• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Ngày Thơ Tình Thơ -Nhã Ca

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Ngày Thơ Tình Thơ -Nhã Ca

    Nhã Ca

    Ngày Thơ Tình Thơ






    Thành phố đang ngủ vùi trong mùa đông, đột nhiên bị dựng cổ dậy. Những luồng dư luận phóng ngang dọc khắp phố xá, soi lủng từng tấm bình phong. Ồ ạt vào từng sân nhà, phòng khách, phòng ngủ, và cả chợ búa.
    - Dễ sợ. Đã biết tin chi chưa?
    - Rồi, cả thành phố biết rồi. Con Hoa Trang, con ông Chánh Ái mất tích chơ chi? Cha con gái đời ni ớn chưa. Ớn tận xương sống.
    - Con ông ni bà nọ, khi hư cũng hư như thường. Nghe noái nó với thằng con cái mụ bán chè chơ danh giá chi. Hai đứa thương nhau, bỏ đi biệt. Đoảng hậu.
    - Thời ni cũng có chuyện công chúa theo thằng bán than.
    - Rứa cho cái mặt thằng anh chi đó, thằng Triết bớt hách xì xằng. Còn cái con vợ của nó nữa mới dễ sợ. Tưởng con ông ni bà nọ, về làm dâu nhà danh giá là ta đây. Chừ, che cái mặt mo mà đi.
    Mấy chị đàn bà đang đi xuống con dốc, bàn tán, cười rúc rích. Rổ đi chợ cặp ở nách hờ hững. Một chị cười quá, rơi cả rổ xuống đường, lăn những vòng tròn. Chị ta le te chạy theo, cổ còn muốn ngoái lại, tai vểnh lên, sợ bỏ mất một khúc chuyện hấp dẫn.

    .................................................. .....

    Cũng buổi sáng hôm đó, ông đưa thư với một cái túi nặng trĩu, gõ cửa từng nhà. Rải rác những thiệp xuân tới sớm, những thiệp hồng báo tin đám cưới, những lá thư mang chút nắng ráo ở các tỉnh xa.
    Ở một ngôi nhà nhỏ trong thành nội, nghe tiếng gõ cửa, Tương Giang lật đật chạy ra. Cô sững sờ khi nhận một gói lớn từ tay ông đưa thư: Ai gửi cho mình đây? Cô run run, tưởng tượng một món quà đặc biệt của ai đó. Của ai?
    Tương Giang đem cả gói lên phòng, mở cửa sổ cho sáng. Cái gói được mở ra. Không phải quà. Chỉ là cuốn sách dày, dùng để viết nhật ký, bìa đã cũ. Tương Giang gạt cả mớ giấy gói mà vì mở vội vàng cô đã làm rách nát, cho rơi xuống đất. Cô mở cuốn tập ra ngay trang đầu tiên trong cuốn tập, là một bài thơ chép tay, nét chữ nắn nót:


    Đuổi bắt trên đồi cao
    Trời mưa dầm gió rét
    Hai đứa níu kéo nhau
    Té lăn cù, tưởng chết…

    Tương Giang bật cười. Thơ thẩn gì kỳ cục. Coi nào bài thơ dài đến hai ba trang. Chưa hết. Ngoài bài thơ, cuốn tập mấy trăm trang còn đặc những chữ là chữ. Tương Giang lật sang trang khác. Những giòng chữ mực tím, mảnh mai như những cánh hoa sầu đông, trải dài. Rải rác trong những trang giấy, một vài ngọn lá ép, một vài bông hoa khô, và những giòng chữ nhoè nhoẹt, chắc chắn vì nước mắt.
    Hoa Trang.
    Phải. Hoa Trang, như đang từ đâu đó, gửi về Tương Giang một ánh mắt thê thiết.
    .

    I. PHẦN CỦA VŨ

    Đuổi bắt trên đồi cao
    Trời mưa dầm gió rét
    Hai đứa níu kéo nhau
    Té lăn cù, tưởng chết

    Tỉnh dậy dưới chân đồi
    Ruộng ngô ai ngào ngạt
    Chạy khắp ruộng tìm coi
    Nào ngờ em trốn mất

    Tháng ba ngô kết trái
    Một mình ta, giận thay
    Bắt đền ruộng ngô đấy
    Bẻ về cho biết tay

    Ôm về em bó ngô
    Hai đứa cười rúc rích
    Đêm nay ta đốt lò
    Nướng ngô, vui bằng thích

    Những trái ngô đầu mùa
    Cười ròn trên bếp lửa
    Ngoài xa trời gió mưa
    Ai dại gì thương nhớ

    Hạt ngô thơm mùi sữa
    Nở đều như răng em
    Ta ghé môi cắn vỡ
    Ăn mãi không đã thèm

    Ngô chín vàng đêm đêm
    Giục lòng ta cháy đỏ
    Gió mưa gieo ngoài thềm
    Giật mình, biết đâu đó

    Lời muốn thốt yêu em
    Như than hồng trong miệng
    Nhai dập nghìn hạt mềm
    Vẫn cất không thành tiếng

    Muốn nương nhờ vai em
    Hai bàn tay bão dậy
    Vật vã trăm nghìn phen
    Vẫn dằn lòng: mai vậy

    Mai rồi mai lần nữa
    Thoắt chốc mười mấy năm
    Bao nhiêu mùa ngô vàng
    Bao nhiêu trời mưa gió

    Hôm nay qua đồi xưa
    Trượt chân, bàng hoàng mãi
    Ôi ngày thơ tình thơ
    Mất về đâu tuổi dại

    Tháng ba ngô kết trái
    Một mình ta buồn thay
    Ruộng ngô vàng vẫn đấy
    Nhưng bẻ về với ai

    Về với ai giờ nữa
    Một mình ta ngẩn ngơ
    Nghe hạt ngô đầu mùa
    Vỡ trong răng nức nở. (*)

    (*) Mùa Ngô Cũ, Trần Dạ Từ, Thủa Làm Thơ Yêu Em)



    Em,
    Để mở đầu lá thư dài, hay đúng hơn, những lời thương nhớ em trong thời gian xa cách, anh đã chép cho em một bài thơ. Thủa thiếu thời của ông thi sĩ, sao giống ngày thơ tình thơ của chúng ta quá. Em cùng xúc động như anh chứ?

    Chúng ta cũng đã qua bao nhiêu mùa ngô vàng, bao nhiêu trời mưa gió rồi. Anh chưa nói gì với em phải không? Mai rồi mai lần nữa. Thoắt chốc mười mấy năm. Khoảng thời gian của anh và em chưa lâu quá vậy. Năm nay, anh đã xong năm cuối cùng của Đại Học. Anh sắp trở về quê nhà. Sắp gặp em. Sắp gặp em và nói nhé. Đừng có run. Anh biết, em sẽ còn nói nữa: Trời ơi, em teo quá. Anh kỳ quá. Cái giọng nói của em, hơi thở em, răng em, đã đầy một bụng anh rồi. Đầy từ ngày xưa, khi ta còn nhỏ. Ôi ngày thơ tình thơ. Mất về đâu tuổi dại? Không. không bao giờ mất hết, phải không em. Để anh nhắc lại cho em nhớ.



    Em từng cười, chỉ vào mặt anh: Ghê, anh có mụn, mụn lớn quá. Năm đó, anh mười ba, phải không? Một vài mụn bọc có mủ, cứ xuất hiện trên da mặt anh hoài. Và em cười. Tại anh ăn tham. Tại anh ăn nhiều quá, ăn cay, ăn đắng. Nóng trong người, mọc mụn.
    Một buổi trưa, em ngồi vắt vẻo trên cành ổi trong vườn. Anh đứng ở vườn bên này, ngó sang. Anh gọi lớn tên em, nhưng em không ngó. Hẳn em đang tìm một trái ổi chín vàng nào. Em kỳ khôi quá, nghịch quá. Leo trèo còn hơn con trai nữa. Anh bậm môi. Hư. Bộ em thích trái ổi hơn anh hả? Anh gọi nữa. Gọi lớn tướng làm em giật mình. Lúc em quay lại, anh thấy em khóc. Em đang khóc tức tưởi. Thấy anh em càng khóc dữ hơn. Tại sao thế? Anh chui hàng rào, chạy qua. Em tụt xuống gốc, quay mặt khóc nữa. Buổi trưa, vườn nắng lặng lẽ. Em kể, em vừa bị đòn. Em chỉ mơ hồ cảm thấy em có lỗi. Nhưng em đã chịu hình phạt rồi. Anh phải gật đầu, trong khi em khóc và kể. Anh tưởng tượng được mà. Anh Triết nghiêm khắc: Đưa tay đây. Cả hai tay. Úp lại. Cái thước kẻ gõ xuống, kêu bốp bốp ngon lành. Lúc nãy em đứng khóc ở lu nước. Em nói giá nước mắt của em chảy đầy một lu đó, chắc em sẽ bớt buồn. Nhưng lu nước để hứng nước mưa chớ đâu phải để hứng nước mắt em, và em còn biết làm gì hơn là trèo lên cây ổi. Em thích trèo lên cây ổi lắm, cây ổi có cái nhánh ba, để em tựa cả khi vui lẫn khi buồn. Cây cối là bạn của mình cây cối mọc cho mình. Vì mình. Nghĩ thế, em cấm anh bứt cả cỏ, hái cả lá. Cây cũng biết đau, anh. Em thương cỏ cây. Cỏ cây cũng thương em chứ. Đó khi em khóc, những lá cây như khép lại, và những ánh nắng ép trên mắt em, muốn hơ khô giùm em những giọt lệ.

    Như vậy, anh có những xúc động tình cảm rất sớm. Thì đó cũng là xúc động do tình thương, tình thân. Thứ tình yêu, thân thiết của tuổi nhỏ, dĩ nhiên là thơ ngây, nhưng ai dám bảo không đậm đà, tha thiết. Anh muốn dỗ dành em quá. Nhưng anh biết tính em. Em khóc rất lâu, khóc dai. Đôi khi, vì một chuyện không đâu, em cũng mất cả một buổi, một ngày để khóc. Sau cùng, anh tìm ra được một trái ổi chín thơm phức. Trái ổi chín bị chim ăn mất một góc. Anh nhớ em đã cười khi đưa trái ổi lên ngắm. Em cười khi nước mắt còn long lanh. Em cắn ngập răng vào phần ổi còn lại. Mắt em tha thẩn trong bầu trời, như rõi theo một bóng chim nào. Con chim nào dễ thương, đã biết nhường cho em một phần trái chín. Trưa hôm đó em đã cùng anh leo lên cây, cùng tìm ổi, và nhai ổi non tới căng cả bụng. Em nói chuyện về những con chim tới cư ngụ trong vườn nhà em. Em quả quyết với anh rằng, loài chim se sẻ không bao giờ biết tắm bằng nước. Chúng thích tắm bằng cát. Em nói, hằng ngày em vẫn rình coi bọn chim sẻ tắm ở đống cát phía hông nhà. Em hỏi anh có thích thì rình coi với em. Anh không thích, coi chim sẻ tắm cát hay tắm nước thì có gì thú vị. Thú vị chăng là anh được cầm ná bắn vào đàn chim. Bắn từng chú sẻ ngã gục. Anh đã dại nói điều đó ra. Em giận. Và điều kiện ác liệt quá. Từ hôm đó, anh không còn cầm tới chiếc ná thung nữa. Anh đã phải bẻ ná trước mặt em.

    Chim chóc cũng biết đau đớn, biết đau hơn cỏ cây nữa. Em không dám nhìn cắt cổ gà. Em không ăn thịt chim bồ câu bao giờ. Ở Huế, mùa mưa lụt, ngon nhất là món chim triết nấu măng. Em kể, ba em thích món này lắm. Sau khi nhìn ba ăn một cách khoái khẩu, em thường nhặt vài chiếc lông tơ trắng, ngắm và khóc, và thương. Em làm anh cũng khoái quá cỡ món này, nhưng cứ mỗi lần ăn xong là ân hận. Từ năm đó, anh đã biết mộng mơ. Đã có những tình cảm lạ lùng len lỏi làm anh sửng sốt. Nhiều lần, anh nằm mơ, thấy em bay bổng lên cao, trắng toát, mềm mại. Em có đôi cánh kết lại bằng lông tơ của đủ các loài chim. Anh đuổi theo, cố dấu cái ná cao su của mình. Anh đi bắn chim, anh nào ngờ, em đang bay cùng với đàn chim anh tìm kiếm. Và anh gọi em, gọi lớn lắm. Giọng em, trong trẻo, vọng xuống:
    - Vũ. Vũ ơi. Bẻ ná đi. Bay theo em nì.
    Anh bẻ ná. Vừa bẻ ná vừa chạy theo em. phải chạy nhanh vì em bay nhanh quá. Rắc. Chiếc ná bẻ đôi. Nhưng nào ngờ, một mũi tên vút lên. Em rơi xuống nhanh như mũi tên vừa lao lên vun vút. Và em mềm nhũn, bất động. Toàn thân trắng nuốt, đôi cánh trắng của em loang lổ máu hồng. Và đàn chim, ở đâu nhiều vô số, xúm tới, mổ cắn anh. Tội anh đáng chết lắm rồi. Nhưng chỉ là giấc mơ thì làm sao chết được. Hồi đó, anh dấu biệt em giấc mơ kỳ dị trên. Bởi vì nếu nghe kể, em sẽ kêu lên: Anh ác. Và anh có nói dó là mơ thì em cũng ngoan cố như thường: Mặc kệ. Anh ác. Và rồi, anh sẽ thấy anh ác thật. Chỉ làm em khóc, anh cũng đủ ác nghiệt rồi.

    Năm đó, anh học đệ ngũ. Còn em, Bê, nhỏ bé, dễ thương chỉ mới học tới lớp nhất. Anh có chiếc xe đạp người lớn, bánh lớn, dàn cao, khó ngồi quá nên khi đạp anh phải nghiêng qua nghiêng về. Em chê: Trông Vũ đạp xe đạp cao bồi quá. Khoe hả. Em nói em muốn tập đi xe đạp lắm, nhưng coi bộ khó quá. Anh kể lại bước đầu tập đi xe của anh. Lúc biết đi rồi, anh bèn đạp ra đường cho quen xe cộ. Anh trông thấy một ông tây đen từ đằng trước đi lại. Anh tự nhủ: phải tránh ra, đừng đụng vào ông ta. Ông ta ghê quá, to lớn quá. Và đầu óc anh cứ hướng về ông ta thế nào mà thay vì tránh ông, anh lại đâm đầu vào ông. Chuyện chẳng có gì mà làm em cười quá là cười. Anh còn nhớ, anh đã kể cho em vui, vào chính buổi trưa em khóc trên cành ổi.

