Nếu thế giới không có trà!

Nếu không có trà, "Vang bóng một thời" của Nguyễn Tuân sẽ bớt đi chút ánh tài hoa. Độc giả sẽ không bao giờ biết được chuyện một kẻ vì mê trà mà phá sản đến nỗi phải đi ăn mày hay một ông đồ kỹ tính đến mức chỉ uống trà pha bằng nước lấy từ giếng chùa trên núi.
Nếu thế giới không có trà
Nếu không có trà, Trung Hoa sẽ bớt huyền bí đi một ít. Sẽ không có huyền thoại về Trảm Mã trà (trà trong dạ dày ngựa non), Thanh
Nữ trà (trà do trinh nữ hái trên núi, ủ vào vạt áo đem về), Bạch Mao hồng trà (trà do khỉ trắng hái), Trùng Điệp trà (phân của các con sâu trà), Thiết Quan âm trà (trà mọc từ mí mắt vứt đi của Đạt Ma Sư Tổ – cũng có thuyết nói là trà do một ông lão da đen hái ở ngọn núi mà Quan Âm ở).
Nếu không có trà, Trung Hoa cũng sẽ khuyết đi rất nhiều tuyệt tác Đường Thi.
Nếu không có trà, Nhật sẽ đánh mất văn hoá trà đạo, nơi triết học hòa quyện cùng thiền và mỹ học để tôn vinh sự hài hòa giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên. Hòa, Kính, Thanh, Tịnh – bốn nguyên tắc cơ bản của trà đạo cũng sẽ hoá thành viển vông như những con đường mây trắng.
Nếu không có trà, Nước Anh sẽ mất đi văn hóa trà chiều (tea-time) – một nếp sinh hoạt đài các và lịch duyệt. Các quý tộc Anh ngày trước vẫn luận câu nói “mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh” của Nữ Hoàng theo nghĩa đầy tự hào: “Vào bất cứ lúc nào cũng có quán tea time nào đó ở đâu đó trên thế giới”. Nếu không có trà, sự vênh vang ấy chắc chắn đã không có.
Nếu không có trà, nước Nga sẽ mất đi một biểu tượng – chiếc ấm Xa-mo-va, Mỹ sẽ mất đi một thói quen – uống trà lạnh, Ấn Độ sẽ mất đi một thương hiệu – Dajerling. Nếu không có trà, National Geographic, tạp chí nổi tiếng của nước Mỹ sẽ phải đính chính - điều họ chỉ phải làm một, hai lần trong hơn một trăm năm qua – về bài viết xưng tụng sáu đồ uống thay đổi thế giới này.
Nếu không có trà, khi đó sáu thức uống được ưa thích sẽ chỉ còn năm: bia, rượu vang, rượu mạnh, cà phê và… Coca -cola.
Nếu không có trà, Ấn Độ đương nhiên bị tước danh hiệu nước sản xuất trà lớn nhất thế giới. Ireland sẽ không có vinh danh là nước có mức tiêu thụ chè tính theo đầu người nhiều nhất hành tinh.
Nếu không có trà, thế giới tiêu dùng sẽ nghèo nàn hơn, các siêu thị, cửa hàng sẽ ít màu sắc hơn khi vắng bóng không chỉ trà mà cả kem đánh răng chiết xuất trà xanh, kẹo cao su vị trà xanh…
Nếu không có trà, Đông y sẽ thất truyền nhiều bài thuốc quý, phái yếu sẽ tiếc ngẩn ngơ vô số chiêu làm đẹp không tốn tiền, và các cụ già sẽ thấy bình minh nhạt nhẽo vì thiếu một mùi hương.
Nếu không có trà, Phùng Cung sẽ mất đi một chỗ dựa của nỗi niềm vào những câu thơ đầy ẩn ức: “Quất mãi nước sôi. Trà đau nát bã. Không đổi giọng Tân Cương”. Và cũng buồn như thế, là dân gian sẽ mất đi một bài ca dao hóm hỉnh: “Hôm qua lên núi hái chè…”.
Nếu không có trà, những câu chuyện sẽ bắt đầu khó khăn hơn, và đương nhiên chuyên đề này sẽ không thể có mặt trên báo.
Vậy thì như lời của nhà văn Mỹ Cham Potok, “hãy uống trà và hãy bắt đầu nói về những điều hạnh phúc”.

Cuộc phiêu lưu của trà:
Trà được ghi nhận là khởi nguồn từ Trung Quốc vào khoảng những năm 3300 – 3100 trước Công Nguyên theo cuốn Trà Kinh nổi tiếng nước này, trong một lần tuần thú phương Nam, vua Thần Nông đã vô tình uống thứ nước đun sôi có lá cây trà rơi vào. Ông khen thứ nước “làm cho cơ thể phấn chấn, tinh thần thoải mái, sáng suốt”. Và trà đến với nhân loại từ đó.
Tuy vậy, phải tới thời nhà Đường (618-907) nghệ thuật thưởng thức trà mới thực sự được biết đến. Rồi từ Trung Quốc, cuối thế kỷ 11 trà lan sang Nhật. Người Nhật đem nó hoà quyện với văn hóa bản đại và nâng lên thành triết lý riêng của dân tộc, đó là trà đạo. Tới thế kỷ 14, trà đã trở thành đồ uống thông dụng với mọi tầng lớp trong xã hội Nhật Bản.
Thế nhưng lúc đó, châu Âu vẫn hoàn toàn mù tịt với thứ nước uống này.
Sự mù mờ này tiếp tục kéo dài thêm 200 năm nữa. Mãi tới đầu thế kỷ 17 trà mới bắt đầu theo các thuyền buôn ly hương tới Bồ Đào Nha. Năm 1657, nó lần đầu tiên xuất hiện ở Anh. Truyện kể rằng, cái thứ nước trà vàng óng ánh đã chinh phục hoàng hậu Catherine Brazanga ngay từ những ngụm đầu tiên. Từ đó trà nhanh chóng thực hiện cuộc “đảo chính”, vượt mặt cà phê để trở thành đồ uống được ưa chuộng nhất. Từ đây, những cánh trà mỏng manh, nhỏ xíu đã gây nghiện hầu hết các quốc gia ở lục địa già, nhất là trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp. Người châu Âu vẫn nói vui với nhau rằng, sau cuộc cách mạng này, thế giới đã chia tách thành hai nền văn minh. Một là nền văn minh cà phê và thứ hai chính là nền văn minh trà!
Sau khi đã làm xong nhiệm vụ quyến rũ châu Âu, trà lại theo chân của những người thích phiêu lưu tìm đến lục địa mới – nước Mỹ. Ngày nay trẻ em Mỹ vẫn học những bài học lịch sử về Boston Tea Party – một trong những sự kiện dẫn đến cuộc Cách mạng Mỹ nhằm phản kháng lại việc chính phủ Anh. Có lẽ chính vì sự kiện này mà trà từ đó về sau không còn được coi là thức uống số một ở Mỹ. Dẫu thế, trà hiện vẫn chiếm được cảm tình của một nửa dân số thế giới.
Trung bình mỗi ngày có 165 triệu cốc trà được tiêu thụ ở Anh, tương đương 60,2 tỷ cốc/năm. Mỗi năm chỉ riêng Maroc đã tiêu thụ khoảng 30.000 tấn trà. Còn ở Mỹ, dù trà chỉ đứng thứ 2 nhưng tính ra mỗi ngày dân Mỹ cũng tiêu thụ khoảng 646.575 kg.
Sưu tầm
Comment