Sống ở đời
Tạ Duy Anh
Tạ Duy Anh
Lại một lần nữa ông bỏ ngoài tai lời khuyên của vợ. Mỗi khi nghe bà lải nhải "dạy khôn", ông thường chọn cách vô hiệu hoá đơn giản nhất: Nói thác là có việc ở khu phố bên cạnh để dông thẳng ra phía hồ. Tại đó ông tha thẩn xem cánh trẻ câu cá... Nhưng lần này, sau khi tìm được cớ và sau khi đã đi một đoạn, tự nhiên ông thấy cần phải quay lại như quyết làm rõ chuyện này.
- Này bà - ông hỏi ngay khi bước vào cửa - tôi thật sự không hiểu vì sao bà lại ác cảm với thằng Hoắng ấy thế? Hay vì tên nó là Hoắng? Nó có chỗ nào khiến bà gai mắt?
- Nó là một thằng lừa đảo - vợ ông đáp như quan toà tuyên án - Loại đàn ông nói cười thơn thớt... là không thể tin được.
Ông thở phào! Thì ra chỉ là do bà ấy không ưa nó. Không ưa thì dưa có giòi! Có lúc ông đã nghĩ hay thằng Hoắng thất thô hỗn láo gì với bà ấy. Nay thì không phải thế. ừ thì mặt nó hơi gian, nhưng cảm giác dễ oan cho người khác lắm. Ông cố dàn xếp một lần nữa.
- Sao có thể chỉ bằng cảm giác mà khẳng định người nào đó có nhân cách hay không. Sống mà luôn phải xù ra như con nhím, nghi kị, canh chừng... tôi thấy mệt lắm.
- Tôi có bảo ông không nên tin người đâu! Nhưng tin ai lại là chuyện khác. Riêng thằng Hoắng thì tôi không tin được. Vừa mới học khôn được vài chuyện mà miệng nói như đã có gang có thép, mặt thì cong lên như chiếc mo nang, tưởng thiên hạ không có mình thì họ chết cả... Tiện thể tôi cũng nói luôn, thằng ấy từ giờ là tôi cấm cửa!
- Bà làm sao thế, nanh nọc từ khi nào vậy? - Ông sửng sốt - Cho dù có còn nhóc con thì nó cũng là bạn của tôi. Bà phải giữ thể diện cho tôi chứ.
- Tôi làm sao chả cần đến thứ nó phải nghĩ tốt hộ. Cứ để nó nghĩ xấu về tôi, tha hồ. Mà ông không thấy là nó coi thường ông đấy sao!
- Thôi, thôi, bà cứ tưởng ra thế. Hậu sinh khả uý! Con hơn cha là nhà có phúc...
- Tùy ông thôi nhưng ông đừng bắt tôi cũng phải như ông.
Ông lắc đầu bỏ đi. Ông không ra hồ xem câu cá. Ông thả bước vô định trên con đường ông vẫn chạy qua mỗi sáng, nhưng vẫn thấy ấm ức trong lòng. Ông chịu không nổi bất cứ hành động nào xuất phát từ sự hẹp hòi. Từ trẻ ông đã sống với triết lý nhường. Nhường từ nhà mình trở ra thiên hạ. Vẫn biết nhường được là rất khó. Mọi người bảo rằng ông dại. Không ít người lợi dụng. Ưẹ thì dại. Cứ cho họ lợi dụng. Cái được của ông là sự thanh thản, nhẹ nhõm tạo ra những khoảng tĩnh lặng vô giá. Từ sự tĩnh lặng ông nghĩ được nhiều điều, làm được nhiều việc. Hoá ra người tham là người cả đời tay trắng, đói khát thiếu thốn, tức là khổ vậy. Ông tự thấy sống như ông mới thực sự là sống. Nào có mấy ai biết sống sướng đâu. Họ sống bằng tranh đoạt, ai cũng chỉ chăm chăm giật từ thiên hạ mang về chất đầy nhà mình. Thế là vô phúc!
Ông muốn bật cười khi hình dung lại vẻ mặt cau có của vợ. Nhưng bắt bà ấy giống như ông cũng vô lý lắm. Phải nói để bà ấy thể tất cho là được. Rằng, ghét bỏ một kẻ không có khả năng sống sang trọng, cũng tội nghiệp chứ! Mà thực ra thằng Hoắng cũng mới chỉ nói trước quên sau vài bận. Chả làm ai đến mức khốn đốn, đâu đã lừa đảo ai.
Ông quyết định không nhắc tới cuộc cãi cọ nữa.
Trong khi đó mỗi tuần thằng Hoắng điện xuống vài lần. Nó gần như cúi xuống lạy ông bằng mọi lời lẽ thiểu não đáng ghét. Nó muốn mau chóng có tên trong một hội nghề nghiệp toàn dân anh chị. Nó thúc ông đến thúc người phê duyệt công trình của nó. Nó bảo tiền nó không thiếu một khi cần phải in ra gấp công trình của nó. Ông tin ngay. Thế là ngày ngày ông bỏ công việc để lo việc của thằng Hoắng. Ông dùng uy tín và nhân cách của mình để thuyết phục được khá nhiều người tin thằng Hoắng là người có tài. Người tài hiếm lắm nên phải trân trọng, nâng đỡ. Cuối cùng mọi việc cũng trót lọt. Thằng Hoắng lại van nài ông ứng cho nó một khoản tiền. Ông đã định từ chối nhưng không bật ra thành lời được, đành ậm ừ. Tiền nong chưa bao giờ là thứ ông quan tâm. Nhưng không có nó thì không việc gì xong được. Cuối cùng khi ông lấy hết can đảm đề nghị vợ tạm chi ra một khoản thì, thay vì cau co bà lẳng lặng đưa chìa khoá tủ cho ông.
- Đây, ông hãy tự quyết định lấy mọi việc. Tôi không muốn mang thêm tiếng xấu.
Ông nhìn vợ bực dọc và cam chịu. Giá vợ ông cứ lu loa lên còn dễ chịu hơn. Bà ấy làm sao biết được vì sao ông quan tâm đến thằng Hoắng. Nó đang đi đúng con đường mà tuổi trẻ của ông vật lộn một cách đơn độc. Ngày ấy ông luôn ngước lên mong gặp một bàn tay từ trên cao đưa xuống, nhất là những khi muốn gục ngã. Nhưng rốt cuộc ông không có được cái may mắn ấy. Vì thế mà tuổi trẻ và sức lực ông rơi vãi hết trên con đường còn xa ngái. Giờ đây ông muốn chia sẻ với lớp đàn em của ông, muốn chúng nó còn sức lực để đi xa hơn.
Mọi việc cuối cùng cũng xong xuôi. May mà lão Lê thương ông ngầm lo trước cho nhiều việc. Ông hào hứng đến mức quên béng rằng ông chỉ là người làm giúp thằng Hoắng, chèo kéo bằng được lão Lê đến quán lẩu dê Tam Ly có món nầm nướng rất sướng miệng và loại rượu mà ông rất thích. Lão Lê cười tít mắt nhưng chẳng hiểu sao lại kiên quyết từ chối. "Ông giúp người thì sao tôi lại không giúp ông?". Ông đành cảm tạ rồi ra về.
Một tuần sau, qua bạn của thằng Hoắng, ông hơi sững người khi biết nó vẫn còn lảng vảng ở Hà Nội, suốt thời gian ông lao vào việc của nó. Những lần nó gọi điện cho ông đều từ khách sạn trên đường Nguyễn Hữu Huân, nơi nó vẫn trốn vợ cặp một con bồ nhẹ dạ. "Không có lẽ - Ông không ngớt lẩm bẩm trong miệng - Chả lẽ đó lại là cái giá cho những người cả tin và tốt bụng".
Thằng Hoắng cũng bặt âm vô tín luôn. Và hóa ra vợ ông biết hết, biết cả việc thằng Hoắng quỵt luôn số tiền ông đem từ nhà đi. Nhưng có khi nào ông biết ơn và hối lỗi với vợ, chính là khi bà hoàn toàn im lặng, không trách ông một lời. Thậm chí bà còn làm như chưa từng có một câu chuyện đau buồn như thế xảy ra.
Đúng lúc ông định tự mình kể hết sự thật với vợ, bà nhẹ nhàng bảo:
- Thằng Tâm hẹn hôm nay đến đấy. Ông hứa giúp nó gì thì nhớ mà làm.
Như một đốm than âm ỉ gặp gió bốc thành ngọn lửa, ông nổi xung:
- Bà biết giễu người khác đúng lúc lắm.
- Ơ - vợ ông nổi cáu - tôi thật không hiểu ông nữa. Tại sao tôi phải giễu ông - chợt bà dịu giọng - Nếu tôi không biết cách nói thì ông bỏ quá...
Ông cũng nhận ra mình vô lý nhưng vẫn giấu đi vẻ ân hận:
- Không phải chỉ thằng Tâm, mà từ nay bất cứ đứa nào định nhờ vả tôi, bà đều mời nó xéo đi cho. Tôi đầu hai thứ tóc, không thể để thêm một thằng trẻ ranh lừa quá dễ như vậy.
Ông hậm hực định nói thêm thì vợ ông thở dài:
- Cứ coi như bị mất cắp đi có được không!
- Cảm ơn bà - Lần này thì ông không giấu sự thiểu não - Tôi sẽ không dễ dàng bị lừa nữa đâu. Thằng Tâm đến bà bảo nó là tôi không có nhà.
Ông bỏ đi nằm. Ông nằm rất lâu nhưng không ngủ được. Việc thằng Hoắng dám hỗn láo với ông, xét cho cùng cũng là việc nhỏ. Nhưng ông vẫn thấy xốc mạnh bởi cảm giác bị người khác làm nhục. Đau đớn hơn là sau đây ông sẽ sống ra sao?
Chiều tà thì thằng Tâm đến, giá kể bình tĩnh ông cũng nhận ra nét khác thường trong cặp mắt háo hức của nó. Nó giống cặp mắt của người đi loan tin lành. Nhưng ông chỉ thấy ở nó một kẻ đang rắp tâm đi lừa đảo. Bởi thực tâm ông đang muốn có một thằng trẻ ranh để trút ra khối lửa ngùn ngụt mà nếu cứ giữ trong ngực, ông sẽ nổ tung mất. Hứng trọn một trận lôi đình mà không rõ nguyên nhân, thằng Tâm chỉ còn thiếu tí nữa thì hoá đá. Mặt nó hết tái sang tím, xanh nhợt đi. Cặp môi run run.