Cao số
Em siêng lắm, cứ xin đăng ký tăng ca riết, đi làm liên tục luôn. Tăng ca nhiều thì tiền nhiều. Thế là chúng nó lại càng ghét. Chúng nó là dân cùng làng cùng xóm xin đi cùng một lượt với nhau, chỉ có mình em là lọt tọt ở ngoài.
Cả đám kết thành bè xúm vào ăn hiếp em. Em cũng tính nát trong đầu chỉ có một mình thôi ráng nhịn đi cho êm chuyện, làm lơ coi như không biết, việc mình mình làm .
Mẹ em cứ hay mắng em con gái mà đanh đá hung dữ quá thì chẳng ma nào dám lấy. Thầy bói nói em tuổi Thân, lại đứng chữ Mậu, cao số lắm. Thây kệ chị ơi, cao số thì cao số, không ai lấy thì thôi chịu, chứ hiền lành quá làm sao sống nổi ở cái đời này, hả chị? Chị ấy, đi làm thì thôi, về đến nhà là ru rú trong nhà chẳng nói năng giao thiệp với ai, có biết cóc gì chuyện đời cay đắng đâu phải không? Ngồi đây với em một lát đi. Em mới lượm được trái mít bự lắm nè. Ngồi đó, để tui lột mít cho bà ăn, kể chuyện đời cho bà nghe chơi.
Nè, thử đi, thơm ghê chưa, ngọt lừ luôn. Thơm như múi mít mà. Chị biết không, em làm công nhân xí nghiệp may, còng lưng cả ngày lương tháng có năm bảy trăm, tăng ca cắm đầu cắm cổ rạc cả người cũng chỉ được hơn triệu là cùng. Mẹ em thì loay hoay với nồi cháo lòng, buôn bán kiểu gì không biết mà lời đâu không thấy, cứ lỗ vốn hoài, quanh năm suốt tháng chỉ thấy sốt vó đi vay đầu này đập đầu kia, tối ngày xoay xở lo đến hạn đóng hụi chết cho người ta. Bởi vậy, có đứa bạn rủ đi hợp tác lao động, em chịu liền.
Chị không biết đâu, lao động bên đó cực lắm! Sáng sớm, trời lạnh muốn đông máu, em có phải là tiểu thư công chúa gì cho cam, vậy mà nghĩ tới chuyện phải đi làm cũng phát ớn, chỉ muốn chết cho xong. Vào tới chỗ của mình rồi là dính luôn trên ghế một hơi tới trưa. Dây chuyền mà, công việc cứ tới tới liên tục, chả cần trói buộc cũng không dám bỏ đi đâu, bỏ đi là ùn tắc tức thì. Tới lúc đứng dậy được là đến giờ cơm. Giờ cơm chỉ dọn độc một món kim chi. Kim chi đủ kiểu. Ngày nào cũng chỉ một thố cơm, một thố kim chi. Nhìn mâm cơm mà chảy nước mắt.
Cực khổ vậy đó nhưng em có dám hó hé chút gì cho bên nhà biết đâu. Viết thư về toàn kể chuyện được nhà máy cho ăn cái này cái nọ, ngày nghỉ được chở đi chơi chỗ này chỗ kia... để bà già khỏi lo nghĩ rồi đổ bệnh, rắc rối nữa. Nhớ nhà muốn chết, em cứ leo lên cửa sổ, ngồi ngó ra ngoài. Ký túc xá ở tuốt trên núi, nhìn đâu cũng chỉ thấy mịt mù núi với trời. Ngày nghỉ, người ta rủ nhau đi chơi, cả dãy phòng đóng cửa im ỉm, hành lang vắng tanh vắng ngắt, chỉ còn em lủi thủi đi ra đi vô một mình. Đi chơi tốn tiền lắm, chị ơi! Người ta con nhà giàu, qua đây đâu phải chỉ để kiếm tiền. Em thì không, phải để dành gửi về cho mẹ trả nợ. Xài một đồng phí một đồng, uổng lắm.
Hồi mới sang, nhớ nhà quá em gọi điện về nhà, tốn tiền quá trời. Về sau, đám công nhân qua trước có kinh nghiệm, chỉ em cách ăn cắp thẻ, đỡ lắm. Có lần em gọi điện cho nhỏ cháu, nó ca nguyên một bài cải lương cho nghe, vui ghê. Sau này bưu điện phát hiện, vô nhà máy quần dữ quá, hết dám gọi luôn. Nó mà phát hiện, nó đuổi luôn, chết chắc!
Ăn đi chị, ăn thêm nữa đi, mít ngon mà, còn nhiều lắm nè, nhóc thố luôn. Chị biết không, em chỉ nghĩ tới mẹ thôi. Nếu không, chắc chịu cực không nổi trốn về từ lâu rồi. Buồn lắm chị ơi, đi làm đã cực lại thêm cái nạn hiếp đáp. Không phải dân Hàn hiếp đáp mình mà đồng hương ăn hiếp nhau mới tức chứ. Đám công nhân đi cùng đợt ghét em vì em biết rành tiếng Hàn. Trước khi đi, cả bọn đứa nào cũng được tập trung mấy tháng để học tiếng. Tụi kia học hành cái giống gì mà ngu quá, có nói năng được gì đâu. Em thì lo xa lỡ mình không biết tiếng, lúc làm việc không nghe ra người ta sai phái mình cái gì, làm trật lất hết thì chết cha, cho nên em ráng học, ráng nhớ. Bởi vậy, qua tới nơi, thấy mình em nghe được, biết trả lời, tụi Hàn cho em làm trưởng nhóm, làm sếp cả bọn.
Em siêng lắm, cứ xin đăng ký tăng ca riết, đi làm liên tục luôn. Tăng ca nhiều thì tiền nhiều. Thế là chúng nó lại càng ghét. Chúng nó là dân cùng làng cùng xóm xin đi cùng một lượt với nhau, chỉ có mình em là lọt tọt ở ngoài. Cả đám kết thành bè xúm vào ăn hiếp em. Em cũng tính nát trong đầu chỉ có một mình thôi ráng nhịn đi cho êm chuyện, làm lơ coi như không biết, việc mình mình làm.
Nhưng rốt cuộc cũng không nhịn được. Giờ ăn tụi nó giành ăn hết phần cơm của em. Giờ ngủ tụi nó quậy, cố tình phá không cho em ngủ. Một bữa kia, em hết chịu nổi, tức quá cầm nguyên cái mâm cơm bằng gỗ đập lên đầu con nhỏ đầu têu cái cốp. Em chỉ mặt từng đứa nói, tụi bay ỷ đông hiếp người, tao cóc sợ thằng nào con nào, cứ nhào vô tao chấp láng. Nói xong, để dằn mặt em táng liền một bạt tai đứa ngồi gần em nhất làm nó bật ngửa ra trên ghế. Có lẽ cái phần hung dữ trong con người em bắt đầu nổi dậy từ đây. Từ đây, em hiểu ra một điều là hiền lành quá không thể nào sống nổi với thiên hạ được đâu. Nghe tiếng ồn ào lộn xộn, thằng cha phiên dịch chạy tới liền. Thằng cha này làm việc bên đây lâu năm rồi, ắt hiểu chuyện. Cho nên chỉ cần liếc sơ một cái là thằng chả biết ngay chuyện gì. Chả hăm tụi kia nếu còn kiếm chuyện gây sự hay ăn hiếp em, chả báo cáo lên ban giám đốc đuổi liền hết cả đám. Cũng nhờ vụ đó, em bớt bị chúng nó hành hạ.
Trời, chị biết không, cái đứa bị em tát cho lật nhào, té ra là một thằng con trai. Ai mà ngờ nó bắt đầu để ý đến em từ khi bị em cho nó ăn tát. Ban đầu em ghét nó lắm. Nó chung nhóm với đám con nhà giàu hay ăn hiếp em mà. Nhưng thật ra, nó chưa bao giờ làm gì em, mỗi khi tụi kia gây sự, nó chỉ đứng xa xa ở ngoài. Nhìn cái bộ nó em nghĩ thằng này chắc hèn lắm đây. Nhưng mà nó dai như đỉa, cứ đeo em riết, chửi cách gì nó cũng không chừa. Có lần em đóng cửa không cho nó vô phòng, không thèm ngó tới, không thèm nói chuyện. Lâu thật lâu mới hé cửa dòm ra coi sao thì thấy nó vẫn còn đứng đó... khóc. Chị coi, đàn ông con trai gì thấy mà chán! Mỗi khi có chuyện, nó có dám làm gì để bênh em đâu? Nó nói, nó sợ ra mặt bênh em, tụi kia sẽ ghét em hơn. Nghe thì cũng có lý, nhưng em cứ nghĩ nếu một ngày nào đó, cả cái đám kia có rủ nhau nhào vô giết em chết ngay trước mặt nó, em chắc nó cũng chỉ đứng nhìn, rồi khóc thôi.
Nhưng chị ơi, con gái tụi mình thiệt yếu lòng phải không? Đám con trai cứ chịu khó lì lợm chai mặt ra cưa lâu lâu là thế nào cũng đổ. Nhất là khi mình đang tủi thân vì đơn độc một mình nơi xứ lạ quê người, đang rầu rĩ vì bơ vơ, vì nhớ nhà mà có người sẵn lòng ở kề bên nghe mình thút thít cũng đỡ buồn ghê lắm. Thêm nữa, xách cái thân con gái đi làm công cho người ta, công việc nặng nhọc nhiều lúc cũng cần nhờ vả sức vóc con trai. Thành ra em chấp nhận chuyện hai đứa đi chơi chung, ăn chung, xài chung vài thứ đồ dùng. Nhưng tiền thì em ít khi cho nó xài chung lắm. Nó chi cho em là chủ yếu. Lâu lâu em cũng để nó ôm ấp, hôn hít mấy cái, nhưng đừng hòng chuyện kia. Em khôn lắm, có bầu một cái là thua liền. Ở đây kỵ chuyện quan hệ trai gái lắm. Nhà máy mà biết được ai có tình ý với ai, đứa nào cặp bồ với đứa nào là bắt buộc đổi việc làm, chuyển đi chỗ khác, cách ly liền.
Chị coi nè, múi mít này dễ thương chưa, tròn ủm hà. Dễ thương cỡ nào thì cũng một nhát dao chui vô miệng người cái tọt, mất tiêu. Tụi em tính toán hết trơn. Tiền đám cưới, tiền mua xe, mua nhà, tiền để dành làm vốn, đâu ra đó. Chỉ còn chờ lên máy bay vù về Việt Nam. Nghe nói sắp đến hạn hết hợp đồng, có đứa hỏi về luôn hay là trốn? Trốn ra ngoài kiếm chuyện làm tiếp hay là buôn bán linh tinh sống cũng tạm, chứ về nước chưa chắc kiếm được việc làm. Nghe tụi nó nói em cũng muốn xiêu xiêu nhưng sao thấy nhớ nhà quá. Phải về thôi, về một chuyến thăm nhà, thăm mẹ một cái rồi đi đâu, bao lâu nữa cũng được.
Ai mà ngờ số em nó lận đận vậy hả chị? Thầy bói nói thế mà đúng. Về nước, thằng bồ em đưa em về nhà quê giới thiệu với ba má nó liền. Nhà làm ruộng, nuôi một đàn bò sữa, nó là anh lớn, xưa nay quen cáng đáng mọi việc trong nhà. Em chẳng biết làm gì, đứng xớ rớ coi nó vắt sữa bò bị bò đái vọt vào mặt, ghê quá. Chuyện ra riêng quan trọng hơn em tưởng. Bao nhiêu dự tính tự nhiên lục cục. Nó cứ lần lữa hoài, chần chừ chuyện mua xe, mua nhà. Má nó đi coi thầy bà gì đó nói hai đứa em kỵ tuổi, sáp vô là cháy nhà sập mả, xui xẻo đủ thứ, thiếu điều đi ăn mày. Em tức mình, chẳng qua họ không thích có con dâu là dân thành phố lại lớn tuổi hơn con trai họ. Với lại, hình như ở nhà đã nhắm sẵn cho nó một con nhỏ cùng quê từ lâu rồi.
Em không thèm gặp mặt cái thằng thà nhìn em chết mà không cứu đó nữa. Em không cần đâu. Nói thiệt với chị, hồi nào tới giờ em chưa hề lụy một thằng đàn ông nào. Còn một cây vàng nó đưa để sắm đồ cưới, em nhắn nó lên lấy về nhưng nó tuyệt không dám lên. Làm sao mà nó dám lấy lại hả chị? Em chưa xách dao chém nó là may. Nói vậy chứ khi không bị bồ đá, em cũng rầu, chán nản lắm, chẳng thiết tha tới chuyện gì nữa, tối ngày nằm ẹp trong phòng y như chị vậy. Bộ chị cũng đang bị bồ đá hay sao? Mẹ em đi ra đi vô không hiểu chuyện gì nhưng cũng nín khe, không dám hỏi han. Bà già ngại vì mỗi lần nhắc tới nó, em lại la um sùm.
Nghe đâu bây giờ nó đang cặp với một con nhỏ nào đó, ăn chơi dữ lắm. Đám bạn về cùng đợt cũng hay đến nhà rủ em đi chơi. Em cũng thử đi một lần, thấy không được. Tụi nó bài bạc dữ lắm, toàn tiền triệu không. Em xót quá! Thiệt không hiểu nổi. Làm cực như trâu, hơi chút là bị chửi như chó, đồng tiền kiếm được cũng đổ mồ hôi sôi máu mắt. Nhục lắm! Vậy mà sao tụi nó phung phí quá trời. Ăn chơi riết có đứa dính vô ma túy rồi, tránh sao khỏi?
Trong xóm, có con nhỏ chuyên cặp bồ với người nước ngoài, mua được cái nhà thật bự ngay đầu ngõ. Nó nói tội gì mà lấy chồng cho uổng. Lấy chồng Việt Nam, tiền không bao nhiêu mà còn cà chớn. Nó hỏi em có muốn đi làm không, nó giới thiệu cho. Em lắc đầu kêu mắc cỡ lắm. Nó la, xời, bây giờ người ta làm tràn đồng, ngời ngời ngoài đường đi đâu cũng thấy, có gì mà mắc cỡ. Nó còn nói mấy đứa con gái mặc quần đùi cỡi xe xịn chạy nhông nhông ngoài đường đố có đứa nào không phải là dân chịu đi làm. Là sao chị? Chị coi, cái đứa không ra làm sao, chỉ biết cái nghề moi móc người ta, ăn xổi ở thì thì được ăn sung mặc sướng phủ phê, nhà cửa đàng hoàng. Trong khi mình nai lưng ra cày chết mẹ thì gặp đủ chuyện xui rủi, thu vén cho lắm cũng chổng mông kêu trời. Nhiều khi em cũng muốn liều, kệ cha hết thảy nhưng cứ mỗi lần nghĩ vậy thì em lại nhớ đến mẹ. Tội nghiệp bà già, em mà có chuyện gì, chắc bả đi sớm.
Đọc báo thấy rao cần người phiên dịch tiếng Hàn, nghĩ bụng nằm nhà khóc hoài chắc chết, em thử đi phỏng vấn hú họa ai ngờ được nhận vô làm liền. Là vì em có giấy tờ chứng nhận của công ty cũ đàng hoàng mà, đâu phải dân lưu vong hay dân quậy bị đuổi về đâu. Làm được mấy tháng, thằng chủ người Hàn... thích em. Có điều nó cũng lớn tuổi rồi. Nó nói với em là chưa có vợ. Tại vì bàn tay không có ngón của nó bị con gái Hàn chê. Em cũng sợ lắm, chưa bao giờ dám nhìn thẳng vào bàn tay thun lủn tròn ủng như củ khoai tây của nó. Em không thích lấy chồng nước ngoài đâu. Nếu thích, em đã lấy từ lâu rồi. Bên đó em quen thiếu gì, lành lặn đàng hoàng chứ đâu có... Nhưng giờ thì lấy ai cũng được. Ai lấy cũng vậy thôi.
Khoan khoan, chị đừng đi, cứ ngồi đó. Chuyện của em đã hết đâu? Chị ăn mít đi, em còn muốn kể nữa. Chuyện còn dài, làm ơn ngồi thêm chút nữa, nghe thêm chút nữa. Không nói ra hôm nay, chắc ngày mai em nổ ruột mà chết mất thôi, chị ơi!
Em thấy ghét thằng cha thầy bói, sao mà nói đúng quá trời, không sai một ly. Em lấy chồng, cũng người nước ngoài như người ta, đám cưới cũng rình rang lắm. Đến nỗi đám con gái trong xóm phải xầm xì ghen tị. Đãi nhà hàng lớn ngoài Sài Gòn chứ bộ giỡn sao? Chồng em cũng cho em tiền sửa nhà cho bà già. Em cũng được chồng nuôi cho ăn sung mặc sướng, sắm xe sắm cộ... được một năm. Đùng một cái, nó biến mất không còn thấy tăm hơi. Công ty bán đi từ hồi nào, văn phòng, nhà ở người ta ùn ùn đến lấy lại. Em bị tống ra đường với đống đồ cũ và mấy cái hóa đơn tiền điện tiền nước, cước điện thoại chưa thanh toán. Trả nợ xong em trắng tay, cốt khỉ lại hoàn cốt khỉ. Nửa năm sau vẫn chưa lấy lại hồn vía, đến bây giờ vẫn chưa hiểu vì sao. Vì sao chồng mình bỏ mình?
Vì sao đời em khổ vậy? Có người nói có lẽ nó có vợ bên Hàn rồi nhưng không chịu sang đây với nó. Nó tính chuyện làm ăn lâu dài ở đây, cần có người giặt giũ cơm nước hầu hạ nên mới lấy em. Việc làm ăn khó khăn thua lỗ, nó bỏ em lại, quay về nước với vợ con bên đó, khỏe ru.
Lại có đứa bạn rủ em đi lần nữa. Lần này chắc em sẽ đi Mã Lai. Em phải đi thôi. Đi đâu cũng được. Chị ơi, sao số em hẻo vậy? Đúng là em cao số phải không?
Liêm Trinh