• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Nhật Ký Người Già

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhật Ký Người Già

    Nhật Ký Người Già
    Miêng

    Link" align="left" border="0" alt="" style="padding:7px;" />Ông ơi, đi ăn cơm đi, tôi mệt, nằm một lát. Ông cứ chờ vậy trẻ nhỏ lại cười bảo già rồi mà còn mùi mẫn. Con ép, ông đừng cáu nhé, cứ nói nhỏ nhẹ bố ăn đủ rồi. Nó ép mình ăn là lo đến sức khỏe của mình, là thương mình. Cứ tưởng tượng chúng nó không màng mình no đói ra sao hay thảy vào viện dưỡng lão toàn người xa lạ thì còn buồn biết mấy hả ông.

    Lát nữa tôi giấu ít quả nho. Ông bị cấm đủ thứ tội quá, nó bảo nho có nhiều đường ông à. Mà từng tuổi này rồi, chết nay sống mai biết ngày nào, kiêng cử quá cũng khổ. Mỗi lần dấm dúi chùm nho, ông mừng như con nít thấy thương quá, muốn khóc luôn. Trong ngăn đồ lót cũng còn một ít kẹo trái cây, thèm thì ăn vài cái thôi. Giấy gói kẹo bỏ lại trong bao, chiều mai tôi đem bỏ vào thùng rác công viên. Gớm, cứ phải ăn vụng. Chúng nó biết thì la tôi chết. Mà chẳng sao, miễn là ông vui. À áo ông đang bận dính kem bánh ngọt từ chiều hôm kia, thay đi kẻo lại thưa ông tui ở bụi này. Hồi trưa nghe trẻ bàn nhau may áo, cả cho ông nữa đó. Thiệt tình, tủ nào cũng treo nghinh ngang mà cứ may hoài. Trẻ nhỏ về đông đủ vui thì có vui, mà mệt, điện thoại reo liên miên, chúng nó nhỏ to nhiều quá. Muốn nghỉ ngơi cũng chẳng yên. Nãy giờ bảo mẹ mệt, bây bớt lao xao cho mẹ nghỉ một tí, vậy mà chúng cứ tới lui ra vào coi mẹ mệt ra sao. Già cả thì nay mệt mai khỏe là chuyện thường, nói vậy mãi nó vẫn tra hỏi, lo lắng khóc nữa chứ! Thật dở hơi.

    Bà nói hơi mệt nghỉ một lát rồi ăn cơm sau, mà cứ nằm mãi, tôi hiểu là bà mệt nhiều, vì nếu lười thì bà đã nói lười. Tôi không thấy đói, chẳng muốn ăn. Bữa cơm không có bà lại càng không tha thiết nữa. Chúng nó hùa nhau cằn nhằn bà ạ. Rồi chắc tội nghiệp ông già, lại dỗ dành. Tôi vẫn ngồi cạnh bà, hơi thở bà mong manh quá, nhẹ như không, đặt bàn tay gần chẳng thấy gió. Nhớ mỗi lần đi biển bà thường nhắc hít thở đi ông, hít sâu vô. Và mình cùng hít ồn ào, như thể bù lại những giờ phút giam mình trong nhà hay đã tiêu phí thời gian thở không đúng cách. Những lúc đó tôi có cảm tưởng buồng phổi nở ra, căng lên, mạnh mẽ. Bây giờ lại thấy yếu hẳn đi, như thể ai đã hút hết sinh lực mình rồi, và tôi thở khó khăn, ngắt quãng. Tôi muốn mình lại ra biển cho bà hít thở. Ờ, phải chi tôi có thể hít thở cho bà để bà bớt mệt. Tôi chưa thay áo, chẳng đứa nào để ý đến tôi bằng bà đâu. Mắt bà không xoi mói mà tinh, thấy hết. Tôi cũng không ăn vụng kẹo. Có bà thì bất cứ sự vụng trộm nào cũng vui, mình chỉ mỉm cười với nhau là điều gì cũng thành trò chơi bí mật mà ngay tình. Giờ không cầm viên kẹo từ tay bà dấm dúi thì như tôi gian lận cái gì. Tôi không thèm ngọt đâu, bà đừng lo. Tôi thèm ngồi nhìn bà im lìm…Bà ơi, nói gì đi!

    Ðêm qua tôi khó ngủ ông ạ. Trằn trọc mãi. Rồi chợp mắt lại mơ thấy mình bay lên trần nhà, nhìn xuống ông ngủ mà mặt mày không thư dãn chút nào. Có lúc ông nấc cụt hay khóc ấm ức. Tôi vội vàng đáp xuống ôm chặt ông như mỗi lần một trong hai đứa mình giật mình trong đêm. Thấy ông nhăn nhó, lại sợ ôm chặt quá ông tỉnh ngủ, tôi buông ông ra, rồi tỉnh dậy. Tôi rón rén ra nhà ngoài, trẻ con nằm la liệt. Tôi đi một vòng hôn đám cháu nội ngoại đang say ngủ, đứa nào trông cũng bình an. Con TiTi ôm chú sư tử mình mua cho nó hôm sinh nhật. Ông đừng buồn, trẻ con mà, nó thích chạy chơi chớ có thích ngồi nghe mình kể chuyện đâu ông. Sách truyện đầy nhà, đêm nào trước khi ngủ bố mẹ cũng đọc cho nghe, toàn chuyện công chúa hoàng tử hoặc các nhà thám hiểm cực Bắc cực Nam, chuyện của mình thì từ thuở ở quê, nó có hiểu “tát nước ruộng” hay “nơm tôm” là gì, giải thích chúng cũng không hình dung ra được, nhất là mình kể đôi khi cũng chẳng đầu đuôi mạch lạc gì...

    Tôi trở về phòng khe khẽ nằm xuống cạnh ông, hít mùi da thịt ông lười tắm mà vẫn thơm tho. Ðúng là vợ chồng quen hơi ông nhỉ. Tôi hôn nhẹ lên trán, tựa đầu lên vai và đan tay ông. Mình luôn luôn đan tay nhau khi ngủ mà. Tôi kéo áo và sửa lại chiếc gối ngay ngắn cho ông. Ông có giấc ngủ sâu, thường bảo “giấc ngủ của người ngay thật”, làm gì cũng chẳng thức. Qua ánh đèn hành lang rọi vào, tôi nhìn ông thật kỹ, từng nét. Người ta bảo nếu nhìn kỹ người thân mình sẽ không nhận ra người ấy nữa. Vậy mà tôi vẫn nhận ra ông, vì tôi thường nhìn mỗi khi ông ngủ. Không biết ông có nhìn khi tôi ngủ không, chớ càng nhìn càng thương ông ạ.. Tôi thấy rõ từng nếp nhăn, mỗi ngày một nhiều và sâu, nó như sợi thừng cột vợ chồng già mình mỗi lúc một chặt hơn. Cái đầu đó chịu đựng hết những lúc trái tính dở hơi của tôi. Nhớ thời còn trẻ mỗi lần ông ăn nói vụng về, nháy nhó ra dấu cho ông im lại cứ hỏi to lên em muốn nói gì, vậy là nháy nhó chẳng còn hiệu lực gì nữa. Tôi thường mong ông đi trước, tôi lo mọi thứ cho đầy đủ, và tôi xoay sở được. Còn ông thì vụng về. Trẻ nhỏ cứ nói bố không biết làm gì hết mà nói không chịu nghe. Nghĩ đến ngày lỡ ra tôi đi trước, còn ông một mình tội quá...

    Bà à, lạ lùng nhỉ, đêm qua tôi thấy mình về quê. Làng xưa có khác đi nhiều nhưng ruộng đồng vẫn còn bao la tít tắp. Con đường nhỏ dẫn vào làng bây giờ đã tráng nhựa, rộng rãi. Chiếc cầu tre dập dềnh bắt qua sông đã thành cầu đá tự thuở nào, và nước sông thì trong veo thấy đáy. Mình vào làng, trẻ nhỏ chạy theo như rước đèn. Cả xóm rộn rã hẳn lên. Bà nói vui quá, chứng tỏ là hàng họ còn nhớ nghĩ đến mình. Qua cánh cổng gỗ đã mục sứt mẻ nhiều chỗ, cánh cổng nặng trịch chắc chắn mà hồi xưa mỗi lần mở ra đóng vào kêu vang cả xóm lặng yên, xuyên hết mảnh vườn, mình cùng hân hoan như trẻ nít chạy ngay vào hiên có cậu mợ đứng chờ. Ai cũng có vẻ tráng kiện trẻ trung. Mợ mặc áo bà ba màu kem nhạt bà mua hồi Tết năm sinh mẹ con TiTi, và cậu trong chiếc áo dài the đen nói sắp đi ăn cỗ. Tôi lại đòi đi theo mà cậu không cho, cười nhạo tôi như đám con thường trêu “bố giống con nít”. Nhưng mẹ và bà thì không nói gì, chỉ nhíu mắt lắc đầu nhè nhẹ. Tôi may mắn có hai người đàn bà thương yêu thông cảm. Một lát ba người nhìn nhau như ước gì riêng tư mà tôi ngoài cuộc, bà bảo “ tôi ở chơi với cậu mợ, ông về trước kẻo trẻ nhỏ nó lo”. Rồi cả ba đẩy tôi ra cổng. Tôi đi, ngoái lại thấy bà nhìn theo buồn thiu, bà nhỏ nhắn lọt thõm giữa cậu mợ. Tự nhiên tôi khóc, thiếu bà dù chỉ đoạn đường rất ngắn cũng là diệu vợi…Tôi la to lè lẹ mai mốt về nghe bà. Rồi tôi giật mình thức dậy, dưới bóng đèn mờ bà cựa mình rên khe khẽ, tôi kéo chăn ngay ngắn cho bà. Trẻ nhỏ bàn ra tán vào cái gì, vẻ bí mật như chuyện quốc gia đại sự. Tôi hỏi có chuyện gì không, đứa nào cũng lắc đầu nói không. Bà chỉ bịnh nằm đó mà tôi đã thấy không còn phương hướng nữa.. Hồi chiều mấy đứa cháu đã nghịch che khuôn mặt thanh tú của bà bằng chiếc khăn thêu trắng toát…Bà ơi!

    Ông ơi tôi thấy rồi. Té ra… té ra… Coi chừng, khóc thì trẻ nhỏ nó trêu cho. Nếu hồi giờ mùa đông, ông thường vào giuờng nằm trước cho ấm chỗ rồi mới để tôi vào, thì bây giờ tôi sẽ sưởi trước chăn đệm cho ông, ông nhé. Trời đất ơi. Trời đất ơi. Thương ông quá…

    Bà ạ, tôi đã bảo cho bố ngồi bên mẹ lâu lâu, nhưng chúng nó kéo tay tôi ra khỏi tay bà. Người ta đến đặt bà nằm vào chiếc giường lạ hoắc, tôi hỏi bây đưa mẹ đi bịnh viện à. Thấy chưa, rõ ràng bà bịnh nhiều mà. Tại bà cứ nói để bà gánh hết bịnh hoạn của tôi luôn. Giường chật quá, tôi cố chen vào mà nào được yên lựa thế nằm cho vừa đâu, chúng nó kéo ra ngay, cho uống thuốc gì ngủ li bì không mộng mị. Khi thức dậy, nhà rộn ràng kẻ ra người vào khiến tôi chóng mặt. Chúng nó tắm táp cho tôi như con nít, bắt uống sữa và ăn. Tôi nghẹn, không nuốt được, bảo gọi mẹ xuống ăn với bố. Bà không xuống, nói đã ăn rồi. Rồi chúng nó bận áo mới cho tôi. Ai cũng mặc áo mới. Tất cả (chắc vậy) lên xe. Tôi hỏi mẹ đâu, chúng bảo mẹ ngồi xe khác rộng hơn. Xe ngoằn ngoèo, ngoằn ngoèo đi qua nhiều con đường lạ hoắc. Cuối cùng dừng lại. Khu vườn mênh mông với lối đi ngang dọc rộng rãi toàn cổ thụ như công viên, đẹp bà nhỉ. Chắc làm pic-nic. Xuống xe. Coi chừng trợt chân nghe bà. Con cháu mình chu đáo đem sẵn ghế cho tôi ngồi.

    Tôi hỏi mẹ đâu. Mẹ đi toa lét. Lõ mõ thấy nhiều người nói gì chẳng nghe rõ, thiên hạ có vẻ nghiêm túc quá. Nắng man mác. Hoa nở tưng bừng. Vậy mà tôi mệt. Bà đi toa lét lâu nhỉ…Rồi chúng đỡ tôi đứng lên, chỉ ba bốn bước mà xa tít tắp. Trước mắt là cái hố. Tôi hỏi cái hố gì đó. Chúng bảo không có gì, bố ném nắm đất này xuống đó đi. Tôi hỏi chi vậy, chúng hỏi lại bố nhớ hồi xưa dạy chúng con hạt đất quê hương là quý lắm, phải đặt nó vào nơi nào mình tha thiết nhất, đúng không bố?...Ờ đúng.- Ðây nữa, bố thảy cành hoa này xuống hố đi. – Chi vậy con?...Hồi xưa hái hoa cho mẹ, bố thường bảo tặng nhau một cành hoa vẫn hơn nói lời nặng nhẹ, đúng không?...Ờ, mà mẹ đâu?...Mẹ chờ bố ở nhà. - Tội nghiệp, đừng để mẹ chờ lâu, mau mau cho bố về với mẹ đi con…

    Miêng
    Paris-NT, Juillet 2009
    Sống trên đời

    Similar Threads
  • #2

    TUỔI GIÀ , TUỔI THỌ …




    Cách đây khá lâu, lúc chưa về hưu, tôi có đọc một bài Thơ dài 120 câu với tựa đề "Tuổi Già Thơ Thẩn", tác-giả Vô Danh, mở đầu như sau :

    Tuổi già hay lẩn-thẩn
    Cứ thấy bệnh triền-miên
    Xương cốt đau liền liền
    Nhức lưng rời mỏi cẳng
    Tai ù, đầu choáng váng
    Ăn uống chẳng thấy tiêu
    Ban đêm ngủ không nhiều
    Mỏi mê không muốn dậy
    Người bần-thần sao ấy
    Bải hoải cả tứ chi
    Và thêm những gì gì…
    Lúc nào cũng thấy bệnh…

    Đọc xong bài Thơ, tôi thấy bi quan cho tuổi già quá, có lẽ vì vậy mà ngày xưa người ta thường nói "Đa thọ đa nhục, lão giả an chi", còn ngày nay lại coi số người già mỗi ngày một tăng như là một gánh nặng cho ngân sách quốc gia, cho gia-đình, xã-hội. Thật ra, theo tôi, đâu phải ai già cũng vậy.
    Trước hết, xin hỏi đến mấy tuổi thì gọi là già ?

    Về phương diện xã-hội, nhiều nước do hoàn cảnh kinh-tế đã ấn định một mức tuổi già khác nhau để cho về hưu những người lớn tuổi, nhường chỗ cho lớp trẻ làm việc, hoặc để cho hưởng trợ cấp xã-hội. Ví dụ ở Mỹ, đến 65 tuổi là các cụ được hưởng trợ cấp xã-hội, dù cho còn làm việc. Theo tài-liệu lịch-sử thì năm 1889 Thủ-Tướng Đức, Hoàng-Thân Otto Von Bismarch, cũng đã đặt ra mức 65 tuổi già này khi ông thiết lập hệ thống an ninh xã-hội đầu tiên trên thế-giới.

    Về phương diện sức khỏe thì không có nghiên cứu y-học nào nói người ta bắt đầu già vào lúc 65 tuổi cả, trái lại trên thực tế có những người bảy tám mươi tuổi mà vẫn còn khỏe mạnh, lanh lợi như ông George Burns, 85 tuổi vẫn còn hoạt động kịch-nghệ cho đến 100 tuổi mới chết. Việt-Nam mình cũng có nhiều người sống lâu, sống mạnh trên chín mươi như KTS Hồ-Đắc-Cáo ở South Carolina, lúc sinh tiền 80 tuổi vẫn còn ghi danh Đại học Mỹ-Thuật. Ông mới mất ngày 14-3-2003 tại Pháp, hưởng thọ 96 tuổi. Như vậy sự lão hóa rất cá biệt, tùy theo từng người do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như gene di-truyền, chủng-tộc, giống tính, nếp sống, hoàn cảnh gia-đình, xã-hội v.V…Nói chung chung thì người cao niên thường hay bị giảm phần nào trí nhớ ngắn hạn như đột nhiên quên tên người quen hoặc quên một sự kiện vừa xảy ra, nhưng theo Bác-sĩ, nếu biết giữ-gìn sức khỏe, tập làm việc theo thứ-tự (concentration) thì khả năng trí óc của người cao niên sẽ bớt trì-trệ hoặc lẩm-cẩm.

    Về mặt tinh-thần, ngày trước ở đâu quý vị cao-niên cũng được trọng nể tối đa cho nên ở Việt-Nam mới có câu :"Kính lão đắc thọ", còn ở bên Tàu, văn hào Lâm-Ngữ-Đường đã để lại một lời bất hủ "Già yêu trẻ là lẽ thường tình nhưng trẻ kính già thì phải do văn-hóa tài bồi mới nảy nở ra được". Thầy Mạnh-Tử cũng viết: "Ban bạch giả bất phụ đái ư đạo lộ hỉ" nghĩa là người tóc bạc không phải đội nặng trên đường đi. Ở bên Tây, văn hào André Maurois thì đưa ra nhận xét: "Một xã-hội mà người già không được kính trọng, người trẻ không được trìu mến thì chỉ là một xã–hội què quặt". Ngày nay ở các xã hội văn minh, trẻ em thì có nhà giữ trẻ, người lớn thì có viện dưỡng lão, ai mà ở vào hoàn cảnh phải vào sống ở viện dưỡng lão khi suy gẫm lại cuộc đời… mới thấy thấm-thía.

    Còn về tuổi thọ thì ngày trước vì ít ai sống lâu nên có người mới bốn mươi tuổi đã ăn mừng tuổi thọ như vua Quang-Trung Nguyễn-Huệ. Ai sống lâu đến sáu mươi, bảy mươi đều được họ hàng con cháu làm lễ lục tuần, thất tuần rất trọng thể. Ngoài ra, ở mỗi tuổi còn có những quy-định về lề-lối xuất xử như :

    Tam thập nhi lập,
    Tứ thập nhi bất hoặc,
    Ngũ thập tri thiên mệnh,
    Lục thập thuần nhĩ,
    Thất thập cổ lai hi.

    Như thế, năm mươi tuổi là hết tham vọng vật chất, sáu mươi tuổi từ bỏ luôn tham vọng công danh, bảy mươi tuổi lấy thiên tước làm trọng được xã-hội tôn quý, cao hơn cả nhân tước, tức là cao hơn cả danh phận địa vị bằng cấp.

    Về đẳng cấp tuổi thọ thì ngày xưa người ta chia làm năm cấp :
    Sáu mươi tuổi là Hạ Thọ, Bảy mươi tuổi là Trung Thọ, Tám mươi tuổi là Thượng Thọ, Chín mươi tuổi là Thánh Thọ, Một Trăm tuổi là Tiên Thọ.
    Ngày nay ở Mỹ, sáu mươi lăm tuổi được gọi là senior, hưởng trợ cấp già-cả, muốn làm việc cứ làm, không có sự kỳ thị tuổi tác; trong lúc ở Đông phương, người già-cả dù muốn làm việc cũng bị con cháu hiếu thảo ngăn cản vì muốn tỏ lòng kính trọng đối với cha mẹ ông bà.
    Tóm lại, già hay trẻ là tại nơi mình, chứ lâu nay đâu có ai biết :

    Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
    Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non
    (Ca dao)

    Trong bài Tuổi Già, Tuổi Thọ viết trước đây (Lá Thư AHCC số 81), tôi có ghi năm câu về lề lối xuất xử cuả Đức Khổng để lại. Đó là:

    Tam thập nhi lập
    Tứ thập nhi bất hoặc
    Ngũ thập tri thiên mệnh
    Lục thập thuần nhĩ
    Thất thập cổ lai hi.

    Nay theo một bạn già cuả tôi ở Annandale, Virginia, Hoa-Kỳ cho biết thì câu thứ năm Thất thập cổ lai hi không phải cuả Đức Khổng mà là cuả nhà thơ Đổ Phủ. Còn câu thứ năm cuả bài trên thì như sau:
    Thất thập nhi tòng tâm sở dục
    có nghiã là Bảy mươi tuổi rồi, muốn làm gì thì tùy theo tâm mà làm, nói một cách nôm na là muốn làm gì thì làm, có lẽ vì đến tuổi đó các cụ cũng gần đất xa trời rồi! Hơn nữa không thấy các cụ đề cập đến tuổi tám mươi hay chín mươi chi cả.
    Câu Thất thập cổ lai hi là câu trích trong bài thơ Khúc giang II cuả Đỗ Phủ. Bài thơ đó như sau:

    Triều hồi, nhật nhật điển xuân y,
    Mỗi nhật giang đầu, tận tuý quy.
    Tửu trai tầm thường hành xứ hữu,
    Nhân sinh thất thập, cổ lai hi.
    Xuyên hoa giáp-điệp thâm thâm hiện,
    Điểm thủy thanh đình khoản khoản phi
    Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển,
    Tạm thời tương tống mạc tương vi.

    Có người đã tạm dịch như sau:

    Chầu về, cổi aó dạo chơi đây,
    Mỗi buổi đầu sông, trở gót say.
    Nợ rượu tầm thường đâu chẳng có,
    Đời người bảy chục, mấy xưa nay.
    Châm hoa, bươm bướm lưa thưa đậu
    Rỡn nước, chuồn chuồn lác đác bay.
    Tháng lại ngày qua, đời ngắn ngủi,
    Tạm thời cùng hưởng thú xuân nay.

    Ngoài ra cụ Nguyễn-Công-Trứ cũng có một câu về tuổi bảy mươi, đó là câu: Thất thập nhi tòng lực sở hành nghiã là: Baỷ mươi thì tùy sức mà làm.
    Nhưng câu thơ cuả cụ đối đáp với nàng hầu mới cưới, trong đêm tân hôn, rất là hay và đã được người đời truyền tụng:

    Giai nhân dục vấn lang niên kỷ,
    Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam!

    có nghiã là:

    (Người đẹp muốn hỏi chàng bao nhiêu tuổi,
    Rằng : Năm mươi năm trước, ta mới có hăm ba!)

    Vậy xin viết lại như trên để cống hiến độc giả vài phút vui cùng văn chương thi phú ngày xưa...

    Oxnard, CA. 30-9-2003

    TRẦN-SĨ-HUÂN

    ************************************

    ...Ca dao VN có câu :
    " tám mươi ai bảo là già....."

    Comment

    Working...
    X
    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom