Những cơn mưa ở lại
Ngô Thị Thục Trang
( Thường thì có ít người chọn một cốt truyện như thế này để khai triển, nếu như đó không phải là câu chuyện của chính mình, với những thôi thúc từ bên trong. Người đọc cũng có thể dễ dàng lướt qua một nội dung như thế này, nếu như không tình cờ chợt thấy trái tim mình rung động.
Chuyện kể gì? Là những hồi ức ấu thơ của mấy anh em trong nhà, những kỷ niệm vui buồn với chú chó Ki. Cuộc đời, nếu như cứ dừng lại ở những khoảnh khắc trong veo như thế thì tuyệt biết bao. Nhưng rồi có một nỗi buồn bất ngờ giáng xuống. Trong buổi sớm đó, cô gái ở cách rất xa ngôi nhà của mình không hiểu vì cơn cớ gì đã bật cười thật to. Trong buổi chiều đó nắng thật vàng tươi như thế gian không thể có chuyện gì buồn... )
***
Minh họa: Lê Thiết Cương
TTCT - Nhà em có bốn anh em. Anh Hai em là người anh tuyệt vời. Hồi nhỏ cũng vậy, bây giờ cũng vậy. Chưa bao giờ em và hai đứa em nhờ gì mà anh ấy không làm. Nhưng mười ba tuổi, anh Hai em đã phải sống xa nhà. Là ảnh xuống ở dưới nhà dì để trọ học vì xã em không có trường cấp hai, muốn học phải đi mười cây số sang xã khác học. Anh Hai em hồi đó nhỏ như cây kẹo, sức đâu mà đi.
Anh Hai đi học rồi em trở thành chị lớn trong nhà. Nhưng mà em nhác lắm, chuyện gì cũng nạnh em gái làm. Em gái nhỏ hơn em bốn tuổi. Và múp míp như trái sim. Chân nó ngắn cũn cỡn. Ở nhà nó tên là bé Nhỏ. Hồi nhỏ em cũng tên là Bé, giờ thì không ai gọi như thế nữa. Em gái em siêng năng nhưng cũng nóng tính, không chịu được bà chị nhác nhớm nên hay nói lại. Hai chị em cãi nhau hoài. Nhiều lần bé Nhỏ vác con dao thái rau rượt em chạy quanh nhà. Bắt được em, nó gí sát dao vào cổ, nghiến răng, rồi thả em ra.
Bé Nhỏ là đứa con ngoan từ nhỏ. Nó viết chữ đẹp như in, giữ vở sạch sẽ và làm bài tập lúc nào cũng chỉn chu. Năm lớp một, một lần bé Nhỏ làm cả nhà cười no bụng. Nó hớn hở chạy về nhà khoe với mẹ, vui ra mặt vì lần đầu tiên được điểm bảy. Chỉ toàn được điểm... chín, mười nên nó thèm con bảy như mấy bạn, thèm quay thèm quắt mà không biết làm sao để có được. “Mừng quá mẹ ơi, hôm nay con được bảy điểm rồi nè!”. Anh thấy có buồn cười không?
Nó gánh nước từ năm bảy, tám tuổi. Em cũng không nhớ rõ lắm, có khi còn nhỏ hơn. Ngày đó em lấy lý do bị đau lưng (là đau thiệt, sau đợt hút mấy xilanh tủy sống để xét nghiệm bệnh viêm não) nên “nhường” hết việc gánh nước cho nó. Việc quét sân em cũng né luôn vì “đau lưng không cúi được”. Nên, anh cũng gặp bé Nhỏ nhà em rồi, hăm hai tuổi đầu mà nó cao một thước bốn lăm. Em có lỗi trong chiều cao của em gái em đấy, anh ạ!
Em còn một đứa em trai nữa. Anh chưa bao giờ gặp. Nó sinh vào cái năm chẳng hiểu vì lý do gì gạo lên giá gấp mười lần. Lương tháng của ba và mẹ em cộng lại chỉ đủ mua một ang rưỡi gạo (một ang gạo khoảng mười ký). Cũng năm đó quê em có dịch sởi ở trẻ em. Ba em nhiều ngày liên tục nhịn ăn trưa bốc thuốc cho nhiều bà con ngồi chờ thấp thỏm. Mẹ em cứ nhắc hoài, nếu không nhờ nghề đông y của ba chắc mấy anh em em chẳng có cơ hội học hết cấp hai. Ừ thì một thời gian khó!
Em trai em thông minh nhất nhà, nhát gan nhưng cũng ham chơi nhất nhà. Em bồng ẵm nó từ nhỏ. Nó có tật khóc ngất. Mỗi khi khóc mặt nó tím tái và nó thì tắt tiếng, hình như nó không thở được. Em rất sợ khi giữ mà nó khóc. Em chẳng biết làm gì cả, cứ vuốt ngực nó rồi khóc gọi ba mẹ. Chắc là nó bị bệnh tim phải không anh? Có lẽ vì nó là con trai nên em thương nó hơn bé Nhỏ. Em hay dắt nó đi ăn hàng cùng. Em mua kẹo mè, kẹo ú, kẹo the rồi bánh sữa cho nó ăn. Rồi mỗi khi có tiếng leng keng của chuông cà rem hay kẹo kéo qua ngõ, em đều kêu lại đổi dép đứt hay mấy cục sắt, nhôm nhặt được. Ngày đó cà rem chỉ toàn đá là đá với tí nước đường mà đứa nào cũng mê. Ăn hàng nhiều quá răng nó bị siết đen hết, nhìn mắc cười lắm. Nhưng em chỉ cười ngày đó thôi.
Ba chị em em nhiều điểm khác nhau, có khi trái ngược. Nhưng có một điểm giống nhau đến... phát bực (là mẹ em bực) là rất thương chó với mèo. Khi nào nhà em xin được một chú cún về là coi như mọi trò chơi khác trên đời bị sao nhãng hết. Ba chị em giành nhau chơi với chó, quên học bài, quên nấu cơm, quên cả ăn hàng. Quá quắt hơn (là mẹ em thấy quá quắt) là tụi em ôm chó ngủ... trên giường. Anh lưu ý cho, em ở quê, chó nhà em nuôi là chó ta, không phải chó cảnh, càng không phải chó... bông. Bị quất roi vào mông tụi em mới thả chó ra cho nó ngủ dưới đất. Nhớ chó quá ngủ không yên, nửa khuya ba chị em còn bò dậy xuống xem nó ngủ có ngon không. Anh cứ nhìn một con chó con ngủ một lần đi, thấy đáng yêu lắm!
Năm đó nhà em nuôi con Ki. Nó mới chuyển từ giai đoạn cún sang giai đoạn chó tơ, “đẹp trai” ngời ngời. Lông mướt rượt, dáng thanh tao. Em năm đó học lớp mười hai rồi, lòng biết nát tan vì chuyện tình cảm rồi mà vẫn mê chơi với chó. Ở nhà em vẫn chọc cho Ki quào. Em cầm đuôi nó gí vào mũi nó để nó cứ chạy vòng quanh với cái đuôi của mình. Trong lưu bút viết cho bạn bè, phần sở thích em ghi “Chơi với chó.”
Chiều đó là buổi chiều đông, em nhớ mồn một vì rằng em phải đi bộ đến trường. Quê em hễ đến mùa mưa là lầy lội chịu không đi xe đạp được. Em về đến nhà khi trời đã tối om om rồi và nghe trong nhà có tiếng thút thít của hai đứa em. Rồi em trai em khóc thành tiếng: “Đồ ác độc! Mi cắn chết con Ki của tau, rồi mi sẽ bị ăn thịt!”. Em bỗng òa lên khóc, hu hu con Ki chết thiệt rồi à? Hai đứa em em chạy ra ôm chầm lấy em: “Chị Ba ơi, con Ki nhà mình bị con Mốc nhà bà Hai cắn vào dái chết rồi. Đồ con Mốc độc ác, cắn một cái con Ki chết ngay”. Tối hôm đó cả ba chị em nhịn ăn, ngồi khóc hức hức. Ba mẹ em cũng chẳng biết làm sao. Em biết ba mẹ em cũng thương con Ki lắm lắm. Sáng hôm sau em nghe cô Chín kể. Hai đứa em mi hắn làm cả xóm sảng hồn. Tự nhiên nghe hai đứa cùng hét lên “Chị Ba ơi, chị Ba ơi! Hu hu” tau liền bỏ cuốc chạy sang, tưởng mi bị làm răng. Tới nơi thấy hai đứa ngồi vuốt con chó. Mà con Mốc cũng độc thiệt, cắn một cái ngay vào dái, con Ki nhà mi không kịp kêu một tiếng.
Em khóc thêm lần nữa rầm rộ rồi cùng ba đem chôn con Ki. Tội nghiệp! Nó hiền lắm, còn chưa biết sủa người lạ. Sau lần đó mẹ em nhất quyết không cho xin chó về nuôi nữa. Mẹ sợ ba chị em lại khóc thêm một lần nữa. Cứ thấy ba chị em khóc con Ki, mẹ đau lòng không chịu được. Mà hai đứa em em khóc chó mà cứ gọi tên em làm hàng xóm sợ đến phát khiếp. Thì đúng rồi, vì em cũng thương con Ki mà!
Thế mà, anh ơi, một năm sau khi em đang học đại học ở Huế, cả nhà em cùng nhau khóc, khóc đớn khóc đau. Sáng hôm đó, em nhớ, em đang học đánh bóng bàn thì chẳng biết có chuyện gì làm em cười to lắm, to chưa từng thấy. Trưa về nghe chủ nhà gọi: “Miên, có điện thoại”, em hớt hải chạy lên. Là ai gọi cho em anh biết không? Thầy Tâm, một đồng nghiệp của mẹ em, cũng là thầy giáo cũ của em, gọi bảo mẹ em đau phải đi bệnh viện, gọi em về trông nhà. Em biết ngay nhà có chuyện gì kinh khủng lắm, không thể mẹ đau mà gọi em về được. Nhưng dù em có khóc lóc van xin thầy nói thật thì thầy quát: “Thầy nói em không tin sao!”. Em thèm tin như thế lắm nhưng làm sao tin được. Lòng em như thiêu. Ngày đó không có di động như bây giờ. Bạn em chở em ra bến xe. Em khóc như mưa làm chú tài xế đòi không cho em lên. Em phải nín khóc mới được cho vào ngồi. Nước mắt em ướt hết chiếc khăn tay bạn mua cho. Em không nghĩ được gì nữa, chỉ biết rơi nước mắt thôi. Nghĩ ngả nào em cũng thấy sợ.
Quãng đường từ Huế về nhà chỉ hơn trăm rưỡi cây nhưng qua hai lần bắt xe. Đến Đà Nẵng, em phải đứng chờ xe về quê hơn nửa tiếng. Trong lúc chờ xe, em thấy nắng rất vàng. Tự nhiên lúc đó em bỗng tin lời thầy Tâm. Đúng rồi, nắng vàng như thế này, cuộc sống mọi nơi vẫn bình lặng như thế này làm sao nhà mình lại có chuyện gì được. Không có chuyện gì hết, mẹ chỉ bị đau nhẹ thôi và mẹ nhờ thầy gọi cho em đơn giản vì chỉ có thầy mới có chìa khóa điện thoại của trường. Lúc đó em lại tin thế đấy anh ạ. Chờ mãi vẫn không có chuyến xe thẳng về quê em, em đành bắt xe về thị trấn, sau đó sẽ đi xe ôm về đến nhà. Nhưng chiếc xe này cũng ghé hết chỗ này đến chỗ kia giao hàng nên chỉ có ba mươi cây số mà chạy hết hai tiếng đồng hồ. Đến thị trấn khi trời đã nhá nhem tối, em chẳng tìm được xe ôm nữa. May sao có người bạn học cùng hồi cấp hai chở em bằng xe đạp, hình như bạn biết chuyện gì mà chẳng vồn vã với em gì hết. Cứ im lặng đạp xe. Em sợ quá, sợ điều mình biết sẽ làm mình ngã quỵ nên cũng không dám mở miệng hỏi. Một lúc sau có người chạy xe máy qua, bạn xin cho em đi quá giang. Người đó cũng đến nơi cần đến rồi nên thả em xuống, em lại chạy vào nhà bà con ở xã bên nhờ chở về giùm. Không ai hỏi em sao đang học lại bỏ về, em đoán tất cả mọi người đều biết việc nhà em rồi. Và lúc đó niềm tin thoáng qua nhờ con nắng vàng buổi chiều tan đi hết cả. Em thấy đêm mịt mù, em ngột ngạt. Giá em có thể biến mất ngay lúc đó để đừng chịu đựng sự thật mà em cũng chưa biết là gì nhưng chắc chắn đớn đau này. Trong lúc chờ người có xe máy, em lại ra đường tìm người quá giang tiếp. Gặp bác Bảy đi xe đạp. Bác bảo lên xe bác chở về, vừa chở bác vừa nói: “Cháu phải bình tĩnh, rồi tất cả sẽ qua! Cuộc sống vốn nhiều bất trắc”. Thế là hết rồi, chút hi vọng hiếm hoi, mỏng manh cũng đã tắt lịm. Mà anh biết không, em vẫn không đủ can đảm để hỏi là bác ơi, nhà cháu ai bị làm sao. Em cứ ngồi sau xe im lặng. Còn khoảng ba cây số nữa đến nhà, em bỗng thấy anh Thịnh con cô Hai em chạy xe máy ngược chiều. Em kêu. Anh Thịnh dừng lại, bảo: “Mấy người đi đón em mà chưa thấy ai về, anh đoán chắc không đón được nên anh đi xem có gặp em không”.
Từ đó về đến nhà em, em gặp không biết bao nhiêu ánh mắt ái ngại. Có người còn kêu lên: “Con Miên về rồi kìa!”. Thật sự lúc đó em trống rỗng lắm, chẳng nghĩ được gì nữa hết. Anh có bao giờ trải qua cảm giác trống rỗng đó chưa? Nó kinh khủng lắm, bây giờ mỗi lần nhớ lại là em không thở được. Xe đến ngõ nhà em, có một cái trại trong nhà, em thấy ba em đứng khóc. Mẹ, anh Hai và bé Nhỏ thì đón em từ đầu ngõ. Chân em cúm lại, không bước được nữa. Lúc đó em mới òa lên. Cả xóm giữ lấy em, sợ em làm điều gì dại dột. Anh ơi, em trai em đấy. Đứa em mà em thương yêu, hay gọi đùa là “cục cưng” đang nằm trong cái trại kia, để chứng minh cho câu nói của ai đó rằng cuộc đời vốn nhiều bất trắc.
Đám tang em trai xong được ba ngày, em phải trở lại trường. Và đó là chuỗi ngày kinh khủng nhất. Không đêm nào em ngủ được trước bốn giờ sáng. Thức cũng có học bài được đâu, dù trước mắt em là kỳ thi học phần thứ hai trong đời sinh viên. Cứ nhắm mắt lại là cảnh em trai em chìm dần, chìm dần trong nước hiện lên. Em thấy nó vùng vẫy, quẫy đạp và sặc sụa. Chắc là nó đau đớn lắm, sợ hãi lắm và cô đơn lắm ngay lúc đó. Em trai em vốn rất nhát gan, ngày nhỏ cứ mỗi lần dẫn thả nó xuống sông là nó khóc thét, dù cho có anh Hai em giữ. Chính vì thế mà nó không biết bơi.
Trong nhà em chỉ có mẹ và em gái em được báo tin dữ ngay khi người ta còn chưa vớt được em trai. Ba em hôm đó dẫn đoàn học sinh giỏi đi thi. Anh Hai em đang học ở Đà Nẵng. Người ta phải nhốt em gái em lại trong một căn nhà gỗ gần bờ sông khi sơ cứu cho em trai. Mẹ em bị buộc phải ngồi chờ ở nhà khi người ta chở em trai em đi bệnh viện sau khi sơ cứu. Vì người ta cho rằng nếu thấy người thân, nạn nhân sẽ bị hộc máu ở miệng. Em luôn nghĩ rằng khi bị nhốt trong căn nhà gỗ, em gái em vẫn kêu: “Chị Ba ơi, chị Ba ơi!”. Anh có tin thế không? Em thì tin. Lần này chỉ có em gái em kêu khóc, tiếng kêu tuyệt vọng hơn lần con Ki gặp nạn gấp ngàn lần.
Em ân hận, em dằn vặt bao nhiêu ngày, bao nhiêu đêm. Em cứ đinh ninh rằng nếu ngày đó em không nằng nặc đòi đi Huế học mà chọn Đà Nẵng thì có thể em trai của em đã không đi tắm sông vào buổi sáng mùa xuân còn đầy hơi sương lạnh như thế. Em còn tự trách mình chưa mua cho em chiếc đồng hồ đeo tay như đã hứa, vì lúc đó em vẫn chưa nhận học bổng.
Trường em phát học bổng trễ lắm! Em giận mình sao lại cười to thế trong buổi sáng em trai chìm trong nước lạnh. Em giận mình đủ thứ, rồi giận lây sang người khác khi thấy nụ cười tràn đầy của họ. Sự mất mát làm em vô lý đến gần năm trời. Sau đó em tìm đến sách để giải thoát bớt những u buồn, tuyệt vọng trong mình. Cuộc sống không còn được vui vẻ như trước, nhưng dù sao em cũng đã tự cân bằng được.
Nhà bốn anh em, mất một tự nhiên thấy chênh chao. Không còn cái tết nào trọn vẹn như trước đây nữa, dù chuyện đã qua hơn bảy năm rồi. Dù em đã gặp thêm nhiều chuyện không vui nữa trong đời, nhưng mãi mãi đó là điều gây cho em nhiều nhất những thương tổn. Đến tận sau này em vẫn hay chiêm bao thấy cảnh em bị bủa vây bởi mênh mông là nước, chỉ một mình em. Tỉnh dậy, nước mắt đầm đìa trên gối.
Thế mà anh biết không, gần đây thôi có đứa bạn học chung lớp Anh văn đến nhà chơi, thấy ảnh gia đình em trên máy vi tính, nó hỏi nhà em có ba anh chị em luôn à, sướng hị, đánh lộn khỏi sợ thua, em đã gật đầu ừ, không hề thấy có lỗi với ai hết. Em cứ cho rằng nói như thế cho khỏe, khỏi phải nhắc lại chuyện đau lòng. Nhưng mẹ em đã cứu em, anh à, mẹ hiền từ bảo không, nhà cô có bốn đứa lận, thằng út nó thông minh lắm nhưng là đứa xấu số. Mắt mẹ rạng vui khi kể về em trai em. Lúc đó em thấy người mình nhẹ hẫng. Em đáng ghét lắm phải không anh? Sao em lại nỡ đẩy đứa em trai tội nghiệp ra khỏi trí nhớ của mình như thế chứ. Vậy mà khi em trai mới mất, em đã lo sợ người khác sẽ quên mất nó. Là em tệ bạc, em sợ nhắc đến tên em trai sẽ mất thêm vài câu nói, mất thêm vài giây. Sao lòng người bạc bẽo thế hả anh?
***
Miên hay khóc, thế mà hôm nay nàng ngồi nói gần suốt buổi chiều, về một câu chuyện đau lòng, lại không rơi giọt nước mắt nào. Chuyện nàng có một đứa em trai bị tai nạn tôi đã biết. Nhưng chiều nay mọi thứ diễn ra rành rọt trong mắt tôi, từ cảnh nàng bị đứa em gái hiền lành gí sát dao vào cổ khi còn bé tí đến cảnh ba chị em ngồi khóc con chó tơ, rồi cảnh nàng hoảng loạn bơ vơ trong suốt buổi chiều bắt xe từ Huế về nhà khi biết chắc chắn nhà có chuyện mà không dám hỏi là chuyện gì. Tôi muốn kéo sát nàng vào ngực mình, để nàng tựa đầu hiền lành, để nàng nghe tim tôi đập rằng tôi hiểu hết những gì nàng đã trải qua. Mẹ tôi bị điện giật khi tôi đang đi chơi bida với bạn bè. Nếu ngày hôm ấy tôi ở nhà, mẹ đã không việc gì. Chuỗi ngày sau đó với tôi là dằn vặt, là khổ đau. Nhưng rồi vẫn phải đi tiếp, có ai đi hộ mình giữa cuộc đời này được đâu. Mỗi người phải tự đi cho bằng hết cuộc hành trình hạnh phúc, đắng cay.
Nhưng đây là quán cà phê, tôi chỉ biết nắm lấy đôi tay đang run lên không phải vì gió lạnh của Miên ủ trong tay mình. Lần đầu tiên tôi nghe tiếng mình nhẹ như hơi thở: “Mưa tạnh rồi em, để anh đưa em về”.
Mưa tạnh rồi, người ta lại đón nắng bằng một trái tim ướt sũng. Vì thế, những cơn mưa cứ ở lại mãi trong lòng. Bất kể nên hay không nên. Bất kể ngày nắng chói chang hay đêm dông tố vần vũ. Bất kể tháng ngày phai nhạt, những cơn mưa cứ ở lại, lênh láng một góc lòng...
***
Ngô Thị Thục Trang sinh năm 1984, đang là giáo viên dạy chuyên hóa tại Trường THCS chuyên Nguyễn Khuyến, Đà Nẵng. Ngoài viết truyện ngắn, Thục Trang còn làm thơ với bút danh Trang Nguyệt Hạ (giải khuyến khích cuộc thi thơ “Bút mới” báo Tuổi Trẻ năm 2008, giải nhất cuộc thi thơ “Đà Nẵng trên đường đổi mới” của Trung tâm VHTT và Hội Nhà văn Đà Nẵng năm 2008).
“Em đã vừa viết vừa khóc” - đó là tâm sự của Thục Trang khi viết truyện ngắn này. Còn tôi thì nghĩ người đọc có thể không khóc khi đọc Những cơn mưa ở lại, nhưng chắc chắn là khi đọc xong ai cũng có ước muốn được kể lại những câu chuyện bé nhỏ của đời mình.
TRẦN NHÃ THỤY
tuoitre.com.vn