Xuân này được tắm ao ta
Thứ hai, 15/02/2010 | 10:30GMT+7
Những ngày giáp Tết sau 5 năm được vui Xuân trên quê hương, lòng tôi lại rộn ràng nhớ về khoảng trời tuổi thơ còn sống ở Vĩnh Kim - Tiền Giang
Khi ấy tôi 12 tuổi, cái Tết đầu tiên được vinh dự ngồi hòa đờn cùng với các bác, các chú, các anh chị trong họ hàng vào sáng mùng hai. Cả nhà khi ấy náo nức hân hoan với phong tục truyền thống của gia đình.
Cậu Tư, cậu Năm, các anh chị họ... ngồi quây quần ở gian nhà chính, trước bàn thờ gia tộc cùng hòa nhạc với đàn kìm, tranh, cò các bài Ngũ đối hạ, Tây Thi cổ bản, Lưu Thủy, Phú Lục và bài không thể thiếu - Nam Xuân - mang tính đặc trưng của ngày Tết. Không khí thật ấm cúng và thân thương.
Hình ảnh cả nhà cùng hòa đờn in vào tâm trí, làm lòng tôi lâng lâng mỗi khi nhìn thấy những tờ lịch cuối cùng sắp cạn.
Sau này, vì hoàn cảnh phải xa quê hương, tôi không còn được hưởng cái Tết đầy thi vị như lúc nhỏ. 50 năm xa xứ, không bao giờ tôi dám nghĩ đến việc ăn Tết, vì tháng 2 ở Pháp trời rét, người Tây, người Việt đều phải đi làm. Chỉ chờ đến cuối tuần, Hội Người Việt ở Pháp mới tổ chức họp mặt, hát những vở tuồng xưa để nhớ về ngày Tết.
Trong một bài thơ Tết ở xứ người, tôi có viết hầu “trạng” để nói lên tâm trạng của người xa xứ bao giờ cũng hoài niệm về mùa Xuân quê nhà:
Mở cửa xuất hành đầy mặt lạ
Về nhà chuốc rượu vắng người thân...
Về nhà chuốc rượu vắng người thân...
Nói về Tết quê nhà, không thể không nhắc tới thịt kho dưa giá - món ăn tôi rất thích và chống tới cùng khi người ta gọi nó là thịt kho tàu. Người Tàu kho thịt bằng xì dầu, đâu phải bằng nước mắm và dừa xiêm như mình bao giờ?
Để đỡ nhớ, những lần Xuân về ở Pháp, tôi thường mua thịt về kho rồi cất vào tủ lạnh ăn dần suốt những ngày Tết. Không có dừa xiêm, tôi chế biến bằng mật ong. Ngày 30 Tết, tôi lau chùi những cây đờn đã theo mình bôn ba khắp nơi trên thế giới. Ngày mùng một, tôi khai bút một bài thơ bát cú, sau đó khai đờn với bản Nam Xuân để nhớ về phong tục của gia đình và gọi mời niềm hân hoan cùng về vui Xuân dù sống xa xứ.
GS-TS Trần Văn Khê - Ảnh: THANH HIỆP
Năm 1998, bỗng nhiên cô Trương Ngọc Thủy (khi đó là giám đốc Sở Du lịch TPHCM) và cô Tuyết Mai (giám đốc Công ty Vido Tour) mời tôi nói chuyện về văn hóa VN trong một hội thảo quốc tế về du lịch tổ chức ở London - Vương quốc Anh. Khi hội thảo bế mạc, Tuyết Mai và Ngọc Thủy đưa tôi trở về Pháp. Sau buổi ăn cơm chia tay, Tuyết Mai để lại một phong bì và dặn: “Khi nào con về, bác mới được mở ra xem”.
Khi họ trở về VN, tôi mở thư Tuyết Mai ra đọc và rất vui khi thấy cô viết: “Thưa bác Khê, con không phải là thi sĩ nhưng sau những ngày được gặp và nghe bác nói chuyện, con xin viết tặng bác bốn câu thơ:
Trên tàu ngồi cạnh bác Khê
Nghe bác kể chuyện mà mê mẩn lòng
Dạo này trời Pháp sang đông
Mai về nhớ bác mà lòng bâng khuâng.
Nghe bác kể chuyện mà mê mẩn lòng
Dạo này trời Pháp sang đông
Mai về nhớ bác mà lòng bâng khuâng.
Con kính biếu bác một vé máy bay về VN ăn Tết. Con biết đã 50 năm bác xa quê hương, không có dịp về thăm quê và hưởng cái Tết trong nước như ước nguyện”.
Tôi quá xúc động trước tấm lòng của một cô gái đã góp phần quảng bá và giới thiệu hình ảnh VN trên trường quốc tế thông qua con đường du lịch. Thế là tôi về ăn Tết sau bao năm xa xứ.
Buổi sáng đầu tiên thức dậy tại quê nhà không còn thấy tuyết rơi, thay vào đó là những tia nắng sớm mùa Xuân theo chân tôi xuống phố. Thiên hạ ai cũng tươi vui trong những bộ đồ mới. Không khí tấp nập đón Tết của mọi người, mọi nhà làm tôi thấy lòng mình hân hoan như lân gặp pháo.
Con cháu ngồi quây quần bên tôi trong ngày Tết đầu tiên về thăm quê hương. Phong tục lì xì bao đỏ mừng tuổi cho cháu con đã mang lại tiếng cười nồng ấm cả nhà. Hoa đào, hoa mai, bông vạn thọ..., bầu không khí Tết với hương vị ấm nồng dào dạt trong lòng tôi.
Tôi còn nhớ bài thơ Tết 71 tuổi mình viết năm đó:
Năm nay ăn Tết tại quê nhà
Đất nước người thân hết thấy xa
Bè bạn mừng Xuân tràn chén rượu
Cháu con chúc Thọ cạn chung trà
Dạo đờn đón Tết, vui câu nhạc
Cất tiếng chào Xuân, rộn khúc ca
Năm chục năm qua Xuân đất khách
Xuân này ta được tắm ao ta.
Đất nước người thân hết thấy xa
Bè bạn mừng Xuân tràn chén rượu
Cháu con chúc Thọ cạn chung trà
Dạo đờn đón Tết, vui câu nhạc
Cất tiếng chào Xuân, rộn khúc ca
Năm chục năm qua Xuân đất khách
Xuân này ta được tắm ao ta.
Năm năm ăn Tết ở quê nhà với đầy đủ hương vị ngày Xuân, tôi nhận ra cái hồn dân tộc và tình thương của đồng bào không phải có tiền là mua được.
Tôi đón Tết Canh Dần với nhiều niềm vui. Hơn 40 năm nghiên cứu, tôi hết sức thiết tha với ca trù và quan họ. Giờ thì hai loại hình nghệ thuật này vừa được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể. Tôi ngập tràn niềm vui nhưng không khỏi băn khoăn.
Khi đọc hồ sơ, tôi thấy người ta tuyên dương quan họ là một đối ca, một sinh hoạt văn hóa dân gian, một trò chơi hay, nhã nhặn, mặc quần áo đẹp. Liệu quan họ ngày nay còn giữ được những nét đặc trưng đó không ? Phải giữ lại cái hay của quan họ, không thể sân khấu hóa hay nhạc nhẹ hóa quan họ.
Tương tự, đã có hơn 30 CLB ca trù được thành lập nhưng tôi thấy chỉ vài nơi giữ đúng chức năng của nghệ thuật này. Ca trù là một bộ môn cần được Nhà nước cấp bách ủng hộ, phải chọn mặt gửi vàng, bảo vệ theo truyền thống chứ không phải theo thị hiếu.
Tôi vui còn bởi lẽ giới trẻ đã bắt đầu yêu thích và tìm hiểu âm nhạc dân tộc. Trong những buổi sinh hoạt định kỳ tại nhà tôi, nhiều bạn trẻ đã đến dự và phát biểu khí thế về suy nghĩ đối với âm nhạc dân tộc. Như vậy, ở ngoài nước, âm nhạc dân tộc VN đã được tôn vinh; còn trong nước, giới trẻ đã biết quan tâm, tìm hiểu vốn quý này.
Sự thay đổi của xã hội đã tác động đến tinh thần của giới trẻ, hướng họ về với cội nguồn dân tộc, như ngày Tết không bao giờ mai một trong lòng người dân Việt, dù họ ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
GS-TS Trần Văn Khê