LÊ THIẾU NHƠN
Nguyễn Ngọc Tư len lén thơ buồn
Nguyễn Ngọc Tư len lén thơ buồn
Cuối năm 2008, sau khi phát hành cuốn “Gió lẻ và những truyện ngắn khác” với số lượng khá lớn, Nguyễn Ngọc Tư bảo: “Sắp tới tui sẽ chuyển qua làm thơ!”. Tôi cứ nghĩ cô bạn chỉ dọa mình cho vui. Ai ngờ, ít lâu sau, thấy tôi trên mạng, Nguyễn Ngọc Tư chat ngay một câu mừng rỡ: “Ông ơi, hôm nay là ngày trọng đại nhất trong đời tui. Tui có một bài thơ in báo rồi. Ha ha ha….”. Tôi giật mình, thôi rồi, nữ sĩ Nam bộ này hễ nói được là làm được. Bài thơ đầu tiên mà Nguyễn Ngọc Tư tự hào ấy, được in trên báo Đà Nẵng. Tôi đọc và ra vẻ người làm thơ đi trước: “Một bài thơ thì chưa nói lên được điều gì đâu!”. Có lẽ tự ái, Nguyễn Ngọc Tư mail luôn cho tôi một chùm thơ gần chục bài. Tôi cảm thấy hơi…nể!
Năm 1998, tôi quen Nguyễn Ngọc Tư khi cô đang làm văn thư cho Hội văn nghệ Cà Mau, chỉ mới viết được một vài bài ký kể chuyện vùng sông nước. Thế nhưng, sau đó Nguyễn Ngọc Tư có những bước tiến rất dài trong nghề văn, chứng tỏ một tài năng thiên bẩm. Riêng truyện dài “Cánh đồng bất tận” đã giúp Nguyễn Ngọc Tư vượt trội những cây bút cùng thế hệ. Vì vậy, tôi cũng rất cảnh giác với tiềm lực làm thơ của Nguyễn Ngọc Tư!
Ưu điểm của thơ luôn nằm ở những khoảnh khắc. Cái khoảnh khắc ấy văn xuôi không thể diễn tả một cách mạch lạc. Thơ Nguyễn Ngọc Tư là đôi khoảnh khắc buồn len lén trình diện một tâm hồn đa cảm. Bài thơ “Thềm nhà” vướng mắc từ sự áy náy “lâu rồi không về ngồi nơi thềm nhà, để nhìn ba má già”, cô đắng đót nhận ra:
“Bốn ngàn trưa con nằm co bên thềm như con chó nhỏ
ngủ và mơ giấc của riêng mình,
những chiêm bao bị cơn thèm ăn ngấu vào quay quắt
con chưa bao giờ kể ai nghe
sợ tay má khóc
mãi không búi được tóc
sợ lòng ba đau
miết cuốc vào giồng rau”
Cảm giác trôi từng dòng, từng dòng vừa như nỗi sợ hãi chạm phải ngày xưa cơ cực, mà từng dòng vừa như sự chột dạ không thể níu giữ kỷ niệm mờ phai. Nguyễn Ngọc Tư không dùng một chữ đắc địa nào, nhưng thơ thuyết phục nhờ vẻ yếu mềm phụ nữ không cần giấu giếm. Tôi mơ hồ nghĩ rằng, khi làm thơ Nguyễn Ngọc Tư không mấy tin vào giá trị của chữ nghĩa, mà cô tin tuyệt đối vào giá trị của nước mắt. Bởi thế, cô có câu “Sao đôi lúc mực rơi như đạn xé?” ẩn chứa sự mạnh mẽ của bao ngậm ngùi!
Một người viết truyện ngắn có văn phong thì khi quyết định làm thơ sẽ có lợi thế ngưng tụ được nhiều hình ảnh. Đó là nguyên nhân Nguyễn Ngọc Tư quan sát được một “Lễ hội” rạng rỡ:
“Những lời hứa không mang theo dấu hỏi. Nhiều mật, hoa và lắm nụ cười. Em cả tin chảy cùng người ngơ ngác. Vắt tim mình pha sắc những cuộc vui”
và dò tìm được một phương pháp “Hỏi đường” trắc ẩn:
“Những ngày rong ruỗi trên đất lạ, chỉ mình, tôi một lần ngẩn ngơ hỏi con đường, lối nào sẽ dẫn đến người. Đường im lặng đi lên đồi mải miết, người ngốc ơi, chỉ cần dừng chân lại, sẽ thấy người”
Khi đọc thơ Nguyễn Ngọc Tư, tôi cố gạt ra quan hệ thân tình để giải đáp câu hỏi có thể nhiều người cũng quan tâm: nhà văn ăn khách làm thơ với mục đích gì? Xin thưa, khi viết văn xuôi, Nguyễn Ngọc Tư mong muốn làm cuộc đối thọai với nhân vật và tình tiết, còn khi sáng tác thơ, Nguyễn Ngọc Tư mới có cơ hội làm cuộc đối thọai với bản thân. Và chính cuộc đối thọai trễ nãi vần điệu giúp công chúng hình dung một Nguyễn Ngọc Tư xa thẳm với cô đơn thường trực của kẻ ưu tư:
“Mình tôi mình tôi riêng tôi riêng tôi. Thênh thang lầm lũi…Thèm cùng người nhìn tách trà thoi thóp khói, nghe chút ngọt mụ mị mềm đầu lưỡi, nơi đắng chát đã từng qua”.
Từ xưa đến nay, thơ có một mối nguy hiểm là thể loại văn chương tưởng chừng mơ màng hư thực này luôn bắt người viết phải thổ lộ những riêng tư thầm kín nhất, nếu muốn tìm được đồng cảm phía độc giả. Nguyễn Ngọc Tư tình nguyện làm một người ngây dại để đi tìm run rẩy trái tim mình “Bão đã từng” chới với giữa cuộc sống ngày càng dửng dưng hơn.
“Những nhớ thương, chờ đợi, tủi buồn,
bỗng một ngày em không nhốt được,
tan chảy từ khối ngày đông đặc,
chúng chực tràn ràn rụa phía anh
Từng chữ từng chữ tuôn trên những ngón tay
chữ mặn và trong,
chữ xót ròng ròng
em không sao dừng lại được
anh sẽ ướt
anh sẽ ướt. Em sợ anh sẽ ướt
khoét một vết sâu, em dẫn nhớ chảy vào
mỗi thư nháp là một dấu đau
một vũng chữ anh không bao giờ nhìn thấy
Mỗi thư nháp là một cơn bão
Đã từng…”
Mai sau, liệu có một lúc nào đó công chúng sẽ giới thiệu “nhà thơ Nguyễn Ngọc Tư đã từng viết văn” chăng? Tôi không dám phỏng đoán, nhưng tôi chắc chắn nhiều câu thơ đã an ủi Nguyễn Ngọc Tư những lúc xao xác ngả lòng. Và có thể cũng nhờ thơ, tôi và mọi người sẽ hiểu Nguyễn Ngọc Tư thêm chút nữa!
Sài Gòn, 4-2009
Mời đọc, 4 bài thơ mới của Nguyễn Ngọc Tư
Hỏi đường
Những ngày lang thang trên đất lạ, với tấm bản đồ rách rã, đôi khi tôi phải dừng lại hỏi đường. Ông ơi, lối đi này dẫn tới đâu, cháu muốn tới những thung sâu
những bãi cỏ buổi sáng từng là chợ, ông già im lặng và ngón tay gầy quắt, vẽ cho tôi một con đường
Những ngày hoang mang trên đất lạ, tôi hỏi những em bé gầy gò, lem luốc
em ơi, đi lối nào tôi sẽ đến đỉnh ngọn núi kia, để nhìn dòng sông kẽ một chân mày nơi đáy vực. Những em bé ngó nhau, lời ngọng ngịu trên môi vạch cho tôi một con đường.
Những ngày phiêu lưu trên đất lạ, tôi hỏi những cô gái tỉa bắp bên đường, chị ơi ngã nào thì tới cánh đồng, bầy dê nhỏ vùi mặt vào cỏ rối, bên lối đi nhiều hoa dại, lúa xỏ mầm qua đất, xanh non. Những cô gái gạt mồ hôi, ánh mắt cười lung linh trao cho tôi một con đường.
Những ngày rong ruỗi trên đất lạ, tôi một lần dừng chân lại hỏi con đường, lối nào sẽ dẫn đến người. Đường im lặng đi lên đồi mải miết, người ngốc ơi, chỉ cần dừng chân lại, sẽ thấy người.
Khúc hát rời Nho Quế
Sông chiều
nhiều nắng mỏng
giang hồ ngồi nhớ mênh mông quê nhà...
*
Cầu nát
Tôi ở bên bờ ngơ ngác
lòng đục nghẹn ngào trước nước quá trong
Lũ trẻ chăn dê thản nhiên qua sông
*
Em vớt củi giữa dòng
váy em ướt đẫm
phơi củi bằng nắng,
váy lay gió rồi khô,
em hong phận người thương khó bằng gì ?
*
Người lẻ bảy ngày ngồi đây muốn khóc
Sông chảy một mình giữa đá, buồn không ?
Sương mù
Chân lý ngủ mê,
vào cái ngày sương mù ấy
lá đang xanh hay đã phai màu ?
hoa bạc đầu hay sắc tím vẫn nhói sâu ?
Đường thăm thẳm vô biên, hay đường chỉ năm ba bước ?
Mây lang thang trên vai, hay không bao giờ ta tới được trời cao ?
Mắt tôi vừa rụng giọt sương
hay nước mắt cất lời ?
Người còn ở bên tôi
hay người để tình trôi ?
Thênh thang thênh thang sương rơi…
Những câu hỏi liêu xiêu hư thực,
trong ngày sương thức giấc,
nuốt vào lòng nó sự thật giống như sự thật
Tin còn có vành tai, nhờ lạnh buốt
Tin còn có bàn tay, vì lạnh buốt
Mặt trời ơi mặt trời ơi,
cũng có khi tôi nhớ người…
Về quê...
Thằng bạn tôi, thằng bạn bụi bậm, thằng bạn giang hồ của tôi về nhà.
Tôi không biết nhà nó ở đâu, nghe nói có một ngọn đèo, có cây, có cỏ, có khói tỏa lên từ
những mái nhà dưới thung.
Đứa tinh quái, nhiều ý tưởng mới lạ, nhưng nói về quê mình thì cũng chỉ ba từ “đẹp mà buồn”.
Giống cái cách người đời khi kể về quê của họ.
Ở quê nó có một bầy em nhỏ. Đứa ngoan đứa không ngoan. Về quê là nghe mẹ trách ba ba trách mẹ, em này méc em kia. Ngơ ngác xử phân mà đằng nào đúng cũng xốn xang.
Về quê thấy có bầy dê mới, góc cột thêm một ổ mối, cây ổi vườn sau bị gãy mất nhánh rồi. Không có vẻ gì chờ đợi người lang bạt.
Chái sau nhà đã lợp thêm mà không đợi.
Cỏ trên đồi không đợi, mịt mùng xanh.
Hoa bên rào không đợi, đã nở, cũng vừa xong nát rữa
Láng giềng không đợi, đi mua rượu cho chồng, chân rối vào chân. Tay níu chặt cái chai và chiếc nón loay hoay nửa như giấu đôi má rám nửa muốn che vồng ngực chảy não nề. bên xóm có người về…
Trẻ con không đợi, cứ lũ lượt ra đời, khóc rạn cả một vạt chiều lơi nắng.
Chỉ mẹ đợi bạn về để nói : “ba mầy lúc này suốt ngày say…”
Chỉ ba đợi bạn về để nói : “mẹ mầy đã cạn tình yêu…”
Chỉ những đứa em đợi bạn về để khoe vết chém còn mới trên vai, "Thù này quyết trả...”
Đứa em gái níu tay anh thầm thì, “anh ơi, môi chạm vào môi thì có con không ?”
Bạn tôi mỉm cười.
Cỏ trên đồi đã từng qua mùa cháy.
Xanh xanh.
lethieunhon.com
Comment