• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Nỗi nhớ bên trời

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Nỗi nhớ bên trời

    CỐ TÌNH!

    Vì lý do tế nhị tự xoá bài này.

    UKH
    Đã chỉnh sửa bởi Uất Kim Hương; 08-02-2010, 10:06 AM.
    Similar Threads

  • Những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời.

    Bà này là một người khá giàu và nổi tiếng, con dâu của hãng sơn Bạch Tuyết. Tôi còn nhớ người tổ chức vượt biên năm đó, tên là chú Oanh. Chú kể rằng vàng của bà ta đưa là vàng lá mà lá nào cũng bị bà ta dùng kéo cắt bớt một ít. Một cây của bà ta chỉ còn có tám chỉ. Đó, người giàu có chưa chắc đã thật thà, thật hay không là ở tấm lòng chứ không ở trong sự giàu và nghèo. Người ta thường hay nghi ngờ người nghèo nhưng với tôi, với kinh nghiệm của riêng tôi, những người bạn tốt nhất của tôi, kể cả bạn đời, là những người bạn tôi có được khi tôi còn nghèo khó.
    Sau này Ngoại tôi có gặp lại bà này đòi bà ta trả lại những cái lon sữa Guigoz cho Ngoại tôi để tiếp tục đựng đồ ăn đi thăm nuôi Mẹ tôi nhưng bà ta không trả.
    Nói thêm về bà ấy, bà ta bán nhà trước khi ra đi và đến tá túc tại nhà tôi một thời gian khá lâu trước khi ra đi mà Mẹ tôi không lấy một đồng nào cả. Mẹ tôi dành riêng một căn gác cho bà ta ở . Mỗi ngày bà ta thiền cả nữa tiếng đồng hồ rồi thì tụng kinh gõ mõ ì xèo... Vì là con nít nên tôi hay để ý những gì bà ta làm. Tu như bà ấy chắc sẽ được lên thiên đàng là cái chắc. Thiên đàng dành cho những kẻ ham...tu như bà ấy chứ không dành cho những kẻ ham...vui và ham bắt bẻ như tôi. Thật đó!
    Sau mười ngày ở tù, tôi được thả về. Tôi về lại trường để thi hết học kỳ hai năm đó. Kết quả thi cũng tàm tạm, tôi tin mình đã được lên lớp và tạm gác chuyện học hành sang tạm một bên.
    Lúc này đây, trong nhà chỉ còn lại được có một chỉ rưỡi vàng mà thôi. Trước khi ra đi, Mẹ của tôi có đem một cây vàng gởi một người quen nhờ giữ giùm để lo cho Ngoại tôi vì sợ Ngoại già lẩm cẩm không giữ được. Sau mười ngày tôi về, tôi và Ngoại xuống xin lại, người ta...không trả. Sao đời lại có lắm người tham lam đến vậy? Của người khác mà đang tâm ăn cướp, mà có thể ngẩng đầu lên để thở chung bầu không khí của mọi người, thế mới tài...Tôi bơ vơ, tôi hụt hẫng, tôi căm thù đời, tôi hận đời, và tôi học được quá nhiều bài học trong một thời gian quá ngắn...
    Lúc này đây, lúc mà tôi mất hết niềm tin vào con người, có một người bạn khác phái đến nhà thăm tôi mỗi ngày, có ngày vài lần. Lúc đầu tôi còn lịch sự nói chuyện, nhưng xui cho bạn ấy, tôi đang trong thời kỳ khủng hoảng nên một ngày đẹp trời tôi tuyên bố
    -Làm ơn đừng đến nữa được không? Tôi không có thời giờ để tiếp bạn và tôi sợ dị nghị khi không có Mẹ ở nhà mà con trai cứ ra ra vô vô...
    Tôi vô duyên đến mức làm cho bạn ấy giận không đội trời chung với tôi. Cho dù sau này tôi có gặp lại, có đôi lần tôi muốn mở lời xin lỗi nhưng bạn ấy cũng tránh tôi. Giờ ngồi nghĩ lại tôi vẫn còn tội nghiệp người ta.
    Mỗi lần thăm nuôi Mẹ tôi lúc đó, kể cả tiền xe, hết nữa chỉ vàng. Tôi bắt đầu lo sợ. Tôi viết thư xin Ba tôi. Và Ba tôi lập tức gởi quà về liền. Dạo đó phải hết mấy tháng thì quà Mỹ mới về đến Việt Nam. Tôi tạm an tâm để đi học lại. Tôi ghi danh học lớp luyện thi chung với rất nhiều bạn cùng trường năm đó...
    Đã chỉnh sửa bởi Uất Kim Hương; 08-01-2010, 02:06 AM.

    Comment


    • Trong trung tâm luyện thi năm ấy, có rất nhiều bạn học giỏi nổi tiếng của trường. Trong xóm tôi cũng có vài bạn nhưng tôi không quan tâm ai học giỏi dở cũng mặc...
      Và tôi cảm thấy mình hình như bị mất căn bản lớp mười một. Cả một năm học mười một, trong đầu tôi chỉ toàn là nghĩ đến chuyện ra đi nên không học hành gì cả. Thêm vào đó nỗi lo cơm áo gạo tiền của gia đình khi mà quà Mỹ chưa về kịp, thế là tôi lên đường đi...buôn. Tôi theo người quen ra Phan thiết đi buôn đậu, đường và than củi. Lần đầu tiên trong đời tôi đi buôn nên ngáo ộp dễ sợ. Tôi không biết mua hàng nên người quen mua gom giùm tôi và đón xe cho tôi. Đi buôn cực quá mà lời lãi thì không đáng là bao....Vừa đi buôn, vừa phải lo thăm nuôi Mẹ nên tôi không biết rằng tôi đã bỏ thi môn nữ công và phải thi lại. Năm đó trường tính điểm môn nữ công cộng với môn kỹ thuật chia đôi lấy trung bình cho nữ giới và nam giới thì chỉ cần điểm môn kỹ thuật là đủ. Vì ỷ y là dư điểm nên quên luôn. Đến ngày nhập học, thầy hiệu phó phê trong học bạ một câu làm tôi chết điếng "Ở lại lớp vì bỏ thi môn nữ công". Thiệt là quá đáng! Tuy học không xuất sắc nhưng đó là nỗi nhục lớn trong đời tôi. Bị ở lại lớp, nhục ơi là nhục nên tôi quyết định bỏ học. Không biết tâm trạng của người khác bỏ học ra sao, với tôi, buồn ghê lắm! Mỗi ngày tôi ra vô thẫn thờ, khóc, viết nhật ký, nghĩ đến chuyện chết....Tôi bị sốc thật sự! Lúc này đây, cũng may là tôi còn biết suy nghĩ. Tôi lo rằng nếu tôi chết thì ai sẽ lo cho em cho Ngoại và cho Mẹ....Tôi khóc nhiều lắm, tôi cũng uống gần nữa chai thuốc Phenergan si-rô trị ho, và rồi tôi vẫn không chết vì không đủ đô hay vì thuốc quốc doanh dỏm? Cả đêm lo sợ bị...chết, không dám ngủ. Sáng hôm sau thức dậy, hỏng sao hết! Sau lần đó tôi không dám làm chuyện tầm bậy nữa. Đó là kinh nghiệm cho riêng tôi và cho những bậc cha mẹ, nên để ý đến con lúc nó còn tuổi teen, nó rất dễ buồn và hay thích chết.

      Mỗi ngày, đến giờ đi học, nhìn qua ô cửa, thấy người ta đi học nườm nượp mà lòng tôi chết tan, chết nát. Tôi là đứa ham học, thiệt đó. Vậy là tôi đi học may. Tôi sớm biết lo, muốn kiếm cho mình một cái nghề để hậu thân. Trước đây, tôi là một đứa con gái vô cùng nóng tính, ngồi yên hằng giờ để may một cái áo, thì thà chết sướng hơn. Vậy mà vì muốn có một cái nghề, tôi đã chọn học may. Nghề này đã dạy cho tôi tính kiên nhẫn và chịu đựng. Từng mũi chỉ, đường kim, cắt, tháo mỗi ngày làm cho tôi điềm đạm hẳn ra, và trở nên ít nói. Vừa may vừa suy nghĩ chuyện đời, cũng hay hay.

      Khi hay tin năm đứa bạn lớp tôi, và nhỏ bạn thân của tôi đậu đại học là tâm hồn tôi tan nát thêm một lần nữa. Tôi khóc nhiều lắm và rồi tôi quyết định đi học lại. Tôi tìm ra thầy O. dạy toán, Thầy Phiệt dạy Lý và Thầy Thọ dạy Hóa, tôi đi học lại. Thầy O. là người Thầy tốt nhất trên đời mà tôi biết. Thầy cho tôi học bất cứ lớp nào mà Thầy mở ra và không phải đóng học phí vì biết tôi nghèo. Vì cảm nghĩa khí của Thầy mà tôi chịu học cho ra trò ra trống. Chính vì lẽ đó mà tôi vững những môn khoa học tự nhiên khi ra nước ngoài sau này.

      Comment


      • Nếu nói rằng lúc đó tôi nghèo thì cũng không đúng, gia đình tôi có tiếp tế từ Mỹ thì làm sao nghèo được. Nhưng lúc đó tôi còn quá nhỏ để biết xài tiền. Mỗi lần bán vàng hay đô-la là tôi lại sợ. Tôi sợ Mẹ tôi về sẽ la, sẽ...Nói tóm lại tôi lúc đó chưa có kinh nghiệm sống nên đụng gì cũng...sợ hết.

        Cách giáo dục quá khép kín và phong kiến của gia đình làm cho tôi thiệt thòi với đời nhiều hơn là được. Đồng ý rằng sự phong kiến bảo vệ sự trong trắng của đời con gái nhưng thiếu đi sự quyết đoán và mạnh mẽ trong giao tiếp mà đó là chìa khóa của sự thành công. Nó làm cho tôi yếu đuối nhiều hơn là mạnh mẽ, đụng một chút là sợ, hở một tí là sợ....

        Nói về Thầy O., Thầy là ân nhân của tôi, là thần tượng của tôi. Nếu không có thầy dạy dỗ như một người Cha thì tôi đã có lẽ không tiếp tục con đường học vấn. Trong đời có những mối lương duyên hội ngộ, nói thế nào nhỉ, số kiếp thì cuộc đời sẽ rẽ sang một hướng khác mất....

        Tại sao tôi lại không thi đại học ngày đó nhỉ? Sau khi muốn trở lại đi học, tôi vể trường rút học bạ để theo học bổ túc văn hóa. Cái lối học ở Việt Nam làm cản trở ý chí của nhiều con người. Với học lực lúc đó của tôi, tôi có thể đi thi đại học ngay nhưng mà tôi lại không có bằng tốt nghiệp cấp 3. Xin vô trường bổ túc văn hóa thì lại bắt tôi học lại lớp 11. Tôi học đựơc vài tháng là lại bỏ học vì quá nản. Ngày nào cũng điểm danh, cũng nghe giảng lại những điều mình đã biết...Tuổit trẻ háo thắng, tuổi trẻ của những khát vọng nhanh và mới mẽ đã lại đưa tôi vào con đường của sự chán nản và buông xuôi. Tôi lại bỏ học lần nữa. Không chỉ một lần mà nhiều lần tôi đã muốn đi học và rồi bỏ học đã làm cho ý chí của tôi cùn nhụt....Tôi lại bơ vơ, tôi lại lạc lõng bên cuộc đời mình...

        Tôi thích lối giáo dục phương Tây. Khi tôi cần, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể trở lại trường để hoàn tất chứng chỉ của mình. Cho văn bằng cử nhân, ở những trường nổi tiếng được công nhận mọi nơi trên thế giới, thì chỉ cần chăm chỉ, tự tin là ai cũng có thể lấy được, bất cứ ngành nào mình thích. Cho văn bằng thạc sĩ trở lên thì cần phải giỏi một chút, học lực phải từ khá trở lên. Dù sao đi nữa cách giáo dục như vậy cũng khá hay, nó không đẩy những con người trẻ đầy khát vọng như tôi đi vào ngõ cụt... Tôi mơ ước rằng Việt Nam một ngày nào đó sẽ khá hơn, sẽ có những đổi mới như Tây phương, biết tận dụng nhân tài ở bất cứ lứa tuổi nào....

        Comment


        • Lối giáo dục Tây phương rất công bằng. Ngày xưa trong tiềm thức tôi vẫn còn nhớ khi còn đi học, đứa nào mặt mũi sáng sủa, ăn mặc đẹp đẽ, con nhà giàu là được Thầy Cô giáo thương hơn. Con người mà, thoát làm sao khỏi sự thiên vị???? Nếu ai đó nói rằng không thiên vị thì tôi hoàn toàn không tin. Người mà chứ có phải thần thánh đâu! Nếu là đứa học trò con nhà giàu, sáng sủa thì sẽ không là trưởng lớp, trưởng này, trưởng kia thì cũng được ưu ái hơn những đứa khác. Những đứa còn lại sẽ ôm một mặc cảm tự ti suốt cuộc đời. Nếu đứa bé ấy là một đứa bé biết suy tư từ lúc còn nhỏ thì càng tội cho nó hơn nữa, nó sẽ mang mặc cảm đi suốt cuộc đời.

          Trong gia đình, nếu có hơn một con thì tôi cầu xin những bậc gọi là cha mẹ xin hãy đừng thiên vị đứa này đứa kia, đứa khôn đứa dại, đứa xấu đứa đẹp… Con cái khi sinh ra đời nó không có quyền chọn lựa cha mẹ. Nó đâu có muốn ra đời, ai đã sinh ra nó? Nó có muốn không? Tụi nó sinh ra sao là phải chịu vậy và nó không có quyền, nói sao đây nhỉ “con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”….Nghèo khó không thì không sao chứ đừng nên đánh mất lương tâm của mình. Nếu ghét đứa nào thì khi nó còn nhỏ, khi nó bị bịnh thì cho nó chết khuất đi cho rồi, đừng cho nó uống thuốc chi cho mệt. Hoặc là cho nó đi làm con nuôi người ta, ném nó ra đường cho nó mồ côi thiệt còn hơn là để nó mồ côi trong chính gia đình của nó. Tôi đã từng nghe nói rằng, thằng A, con B khi sinh ra đời là đã được dự định cho đi du học vì mặt mũ khôi ngô tuấn tú…, được ưu đãi, ưu tiên…, còn con C thằng D thì sao? Nó không phải là con chắc? Rồi kết quả thế nào sau mấy chục năm? C và D lại là những đứa con bị hắt hủi, bị con thường lại học cao hơn, thành công hơn hết thảy những đứa đã được dự định trong đầu của Cha, Mẹ. Vậy thì công bằng ở đâu? Gia đình là một xã hội thu nhỏ mà không công bằng thì trách sao xã hội có công bằng cho được. Tóm lại tất cả đổ hết cho số phần hay sao? Mà có lẽ số phận làm nên tất cả thiệt. Không tin, riết rồi cũng phải tin.

          Nếu trong trường học ngoài xã hội đã nhiều bất công mà các bậc cha mẹ đã nhìn thấy được thì phải tránh cho con mình bị thêm bất công nữa trong gia đình...Bởi vì bị áp đảo nhiều quá, đứa nhỏ sẽ dễ tin rằng đời là vậy đó, nó sẽ mất đi ý chí và nhìn đời sai lạc.

          Ở Tây phương thì không như vậy. Ở nơi đây, ngay từ lớp Một, mỗi đứa học sinh, dù là giỏi hay dở, hay cá biệt hay không cũng đều được bắt thăm chọn để làm “leader”, giống như là trưởng lớp thay phiên nhau mỗi đứa một tuần. Không bị kỳ thị, đứa nào cũng được Cô hoặc Thầy giáo khuyến khích nói và hoạt động trong môi trường dân chủ. Chính vì lý do đó con nít ở đây, tụi nó rất tự tin, đi ra ngoài, đứng trước đám đông nói chuyện tụi nó không e dè và sợ sệt như tôi ngày xưa. Cái e dè và sợ sệt một khi hình thành như tính cách con người rất khó xóa bỏ. Phải mất một thời gian khá lâu, lâu lắm tôi mới có thể hội nhập vào thế giới mới sau khi đến trời Tây. Tự tin sẽ dễ dàng xin việc, sẽ dễ dàng kiếm ra tiền nuôi sống bản thân, dễ dàng sống độc lập không cần nhờ vả ai cả.
          Đã chỉnh sửa bởi Uất Kim Hương; 15-01-2010, 05:15 PM.

          Comment


          • Khi con viết ra tâm sự của mình, con không hề muốn buộc tội Ba Mẹ. Con chỉ muốn rằng sẽ có hơn một đứa trẻ nữa trong cuộc đời này sẽ không bị thiệt thòi nữa mà thôi. Con biết rằng sẽ có một người nào đó đọc được tâm sự của một đứa trẻ được viết ra khi nó đã già và hiểu đời nhiều rồi, sẽ hiểu được lòng con trẻ mà có cư xử đúng với nó. Ba Mẹ lúc nào cũng là Ba Mẹ của con, cả cuộc đời này con phải tôn thờ, tôn trọng và không được cãi lời… Đó là giáo huấn nho học! Đúng, và Ba Mẹ ơi, Ba Mẹ đã tạo ra một thế hệ nho học như thế nào trong gia đình mình? Một bên lúc nào cũng nghĩ rằng mình có làm gì thì cũng luôn luôn đúng và một bên thì luôn luôn phải phục tùng và luôn luôn sai cho dù nó có đúng mười mươi đi chăng nữa. Đó là “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”…Và dù rằng Phụ Mẫu là Cha Mẹ bị xúc xiểm, bị tiểu nhân đưa đường dẫn lối cũng vẫn luôn luôn đúng???? Khi con mở miệng lúc nào Ba Mẹ cũng cho là con sai, là con bị “khùng”…Ba Mẹ có biết rằng khi ra ngoài xã hội, dù rằng ngoại quốc, người có chức vụ lớn hơn con họ cũng lắng nghe con nói và đôi lần còn khen ngợi, lên lương, thăng chức cho con…Vậy thì con đúng hay con sai???? Những sáng kiến của con đã đưa hãng của chị đi lên là đúng hay sai???? Nếu không có con thì cái hãng đó sẽ ra sao??? Cái ngày con gia nhập thì nó như thế nào??? Cái ngày con rời xa thì nó như thế nào??? Nếu không có con thì chị có ngày hôm nay không??? Rồi thì tai tiếng Ba Mẹ cố tình đổ hết lên mình con là sai hay đúng??? Tại sao Ba Mẹ không ngồi nhìn lại những gì đã làm với con và những gì con đã từng làm cho Ba Mẹ???

            Ở xứ só tự do, khi cần mình có thể nhờ luật pháp xét xử mà, phải không? À mà con quên mất, nơi đây có tiền là có tất cả, con kiến có thể đi kiện củ khoai, mà vẫn thắng. Đó là trường hợp của CỌP hại em của con. Con là đứa bị hại sau nó. Khi con bị hại rồi thì con mới hiểu ra thế nào là nỗi đau đớn và oan trái mà em con đã bị. Biết, mà Ba Mẹ không ngăn cản mà còn khuyến khích? Tại sao??? Giờ thì con đã biết tại sao rồi. Tất cả chỉ vì TIỀN. Chính tai con nghe CỌP nói sẽ chia cho Mẹ 1/3 số tiền thắng kiện nhỏ em con mà. Tại sao lúc đó con lại mù quáng nghe lời CỌP thế nhỉ? CỌP quả là lợi hại!!! Đồng tiền có thể mua được suy nghĩ của con người
            , trái tim con người. Nhưng Ba Mẹ quên mất một điều là "Thiên bất dung gian đảng". Một ngày nào đó, con tin, sẽ có sự quả báo. Con tin rằng Cọp sẽ bị lãnh hậu quả. Con chỉ cầu xin Trời cao đừng đụng đến Ba Mẹ mà thôi.

            Con chỉ xin, khi nóng nảy nhất thời thì đừng nên làm gì cả. Ba Mẹ hãy ngồi suy nghĩ lại cho kỹ trước khi hành động. Nhất là khi hành động đó có ảnh hưởng sâu đậm đến tương lai con cái của mình. Trong trường hợp của con thì chuyện của Ba Mẹ làm ảnh hưởng đến đời cháu của Ba Mẹ nữa. Đã trễ rồi, trễ hết rồi, mũi tên bắn đi thì không bao giờ níu lại được…Bát nước đổ đi thì khó mà hốt lại cho đầy. Đứa con bị Ba Mẹ cố tình “giết” đã thật sự chết. Đã có rất nhiều lần trong đời con bị Ba Mẹ đối xử bất công, đánh đập…nhưng con vẫn trở về, vẫn đưa cái bản mặt lì ra để nói và cười với Ba Mẹ dù rằng đôi khi cười nhưng lòng con vẫn khóc, bởi vì lúc đó con còn…sống. Con hỏi anh chị em mình có bao giờ nghe được lời xin lỗi từ Ba Mẹ chưa? Hầu như ai cũng nghe, trừ con. Chỉ bởi vì con chưa bao giờ chấp nhất hơn thua với Ba Mẹ cả, nên Ba Mẹ coi thường con…Con luôn trở về nhà sau đó một vài ngày và cố quên đi lỗi lầm từ người khác. Với con, gia đình là trên hết.
            cont...
            Đã chỉnh sửa bởi Uất Kim Hương; 18-01-2010, 08:47 PM.

            Comment


            • Đàn ông nghĩ gì sau những cuộc…Nam tiến?

              Đàn ông nghĩ gì sau những cuộc…Nam tiến?

              Sau khi phỏng vấn và đúc kết kinh nghiệm từ những người vợ bị chồng cắm sùng sau những cuộc…Nam tiến, tôi thật sự ngạc nhiên, con số đàn ông bỏ vợ rất cao, cao hơn những gì tôi suy nghĩ.
              Là bởi vì sao? Nhiều nhiều nhiều những nguyên nhân thoạt mới nghe qua ai cũng phải bật cười nhưng mà đáng suy gẫm. Đây là câu chuyện đúc kết từ mấy bà đã mất chồng, không phải của tôi.

              Gái miền Nam nhiều quá, rất nhiều những em thuộc loại trẻ người non dạ nhưng sẵn lòng ưng đại bất cứ một ông nào dù rằng thuộc hàng cha ông của mình chỉ để mong một cái vé hợp pháp ra đi. Ra đi để thoát khỏi cảnh nghèo. Nói là nghèo cũng không đúng. Tụi nó ăn diện se sua, áo quần mắc tiền hàng hiệu, nhảy đầm điệu nghệ như điên, bia bọt uống như đổ vô thùng trống…vậy mà mấy ông vẫn nhắm mắt lao vào. Ở bên đây, cả ông cả bà ngày ngày đi cày, cuối tuần được nghỉ 2 bữa thì chia nhau người dọn dẹp nhà cửa, kẻ đi chợ nấu ăn...Thì giờ dành cho nhau không nhiều. Vợ mình thì không có hơ hớ bằng mấy em gà móng đỏ. Dù cho vợ mình có hơ hớ xuân xanh đi chăng nữa nhưng cũng không biết cách cười…hơ hớ vô duyên như mấy em cho được. Chẳng lẽ mỗi lần ông ăn uống no say, lè nhè nói bậy nói bạ là vợ của mấy ông phải cười, phải nói, phải nâng, phải đỡ, phải dịu dàng… như tụi gà móng đỏ được hay sao? Ông chưa bị bà cho ngủ ở ngoài nhà để xe là may lắm rồi. Gặp được vài tuần nghỉ phép, ông bay về phương Nam nghỉ ngơi. Rất nhiều bà đi theo để canh chừng mấy ông nhưng đàn ông thật là tinh ranh. Trong nghệ thuật…phản bội, đàn ông là…vua lừa. Chối bay chối biến là…nghề của ông.

              Tôi có một chị bạn, sau khi làm một cuộc Nam tiến chung với ông chồng trở về thì trở thành…bợm nhậu, dù rằng trước đó chị không hề biết đến một giọt bia rượu trong đời. Ông chồng của chị kết mô-đen ngay đứa…cháu vợ. Thà rằng kết đứa em vợ thì còn gỡ gạc mặt mũi cho chị ấy, đằng này ổng lại chịu con cháu vợ hơ hớ 18 cái xuân xanh cho nó…độc chiêu. Một bữa đang gần cuối giờ làm trong ngày, ổng gọi phone về nhà dặn vợ hôm nay về hơi trễ, vì đang bận tay nên chị chỉ bật speaker phone để nghe. Không biết tổ trác thế nào mà ổng gác phone không kỹ. Vài phút sau bà vợ nghe trong speaker phone tiếng của ông chồng đang nũng nịu ngọt ngào với ai đó rồi còn hứa gởi tiền về cho cô em nữa. Ông chồng…ăn vụng trên phone cả tiếng đồng hồ. Bên này phone bà vợ buông bỏ hết ngồi vừa khóc vừa nghe cũng bằng ấy thời gian. Bà mãi đau đớn mà quên khuấy chuyện thâu lại lời ổng nói. Khi tối về, bà vừa khóc vừa hạch hỏi thì ông chối bay chối biến, chối không còn một…sợi sự thật nào nữa. Từ đó trở đi, chị bạn tôi như người mất hồn, cái nữa trời cho, cái khung xương sườn của chị ấy bị bệnh còn nặng hơn…ung thư nữa…Sống mà mất niềm tin vào cái nữa của mình thì khác nào đã chết. Thế là chị ta trở thành bơm nhậu từ lúc đó. Nhậu bất cứ khi nào rảnh, cho quên đời, dù rằng tôi có khuyên can nhiều nhưng cũng vô ích. Gia đình chị ta vẫn chưa đổ vỡ nhưng tôi tin, tiền của ổng đã một phần…Nam tiến để xây tạm cái…lâu đài trên cát cho cô cháu vợ bé nhỏ ngây thơ vô…số tội, như lời thanh minh của ông chồng của chị bạn xấu số của tôi. Chuyện đổ vỡ chỉ còn tính từng ngày mà thôi.

              Còn một câu chuyện khác cực kỳ, cực kỳ hấp dẫn hơn nữa. Một ông trên 65 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời và cũng đã hết làm ăn gì được nữa rồi. Đang hưởng tiền già và tiền hanđicap của chính phủ vì ông ta bị tật một chân. Một ngày bà vợ ông ấy bị ung thư gan chết đi. Chừng tuần sau, khi mồ vợ chưa xanh cỏ, ổng mua vé…Nam tiến. Về đến quê nhà, việc đầu tiên là ổng tìm về nhà bạn gái của ổng ngày xưa để…than thân trách phận với bả. Bà này ngày xưa là gái Huế cũng…đẹp nghiêng nước nghiêng…thùng như lời ổng kể nhưng bây giò thì nhìn không vô nữa rồi. Nhìn ngang qua cô em gái của bả. Ố ồ Nhàn đấy sao? Ngày xưa em là cánh nhạn đưa thư cho anh chị đây sao? Cũng còn mướt mắt quá chứ, mới vừa năm mấy cái xuân xanh, đào còn tơ hơ hớ, thế là ông chịu…đèn ngay. Ông đưa tiền cho cô em đi mua tôm hùm, đồ biển về nấu cho ông ăn. Cô em bóc vỏ tôm, rồi đút cho ông ăn, vừa ăn vừa dỗ “mum…mum” như là con nít. Ông già khoái chí quá về lại bên này kể cho mọi người nghe câu chuyện “mum…mum” của ổng, vừa kể vừa cười híp con mắt. Ổng còn kể tội bà xã trong mồ của ổng là hồi bả còn sống chưa bao giờ bả bóc tôm cho tôi ăn, vậy mà bà mới bả làm đó. Nghe xong tôi tức còn hơn bị…bò đá. Bà xã của ổng bao năm lăn lộn nuôi con, nuôi chồng cải tạo. Khổ cực trăm bề, đưa được cái xác ổng qua đây là may đời cho ổng thì còn hơi sức đâu mà “mum…mum” với ổng nữa. Vậy đó, đàn ông là chúa hay quên. Quên đi những cái tốt mà người vợ một thời đầu gối tay ấp đã làm cho mình, chỉ nhớ đến những cái gì mới mẻ hấp dẫn mà thôi. Điều tôi muốn nói ở đây là tội cho bà vợ ổng, mồ chưa xanh cỏ, hồn còn vương vất đâu đây mà ổng đã bỏ một cái…phẹt. Tồi, ông ta là loại đàn ông tồi. Rồi trời cao cũng có mắt. Ổng bảo lãnh bà mới qua. Ổng đâu có được ngồi yên để mà hưởng tiền già, tiền handicap đâu, nhiêu đó đâu có đủ cho bả tiêu xài. Ông ta phải thức khuya dậy sớm bỏ báo, chiều đến làm thêm cái job đưa cơm tháng nữa. Cày hơn trâu. Lúc này tôi không biết ông ta còn hơi sức để mà “mum…mum” với bà vợ mới không nữa. Thật đáng đời cho ông ta. Sướng không muốn, muốn vác cày vào thân ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, đã vậy còn bị con cháu cách ly chối bỏ.
              Đã chỉnh sửa bởi Uất Kim Hương; 20-01-2010, 09:55 AM.

              Comment


              • Đàn ông nghĩ gì sau những cuộc…Nam tiến?

                Cụ Tú Xương ngày xưa tuy không giúp đỡ tay chân gì được cho vợ nhưng Cụ cũng còn biết…nịnh Bà. Nghe một lời nói mát gan, mát ruột thì có cày cả…đời, chết cũng…an tâm
                “Quanh năm buôn bán ở mom sông,
                Nuôi đủ năm con với một chồng.
                Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
                Eo sèo mặt nước lúc đò đông.
                Một duyên hai nợ âu đành phận,
                Năm nắng mười mưa dám quản công.
                Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
                Có chồng hờ hững cũng như không.”

                Hay là tại Cụ Tú mất sớm khi chưa đến tuổi hồi xuân ấy nhỉ? Dám lắm à! Nếu Trời cho Cụ sống thêm mươi mười năm nữa thì thế nào Cụ cũng bắt chước Cụ Nguyễn Công Trứ làm thơ cho…hậu duệ lắm à:
                “Năm mươi năm trước anh mười tám”
                Dù sao năm mươi năm trước anh cũng còn trẻ chán, mới mười tám tuổi trẻ hơn Cụ Trứ, “Năm mươi năm trước hăm ba” cơ đấy!
                Tin đàn ông thì có mà “bắc thang lên hỏi ông Trời”…

                Thêm một câu chuyện mới và cũng là câu chuyện cuối trong thiên tình sử bỏ…vợ của quý ông. Chuyện này còn động trời hơn hai câu chuyện trước nữa. Người ngoài nghe xong tức anh ách. Tôi không quen nhân vật chính nhưng chỉ được nghe kể lại nên xin miễn có lời bình vì không xác đinh được sự chính xác của câu chuyện 100%.

                Một ông nọ gần sáu mươi tuổi, sau một chuyến xuôi Nam về cùng bà xã. Không biết bà vợ ổng hở ổng ra bao nhiêu phút, bao nhiêu giờ. Sau khi về lại tổ ấm, ổng giở chứng hay gây. Rồi ổng đòi ly dị chia đôi tài sản. Bà và mấy đứa con khóc lóc, năn nỉ ỉ ôi hoài không được. Cuối cùng sau mấy năm thì chuyện ly dị cũng xuôi chèo mát mái. Ông yên tâm ẳm mấy trăm ngàn từ một nữa của căn nhà, tiền do bà vợ và mấy đứa con gom góp lại để mua đứt phần nhà của ổng cho bà mẹ còn có chốn nương thân. Ông này khôn thật khôn, biêt tuổi mình cũng không còn trẻ nữa nên ổng thu xếp Nam tiến, về với một em mà ổng quen từ lần về trước….Chuyện ổng làm gì ở miền Nam thì chỉ có…Trời mới biết. Hai năm sau, một ngày đẹp trời, bà nghe ai bấm chuông, ra mở cửa thì té ra là…cố nhân. Trời ạ, ổng bây giờ sao thảm quá, xơ xác, tả tơi…Ổng xin bà vợ cho trú tạm trong cái nhà để xe, bà không chịu. Ổng cứ lì khiêng hành lý bỏ vào nhà xe. Bà giận quá đóng cửa cấm chỉ ổng từ nhà xe bước lên nhà chính. Mỗi ngày, thương tình bà mở cửa đưa cơm cho ổng để ổng khỏi chết…đói. Rồi thì phụ nữ lại nhẹ dạ tiếp. Được đâu chừng vài tháng, không biết ổng dụ khị thế nào mà một ngày kia, ổng chễm chệ ngồi coi TV trong bộ ghế quen thuộc của gia đình. Đàn ông ghê lắm, khi đã đặt được một chân vào nhà rồi thì cái chân thứ hai cũng…bước vào theo.

                Chuyện thiên hạ nói nhiều chỉ tổ mệt hơi. Nhưng, kinh nghiệm rút ra là gì? Không cho mấy ông xuôi Nam nữa. Nếu muốn hưởng không khí nhiệt đới ấm áp, cho mấy ổng đi Hawaii. Ở đó, nếu mấy ồng muốn rửa…mắt thì tha hồ. Mấy em ở đó không biết dụ khị mấy ồng như là mấy em gà…móng đỏ miền Nam. Thôi rồi, mộng về hưu non của tôi sau khi con cái thành tài ỏ quê hương tan tành theo mây khói. Tránh trước hậu họa dù sao cũng tốt hơn là để bịnh rồi thì khó…chữa. Ông yên tâm ở với tui, tui lo cho ông đến già. Muốn ăn cháo hành cháo hẹ gì cũng được. Ham ăn cháo…gà, có ngày…

                UKH
                Jan 20, 2010
                Viết để giài tỏa uất ức giùm cho bạn tôi, "bợm nhậu" Nguyệt Cầm.

                Comment


                • Duyên phận.

                  Chín tháng mười ba ngày!

                  Bạn thường nói phải gọi tôi bằng chị,
                  Tôi hơn ông hẳn chín tháng mười ngày,
                  Ngày tôi sinh ông chỉ mới tượng hình,
                  Còn nhỏ xíu, cũng đòi bày đặt.
                  Tôi thường nghĩ mình là người may mắn,
                  Được sinh ra ngay ngày chúa giáng trần.
                  Nên ngày sinh, tôi chẳng dám giấu ai
                  Ngày quen bạn tôi nói ngay cho bạn biết
                  “Chín tháng mười ba ngày, gọi tôi bằng chị”
                  (Ôi! Thần khẩu hại xác phàm)
                  Nếu một mai tôi chết Thượng đế hỏi vì sao mặt tôi buồn
                  Tôi sẽ nói: “Chín tháng mười ba ngày, gọi tôi bằng chị!”
                  TN

                  Anh tặng tôi ngày mới quen khi còn đi học tại De Anza College gần hai mươi năm trước. Đây là bài thơ duy nhất, nhận được từ anh. Bài thơ nên duyên phận!

                  Ngày đó, đang ngồi học trong thư viện, anh đến cạnh khều tôi và đưa tờ giấy. Đọc xong tôi bật cười như nắc nẻ, không nhịn được. Tôi viết ngay một chữ “ĐÚNG” to tổ chảng bên cạnh bài thơ. Lúc đó tôi không còn nhỏ mà cũng không lớn, không nghĩ đến chuyện có bạn cho vui. Đi đi về về chỉ lủi thủi một mình ên.

                  Cuộc sống tha hương buồn nhiều hơn vui nên chúng tôi quen nhau. Quen chỉ để cùng học chung, nói chuyện, chia xẻ và đồng cảm. Vậy thôi!

                  Ngày anh chuyển trường đi học xa, cách nhà ba tiếng lái xe, anh biểu tôi chờ ba năm nha, tôi bật cười khanh khách, không nghĩ rằng chuyện quen nhau trong trường là thật. Cứ nghĩ rằng rồi cũng sẽ như lần trước mà thôi. Cũng may, nhờ giữ liên lạc với nhau bằng phone mỗi ngày nên cuối cùng cũng…quen. Tôi nhận ra một điều rằng sống là phải có bạn, không có bạn cuộc sống sẽ cô đơn lắm. Đồng ý rằng gia đình có thể chia sẽ với mình những chuyện khúc mắc, nhưng có những thứ mà không ai ngoài bạn có thể chia sẽ với mình được. Ngay cả người bạn đời của mình, có những nỗi buồn hoặc uất ức không thể nói với anh ấy…

                  Trước đây vì cuộc sống tất bật, tôi không có thì giờ để tìm lại và liên lạc với những người bạn ngày xưa nên mỗi lúc buồn hay bế tắc, tôi hay nghĩ đến những chuyện làm dại dột. Nay, tôi đã tìm ra được khá nhiều bạn ngày còn đi học rồi, nên có lẽ sẽ khác. Tôi không cần tâm sự với ai cả, nhưng mỗi lần gọi phone hoặc gặp lại bạn bè ngày đó, chúng tôi nhắc lại kỷ niệm, tôi như sống lại những ngày xưa thân ái, tìm lại được nụ cười thoải mái đã đánh mất mấy chục năm nay. Giờ đây tôi mới hiểu bạn là quan trọng như thế nào trong cuộc sống của tôi. Đó là lý do con người nguyên thủy tìm đến cuộc sống bầy đàn để chia sẻ tình cảm đó mà.

                  Có nhũng chuyện không thể chia sẽ được với ai, tôi viết và viết…Rồi vài ngày sau tôi đọc lại tự mình mình, như là đang tâm sự với một người nào đó, cũng là một cách cho tôi giải quyết nỗi uất ức. Viết là một người bạn ảo của tôi. Người bạn ảo đó không biết tôi là ai, không cùng khóc với tôi…nhưng nỗi đau đó đã được hiểu bởi trái tim người bạn ảo…

                  Từ khoảng hơn một năm nay, tôi đã ôn về kỷ niệm khá nhiều, đi tìm lại những người đã từng là bạn của tôi, lâu cũng như mau. Tôi chỉ muốn gặp lại họ, nếu tôi có lỗi, tôi sẽ xin lỗi họ, còn nếu không thì chỉ là ăn uống với nhau một bữa, cười với nhau một bữa, rồi thôi. Tôi không còn mắc nợ nhiều người nữa, trừ những người mà tôi cố tìm nhưng vẫn còn không có dịp gặp lại mà thôi. Gặp cũng chỉ để biết người ta vui hay buồn, hạnh phúc hay đau khổ, chia sẽ vài câu an ủi…Nếu tận thế thì tôi cũng không ân hận gì nhiều…

                  Tết năm nay tôi hứa với mình là sẽ không khóc để cho cả năm sẽ vui vẻ. Hứa nhé!

                  UKH
                  Jan 29, 2010

                  Comment


                  • Đoạn kết.

                    Ngày ấy cứ mỗi lần ăn Tết xong là lại tới mùa vượt biên. Dù là đang đi học thêm tôi cũng bỏ hết để nghĩ đến chuyện ra đi mà thôi.

                    Lúc Mẹ tôi còn ở trong tù, tôi ở ngoài này được người tổ chức đưa đi thêm nhiều lần nữa. Nhiều đến nỗi tôi không nhớ hết là bao nhiêu. Tôi cứ ăn dầm nằm dề ỏ Bà rịa để chờ chuyến đi. Một lần, đêm đó có chuyến đi, vì tôi mới xuống buổi sáng nên tôi không kịp về lôi thằng em đi cùng. Tôi không muốn nó nghỉ học như tôi. Lần này tôi đi một mình, còn đang trên bãi sình thì tôi bị bắt và lại ở tù lần nữa. Kỳ này tôi bị tù hết sáu ngày. Khi về thằng em tôi, lúc đó đâu khoảng mười một, mười hai tuổi, nó khóc quá chừng. Nó nói tôi:
                    -Chị nghĩ thế nào mà bỏ em và Ngoại ở lại, trong khi Má lại đang ở tù?
                    Nghe vậy tôi buồn quá chừng luôn! Không biết lúc đó tôi nghĩ gì nữa, con nít mà. Tôi chỉ nghĩ duy nhất một điều là phải ra đi, ra đi thì mới có tương lai. Ra đi mới có thể tiếp tục đi học lại…Nhiều thứ quá, tôi không còn nhớ chính xác nữa…
                    Một lần đang ngồi giặt đồ thì em nói với tôi:
                    -Chị ơi sau này chị đừng lấy chồng để em lấy vợ em nuôi chị.
                    Nghe xong tôi bật cười khanh khách.
                    -Mày khôn quá ha!
                    Lời nói của em làm tôi suy nghĩ nhiều lắm! Nó sợ tôi bỏ nó ra đi nữa, nó còn quá nhỏ nên nó có cái lo lắng của riêng nó. Cũng có thể đó là suy nghĩ thiệt lòng của nó, nó không muốn tôi quen ai trong lúc đó…Thằng em tôi là đứa em mà tôi thương nhất. Nó là con cọp nhỏ nhất trong nhà tôi. Ngay từ lúc lên tôi chín tôi đã săn sóc nó, khi đó nó mới lên 2 tuổi. Lúc này giải phóng mới xong năm 1976, tôi phải nghỉ học để ở nhà nấu cơm, coi em cho mọi người đi làm, đi học hết. Vì thế cho nên tình thương tôi dành cho nó nhiều hơn tất cả những anh chị em khác trong gia đình. Dù cho sau này có nhiều lần nó làm cho tôi đau khổ, tôi cũng tha thứ hết cho nó. Nhưng với người khác thì không, tôi không tha thứ. Tình cảm nó lạ lắm, không giống như việc trao đổi, mua bán. Lạ thật! Nó là người duy nhất có thể minh oan cho tôi, nhưng vì nó hèn yếu nên nó đã giữ im lặng, mũ ni che tai. Nó sợ bị ảnh hưởng đến công việc nó đang làm, đến gia đình bé nhỏ của nó…Thôi kệ, dù gì nó cũng là em tôi, đôi khi tôi thương nó như con nữa vì như đã nói, nó gắn bó với tôi lâu nhất, cho đến ngày tôi đi lấy chồng. Tôi có nợ với thằng em này từ tiền kiếp….

                    Chuyện học hành của tôi có nhiều khúc quanh trong đời. Bắt đầu đi học là vào thẳng lớp Ba, học sớm hơn tuổi một năm, nghỉ học năm lớp Năm, sau đó được cho đi học lại nên vừa đúng tuổi. Nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao ngay từ nhỏ tôi đã bị phân biệt đối xử. Lúc còn nhỏ, tôi không biết gì cả thì không sao, nhưng khi càng lớn, năm 15 tuổi, bắt đầu biết suy nghĩ thì tôi lại càng biết buồn. Cả 5 anh chị em khác không có một người nào bị đối xử như tôi. Chỉ khi nào tất cả đã yên bề thì lúc đó Ba Mẹ mới nghĩ đến tôi. Tôi lúc nhỏ, rất ít nói, không biết nũng nịu, nhõng nhẽo, có lẽ vậy. Khi lớn lên lại thích sống độc lập. Cái gì anh trai mình làm được như sửa vá xe đạp, điện nước, leo trèo...là tôi cũng làm được. Khi Ba tôi sửa điện là gọi tôi vào để chỉ bảo mà không là anh chị em khác!?!? Tôi không biết yểu điệu thục nữ như những người con gái khác, dù rằng nhìn bề ngoài tôi rất là nữ tính. Nếu ai nói chuyện với tôi một vài lần là thích ngay lối nói chuyện và bề ngoài nhiều nữ tính của tôi. Nhưng trong tâm hồn, tôi mang đầy nam tính, gai góc, thế mới lạ! Tôi thích sự độc lập, không ỷ y, lệ thuộc vào bất kỳ ai. Nói vâỵ cũng không đúng nữa, tôi yếu đuối nhưng cố tạo ra cho mình một cái vỏ bọc mạnh mẽ bởi vì nếu không, làm sao có thể sống và tồn tại ngay từ trong gia đình được. Là con gái có cần như thế không nhỉ?

                    Bẵng đi một thời gian, sau 22 tháng ở tù, Mẹ tôi được tha về….
                    Khá lâu sau đó, tôi lại có bạn trai một lần nữa. Lần này được Mẹ tôi cho phép. Sau này cũng được Ba tôi đồng ý khi qua đến Mỹ. Nếu tôi muốn trở về thì mọi người đều đồng ý, trừ tôi. Hình như tôi quá ích kỷ, quá thủ thân cho nên tôi chưa bao giờ có cảm nhận về tình yêu thì phải. Câu chuyện lần thứ hai này của tôi, tôi đã kể một lần đâu đó rồi, tôi không muốn kể lại nữa đâu. Cũng lắm vui buồn, vui nhiều hơn buồn vì người ta biết chìu chuộng tôi, nhưng tôi không có cảm giác gì cả. Hình như chỉ khi mất rồi tôi mới có cảm giác hối hận thì phải. Hình như là vậy.

                    Chỉ có lần cuối cùng, người mà tôi quyết định lập gia đình chung là tôi thương thật sự. Dù rằng lúc đầu bị gia đình chống đối, nhưng sau gần sáu năm quen nhau, chúng tôi cũng được gia đình tôi chấp thuận. Trong cuộc đời mình tôi nghiệm ra một điều, tất cả đều là duyên số. Người bạn đời của tôi là người bạn mà tôi quen khi còn gian khổ. Anh là người đã vực tôi dậy nhiều lần, khi tôi cảm thấy chán nản cuộc sống bon chen bề bộn. Tôi lập gia đình rất trễ so với anh chị em mình, năm 32 tuổi dù răng có nhiều cơ hội, nhiều người rất nổi bật, có thể đem lại cuộc sống vật chất tiền tài ngay cho tôi nhưng tôi từ chối tất cả. Tôi muốn có sự nghiệp của riêng mình trước khi thành gia thất. Tôi quan niệm rất lạ, nếu không có sự nghiệp riêng lỡ có chuyện gì thì làm sao lo cho con, lại phải kiếm một người khác để nương tựa nữa hay sao? Không, tôi không muốn! Nếu vì một lý do nào đó bị gãy đổ, tôi phải đứng tự mình mình như xương rồng gai góc, mà bước tiếp. Bước đi sau phải vững vàng hơn bước đi trước...Hơi cổ trong quan niệm sống, một lần lấy chồng mà thôi, nên phải lựa thiệt kỹ...

                    Vậy nhưng như tôi đã nói, có những chuyện tôi không thể nói với chồng tôi được. Uất ức, bị ăn hiếp, chuyện làm ăn…một mình tôi phải tự gồng mình chống chọi. Tôi cảm thấy rất mệt mỏi vì mình đã có tham vọng quá lớn. Tham vọng của tôi xuất phát từ những mối hận lòng từ khi còn nhỏ, từ khi bắt đầu lớn và khi đã nữa đời người.

                    Và rồi bây giờ tham vọng của tôi đã teo lại tí tí, nhưng khi ngồi ngẫm lại tôi vẫn còn ôm nhiều tham vọng quá. Nếu tôi biết quên hết thì có lẽ đời tôi sẽ dễ dàng hơn rồi. Đời tôi sẽ nhẹ nhàng như bao nhiêu người khác, vợ chồng cùng đi làm, bình thường. Khi già thì về hưu…

                    Giá mà tôi có thể quên được quá khứ nhỉ! Thế mới biết đôi khi quên lại là một liều thuốc hữu hiệu cho sự buồn phiền.

                    Năm mới đến rồi, tôi lại chúc tôi nhé! Quên đi tôi ơi, cái tôi của tôi. Một năm nhiều sự quên và không nên nhớ nhiều cái nhớ…

                    UKH
                    Feb 03, 2010
                    Đã chỉnh sửa bởi Uất Kim Hương; 06-02-2010, 02:26 PM.

                    Comment


                    • Mọi người hẳn ai cũng biết thời chiến tranh lạnh giữa Nga và Mỹ. Giới lãnh đạo của hai nước gườm nhau ghê gớm. Ngay cả lời nói cũng phải cân nhắc chứ nếu không sẽ xảy ra chiến tranh…Và gia đình tôi là như vậy đó.

                      Bắt đầu là H. anh ruột tôi và chị ruột tôi. H. có một cái hãng điện tử, thuê mướn nhân công và phất lên như diều. Chị tôi lấy chồng cũng là chủ hãng điện tử còn phất như diều hay không thì tôi không biết vì chị ấy cũng nói chuyện…pháo lắm. Chỉ biết rằng chị ấy keo kiệt thuộc hàng khủng khiếp…

                      Cả hai người này kình nhau làm chúng tôi, những đứa em cảm thấy mệt mỏi. Tôi lúc đó vừa mới học ra trường nên ai muốn làm gì thì làm không quan tâm. Vả lại tính tôi không thích bon chen, không thích chơi với người giàu có nên không bị ảnh hưởng nhiều. Chị mua tàu thì anh cũng phải mua tàu lớn hơn. Anh mua nhà sát biển, bước ra sau nhà là có thể leo lên tàu chạy ra biển Huntington Beach là chị tôi cũng phải chạy qua Florida tìm mua một cái nhà ngay bờ biển y như vậy. Vì chị tôi ít tiền hơn anh tôi nên chị tìm mọi cách để lao vào cuộc chiến tranh lạnh. Chiến tranh đâu không biết, chỉ biết rằng Mẹ tôi, tôi và những đứa em lần lượt bị…treo ngược hồi nào không biết. Phải công nhận rằng, sống trên đời phải biết xoay chiều, phải biết “sống” như anh và chị tôi mới được hưởng những phút vinh quang, hào nhoáng…

                      “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt,
                      Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”

                      Đúng hay không tôi chưa hề biết, nghĩ ra nếu sống như vậy cũng đáng lắm chứ! Sống một lần, như con thiêu thân rồi chết cũng đáng lắm chứ!?!? Tại sao lại không nhỉ? Trời trừng phạt đâu tôi không biết chứ cảm giác làm vua cũng hay lắm chứ!

                      Sống hiền như cỏ, như lá, như tôi thì cuối cùng được gì? Mất gì? Tôi thủ thân, không se sua, hào nhoáng…muốn một đời yên ổn. Cây muốn lặng mà gió chẳng muốn đừng, gió mưa, giông bão cứ chực chờ đập cho tôi chết. Khi hay tin tôi chết, người đầu tiên cười sẽ là chị tôi. Chị có một nụ cười rất đẹp và tiếng cười rất ư là điệu nghệ. Chết người là ở chỗ đó đó. Chị khéo léo vô cùng, và cũng biết lên cơn đau tim đúng lúc nữa. Lúc cần đến đau tim là chị ngồi bệt xuống đất ôm ngực…thở. Còn lúc không cần đau tim thì chị không khác gì…khủng long thời tiền sử. Trong một lớp tâm lý học tôi đã dự, có một thống kê cho thấy loại người như chị tôi chiếm 15% dân số. Điều này có nghĩa là trong xã hội cũng có trộn lẫn loại người này. Có người bộc lộ rõ rệt, có người tiềm tàng. Biết được điều này làm tôi chán nản vô cùng. Con người sinh ra bắt buộc phải sống trộn lẫn với những người như vậy thì chán quá. Tôi nói chuyện với người Mỹ ở đây, gia đình họ cũng có những xung đột y như mini-zoo vậy. Có nghĩa là vật chất tiền tài và văn minh là cốt lõi của mọi sự xung đột…

                      Câu hỏi đặt ra là có nên có văn minh hay là nên trở về thời nguyên thủy? Nếu có một sự va chạm nào giữa hai hành tinh cho chết hết loài người ngày nay đi thì may ra mới dẹp hết bao oan trái hệ lụy của con người. Có lẽ vậy!


                      UKH

                      Feb 6, 2010

                      Comment


                      • Ba và những cái Tết

                        Năm nay đón Tết bên bạn bè, vui dĩ nhiên là có rồi nhưng ngậm ngùi nhiều hơn. Ngày đó khi còn nhỏ, từ khi biết Tết là gì, Tết năm nào nhà tôi cũng có gói bánh chưng cả. Dù cho sau ngày 30/4/1975, nhà nhà đều tiết kiệm tối đa nhưng Ba tôi vẫn muốn cho chúng tôi có những giây phút đón Tết thật là đầy đủ với bánh chưng xanh, chè kho, thịt đông, dưa hành, dưa chua, thịt kho tàu và mứt dừa.

                        Ngày đó, cứ đêm 29 Tết là Ba tôi ngâm đậu xanh rồi sáng sớm ngày 30 Tết, Ba tôi thức mấy chị em tôi dậy sớm khoảng 3 giờ sáng để đãi đậu. Lúc này Mẹ tôi mới bắt đầu vo nếp và ngâm nếp chuẩn bị cho gói bánh vào lúc 8 hoặc 9 giờ sáng. Hỏi ra tại sao không ngâm nếp sớm hơn để nấu cho nhanh thì Ba tôi giải thích ngâm nếp lâu quá bánh sẽ mau bị thiu. Dây buộc bằng sợi giang thì đã được Ngoại tôi chẻ từ tuần trước. Bây giờ bánh chưng trong hình tôi thấy họ không dùng dây giang, là một loại tre trúc-lóng dài-dẻo để buộc, mà lại dùng dây ni-lon hoặc dây bố. Bánh chưng Bắc kỳ đã bị biến thể đi nhiều lắm. Bên đây, đôi khi mua bánh chưng về, có người bỏ tỏi vào trong nhân, làm cho bánh chưng không còn đúng mùi vị nữa. Lá dong, tôi là người bị giao cho nhiệm vụ rửa từ chiều hôm trước, ngày 29 Tết. Đậu xanh làm nhân bánh thì phải xay ra cho thật nhuyễn nhìn nhân bánh mới đẹp. Sau này khi tôi thấy nhà người khác để đậu xanh nguyên hạt đãi vỏ làm nhân, tôi hỏi tại sao lại phải xay cho tốn thời giờ thì Ba tôi giải thích rằng để nguyên hạt nhìn mất thẩm mỹ, nhân bánh nhìn lổn nhổn không đẹp mắt, bánh gói sẽ không chặt, khi cắt ra sẽ dễ bị bể.

                        Người lớn thì tất bật gói bánh, lẹ tay để cho kịp để lên bếp luộc vào trước 12 giờ trưa. Năm nào cũng gói khoảng 25 cái bánh, to bằng một viên gạch bông 20/20cm. Nhà tôi gói bánh bằng khuôn nên bánh nhìn vuông vức và rất đẹp. Năm nào ra nhà Bà nội tôi nhìn dãy bánh biếu Bà Nội tôi nhận được từ các Bác, các Cô, bánh của nhà tôi luôn luôn đẹp nhất và ngon nhất. Khi còn dư lại lá nhỏ, Ba tôi cho tụi tôi thực tập làm những cái bánh chưng nhỏ xíu bằng lòng bàn tay để chơi. Con nít khoái nhất là mấy cái bánh này. Tha hồ hồ lựa thịt nạc và bỏ thật nhiều nhân vào cái bánh của mình mà không bị ai la cả. Nếu là bánh lớn thì nhân và nếp phải cân bằng. Nhiều nhân quá bánh sẽ dễ bị chua, còn ít quá thì không ngon. Nhiều thịt nạc quá thì bánh không béo và khô…Cái bánh của tụi tôi thì dĩ nhiên là đặc biệt rồi, nhiều thật nhiều nhân, và đôi khi dày và cao như cái bánh…tét. Đó là phần thưởng cho việc thức khuya dậy sớm chuẩn bị vật liệu.

                        Sau đó là lại tất bật lo cho bữa cơm cúng ngày cuối năm để mời Ông Bà về ăn tết với con cháu. Là con gái trong gia đình, mấy ngày trước Tết là bận rộn ghê lắm. Gần đến 12 giờ đêm, cả nhà tôi được huy động ra để vớt bánh. Bánh vớt xong là phải rửa ngay vào thau nước lạnh cho sạch nhớt và màu lá sẽ xanh hơn. Nếu không rửa qua nước lạnh thì lá sẽ bị đỏ, xấu bánh. Lúc này đây là lúc, mấy anh chị tôi phải chạy ngược chạy xuôi, đứa thì ra nhà Nội để biếu kịp về trước giờ giao thừa, đứa thì chạy xuống nhà Bác, nếu năm nào nhà Bác tôi không gói bánh…Tôi và nhỏ em lãnh nhiệm vụ dọn dẹp tro và củi lửa, bưng xô rác đi đổ trước giờ giao thừa chứ nếu không sau giao thừa thì sẽ không ai cho đổ rác cả. Rác chỉ được đem đi đổ vào ngày mùng Ba Tết, sau khi cúng đưa Ông Bà về trời.

                        Khi tôi lớn hơn một chút, tôi hỏi Ba tôi tại sao không gói bánh ngày 29 Tết, để ngày 30 đỡ bận rộn hơn. Ba tôi giải thích rằng nấu bánh ngày 30 Tết vì Ba tôi muốn giữ lại truyền thống của thời Ba tôi ngày còn nhỏ và muốn tụi tôi giữ truyền thống này mãi…Ba tôi khó tính lắm, nhất là với con gái. Từ lúc còn nhỏ, Ba tôi dạy “ăn coi nồi, ngồi coi hướng”. Con gái ăn phải cho ra bữa, không ăn cơm bằng tô to. Khi múc canh xong thì phải để cái muỗng canh lật úp lại, không được để ngữa. Ăn không được làm rơi vãi, ăn phải cho hết đến hạt cơm cuối cùng trong chén. Trước khi ăn phải mời người lớn hơn mình…Cả hằng bao nhiêu thứ kỷ luật khắt khe mà tụi tôi phải nằm lòng. Để rồi bây giờ tôi lại dạy con gái y chang như vậy.

                        Một lần vào năm 1976, Tết năm đó sau khi gói bánh vì nhiều rác nên tôi và chị tôi phải đi đổ. Từ nhà đến sông để đổ đi bộ mất khoảng 15 phút. Trên đường về, tụi tôi thấy nhà kia có hát bội trên TV, chiếu tuồng Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, nên đứng ngoài cổng coi ké. Không biết là bao lâu nữa. Đến khi về, tụi tôi bị Ba tôi đánh một trận bằng thanh củi, tóe máu đít. Trận đòn đó nhớ đời vì Ba tôi nói con gái phải đi đến nơi, về đến chốn…Mấy ngày không thể ngồi trên mông được nữa. Tết năm đó thật là kinh hãi!

                        Ba tôi đánh đòn nhiều nhưng cũng rất thưong con cái. Sau 30/4, khổ vậy, nhưng mỗi lần Ba tôi đi đâu là mua về cho tụi tôi rất nhiều quà. Nhớ nhất là chuyện Ba tôi theo bạn bè đi buôn thuốc lá miền Tây. Khi về, Ba tôi mua đường thốt nốt, mắm thái…Chuyến đi buôn này Ba tôi đem theo một cây vàng, 10 chỉ của Mẹ. Sau khi bán, trừ mọi chi phí, còn lại 4 chỉ. Vì chuyện này, mỗi lần nhắc lại Mẹ tôi hay nói Ba tôi là “Bà Mẫn bán dưa đèo, đồng một không bán lại đèo đồng hai”.

                        Rồi vì biết là sẽ đi vượt biên nên năm 1978, Ba tôi tổ chức cho con cái chơi một cái Tết Trung thu thật là ý nghĩa và duy nhất trong đời, trong sân nhà. Mỗi đứa được một cái lồng đèn, nến và bánh trái. Năm đó Ba tôi khuyến khích tụi tôi lên hát và có thưởng…Sau này khi Ba tôi đi rồi tôi mới nghiệm ra rằng Ba tôi muốn có một kỷ niệm với con cái trước khi ra đi. Ngày đó, nghĩ tới chuyện ra đi là không biết ngày trở lại, sống chết…Ngày Ba tôi đi, Ba tôi ôm và hôn lên má tụi tôi, tôi còn nhớ mãi. Năm đó tôi 14 tuổi...

                        Đó đàn ông thương con là vậy đó, ít khi bộc lộ thẳng ra ngoài. Tất cả đều giấu trong lòng. Dạy con, đánh con…nhất là con gái, chỉ duy nhất một điều là muốn con sau này ngoan ngoãn, không hư hỏng…Khi lớn rồi tôi không bao giờ trách Ba tôi đã từng quá khó khăn với tụi tôi cả…


                        Ba, Bắc kỳ khó tính!

                        UKH
                        Feb 08, 2010
                        Đã chỉnh sửa bởi Uất Kim Hương; 08-02-2010, 06:36 PM.

                        Comment

                        Working...
                        X
                        Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom