• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Lưu Quang Vũ

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Lưu Quang Vũ

    Nhà thơ Lưu Quang Vũ

    Tiểu sử
    Link" align="left" border="0" alt="" style="padding:7px;" />Lưu Quang Vũ (sinh 17 tháng 4 năm 1948 tại Phú Thọ – mất 29 tháng 8 năm 1988 tại Hải Dương) là nhà soạn kịch, nhà thơ và nhà văn hiện đại của Việt Nam.

    Ông là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh, quê quán: Quảng Nam.

    Ông sinh tại Phú Thọ và tuổi thơ sống tại đây cùng cha mẹ. Khi hoà bình lập lại (1954) gia đình ông chuyển về sống tại Hà Nội. Thiên hướng và năng khiếu nghệ thuật của ông đã sớm bộc lộ từ nhỏ và vùng quê trung du Bắc Bộ đó đã in dấu trong các sáng tác của ông sau này.

    Từ 1965 đến 1970 ông nhập ngũ, phục vụ trong quân chủng Phòng không – Không quân. Đây là thời kỳ thơ Lưu Quang Vũ bắt đầu nở rộ.
    Từ 1970 đến 1978: xuất ngũ và làm đủ mọi nghề để mưu sinh, làm hợp đồng cho nhà xuất bản Giải phóng, chấm công trong một đội cầu đường, vẽ pa-nô, áp-phích,…

    Từ 1978 đến 1988: Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác kịch nói với vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17 viết lại theo kịch bản của Vũ Duy Kỳ.

    Giữa lúc tài năng đang vào độ chín, Lưu Quang Vũ qua đời trong một tai nạn ô tô trên quốc lộ số 5 cùng với người bạn đời là nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ.
    Similar Threads
  • #16

    Mưa
    Mưa
    Lưu Quang Vũ


    Em đứng bên anh nồng nàn mùa hạ
    Chưa kịp lời tình tự
    Trời đã oà cơn mưa
    Vườn run lên trong nước mắt trẻ thơ

    Mắt em ướt nhoà sung sướng
    Nước rửa sạch bụi đường trên trán
    Tóc hoá thành dòng suối màu đen
    Những chậu thau đồng lanh canh dưới hiên

    Những mái tôn ào ào nước dội
    Trẻ hò reo xe bóp còi inh ỏi
    Đường thành sông nước xiết trôi băng
    Những cánh hoa kim phượng như những chiếc thuyền vàng

    Chở niềm vui đơn sơ kỳ lạ
    Mưa rộng dài xoá những nỗi lo riêng
    - Thôi anh đừng nói với em anh đừng nói với em
    Về hạnh phúc khó khăn về đường xa ngái

    Đừng dò hỏi tương lai đừng đắn đo e ngại
    Đừng thổ lộ yêu thương đừng nhắc chuyện xa xưa
    Anh hãy nghe tiếng mưa tiếng mưa tiếng mưa
    Trên những cánh đồng đất nâu tơi tả

    Ướt đẫm cả tiếng cười ướt đẫm cả lưỡi cày cả hạt ngô mầm mạ
    Các tường nhà trong một sắc áo chung
    Chùm vải sẽ sai quả mận sẽ hồng
    Cửa kính ướt sẽ thành gương trong trẻo

    Tất cả sẽ giản đơn chân thành dễ hiểu
    Trên đất đai từng đau khổ của ta
    Em đưa tay hứng những hàng mưa
    Bàn tay như đài hoa như búp lá

    - Thôi anh đừng nhìn em đừng nhìn em nữa
    Em hiểu điều gì đã gắn bó đôi ta
    Em hiểu điều gì… ôi tiếng mưa tiếng mưa

    Sống trên đời

    Comment

    • #17

      Anh đã mất chi anh đã được gì
      Anh đã mất chi anh đã được gì
      Lưu Quang Vũ


      Phải chăng anh đã mất giấc mơ
      Mất tiếng ve và những mùa dưa chín
      Anh đã mất cả mây qua lòng giếng
      Cả tiếng gà hẻm núi cả cơn mưa

      Mất những tiếng rung mơ hồ mà biết gọi người đi
      Mất niềm tin vào chiếc thuyền buồm trắng
      Mất đom đóm đầm sâu mất nụ cười phố vắng
      Mất bài thơ trao tay nhỏ em cầm

      Giờ lạnh tanh anh không còn xao động nữa
      Không nỗi buồn không cay đắng không niềm vui
      Khổ đau hôm nay không như khổ cũ
      Nỗi lo âu cũng khác hẳn xưa rồi

      Anh đã cho nhiều anh đã phải lãng quên
      Người ta chê anh nhiều lưu luyến quá
      Anh gắng gượng nghe theo anh vứt bỏ
      Bao diệu kì chân thực thuộc về anh

      Mất hạnh phúc rồi ư nhưng anh cần chi hạnh phúc
      Hai tiếng xa vời hiểu rõ nghĩa từ lâu
      Ừ thì ngẩn ngơ anh đành nhận thế
      Giọt lệ trong không tủi hổ gì đâu

      Anh chẳng mang cho đời những tiệc vui ảo ảnh
      Nỗi buồn chân thành đời chẳng nhận hay sao
      Cái bay thợ nề sinh ra để dựng xây
      Anh sinh giữa ngày lo âu bề bộn

      Bàn tay phải trồng đôi vai phải gánh
      Anh có ngại chi anh đã hiểu rồi
      Anh vẫn còn nguyên cái tính chất của đời
      Anh đã được vầng trán cao được cái nhìn trí tuệ

      Được rèn đi như luống đất được cày
      Anh đã khổ đau khổ đau dài hơn số tuổi
      Vẫn trong lành khi em đến cầm tay
      Dẫu chẳng lấy về tất cả cho anh

      Em vẫn như sông rộng tốt lành
      Em mà ngọn gió chiều nức nở
      Em mà ngày xưa run rẩy cả lòng anh
      Em đã tới giữa mưa dầm nắng lửa

      Dẫu anh mất nhà ga êm đẹp đó
      Vẫn còn con tàu chuyển bánh đi xa
      Anh đã mất ngôi sao trên mái nhà
      Anh vẫn còn ngôi sao ngoài cửa sổ

      Và nếu mất em rồi anh vẫn còn đôi mắt của em

      Sống trên đời

      Comment

      • #18

        Vườn trong phố
        Vườn trong phố
        Lưu Quang Vũ


        Trong thành phố có một vườn cây mát
        Trong triệu người có em của ta
        Buổi trưa nắng bầy ong đi kiếm mật
        Vào vườn rồi ong chẳng nhớ lối ra

        Vườn em là nơi đọng gió trời xa
        Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng
        Con nhện đi về giăng tơ trắng
        Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi

        Nơi ban mai cỏ ướt sương rơi
        Một hạt nhỏ mơ hồ trên má
        Hơi lạnh nào ngón tay cầm se giá
        Suốt cuộc đời cũng chẳng hiểu vì sao

        Nơi đêm khuya vọng lại tiếng còi tàu
        Bỗng nhớ xa xôi những miền đất nước
        Nơi bài hát lên đường ta hẹn ước
        Nơi góc vườn ta để quên chùm hoa

        Nơi vòm lá rì rào xao động cơn mưa
        Quả ngọt chín khi mùa ve lại đến
        Những chân trời màu hồng những chân trời màu tím
        Những ngôi sao bàng bạc cả hoàng hôn

        Nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm
        Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc
        Se sẽ chứ không cánh buồm bay mất
        Qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi

        Dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài
        Em cũng mát lành như trái cây mùa hạ
        Nước da nâu và nụ cười bỡ ngỡ
        Em như cầu vồng bảy sắc hiện sau mưa

        Đến bây giờ đánh giặc anh đi xa
        Nhìn lại mảnh vườn xưa thấy hẹp
        Biết bao điều anh còn chưa nói được
        Rối rít trong lòng một nỗi em em

        Rừng rậm đèo cao anh đã vượt lên
        Theo tiếng gọi con tàu ngày bé dại
        Vườn không níu được bước chân trở lại
        Nhưng lá còn che mát suốt đường anh

        Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh
        Nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật
        Nơi ta hái những chùm thơ thứ nhất
        Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về.

        1967

        Sống trên đời

        Comment

        • #19

          Đất nước đàn bầu
          Đất nước đàn bầu
          Lưu Quang Vũ


          Đi dọc một triền sông
          Những chiếc trống đồng vùi trong cát
          Những mảnh bình vỡ nát
          Những mũi tên lăn lóc
          Khắp đồi núi hoang vu
          Những rìu đá cổ sơ những hang động khổng lồ
          Những đống lửa còn tro tàn sót lại.

          Đi tìm lại thời gian đã mất
          Thuở biển cả điên cuồng gầm thét
          Những con chim lạc mỏ dài
          Bay qua vầng trăng lớn
          Cánh sừng sững tắm hoàng hôn đỏ rực
          Cất tiếng kêu hoang dại dưới đêm nồng.

          Đi tìm lại những bông hoa xanh biếc
          Những rễ cây quằn quại
          Những ngà voi nhọn hoắt
          Những tiếng hú dài ào ạt mưa rơi
          Tôi đi tìm dòng máu của tôi
          Hơi thở đầu sôi sục của tôi
          Trong cuồn cuộn những ngực trần đen bóng

          Những bộ lạc mình vẽ đầy rồng rắn
          Quần hôn trên bờ bãi sông Hồng
          Những mái tóc dài bay gió biển Đông
          Những mái lá có bùi nhùi giữ lửa
          Những người đàn bà tết cỏ cây che vú
          Đã ngọt ngào dòng sữa
          Điệu ru con đầu tiên
          Bức tranh đầu tiên khắc mặt người lên đá
          Điệu múa đầu tiên theo nhịp thuyền.

          Buổi sáng tôi ra vườn
          Hoa móng rồng thơm ngát
          Lá xương xông mọc quanh vại nước
          Dây trầu không quấn quít hàng cau
          Đất rụng vàng hoa ngâu
          Nước mưa rơi tí tách
          Tôi lắng nghe như chú dế mèn con

          Đi ra đồng cỏ ban đêm
          Quạ đen đậu ngôi mộ cổ
          Những con bướm đêm đập cánh thầm thì
          Tôi trở về ngồi trong lòng bà
          Bà kể chuyện thời con gái
          Trốn nhà theo anh trai phường vải
          Gánh hát chèo tỉnh Đông
          Điệu hát con gà rừng
          Cô Xuý Vân giả dại
          Cô Xuý Vân không chịu sống yên

          Điệu hát chập chờn
          Con gà rừng mê sảng
          Cô Xuý Vân nổi loạn
          Đốt cháy tâm hồn tôi.

