Hai ta lưu lạc phương Nam này
        Trải mấy mùa qua én nhạn bay
        Xuân đến khắp trời, hoa rượu nở
        Riêng ta với ngươi buồn vậy thay !

        Lòng đắng sá gì non hớp rượu
        Mà không uống cạn, mà không say ?
        Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã
        Mà áo khinh cừu không ai may

        Ngươi giam chí lớn vòng cơm áo
        Ta trói thân vào nợ nước mây
        Ai biết thương nhau từ thuở trước
        Bây giờ gặp nhau trong phút giây

        Nợ tình chưa trả tròn một món
        Sòng đời thua đến trắng hai tay
        Quê nhà xa lắc xa lơ đó
        Trông lại tha hồ mây trắng bay

        Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc
        Phân tán vì cơn gió bụi này
        Ngươi đi buồn lắm mà không khóc
        Mà vẫn cười qua chén rượu đầy

        Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết
        Ngày mai ra sao rồi hãy hay
        Ngày mai sán lạn màu non nước
        Cốt nhất làm sao tự buổi này

        Rẫy ruồng châu ngọc, thù son phấn
        Mắt đỏ lên rồi cứ chết ngay
        Hỡi ơi Nhiếp Chính mà băm mặt
        Giữa chợ ai người khóc nhận thây

        Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén
        Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay ?
        Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự
        Hài cỏ gươm cuồng ta đi đây

        Ta đi, nhưng biết về đâu chứ ?
        Đã dấy phong yên lộng bốn trời
        Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ,
        Uống say mà gọi thế nhân ơi !

        Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
        Ta với nhà ngươi cả tiếng cười
        Người ơi ! Hề người ơi !
        Người sang bên ấy sao mà lạnh
        Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi
        Đã chỉnh sửa bởi GRANDET; 15-08-2009, 11:29 PM.
        Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

        Comment

        • #5

          Đôi dòng về Phạm Hữu Quang

          Trịnh Bửu Hoài :- Đôi dòng về Phạm Hữu Quang

          Sunday, 9. September 2007, 00:54:13
          Tư liệu


          PHẠM HỮU QUANG
          Sinh năm: 1952 tai Bắc Đuông - Thốt Nốt
          Mất năm2000 tại Long Xuyên – An Giang
          Làm thơ 1969 , có thơ trên các tạp chí văn chương trước 1975

          Tác phẩm đã in :

          - Đàn Gà Con – Văn nghệ An Giang 1980
          - Ngẫu Hứng Chiều Sông Hậu - Văn nghệ An Giang 2000


          Tôi gặp Phạm Hữu Quang tại Long Xuyên vào mùa hè năm 1969. Dù đã hơn 30 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ buổi gặp gỡ đầu tiên đầy ấn tượng ấy. Quang nho nhã, ốm cao, giọng nói nhỏ nhẹ như con gái. Chúng tôi biết nhau trước, qua bạn bè văn nghệ và những bài thơ đăng trên báo. Khi gặp nhau cả hai đều ngỡ ngàng. Quang không ngờ tôi còn trẻ đến vậy ; còn tôi, cũng không ngờ Quang bằng tuổi mình. Tôi làm thơ, làm báo sớm hơn Quang, đi học cũng trước Quang vài lớp. Có lẽ vì thế, Quang luôn xem tôi như một người anh.
          Lúc ấy, thơ Quang giản dị, phong cách dân gian, hầu hết viết về gia đình và quê hương Bắc Đuông của mình. Có lẽ khi theo gia đình lên tỉnh ăn học, quê hương là nỗi nhớ day dứt trong tâm hồn của cậu học trò thơ ngây và mơ mộng. Quang tham gia nhóm thơ Về Nguồn của Lê Trúc Khanh ở Cần Thơ, được xuất bản tập thơ đầu tay với hình thức ronéo : Người Tình Quê Hương.
          Riêng tôi, sau khi đọc Người Tình Quê Hương, đã đánh giá cao thơ Quang hơn cả một số cây bút đàn anh thành danh trong dòng thơ này. Tôi không nói với Quang điều ấy, chỉ tâm sự với người bạn thơ ở chung phòng trọ : Hoàng Đình Huy Quan. Anh Quan cũng đồng ý như tôi.
          Quả thật, không bao lâu Quang từ bỏ dòng thơ chân quê theo chúng tôi làm thơ mới và tiến bộ rất nhanh.

          Sau 1975, Quang tiếp tục viết và là người về công tác ở Hội Văn Nghệ An Giang rất sớm. Cuộc sống lang bạt, bất cần nhiều thứ của Quang, làm cho thơ Quang càng lúc càng thấm thía, thì đổi lại, cuộc sống Quang quá đỗi thăng trầm. Hình như Quang chỉ có trách nhiệm với thơ. Tôi hiểu Quang. Quang lớn lên như một thân cây rừng cô tịch. Cha mất sớm, sống với mẹ và chị, chị đi lấy chồng, Quang sống thui thủi với mẹ. Cho nên cuộc sống ấy có nhiều kỳ lạ và trắc trở, tâm hồn ấy có nhiều u ẩn và bâng khuâng.
          Tôi trọng tài năng của Quang và có lẽ nhiều anh em văn nghệ cũng thế. Thơ Quang có nhiều nguời thuộc, nhiều người khen. Tiếc rằng bao lần Quang tập họp để xuất bản, có lúc sắp chữ ở nhà in rồi nhưng vẫn chưa ra mắt được, chủ yếu do sự ngẫu hứng chủ quan của Quang. Trong Quang hình như không có điều gì phù du, hư ảo, cũng chẳng có điều gì tồn tại vĩnh cửu. Sự mâu thuẫn ấy làm trôi tuột nhiều điều đáng tiếc trong cuộc đời của Quang.
          Tôi vẫn thân với Quang, dù tính cách hai người khác nhau, chỉ có một điều chúng tôi gặp nhau : mê thơ, và biết trọng nhau dù hoàn cảnh nào.
          Bất ngờ Quang bệnh nặng, tai biến mạch máu não. Mặc dù sau đó Quang dần dần hồi phục nhưng công việc làm thơ gần như kết thúc dù thơ vẫn gắn liền với Quang. Khi đầu óc tỉnh táo một chút, Quang lại lôi thơ ra. Và chúng tôi, những bằng hữu của Quang, xúm nhau tìm kiếm, tập họp thành tập để in, và cũng có thể nói đó là niềm vui cuối đời của Quang. Tiếc thay, công việc còn đang nửa chừng thì Quang đột ngột tái bệnh và qua đời. Một nỗi buồn vô hạn xâm chiếm lấy tôi. Ước ao của Quang và ước vọng của chúng tôi đều không thành : Mong Quang được thấy mặt đứa con tinh thần của mình !

          Tập thơ tạm ngưng lại ít hôm để bè bạn thắp thêm những nén lòng tưởng niệm Quang. Và hôm nay tác phẩm đã trình làng, đến với những độc giả hâm mộ thơ Quang. Chỉ có Quang là người duy nhất không thể cầm được tập thơ trên tay mình…

          Trịnh Bửu Hoài

          [url="http://my.opera.com/hoadongphuong/blog/"][COLOR=black]Link
          Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

          Comment

          • #6

            Cảm nhận thơ Phạm Hữu Quang

            Nhà thơ Yên Uyên Sa viết: Phạm Hữu Quang viết nhiều đề tài, nhiều mặt của cuộc sống. Ở đề tài nào Quang cũng gần như nắm bắt được cái "hồn" của nó. Thơ viết về gia đình cứ man mác mà thẩm thấu:

            Em suốt đời chẳng hiểu được mình
            Vẫn như bé khi về bên chị
            Cây gáo chẳng hóa thành cây thị
            Nhưng chị em mãi là nàng tiên
            (Thơ tặng chị ruột, 1986)

            Thơ viết về tình yêu đọc nghe lạnh mà đau đớn:

            Có khác đâu buổi chiều mười năm trước
            Tiễn em xa mưa nổi bóng hiên ngoài
            Ta vô cớ cười rung như tiếng lạc
            Mười năm ư? Chưa dứt hạt mưa bay
            (Chiều mưa trở lại thị trấn N, 1982)

            Những bài thơ viết về những chuyến "giang hồ vặt", gặp bạn chí cốt hay những bài thơ viết về chính mình trong vùng kinh tế mới là những bài thơ thành công của Quang bởi chất vừa thực vừa thơ. Với tôi, có lẽ tiếng "Ừ" được Quang sử dụng trong thơ cũng đã góp thêm vào sự thành công ấy…

            Ta về, ừ nhỉ ta về thôi
            Ô hay bến thuyền kèo cột gẫy
            Qua mùa hoạn lộ chẳng còn vui...
            (Về quê, 1987)

            Ừ thì ta hát em nghe
            Câu thơ hát trước câu vè hát sau…
            ...Tình - tang tang - tính tang – tình
            Em đi bỏ chỉ một mình ta nghe
            (Khúc ru, 1986)

            (nguồn: Wikipedia )

            Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 21-04-2010, 11:24 PM.
            ----------------------------

            Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

            Comment

            • #7



              Quê núi 1
              Núi ở xa , núi ở thật gần
              Bước chân lên ngỡ chừng ngược sóng
              Núi mở những chân trời xa rộng
              Gió mang đi hương sắc quê nhà


              Quê núi 2
              Núi âm thầm dựng lại trong ta
              Cái dáng đứng của người dựng đất
              Một mặt trời treo ngang tẩm ngực
              Soi đường không lạc dấu chân sau


              Quê núi 3
              Con chim bay qua mấy tầng cao
              Về đây hót nghe bình yên quá
              Núi ẩn giấu thêm nguồn suối lạ
              Xui ai yêu riêng đất quê mình .

              ( Trích trong tuyển tập 20 năm văn học nghệ thuật An Giang )


              .
              ----------------------------

              Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

              Comment

              Working...
              X
              Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom