Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh
làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.
Giờ thì con lan man kể qua chuyện dòng họ bên Ngoại trước chứ không thôi một ngày nào đó con quên mất thì sẽ không có ai trong 6 đứa con của Mẹ biết và nhớ đâu. Vì như đã nói con là đứa con sống gần Mẹ lâu nhất, lấy chồng trễ nhất và để ý đến Mẹ nhiều nhất, nên con nhớ.
Dòng họ bên Ông Ngoại làm quan Võ lớn trong triều Nguyễn, đóng đô ở Bắc Hà. Ngày xưa được phong quan và được cấp đất ngay làng Cổ Lũy, Quãng Trị, cách Huế 60km. Bà Ngoại nói Ông Tổ lúc đó sao lại chọn ngay cái làng khỉ ho cò gáy, nơi mà “chó ăn đá, gà ăn muối” để phóng lao giành đất. Làng gần ven biển Mỹ Thủy, cát trắng, và “Trời hành cơn lụt mỗi năm”…
Khi xây nhà Từ đường thì bị cháy hoài cho nên sắc Vua ban cho Ông Tổ đổi tên có chữ lót là Nguyễn Gia …. Rồi vì con cháu càng ngày càng đông nên về sau chia làm 3 Chi là Nguyễn Gia, Nguyễn Viết và Nguyễn Đức là con của 3 người vợ. Khi Ông, đời thứ 15 của Nguyễn Gia là dòng chính thất qua đời, có một ông thầy phong thuỷ xem thế đất của ngôi mộ và phán rằng 3 người con trai của Ông sẽ phát như sau: người con cả sẽ có phúc về con cái, người con giữa sẽ có phúc về điền sản và triệt đường con cái, người con út sẽ có phúc cả về điền sản và con cái. Ông Ngoại thuộc về chi giữa, nhưng dòng chính Nguyễn Gia, nên bị triệt đường con cái. Điều này đúng hoàn toàn cho đến đời thứ 18 là đời của Mẹ tôi.
Ông Ngoại tuy là gốc Trung nhưng sanh đẻ ở Bắc hà nên nói tiếng Bắc rặt. Ông là quản đốc nhà máy dệt Nam Định thời đó. Ông gặp Bà Ngoại trong một dịp tình cờ. Bà Ngoại thích uống trà, mà xui sao hôm đó hết nước trà nên đi xin nước sôi để pha. Gặp ngay Ông Ngoại và Ông thương Bà Ngoại liền. Bà lớn hơn Ông 2 tuổi. Vào cái thời đó mọi người quan niệm rằng “Nhất gái hơn hai, Nhị trai hơn một”. Theo như lời Ngoại kể thì Ông Ngoại đẹp trai, cao lớn như Tây, Bà Ngoại xấu hơn Ông
Ngoại có cả thảy 8 người con, vậy mà chiến tranh đã lấy đi mất hết, chỉ còn lại 2 người là Mẹ và Cậu Nguyễn Gia T. Ngoại nói cả 2 người con này đều giống Bà Ngoại và Ông nội của Mẹ, chứ không giống Ông Ngoại, nên còn sống. Còn những người con khác của Bà đẹp như tranh vẽ thì đều mất hết. Theo như Bà Ngoại kể vì là quan Võ giết nhiều người nên Chi của Ông Ngoại bị trời trả báo. Quan niệm xưa, không con trai nối dõi thờ phượng là bất hiếu. Đó là lý do Bà Ngoại buồn mãi cho đến ngày qua đời vì Cậu của tôi mất tích năm 1976, người con trai cuối cùng của dòng họ, đời thứ 18.
Vì chiến tranh nên Ông Ngoại đem cả gia đình về một vùng quê nương náu, hy vọng tránh tên bay lửa đạn. Nơi quê Ngoại ngày đó là vùng xôi đậu. Việt minh nỗi lên, Ông Ngoại đòi bơi qua sông, mỗi lần sẽ đem một người con rồi sẽ về đón Bà ngoại để thoát vùng này rồi tìm đường vào Nam. Bà Ngoại không biết bơi nên níu chân Ông Ngoại khóc. Ông thương bà, không thể dứt áo ra đi nên kẹt lại vùng này. Rồi năm 1954 Ông dẫn theo một Cậu Nguyễn Gia Bích N. đi theo kháng chiến Điện Biên Phủ và mất tích luôn từ ngày ấy. Bà Ngoại lúc này còn lại 4 người con 3 trai và một gái, vậy mà bệnh tật cũng cướp đi thêm 2 Cậu nữa. Bà Ngoại cũng còn ân hận mãi về việc đã níu chân Ông, giá như để Ông đi vào Nam thì chưa chắc gia đình đã tan tác. Mỗi khi kể về việc này Bà tôi hay khóc lắm.
Sau khi Ông đi, chờ hoài không được nên bà Ngoại dắt díu con cái về quê chồng với hy vọng một ngày nào đó Ông trở lại, tìm về quê…Ngoại tôi ở vậy nuôi con thờ chồng khi còn rất trẻ. Tôi có hỏi Bà sau đó có ai muốn quen với Bà không thì Bà nói cũng có người muốn gá duyên nhưng Bà nhất quyết không đi thêm bước nữa. Gia đình Ngoại tôi có truyền thống rất cổ xưa, cho đến đời con cháu, ít nhất đến đời của tôi, con tôi thì chưa biết…
Đã chỉnh sửa bởi Uất Kim Hương; 01-12-2009, 06:21 AM.
Mùa hè năm 1990 tôi về quê để xây 2 ngôi mộ cho Cậu Nguyễn Gia T. và một người Ông đời thứ 17 trong giòng họ. Cả hai ngôi mộ này đểu không có xác. Tất cả đều phải chiêu hồn nhập mộ. Quan niệm của Mẹ tôi là khi sống có cái nhà, chết có cái mồ. Cậu tôi mất tích, coi như đã chết. Lấy ngày cậu ra đi xem như ngày giỗ và khắc trên bia mộ. Mộ Ông Ngoại và Cậu Nguyễn Gia Bích N. cũng không có xác.
Kể ra thì thấy rùng mình. Nguyên một dòng họ bên ngoại toàn là chết vì chiến tranh, vì mất tích. Tôi và Mẹ xây tám ngôi mộ cho đời thứ 17 và 18 mà chỉ có 2 ngôi là có xác thiệt ở trỏng, toàn là phải chiêu hồn nhập mộ thôi. Thế mới biết có luật nhân quả, Ông tổ làm quan Võ, đánh trận nhiều, có thể giết oan nhiều người nên bị trả báo.
Ngày đó tôi được đọc gia phả của dòng họ bên Ngoại. Toàn viết bằng chữ Hán-Nôm. Đến đời thứ 15 thì viết bằng chữ quốc ngữ. Những người già ở quê ngoại tôi không muốn rời làng nước, họ ở lại nơi đó, chấp nhận lụt lội, thiên tai chỉ để giữ gìn mộ phần của giòng họ. Mỗi năm một lần, đến kỳ Thanh minh là cả làng kéo nhau lên khu nghĩa địa từ bao đời để tảo mộ, làm cỏ. Mộ nào không có thân nhân cũng được người trong làng làm phúc nhổ cỏ giùm và thắp cho nén nhang. Đối với người miền Trung thì mộ phần là thiêng liêng lắm. Họ thiên về tâm linh nhiều hơn là vật chất, nên người dân ở đây hiền hòa, chịu thương, chịu khó. Tôi có một phần máu mủ miền Trung. Cám ơn Mẹ đã cho con một phần máu thịt thuộc về miền Trung.
Ông ngoại mất tích khi Mẹ tôi còn nhỏ. Một mình Bà Ngoại cáng đáng nuôi bầy con chíu chít bằng quán nhỏ. Người bạn của Ông Ngoại ở Tỉnh xin đem Mẹ về nuôi để cho ăn học. Nào ngờ họ đem Mẹ tôi về cũng cho ăn học nhưng sai vặt y như người ở. Nhà họ có quán cơm, sáng nào Mẹ cũng phải lặn lội ra chợ sớm để mua thức ăn về cho người ta chuẩn bị quán cơm rồi mới được đi học. Trưa về thì rửa nguyên một đống chén bát, làm quần quật đến tối mới được nghỉ ngơi để học bài. Đó, con mồ côi nó khổ như vậy đó!
Mỗi lần được xuôi về quê, Mẹ tôi mua sắm nhiều thứ, cố tha về nhà cho Ngoại bán kiếm lời. Rồi bận ngược trở ra, Mẹ mua quà quê về tỉnh để kiếm thêm tiền xe. Chính vì cực khổ nên Mẹ tôi rất giỏi buôn bán và rất khéo léo trong cư xử. Nhiều người thương Mẹ tôi, kể cả thầy dạy học vì cám cảnh Mẹ mồ côi, hiền lành. Tối tối thầy ghé nhà để dạy thêm cho Mẹ vì ban ngày Mẹ không rảnh để học bài. Rồi Mẹ tôi học hết tiểu học và về lại quê nhà để phụ Ngoại nuôi em. Lúc này Ngoại không còn ở quê nữa mà đã dọn ra tỉnh, Quãng trị. Ngoại sống trong một căn nhà cạnh bờ sông, sông Thạch Hãn(???), tôi không nhớ con sông tên gì, chỉ biết rằng Mẹ hay kể về ngôi chùa Tỉnh Hội, nơi gần nhà Mẹ. Và đó cũng là nơi mà Mẹ hay đi chùa với bạn bè, để ăn xôi oản ngày rằm.
Lại nói về Ba tôi, một người cổ lỗ sĩ hạng nặng. Ba tôi là con địa chủ ngoài Bắc. Đất đai chỉ hai anh em của Ông Nội tôi đã chiếm hai phần ba làng. Năm 1954 nếu không vượt thoát vào Nam chắc là bị đấu tố đến chết.
Cả hai ba và Mẹ tôi đều là dân cổ lỗ sỉ cho nên họp lại thành ra…Đại Cồ Việt, đại cổ lỗ sĩ. Sinh ra, lớn lên trong một gia đình như vậy nên chúng tôi không đứa nào dám nổi loạn cả. Chúng tôi sợ Ba tôi lắm. Hở một chút là bị ăn đòn tét đít như thường. Tôi sợ đến nỗi trước ngày đi bảo lãnh, vì không biết lối sống bên đây thế nào nên viết thư hỏi thẳng Ba tôi rằng Ba có còn đánh tụi con nếu tụi con qua bển không? Ba tôi nghiêm khắc nhưng rất thương tụi tôi. Khi nào rảnh tôi sẽ kể nhiều về Ba để biết rằng đàn ông thương con theo cách riêng của mình. Cám ơn những trận đòn roi của Ba để tụi con chưa bao giờ dám nổi loạn trong đời, không dám làm sai.
Ba là Thầy giáo được bổ ra dạy học ngoài Quãng Trị, người Bắc chính cống nên nói năng khéo léo vô cùng. Chính vì lẽ đó nên mới cưa đổ Mẹ tôi, đó là tôi nghĩ vậy. Ba tôi nghe đồn Ngoại tôi nấu cơm tháng kiểu Bắc, nói nhỏ nghe, hình như Ba tôi biết nhà Ngoại có con gái đẹp, nên giả bộ đến xin ăn cơm tháng. Ngoại kể Ba tôi nói thích ăn cơm mặn mòi kiểu Bắc, và khéo ăn nói lắm. Chết người ở chỗ đó đó!!! Ba lấy được lòng Ngoại và Mẹ tôi một cách dễ dàng. Đàn ông khôn lắm, tôi không tin Ba tôi không có…ý đồ trước khi đến nhà Ngoại. Ba tôi nghiêm khắc nên chưa bao giờ tụi tôi được nghe chuyện…tình sử của Ba cả. Chứ nếu như thời bây giờ thì tụi tôi tha hồ nghe chuyện của Ba rồi. Tình yêu Đại Cồ Việt của thời...đồ đá nó âm thầm, thâm trầm chứ không ào ạt như thời...điện tử, internet ngày nay, tốc hành quá!
Đã chỉnh sửa bởi Uất Kim Hương; 01-12-2009, 12:33 PM.
LỜI CÁM ƠN CHÂN THÀNH Những người bạn dễ thương ới ời! Không ngờ cuộc đời ti, nạn nơi này lại được nhiều người bạn ưu ái đến vậy. Mảnh đất này sẽ là nơi đất lành chim đậu. Khi chim đã làm tổ rồi thì nó sẽ hót cho mọi người nghe. Hót hay hót dở thì cũng không được chê à nha. Có ngày chim sẽ hót những lời vui, có ngày chim sẽ hót những lời buồn tùy theo tâm trạng.
Bây giờ chim đã thật sự tìm lại được chính mình rồi, không phải là con…sư tử hoặc là con cọp…uống sữa cọp nữa rồi. Cám ơn các bạn thật nhiều.
Cám ơn Bố CĐ đã dìu dắt con từ những ngày đầu chập chững. Đang nói huyên thuyên, tự nhiên Bố cho một câu ngắn gọn đâm hông làm con chột dạ, si nghĩ lại. Cám ơn Bố thật nhiều.
Cám ơn Thầy, tri kỷ đã dìu dắt, khuyên nhủ và cùng sát cánh với đệ tử để rửa oan cho đệ tử. Xui cho thầy, đệ tử xem thầy là nơi để trút bỏ mọi thứ bực mình, oán giận nên thầy bị nhiều áp bức. Hong sao đâu thầy, học trò này biết đá, biết vàng và đặc biệt là không dám qua mặt thầy về mọi mặt, nhất là cái khoản làm thơ…tình cho người…Hà tĩnh…Đệ tử chỉ dám họa thơ chung với thầy để học hỏi mà thôi.
Cám ơn bạn đã cho nhiều lời khuyên chí lý. Mình đã hiểu hoàn cảnh của bạn, thương bạn nhiều lắm! Bạn quan niệm rằng thấy mình chết mà không cứu là không được, phải không? Minh có…chết đâu mà cứu, mình chỉ mới bị bịnh sơ sơ thôi, ngủ một đêm sáng ra là khỏi. Thật đó!
Cám ơn người đã dẫn dắt mình qua đây, tạo cho mình một vùng đất mới và an toàn.
Cám ơn Tím, đã cứu bồ nhiều phen, giờ mình còn đang nghi ngờ không biết Tím là ai sao mà biết tim…đen mình hơi…bị nhiều. “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”
Cám ơn những bài Chicken soup đã hướng dẫn mình đi đúng hướng.
Cám ơn những bạn văn, thơ, ca nhạc, lịch… đã động viên tinh thần cho mình qua phong ba bão táp tâm hồn.
Nói chung qua tai nạn vừa qua mình được nhiều hơn mất. Mình tìm ra được tình người dù là ảo nhưng mà ấm cúng hơn là đời thật. Trong đời thật khó mà kiếm được những tấm lòng như vậy lắm.
Hình như mọi người đang chơi cá độ trong đây phải không? Mọi người tự cho mình cái quyền phê phán, đùa giỡn trên nhân cách người khác phải không? Nếu ai đó xúc phạm mình thì mình phải làm gì? Ngồi yên cho người ta trêu chọc càng ngày càng nặng hay là phải phản ứng lại càng ngày càng chua cay? Mọi người muốn vào đây để tham gia nghệ thuật hay có ý đồ gì khác? Đừng suy bụng ta ra bụng người chứ. Làm thơ viết văn không nhất thiết là phải cặp bồ mới có được một bài thơ hay. Hãy ngưng ngay cái kiểu suy diễn tầm phào giùm cái đi. Nếu không muốn sự việc ngày càng xấu đi. Cây muốn lặng mà gió chẳng muốn dừng.
Khi tôi viết, tôi lúc nào cũng phải chừa một kẻ hở để thoát thân. Tại sao phải ép buộc người khác như vậy? Tôi không muốn thế. Làm ơn ngừng ngay trò đùa ác ý đi. Trên 18 tuổi là đã tự biết mình phải làm gì. Trên 18 tuổi là đi bầu cử được rồi. Mình không hiểu người ta thì tốt hơn hết là đừng phê phán được không? Để yên cho người nghệ sĩ sáng tác được không?
Cám ơn nhiều!
Đã chỉnh sửa bởi Uất Kim Hương; 02-12-2009, 05:09 PM.
Tôi không biết mọi người có biết chuyện con voi rừng một ngà không? Để chiến đấu, để sống còn, từ 2 ngà voi, nó đã gãy mất 1. Nó là con voi độc trong rừng già âm u đó. Những người thợ săn rất sợ gặp con voi này vì nó sẽ chống cự từ chết đến bị thương. Nó rất dữ! Hãy để cho nó tự mọc ngà mới và về với bầy đàn được không. Nó không cần về sở thú đâu. Nó không muốn một nơi chật hẹp thiếu…dưỡng khí.
UKH
Đã chỉnh sửa bởi Uất Kim Hương; 02-12-2009, 06:34 PM.
* Con trâu gắn với nhà nông Trâu chết để da, người chết để tiếng”. Ấy là cách nhân hóa, răn dạy người đời nên sống ra sao để không hổ thẹn với đời sau., làm lụng quanh năm, nhưng khi chết vẫn có ích, là để lại bộ da làm vật dụng cho người. Vậy thì người chết để lại cái gì có ý nghĩa. Đó là “tiếng thơm”.
* Trâu là loài vật to khỏe, khi húc nhau thì bất biết xung quanh. Vậy nên đối với loài muỗi nhỏ li ti thì trâu xá gì. Tương phản 2 loài vật đó nên dân gian có câu “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết” để ám chỉ kẻ mạnh xung đột, tranh chấp nhau, kẻ yếu bị tai họa, vạ lây.
* Ở đời thường có kẻ ghen ghét, đố kỵ. Người ta lấy hình ảnh 2 con trâu, một con bị cột, một con được ăn để nói lên cái sự không bình đẳng. Sự không bình đẳng ấy sinh ra mâu thuẫn “Trâu buộc ghét trâu ăn”. Dân gian nhân hóa để ví người. “Trâu buộc thì ghét trâu ăn. Quan võ thì ghét quan văn dài quần”.
ST.
Giàu nghèo là do số kiếp. Số mình không giàu thì mãi nó cũng không giàu. Nhìn thấy ông hàng xóm trúng số, mình có qua làm quen ổng cũng có cho mình đâu? Mình có nói khích nói bác thì ổng cũng chẳng cho mình nào. Nhưng đời dạy cho tôi rằng, có đức mặc sức mà hưởng. Người đời của tạm. Mình có ganh ghét người thì mình cũng chả hơn được người.
Trong xã hội dân chủ, cái gì cũng phải công bằng. Muốn buộc tội hoặc phán xét người khác cũng phải công minh. Đừng xử ép người quá đáng. Mọi người đều đã lớn hết rồi và biết mình đã và đang làm gì. Nếu sa ngã thì đã sa ngã rồi. Nếu còn đứng vững thì có nghĩa là người ta có nghị lực, và biết cách sống, phải không?
Cũng trong xã hội dân chủ, ai làm sai điều gì đều có pháp luật xẻt xử. Đừng nên nghe lời xúc xiểm, khích bác mà kết tội oan cho người khác. Đó là gây oán và tạo nghiệp.
“Ngày xưa oan báo kiếp sau, Ngày nay oan báo xảy ra tức thì!”
Còn nói rằng người nào thất nghiệp đang ngồi chơi computer suốt ngày. Khi chưa biết người ta làm nghề gì thì đừng nên khích bác chứ. Có người chỉ cần ngồi nhà điều khiển công việc như đang chơi game mà vẫn hơn người đi làm 2 jobs đó. Làm ơn đừng soi mói được không?
Tôi biết có người ném đá giấu tay, ngậm máu phun người đó. Đừng nói rằng mình trong sạch. Sau khi chơi trên .Net một thời gian, tôi bảo đảm nếu ai có chỉ duy nhất một cái nick name, tôi đi bằng đầu. Thật đó! Khai thật với lương tâm đi, tôi biểu diễn cách đi bằng đầu cho coi. Chỉ mong rằng đừng choi trỏ tiểu nhân để được xem tôi đi bằng đầu. Vậy nhé!
UKH
Đã chỉnh sửa bởi Uất Kim Hương; 02-12-2009, 06:42 PM.
Tromg cuộc đời của tôi tối kỵ 1) Chuyện nam nữ không đứng đắn. Không phải cứ 2 người nói chuyện, đối đáp, đối thoại là xảy ra sự cố. Người chứ không phải là gà là vịt đâu mà ghép đôi bất cứ lúc nào cũng được. 2) Đừng đem chuyện giàu nghèo ra trong tình bạn. Không phải cứ bạn với nhau là nghĩ đến chuyện lợi dụng đâu. Nghĩ sai là mang tội sống, tội chết đó. 3) Đừng ai nói xấu bạn tôi. Ai cũng có thể nói tôi là loại này loại nọ, tôi có thể chống chế. Khi nghe người khác nói xấu bạn tôi là tôi mất bình tĩnh phản ứng rất quyết liệt. Tôi là loại người có thể sống chết cho bạn mình.
Đó là thói xấu nhất, đại kỵ của tôi mà không bao giờ tôi bỏ được.
Kỹ thuật khoa học ngày nay thật là tiến bộ. Nó còn đi xa hơn những gì gọi là đạo đức tối thiểu. Nay tôi lạm bàn về chủ đề: “Nếu tôi là đàn ông!” Nếu tôi là đàn ông, khi tôi nghi ngờ đứa bé không phải là con tôi? Thay vì đi xác định DNA, tôi sẽ đập đầu vô tường mỗi ngày, cho đến khi nào đầu tôi nứt toác ra, rồi tôi xin đi vô nhà “nuôi người già và tàn tật” ở luôn. Tôi…bất lực quá đi! con mình mà mình không biết thì sống chung với xã hội làm gì?
Bạn ơi, bạn thắc mắc không biết tôi là ai, tôi xin kể câu chuyện này thì một trong những người bạn của bạn đã từng biết tôi hơn 20 năm về trước sẽ nhận ra tôi và nói cho bạn biết tôi là ai.
Ngày ấy sau cơn mưa hạ, có một bà ăn mày già bỗng dưng ngã lăn ta ngay cạnh một vũng nước mưa đọng trên một con hẻm đất đỏ gần cồng Đình Cầu Sơn. Lúc đó có nhiều thiếu nhi đang tập thể dục buổi sáng, tôi là một người phụ trách thiếu nhi. Tôi chạy đến đỡ bà ta dậy và kéo bà ta vô trong lề đường khô ráo. Tôi không sợ hôi hám, tôi không sợ dơ bẩn. Rồi nhiều người bu lại, có một người đưa cho tôi chai dầu gió. Thế là tôi ra sức bắt gió, cứu bà ấy tỉnh lại. Sau khi tỉnh bà ta cảm ơn tôi rối rít. Gom lại được một ít tiền lẻ, tôi cho bà ấy hết. Người qua đường nhìn tôi ái ngại vì áo quần tôi lúc này đây dính đầy bùn đất. Rồi một nhà gần đó cho tôi vào rửa ráy…..Lúc đó đông người lắm, có người còn nói bà ta giả bộ…
Tôi đã quên đi câu chuyện hơn 20 năm về trước này. Giờ đây ngồi ngẫm lại tôi mới thấy rằng có những lúc trong đời, tôi thực sự giống như bà lão ăn mày này, và tôi cũng được người khác cứu giúp, không phải một lần mà rất nhiều lần trong đời tôi. Đó là nhân quả!
Hôm nay tôi đã biết rằng thế giới .Net là ảo. Nó được điều khiển bởi những con người…thật. Những con người này như là những nghệ sĩ đánh đàn để dụ những ca sĩ không chuyên hay là những “ả đào” hát lên những bài hát mà họ muốn nghe. Ôi, sao mà chua chát quá! Tôi đã bước vô cái thế giới này quá sâu nên tôi phải hát mua vui cho người. Đến một lúc nào đó tôi cảm thấy mệt mỏi thì tôi phải tự động ngừng thôi. Tôi sẽ không thể đòi hỏi công lý từ thế giới này được, đó là cảm nhận. Chuyện của tôi, tôi phải giải quyết vì nó dính dáng đến danh dự của tôi, đó là thứ mà tôi có thể đánh đổi tất cả để bảo vệ.
Chương 2: Chuyện cô bé mồ côi bên hàng xóm. Chị là người bạn hàng xóm chơi thân với tôi như hình với bóng. Chúng tôi bằng tuổi nhau nên chúng tôi thông cảm và hiểu nhau như chính mình vậy. Khi chị đau thì tôi cũng đau, khi chị khóc thì tôi cũng khóc theo. Chúng tôi tâm sự với nhau mỗi ngày, mỗi lúc rảnh rỗi sau giờ tan học. Nhà chị sát vách nhà tôi chỉ cách một đường hẻm nhỏ khoảng gần 1 mét bên hông nhà. Nhà chị có 3 chị em gái, chị là con gái giữa. Tôi biết chị nhiều hơn là chị biết tôi vì từ bên hẻm nhỏ nhà tôi, tôi có thể thò cánh tay qua nhà chị để trao đồi những đồ vật cần thiết. Trái lại chị biết về tôi ít hơn vì nhà tôi kín cổng cao tường. Khi tôi buồn, chị an ủi tôi. Sau này lớn lên chị là thợ thêu còn tôi là thợ may. Tôi may cho chị những chiếc áo thật đẹp, bù lại chị dạy cho tôi học thêu và đôi khi sửa những nét tôi thêu hư.
Ngày đó….chúng tôi 15 tuổi, lúc đó chúng tôi còn sống bên Việt Nam.
Đây là cái tuổi ô mai, ngây thơ lắm. Một ngày và sau giờ ăn trưa, tôi thấy chị đứng bên cửa sổ vừa khóc ấm ức vừa ngoắc tôi. Biết ý, tôi nhảy hàng rào qua ngồi bên để nghe chị tâm sự. Chị vừa mới bị một trận đòn thừa sống thiếu chết từ người chị cả của chị. Nhà chị người ngoài nhìn vào, có người nói là giàu, có người nói là nghèo. Nhưng theo lời chị kể thì Mẹ chị có nhiều vàng lắm. Vàng của Mẹ chị chất đầy một lon sắt to hơn lon sữa Guigoz. Suốt từ năm 1976 cho đến năm 1983 Mẹ chị đã dùng hầu hết số tiền này để lo cho Ba của chị và những người con khác đi vượt biên, mất hết đợt này đến đợt khác…,trừ chị. Cuối cùng Ba của chị cũng đi thoát năm 1981. Rồi đến người Anh kế của chị cũng đi thoát năm 1982. Đến năm 1983, lúc này đây, gia đình chị có quen một người tổ chức vượt biên. Người này có ghé nhà chơi vài lần và chị hay giúp người này khi thì thứ này, khi thì thứ khác. Thậm chí giúp người này đục những con cờ Domino, xỏ dây thun vào, đeo lên cổ tay để làm thành những chiếc vé vượt biên. Vé vượt biên là gì? Trong đêm tối, nếu muốn lên được tàu thì phải đưa cổ tay có chiếc vé này thì người ta mới cho lên, nếu không thì bị đẩy ngược xuống nước vì không đóng tiền. Người này đề nghị Mẹ chị cho chị đi luôn chung một chuyến 3 chị em, không tính tiền của chị. Thường thì ai muốn làm gì mặc ai, chị không bao giờ có ý kiến ý cò gì cả. Tự dưng ngày hôm trước nghe xong đề nghị này, chị nuôi một hy vọng là sẽ được gia đình đoái hoài mà cho đi chăng. Người chị của chị được ưu ái cho đi hết lần này đến lần khác vì chị ấy đẹp, giỏi giang, ít nhất là dưới mắt Cha Mẹ chị ấy. Nhỏ em được cho đi tháp tùng vì chỉ tốn có nữa tiền, còn chị thì không có gì xuất sắc cả, đen nhẻm, xấu xí, học cũng không ra hồn, ra vía….