          Anh con trai phường vải không về
          Sông Cầu xa thăm thẳm
          Vạt áo tứ thân lau nước mắt
          Bà hát tôi nghe những điệu buồn
          Đưa tôi về làng quan họ
          Nhịp cầu ván ghép rung rình
          Chẻ tre đan nón ba tầm
          Đội lên quán dốc
          Ngồi gốc cây đa
          Thấy cô bán rượu
          Ống quần cỏ may
          Đồng đất thì dài
          Đêm hội làng ngắn quá

          Từ giã bạn ra về
          Mưa bay mù mịt cả
          Lòng nửa thương bên nọ
          Nửa sầu bên kia
          Nỗi cay cực ngàn xưa
          Tôi mang suốt đời không nguôi được
          Dân tộc tôi bốn ngàn năm áo rách
          Những người chết đặc trong lòng đất
          Những mặt vàng sốt rét
          Những bộ xương đói khát vật vờ đi
          Vó ngựa lao dồn dập

          Giặc phương Bắc kéo về
          Vung gươm dài đẫm máu
          Bao đền đài bị đốt thành than
          Bao cuốn sách bị quăng vào lửa
          Bao đầu người bêu trên cọc gỗ
          Con trai chinh chiến liên miên
          Con gái mong chồng, hoá đá
          Mỵ Châu chết không sao hiểu được
          Vì đâu Trọng Thuỷ hoá quân thù ?

          Gió mùa thu
          Tiếng đàn bầu nức nở
          Chiều chiều ra ngõ
          Sông dài cá lội biệt tăm
          Thương cha nhớ mẹ
          Mênh mông chớp bể mưa nguồn
          Cái nỗi buồn dân tộc
          Cái nỗi buồn bị đoạ đày lăng nhục
          Của người quét đường, xẩm chợ, đò ngang
          Của mom sông đánh dặm, đỉnh rừng đốt than
          Đập đá sườn non, đi phu đi ở
          Mà mỗi tháng giêng, hoa gạo nở
          Vẫn sênh tiền gõ nhịp
          Giải yếm sau lưng cũng tím hoa cà
          Cháu lên Kẻ Chợ cùng bà
          Nón quai thao, áo màu bay rực rỡ
          Những lò rèn phập phù bễ lửa
          Phường chạm bạc, phường đúc đồng
          Phố hàng Hài thêu những chiếc hài cong.
          Những cô gái dệt the và phất quạt
          Những hàng Điếu hàng Buồm hàng Bát
          Rùa trao gươm, chim lạ đến Tây Hồ
          Lụa làng Trúc, rượu Kẻ Mơ
          Phố Tràng Thi ngựa hí
          Phố Tràng Thi những thầy khóa trẻ
          Giấy hồng điều phấp phới bút hoa
          Bao gương mặt ngày xưa
          Bây giờ ai nhớ nữa?
          Trên tranh khắc trên ngàn pho tượng cổ
          Còn nóng rực tay người trong gỗ đá
          Lung linh chim múa hoa cười.

          Vọng quanh thành tiếng trống thúc xa xôi
          Muôn cờ xí trập trùng đuốc lửa
          Những đề đốc, những tướng quân áo đỏ
          Những Đông bộ đầu, Chương Dương độ, Hàm tử quan
          Thanh gươm cũ với câu thơ giữ nước
          “Ngựa đá bao phen phải lấm bùn”
          Cháu đi ra cửa bể Vân Đồn

          Mùa thu biển lạnh
          Những chú lính thú đời Trần đã chết
          Bãi lầy sú vẹt mênh mông
          Đảo chênh vênh dưới mù mịt mưa phùn
          Hang đá ào ào gió hú
          Cửa Vạn Tài, đảo Tràn Bàn sóng dữ
          Thương nỗi mình lận đận vợ chồng sam.

          Đêm bão gầm cồn cát chạy lang thang
          Bà kể chuyện những bờ biển lạ
          Cửa Thuận, cửa Hàn, những tháp Chàm sụp đổ
          Những đoàn người xoã tóc hú tìm nhau.

          Phương Nam xa mây trắng xoá một màu
          Xác khiên mộc của bao đời chiến trận
          Những người đi mở nước
          Lưỡi cuốc mòn cha gửi lại cho con
          Bốn bể Cà Mâu, mũi đất Hà Tiên
          Với Kinh Bắc, Tràng An chung ruột thịt
          Tiếng đàn bầu réo rắt
          Lý ngựa ô, Lý ngựa ô
          Như gió cuộn trên bình nguyên cháy khô
          Ngựa ô chạy ướt đầm thân mảnh dẻ
          Thương con ngựa ô xa mẹ
          Bây giờ ăn cỏ nơi đâu ?

          Màu áo đen của đêm, màu của đất áo nâu
          Luôn đánh vật với tai ương nước mắt
          Đất chỉ sinh những bàn tay làm lụng
          Không có những nhà ảo mộng đăm chiêu
          Đất tả tơi trong định mệnh đói nghèo
          Trong độc ác dối lừa, trong sỉ nhục
          Người nô lệ da vàng bất khuất
          Vươn giữa trời thơm ngát tấm lòng son
          Tóc phơ phơ bạc trắng sợi đau buồn
          Sao bà hát những lời da diết
          Cháu nghe mãi vẫn lạ lùng tiếng Việt
          Chữ “thương” liền với chữ “yêu”
          Chữ “thương” đi cùng chữ “nhớ”
          Dân tộc trải xót xa nhiều nỗi khổ
          Phải thương nhau mới sống được trên đời

          Những hoàng hôn chạng vạng cánh dơi
          Tôi ra sông nằm xoài trong bãi sú
          Phù sa ướt lấm lem gò má
          Tôi về ngồi dưới lá úa cành xoan
          Tuổi thơ buồn như một mảnh vườn hoang
          Nơi ấp ủ con dế mèn cô độc
          Trái sung non thì chát
          Quả dọc già thì chua

          Em đến cùng tôi như chùm vải đầu mùa
          Tóc hoang dại loà xoà trên ngực nắng
          Ngực em sáng như mặt trời sắp lặn
          Tôi đầm đìa sương lạnh của bờ đê

          Tôi thấm đầy nước mắt của trời khuya
          Trăng đã hiện, đêm ca dao vằng vặc
          Những cô Tấm thử hài trong tiếng nhạc
          Những nàng Kiều hồi hộp bấm dây tơ

          Đêm sử thi náo động tiếng quân hò
          Sôi trong máu những bầy voi nguyên thuỷ
          Sáng trong mắt những rừng gươm chớp loé
          Những nỗi buồn tê dại ngón tay rung
          Chim Lạc bay, cánh rợp cả sườn non
          Rùa đẻ trứng nồng nàn trên cát bể
          Rừng gầm thét, thác nguồn sao trắng thế
          Đất mênh mông tràn ngập ánh mặt trời
          Gió thổi lồng những đốm lửa không nguôi

          Tôi nhận hết, tôi là người tiếp nối
          Là dĩ vãng nhưng chẳng là bóng tối
          Nước mắt tôi ướt đẫm những dây đàn
          Quả bầu khô là tâm sự của vườn
          Mặt đàn gỗ là của rừng xanh thẳm
          Điệu bát ngát là của đồng của đất
          Lời vụng về là tha thiết lòng tôi.

          Đêm hội vui, tiếng trống giục liên hồi
          Bà sống dậy, bà đừng buồn nữa nhé
          Bà lại trẻ như ngày xưa hát ví
          Người náu mình trong quả thị bước ra
          Người hứng dừa từ giấy điệp bước ra
          Người đã khuất cũng về đông đủ cả
          Những tượng đá bỗng chập chờn nhẩy múa
          Những cụ già say rượu hát nghêu ngao
          Ngực em tròn anh chẳng dám nhìn lâu
          Lời em nói có măng rừng muối bể
          Hồn dân tộc dậy ta làm thi sĩ
          Quá khứ nhiều mà ta chẳng già nua

          Mọi tai ương khủng khiếp đã qua
          Gà đã gáy xôn xao chào buổi sớm
          Mai gắn lại những vết thương xé thịt
          Dân tộc mình mở tới một trang vui
          Hoa gạo hồng lại nở, bà ơi
          Cháu đã đi từ lòng bà ấm áp
          Để sống hết những vui buồn dân tộc
          Những hoa bìm hoa súng nở trên ao
          Những ban mai xanh biếc tiếng đàn bầu
          Bà hiền hậu têm trầu bên chõng nước
          Em đi gặt trên cánh đồng cổ tích
          Lúa bàng hoàng chín rực những triền sông…

          Trắng mây bay, ngợp gió những khu rừng
          Cháu đã đi những tháng năm lửa cháy
          Với trùng điệp bạn bè cùng tuổi
          Áo quân trang xanh cây lá vườn bà
          Đất chiến hào vẫn đồng đất quê ta
          Máu đồng đội đã thấm vào đất ấy
          Những đêm thức nghẹn ngào nghe đất gọi
          Vây quanh mình bao gương mặt thân quen
          Mặt người xưa hoà lẫn mặt anh em
          Câu hát cũ lẫn vào câu hát mới
          Dòng sông hét, biển gầm lên dữ dội
          Những chân trời vụt mở bao la
          Những chân trời chưa hề biết hôm qua
          Tiếng đàn bầu, tiếng đàn bầu mong nhớ
          Trong gió lộng, dưới mặt trời xứ sở
          Vẫn cồn cào những cơn khát khôn nguôi

          Đất phù sa vô tận dấu chân người
          Những đoàn quân lại ra đi từ đất
          Bà đứng đó miệng trầu cay thơm ngát
          Vầng yêu thương soi sáng suốt cuộc đời
          Khắp triền sông vang tiếng trẻ con cười
          Đất nước đàn bầu
          Đất nước ban mai…

          (1972-1983)

          Sống trên đời

          Comment

          • #20

            (Nhắc đến Lưu Quang Vũ , không thể nào không nhắc đến Tố Uyên - người phụ nữ đầu tiên.... và hơn thế nữa... )


            Nghệ sĩ Tố Uyên: Nối dài niềm yêu thương còn dang dở

            Nói đến phim ảnh, Tố Uyên trở nên hào hứng và sôi nổi. Cô bé Nga trong "Con chim vành khuyên" ngày nào giờ hai khoé mắt đã hằn sâu. Dấu vết của nước mắt, cho số phận đa đoan, hay cho một điều gì đó đã từng sụp đổ trong bà? Có phải đó là niềm tin?

            Tố Uyên và Lưu Quang Vũ
            Chàng thi sĩ Lưu Quang Vũ và nữ minh tinh màn bạc Tố Uyên đã là câu chuyện tình lãng mạn của một thời. Nó tốn không ít giấy mực của báo giới và của chính những người trong cuộc về những sắc thái, cung bậc của tình yêu.
            Chàng và nàng biết nhau từ thuở lên 10, cùng nhau lồng tiếng trong những vở kịch trên đài phát thanh và phim hoạt hoạ. Bộ phim hoạt hoạ đầu tiên của Việt Nam – Ngô, khoai, sắn Tố Uyên đã lồng tiếng vai Lúa, còn Quang Vũ vai Khoai. Tình cảm trẻ thơ dần nhen nhóm.
            Lưu Quang Vũ có một chiếc mũ cát két, Uyên có chiếc mũ nồi, cậu bé Vũ hay chạy từ phố Huế sang Bùi Thị Xuân để đổi mũ cho Uyên. Mỗi đứa đội mũ này 10 ngày, rồi lại đổi sang mũ kia.
            Rồi tình yêu của họ lớn dần theo năm tháng, từ lòng cảm mến trẻ thơ chuyển sang ngưỡng mộ nhau về chí hướng.



            Tố Uyên, Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Minh Vũ.


            Tố Uyên thương!
            Hôm nay nhận được thư em viết ngày 2/7 anh mừng biết mấy. Ước gì anh đổi tất cả của cải và niềm vui ở trên đời để có em bên anh một lát lúc này… Anh vẫn luôn khuyên mình phải biết tin mọi người và anh vẫn nhìn thấy những điều tốt đẹp ở mọi người. Còn có bao người tốt, cuộc đời vẫn đáng cho mình sống và làm việc.
            Goorki nói: "Người nghệ sĩ là tai, là mắt, là tim của đất nước mình, là tiếng nói của thời đại mình, là con mắt vạn năng có thể nhìn tới tận những chỗ sâu xa thầm kín nhất trong tinh thần con người… Uyên của anh, bé Nga của anh! Anh yên tâm vì tình cảm và tâm hồn tốt đẹp của em. …Dù là một diễn viên hay một người sáng tác, người ta đều phải có một tấm lòng rộng lớn và vốn hiểu biết sâu sắc, về cuộc đời. ... Thế là từ đầu thư tới giờ anh toàn nói chuyện "công việc", em nghe có chán tai không? Nói chuyện khác nhé! Chuyện của chúng mình. … Tuỳ ở em đấy thôi, còn anh thì nhất định giống như anh con giai trong chuyện thơ "Sóng chụ xôn xao"

            Không lấy được nàng ta làm loạn giữa phủ
            Không lấy được nàng ta làm loạn giữa mường
            Vung lưỡi kiếm chém ông trời rửa hận
            Chết ban ngày ta coi như nằm sưởi nắng
            Chết ban đêm coi như nằm đếm sao …
            Anh Vũ cũng thế đấy ….
            (17/12/68 – Lưu Quang Vũ)

            Tố Uyên và con trai - Lưu Minh Vũ
            Cuộc hôn nhân đổ vỡ khi Tố Uyên chưa đầy ba mươi tuổi. Cuộc sống của đất nước lại đang trong thời kỳ khó khăn. Minh Vũ là niềm hạnh phúc và hy vọng, là tất cả những gì Tố Uyên gửi gắm cho cuộc đời. Những gì người mẹ trẻ một mình nuôi con đã trải qua thật khó khăn. Nhiều lúc nghĩ lại Tố Uyên cũng không hiểu nổi tại sao mình đã vượt qua được.
            Lưu Quang Vũ và Tố Uyên đặt tên con là Minh Vũ, mong con sẽ là ánh sáng của buổi bình minh. Bé hiền, dễ nuôi và bụ bẫm đến mức ông nội phải lo lắng, mới mười mấy tháng tuổi mà nặng hơn hai chục ký. Thời buổi thiếu thốn nhưng dòng sữa căng tràn sức sống của mẹ khiến bé không bao giờ bị đói.
            Sáu tháng tuổi, bé đã theo mẹ lên rừng xuống biển trên chiếc xe tải hai tầng, trên để đồ, dưới thì người ngồi. Đi Phú Thọ, Móng Cái cùng mẹ làm các phim Ngày lễ thánh, Hai bà mẹ, Vợ chồng anh Lực…. Kỷ niệm của những ngày đó là những vần thơ ngây ngô của Minh Vũ:



            Tố Uyên và con trai Lưu Minh Vũ.


            Đến tuổi đi học, Minh Vũ ngày ngày được mẹ dắt tay đi học ở trường gần nhà. Đến khi đã quen đường, Minh Vũ muốn tự đi.
            Tố Uyên để con đi một mình nhưng lặng lẽ theo sau. Kèm con viết từng nét chữ đầu tiên, cũng may bé Vũ rất chăm học, và học khá, Tố Uyên đỡ lo lắng phần nào.
            Thấy mẹ vất vả, Minh Vũ từ bé biết thương mẹ nên từ sớm đã rất đảm đang. Những khi mẹ đi biểu diễn thường mang Vũ theo. Diễn đêm nên sáng còn mệt, để mẹ ngủ thêm, bé Vũ dậy sớm trước mẹ để đi lĩnh đồ ăn sáng của đoàn. Khi tỉnh dậy, Tố Uyên đã thấy dáng bé Vũ lũn cũn từ xa chạy về. Các cô trong đoàn thì tấm tắc: "Kìa, cái Uyên sáng mở mắt ra đã có con mang đồ ăn về cho rồi!". Lúc đó bé Vũ mới chừng lên 4.
            Đến năm 6, 7 tuổi Minh Vũ thường giúp mẹ xếp hàng mua lương thực hoặc xách gạo đi đổi bún ở chợ Hôm. Đến Tết thì lại đi mua hàng Tết, tất tưởi xách về cho mẹ. Căn nhà của hai mẹ con hồi đó là ngôi nhà cấp bốn trên phố Tô Hiến Thành, cũng gần với ngôi nhà của gia đình Lưu Quang Vũ ở phố Huế. Tố Uyên muốn để cho con có được không khí gia đình nên thường xuyên để con qua lại nhà bố. Những lúc mẹ chưa đi làm về, Minh Vũ vẫn chạy sang chơi với bố ở ngôi nhà cũ. Mỗi lần con đi, Tố Uyên chỉ dặn: "Sang bên ấy con phải ngoan nhé!".

            Cuộc chia tay của bố mẹ có nhiều điều đặc biệt, Tố Uyên không biết làm thế nào để giải thích với con. Lúc đó Minh Vũ ngây thơ vẫn thường nói với mẹ: "Mẹ phải sang ở với bố, mẹ không được ở bên này". Người mẹ trẻ chỉ biết nói vui với con: "Thôi con ạ, mẹ ở bên này rồi, sang bên đó mẹ ở chỗ nào". Không bao giờ nói gì làm ảnh hưởng đến hình ảnh của bố trước con trai, Tố Uyên cũng rất thông cảm với Xuân Quỳnh.
            Minh Vũ cũng có máu văn nghệ như cha mẹ. Những lúc chơi đùa ở nhà, hai mẹ con vẫn cùng nhau đóng kịch câm, Tố Uyên dạy con múa hát, đóng ông giám đốc, người bơm xe, cảnh đi học muộn, … bé Vũ thích chí làm theo mẹ, rồi cả hai mẹ con cười vang xua đi những khó nhọc của cuộc đời thường nhật. Vũ cũng đi sinh hoạt trong câu lạc bộ kịch, và lúc nhỏ đã từng đi biểu diễn ở Sài Gòn.
            Khi Minh Vũ lên cấp III, Tố Uyên cho con sang ở với bố, cho gần gũi bên nhà nội và cũng tốt hơn cho việc học hành của con. Minh Vũ thi vào chuyên văn trường Hà Nội Amsterdam, rồi thi vào trường điện ảnh học quay phim theo tâm nguyện của bố. Đang học năm thứ 2 đại học thì Minh Vũ được cử đi học ở Đức.
            Năm 1991, đúng lúc con đi học xa thì Tố Uyên lại xây nhà. Ngôi nhà 3 tầng một mình bà xin giấy tờ, thuê thợ, đẩy từng xe cát sỏi. Vũ thương mẹ một mình vất vả, muốn bỏ học để về, nhưng Tố Uyên khuyên con ở lại học cho xong, rồi trở về làm việc lại quê hương. Thời đó, muốn con sung sướng, cũng có cách để Minh Vũ được ở lại Đức, nhưng Tố Uyên muốn con về nhà, đất nước khó khăn gì thì mẹ con vẫn được bên nhau.
            Tố Uyên luôn dạy con: hạnh phúc là ở tự mỗi cá nhân, con người phải vượt qua được sự ích kỷ để cuộc đời bớt đau khổ. Tố Uyên mất mẹ từ năm lên 9, thiếu thốn tình cảm nên luôn đề cao lòng nhân hậu và tình người khi giáo dục con. Cuộc sống dù có đạt đến mọi đỉnh cao, có nhiều tiền bạc rồi cũng có thể mất hết, chỉ có tình người là còn lại mãi mãi. Minh Vũ vì thế sống rất tình cảm và nhường nhịn. Anh luôn muốn mẹ sống vui vẻ, và ủng hộ mẹ có gia đình mới. Nhưng người đàn bà đẹp vẫn không tìm được người đàn ông để cùng tham dự số phận với mình.

            Nuôi con một mình. Những tháng ngày vất vả đó không bao giờ Tố Uyên có thể quên. Một mình đèo hàng trăm cuốn băng phim để đi giao cho ba mươi cửa hàng, mỗi cuốn thù lao một ngàn đồng. Rồi những ngày bom đạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, phải xa con ở nơi sơ tán, Tố Uyên đi nhặt xác người ở Khâm Thiên cùng với đoàn phim tài liệu.
            Hình ảnh một người mẹ chết đứng, tay vẫn ôm chặt đứa con vẫn khắc sâu trong lòng bà. Người mẹ đó hiện nay đã được dựng thành tượng đặt tại Khâm Thiên. Tất cả giờ đã lùi vào dĩ vãng, Minh Vũ đã trưởng thành, Tố Uyên không còn phải bươn bả kiếm tiền. Ngày cưới đứa con trai bé bỏng, tấm lòng người mẹ ngập tràn hạnh phúc.

            Hai con
            Ngày cưới đẹp quá
            Các con nên vợ nên chồng
            Các con như tia nắng nhỏ
            Góp một chút mật cho đời …
            (Thơ Tố Uyên - Góp một chút mật cho đời)

            Giờ đây, Tố Uyên đã lên chức bà nội. Bận bịu công việc tại Trung tâm phát triển hướng nghiệp cộng đồng – Hội khuyến học Việt Nam, rảnh lúc nào là bà rẽ qua thăm hai đứa cháu trai kháu khỉnh. Cuối tuần mẹ con bà cháu lại tụ tập lại nấu nướng, ăn uống. Hai đứa cháu giờ là niềm hạnh phúc lớn nhất của bà, Anh Vũ và Khánh Vũ. Cả hai cùng tên Vũ, để nối dài niềm yêu thương còn dang dở.

            Theo Thúy Phương
            Thế Giới Điện Ảnh
            Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 25-02-2010, 05:47 AM.
            ----------------------------

            Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

            Comment

            • #21

              Tố Uyên - người phụ nữ đầu tiên của Lưu Quang Vũ tâm sự

              Khi sắc đẹp, tình yêu, tiền bạc và sự nổi tiếng lần lượt ra đi, nghệ sĩ Tố Uyên nhận ra bà chỉ còn một gia tài duy nhất, đó là sự cô đơn. Thế nhưng, bà đã quen với nó mấy chục năm rồi. Dưới đây là tâm sự của người phụ nữ đầu tiên của Lưu Quang Vũ.






              Nghệ sĩ Tố Uyên thời trẻ.



              Nhà tôi ở phố Bùi Thị Xuân. 9 tuổi, tôi bắt đầu biết đến sự nổi tiếng khi vào đội ca múa Cung thiếu nhi Hà Nội, được dẫn các chương trình thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam, lồng tiếng cho phim.
              13 tuổi, tôi được chọn đóng vai bé Nga trong Con chim vành khuyên sau khi vượt qua nhiều vòng tuyển chọn, hết thử vai ở trụ sở hãng phim rồi ra bãi sông Hồng diễn thử cảnh nhảy dây. Suốt 6 tháng đóng phim ở Thọ Xuân (Thanh Hóa), tôi được sống trong khung cảnh đầm ấm nên thơ, với bãi dâu xanh mướt, con sông êm đềm.
              Ngoài giờ đóng phim, tôi tha thẩn chơi trò bắt chuồn chuồn cắn rốn. Tôi còn được học chèo đò, học bơi... Không khí làng quê và tình cảm yêu thương của các cô bác trong đoàn làm phim lúc đó tạo nên cảm xúc trữ tình, trong sáng để tôi sống với bé Nga.
              Không quen đồng ruộng, sông nước, tôi đến với vai Nga bằng nhịp cầu của những rung động trẻ thơ hồn nhiên và trong sáng nhất. Nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy đã rơi nước mắt khi quay cảnh tôi nhảy dây. Vai diễn khó cả về động tác và tâm lý. Trong cảnh này, tôi phải diễn tả nhiều trạng thái tâm lý nên chân nhảy mà vẫn phải tập trung phần diễn ở mắt....


              Mỗi lần quay phim xong, người lấm lem, mồ hôi bết tóc nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc lâng lâng không gì diễn tả nổi. Đêm tôi cũng mơ đang đóng phim, miệng hét to: "Có giặc, có giặc", rồi thấy mình là con chim vành khuyên bay vút vào trời xanh. Suốt thời gian quay phim, tâm trạng tôi cuốn theo số phận của bé Nga.
              Con chim vành khuyên đoạt giải thưởng tại LHP Tiệp Khắc và có mặt tại nhiều LHP quốc tế, khán giả biết đến cái tên Tố Uyên cũng từ đó. Đi đâu tôi cũng được nhắc đến tên, được ngưỡng mộ như chim vành khuyên trong phim. Tôi có dịp gặp gỡ các nhà làm phim tên tuổi của thế giới mỗi lần họ sang VN.

              Tôi và Lưu Quang Vũ quen nhau từ thuở nhỏ, khi cùng sinh hoạt trong đội ca múa Cung Thiếu nhi Hà Nội. Lần đầu tiên tôi gặp anh khi xem một chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Nhân dân (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị). Tôi ngồi khá xa sân khấu khi cố rướn người thì ai đó dúi vào tay tôi chiếc ống nhòm. Tôi quay lại, chưa kịp cảm ơn thì đã thấy một bạn trai cười rất tươi và nhanh nhảu nói: "Đằng ấy cứ dùng đi".
              Sau lần ấy, Vũ thường từ Phố Huế băng qua Bùi Thị Xuân đi chơi với chúng tôi. Tôi có chiếc mũ nồi, Vũ có chiếc mũ lưỡi trai, cứ thay phiên nhau, mỗi đứa đội 10 ngày...

              Chúng tôi gặp nhau luôn nhưng vẫn viết thư cho nhau. Lá thư đầu tiên Vũ viết cho tôi, đến nay vẫn còn nguyên. Năm đó, chúng tôi mới 11 tuổi. Có lần Vũ còn gửi cho tôi một bưu ảnh bông hồng đỏ thắm. Tên tôi được viết nắn nót rất đẹp ngay giữa nhụy hoa. Rất tình cờ, chúng tôi thường được chọn lồng tiếng trong khá nhiều phim của Xưởng phim hoạt hình. Sau mỗi buổi lồng tiếng, Vũ đùa bảo tôi được đóng vai người giàu, chắc lớn lên sẽ sung sướng...
              Bẵng đi một thời gian, vào một ngày mùa thu, gặp Vũ ở phố Huế một năm sau khi Vũ nhập ngũ, tôi đã vào trường múa VN. 16 tuổi rực rỡ như một đóa hoa nhưng tôi vẫn được nhiều người nhận ra và gọi là bé Nga.
              Sau buổi chiều gặp gỡ đó, tối hôm ấy, Vũ vào trường nội trú thăm tôi, rồi sau đó chúng tôi thư đi tin lại. Vũ ngỏ lời yêu tôi trong một lần về phép. Tha thiết và nồng nàn. Vũ nói với tôi trong hơi thở gấp gáp: "Em như một con chim, anh cứ sợ chim bay đi mất". Vở kịch Sống mãi tuổi 17 Vũ viết trong những ngày này.

              Tốt nghiệp trường Múa VN, tôi về công tác tại Xưởng phim truyện VN và được mời đóng phim Nổi gió, rồi Biển gọi. Sau đó, Nhà hát Nhạc Vũ kịch VN thiếu diễn viên, tôi chuyển về đây và thành solite của Nhà hát. Hai lần tôi theo chương trình đi diễn tại tuyến lửa trong năm Mậu Thân 1968, tôi đi nhiều khiến Vũ lo lắng, sợ không còn được gặp nhau nữa.
              Trong những lá thư gửi cho tôi, ngoài tình cảm tha thiết, Vũ thường bày tỏ sự trăn trở về cuộc sống, về tương lai của hai đứa.
              Ngày 12/7/1968, Vũ viết: ... Uyên của anh, bé Nga của anh! Anh yên tâm chính vì tình cảm và tâm hồn tốt đẹp của em. Vì anh đã tìm thấy anh ở em, em là tấm gương anh soi vào và thấy biết ơn em vì điều dó. Anh biết ơn và anh sẽ trả cái ơn đó bằng tất cả cuộc đời anh. Anh không muốn em chỉ là một người làm văn nghệ như một diễn viên kha khá, anh muốn em (và tin rằng em đã có) điều mà người ta gọi là tài năng của một nghệ sĩ chân chính...

              Cuối năm 1969, chúng tôi tổ chức lễ cưới ở số 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Hình như chú rể mặc complete của bố, đèo cô dâu bằng xe đạp không có nhẫn cưới và son phấn màu mè, nhưng chúng tôi ngây ngất trong hạnh phúc.
              Tôi sinh con trai đầu lòng không lâu sau đó. Anh Vũ đạt tên con là Lưu Minh Vũ , ở nhà vẫn thường gọi là Kít. Kít bụ bẫm và lớn rất nhanh, đến nỗi ông nội lo lắng, đòi mang đi khám. Có lần tôi và Vũ đi sơ tán, mang cả Kít đi cùng. Chiều chiều, cả nhà cùng dạo quanh ao bèo tím, Vũ cầm tay tôi rồi nghiêng người hái hoa tặng vợ. Tôi sợ, dặn anh cẩn thận kẻo sụt chân vào đám sình. Anh bảo, hai đứa phải nắm chặt tay kẻo trượt chân.
              Sau này, Vũ viết kịch bản Hoa cúc xanh trên đầm lầy, có lẽ liên tưởng tới hình ảnh hoa bèo lấp lánh dưới ánh mặt trời hôm ấy. Vai diễn đầu tiên của tôi sau ngày cưới là cô giáo Tày trong phim Cô gái vùng cao. Sau đó là các vai trong Chuyện vợ chồng anh Lực, Những ngôi sao biển, Dòng sông âm vang, Ngày lễ Thánh...

              Nghề nghiệp thăng tiến, nhưng tôi không giữ được hạnh phúc vì có người thứ ba. Chúng tôi chia tay nhau khi Kít 3 tuổi, Vũ mặc cảm, không muốn là gánh nặng của vợ. Anh muốn tôi đỡ khổ và có điều kiện để phấn đấu sự nghiệp.
              Anh vẫn thương vợ, nhớ con nhưng cuộc sống gặp không ít khó khăn và ai cũng có những phút giây bất lực trước những thử thách và cám dỗ. Không hiểu sao, tôi vẫn luôn nghĩ có ngày anh sẽ trở về với tôi và Kít.

              Lúc nghe tin Vũ mất, tôi lặng đi, không tin đó là sự thật. Bao nhiêu năm trôi qua, mỗi lần nhắc đến phút giây hãi hùng ấy, tôi vẫn khóc. Tôi viết tặng anh những câu thơ trong nước mắt:
              Bao điều ước mơ không là ảo ảnh
              Hãy nói lên những điệp khúc của con người
              Để chiều nay bản nhạc không tắt
              Để em còn mãi mãi có anh.

              Tôi nổi tiếng và được chế độ lương cao, tránh sao được thói ghen ăn ghét ở. Giữa lúc đang sung sức với nghề, tôi bị điều sang Fafilm VN. Chăm chỉ với công việc thuyết minh phim, đọc lời bình... tôi lại tìm thấy niềm vui trong công việc mới. Cuộc đời nhiều vinh quang nhưng sự ganh ghét, đố kỵ luôn rình rập và đánh gục tôi. Tôi không tự bảo vệ được mình, đành gửi lòng vào những vần thơ.
              Tôi viết về thế hệ của mình, những con người vất vả gian nan tủi nhọc và vươn tới vinh quang từ trong cay đắng. Tôi viết về tôi, người đàn bà hồng nhan bạc phận, hạnh phúc như một ngôi sao mai, đến sớm rồi vụt tắt. Tôi viết về anh và những lời nhắn gửi cho con, cho cả thế hệ trẻ sau này.




              Nghệ sĩ Tố Uyên và con trai Lưu Minh Vũ.






              Bao tâm sự giằng xé, chất chứa, quặn thắt và cả ngọt bùi đều được hoá giải thành những vần thơ. Mỗi đêm, tôi ngồi trước trang giấy, đối diện với chính mình. Tôi viết cho anh khi đã nằm xuống:
              Mình đã hát tiếng hát những con tàu
              Để báo trước những điều chưa dự định
              Về một vầng trăng, về một áng mây
              Đành phải chịu sự nồng cay của gió
              Em nói mãi những hy vọng cùng thất vọng
              Sao nghe cồn cào xao động những ngày yêu.

              Khi một mình vác gạch, chở cát xây nhà, đôi vai tôi càng trĩu nặng. Bao nhiêu người nhà cao cửa rộng từng muốn đón mình về, giờ đây mình lại tự xây nhà. Đôi khi sự cô đơn thiêu đốt, khiến tôi cảm thấy dường như mình không thể chống chọi nổi. Tôi muốn chắt chiu từ những đau khổ và đổ vỡ của chính mình nhưng không thể. Tôi đã đặt niềm tin vào con người nhưng rồi tôi vẫn trở về với nỗi buồn lặng lẽ. Với con dao để trong cuốn vở, có lúc tôi đã nghĩ đến cái chết...
              Tôi nghiệm ra cuộc đời có thể trở thành bi kịch hay hài kịch chỉ trong khoảnh khắc. Tôi không muốn đổ lỗi cho số phận nhưng có lẽ số tôi không sung sướng như anh Vũ từng ước đoán.

              Bây giờ, tôi tham gia công tác tại Hội khuyến học Việt Nam. Thi thoảng tôi vẫn nhận được lời mời đóng phim nhưng cánh cửa điện ảnh đã khép lại từ lâu. Tôi từng có một thời "nổi gió" trên màn ảnh và tôi muốn giữ mãi hình ảnh đẹp ấy.
              Ban công nhà tôi có một mảnh vườn nhỏ. Tôi còn nhớ lời anh Vũ dặn: "Khi nào em buồn thì em cứ ra với thiên nhiên". Mỗi chiều hoàng hôn, một mình với mảnh sân nhỏ, những câu thơ anh viết tặng tôi vọng về:
              Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh
              Nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật
              Nơi ta hái những chùm thơ thứ nhất
              Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về.


              P.H - (Theo TTGĐ
              Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 25-02-2010, 05:56 AM.
              ----------------------------

              Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

              Comment

              • #22

                Người đàn bà sau những bài thơ buồn của Lưu Quang Vũ




                Những năm 1972, 1973, thơ Lưu Quang Vũ có vẻ yếu đuối, thiếu tự tin và luôn viết cho một người. Người ta không khỏi tò mò, rằng người phụ nữ ấy là ai?

                Sau 35 năm, những đau đớn của mối tình si ấy dường như vẫn vẹn nguyên trong chị, nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền (ảnh). Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền được coi là thần đồng hội họa trong thập niên 60. Chị biết vẽ từ rất sớm, lại sinh trưởng trong một gia đình truyền thống văn chương nghệ thuật, bố là nhà văn Kim Lân.
                35 năm trước có một cuộc tình không năm tháng mà họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đã gọi là "tình yêu của tôi, nỗi buồn của tôi". Khi đó họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đang làm thêm công việc vẽ minh họa cho sách và tạp chí Thanh Niên của Trung ương Đoàn. Nhân buổi họp mặt cộng tác viên cuối năm, Lưu Quang Vũ đã gặp Nguyễn Thị Hiền. Sau buổi đó, vừa về đến nhà, nhà văn Kim Lân đã nói: "Con ơi, Vũ vừa đến tìm con đấy". Đó là tiếng gõ đầu tiên đến trái tim người đàn bà này, có một chút ngạc nhiên, một chút lạ lẫm rằng có một người đàn ông đang kiếm tìm mình. Để rồi trong căn phòng tối, với bài thơ "Đất nước đàn bầu", Lưu Quang Vũ đọc cho Hiền nghe dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu, là cái cớ cho tình yêu khởi phát. Vũ đi theo Hiền về nhà - như sau bao lần đi theo khác, đứng khụy chân ở cửa.

                Ngày ấy, Lưu Quang Vũ làm những câu thơ:

                …Người con giai nói với em
                Hắn không phải tấm hình đẹp trong sách
                Hắn chỉ là dãy phố nghèo lấm đất
                Không giấu che sự thật của lòng mình
                Chỉ là bờ đê nhiều khói và than
                Là con thuyền Luôn luôn kiếm tìm,luôn luôn từ bỏ
                Với cuộc đời thường, em còn bao mối giây gắn bó
                Em đi được với hắn không?

                Cái dáng đứng khụy chân ấy ám ảnh mãi trong trí nhớ của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, về người đàn ông mà chị đã yêu bằng tất cả tuyệt vọng, đớn đau. Nỗi khổ cũng bắt nguồn từ đấy. Hai người không thể nào vượt qua những rào cản của ranh giới đạo đức thông thường... Trong suốt buổi trò chuyện, đôi mắt sau cặp kính tròn của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền lúc nào cũng long lanh nước. Chị liên tục đưa tay xoa ngực trái, bởi nỗi đau của một tình yêu, dù Vũ đã ra đi tròn 20 năm.
                Khoảng thời gian ấy, Lưu Quang Vũ vừa đi bộ đội về, có vợ con rồi, không có công ăn việc làm và mới bị kỷ luật. Tất nhiên, với vô số những khuyết điểm ấy, chỉ có thể làm mọi người xung quanh lo hộ nữ họa sĩ thần đồng Nguyễn Thị Hiền, tuyệt đối không phải tác nhân khiến chị mảy may băn khoăn, mảy may suy tính trước tình yêu của mình.

                -Những lời đồn về một Lưu Quang Vũ tài hoa có tác động gì với chị không?
                Phải có nguyên nhân nào trước khi "sét" ái tình giáng xuống chị chứ?
                - Tôi đã đến với Vũ bằng sự rung động qua những bài thơ. Còn Vũ, Vũ đến với tôi bởi tranh của tôi. Từ thơ và tranh, chúng tôi nhận ra nhau.

                Ngàn lời đồn thổi cũng không tác động. Khi đó đài BBC đưa tin: trong Nam có họa sĩ Bé Ký, ngoài Bắc có Nguyễn Thị Hiền. Nhà văn Nguyên Hồng muốn đưa tôi ra nước ngoài. Và đó là một trong những nguyên nhân người ta nhân danh để phản đối chuyện tình của chúng tôi.

                - Vì anh Vũ khi đó có vợ rồi hay vì điều gì khác nữa?
                - Tôi cũng không hiểu. Có thể bởi vì Vũ đã có vợ và mọi người lo cho tôi, lo cho sự nghiệp của tôi. Rồi cơ quan, đoàn thể, kiểm điểm lên xuống. Khi ấy còn quá trẻ, tôi suốt ngày đi học và đi vẽ. Nghỉ hè thì bố cho nghỉ ba ngày rồi sáng vẽ, chiều vẽ, tối vẽ, nếu không lại đọc sách. Không biết gì về chuyện đời, nên khi phải đối mặt, tôi không hiểu tại sao nó lại phũ phàng đến thế? Chúng tôi yêu nhau thế nào ư, chỉ toàn những cuộc hẹn trong sáng. Tôi mang màu và toan đến 28 Triệu Việt Vương, nhà bạn của chúng tôi là anh Lâm "râu" để vẽ, Vũ thì làm thơ. Có những câu tôi còn nhớ trong bài "Gửi Hiền":

                Đêm phòng không tiếng nổ vỡ khắp trời
                Nỗi cô đơn đen ngòm như miệng vực
                Tôi muốn đi tới đích cùng em
                tôi như buổi sớm vẫn nguyên lành
                Em nhận lấy, em đừng e ngại mãi
                Tôi tan nát, tôi kinh hoàng sợ hãi
                Em cô đơn rồ dại của tôi ơi!

                - Những kỷ niệm cay đắng nào khác bên cạnh quãng thời gian như mơ ấy?
                - Đầy cay đắng. Tôi cảm tưởng lúc đó mọi người rủ nhau quyết tâm phá cho bằng được. Tôi và Vũ buồn lắm, cứ đi lang thang với nhau, đi cà phê rồi đi ra biển. Có quá nhiều sự thật mà tôi không muốn nói nữa, sợ thành nói xấu người khác. Chỉ biết là khủng khiếp! Và đến giờ tôi cũng không giải thích được. Sau đó thì Vũ và Xuân Quỳnh đến với nhau. Nhưng kỳ lạ thay, trong tôi không có sự ghen tuông, nhưng mỗi khi nghĩ đến, tim tôi lại đau như cắt. Vũ cũng vậy.

                - Có phải đó là một mối tình kinh thiên động địa với dư luận khi ấy?
                - Đúng là kinh thiên động địa! Một trận cuồng phong. Có nhiều người bảo vệ vì thương tôi. Nhưng người ta phản đối dữ dội và làm tổn thương chúng tôi...

                - Hai người có nghĩ đến chuyện lấy nhau?
                - Có chứ, bởi tôi sinh trưởng trong một gia đình lễ giáo. Bản chất của tôi đã yêu thì hết lòng. Khi Vũ và tôi không thể đến được với nhau, tôi đã buồn lắm. Ngày nào Vũ cũng đón tôi. Sáng nào Vũ cũng đứng ở đầu ngõ Hạ Hồi nhìn tôi đi làm, rồi lặng lẽ đạp xe đạp đằng sau. Tôi chuyển hướng sang đường khác, Vũ vẫn đạp xe theo...

                - Thời gian đó, bác Kim Lân có ý kiến gì về mối quan hệ ấy?
                - Bố tôi là người quá yêu tôi. Đến nỗi khi tôi lớn lắm rồi, đến tuổi yêu từ đời nảo, đời nào mà cứ ai đến nhà chơi, bố cũng nói thẳng: "Xin lỗi, mời anh đi về để cháu nó còn vẽ...". Tôi cũng rất yêu bố, ông là người đã chia sẻ với tôi rất nhiều. Tôi học giỏi nhưng khi tốt nghiệp cũng bị "đánh" liểng xiểng. Bố luôn bên tôi, sâu nặng hơn cả những người bình thường khác. Có thể cả đêm hai bố con nói về Picasso, về bác Sáng, bác Phái, về văn chương... Bố sợ tôi đi với Vũ thì sẽ không xây dựng được sự nghiệp của mình. Nhưng khi nào cụ phản đối, cụ cáu giận thì tôi lại dễ chịu. Khủng khiếp nhất là cụ bắt đầu ốm. Giữa mùa hè nắng chang chang của Hà Nội, cụ đi tất, quấn khăn len, đắp chăn bông, nằm rên hừ hừ trên giường như sắp chết. Tôi không đủ sức chịu đựng điều đó. Tôi đã từng bỏ đi khi bố mắng, đuổi, nhưng khi mọi người báo: "Ông Lân ốm rồi" thì tôi lại về. Đứng giữa hai con người, một là bố hai là Vũ. Cuối cùng tôi chấp nhận xa Vũ... như những câu thơ Vũ viết:

                Có gì đâu mà tiếc mà buồn
                Em biết đấy anh chẳng tin định mệnh
                Nhưng trên đời này chỉ ước mơ là có thật
                Hai ta hãy là giấc mộng của nhau thôi ***

                Sau này, khi bán được một số tranh đáng kể, với số tiền đủ để họa sĩ Nguyễn Thị Hiền mua một căn nhà riêng phía sau ga Hàng Cỏ, tình yêu vẫn đầy ắp trong lòng dành cho Vũ. Nhưng chị không dám gặp anh, bởi "nếu gặp chắc chắn chúng tôi sẽ làm điều gì đó có lỗi với Xuân Quỳnh". Có lần anh còn leo lên cửa sổ ở Cục Xuất bản chỉ để nhìn chị, còn chị thì đứng khóc. Và năm 1978, Nguyễn Thị Hiền gặp người chồng của mình, anh Lê Dưỡng Hạo, nhà nghiên cứu Hán Nôm và mỹ thuật. Sau một, hai tháng quen biết, hai người cưới nhau. Anh chị có một cô con gái là họa sĩ trẻ Hiền Minh. Sau 10 năm, có một cuộc sống hạnh phúc êm ấm bên chồng con, thỉnh thoảng chị có gặp lại người thi sĩ xưa, lúc đó đã là một nhà viết kịch nổi tiếng. Chị nhớ mãi câu nói của Vũ: "Nếu ai làm cho Hiền không vẽ được nữa đó là tội ác!".

                35 năm của mối tình ấy, và 20 năm ngày mất của con người tài hoa bạc mệnh, tôi tìm được trên mạng một đoạn thơ của Lưu Quang Vũ, như một dự báo âm thầm từ nhiều năm về trước, trước khi tai nạn bất ngờ cướp anh đi.

                "Cuộc sống chia rẽ chúng ta
                Chỉ cái chết là nối gần nhau lại
                Sau này chết đi, ở bên nhau mãi
                Chấm dứt mọi đắng cay buồn tủi
                Mọi nhọc nhằn ngang trái
                E chúng mình không nhận được ra nhau".

                Lê Thị Thái Hòa
                Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 25-02-2010, 06:32 AM.
                ----------------------------

                Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

                Comment

                • #23

                  Chuyện người phụ nữ Lưu Quang Vũ đắm say


                  Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền với những tác phẩm của mình.

                  Phút đầu, nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền dè dặt, rồi tần ngần khi được hỏi về mối tình thầm lặng của chị với nhà viết kịch nổi tiếng. Nhưng khi cảm thấy đã tìm được nơi chia sẻ, chị mải miết độc thoại như không muốn bị cắt ngang những hồi ức về một tình yêu ngọt ngào và thấm đẫm nỗi buồn.

                  Tác giả Hồn Trương Ba da hàng thịt vốn tài năng và đào hoa. Nhiều giai nhân, như lời một bài thơ của anh, đã là “mây trắng của đời tôi”, khi phiêu bồng qua những năm tháng sống nồng say và hết mình của thi sĩ. Nhưng dừng lại dài lâu nhất trong cuộc đời ngắn ngủi đó, ám ảnh dai dẳng nhất trong hồn thơ tài hoa đó là ba người phụ nữ: Tố Uyên, trong cuộc hôn nhân đầu tiên nảy sinh từ tình yêu thời chanh cốm; Xuân Quỳnh, người vợ dịu dàng, ân nghĩa, tình yêu đằm thắm, khốc liệt cuối cùng của Vũ và Nguyễn Thị Hiền, người tình - nàng thơ đắm say của thi nhân trong “những năm tháng đau xót và hy vọng”.

                  Người con gái của nhà văn Kim Lân gọi mối tình với Lưu Quang Vũ là “tình yêu sét đánh”, mở ra một đoạn đời đầy giống tố cho cả hai. Họ gặp nhau lần đầu trong một buổi họp cuối năm của Tạp chí Thanh Niên, trong đó, Hiền là người phụ trách còn Vũ là cộng tác viên. Tan cuộc, khi vừa về đến nhà, chị nghe bố nói lại: “Vũ vừa đến tìm con”. Tâm hồn nhạy cảm của một thiếu nữ thoáng chút băn khoăn: “Sao vừa gặp nhau đấy thôi…”. Nhưng tình yêu mới chỉ được nhen từ phía thi nhân, dù lúc đó, nữ họa sĩ đã nghe danh và cũng rất cảm phục tài năng của Lưu Quang Vũ.
                  Lần thứ hai, họ gặp lại tại ngôi nhà ở phố Huế cùng nhà văn Đỗ Chu, trong một đêm mất điện. Lúc Hiền đến, Lưu Quang Vũ đang đọc Đất nước đàn bầu cho bạn bè nghe bên ánh sáng đèn dầu. “Ngay lập tức, tôi thấy trái tim mình lỗi nhịp. Tôi cảm được chuyện gì đang xảy ra. Nhưng còn biết làm gì hơn là nghe thơ xong thì đi về. Vừa tới nhà, quay ra tôi đã nghe tiếng gõ cửa. Vũ đứng đó, trong chiếc áo mưa lính, chân như xịu xuống, rụt rè: ‘Vũ muốn gặp Hiền’. Chúng tôi lững thững đi dạo bên nhau. Anh đưa tặng tôi một bài thơ vừa hoàn thành và nhỏ nhẹ: ‘Vũ đã yêu Hiền từ lâu’”, chị kể. Đó là khúc dạo đầu và cũng là hồi ức yên bình nhất của một mối tình từng được Lưu Quang Vũ viết là :

                  “một tình yêu không biết nói cùng ai
                  đến điên dại đến nghẹn ngào đau đớn
                  (Em - tình yêu những năm đau xót và hy vọng).

                  Lúc bấy giờ, Lưu Quang Vũ vừa rời khỏi quân ngũ, đang thất nghiệp, sống vô phương hướng nhưng quan trọng nhất là đã có gia đình. Còn Nguyễn Thị Hiền làm việc ở Trung ương Đoàn, lại đang được đề xuất đi nước ngoài. Chuyện tình của hai người bị gièm pha, bị phản đối kịch liệt. “Hai đứa đều rất khổ. Nhiều lúc tôi không hiểu, tại sao người ta lại có thể độc ác đến vậy”. Chị bị đặt giữa hai sự lựa chọn: Yêu Vũ hoặc rời xa anh để đi nước ngoài. Người con gái đang yêu đã từ bỏ cơ hội xuất ngoại đầu tiên trong đời để ở lại bên Vũ.

                  Một bài thơ anh viết tặng chị với những câu tha thiết:

                  "Tôi đợi em trên mọi ngã ba đường
                  Tôi gọi em khản giọng những đêm sương
                  Tôi lầm lạc ngỡ em không có thực
                  Em thuở ấy nơi nào, em có biết
                  Sao ngày xưa ta chẳng đến cùng nhau".




                  Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền bên một tác phẩm mới của chị.

                  Nhưng cho đến tận lúc Lưu Quang Vũ tử nạn, mối tình giữa thi nhân và họa sĩ vẫn chỉ là một tình yêu thánh thiện, trong sáng và tinh khiết - một tình yêu thuần túy tinh thần.
                  Nữ họa sĩ lý giải nguyên nhân chia xa: "Tôi bị cơ quan đoàn thể kiểm điểm lên xuống. Tôi không sao hiểu nổi cuộc đời lại phũ phàng đến thế? Tại sao một tình yêu trong sáng họ lại có thể biến chúng tôi thành tội đồ… Bố tôi đau khổ quá nên phát bệnh. Trời mùa hè mà cụ quấn áo bông, chân đi tất, nằm đắp chăn rên hừ hừ. Tôi chịu không nổi”. Chỉ cần hình dung dáng điệu gầy gò của Kim Lân trong bộ dạng ấy, những người yêu mến nhà văn đã khó yên lòng, huống hồ chị là cô con gái yêu của ông. “Bố và Lưu Quang Vũ là hai người đàn ông yêu thương, quan trọng nhất với tôi lúc đó. Khi phải giằng xé giữa hai người, tôi nhận ra rằng, yêu một người không có nghĩa là người đó phải thuộc về mình. Chúng tôi hướng đến nhau theo một cách khác, trở thành điểm tựa tinh thần cho nhau trong sáng tạo nghệ thuật”, chị tâm sự.

                  Số phận đưa đẩy Lưu Quang Vũ đến với Xuân Quỳnh trong cuộc hôn nhân lần thứ hai năm 1973, còn Nguyễn Thị Hiền cũng kết hôn với nhà nghiên cứu Lê Dưỡng Hạo năm 1978 và sống ở Sài Gòn. Họ chỉ gặp mặt nhau đôi lần, khi nhà viết kịch vào Nam tìm chị và khi anh, qua nhà thơ Dương Tường, gửi vé mời chị tới xem Hồn Trương Ba da hàng thịt trong một lần họa sĩ ra Bắc.
                  Hỏi chị, nếu quay ngược thời gian, chị có quyết liệt đến cùng trong mối tình với Lưu Quang Vũ, chị không trả lời thẳng vào câu hỏi, nhưng điềm tĩnh nói: “Lúc đó, tôi chỉ là một cô bé hồn nhiên, chỉ biết vẽ và đọc sách thôi, chưa từng biết lo toan, sắp xếp một cuộc sống gia đình. Trong khi Xuân Quỳnh là một phụ nữ rất trải nghiệm. Quỳnh yêu Vũ hết lòng và cũng lo cho anh được rất nhiều. Tôi cũng biết, tình yêu của hai tâm hồn có thể đẹp nhưng khi buộc phải chạm vào đời thực, biết đâu, nó khiến con người vỡ vụn, chơi vơi”. Nghe cách chị nói về vợ của người yêu, mới hiểu điều chị từng ngộ ra rằng: yêu một người không có nghĩa là người đó phải thuộc về mình.

                  Chính vì thế, điều khiến nữ họa sĩ đau khổ nhất không hẳn là mất anh, mà mất đi kỷ vật tình yêu giữa hai người. Họ có một cuốn sổ chung, anh làm thơ còn chị vẽ minh họa luôn vào đó. Cuốn sổ đã mất, chị chỉ còn lại một số bản viết tay những vần thơ của anh tặng chị. “Hai tháng trước khi qua đời, Vũ gặp tôi để nhắc lại một lời hẹn chung của chúng tôi, rằng chúng tôi sẽ in chung một tuyển tập, thơ của anh và những bức họa của tôi. Anh mang ước nguyện đó ra đi mãi mãi còn cuốn sổ cũng rời bỏ tôi”, chị ngậm ngùi.

                  Gần 40 năm xa và đã 20 năm mất anh vĩnh viễn trong cuộc đời này, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền không giấu nổi đau đớn khi nhắc đến cái chết của người nghệ sĩ tài hoa. Khi anh mất, chị đang ở Sài Gòn. Chị đón nhận tin dữ với thái độ nghi hoặc rằng: “Chắc chỉ là lời đồn của kẻ ghen ăn tức ở ác miệng”, dù đêm trước khi Lưu Quang Vũ bị tai nạn, chị đã nằm ác mộng thấy mình cặm cụi đi đóng áo quan. Chỉ đến khi báo chí đồng loạt đưa tin, nữ họa sĩ mới biết đó là sự thật kinh hoàng. Chị kể, trong những ngày mới mất, đêm nào anh cũng trở về trong những giấc mơ của chị.

                  “Người đàn bà không có tên” trong những vần thơ của Lưu Quang Vũ khép lại dòng hồi ức khắc nghiệt của mình bằng tiếng cười có phần mệt mỏi nhưng nghe thanh thản: “Giới trẻ ngày nay thật khó tin được vào một tình yêu tinh thần thuần túy. Nhưng tôi và Vũ đã nhìn nhau như một đốm lửa nhỏ, một ánh sao xa, lặng lẽ soi cho nhau để tự sáng lên trong cuộc đời”.
                  Nghe chuyện người phụ nữ Lưu Quang Vũ đắm say, khó cưỡng lại cảm giác tìm gặp chị trong những vần thơ của thi sĩ. Chị lúc là “tia nắng soi anh đến trọn cuộc đời”, lúc là “Gương mặt đẹp chập chờn sau lọ mực” để anh ước nguyện “Tôi làm sao có thể nguôi yên/ Khi biết ở nơi nào em vẫn sống/ Em sẽ đến như ngày rồi sẽ nắng/ Tôi sống bằng khoảng rộng ở nơi em”…

                  Và kết quả của một mối tình cay đắng, ít nhất cũng đã trổ được những vần thơ, như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn nhận xét: “Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đã giúp Vũ làm nên những bài thơ vào loại hay nhất của anh”.

                  Một trong những bài thơ Lưu Quang Vũ viết tặng họa sĩ Nguyễn Thị Hiền

                  Thơ tình viết về một người đàn bà
                  không có tên (II)

                  Mái nhà nâu nhấp nhô
                  Trong khói mờ ẩn hiện
                  Cây bàng cao lá tím
                  Ướt nhòa sương ngã ba.
                  Nhìn nhau không thể xa
                  Đèn mùa đông vụt tắt
                  Màu áo em đỏ rực
                  Cháy sau vòm cửa đêm
                  Giờ anh như con thuyền
                  Bốn bề lên sóng vỗ
                  Xô dạt về tựa ngủ
                  Trên rộng dài bến em
                  Em chiếm hết anh rồi
                  Những cánh đồng trắng xoá
                  Những ngả đường đói lả
                  Và giấc mơ sau cùng
                  Anh dâng em tất cả
                  Đây chùm hoa cúc nhỏ
                  Rụng cánh xuống vai trần
                  Anh ngập tràn lòng em
                  Những màu và những tiếng.

                  Trời xanh và cánh rộng
                  Anh hôn từng ngón tay
                  Anh hôn làn tóc xoã
                  Trên trán buồn âm u
                  Anh hôn lên đôi mắt
                  Môi chạm vào bao la
                  Ôm em trong vạt áo
                  Như hoa hồng ngày xưa
                  Thôi mắt đừng xót xa
                  Nỗi buồn thời quá khứ
                  Từ nay anh sẽ thở
                  Trong mối tình của em.
                  Lưu lạc giữa hoàng hôn
                  Đồng mưa và cỏ lạnh
                  Nghẹn ngào thương nhớ em
                  Dưới một trời bom đạn.
                  Đường anh xa vắng lắm
                  Lòng em có đến cùng
                  Áo bay về mênh mông
                  Chập chờn trên gác tối
                  Ngọn lửa nhỏ cô đơn
                  Đang nghĩ gì phương ấy?

                  Lưu Quang Vũ - 1973
                  Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 25-02-2010, 06:38 AM.
                  ----------------------------

                  Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

                  Comment

                  • #24

                    Ôi cứ ngỡ Xuân Quỳnh suốt một đời lao đao , lận đận vì tình yêu , không ngờ Lưu quang Vũ cũng một đời chao đảo và lận đận không kém...

                    Anh là kẻ suốt đời tất bật
                    Suốt đời vội đi, suốt đời nóng ruột
                    E đến nơi mùa đã gặt xong rồi
                    Nhưng cốc rượu đầy uống mãi chẳng hề vơi
                    Sau mùa hạ đến mùa thu lá đỏ
                    Sau mùa cúc lại mùa hoa vạn thọ
                    Sau cửa gương là đôi mắt thương yêu
                    Ôi vai em mềm ấm biết bao nhiêu
                    Em ngoảnh lai nhìn buổi chiều lộng gió
                    Tim anh đập như quả chuông bé nhỏ
                    Dưới hồi chuông vô tận của trời xanh


                    Chiều chuyển gió - Lưu Quang Vũ

                    Mây trắng bay đi cùng với gió
                    Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ.
                    Đắng cay gửi lại bao mùa cũ
                    Thơ viết đôi dòng theo gió xa ...

                    Hoa Cỏ May - Xuân Quỳnh.
                    Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

                    Comment

                    • #25

                      Lưu Quang Vũ: "Thơ tôi là mây trắng của đời tôi..."

                      ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi M Mít Đặc View Post



                      Ôi cứ ngỡ Xuân Quỳnh suốt một đời lao đao , lận đận vì tình yêu , không ngờ Lưu quang Vũ cũng một đời chao đảo và lận đận không kém...

                      Anh là kẻ suốt đời tất bật
                      Suốt đời vội đi, suốt đời nóng ruột
                      E đến nơi mùa đã gặt xong rồi
                      Nhưng cốc rượu đầy uống mãi chẳng hề vơi
                      Sau mùa hạ đến mùa thu lá đỏ
                      Sau mùa cúc lại mùa hoa vạn thọ
                      Sau cửa gương là đôi mắt thương yêu
                      Ôi vai em mềm ấm biết bao nhiêu
                      Em ngoảnh lai nhìn buổi chiều lộng gió
                      Tim anh đập như quả chuông bé nhỏ
                      Dưới hồi chuông vô tận của trời xanh

                      Chiều chuyển gió - Lưu Quang Vũ

                      Mây trắng bay đi cùng với gió
                      Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ.
                      Đắng cay gửi lại bao mùa cũ
                      Thơ viết đôi dòng theo gió xa ...

                      Hoa Cỏ May - Xuân Quỳnh.





                      ( cảm ơn MMĐ đã ghé vào "trang tình sử " của Lưu thi sĩ. sao MMĐ và CO cứ " đồng thanh tương ứng " hoài thế ? mừng thay ! mừng thay ! . Cho CO gửi lời thăm Me.)

                      ***************************




                      Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và đạo diễn Nguyễn Đình Nghi


                      Mây trắng của đời tôi

                      Những ngọn lửa vô hình chưa kịp có tên
                      Dòng nhựa trong cây, mùa xuân trong dòng nhựa
                      Cơn gió ẩn sau buồm, chân trời sau biển cả
                      Những nhịp cầu
                      Nối hạt cát với ngôi sao
                      Bánh ăn và giấc mộng
                      Đưa tôi tới những bến bờ chưa tới được
                      Vượt khỏi mình, tôi nhập với trăm phương.

                      Nói lời riêng mà thấu triệu tâm hồn
                      Sau đêm tối, một ban mai mới mẻ
                      Dẫu ngắn ngủi bừng tia chớp loé
                      Đủ cho anh nhìn thấy mặt em rồi.

                      Trên mái nhà, cao vút rừng cây
                      Trên rừng cây, những đám mây xô giạt
                      Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng
                      Thơ tôi là mây trắng của đời tôi.

                      Những dòng thơ thao thức khôn nguôi
                      Những dòng thơ người viết cho người
                      Trên bãi bể thời gian, tôi viết tiếp
                      Những dòng thơ như móng tay day dứt
                      Trên vỏ dưa xanh thắm của mùa hè
                      Cho kẻ xa nhà mái lá chở che
                      Cho ngưng lại nhịp đồng hồ quên lãng
                      Sợi dây mỏng nối liền ta với bạn
                      Và ban mai trong mắt những con gà...

                      (Nguồn: Lưu Quang Vũ, Thơ tình, NXB Văn học, 2002)

                      ************



                      Lưu Quang Vũ: "Thơ tôi là mây trắng của đời tôi..."

                      Trong tính cách sáng tạo của con người tài hoa son trẻ Lưu Quang Vũ thì Thơ là hồn cốt thâm hậu nhất, chứ không phải là kịch nghệ, báo chí, văn xuôi hay hội hoạ - những mảnh đất mà chàng đã từng thử nghiệm, gieo trồng và gặt hái.


                      >> Hai cõi Thơ và một cõi Tình (bấm vào đây để đọc thêm )

                      >> Xuân Quỳnh - giọng thơ tình ám ảnh (bấm vào đây để đọc thêm )


                      Với Lưu Quang Vũ, Thơ là nơi khởi hành cuộc đi tìm lớn nhất, mang sâu sắc nhất ý nghĩa triết học của một người làm thơ - cuộc đi tìm cái tôi thi sĩ qua những nghiệm sinh phải trải trên đường đời thăm thẳm và cũng là nơi hành hương trở về lớn nhất – trở về bản thể thi sĩ của chính mình.




                      Nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ



                      Thơ cũng chính là nơi ẩn náu cuối chót của chàng thi sĩ buồn này. Thơ - với Lưu Quang Vũ là tất cả sự hàm ơn và trang trải riêng của tâm hồn chàng với đời sống.

                      Lưu Quang Vũ mang nợ Thơ từ trong huyết thống.

                      Cha chàng - ông Lưu Quang Thuận sinh chàng cùng lúc với thơ. Chính ông là một tính cách thơ đằm thắm, dạt dào và mặn mòi như biển Đà Nẵng quê ông.
                      Trong con mắt chàng, người cha luôn luôn là một thi sĩ lãng mạn của những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, với “bóng ngựa trắng buổi chiều xưa - bay trên đồi cỏ biếc - một dòng sông nắng chói chảy về xa...”.

                      Ông đã di truyền cho chàng con mắt thơ xanh biếc để nhìn đời. Năm chàng 17 tuổi, đời như một sân khấu phong kín hương nhuỵ đầy quyến rũ bí ẩn sau cánh màn nhung. Và chàng háo hức đón chờ: “Mười bảy tuổi lòng ai không hồi hộp - Ngồi trong rạp hát đợi màn lên”.

                      Sân khấu cuộc đời mở ra trước mắt chàng với vườn địa đàng ở ngay trong phố, có một vườn cây mát. Trong triệu người có em của ta. Đó là người con gái chàng yêu đầu đời-một-nhân-vật-trữ-tình EM sẽ có mặt trong suốt đời thơ và đời sống lận đận như một con ong trong đêm sâu của chàng.

                      Em - vừa có thể là người tình, vừa có thể là nỗi khát khao không đạt đến, sự cứu rỗi linh hồn đau buồn của chàng; em còn mang những tên gọi khác nhau, đầy âu yếm và thương cảm: Người đàn bà không có tên I, II, III, mùa thu, mắt một mí, đoá cúc vàng, con ong xanh có đôi mắt đen, con ong trắng thương nhớ, con ong nâu hạnh phúc, chị Hai, bông hoa huệ trắng xanh...

                      Ai cũng biết thơ Lưu Quang Vũ buồn, một nỗi buồn thăm thẳm và canh cánh, thấm sâu vào tinh huyết của thơ chàng, nhưng ít ai chịu thông cảm với chàng, đặng tìm một chỗ đứng nào đó để có thể thấy cái riêng của nỗi buồn Lưu Quang Vũ.
                      Chàng yêu thành thực cuộc đời, thành thực yêu những người đàn bà và cũng buồn thành thực khi họ bỏ chàng đi “như những dòng sông nhỏ” mà lời hẹn thề rót cuộc chỉ là “những cơn mưa” (lời một tình khúc của Trịnh Công Sơn).

                      Mỗi người đàn bà ra đi để lại cho chàng trai trẻ Lưu Quang Vũ một vết thương lòng. May sao, chàng lại chính là một thi sĩ, nên trong thơ chàng, những cuộc tình tuyệt vọng ấy đã ngưng kết thành giọt lệ trong như ngọc - khiến cho thơ tình của Lưu Quang Vũ ngời ngợi sáng - thứ ánh sáng không quá chói chang mà thánh thiện trong lành, chỉ có ở ngọc trai được ngậm bằng những nỗi đau lắng lại tự nhiên sau bao nhiêu con sóng vật vã của biển Đời.




                      Lưu Quang Vũ


                      Cũng chính vì thế, từ khởi nguyên cuộc kiếm tìm hạnh phúc - qua bao nếm trải ngọt bùi, đắng cay, lầm lỡ, cả tin... của cho, nhận, được, mất... thì cuối cùng con thuyền thơ của Lưu Quang Vũ đã cập bờ, đạt tới hình ảnh hoàn hảo về nhân-vật-trữ-tình EM trong Thơ:

                      Dù sao cuộc đời đã dành em lại cho anh - Điều mong ước đầu tiên ở lại sau cùng - Chúng ta đã đi bên nhau trên mặt đất - Dẫu chỉ riêng điều đó là có thật - Đủ cho anh mãi mãi biết ơn Đời.

                      Và hái lượm được cả trong tay hạnh-phúc-đời-thường - cuộc sống chung với nữ sĩ Xuân Quỳnh như một món quà của Thượng đế tặng cho “người trai phiêu bạt, luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thật”...

                      Chàng đã được tồn tại bởi một người: Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dài - Chỉ một người ở lại với anh thôi - Lúc anh vắng người ấy thường thức đợi - Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới - Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương - Người ấy chỉ vui khi anh hết lo buồn - Anh lạc bước người ấy đưa anh trở lại - Khi có điều giả dối vây quanh - Bàn tay ấy chở che và gìn giữ - Biết ơn em từ miền cát gió - Về với anh bông cúc nhỏ hoa vàng...

                      Sinh ra, lớn lên và trưởng thành vào những năm giữa thế kỷ, thơ Lưu Quang Vũ không chỉ giới hạn trong những mối tình riêng của đời chàng, mặc dù chỉ với những chùm thơ tình mang rất đậm dấu riêng tình cảm Lưu Quang Vũ - trong các tập Hương cây, Mây trắng của đời tôi và nhất là tập di cảo Bầy ong trong đêm sâu vừa xuất bản năm 1993 - cũng đủ chứng tỏ một thi sĩ tài hoa.

                      Đi suốt chiều dài một đời thơ của Lưu Quang Vũ, tôi có cảm giác như vào một kho báu. ở những câu thơ ta nhặt vô tình nhất cũng óng ánh một vẻ đẹp riêng, không hiểu sao chỉ có ở thơ Lưu Quang Vũ - một vẻ đẹp trong vắt của tài năng thi ca - không gợn dù chỉ là một chút - sự gia công kỹ thuật. Dù chỉ là câu thơ lẻ loi nhất cũng mang một vẻ đẹp “cứ như không”.

                      Có một bài thơ cực hay của Lưu Quang Vũ mà tất cả những động từ dùng trong đó đều được chia ở thì quá khứ - dùng để chỉ những gì đã qua và đã từng, mà chàng đã làm xong ở đời:

                      Nắng đã tắt dần trên lá im

                      Chiều đã sẫm màu xanh trong mắt tối

                      Đường đã hết trước biển trời cao vời vợi

                      Tay đã buông khi vừa dứt cung đàn

                      Gió đã dừng nơi cuối chót không gian

                      Mưa đã tạnh ở trong lòng đất thẳm

                      Người đã sống hết tận cùng năm tháng

                      Sau vô biên sẽ chỉ có vô biên.


                      ***

                      Song, số phận thi sĩ đã không chỉ định Lưu Quang Vũ chỉ làm thơ tình, chỉ yêu những khuôn mặt đầm đìa thương nhớ của những người phụ nữ hiện diện trong cuộc đời thực và đã thành nhân vật trữ tình trong thế giới thi ca của chàng: mẹ, vợ, em gái, bạn gái, người tình…, và nói chung, họ là người thuộc “phe nước mắt” (chữ của thi sĩ Dương Tường, trong bài thơ: “Tôi đứng về phe nước mắt”).

                      Thơ của chàng còn dâng lên một tình yêu thương đất nước sâu xa, hồn hậu và đằm thắm, mà chàng gọi giản dị đất Việt là Việt Nam, là Người.

                      Chàng yêu Việt Nam, Tổ quốc mình như yêu một người cha đặc biệt, đầy sùng kính, thiết tha và cũng không hiếm khi vật vã đau đớn, khắc khoải suy tư…

                      Và bên trên những đớn đau, dằn vặt riêng tư ấy, tình yêu lớn với Việt Nam, được hóa giải trong tình yêu thi ca, đã khiến tâm hồn thi sĩ của Lưu Quang Vũ chắp cánh.

                      Và thi sĩ mặt buồn này đã có một cử chỉ mỹ học thi ca thật rạng rỡ: nhấc được cái tôi thi sĩ của mình lên khỏi mặt đất, ngẩng mặt ngước lên trời cao xanh, trong cảm giác lãng mạn vô bờ: Trên mái nhà cao vút rừng cây/ Trên rừng cây những đám mây xô dạt/ Trên ngày tháng trên cả niềm cay đắng/ Thơ tôi là mây trắng của đời tôi.

                      Không có cử chỉ bay bổng đầy cứu rỗi này, không có sự hóa thân của Vũ vào gió và tình yêu thổi trên đất nước(…), ngọn gió luôn luôn ra đi, luôn luôn mới đến, ngọn gió mà Vũ ước chi được hóa thành (..) để được ôm trọn vẹn nước non này/ Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá/ Để mát rượi những mái nhà nắng lửa/Để luôn luôn được trở lại với đời…thì có thể, thế giới thơ của Vũ chỉ thuần túy ảo ảnh yêu đương, với thơ tình vừa ngọt ngào vừa cay đắng, thấm đượm hơi hướng tục lụy trần gian.

                      Ta không quên rằng, chàng được sinh ra từ huyết thống lãng mạn cách mạng của người cha thi sĩ - nghệ sĩ Lưu Quang Thuận, ở một địa danh cụ thể của chiến khu Việt Bắc:

                      Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng/ Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao/ Đường ven suối quả vả vàng chín rụng/ Cọ xanh rờn lấp lánh nước sông Thao… Nhà chon von khuất sau vườn ngô sắn/ Thôn nhỏ nặng tình kháng chiến mười năm.

                      Ở chính cái thôn nhỏ xinh vùng núi đồi, “ấm những ngày gian khổ khó quên nhau” ấy, Lưu Quang Vũ ra đời: “Mẹ sinh con vào cuối mùa hoa gạo/ Loa chuyển rừng tin thắng trận sông Lô/ Bố gửi con mảnh vải dù may áo/ Súng nổ dồn đuổi giặc suốt mùa mưa.

                      Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, mùa thu hòa bình rời xa Việt Bắc/ bè về xuôi gió thổi nước sông reo…Xa Chu Hưng đã chín mùa cá lũ, hồn thơ Lưu Quang Vũ vẫn quay về Chu Hưng, hoài nhớ li ti, từng vạt sắn xanh tươi bên đồi, mái nhà cũ đêm đêm ai nhóm lửa, máng tre còn hứng nước mưa rơi, và hồn thơ ấy rưng rưng biết ơn thôn Chu Hưng, nơi ngọn nguồn sáng tạo của thi ca Lưu Quang Vũ:

                      Con suối nhỏ xuyên rừng nơi ấy/ Là ngọn nguồn sông biển yêu thương/ Ra biển ra sông còn nhớ mãi/ Trắng hoa rừng… Ơi Chu Hưng, Chu Hưng!

                      Yêu Chu Hưng nơi sinh, Lưu Quang Vũ bắt đầu tình yêu Hà Nội, với cái tình của thi nhân, của người trai trưởng thành, cùng với rất nhiều trải nghiệm và vỡ lẽ, về tình yêu riêng tư, về tình yêu đất nước, về tình yêu tiếng Việt.

                      “Nghe bà hát những lời da diết/ Cháu nghe mãi vẫn lạ lùng tiếng Việt/ Chữ “thương” liền với chữ “yêu”/ Chữ “thương” đi cũng chữ “nhớ/ Dân tộc trải xót xa nhiều đau khổ/ Phải thương nhau mới sống được ở trên đời”.

                      Trong thế giới thơ Vũ, ngoài những bài thơ tình yêu, những tình tự công dân đã lộ diện trong ánh sáng nhận thức của tình cảm lớn với thời đại, và cuộc đi tìm cách thức diễn đạt bằng một thứ tiếng Việt độc đáo, mang đặc thù Lưu Quang Vũ, cũng đã được bắt đầu.

                      Ai đó nói, tình yêu đất nước của thi sĩ bao giờ cũng xanh li ti trong những biểu hiện hằng thường của đời sống.



                      Vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh



                      Vũ yêu đất nước Việt như thể yêu Cha, yêu Mẹ của mình, một tình yêu vô cùng, có khi là vô vọng, đầy sám hối. Vũ không ngăn nổi tiếng khẩn thiết từ trái tim, trong bài thơ mang tên: “Việt Nam ơi”, Vũ gọi thân mến với vô chừng thương cảm Việt Nam của Vũ và của ta nữa, Việt Nam, là:

                      Những người đi chưa về/Những quả bom những hầm hào sụt lở/Những tên cướp những lời hăm dọa/Người ta định làm gì Người nữa/ Việt Nam ơi? Mấy mươi năm đã mấy lớp người/ Chia lìa gục ngã/ Đã tận cùng nỗi khổ/ Người ta còn muốn gì người nữa/ Việt Nam ơi?

                      Người đau thương, tôi gắng gượng mỉm cười/ Gắng tin tưởng nhưng lòng tôi có hạn/ Chiều nay lạnh, tôi nghẹn ngào muốn khóc/ Xin người tha thứ, Việt Nam ơi/ Tổ quốc là nơi tỏa bóng yên vui/ Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất/Nhưng nghĩ đến người lòng tôi rách nát/ Xin người đừng trách giận Việt Nam ơi/

                      Tôi là sao sống được xa Người/ Như giọt nước đậu vào bụi cỏ/ Như châu chấu ôm ghì bông lúa/ Người đẩy ra tôi lại bám lấy Người/ Không vì thế mà Người khinh tôi chứ/ Việt Nam ơi/ Không vì tôi đau khổ rã rời/ Mà Người ghét bỏ?Xin Người đừng nhìn tôi như kẻ lạ/ Xin Người đừng ghẻ lạnh, Việt Nam ơi/

                      Người có triệu chúng tôi, tôi chỉ có một người (…)Đến bao giờ Người mới được nghỉ ngơi/ Trong nắng ấm và tiếng cười trẻ nhỏ? Đến bao giờ đến bao giờ nữa/ Việt Nam ơi?

                      Đọc những câu thơ da diết này, bỗng nhớ một cách thơ khác của Chế Lan Viên, hào sảng, chang chói, nhưng cùng đong đầy một tình cảm lớn: Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt/Như mẹ cha ta như vợ như chồng/Ôi Tổ Quốc nếu cần ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi con sông.

                      Tôi yêu cách yêu thầm lặng, ruột thịt, nhói lòng của Lưu Quang Vũ, yêu cả cách yêu hào hùng, chói lọi của Chế Lan Viên, với Việt Nam của tôi và của chúng ta.

                      Tôi nghĩ, những vần thơ yêu nước, yêu đời, yêu người yêu của Vũ đã như bánh mì và hoa hồng, trước hết cho bản thân thi sĩ, đong đầy ấm nóng tin yêu, mới có sức mạnh đủ lan tỏa cho người yêu thơ, và trở thành những câu thơ nằm lòng của nhiều thế hệ độc giả, dù hôm nay đã đầu thế kỷ 21, các cuộc chiến tranh đã qua đi vài ba thập kỉ ở Việt Nam.

                      Nhưng nỗi buồn chiến tranh (tên tiểu thuyết duy nhất của Bảo Ninh, đang được người Mỹ dựng thành phim và là tiểu thuyết Việt được dịch nhiều nhất) vẫn còn đó, đâu dễ nguôi ngoai!...

                      Như gió và tình yêu thổi mãi trên đất nước, những tác phẩm thơ của Lưu Quang Vũ vừa có thể làm lòng người náo động không nguôi, vừa có thể làm an ninh tâm hồn người yêu thơ. Đối với Lưu Quang Vũ thi sĩ, đó là hạnh phúc lớn nhất của sáng tạo.

                      Và người trai phiêu bạt này, người trai vẫn biết mình luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thật này đã biết ơn cuộc tình với nữ sĩ Xuân Quỳnh như biết ơn “ mùa gió mới” trong thơ:

                      nhờ em tôi có lại…

                      Tôi thở trong sức gió muôn người.









                      Hai cõi thơ, từ đổ vỡ, dang dở, đau đớn riêng tây, đến đây, đã hòa nhập trong một cõi tình màu hoàng hoa…
                      • Nguyễn Thị Minh Thái
                      (Ảnh trong bài do PGS. TS Lưu Khánh Thơ, em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ cung cấp)

                      (Link )
                      Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 25-02-2010, 08:04 PM.
                      ----------------------------

                      Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

                      Comment

                      Working...
                      X
                      Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom