Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Quốc Tuấn:
“Bậc thầy từ một... khay vuông”
TT - Bộ ảnh màu gồm 20 bức, khổ vuông 30x30cm, với chủ đề “Sự trăn trở của môi trường” của nghệ sĩ Hoàng Quốc Tuấn (ảnh) vừa được đoàn chủ tịch Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế (FIAP) xét duyệt phong tước hiệu M.FIAP (nghệ sĩ bậc thầy). Đây là lần đầu tiên một nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam được vinh dự nhận tước hiệu cao quý này và cũng là M.FIAP thứ hai ở khu vực Đông Nam Á.

Hoàng Quốc Tuấn
Sinh năm 1958 tại Sài Gòn. Năm 1998 được phong tước hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh VN xuất sắc. Năm 2003 được phong tước hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh thế giới xuất sắc (E. FIAP). Năm 2009 được phong tước hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh bậc thầy (Master FIAP). Nhân sự kiện này, Tuổi Trẻ xin giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu của anh.
1 Hoàng Quốc Tuấn bảo rằng đây là điều cả đời ông không dám mơ (mặc dù ông là người có tật hễ ngủ là mơ), bởi ông biết xung quanh còn nhiều đồng nghiệp tài năng. Nhưng rõ ràng đây không phải là một cuộc rong chơi may mắn. Để có bộ ảnh gồm 20 tấm gửi đi tham gia cuộc tuyển lựa hằng năm của FIAP, Hoàng Quốc Tuấn đã làm việc miệt mài suốt chín năm ròng. Bắt đầu từ bức ảnh Cái chết hai lần (chụp năm 2001) mô tả hình ảnh một con cá chỉ còn trơ những chiếc xương đang trôi trên mặt biển đầy tạp chất. Bức ảnh này mang lại cho Hoàng Quốc Tuấn giải Nhà nhiếp ảnh xuất sắc Việt Nam (E.VAPA) do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN(VAPA) tổ chức năm 2001.
Tác phẩm đoạt giải là một niềm vui, nhưng từ đó lại gợi bao băn khoăn trăn trở về những vấn nạn đời sống, cụ thể ở đây là sự hủy hoại môi trường. Thế là Hoàng Quốc Tuấn ấp ủ thực hiện một bộ ảnh với tên gọi Sự trăn trở của môi trường .
2 Kiếm một cái khay hình vuông rồi đổ vào đó sơn nước trộn lẫn với bột màu, tùy theo cảm trạng và ý tưởng thể hiện mà những sắc màu biến đổi với những hình thù khác nhau. Nhưng khay màu chỉ mới là một đạo cụ làm nền, những gì xuất hiện trên cái nền vuông (biểu trưng cho sự tù đọng, bao vây tứ phía) mới là quan trọng.
Trên một nền màu đen cuộn xoáy trông như dòng nước dữ, những thân gỗ trôi bập bềnh ( Rừng còn đâu ); một tổ trứng chim bám víu trên mẩu cây khô đang trôi dạt giữa dòng nước ( Bấp bênh ); mặt nước đen sủi bọt, trên đó rơi vãi mấy chiếc lông chim tả tơi ( Nước chết )...
Mỗi bức ảnh của Hoàng Quốc Tuấn như là một câu chuyện thời sự về môi trường hôm nay. Nhìn những bức ảnh như những trò sắp đặt giản đơn, nhưng hỏi ra mới thấy sự lao tâm khổ tứ của người nghệ sĩ. Hoàng Quốc Tuấn nói rằng mình rất hay nằm mơ, và khi thực hiện bộ ảnh này ông thường có những giấc mơ dữ về môi trường. Khi tỉnh dậy lại hí hoáy viết ghi chú, sau đó lo chuẩn bị đạo cụ, vật liệu để thể hiện ý tưởng rồi bấm máy thật nhanh trong khoảng 15-30 phút, vì để lâu hơn nền màu sẽ biến dạng.

Lời cảnh báo số 1 của nghệ sĩ Hoàng Quốc Tuấn nóng hổi tính thời sự về những dòng sông hủy diệt sự sống
3 “Lấy ánh sáng từ cửa sổ rọi vào. Chiều cao đặt máy ảnh là trên dưới 2m, chụp thẳng góc xuống mặt đất. Máy ảnh gắn kính lọc Polarizing (PL) để khử đi độ phản chiếu của sơn dầu”... Đó là những chi tiết kỹ thuật dường như không có gì cao siêu hay phức tạp.
“Nhưng pha màu là cả một nghệ thuật, đâu phải sự ngẫu hứng”. Trả lời cho câu hỏi này, Hoàng Quốc Tuấn vắn tắt một phần cuộc đời có liên quan. Lúc còn trẻ, khoảng 16-17 tuổi, Hoàng Quốc Tuấn đã đam mê hội họa, anh học nghề từ một người anh bà con. Lúc đó bao nhiêu cái cửa chuồng gà của mẹ đều bị Hoàng Quốc Tuấn tháo lấy gỗ đóng khung căng vải bố lên vẽ. Khi học Đại học Sư phạm TP.HCM, công việc làm thêm của Hoàng Quốc Tuấn là vẽ tranh truyền thần và sơn dầu “ký gửi” ở mấy tiệm tranh trên đường Đồng Khởi. Khoảng thời gian từ 1978-1980, Hoàng Quốc Tuấn là giáo viên tình nguyện ở Bình Long (Bình Phước).
Là thầy giáo dạy văn, lại tham gia phụ trách Đội nên Hoàng Quốc Tuấn cầm máy ảnh vừa để phục vụ công tác nhà trường vừa kiếm thêm tiền trang trải. Sau đó do bị bệnh phổi, Hoàng Quốc Tuấn trở về thành phố và chuyển sang sống bằng nghề chụp ảnh đến nay. Bên cạnh việc chụp ảnh mưu sinh, Hoàng Quốc Tuấn luôn dành thời gian, sự đầu tư cho nghệ thuật. Khởi đầu với những tác phẩm tả thực, ông chuyển dần qua xu hướng sáng tạo ý tưởng.

Cá lớn, cá bé. Các bạn có biết trong ảnh có bao nhiêu con cá không? (năm con đấy!). Màu lam tượng trưng cho biển, màu đỏ thể hiện sự chết chóc. Cá lớn, cá bé thể hiện sự sinh tồn trong thiên nhiên thật khốc liệt
Với bộ ảnh Sự trăn trở của môi trường , có thể thấy đó là kết quả sau nhiều năm lao động vất vả của Hoàng Quốc Tuấn. Mỗi tác phẩm là một kết hợp giữa nhiếp ảnh và hội họa, trong đó có nhiều thao tác như chuẩn bị đạo cụ, sắp đặt và có cả sự hỗ trợ của kỹ thuật photoshop.
Thật thú vị là với bộ ảnh được FIAP phong tước hiệu nghệ sĩ bậc thầy này, mọi ý tưởng, cảm xúc, thành hay bại đều nằm trong một khay màu hình vuông.
VIỆT QUÊ
Comment