Nếu mọi chuyện xảy ra như ước mơ của chị thì cuộc đời chị đã khác xa rồi. Đằng này người chị cả ấy đè chị ấy ra đánh và lên giọng một bài “luân lý”
-Mày phải ở lại với Má và đi sau. Không biết thương Má gì cả!????
-Ai không thương mẹ??? Chị cãi lại người chị cả và nhấn mạnh là người tổ chức muốn cho chị đi mà.
Không thể làm khác hơn được. Mười lăm tuổi chưa biết phản kháng, mười lăm tuổi chưa đủ lớn để tranh luận. Mười lăm tuổi bị ăn hiếp mà không tự bảo vệ được mình. Và rồi mười lăm tuổi ở lại cho đến gần 10 năm sau mới thoát ra khỏi xứ sở. Tại sao người ở lại không phải là chị cả? Chị đã được ưu ái quá nhiều rồi mà?!!! Mẹ đã tốn cho chị quá nhiều rồi mà? Mười lăm tuổi nên có một lần xin được công bằng thôi mà? Không được hay sao? Và lẽ dĩ nhiên là không được rồi. Có lẽ trong gia đình chị không có chũ “hy sinh”. Ai mạnh nấy sống!!!! Chắc vậy!!!!
Mười năm là cả một hành trình dài cho chị thực hiện ước mơ. Mười lăm tuổi học để trở thành ông này bà kia dễ dàng hơn là 25 tuổi.
Trước mười lăm tuổi là một chuỗi những áp bức, đòn roi từ người chị cả mà chị phải âm thầm chịu đựng, không một lời ta thán vì than với ai đây khi mà người lớn phải tất bật kiếm cơm. …
Và rồi chuyến đi ấy thành. Chị cả của chị viết thư về khoe rằng nhờ tu hành nên được…trời thương. Ừ thì trời thương chị cả thiệt đi! Trời không thương nhỏ em 15 tuổi chắc? Rồi người tổ chức vượt biên lên thăm, người đó nhìn chị ái ngại và chọc:
-Chị là con nuôi!
Chị khóc ngất, khóc như chưa bao giờ được khóc dù chị biết rằng chị không phải là con nuôi, chị là con ruột vì cả 3 chị em đều có nét hao hao giống nhau. Từ đó trở đi chị bạn tôi nuôi một nỗi buồn sâu kín cả một cuộc đời vì mặc cảm là con nuôi. Chị ấy chưa bao giờ nói ra với ai cả, trừ tôi. Mỗi lần họp mặt gia đình là chị có cảm giác tách biệt hẳn thế giới của gia đình vì gia đình của chị không thuộc về chị. Tuy vậy chị cũng thương Mẹ chị lắm vì đó là người gần gũi với chị nhất, ít nhất là hơn 28 năm, trước khi chị theo tôi đi học xa nhà.
Tương lai của chị, đứa con nuôi bất đắc dĩ, bị gián đoạn 10 năm. Đó là lý do tại sao chị bạn tôi có đôi mắt buồn…xa thăm thẳm…Nỗi buồn không bao giờ nguôi.
Trong Mini-zoo, công lý thuộc về kẻ mạnh, sức mạnh thực sự hay sức manh đồng tiền đều như nhau.
Đã chỉnh sửa bởi Uất Kim Hương; 04-12-2009, 05:33 PM.
Tôi đã sống những năm dài đắng ngắt,
Đôi khi cười nhưng lòng dạ héo hon,
Sống vươn lên bằng tất cả linh hồn,
Bằng cố gắng không bao giờ ngừng nghỉ.
Cuộc đời trôi, trái tim tôi hoen rỉ,
Máu rỉ bầm như chất sắt thời gian.
Bóp nghẹt tim, lịm chết cả tâm can,
Khi tỉnh dậy, hơn nữa đời giông bão.
Đời dối gian cao vút tựa mây ngàn,
Người dối gian ngợi ca lời gian dối.
Lời gian dối giấu mình trong bóng tối,
Lời thật lòng khuất lẫn bóng mây che.
Con không còn ngày trở lại bên Me,
Được nói chuyện, nói những câu yêu thương nhất.
Đường con đi bây giờ đà khuất lấp.
Bằng chông gai, bằng gian dối tình người.
Biển Mẹ bao la, ôm con vào lòng, Con sóng nhỏ. Con sóng chạy quanh bờ, vui với Mẹ mỗi ngày qua… Lòng đại dương đâu ngờ nứt vỡ, Lôi xa bờ, Con sóng nhỏ Càng xa…
Sóng chới với, Sóng kêu trời, Sóng kêu Mẹ, mẹ ơi! Mẹ khắc khoải, Mẹ già nua, Mẹ không còn hơi sức. Tìm đâu ra Con sóng nhỏ Xa bờ….
Con sóng nhỏ Tan dần, tan dần Rồi biến mất. Xa Mẹ rồi, Con sóng nhỏ tan ra…
Mẹ ngồi dõi mắt xa xa, Trông đàn cháu nhỏ ở xa không về. Cách nhà năm phút lái xe Nữa tiếng đi bộ mà xa tê lòng!.... Mẹ ơi còn nhớ hay không? Đàn cháu chíu chít mỗi ngày đùa vui. Giờ này tụi nó đang chơi, Chưa chịu đi ngủ, cuối tuần thả ga. Thường thì Ông Ngoại hay la, Con nít phá quá, chạy ra chạy vào…
Lời bàn cho câu chuyện “Cô bé mồ côi bên hàng xóm”-Chuyện thật 100%
Ngày đó khoảng 20 năm về trước, có một người Anh ở TĐ, người đã từng chấm tử vi cho tôi. Cám ơn Anh đã chấm bản tử vi đó, chỉ đúng một phần mà thôi. Ngày đó mỗi lần nhắc đến một người, đó là bạn học cũ của Anh, tôi lúc nào cũng cười khẩy và nói những điều khó hiều. Chắc là Anh ngạc nhiên lắm hả? Khi đọc câu chuyện này thì Anh sẽ biết được lý do tại sao tôi không thích nói về “người đó”.
Ngày nay khoảng gần 2 năm nay, cũng có một bạn, dân TĐ, ở SJ này, nhỏ hơn tôi chừng 5-6 tuổi. Người này cũng biết được câu chuyện ngang trái của tôi với “người đó”, biết khoảng 50% câu chuyện. Sau khi đọc câu chuyện này rồi thì tự động người bạn này sẽ hiểu ra 100% chuyện thật đằng sau nỗi buồn của tôi. Bao nhiêu đó đủ rồi! Hù “người đó” bao nhiêu đó đủ rồi. Tôi sẽ để cho chuyện buồn này chìm vào quên lãng. Sơ sơ tôi đã thấy luật nhân quả hiện ra với chính bản thân “người đó” rồi: bệnh tật gần như là hiểm nghèo, vậy mà vẫn…ÁC. Người đó đã lo lắng, con cái học không giỏi, bị dính dáng đến luật pháp, đầu tư lỗ lã, chìm xuồng….. Điều đó đáng để cho tôi ngưng loạt bài viết này rồi. Tôi không cần là chiêm tinh gia, tôi chỉ nhìn vào việc làm của một con người trong quá khứ là tôi sẽ đoán được tương lai của người đó. Tôi thiết nghĩ không nên nói nhiều nữa, chuyện gì qua thì cho nó qua luôn đi. Còn tôi, “người đó” ơi, tôi khác, tôi vẫn ngồi ung dung tự tại và chống mắt coi nhân thế chuyển dời. Tôi có thể về…hưu non tại đây rồi đó “người đó” ơi! Tức không????
Nhớ nhớ, quên quên, bệnh của người, Quên đi chuyện cũ hỡi người ơi, Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, Qua rồi, một thoáng như mây trôi!
Mọi người sẽ không hiểu tôi đang nói gì đâu. Chỉ có “người đó” và hai người tôi vừa nêu trên thôi. Cả 2 người này cũng sẽ không nói gì luôn vì có một chút liên hệ…ân oán với “người đó”. Chìm xuồng luôn câu chuyện của tôi.
Comment