• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Bảo Sinh: Ngạo đời chơi chó, làm thơ...

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Bảo Sinh: Ngạo đời chơi chó, làm thơ...

    Bảo Sinh: Ngạo đời chơi chó, làm thơ...


    Lão tự phong cho mình học vị “Nhà thiền học dân gian”; “Nhà trọn đạo với chó” duy nhất Việt Nam. Nhiều người cho lão khùng vì chỉ có kẻ khùng mới yêu chó hơn …nhà cao cửa đẹp, yêu hơn cả mỹ nhân (!?). Ngày nào lão cũng quày quả một mình vịnh thơ con chó ở cái khách sạn mang tên chó mèo của lão.



    Ngài Bảo Sinh - Chủ nhân Hotel chó mèo.

    Lão khùng ấy là Nguyễn Bảo Sinh, một tay chơi chó khét tiếng của đất Hà Thành. Một mình lão có cả 6 vạn mét vuông đất, với gần trăm con chó. Cái thời chuộng chó cảnh, thu nhập của lão là 30 triệu đồng một tháng, bây giờ thì không rõ. Lão thuê hai cô nhân viên xinh đẹp, một cô là chuyên gia hầu thơ, một cô chuyên lo cai quản Hotel chó mèo nhà lão.

    Lão dắt tôi đi khắp cái phủ chó mèo, miệng liên hồi khoe: đây là em Milu khôn, đây là em Jenly đẹp, đây là em Lucky dễ thương v.v. Lão thích gọi chó là em, nghe đậm đặc mùi tình cảm. Tá hoả có lần vợ lão ghen tuởng lão “cặp bồ” với gái tây! Lão ngâm nga: “Triều đình riêng một góc trời/ Thơ mèo, gà, chó... rạch đôi sơn hà”.



    Cổng phủ chó, mèo

    Vợ con lão ghét chó. Lão đành ôm quần áo ra hotel ở với chó, mèo và 2 cô nhân viên. Một cô lo việc tiếp khách, một cô lo hầu rượu kèm gõ thơ của lão lên máy vi tính. Hết khoe chó lão lại khoe thơ: “Tớ có trên một nghìn bài thơ rồi. Khắp khách sạn chó mèo này tớ khắc lên đá trên 100 bài rồi” . Ngắm cái phủ chó mèo này mới thấy lão ăn ở tận tuỵ thế nào với chúng: lão xây Thiền Quán; Đài hoá thân; Tháp bài vị; Nghĩa trang; Vườn thượng uyển; Bể bơi…dành cho chó. Ngồi một lúc, thấy lão mê chó, khen chó đến trẹo mồm!

    Lão sinh năm 1940, người loắt choắt nhưng được cái duyên mồm miệng, hay nói chuyện khôi hài. Lão kể về những năm chiến tranh, trung đội lão đóng trên nóc cầu Long Biên, người ta làm một mâm pháo trên đó, thế mà lão vẫn nuôi vài em chó rồi trồng thêm cả hoa mười giờ cho nó có phần thi vị. Những năm Hà Nội ra lệnh cấm chó, lão vẫn nuôi. Lão trốn các trạm kiểm soát bằng cách cho chó mặc quần áo của cô người yêu, để nó ngồi vắt vẻo sau gác-ba-ga, thế là thoát!



    Khắc thơ trên đá trong phủ chó, mèo.

    Ngay cái phủ chó mèo hiện nay của lão cũng vậy. Lão chọn địa điểm giáp nhiều Quận, Quận nào cũng nói nhà lão không thuộc phạm vi quản lý, thế là lão tha hồ bứng binh các loại chó. Có nhiều hôm kiểm tra đột xuất, lão đành phải ôm các em béc-giê giống nhật, giống ta, giống tầu lao ùm xuống hồ hoa súng để trốn!

    Thật ra, nghề chính của lão là thợ vẽ truyền thần, đến năm 1970 lão xây dựng hotel chó mèo. Lúc đó xây chỉ vì thích nuôi con vật. Chẳng ngờ dân mình cũng chuộng chó, mèo đến thế! Lão kinh doanh chó mà giàu to.

    Lão có thâm niên 37 năm yêu chó mèo, cũng là 37 năm yêu thơ, 37 năm ra ở một mình với thiên nhiên. Lão bị bạn bè gọi là “Bảo Sinh khùng” , là “Bảo Sinh điên” …thế nhưng lão rất đắc ý khi bạn bè đùa: “Dân ăn chơi Hà Nội có ba Bảo: Bảo Tín chơi vàng bạc, Bảo Sơn chơi khách sạn, Bảo Sinh chơi chó mèo” . Hứng chí, lão ngâm nga:

    Làm thơ nuôi chó chọi gà
    Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ
    Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ
    Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà”.



    Biển ghi danh Hotel chó mèo.

    Tuổi tri thiên mệnh rồi chắc “Bảo Sinh khùng” chẳng còn thích gì nữa?

    - Lại nhầm rồi, tôi vẫn thích nhiều thứ lắm, nhất là cái khoản "em, ún" là chẳng bao giờ thôi không thích!

    Nhưng lão nói lão yêu chó hơn cả…vợ thì…

    - Lại nhầm rồi, nghĩa là chưa nghe thơ "Đạo Bồ Bịch" của tôi rồi. Nó là thế này:

    “Vợ là cửa cái
    Bạn gái là cửa sổ
    Càng nhiều cửa sổ càng sang
    Cửa cái anh vẫn đàng hoàng vào ra
    Vợ là cửa cái nhà ta
    Lại là cửa sổ thằng cha láng giềng” .

    Nhiều "cửa" thế có đủ tiền chi?

    - Thu nhập của khách sạn chó mèo đủ cho tôi đi chơi karaoke ôm. Nói như thế tôi mới chính là kẻ ăn tiền “boa” của vài cô nhân viên. Tôi chỉ việc ngồi chơi xơi nước, có em xinh đẹp trẻ trung hầu thơ, lại được tiền “boa” nữa. Sướng hơn cả “trai bao”!



    xalo.com
    Đã chỉnh sửa bởi Photo; 09-10-2009, 05:31 AM.

    Similar Threads
  • #2

    Nguyễn Bảo Sinh, nhà thơ dân gian


    Nguyễn Bảo Sinh, sinh năm 1940, sống trong một gia đình đã định cư nhiều đời ở Hà Nội. Thời trẻ, ông từng đi lính, từng là võ sư Judo. Từ trẻ đến già, Nguyễn Bảo Sinh chỉ ở số 30, ngõ 167 Trương Định (ngõ Bảo Sinh). Gần như suốt đời không hề chuyển dịch đi đâu, luôn ở cùng gia đình, xung quanh có vợ con, anh em, họ hàng, bè bạn nhưng ông luôn tự nhận mình là một tay sống trong giang hồ(!), một người tu tại gia(!). Nguyễn Bảo Sinh từng có hỗn danh là Sinh chó. Việc này duyên do từ chuyện có thật:
    Hồi bé, vốn tính ngỗ ngược, thân phụ ông là cụ Nguyễn Hữu Mão (năm nay 95 tuổi, cũng là người rất hay thơ) có lần tức giận bảo rằng:
    - Lớn lên thì chó nuôi mày!
    Một lời là một vận vào! Lời nguyền của người cha tự nhiên vận vào số phận đứa con. Từ nhiều năm nay Nguyễn Bảo Sinh vẫn sống bằng nghề nuôi chó mèo cảnh, nuôi gà chọi, cũng có khi làm hậu cần cho các xới chọi gà khắp một vùng nội ngoại thành Hà Nội.
    Làm thơ, nuôi chó, chọi gà
    Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ
    Suốt ngày nửa tỉnh, nửa mơ
    Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà!

    Nguyễn Bảo Sinh khá điển hình cho một dạng nhà thơ dân gian vốn tồn tại từ xưa đến nay ở nhiều nơi trên thế giới. Trí tuệ dân gian thông qua hình thức nói vần được truyền khẩu nhiều khi biến thành ca dao, tục ngữ, thành lời các bài hát dân ca. Có thể nhận ra đặc tính chính của lối thơ này là ở chỗ luôn ngẫm sự đời để từ đó rút ra những kinh nghiệm sinh tồn, những kinh nghiệm sống. Việc ngẫm sự đời ấy dựa trên những quan sát trực tiếp ở những ngành nghề, ở những hoàn cảnh nhiều khi rất lạ lùng, hiếm có. Nhà thơ dân gian là người trực tiếp ở trong cuộc, trực tiếp lội xuống bùn để bắt những con cá chân lý trong cuộc sống. Yếu tố kinh nghiệm cá nhân không thể chia sẻ cho ai được đã làm nên nhiều sự bất ngờ và độc đáo của lối thơ này.
    Khi yêu cái xích dưới chân
    Thì xiềng xích ấy là thần Tự do!

    Tự trói thì gọi là tu
    Bị trói thì gọi là tù mọt gông!

    Mê là mê theo cách mê của người
    Ngộ là mê theo cách mê của mình.

    Tự do sướng nhất trên đời
    Tự lừa lại sướng hơn mười tự do!

    Khi mê bùn chỉ là bùn
    Ngộ ra mới biết trong bùn có sen
    Khi mê tiền chỉ là tiền
    Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm
    Khi mê dâm chỉ là dâm
    Ngộ ra mới biết trong dâm có tình
    Khi mê tình chỉ là tình
    Ngộ ra mới biết trong tình có dâm!
    Lối nghĩ dân gian nôm na (nôm na là cha mách qué) dựa trên những nghịch lý oái oăm trong cuộc sống. Phát hiện ra những nghịch lý ấy, hiểu được nó khiến người ta nhiều khi lâm vào tình trạng dở khóc dở cười:
    Con ta không phải của ta
    Tai họa của nó mới là của ta
    Của chìm của nổi trong nhà
    Của ta rồi sẽ lại là của con

    Vợ là thánh chỉ vua ban
    Có sao dùng vậy không bàn đúng sai!

    Làm thơ anh chỉ nghiệp dư
    Hội thơ chuyên nghiệp họ chưa cho vào
    Yêu em anh cũng nghiệp dư
    Hội yêu chuyên nghiệp họ chưa cho vào!
    Trong thơ của Nguyễn Bảo Sinh có yếu tố Phật giáo (mới chỉ là yếu tố Phật giáo chứ chưa phải là tư tưởng Phật giáo). Yếu tố thiền đôi lúc đã xóa đi những ranh giới thị phi trong cuộc đời gây nên những hiệu quả bất ngờ khá độc đáo:
    Cùng chung một chuyến đò ngang
    Kẻ thì sang bến người đang trở về
    Lái đò lái mãi thành mê
    Sang về chẳng biết mình về hay sang?

    Không phải tự nhiên mà Nguyễn Bảo Sinh đặt tên cho những bài thơ truyền khẩu của mình là huyền thi. Điều ấy có phần nào đúng. Vì sao vậy? Vì tôi nghĩ thơ của Nguyễn Bảo Sinh chưa phải thơ thiền. Nếu là thiền thực thì trong nội dung thơ đương nhiên sẽ hết ý nghĩa sâu sắc hoặc không sâu sắc (sâu sắc cũng vô nghĩa lý mà không sâu sắc cũng vô nghĩa lý). Thơ của Nguyễn Bảo Sinh mới chỉ mang yếu tố thiền, đang tiến tới thiền. Đấy là thiền giả chứ chưa thiền thật. Sự thú vị của Nguyễn Bảo Sinh là ở đấy. Đấy cũng là nét đặc biệt của văn học dân gian, nghệ thuật dân gian. Tính không chuyên nghiệp nửa đời nửa đoạn của văn học dân gian, nghệ thuật dân gian gắn liền với đời sống và số phận nửa giăng nửa đèn của chính những người sáng tạo ra nó. Sự ỡm ờ, nhập nhằng giữa chân lý và phi lý, thực và ảo, thị và phi, hay và dở cứ lẫn vào nhau, huyễn vào nhau. Trên thực tế, đã có nhiều người coi thường, coi khinh thơ của Nguyễn Bảo Sinh là không ra gì, vớ vẩn, nửa đời nửa đạo, nửa nạc nửa mỡ. ở những bạn đọc tuân theo nguyên tắc bất nhị thì sự phản ứng của họ cũng rất dễ hiểu. Họ không biết rằng văn học dân gian, nghệ thuật dân gian hình thành ở chính sự nhập nhằng vớ vẩn đó. Tỉ như ở trò kéo co: mấy người nắm lấy sợi dây chia ra hai phe, buông dây cười xòa sẽ là trò đùa nhưng trong trường hợp hoàn cảnh nào đấy sẽ là được thua, sẽ là sinh tử, là tranh chấp đầu rơi máu chảy. Trò chơi dân gian, nghệ thuật dân gian ai cũng chơi được, xú xí, xí xóa cũng được nhưng cũng có thể nghiêm trọng hóa nó cũng được. Truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn là văn học dân gian, nghệ thuật dân gian. Khi có một bàn tay chuyên nghiệp dúng vào, thôi xao cho nó thì nó sẽ có một ý nghĩa khác đi nhiều.
    Khi đọc Nguyễn Bảo Sinh, bạn đọc dễ có liên tưởng đến thơ Bút Tre. Tôi nghĩ, xét cho cùng, Bút Tre cũng là một kiểu thơ dân gian, nghệ thuật dân gian. ở thơ Bút Tre, kiểu nửa đùa nửa thật trộn lẫn giữa hình thức và nội dung gây nên hiệu quả rất độc đáo:
    Hoan hô đại tướng Võ Nguyên
    Giáp ta đánh trận Điện Biên lẫy lừng.

    Anh đi công tác Plây
    Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra
    Con thuyền dịch đít sang ngang
    Trông ra thấy một cái làng xa xa.

    Ở Nguyễn Bảo Sinh, không có kiểu nửa đùa nửa thật ấy mà ở đây tính chất nửa đời nửa đạo, nửa đúng nửa sai (của đời sống và chân lý đời sống) có phần nào rõ ràng hơn. Thơ Nguyễn Bảo Sinh không đùa tếu như thơ Bút Tre. Thơ Nguyễn Bảo Sinh có vẻ nghiêm túc tìm chân lý hơn. Chính vì vậy nếu xét về phong độ (thơ) tôi nghĩ ở Bút Tre lớn hơn, phá đám hơn, ngầu hơn. Đọc thơ Bút Tre người ta cười to hơn. Đọc Nguyễn Bảo Sinh người ta cười nhỏ đi, đôi khi không cười mà chỉ à một tiếng: à ra thế, à là thế... Không phải tự dưng đã có trường phái thơ Bút Tre: sự châm biếm, tiếng cười là thứ rất dễ lây. Chính sự huyền thi (bãi miễn thơ) đã làm hại Nguyễn Bảo Sinh nhưng có lẽ chính sự hại ấy cũng không quan trọng gì đối với ông. Tôi nghĩ ông không phải là người cố ý làm thơ, càng không phải là người cố ý làm thơ để phổ biến hay truyền bá. Ông làm thơ như một cách ghi nhật ký, ghi lại những ý nghĩ bất chợt mỗi khi ông ngẫm ra một điều gì đấy trên cơ sở quan sát hiện thực và mỗi khi ông rút ra được kinh nghiệm gì đấy từ cuộc đời ông.

    Tôi khá bất ngờ và lý thú thấy Nguyễn Bảo Sinh ở tuổi U.67 vẫn có những bài thơ bay bướm kiểu:
    Yêu là nhớ ít tưởng nhiều
    Yêu là chẳng biết mình yêu cái gì
    Yêu nhau đâu bởi hàng mi
    Đắm say đâu phải chỉ vì đôi môi
    Yêu là yêu, có thế thôi...

    Tình yêu ấy, tôi nghĩ chính là tình yêu cuộc sống. Ông làm thơ cũng chính vì ông yêu cuộc sống.
    Tôi chắc ở nhiều nơi trên đất nước ta cũng có nhiều thi sĩ dân gian kiểu như Nguyễn Bảo Sinh. Họ yêu cuộc sống và họ làm thơ theo kiểu của họ. Rất tiếc tôi chưa có được nhân duyên gặp gỡ và đọc thơ họ. Nhưng cũng chẳng sao vì thực ra điều ấy với họ, với tôi cũng chẳng có gì quan trọng. Nhiều khi gặp gỡ lại là hệ lụy, thậm chí chắc chắn sẽ là hệ lụy, đúng như Nguyễn Bảo Sinh từng viết:
    Yêu sao giây phút hình như
    Cho nhau những cái còn chưa của mình
    Buồn sao hình chạm với hình
    Đôi bong bóng đụng hồn mình chợt tan.

    Tôi viết bài này vì tình cảm quý mến của tôi với Nguyễn Bảo Sinh, vì nhân duyên gặp gỡ của tôi với ông thoắt cái thế mà đã 15 năm trời hết một đời Kiều lưu lạc, khi ấy tóc tôi còn xanh, chưa có một sợi bạc nào.

    Nguyễn Huy Thiệp

    NGUYEN HUY THIEP
    Đã chỉnh sửa bởi Photo; 09-10-2009, 05:30 AM.

    Comment

    Working...
    X
    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom