• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Bến Cát

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Bến Cát

    Bến Cát
    Cát Hoàng


    Bến Cát thuộc xã Tân Phú Trung xưa, bao gồm ba làng: Tân Định, Phú Long và Định Trung (Nay tách làm 2 xã: Định Trung, Phú Long, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Địa hình nằm vắt ngang trục đất giồng tiếp giáp hai con sông lớn Cửa Đại và Ba Lai (chung dòng Mêkông).

    Đặc trưng Bến Cát chính là cát. Khoảng thập kỷ 60 thế kỷ 20 trở về trước, con đường từ Bến Bạ (giáp sông Cửa Đại) đến Ao Vuông (giáp sông Ba Lai) tràn ứ cát, lớp học trò nhỏ chúng tôi đi về lúc trời trưa nắng là phải chạy cách quãng núp vào bóng cây để tránh chân bỏng rát; còn chạy xe đạp (rất ít) không khéo thì ngoẹo cổ xe té lăn quay là chuyện thường.

    Bến Cát cũng lắm vườn cây cho bọn học trò con nít tha hồ leo trèo nhẳn nha mãng cầu, mít, xoài, khế, ổi,...Nhưng khoái nhất có lẽ là món duối; thứ trái ngòn ngọt, thơm thơm vừa có dư vị đăng đắng, chua chua, chát chát ăn từ trưa tới chiều còn đa đã cái miệng; cây duối thì bự chảng ông cả, nhánh dai dẻo, leo lên cao nằm vắt võng ngắm tư bề nhà cảnh lại càng ngon, càng sướng.

    Thời chiến tranh giao thông đi lại rất khó khăn, ai có việc thật cần lên đô thị (Bến Tre, Mỹ Tho) thì phải đi đò máy (xe đò rất ít, đi lại rất khó khăn do cầu đường quá xấu). Bờ sông Cửa Đại (còn gọi là sông Tiền) có một bãi cát dài thoai thoải (nay bùn đã bồi lấp, mọc cả rặng bần gọi là Bãi Bần) đò máy ghé vào để đón hoặc trả khách - Có lẽ vì thế nên có tên gọi là Bến Bạ (?). Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in cảnh bọn con nít chúng tôi nôn nao chờ đón má đi chợ Mỹ Tho về (Chiều đò mới về, nhưng đã đón từ xế trưa. Trong khi chờ chẳng biết làm gì, chúng rủ nhau tắm sông và chia phe đánh trận giả). Quà má hoặc người thân cho đâu nhiều nhỏi gì, chỉ là ổ bánh mì hay vài viên kẹo. Vậy mà bọn trẻ vui mừng nhảy cửng, tung tăng chân sáo suốt đường về quanh quẩn thương thương.

    Bến Cát có đình thờ thần hoàng bổn cảnh, mỗi năm hai lệ cúng: Thượng ngươn và hạ ngươn. Cúng đình thường có hát bội (hát bộ), con nít khoái, người lớn cũng khoái, người cầm chầu thường là ông chánh bái hoặc ông cả hay những người có uy tín được làng cả nể trọng vọng (Những người nầy đều có lễ vật cúng thần, thường là mâm xôi, gà trống hoặc heo quay, heo trắng). Có nhiều mẩu chuyện xung quanh việc cúng đình và hát bội, chỉ xin kể hai mẩu chuyện vui về xem hát bội: Có anh Th chơi ác lén lấy cắp Ông Tổ gánh hát bội, làm buổi đó gánh hát chảy re, nghe và xem mọi người thấy trớt quớt không giống như buổi trước, khiến Ông Bầu gánh phải xin lỗi bàn dân thiên hạ cho gánh hát tạm ngưng lo tìm Ông Tổ mới hát lại được (Thú thiệt đến bây giờ chúng tôi cũng chưa cắt nghĩa được hiện tượng ly kỳ nầy!). Có một thím mê hát quá chừng lo chen vô cố xem cho được, khi chen lại chắp ngược hai tay ra phía sau đít, khiến cho chú T cắc cớ "gát cu" mình lên, thím ta chẳng nói chẳng rằng, rút nhẹ một tay nắm lấy cái móc tai búi tóc, một tay nắm chặt "con cắc cớ" kéo đi vòng vòng khắp bãi hát. Qua vụ việc têu tếu nầy anh Th và chú T được công chúng ban cho hai cái nicname khá mỹ miều, mà tôi xin phép không kể nghe bất tiện.

    Bến Cát có chùa Tân Lâm. Những ngày rằm tháng giêng, tháng 7 âl,...hoặc ngày Đại lễ Phật đản là dịp quy tụ hầu hết mọi nhà, mọi người viếng bái cầu sự an lành. Dịp nầy lũ con nít mê tít thò lò luôn, chúng chơi diễn đủ trò trong-ngoài khuôn viên nhà chùa, chỉ trừ gian chánh điện do sợ tượng Ông Thiện, Ông Ác. Riêng tôi ngán nhất là hàng năm đến mùa cúng sao (tháng 8 âl), vì tôi luôn bị mẹ bắt quỳ đội sớ (gia đình có bao nhiêu người là bấy tờ sớ), quỳ gần như suốt buổi, hai đầu gối tê đau muốn xỉu. Bây giờ lớn già đầu còn bày đặt mần thơ: "Đêm qua nghe tiếng chuông chùa/khiến con nhớ mẹ nhớ mùa cúng sao/thèm quỳ cho gối thật đau/...". Thiệt không biết xấu hổ!.

    Chuyện chùa chiền cũng nhiều. Song, tôi ưa nhất là khi có nàng nói với mình: "Phật không cấm yêu". Câu nói nầy có sức mạnh giác ngộ tôi, để tôi thông cảm ba cái chuyện yêu đương khá dữ dội của mấy vị sư sãi ở chùa Tân Lâm. Trong đó, có nhiều vị tu hành nghiêm nghị trong thời chiến tranh, sang thời bình các vị "tung áo cà sa ra tìm tổ ấm".

    Tôi có thói quen từ nhỏ là mỗi lần về quê là sang chùa thắp nhang lễ Phật (dù tôi không theo đạo). Nhưng, sau những đợt tu sửa, làm mới, chùa Tân Lâm trở nên xa lạ đối với tôi đến độ không ngờ. Kiến trúc cùng biết bao tượng phật gỗ xưa rất có giá trị đều mất hết, bị ciment hoá ráo trọi. Cái ao sen phía trước chùa thay vì được hồi phục thì họ làm như "vườn tượng". Cũng may còn mấy cây cột gỗ. A di đà, buồn thay!

    Bến Cát có trường học nằm trong vòng rào bót. Chẳng biết ai đó đã có sáng kiến lấy thân học trò che chắn cho lính trán. Khoảng năm 1963 đã xảy ra một cuộc chiến thật sự giữa hai phía, may mà bất phân thắng bại, đủ để 2 đứa học trò lớp tư (lớp 2 bây giờ) bị thương nặng, nếu không có thầy Luận dũng cảm cứu nguy giữa hai làn đạn chắc gì chúng sống.

    Bến Cát có hai cái xóm khá đặc biệt: Xóm Giồng Nần toàn người theo Quốc gia. Đối nghịch với xóm Giồng Nần là xóm Bến, toàn người theo Việt cộng. Lạ đến độ là chúng chơi đánh trận giả từ lúc còn để chỏm, lớn lên chúng đánh nhau chết sống thật. Hằn thù nhau đến thế, nhưng mỗi năm chúng chừa ra ba ngày Tết Nguyên đán, ngày rằm tháng bảy âl, ngày lễ Noel là tự do đi lại, không bắn giết nhau, mà còn có thể gặp nhau uống trà tranh luận sai đúng về lý tưởng của mỗi bên đang theo đuổi - Nó trở thành một thứ luật bất thành văn được hai bên tự giác chấp hành mà đến nay hỏi ra cũng không ai nhớ nổi nó được hình thành từ lúc nào và do ai.
    Còn nhiều chuyện vui buồn lý thú về Bến Cát. Song, cứ ê a kể mãi e rằng bạn đọc sẽ nhàm chán. Tôi xin thay đổi không khí bằng một bài thơ "Bông bí lòng con" gọi là kết thúc bài viết cho có hậu:
    Bơi trong mù sương
    mặt trời hiền như trái bí rợ
    mùa giáp hạt:
    "Lúa chín vàng mơ
    Đói mờ con mắt"
    Đi xa...
    Trái tim con se sắt
    nhớ lá nhám tay Mẹ mùa bí rợ
    ôi! Đọt rau quê nghèo
    ngọt bùi hơn gạo tha hương
    Tha hương...
    thương giồng cát cũ
    từng ủ nồng
    mỗi bước chân em Bước chân quen...
    hằng khuya Vạn Cấy
    hoà tiếng chuông chùa Tân Lâm
    vọng đêm xa xứ.
    Sống trên đời

    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom