• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Kỉ niệm 102 năm ngày sinh của Thế Lữ (1907-2009) đọc bài thơ: Nhớ rừng

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Kỉ niệm 102 năm ngày sinh của Thế Lữ (1907-2009) đọc bài thơ: Nhớ rừng

    Kỉ niệm 102 năm ngày sinh của Thế Lữ (1907-2009) đọc bài thơ: Nhớ rừng
    Phan Thành Khương

    Nhớ rừng
    (Lời con hổ ở vườn Bách thú)

    Link" align="left" border="0" alt="" style="padding:7px;" />Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
    Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua,
    Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
    Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm
    Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
    Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi,
    Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
    Với cặp báo chuồng bên vo tư lự.

    Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
    Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa.
    Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già
    Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
    Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
    Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
    Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
    Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
    Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
    Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
    Ta biết ta chúa tể cả muôn loài,
    Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.

    Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
    Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
    Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
    Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
    Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
    Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
    Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
    Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
    Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
    - Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

    Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu
    Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
    Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
    Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
    Giải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
    Len dưới nách những mô gò thấp kém;
    Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
    Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
    Của chốn ngàn năm cao cả, thâm u.
    Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
    Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,
    Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
    Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
    Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
    Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
    Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
    - Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!

    Thế Lữ

    “Nhớ rừng” của Thế Lữ là một bài thơ hay. Những ai có chí khí, có khát vọng thoát ra khỏi cuộc sống chật hẹp, tù túng, quẩn quanh, gò bó, tầm thường đều thấy phấn khích khi đọc hay khi nghe ngâm bài thơ “Nhớ rừng”. Bài thơ được tác giả đề tặng nhà văn lớn Nhất Linh và có một chú thích rất rõ ràng, cụ thể: “Lời con hổ ở vườn Bách thú”. Đúng vậy. Bài thơ là “lời con hổ” nhưng lại mang tâm trạng của con người. Và, đó không chỉ là tâm trạng của một người, của riêng Thế Lữ mà còn là tâm trạng của cả một tầng lớp, một thế hệ. Đáng tiếc thay, đó lại là tâm trạng gần như bất lực và bế tắc!

    “Nhớ rừng” mở đầu bằng một nỗi căm hờn, một niềm bi phẫn cao độ:

    Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
    Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua,
    Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
    Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm
    Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
    Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi,
    Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
    Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.

    Con hổ xót xa khi mình không còn là mình mà chỉ còn là “thứ đồ chơi” và phải “chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi, với cặp báo chuồng bên vô tư lự”.

    Đúng. Chẳng có nỗi bất hạnh nào lớn hơn khi mình không còn là mình, khi ta không còn là ta, khi đã đánh mất bản ngã, đánh mất cái tôi độc đáo để chỉ còn là một “cái tôi” giả tạo, nhợt nhạt, khốn khổ.

    Và, con hổ chỉ còn biết sống với quá khứ, sống với “thủa (thuở) tung hoành” ngày xưa. Cũng may cho con hổ là hắn còn có một quá khứ hào hùng để mà thương nhớ. Nhờ thế, con hổ may ra quên đi được, dù là trong chốc lát, cái hiện tại “nhục nhằn, tù hãm”:

    Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
    Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa.
    Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già
    Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
    Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
    Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
    Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
    Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
    Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
    Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
    Ta biết ta chúa tể cả muôn loài,
    Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.

    Con hổ nhớ mãnh liệt nhất, nhớ quay quắt nhất, nhớ cụ thể nhất là “những đêm vàng bên bờ suối”, “những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn”, “những bình minh cây xanh nắng gội” và “những chiều lênh láng máu sau rừng”:


    Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
    Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
    Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
    Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
    Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
    Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
    Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
    Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
    Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

    Nhưng, đấy cũng chỉ là quá khứ. Quá khứ dù hào hùng, tươi đẹp bao nhiêu cũng không thể thay thế cho hiện tại. Cũng như con người, con hổ vẫn phải sống với cái hiện tại của nó và con hổ đã không hề mơ hồ, không hề ảo tưởng khi cất lời than vãn:

    Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

    Và, con hổ chỉ còn biết “ôm niềm uất hận ngàn thâu (thu)”, một niềm uất hận lớn, niềm uất hận vĩnh cửu và chỉ còn biết ghét, ghét cay ghét đắng, sự trì trệ, sự tầm thường, sự giả dối, sự học đòi, sự bắt chước, …

    Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu
    Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
    Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
    Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
    Giải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
    Len dưới nách những mô gò thấp kém;
    Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
    Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
    Của chốn ngàn năm cao cả, thâm u.

    Cuối cùng, con hổ chỉ còn biết sống trong mộng, một “giấc mộng ngàn to lớn”, để quên đi thực tại, để được tự do, dù chỉ là trong mộng.

    Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
    Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,
    Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
    Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
    Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
    Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
    Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
    - Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!

    Như đã nói ở trên, tuy là “lời của con hổ ở vườn Bách thú” nhưng rõ ràng bài thơ là tâm trạng của cả một tầng lớp, một thế hệ thanh niên Việt Nam cảm thấy bất lực và bế tắc. Ta muốn thấy một con hổ biết phá cũi sổ lồng, một con hổ biết tung người lên, bay qua các hàng rào để tự giải phóng cho mình hay tiêu cực hơn, tự đập đầu vào tường, để tự sát, quyết không chịu sống cảnh “nhục nhằn tù hãm” nhưng con hổ của chúng ta, con hổ của Thế Lữ, không được như thế. Con hổ của chúng ta, con hổ của Thế Lữ, chỉ biết dừng lại ở chỗ : bất bình với hiện tại, xót xa với cái hôm nay, nhớ tiếc quá khứ, mơ mộng đến những ngày tháng đã qua!

    Nhưng, dù sao đi nữa, dù bất lực và bế tắc thì sự bất lực và bế tắc của một con hổ vẫn kì vĩ hơn nhiều, hào hùng hơn nhiều so với sự bất lực và bế tắc của một con sâu hay sự bất lực và bế tắc của một con dòi. Bởi một lẽ đơn giản là con hổ được người ta tôn trọng: người ta gọi con hổ là ông Hổ, ông Hùm, ông Cọp, ông Ba mươi. Ở Phan Rang (Ninh Thuận) có Cầu ông Cọp, ở Hội An (Quảng Nam) có Miếu ông Cọp, v.v…

    Có lẽ, chính vì thế, bài thơ “Nhớ rừng” đã, đang và sẽ còn làm phấn khích nhiều thế hệ người đọc. Kỉ niệm 102 năm ngày sinh của Thế Lữ (1907-2009), chúng ta cảm ơn nhà thơ đã để lại cho đời một bài thơ độc đáo, bi tráng. Chúng ta tin rằng, nhà thơ của chúng ta, con hổ của Thế Lữ, đã về với khu rừng vĩnh cửu của mình, đã chẳng còn phải sống cảnh “nhục nhằn tù hãm” nữa, đã hoàn toàn tự do, tuyệt đối tự do./.

    Ninh Thuận, 12-2009
    Sống trên đời

    Similar Threads
  • #2

    GIÂY PHÚT CHẠNH LÒNG


    (Cảm đề truyện “Đoạn Tuyệt”)

    Anh đi đường anh, tôi đường tôi
    Tình nghĩa đôi ta có thế thôi
    Đã quyết không mong sum họp mãi
    Bận lòng chi nữa lúc chia phôi


    Non nước đang chờ gót lãng du
    Đâu đây vẳng tiếng hát chinh phu
    Lòng tôi phơi phới quên thương tiếc
    Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ


    Anh đi vui cảnh lạ, đường xa
    Đem chí bình sinh dãi nắng mưa
    Thân đã hiến cho đời gió bụi
    Đâu còn lưu luyến chút duyên tơ


    Rồi có khi nào ngắm bóng mây
    Chiều thu đưa lạnh gió heo may
    Dừng chân trên bến sông xa vắng
    Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây


    Xin anh cứ tưởng bạn anh tuy
    Giam hãm thân trong cảnh nặng nề
    Vẫn để hồn theo người lận đận
    Vẫn hằng trông đếm bước anh đi


    Lấy câu khảng khái tiễn đưa nhau
    Em muốn cho ta chẳng thảm sầu
    Nhưng chính lòng em còn thổn thức
    Buồn kia em giấu được ta đâu


    Em đứng nương mình dưới gốc mai
    Vin ngành sương đọng, lệ hoa rơi
    Cười nâng tà áo đưa lên gió
    Em bảo: hoa kia khóc hộ người.


    Rồi bỗng ngừng vui cùng lẳng lặng
    Nhìn nhau bình thản lúc ra đi
    Nhưng trong khoảnh khắc thờ ơ ấy
    Thấy cả muôn đời hận biệt ly


    Năm năm theo tiếng gọi lên đường
    Tóc lộng tơi bời gió bốn phương
    Mấy lúc thẫn thờ trông trở lại
    Để hồn mơ tới bạn quê hương


    Ta muốn lòng ta cứ lạnh lùng
    Gác tình duyên cũ chẳng đường trông
    Song le hương khói yêu đương vẫn
    Phảng phất còn vương vấn cạnh lòng


    Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan
    Trong lúc gần xa pháo nổ ran
    Rũ áo phong sương trên gác trọ
    Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang


    Ta thấy xuân nồng thắm khắp nơi
    Trên đường rộn rã tiếng đua cười
    Động lòng nhớ bạn xuân năm ấy
    Cùng ngắm xuân về trên khóm mai


    Lòng ta tha thiết đượm tình yêu
    Như cảnh trời xuân luyến nắng chiều
    Mắt lệ đắm trông miền cách biệt
    Phút giây chừng mỏi gót phiêu lưu…


    Cát bụi tung trời – Đường vất vả
    Còn dài – Nhưng hãy tạm dừng chân
    Tưởng người trong chốn xa xăm ấy
    Chẳng biết vui buồn đón gió xuân?


    Thế Lữ ( 1937 )

    Comment

    Working...
    X
    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom