Kansas city mùi jazz khắc khoải…
Con sông cắt Kansas city làm đôi. Một nửa vẫn là Kansas city, nửa kia thuộc bang Missouri. Khi tôi đến, Kansas đang rất lạnh dù không có tuyết. Không hẳn Kansas lúc nào cũng vắng lặng như một thị trấn Viễn Tây (nó ở Trung Mỹ). Nhưng sự vắng lặng dù là cuối tuần bỗng cho ta cái cảm giác ấy. Đường phố quạnh quẽ, những ngôi nhà hộp gạch trần nâu đỏ rất đặc trưng da đen và gió lạnh…
![](http://www.sgtt.com.vn/HTMG/2008/0526/34765/01.jpg)
Ngôi nhà nhỏ màu hồng nằm ở ngoại ô heo hút nay trở thành một địa điểm không thể không đến cho những du khách yêu thích jazz
Có lẽ quá lạnh nên ít ai ra đường trong ngày nghỉ cuối tuần?
Một góc Kansas buồn hiu...
Những khu da đen bỏ hoang đã hơn một thế kỷ nơi ngoại ô hoang vắng... Những hàng cây mùa đông xơ xác và văng vẳng tiếng kèn đồng buồn bã… Kansas ám ảnh bởi ấn tượng hiu quạnh ấy. Nhưng chính sự buồn bã của âm nhạc, từ những số phận buồn thảm – đầu thế kỷ cũ, người da đen không được vào trung tâm thành phố, họ quần tụ nơi ngoại ô của mình. Chính những nơi này họ – những nghệ sĩ đường phố, thứ màu da bị ruồng bỏ đã tặng cho nền văn hoá Mỹ cái thể loại âm nhạc bất hủ: jazz & blues.
Kansas là quê hương của một trong những nhạc sĩ jazz huyền thoại: Charlie Parker.
Kansas còn bảo tồn nguyên vẹn một ngôi nhà sơn màu hồng, một câu lạc bộ chật chội, nghèo nàn, hơn 70 năm trước từ đây những huyền thoại da đen tìm đến: BB King, Billie Holiday, Louis Armstrong, Susanah McCorkle và Charlie Parker người đã cách tân thể loại jazz bằng lối chơi đẩy nhanh tiết tấu để góp phần khai sáng một thể loại khác: be bop, cho những thập niên 60 – 70.
Ngôi nhà nhỏ màu hồng nằm ở ngoại ô heo hút nay trở thành một địa điểm không thể không đến cho những du khách yêu thích jazz.
Và một tượng đài gương mặt của Charlie Parker nay là niềm kiêu hãnh cũa Kansas city.
Không có jazz, không có bảo tàng jazz, nơi lịch sử thể loại âm nhạc này được kể lại, trưng bày bằng tiếng hát, điệu kèn của những nhạc sĩ, ca sĩ tài ba mà du khách chỉ cần đeo headphone và bấm nút chọn, nơi chiếc kèn saxo màu trắng của Charlie Parker còn được trưng bày như một vật báu của bảo tàng. Kansas liệu có gì để làm dấu ấn cho gương mặt một thành phố Trung Mỹ?
Tất nhiên. Kansas không chỉ có jazz. Bây giờ nó còn những tác phẩm public art ở nhiều nơi trong thành phố. Trước toà thị chính, một bức tượng mang tính châm biếm chính quyền. Tượng một người đàn ông bịt hai tai mồm bị nhét chiếc giày to tướng mang ý nghĩa “chọc quê”: “Này! Các vị nói phét thế là đủ nhé! Tớ đek nghe nữa!”
Bức tượng nhìn vào toà thị chính từ lúc dựng nên tới hôm nay vẫn… chẳng ai làm gì nó. Nó có vẻ như chờ một gã xa lạ đến từ bên kia bờ đại dương xa thẳm. Đưa máy chụp hình bấm một nhát rồi về…
Kansas gió lạnh – heo hút và buồn…
Kansas – giá rét đã cảnh cáo gã đi hoang nửa đêm nhưng mặc không đủ ấm bằng một vệt… máu mũi quẹt ngang mu bàn tay. Đủ xanh mặt! Hết hồn!
Nhưng “mùi đen” và “mùi jazz” trôi lang thang, khắc khoải trong đêm lạnh ở đây tưởng như có thể sờ vào, cầm lấy trong lòng tay…
Giai điệu của chiếc kèn đồng màu trắng…
Đỗ