    Em phải lội bộ đi học. Nhiều lần anh nài nỉ em leo lên đằng sau xe anh chở tới trường, nhưng em không chịu. Em nói em ghét mấy cái mặt của tụi bạn anh. Tại sao lúc nào thấy em với anh, chúng cũng ngó anh cười cười rồi ghé vào tai anh nói thầm gì đó làm anh đỏ mặt. Nói xấu em chăng?
    Một buổi trưa, học về thấy em lầm lũi đi trên lề đường. Em khóc. Đi lải nhải theo em là một tên bạn anh: thằng Phong. Nó đang nham nhở trêu chọc gì đó. Anh dựng xe, chạy xộc tới. Trên tay thằng Phong là một chiếc lá, trên sống lá, đu đưa một con sâu róm đen thui, lông lá dựng đứng coi ghê quá. Nó đang dọa em, và em khóc thôi là khóc. Anh không thèm hỏi han gì, giựt đại ngọn lá cùng con sâu trên tay thằng Phong ném vào mặt nó. Quá bất ngờ thằng Phong không kịp phản ứng. Con sâu đeo vào má, nó nhảy dựng lên, đưa tay phủi lia lịa. Và điên tiết, nó xông vào đánh anh tới tấp. Anh cũng chống cự anh dũng lắm chứ. Nhưng nó to con hơn anh, lại nổi hung vì bị ngứa ngáy bởi lông sâu chạm vào da, nổi hồng những đốm dài như vết cào. Anh thua. Anh anh bị một vết bầm trên mặt, một vài quả thụi, để dấu vết nơi lưng, nơi mạn sườn. Thằng Phong đè lên người anh, tàn nhẫn thụi tay xuống ngực, xuống bụng. Có phải lúc đó em hét lên không nào. Em hét lên và em nhảy bừa vào. Em rất hiền nhưng em cũng rất dữ. Thằng Phong buông anh, hậm hực bỏ đi sau khi đe: Tụi bây coi chừng tau? Coi cái gì? Em đứng chống nạnh tay, lè lưỡi nhạo báng nhìn theo. Đồ con gái, tau không thèm chấp. Em đưa tay lên dọa. Cử chỉ của em làm anh hết thấy đau đớn. Anh khập khễnh đi lấy xe, dắt bộ rồi cùng em đi về nhà. Em còn ấm ức:
    - Con nhà ai mất dạy. Nó dọa em con sâu…
    Tội nghiệp. Em rùng mình. Vẻ sợ hãi còn xanh dờn trên mặt. Em hằn học: Bê sẽ trả thù nó cho coi.
    Anh lặng thinh. Để em nói cho hả tức. Nhưng em không hả tức chút nào. Em khóc nữa:
    - Vũ đau lắm không? Vũ để nó đánh…
    Em nấc nhỏ. Anh cố gượng cười. Gượng cười trong khi hông đau nhói, răng tê cứng:
    - Không đau.
    - Còn không đau nữa. Vũ chơi chi thứ mất dạy đó. Bạn Vũ đó hả ? Bạn gì mà…
    - Từ nay, nó không là bạn anh nữa.
    Em chùi nước mắt. Chuyện đó, về sau cả bọn bạn anh biết hết. Thằng Phong, đã hết là bạn mà trở thành kẻ thù. Nó nói nó đã đánh anh một trận ngất ngư, mất mặt mất mũi hết với con bé. Tụi bạn anh đòi trả thù. Nhưng em can. Em nói với anh để đó em trị tội.

    Hai đứa về nhà với một nỗi buồn lộ rõ. Anh Triết, ném cho anh một cái nhìn không mấy thiện cảm. Anh biết, đối với anh Triết anh là một thằng bé không ra gì. Thủa nhỏ hơn, anh đã phá phách, chọc chó, ném đá, hỗn hào. Anh đã dấu guốc cô bạn gái của anh Triết. Ném hạt sầu đông vào đầu bạn gái của anh Triết. Dạo đó, tại chưa thân với em, anh đã làm buồn lòng anh Triết. Rủi quá, anh có sửa đổi tới mấy, dưới mắt anh Triết, anh vẫn là một thằng bất trị.
    - Bê. Mi đi đánh nhau với thằng chó đẻ đó há. Con gái gì mà như con trai. Mi còn chơi với nó tau đập chết.

    Anh lủi thủi về nhà. Anh lấy muối xức vào vết thương cho mau tan máu bầm. Anh soi mặt anh trong lu nước. Mùa khô, lu nước chỉ còn đọng cặn và đầy con lăng quăng. Anh không dám vào nhà. Vào nhà, mẹ sẽ buồn: Vũ con đi đánh nhau nữa. Em, em biết anh thương mẹ tới dường nào. Ngay khi anh ngồi viết tập nhật ký này, anh hiểu mẹ đang làm gì ở nhà. Tiếng gạo xay buồn bã suốt thời thơ dại của anh. Đời mẹ, mềm nhũn đứt đoạn như bún. Nhưng những sợi bún mềm ấy đã cột đời mẹ và đời anh thật chặt. Cột đời hai mẹ con vào ngôi nhà thờ, trong mảnh đất rộng, dù đói cũng không được bán đi. Anh không soi được mặt mình, không nhìn thấy vết bầm. Và anh bỗng yếu đuối, như con gái, anh khóc, nước mắt anh rơi xuống lu nước, những con lăng quăng càng quấy động dữ.

    Những lần khác, ngồi bên em, nhìn em khóc, anh cũng muốn khóc lắm.nhưng anh thường nuốt hết đi, nuốt nước mắt để bụng căng đầy. Em nói em ghét con trai khóc lắm. Con gái khóc thì được. Ông trời sinh con gái ra là để khóc. Còn con trai sinh ra làm gì? Em mở lớn mắt. Cười:
    - Uýnh lộn.
    Không phải đâu. Anh dõi mắt nhìn bầu trời xa. Trên nền trời xanh, những đám mây trắng đuổi nhau, đi lang thang. Trời rộng mênh mông. Mây có bao giờ dừng lại không? Anh đã có chút mơ mộng, phiêu lãng, từ những ngày ấy. Và anh cũng buồn da diết, vì nghĩ rằng, đi phiêu lãng thì làm sao anh còn có em bên cạnh. Em nhớ không ? Em ít khi cho anh mơ mộng lắm .
    - Nhìn gì trên đó. Em hỏi Vũ có phải con trai, trời sinh ra để uýnh lộn không?
    Và em bậm môi:
    - Phải trả thù Vũ ạ.
    - Ai?
    - Bộ Vũ quên rồi há? Thằng Phong. Hôm nọ nó đánh anh.
    - Đánh với nó, Vũ thua nữa. Vũ không bằng nó.
    Em cắn môi. Đôi môi non dại, thơ ngây, nhưng đã hằn lên vết thù nghịch:
    - Vũ thua chớ Bê không thua. Ai mượn nó làm Bê khóc.
    Em nhớ dai quá. Em thù cũng dai nữa. Anh nhớ rồi. Chỉ tuần lễ sau, anh ngạc nhiên quá. Em đã thân với Phong quá thể. Em đã thân với Phong làm anh cay đắng . Anh nghĩ, có lẽ em cho anh hèn quá. Uýnh thua Phong, rồi lại không dám trả thù nữa. Khi em thân với Phong thì anh lẩn tránh em. Em cũng không chịu nữa. Em bắt anh phải mở lớn mắt để nhìn em kết bạn, thân ái. Thằng Phong, chịu em quá mà. Nó trèo cây hái trái sầu đông cho em chơi ô làng. Nó hái me, hái đào theo lệnh sai bảo của em. Em có mấy đứa bạn gái, mấy đứa bạn trai để chơi đùa. Và một hôm , em chui hàng rào qua, gọi cho được anh.
    - Vũ. Vũ ơi.
    Anh đang giúp mẹ xay gạo. Bỏ hết. Em lí lắc:
    - Đi chơi không?
    - Chơi gì? Ở đâu?
    - Đi hái khế. Vườn ông Tuất nhiều khế chín ghê.
    Ông Tuất. Nghe tên, anh đã tái người. Chưa có một đứa con nít nào dám bén mảng tới vườn ông. Cây roi, cuộn dây, cũng chưa hãi bằng khuôn mặt ông, sần sùi như đá tổ ong, cứng lạnh, tàn nhẫn.
    - Không được đâu.
    - Được mà. Đi với em.
    Anh đâu để em đi một mình được. Cả một bọn đứng đợi ở phía đường hẻm tất cả đều do em bầy trò. Hai đứa con trai, ba đứa con gái. Thằng Phong, anh còn nhớ cái mặt nhâng nhâng của nó:
    - Ê, huề nghe mi. Bữa trước tau đánh hơi lỡ tay, đau há.
    Anh cố nén sự sự giận dữ trong khi em cười ngất:
    - Ăn nhằm gì. Vũ nói Phong phủi bụi cho Vũ.
    - Ừ, bỏ chuyện đó đi. Giờ tụi mình là bạn nghe. Chơi gì nhớ cho tau chơi với.
    Nhóm của anh gồm bốn đứa. Phong, Hoan, Phách và anh. Tưởng đã loại Phong, nhưng nay thì hết có ý nghĩ đó. Nhưng không có Hoan và Biên. Em đầu têu:
    - Bê đã thủ muối ớt. Một gói nè. Vô vườn hái đào. Trời ơi, ngó vô thấy chín đỏ từng chùm, từng chùm…thèm quá.
    Em nuốt nước miếng. Em. Trước mắt em, hình như không còn ai mà chỉ có trái đào chín đỏ. Ở Huế gọi là trái đào, trong khi ở Nam gọi trái mận, ở Bắc gọi trái roi. Và trái đào tưởng tượng của em cũng làm cả bọn ứa nước miếng theo. Thằng Phách, ngó em:
    - Ừa. Mau lên. Giờ này chắc ổng còn ngủ.
    - Em gật gật:
    - Chắc chắn rồi, ông đang ngủ.
    Em kéo tay anh. Tự nhiên thân ái nhất. Để làm gì? Anh hiểu ra liền khi cả bọn đứng ở bên ngoài vườn ông Tuất. Em ngó anh, cười tươi :
    - Vũ. Vũ chui vô đi. Vũ trèo cây giỏi nhứt. Tụi ni nó nhát lắm.
    Mấy con gà muốn gáy tức. Thằng Phách ưỡn ngực:
    - Ê. Tau mới trèo giỏi nè. Tau đã từng leo cây sấu ở trên lăng Tự Đức
    Thằng Phong cười nhạt:
    - Đồ bỏ. Tau mới là vô địch. Tau trèo cây hồng quân. Đứa nào cũng sợ cây hồng quân. Sợ con ma ở cây hồng quân. Tau trèo hoài. Ma làm gì tau mô nà.
    Anh không ham tranh dành những tài đó. Mẹ anh căn dặn anh ngày đêm: đừng phá tán trèo cây. Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con hay trèo. Em khích :
    - Nhưng mi sợ chó. Phách, mi dám làm gì mấy con chó nhà ông Tuất không? Anh Vũ không sợ chó mô nì. Anh Vũ trèo giỏi.
    Anh luống cuống nói u ớ gì đó làm thằng Phách cười quá:
    - Thằng Vũ dế mèn, chí mén. Thằng Vũ gà chết. Nó mà dám. Coi mặt tái nha tái nhách. Thấy chưa, Phong. Mi đi với tau.

    Anh còn biết làm sao hơn. Bẽ bàng đứng một xó. Thằng Phách, thằng Phong anh dũng vạch bụi rậm chui vào vườn. Em nói với theo: Bọn tau đứng ngoài canh cho. Có gì bọn tau vỗ tay là chạy nghe chưa. Nhớ chưa?
    Thằng Phong hơi rét :
    - Tau leo trên cây đó. Nhớ làm hiệu sớm nghe, kẻo tau trèo xuống không kịp đó.
    Anh hồi hộp quá. Em thì thầm gì với hai đứa con gái bạn và cười rúc rích. Anh sượng trân. Chắc cười anh nhát chớ gì. Anh ngó vào vườn , nhón người liếc vào phía hông căn nhà. Chết rồi, có bóng người vừa đi ra. Anh định la lên thì em giữ tay anh lại, nói nhỏ: Đừng la. Nhưng rồi chính em và bọn con gái la hoảng: Ăn trộm. Xuống. Xuống mau. Chậm mất rồi, hai ba con chó đã xông ra. Và ông Tuất, với cây roi dài đã xuất hiện. Phong còn vướng víu trên cây, và Phách co giò chạy bán sống bán chết.
    - Cứu tau. Cứu tau, tụi bây.
    Cuối cùng, Phách cũng chui ra được, nó bị chó ngoạm một miếng nơi chân trái, khóc la um sùm. Còn Phong, bắt buộc phải leo xuống. Phong bị ông Tuất trói dưới gốc cây, chờ người nhà tới chuộc. Em còn thò mặt vô hàng rào, gọi: Phong, Phong. Và nhăn mặt chế nhạo. Mi hết còn trêu chọc tau nữa thôi. Lúc đó thì Phong hiểu rồi. Anh kéo em đỡ em dậy. Em nhìn anh, cái nhìn hể hả:
    - Vũ thấy chưa, em nói là làm mà.
    - Nó bị trói tội nghiệp quá.
    - Vũ thương nó nhưng nó có thương Vũ không. Ai mượn nó đánh Vũ chi. Nó đánh Vũ. Bê đâu có chịu.

    Đó chỉ là những trò chơi dại dột của tuổi thơ. Tối hôm đó, mẹ thằng Phách dẫn thằng Phách tới nhà em, rồi mẹ thằng Phong tới phân trần. Anh Triết sang nhà gọi mẹ anh ra nói chuyện. Cả đêm, anh đã hối hận, xót xa đứt ruột vì những giọt nước mắt của mẹ. Anh Triết bảo rằng, anh rủ rê, xúi em chơi trò bậy bạ. Tất cả mọi lỗi là do anh. Đứa con không cha. Con không cha như nhà không nóc. Đó là nỗi khổ tâm lớn lao nhất của mẹ anh.
    - Con ơi, con hiểu là nhà mình nghèo con thương mẹ ráng mà học hành. Con chơi nghịch ngợm rồi người ta gọi mẹ gọi cha ra mà chửi. Xót linh hồn cha con.
    Anh cũng xót cho em nữa. Anh nghe tiếng em la thất thanh ở bên nhà. Lúc đó, anh đứng trong vườn tối, nước mắt cũng rơi như mưa. Anh đau cùng những lằn roi của anh Triết quất lên người em. Lúc nãy, anh Triết cũng đưa nắm tay lên dọa: Mi coi chừng, mi còn rủ rê nó nữa thì mi biết tau. Anh muốn nhìn thấy mặt anh Triết lúc đó. Mặt anh kỳ cục khó coi. Nhiều đứa con gái bằng tuổi, hoặc thua anh Triết, hoặc hơn một hai tuổi, thấy anh Triết là che miệng cười khúc khích. Anh gặp mặt anh Triết cũng khó chịu lắm. Anh đứng chết lặng trong vườn để tự cảm thấy mình biến mất.
    Nhưng anh vẫn cứ nghe, lẫn với tiếng roi vun vút quất lên mình em, tiếng la đau quá, đau quá của em, là tiếng xụt xùi của mẹ.

    Em,
    Kỷ niệm buồn quá. Buồn vì kết cục đó. Nhưng bây giờ đối với anh mỗi lần nhớ lại, anh đều bật cười. Anh nhớ cái dáng chạy quắn đít của thằng Phách. Nhớ cái mặt hớt hải, xanh lè của Phong lúc bị trói dưới gốc cây. Cả giọng cười hể hả của em nữa. Làm sao bắt tay với kỷ niệm một cái.

    *
    Đã chỉnh sửa bởi GRANDET; 04-09-2009, 07:25 AM.
    Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......
    Similar Threads
  • #2

    Ngày thơ tình thơ - Nhã Ca

    II.
    Thời trung học của em,

    Vào đệ thất, em mười ba. Anh chắc chắn nhớ đúng. Bởi vì em khoe với anh “năm nay Bê phải cẩn thận, mẹ nói năm tuổi của Bê”. Năm đó là năm Dậu, và anh có chú gà con lông màu vàng tơ, óng ánh. Em chẳng thích làm con gà con. Em nói lên trung học là lớn rồi. Em phải mặc áo dài.

    Ngày mang chiếc áo dài đầu tiên đi tới trường, đối với em, cũng là ngày trọng đại. Em có nhiều bạn gái. Hầu hết các cô nhỏ mười hai, mười ba ở cùng đường đều là bạn em. sáng nào cũng họp đàn dàn chật đường tới trường. Em đã vào được mái trường mơ ước.
    Năm ngoái, chưa thi đệ thất, em đã nói với anh :Sang năm, Bê lên trung học. Vào học được ở Đồng Khánh sướng quá há, Vũ. Học ở đó oai ghê. Em bắt đầu oai thật. Em xách cặp bự, quá khổ với người em. Em đã biết che mái tóc bằng nón lá, dưỡng gót chân son bằng guốc gỗ. Em không chịu đi cắt tóc búp bê nữa. Bây giờ, em không thích hạt quả mà chỉ thích hoa sầu đông. Em nói em thích quá là thích màu tím. Hoa sầu đông màu tím, hoa sim mầu tím, hoa cỏ dại mầu tím. Ở nhà em, có dàn hoa trước sân, cũng rũ xuống nhũng dây là dài, nở từng chùm hoa tím mà anh không biết tên gì. Em cũng không biết và nói, thây kệ, gọi hoa tím đi. Em thích cắt những hình mầu để ghép trong tập vở. Một buổi tối, em lén sang nhà anh, tay cầm một cuốn tự điển chữ Pháp thật dày. Em nói ở trong có nhiều hình hoa đẹp lắm, cắt cho em đi, không biết sao anh đã cắt giùm em một lô hình. Để rồi sau đó anh Triết khám phá ra. Em bị đòn. Bị đòn và bị phạt. Nhưng tật mê hình vẫn không bỏ. Anh chìu em, đã nhín tiền quà sáng, vào tiệm sách lục mua cho em những tấm hình in hoa, in con mèo, chú gà con. Trong loạt hình đó, anh thích hình chú gà con chi lạ. Chú gà con cầm dù, cột khăn, đi bằng hai chân, và đong đưa hai cánh. Anh ví em với chú gà con, và em giận. Em không muốn anh coi em nhỏ mãi. Em đang lớn. Trung học rồi chớ bộ. Ừ, em lớn thật. Em mười ba, năm mười ba tuổi, anh đứng thấp thua em là cái chắc. Nhưng anh mười sáu, anh cao hơn em gần một cái đầu. Anh cũng đã lên đệ nhị cấp. Ngày chọn ban, anh quýnh ghê. Anh còn buồn cười mãi, khi nhớ tới lúc quýnh quá anh đã phải nhớ em làm cố vấn. Em quan trọng hẳn vấn đề:
    - Ờ. Ban A.B.C. Chọn ban nào giờ ta? Anh thích toán không?
    Anh dốt toán. Em nói em cũng vậy. Chọn ban A để gạo bài. Thôi đừng gạo bài. Gạo bài rồi thì giờ đâu mà chơi với em. Em nói mùa hè sẽ dài lắm nếu không vui, và ngắn vô cùng nếu vui quá. Cuối cùng anh ghi tên vào ban C. Mẹ phản đối. Mẹ không thích có thằng con trai mơ mộng rồi khổ vì đàn bà. Anh cười thầm nhưng công nhận mẹ nói đúng. Còn em. Em hí hửng hỏi rằng: học ban C là ban văn chương, anh làm được thơ không? Nhớ làm thơ cho em đọc với. Nếu không vì mẹ anh chỉ làm thơ cho em đọc. Vì mẹ, anh còn phải thi đậu nữa.

    Vào trung học rồi, em không còn thìch đi tắm sông nữa. Lần tắm sông cuối cùng chắc anh nhớ ngàn đời. Anh với Hoan rủ em phải không? Mùa thu. Anh nhớ đúng, vì em còn nói buổi sáng sương mù ghê quá, em với con Tâm đi học không nhìn thấy dòng sông Hương, cả vườn hoa cũng mờ mịt. Nhưng mùi lá cây long não hai bên đường thơm quá chừng. Tại sương đặc quá, không làm phai mùi thơm. Trong tay em còn cầm một đọt lá long não, màu đỏ non đã bầm dập, và em đưa lên mũi ngửi hoài: thơm quá. Lúc xuống bến sông, con Tâm mặc áo mai dô, em cũng bắt chước mặc áo mai dô. Hoan nhăn nhó:
    - Đừng mặc áo. Mặc áo nước nó thấm bơi khó lắm. Như tụi tau nè.
    Em quay mặt đi, cười. Con Tâm xấu hổ, Tâm lớn hơn em một năm, cao hơn em nhiều . Anh còn nhớ cái háy có đuôi dài của Tâm:
    - Kệ người ta. Vô duyên òm.
    Thật tình hồi đó anh không ưa con Tâm. Nó lí lắc, điệu bộ quá. Nhiều lần nó nói xấu anh, nói rằng anh mê em. Nó còn đặt điều khác tầm bậy tầm bạ hơn nữa. Anh không nói với em làm gì. Đối với anh, em còn quá nhỏ, quá thơ ngây. Anh còn muốn nhỏ xuống bằng em để chia với em chút thơ ngây, vụng dại. Mười sáu tuổi. Em biết không, lòng trai đã biết rung động, xao xuyến. Anh đã ước tóc em chóng dài hơn, mắt em sâu hơn, em ít cười nói hơn. Đừng chạy nhảy. Đừng trèo ổi nữa. Em vẫn cứ ngồi trên cành cây chẻ ba, nhai ổi non, hái ổi non ném qua vườn anh. Em mặc anh Triết hăm he dọa nạt. Em đâu có làm gì? Em có hại ai đâu? Em vui mà. Em ngạc nhiên khi bị cấm không được vui, không được trèo cây, hái ổi, không được chơi với anh. Con Tâm hay chê em:
    - Nhỏ ni ngu quá. Chẳng biết chi hết.
    Biết như con Tâm thì anh không thích chút nào. Con Tâm suốt ngày làm điệu với thằng Hoan. Còn em, em không thèm bộ điệu với ai hết. Em bơi một mạch từ bên này sông qua bên kia sông. Em lặn sâu dưới nước, lôi chân anh, nhận chìm. Em vỗ nước tạt anh, tạt con Tâm và Hoan tối tăm mặt mũi. Em còn biểu diễn bằng cách ngồi xếp bằng dưới đáy bờ sông, nín thở, thi coi ai chịu đựng lâu hơn, và bao giờ em cũng được nhất . Em làm con Tâm sặc nước, mặt mũi đỏ gay, gây gổ om sòm. Em nói em là con trai, em dám leo lên cầu, bông nhông xuống mặt nước sông. Em làm cả một bến sông ồn ào linh động. Chỉ một lát, tụi nó nhập bọn thật đông. Em chán, rủ :
    - Mình bơi lên phía cầu Lòn đi. lên phía miệt trên hái bắp.
    Đâu có mấy đứa dám theo. Tụi mình bỏ rơi hết bọn nhóc dọc bờ sông. Cuối cùng chỉ có hai đứa, thằng Phách và Thằng Ngọ. Con Tâm ghét hai đứa này lắm, càu nhàu hoài. Từ ngày bị em đánh lừa vô hái trái rồi bị chó táp vào chân, thằng Phách đã một hồi giận anh. Nhưng nay đã chơi lại vì nó học cùng lớp ngồi cùng bàn với anh. Nó đã thôi phách lối như tên của nó. Đi đâu nó cũng xin đi theo. Nó có vẻ phục em. Con Tâm, chắc vì vậy mà ghét nó.
    Lẽ ra thì Phách tới cồn bắp trước. Nhưng nó cố ý bơi chậm lại để nhường em. Con Tâm phát giác được, bĩu môi:
    - Phách hèn.
    - Răng mà hèn?
    - Nhường con gái là hèn. Đáng lẽ Phách bơi tới trước.
    Mặt mũi Phách đỏ gay. Vì nụ cười của em đó. Anh cũng cười nữa. Thằng Phách nhăn mặt:
    - Mi biết chi chơ.
    - Tau biết chơ răng không.
    Anh ghét con Tâm vì hay mi tau nữa. Em lúc nào cũng xưng em với anh, xưng Bê với bọn thằng Hoan, thằng Phách. Vì em hay xưng Bê mà bọn con trai thường trêu em: Bê bán bún bò bánh bèo bị bò báng bể bụng. Lúc đầu em giận khóc, bây giờ em quen rồi, em còn đọc dài thêm một đoạn. Nhưng từ ngày em lên trung học, đố đứa nào dám trêu em.

    Em,
    Thì đây:
    Tỉnh dậy dưới chân đồi
    Ruộng ngô ai ngào ngạt
    Chạy khắp ruộng tìm coi
    Nào ngờ em trốn mất

    Anh mãi ngẩn ngơ, em và cả bọn đã kéo nhau vào ruộng bắp từ bao giờ.
    Anh nghe tiếng cười như nắc nẻ. Tiếng em, tiếng Tâm, tiếng Phách và Hoan. Anh nghe giọng em gọi: Vũ ơi… ơi … Vũ đâu, Vũ? Anh vội vã leo lên bờ, vào ruộng. Ruộng bắp bát ngát, cả bọn đã chơi trốn tìm, đuổi bắt nhau. Anh len lỏi, vạch lá khom người, chạy kiếm tìm. Anh gọi: Bê. Bê đâu? Tiếng em đáp lại: Vũ. Vũ đâu? Vũ đây. Bê đây.
    Nhưng làm sao bắt em được. Em trốn anh, em cười bắt anh tìm, anh đuổi. Anh nghe tiếng thằng Phách với con Tâm gây gổ nhau dữ dội
    - Ê. Mi làm tau té.
    - Đâu phải tau ? Tau đâu có cố ý. Tại mi vấp chớ
    - Mi xô tau
    - Mi mù
    - Mất dạy
    Anh tìm ra chúng nó. Mặt mũi đứa nào cũng đằng đằng sát khí. Anh chưa kịp giải hòa thì đã nghe giọng em sau lưng: Cúc cu.Cúc cu. Anh quay lại. Em chỉ còn là cái bóng loáng thoáng. Anh vội rượt đuổi. Một cây bắp quất vào mặt anh, rối Hoan xuất hiện. Anh tưởng một tên mọi nào, hoảng hồn hoảng viá, nều không nghe giọng Hoan cười. Cả người Hoan nhuộm bùn, miệng Hoan bị che lấp bởi một chùm râu làm bằng râu bắp, đỏ bầm. Anh đang ngơ ngác thì em lại hiện ra. Tay em vít đầu anh, và một bộ râu bắp khác được mắc lên miệng anh. Em bịt mắt anh lại rồi hô: chạy. Anh tối tăm mặt mũi, chỉ nghe bên tai, giọng em cười ròn như pháo tết.
    Chạy đuổi và lạc lung tung. Gọi nhau ơi ới. Sau cùng, anh nghe tiếng em la thất thanh. Anh như bay tới chớ không phải chạy nữa. Em té, nằm sòng soài dưới vồng đất giồng bắp. Anh đỡ em dậy: đau không ? có sao không ? có sao không? Em nhăn nhó. Và em lại phá ra cười, đưa tay bứt bộ râu bắp của anh liệng đi:
    - Trông Vũ kìa.
    Em tính cười nữa. Nhưng em nhăn mặt. Chắc đau. Một vết sước nơi đầu gối, rỉ máu anh kêu hoảng: chết rồi. Em nói không sao. Em biết cách sát trùng. Em nhổ nước miếng vào vết thương: xong rồi. Nước miếng người ta độc lắm. Một bãi nước miếng giết chết một con ruồi đó Vũ. Anh ngơ ngác. Anh chưa từng biết. Chưa từng nghe ai nói vậy.

    Vết thương nhỏ làm em mất hứng thú. Kỳ bơi trở về bến, em có vẻ uể oải, chậm chạp hơn. Anh đỡ cho em những quả bắp bẻ được. Về tới bến sông, cả bọn tắm táp một lần nữa mới lên bờ. Lúc lên khỏi bến thì đèn đường đã đỏ. Anh cầm phần bắp chia của em về. Những quả bắp phải đem dấu ngay sau vườn , trong bụi. Anh vô nhà, thấy mẹ đã dọn cơm chờ. Mẹ nhìn anh lắc đầu. Mặt mũi anh , tóc tai anh đã tố cáo. Anh còn biết chối cãi gì nữa. Mẹ buồn:
    - Con a. con đừng có rủ rê con Bê đi chơi nghịch ngợm nữa. Con đã lớn , nó cũng đã lớn rồi
    Mẹ thở dài
    - Con Bê nhà giàu. Còn nhà mình , tuy có chút đất đai, nhưng không phải danh giá.
    Anh chỉ biết cúi đầu , im lặng, nuốt vội miếng cơm ăn. Cơm xong, anh còn phải dọn dẹp cho mẹ đi bán buồi tối. Mẹ có chiếc thuyền nhỏ để bán hàng rong buổi tối trên sông hương. Mẹ hỏi anh có thích đi bán phụ với mẹ không. Thường thường, anh thích lắm. Buổi tối chèo thuyền trên sông. Mẹ bán hàng, rao hàng. Còn anh, không làm gì hết. Một mình anh , anh mơ mộng vời mặt nước đen thẫm. Nhưng hôm nay, anh xin mẹ ở nhà lấy cớ còn nhiều bài vở. Vì em. em biết không? Vì em , mười sáu tuổi anh đã biết dối mẹ

    Khoảng chín giờ, anh ra vườn đón em. Em thường chui hàng rào. Em cho biết hôm nay yên tâm ở lại lâu. Anh Triết không có nhà. Anh bận hẹn với chị Diệm phương, và giờ này, anh chị đang đi dạo với nhau , ở vườn hoa hay trên con đường vắng nào đó. Hai đứa hí hửng ôm bắp vào nhà, xuống bếp. Anh nhúm lửa. Anh quen việc này lắm, còn em, ngối bóc vỏ bắp. Em chê anh quá:
    - coi bắp em bẻ trái nào hột cũng đều riến. Còn bắp của anh … trời ơi ..sún hông à.
    Em cười. Dưới ánh lửa than hồng. Răng em đều, nhỏ, trằng nõn như hạt bắp sữa. Em lựa một trái bắp lên soi:
    - Trái này này, Vũ. Trái này của Bê bẻ. Hạt đều và già. Bắp anh như hàm răng sữa con nít, sún lung tung. Để nấu chè thì được. Nướng teo tóp lại, chẳng ra gì.
    Lửa cười ròn. Bắp khoe răng đẹp. Em cười ròn. Em cũng khoe răng đẹp.

    Em.
    Những trái ngô đầu mùa
    Cười ròn trên bếp lửa
    Ngoài xa trời gió mưa
    Ai dại gì thương nhớ…

    Huống gì, đêm đó không mưa gió. Đang mùa thu. Đêm chỉ có sương xuống. Sương ướp đặc hương thơm cho hoa nhài , hoa mộc , sương chỉ đủ làm không khí mềm, mát, và bếp lửa ấm áp vừa đủ cho má em hồng mắt em sáng.
    - Ăn đi. Vũ ăn đi. Trái này nóng nè.
    Anh no quá. No vì nhìn em. anh thích nhín em. răng em cười còn tươi đều hơn bắp. Em hỏi:
    - lúc nãy Vũ ăn nhiều cơm không ?
    anh gật đầu. Em liến thoắng
    - Trời ơi. Bê ăn nhiều kinh luôn. Năm chén cơm. Bơi với chạy quá , bụng đói meo hở vũ
    Em cười nữa :
    - Anh Triết sùng quá. Anh mắng em như đồ con trai. Đồ con trai thì đã sao. Mắng vậy mà cũng mắng. Vũ há

    Em chẳng quan tâm tới anh Triết , dù em bị anh Triết đánh đòn hoài. Em kể chuyện con chó ở nhà em. em nói chắc trong vườn nhà em có vàng chôn dưới đó. Em thấy con chó cứ đi tìm đào hoài . nò đào lung tung làm hư mất mấy cây đậu của em gieo hạt. Nó nghịch quá, cắn nát con búp bê của em. nhưng em chắng tiếc. Em cũng hết thích chơi búp bê rồi. Đang mùa thu em nói em thích mùa đông. Em mong mùa đông chóng tới. Đi học trời mưa thích ghê, lạnh thích ghê. Em sẽ có bắp rang trong túi áo. Mùa đông , có lụt lội. Lội nườc, đi coi đơm cá dọc theo sông. Coi củi trôi , đôi khi heo chó bị nước lụt cuốn trôi nữa. Nhưng em cũng tiếc mùa thu. Mùa thu, tơ trời nhiều ghê. Em thích bắt nhũng sợi tơ trời trắng nõn , hơi dinh dính tay, bắt và vò lại, thành một hạt nhỏ rồi không để làm gì hết. Mùa thu sương xuống nhiều, loại dây tơ hồng sống nhờở mấy hàng chè tàu mọc nhanh ghê. Em bứt hoài. Lạ quá, hễ cứ thấy tơ hồng là phải bứt. Đọt non gãy dòn , thích tay quá. Em nói ban đêm, hoa nở mình trông thấy được , và rủ anh ra sân coi hoa nhài , hoa mộc. Trăng đã lên từ bao giờ, nhưng không sáng lắm vì sương bắt đầu xuống, che mờ. Em hỏi anh có biết em mơ ước gì không? Anh chịu. Em nói em thích có một con thỏ để nuôi. Tại sao em có ý nghĩ ấy à? Tại vì em đang nhìn trăng và nhớ tích chị Hằng với thỏ ngọc. Em cho rằng, mọi con thỏ trên đời đều dễ thương, có lòng. Anh không tin ư? Em ghét nụ cười của anh. Tại anh chưa biết nhiều sự tích về thỏ. Chưa ai kể cho anh nghe chuyện một con thỏ, tự nhảy vào lửa, thiêu thân để cúng dường một đaọ sĩ đức độ. Con thỏ đó là tiền thân của Đức phật Thích Ca. Em khoe mẹ đã may cho em chiếc áo lam dài để em đi lễ chùa.Em yêu kính Đức Phật lắm. Em hỏi anh có yêu kính Đức Phật không? Anh ít đi chùa. Nhưng mẹ, không những đi chùa lễ phật mà còn lễ phật ở nhà mỗi đêm. Mỗi đêm. Mẹ đứng trước bàn thờ phật, bàn thờ cha anh. Mẹ cầu nguyện cho mẹ đủ nhịn nhục, đủ sức để đi trọn kiếp khổ này. Mẹ tin có luân hồi, có quả báo, có ông thiện ông ác. Còn em anh nhớ hôm anh đi thi trung học, em đã đem cho anh một bông hoa ngọc lan. Em nói lộc ở chùa, em đã hái, đã cầu xin cho anh thi đỗ. Anh nhớ để nó ở bàn học. Em nhắc đi nhắc lại: Đừng quên. Và anh thi đỗ. Phải vì hai đứa đều có lòng tin không?
    - Vũ ơi.
    - Há?
    - Vũ thấy thỏ ngọc không ?
    - Thấy
    - Vũ xạo
    Rồi một lát:
    - Vũ ơi.
    - Hả?
    - Vũ biết hát không?
    Hát anh biết chứ. Lâu nay, anh đã tới nhà Hoan để tập đàn. Anh dấu mẹ, dấu em không biết tại sao nữa.
    - Biết. Nhưng dở òm
    - Kệ. Vũ hát Bê nghe đi.
    Biết hát gì bây giờ ? cò lẽ em thích những bản: chào ba ma. Chào ba má, con đi học về. Học vui quá… hay bản :kìa con bướm vàng . kìa con bướm vàng… Anh đâu có thể hát được những bài đó. Em. Anh nhớ, đêm đó, trong vườn đầy sương, đầy trăng, đầy hoa nở: hoa nhài, hoa lý, hoa mộc. Anh nhớ tới bài hát Đêm thu của Đặng thế Phong. Bài hát đó, nhắc anh thời có em, như một thi sĩ nào đã làm thơ. Anh biết, em vẫn còn nhớ…

    Vườn khuya trăng chiếu
    Hoa đứng im như mắt buồn
    Lòng ta xao xuyến lắng nghe lời hoa…
    Em nghiêng tai, em lắng nghe lời hoa, em nghe được gì chăng ?

    Cánh hoa vươn mình trong gió
    Aùnh hương yêu nhẹ nhàng say…
    Gió lay…
    Anh ngừng lại. Em vẫn nghiêng tai. Em nhìn lên cành. Có gió lay không ? không biết. Em lắc đầu :
    - Tiếp. Hát tiếp đi, Vũ.
    Vườn thu của mình đẹp như bức tranh vẽ trong ý nhạc bản Đêm thu. Cũng cành sương nặng chĩu, in bóng êm trong ánh vàng. Màn đêm buông xuống, mái im triền miên … cho tới bây giờ, khi xa em , những đêm trăng ở Đà Lạt buồn tha thiết. Anh đã điên cuồng , rồi hát một mình

    Bóng cô đơn dường thao thức.
    Mãi trong đêm nặng sầu thương
    Hờn vương
    Em lắng tai nghe và nói thích quá. Sao có bài hát tả đêm trăng thu hay tới thế? Tại sao có bài hát thế mà em không biết. Em không nghe ai hát. Anh chép cho em đi. Anh dạy em hát bây giờ đi. Em cuống quít. Em làm anh quýnh luôn. Anh hát sai lung tung. Nhưng em tập rất mau. Giọng em trong trẻo, thanh thoát quá, sương như loãng đi để có lúc ánh trăng tới gần em hơn.

    …Qua lá cành ánh trăng tan dịu dàng…

    Trăng tan trong mắt em, trên tóc em. Trăng miệt mài trên môi em, non dại. Ru hồn bao nhớ nhung. Vâng anh đã biết nhớ nhung từ hôm đó. Như chiếu nhìn mắt ta bao lạnh lùng, lay hồn ta rời tan…
    - Đoạn cuối buồn quá, Vũ ơi.
    Em chớp mắt. Những bụi cây đứng im, những bông hoa nép kín và hương thơm bỗng xông lên ngợp vườn ngợp hồn. Bóng trăng mờ dần trên môi em. có chút sương bụi trong mắt em. Đêm lắng buồn bởi bài hát thì thầm. Em thẫn thờ:
    - Mùa thu buồn quá, Vũ hở. Vũ thích mùa thu không?
    - Thích.
    - Còn Bê. Bê thích hết. Cả mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông.
    - Ừ, mùa nào cũng có vẻ đẹp của nó
    Em bỗng sực nhớ chuyện gì, nắm tay anh.
    - Vũ, Vũ biết làm thơ chưa?
    Anh đáp liều :
    - Biết
    - Hay quá. Bữa nào Vũ giúp em làm một bài. Cô giáo việt văn của em nói bữa nào sẽ có thi đua bích báo. Cô giáo bảo ai làm thơ thì đăng thơ, ai viết gì thì đăng gì đó… em sẽ làm thơ.
    Anh nhớ tới tập thơ chép tay của anh. Tập thơ mà anh đã thức bao đêm để viết nắn nót. Cậu trai nào mới lớn, hồn chẳng đầy thơ với nhạc. Anh đã chép , đọc đi đọc lại say mê. Anh cũng đã nghĩ tới chuyện có ngày anh sẽ tặng một người con gái anh thương quí nhất tập thơ chép tay đầu đời đó. Em chớ ai nữa. Nhưng còn lâu lắm. Anh chờ.

    Em đã nhớ lại đầy đủ chưa? Thơ với nhạc, tuy có làm em xúc động, nhưng vẫn chưa thấm vào hồn em bao nhiêu. Bởi sau đó, bên bếp lửa em lại tiếp tục nướng bắp. Phải nướng cho hết bỏ uổng lắm. Nếu còn, em sẽ mang về nhà, dấu đi. đêm, em sẽ ăn tiếp một mình trong chăn, không ai biết đâu. Em lại cười ròn rã. Đêm thu, vườn thu, em chẳng thèm nhớ, thèm biết. Em đâu hiểu, hồn anh, ngồi bên bếp lửa, một nửa cùng em một nửa thì… làn gió lướt tới cuốn đưa hồn ta, phiêu diêu theo mây trắng trôi lờ lững…
    Nhưng rồi, cuối cùng, hai nửa hồn anh cùng ráp lại, để được ấm áp , bên lửa than hồng, bên em. Em cắn vào những hạt bắp đều. Hồi đó, sao chưa có bài thơ với những câu:

    Hạt ngô thơm mùi sữa
    Nở đều như răng em
    Ta ghé môi cắn vỡ
    Ăn mãi không đã thèm…

    Chia cho anh với chứ. Anh dành trái bắp trên tay em. em ngạc nhiên: Ơ, của em mà. Của anh, trái kia kía. Mặc kệ. Bắp đã ngon, nhưng sao ngon bằng hơi thở em , sao ngon bằng răng em. em đâu biết gì nhỉ? Em bé như con mèo. Không, bé như con gà con, vàng ánh lông tơ. anh quay mặt đi, dấu lòng hổ thẹn.
    Em.

    Mùa bắp vẫn còn dài, nhưng mùa bắp của anh và em tàn mau quá. Ngày hôm sau , đi học về, em chui qua vườn, gọi anh. Giọng nức nở:
    - Vũ. Em ghét con Tâm.
    - Tại sao?
    - Nó nói xấu em, nó nói hôm qua, đi bẻ bắp trên cồn, em với Vũ đi riêng….
    Đi riêng bao giờ? Cả bọn cùng đuổi bắt.
    Anh ngơ ngác
    - nó nói láo. Nhưng đi riêng thì ăn nhằm gì…
    - nó nói… thôi…
    em rưng rưng nước mắt. Em lắc đầu, tức giận :
    - từ nay em không tắm sông , không bẻ bắp nữa
    - sao vậy?
    - Em không biết. Nhưng em không thìch nữa.
    - Đừng đi với bọn nó. Đi với anh thôi.
    - Đi với Vũ thôi, tụi nó nói xấu….Em không chơi với con Tâm, nó sẽ đặt điều nói xấu em. nó nói dối , vu oan…
    - Anh sẽ đánh nó.
    - Không được, Vũ ơi. Con trai đánh con gái hèn lắm.
    Anh còn biết nói sao hơn. Từ đó, em không đi tắm sông nữa. Anh biết đi với ai lên ruộng bắp? Em bận rộn lu bù.bạn bè rồi văn nghệ ở trường, rồi bích báo.cuối năm đệ thất của em, anh đã thức cả chục đêm để gò gẫm làm cho em một bài thơ được đăng lên bích báo.
    Em về, mừng rỡ:
    - Vũ ơi. Bài thơ của … của anh được đăng rồi.
    - Của em chơ.ù
    Em cười khúc khích
    - Tụi nó phục em quá trời. Đứa nào cũng khen hay. Cô giáo quốc văn của em hết hồn luôn. Nói trong lớp có một thi sĩ mà không ai biết. Chết em rồi. Từ nay, nếu muốn cứu em anh phải làm thơ hoài cho em. Nghe. Nghe.
    Anh chịu quá. Anh có quả cà chua đeo lủng lẳng trên mũi nữa chớ bộ. Anh tưởng là đại thi sĩ rồi. Đêm đo,ù anh làm ba bốn bài thơ. Làm một mạch. Bây giờ nhớ lại , anh xấu hổ muốn chết. Không biết bao nhiêu con cóc nhảy lon xon trong thơ của anh.
    Anh làm thơ đến gục trên bàn. Như những thi sĩ điên khùng, làm thơ đến thổ huyết mà chết, làm mẹ hoảng hốt:
    - Vũ con đi ngủ đi chứ. Thức gì mà khuya vậy.
    - Con học mẹ ạ
    Anh lại nói dối. Tội nghiệp mẹ…mẹ đã đi chùa. Em đã đi chùa. Sám hối cho anh bao nhiêu lần rồi......

    .................................................


    Nhã Ca
    (Trích Ngày Thơ Tình Thơ, truyện dài, 1974)
    Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

    Comment

    Working...
    X
    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom