Viết văn ở xứ người
Trong tác phẩm của nhà văn gốc Việt Nguyễn Văn Thọ luôn đầy ắp hình ảnh người lao động xa xứ. Với ông, nước Đức là nơi hun đúc nhựa sống để khi trở về Việt Nam giãi bày trên trang viết.
Mưu sinh ở xứ người bằng nghề viết là một điều không tưởng bởi báo chí người Việt ở Mỹ, Canada, Pháp, Hunggary, Nga, Đức… đều không trả nhuận bút cho tác giả. Hào hiệp như ông chủ tờ báo Việt Đức (Đức) cũng chỉ trả cho cây bút này một khoản tiền rất ít và chút quà biếu khi lễ Noel, ngày cuối năm. Thế nhưng ông vẫn miệt mài đi và viết.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Các tác phẩm để lại dư âm của Nguyễn Văn Thọ gồm: Vườn Maria (truyện ngắn), Vàng xưa (Tập truyện ngắn), Đào ở xứ người (tập ký)… Những tác phẩm này gây xôn xao không chỉ trên văn đàn Việt Nam mà cả trên các diễn đàn hải ngoại.
Ông tâm sự, ở Đức đại bộ phận đồng bào ta đến đây vì miếng cơm manh áo nên mối quan tâm của họ nằm ngoài văn chương. Tác phẩm của ông là những truyện và ký viết về họ, đời sống tình cảm, niềm vui và nỗi đau khổ của người lao động Việt Nam xa xứ. "Chính họ cho tôi cảm giác hứng thú khi cầm bút", nhà văn chia sẻ.
Đặc tính của người Đức là tính kỷ luật và ý chí cho mục tiêu sống rất cao. Theo tiêu chí này, ông tự chấm mình điểm 6/10 điểm. Ônh nói mình sẽ viết đến năm 65 tuổi và hy vọng luôn trẻ tới đó để có thể viết nên những tác phẩm giá trị.
Mỗi năm, để khỏi lạc hậu, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đều về Việt Nam một lần để cập nhật ngôn ngữ và xu hướng phát triển của nền văn học quê hương. Ngoài ra, ông còn muốn công bố vài tác phẩm đã viết ở xứ người, gọi chơi là để "xả" những gì đau đáu nơi quê nhà trong những năm tháng bươn chải xứ người.
Nhiều người đọc văn của Văn Thọ mê tít, nhưng khi gặp chưa chắc đã nhận ra nhà văn yêu quý của mình bởi ông sở hữu vẻ bề ngoài bụi bặm, phong trần và có nét gì loáng thoáng giống một gã xe ôm nghiệp dư.
Việc đi về quê hương dù tốn kém, nhưng bù lại nhịp sống của người cầm bút như nhà văn không bị ì trệ. Đó cũng chính là điều làm cho những sáng tác của Nguyễn Văn Thọ luôn đầy ắp cảm xúc.
Như Thủy
Comment