• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Đêm trung thu đầy mưa

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Đêm trung thu đầy mưa

    Đêm trung thu đầy mưa

    TTCT - Đêm trung thu mà trời lại mưa. Trăng rằm như trái bưởi vàng nhạt treo lơ lửng một lúc trên ngọn dãy tre làng, rồi bị đám mây đen sũng nước cuốn chặt lấy.


    Minh họa: Lê Thiết Cương

    Lão Chù kéo chiếc chõng tre ra ngoài hiên nằm hóng mát. Căn nhà nhỏ chật hẹp tù mù ánh đèn dầu, vo vo tiếng muỗi. Lão sốt ruột nhìn ánh đèn hắt qua cửa sổ, giọt gianh lấp loáng nước mưa rơi xâu thành những chuỗi cườm thủy tinh đục.
    “Trời với chả đất! Lại nhè đúng đêm trung thu mà mưa”. Vậy mà trong làng vẫn có ba bốn nơi vang vang tiếng trống múa sư tử. Ấy là lũ trẻ các đội sư tử đang tập dượt lần cuối, trời mưa thì mưa nhưng chúng không thể quên Tết trung thu. Chúng tụ tập chỗ nào đấy, nôn nóng nện trống.
    Tùng tùng! Cắc tùng tùng! Tùng tùng! Tùng tùng! Tùng tùng!
    Tiếng trống đập vào tiếng mưa nghe bùng bục, tưng tức.
    Bữa cơm chiều đã ngót từ bao giờ. Nửa bơ gạo, nồi canh chuối xanh lõng bõng không mỡ, không mì chính là bữa cơm đón trung thu của lão Chù. Cơn đói gặp cơn mưa, cồn cào. Tiếng giọt gianh rơi tành tạch. Tiếng trống sư tử vẳng đến bùng bục. Mấy hạt mưa bắn văng lên chõng thấm vào đầu mỏm cánh tay cụt, cảm giác lành lạnh chạy thẳng vào lồng ngực làm lão rùng mình.

    Tiếng trống lôi tuột ý nghĩ của lão về thời thơ ấu xa lơ xa lắc. Những Tết trung thu buồn tẻ bởi bà cô nghèo lúc nào cũng nợ lút cổ. Thằng cu Chù hăm hở chạy theo đám múa sư tử và rước đèn ông sao, một bên tay áo rỗng bay phất phơ, tay trái cố giương cao chiếc cần câu tre buộc lủng lẳng con cá cắt bằng mo nang.
    Năm tám tuổi, Chù theo bà cô ra sân kho hợp tác xã xem lăn lúa. Một con nghé mới vực dùng dằng không chịu kéo liền bị một roi vút vào mông, sợ hãi chạy lồng ra khỏi bãi lúa. Tiếng trục gỗ lim cắt từ cột đình nặng nề lăn ầm ầm. Thằng Chù bị xô vào lưng, ngã sấp.
    Nó hét toáng lên vì sợ hãi và đau đớn. May trục gỗ lim chỉ nghiến nát cánh tay phải. Năm Chù 15 tuổi, bà cô ốm nặng rồi qua đời, cậu mồ côi lần thứ hai...
    Tháng trước lão Chù đột nhiên bị cắt khoản trợ cấp xã hội mà Nhà nước cho hưởng hơn chục năm nay, trị giá bằng một yến thóc. Với người bình thường, số tiền đó đủ một lần uống bia hơi thoải mái, nhưng với lão thì đó là cả tháng ăn, dù là ăn cháo, ăn độn khoai sắn.
    Ông Hải cán bộ thương binh - xã hội mỗi lần thấy lão thập thõm bước vào trụ sở ủy ban xã là lại cau có, đám râu quai nón xù cả lên: “Tôi đã bảo ông rồi. Đi mà hỏi Nhà nước, nhá! Tôi có in ra tiền đâu mà cấp cho ông được. Còn bao nhiêu trường hợp khác họ có thắc mắc đâu!”. Lão Chù rúm cả người, lưỡi tụt vào họng, chả biết thưa gửi thế nào. Lão lập bập: “Thưa ông! Thưa... ông!”. “Có thắc mắc gì, về làm đơn gửi lên huyện, nhá! Mất việc quá”. Lão lủi thủi quay ra.
    Tuy sợ nhưng vẫn lủng bủng trong bụng. Người gì mà như Trương Phi. Cứ thấy mặt mình là nhá, nhá. Muốn ăn thịt lão à? Toàn xương nhai thế đếch nào được. Nỗi thất vọng mơ hồ níu bước chân lão nặng trĩu. Ra cổng ủy ban lại chạm ngay phải cái mặt choắt lưỡi cày của tay Thẩn.
    Tay nó ve vẩy tờ giấy, cất giọng the thé hỏi đểu: “Lại đi xin ăn hở? Đã bảo rồi, lấy vợ đi cho đỡ khổ. Con mẹ sứt môi nhà tớ đẻ rồi, con trai nhá. Chọn mãi mới được cái tên để khai sinh đây”. Lão Chù sững lại, ngạc nhiên. Thằng khoèo tay này mà cũng có con được á? Nó chỉ được cái chịu khó chứ làm chó gì có con! Cái mặt hí hửng có ghét không.
    Lão chợt tủi thân. Mình nuôi mồm chẳng xong, ai dám vợ con nữa cho khổ. Vợ thì ai chả muốn, nhưng thời trẻ còn chẳng nước mẹ gì nữa huống hồ bây giờ. Năm nay mới ngoài năm mươi, thế mà lão xơ xác như người bảy mươi tuổi.

    Hồi thanh niên, đã một lần cơ hội lấy được vợ đến với Chù. Thế mà để vuột mất. Mười chín tuổi, Chù đi làm thuê cho nhà chị Sậu góa chồng hơn cậu mười tuổi. Thấy Chù chịu khó, hiền lành, chị góa thương hại bảo sang bên ấy chăn bò, thả vịt cho chị. Sau hai người thân thiết hơn, Chù gần như ở hẳn bên nhà chị Sậu, “gặp cơm thì ăn, gặp việc thì làm”.
    Chị Sậu có gánh hàng khô ở chợ, sáng đi tối về, việc nhà giao hết cho “cậu Chù”. Đêm ấy cũng Tết trung thu, đứa con gái nhỏ của chị Sậu chạy đi xem rước đèn ông sao. Chù ngồi loay hoay với chiếc đài tự lắp chạy bằng pin muối. Có tiếng chị Sậu gọi ngoài giếng: “Cậu Chù ơi! Lấy giúp chị cái chậu giặt”.
    Chù thập thóm xách cái chậu nhôm ra giếng, chết sững khi nhìn thấy tấm thân trần truồng ngồn ngộn của chị góa dưới trăng. Bàn tay nhớp nháp lạnh của chị góa nắm cánh tay còn lại của Chù đang run như thằn lằn đứt đuôi kéo lại gần. Chị cười khẽ: “Thế nào mà ngẩn ra như ngỗng ỉa thế. Chưa nhìn thấy bao giờ à? Chị bảo này...”. Đầu óc Chù choáng váng, đôi mắt bị thôi miên vào tấm thân trắng nhồng nhỗng trước mặt. “Cậu có thương chị không?”. Gật. “Sang đây ở hẳn với chị nhé?”. Lại gật.
    Tai anh chàng ù ù, lơ mơ hiểu sự thể sẽ khác chứ không phải chuyện ở nhà hay sang bên này. Chù nghe loáng thoáng những tiếng nhé, nhé và hơi thở hổn hển của chị góa. Chù giật thót người khi bị bàn tay nhớp nháp thọc vào chỗ kín. Nỗi hoang mang đầu đời của chàng thanh niên và sự ham muốn cùng cực của người đàn bà góa chạm vào nhau như điện giật. Chù co rúm người lại, nhưng không dám bỏ chạy.
    Sau một lúc vần vò, chị Sậu rên lên: “Giời ạ! Sao cứ như dải khoai héo thế này?! Cụt tay chứ không lẽ cụt cả...”. Một cái đẩy sỗ sàng làm Chù ngã bệt đít xuống nền giếng. “Đồ vô tích sự!”. Chị Sậu rủa, rồi vớ lấy gầu nước dội ào ào lên tấm thân rừng rực.

    Lão Chù cảm thấy đau nhói nơi đầu mỏm cánh tay cụt. Bàn tay trái vỗ bộp vào chỗ đang ngứa ran, một con muỗi nặng nề vo ve bay lên. Lũ muỗi đói không thương hại kẻ đồng cảnh. Lão Chù vừa xoa chỗ ngứa vừa nhớ đến vẻ mặt đăm chiêu của ông trưởng phòng tổ chức xã hội huyện. Ông ta trẻ hơn và cũng tử tế hơn ông Hải râu ở xã. “Bác cứ yên tâm. Để đơn lại chúng tôi xem xét đã”. Nhìn mấy chai nước khoáng trên bàn lão Chù thấy khát khô cả cổ mà không dám xin một cốc, lão vừa đi bộ 6-7 cây số dưới trời nắng để đội đơn lên huyện.
    Thất thểu về đến nhà, lão suýt ngất xỉu. Thôi! Chẳng đi đâu nữa nhá. Đi bộ mãi thế này có ngày chết dọc đường. Còn cơ cực vất vả hơn đi xin ăn. Mỗi khi hết gạo, lão thường xách túi đi quanh mấy trạm xát lúa trong xã, mỗi nơi cho một vốc, cũng được mấy bơ. Nhục một tí vẫn còn hơn đội đơn vào cửa quan.

    Tiếng trống sư tử bỗng dồn dập, vang hơn. Mở mắt ra, lão Chù thấy mấy vệt sáng xuyên qua cành ổi tạo thành những đồng xu vàng bạc trên sân. Trời đã ngớt mưa làm lão mừng rơn như con trẻ. Thế là vẫn kịp đi rước đèn trung thu và múa sư tử. Cả làng có ba đội múa sư tử. Bọn trẻ bây giờ gớm lắm, chúng sẽ đèn đuốc giục trống vòng quanh khu chợ, vì ở đó có nhiều nhà khá giả. Sư tử đến múa trước nhà, thế nào cũng được gia chủ thưởng cho năm ba nghìn và bánh kẹo, hoa quả.
    Sau đó chúng kéo vào các xóm, từng nhà, từng nhà sẽ được đón sư tử và tất nhiên phải có quà cho chúng. Mãi rồi thành lệ, cánh múa sư tử coi trung thu là dịp kiếm tiền, người lớn cũng đầu tư cho con trẻ mua đầu, sắm trống hành nghề. Các đội tranh nhau đi múa từ đêm 14 sang đến đêm rằm. Có đội tranh giành đất múa, đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Rõ là người lớn làm hư trẻ con, có trò chơi dân gian vui thế, đẹp thế mà cũng biến thành trò kinh doanh. Chẳng bao giờ bọn kinh doanh sư tử vào đến nhà lão, phần xa đường thôn, phần lão có tiền đâu mà úy lạo chúng.

    Tuần trước có hai người đàn ông đi xe máy tìm vào nhà lão Chù. Sự lạ ấy làm hàng xóm tranh nhau chỉ đường. Hai người đàn ông tự xưng là cán bộ thanh tra tỉnh. Lão Chù hí hửng, lần này chắc được nhận trợ cấp rồi. Họ mở cặp da, chìa ra những giấy tờ dài dặc tên người, hỏi: “Ông là Lương Văn Chù?”. “Vâng ạ!”. “Ông nhận một triệu hai trăm nghìn đồng trợ cấp khó khăn này vào thời điểm nào?”. Lão ngớ ra. “Em có nhận đồng nào đâu ạ!”. “Có phải chữ ký của ông đây không?”.
    Lão cố đánh vần tên mình rồi lắc đầu. “Không phải em ký ạ. Với lại em có dám xin nhiều thế đâu. Mỗi tháng em nhận một yến thóc thôi mà”. Hai cán bộ thanh tra ra về, cất cả nỗi bàng hoàng, thấp thoảng của lão vào trong chiếc cặp da đen. Sao được nhiều tiền thế mà mình không biết? Những triệu hai, ai đã ký nhầm vào tên lão chứ? Lão ngồi lặng đi, thầm tính toán sẽ làm gì với một triệu hai trăm nghìn kia. Ờ, lão sẽ mua một con lợn giống, vài con gà thả cho chúng nhặt cơm rơi, cơm vãi. Quan trọng hơn là lão sẽ có tiền mua gạo, cái bụng lão không còn réo èo èo từ khi trời chưa tối.

    Giọt gianh vẫn tí tách nhưng mưa thì đã tạnh hẳn, cảnh vật sáng dần. Lão Chù ngồi dậy, lắng nghe tiếng trống vang vang khắp làng. Ba bốn loại trống ganh đua lên tiếng. Cái thì tung tung, cái thì bùng bục, cái kêu ùng ùng như trống lệnh. Âm thanh rộn rã lúc gần lúc xa bao giờ cũng làm lão nhớ về thời trẻ thơ cầm chiếc cần câu có con cá mo nang, chạy theo tiếng trống sư tử.
    Tiếng trống đột ngột rộn lên ngoài ngõ, hình như lẫn cả tiếng thanh la và tiếng lửa đuốc kêu vù vù. Tất cả như cùng cuốn ào vào sân nhà lão. Dùi gỗ dập lách cách vào tang trống. Cái đầu sư tử xanh đỏ lòe loẹt gục gặc trước chõng chào lão Chù. Lão dụi mắt, cố nghĩ rằng mình mơ ngủ. Thế rồi rộ lên. “Tùng tùng! Cắc tùng tùng! Cheng! Cheng! Cheng! Cheng!”.
    Sư tử uốn mình chồm lên vờn tận mặt lão, cây gậy tre hai đầu buộc giẻ tẩm dầu hỏa cháy sáng rực, xoay tròn theo nhịp múa rộn ràng. Con đàn bà chửa chít khăn đen mỏ quạ ưỡn ẹo phẩy chiếc quạt cọ rách vào vai lão Chù. Thằng “Ngô” nhăn nhở cười, tay cũng cầm chiếc cần câu treo con cá bạc lấp lánh. Tiếng bọn trẻ nhao nhao, chí chóe, tiếng cười muốn vỡ khoảng sân hẹp. Chúng ùa vào đứng quanh cái chõng tre, lão Chù chống cánh tay còn lại ngả người ra sau, há miệng cười khầng khậc.
    Thích quá! Chưa bao giờ lão vui như thế này. Kéo con đàn bà chửa lại gần, lão dòm tận mặt nó, chỉ thấy cái mặt trẻ ranh bôi đen đỏ ngoang nguếch. “Mày là con nhà nào?”. Nó chỉ nhe răng cười. Hai thằng đứng gần đó tranh nhau nói: “Thằng Câm con bà Chắc đấy ông ạ!”. “Thế đứa nào múa đầu sư tử?”. Chúng đáp lại như quát vào tai lão. “Thằng Thi! Thằng Thi hay trộm ổi của ông í”. “Nó múa đẹp đấy!”. Thằng cu lớn tay xách can dầu hỏa bĩu môi: “Ăn thua gì! Thằng Hưng con bác Hải râu múa ác chiến hơn nhiều. Tại mẹ nó không cho đi...”. “Sao lại cấm nó múa?”. “Ông không biết à? Bố nó bị công an bắt rồi”. Lão Chù lại ngẩn ra. Lạ nhỉ!
    Ông Hải tợn thế mà bị bắt á? Mai hỏi người lớn xem chứ trẻ mỏ biết gì mà tin. Nhưng nếu ông Hải bị bắt thật thì ai giải quyết chế độ trợ cấp cho mình đây? Lại còn triệu hai nào đấy mình đã được nhận đâu? Mải nghĩ, lão Chù không để ý tiếng trống, ánh lửa và lũ trẻ đã ở ngoài đường. Khoảng sân vắng lặng trở lại. Ngồi xuống chõng, tay lão đụng phải mấy quả hồng mềm nhũn. Lại đứa nào bỏ quên rồi!

    Lão lẩm bẩm rồi ngả lưng định nằm xuống, nhưng mặt chõng đầy những bánh dẻo, chuối, bưởi, hồng, có cả mấy tờ bạc lẻ nhăn nheo. Thì ra lũ trẻ bảo nhau chia quà trung thu cho lão. Hai giọt nước mắt lăn chậm trên gò má hóp, một giọt rơi phải mỏm tay cụt, mặn xót. Lão bệu bạo: “Các cháu ơi! Ai lại cho quà trung thu người lớn bao giờ ?!”.

    Trăng đã lên cao, sáng rực rỡ. Lạ thế! Mới mưa đấy mà trăng lại sáng ngay được.




    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom