• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Người Xưa và Hoa Mai

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Người Xưa và Hoa Mai

    NGƯỜI XƯA & HOA MAI


    Trong một bức tranh ta tưởng tượng, có lẽ nên tưởng tượng là phấn tiên trên giấy nhung, cụ Tiên Điền vẽ cảnh cuối xuân bên Tàu:
    • Cỏ non xanh tận chân trời
      Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

    Một bức tranh khác, ta tưởng tượng là tranh thủy mặc, bác Vũ Đình Liên vẽ cảnh đầu xuân ngoài Bắc:
    • Mỗi năm hoa đào nở
      Lại thấy ông đồ già
      . . .
      Năm nay đào lại nở
      Không thấy ông đồ xưa
    Còn Phương Nam? Mùa xuân có hoa mai. Nhưng không phải riêng Phương Nam, trong văn học nghệ thuật Á Đông với bộ tứ bình “mai – lan – cúc – trúc”, hoa mai là tượng trưng mùa xuân.
    Ngày xưa, không ai đem cây mai trồng trong chậu, như thế là giam hãm cái khí tiết thanh cao của mai. Cây mai là của trời đất, ủ sương, phơi nắng, dãi dầu cùng thảo mộc sơn khê. Chợt gặp người lính trạm bên đường, ta bẻ vội một cành mai, thay lá thư gởi thăm bạn cố tri. Hoa mai còn tượng trưng cho phái đẹp nên những bức tranh vẽ hoa mai bao giờ cũng có cành giao nhau thành chữ “nữ”.
    Có những tác phẩm lấy hoa mai làm rường cột cho câu chuyện như Nhị độ mai, Mai đình mộng ký… Ngoài ra từ văn chương bác học của các đại danh đến văn chương bình dân, hoa mai được nhắc đến rất nhiều, trong nhiều sự hòa hợp, hơn hẳn các loài hoa khác.
    Mai đi với trúc:

    • - Mai khai phú quý, trúc báo bình an
      - Thờ ơ gió trúc mưa mai
      - Chắc rằng mai trúc lại vầy
      - Một nhà sum họp trúc mai
      - Ai đi đường ấy hỡi ai
      Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm
    Mai đi với hạc:

    • - Nghêu ngao vui thú yên hà
      Mai là bạn cũ hạc là người quen

      - Hỡi người mình hạc xương mai
      Ở miền thị tứ tìm ai chốn này?

    Mai đi với tuyết:

    • - Mai cốt cách tuyết tinh thần
    Mai đi với liễu:

    • - Gió đưa liễu yếu mai oằn
      Liễu yếu mặc liễu mai oằn mặc mai
    Mai đi với cúc:

    • - Nét buồn như cúc điệu gầy như mai
    Mai đi với điểu:

    • - Xem thơ biết ý gần xa
      Mai hòa vận điểu điểu hòa vận mai
    Vân vân… Còn nhiều nữa.

    Đi tìm một nhành mai, ai đã võ vẽ đọc thơ đều cúi đầu khi gặp Mãn Giác thiền sư:
    • Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
      Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
      (Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
      Đêm qua, sân trước, một nhành mai)
    Ngải Tuấn Mỹ, đời nhà Thanh có câu đối tặng Phó sứ Việt Nam Nguyễn Tư Giản đã được truyền tụng rộng rãi:

    • Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
      Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
    Ca ngợi hoa mai, nhưng cái thần tình của câu đối nằm ở vế trên, chuyện thập tải luân giao. Ông Viên Linh đã dùng vế ấy ghi nơi hộp thư tạp chí Thời Tập xuất bản trước năm 1975 tại Sài Gòn. Hộp thư không chỉ ghi những bài đã nhận mà là nơi giao lưu giữa người chủ trương, tòa soạn với bạn viết, bạn đọc. Ông Viên Linh là người có tài làm hộp thư, nhiều câu trả lời dí dỏm, rất hay. Mở tờ Thời Tập tôi cũng như nhiều người trước hết đọc mục hộp thư.
    Trong Vang bóng một thời, truyện viết về thú chơi thả thơ, ông Nguyễn Tuân dẫn câu:
    • Mộ thượng mai khai xuân hựu lão
      Đình biên hạc khứ khách không hoàn
    Vẫn là mai đi với hạc. Vế dưới khiến ta nghĩ đến Hoàng Hạc lâu: Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản. Vế trên cho ta hình dung ra cảnh không phải sầm uất cũng không phải hoang sơ, một cảnh xuân thật độc đáo. Hoa mai nở trên mộ, nét xuân càng già dặn.
    Lúc nhỏ, mỗi khi trời tạnh mưa, nhìn dấu chân mèo chân gà đi trên sân ướt, cha tôi hay đọc câu đối, tôi không biết của người hay của ai:

    • Võ hậu đình tiền, miêu túc mai hoa, kê túc trúc
      Dạ thanh thiên thượng, tinh hình đạn tử, nguyệt hình cung
    Vế dưới bình thường: Đêm thanh, trên trời, những vì sao giống như viên đạn, mặt trăng giống như chiếc cung.
    Vế trên thật hay: Sau cơn mưa, trước sân, dấu chân mèo in hình hoa mai, dấu chân gà in hình lá trúc.
    Cái nhìn của tác giả thật sắc sảo, kết hợp giữa hình ảnh thực tế gần gũi ngay trước mắt là dấu chân mèo, dấu chân gà với ước lệ của thi và họa: hoa mai và lá trúc.

    Tái bút: Ở trên tôi có nhận xét về câu đối này: “Vế dưới bình thường”. Nay thấy không phải là bình thường. Mờ sáng ngày 17-9-2009 (29 tháng 7 năm Kỷ Sửu âm lịch) tôi đi bộ dọc bờ sông Chùa (một phụ lưu của sông Đà Rằng trong phạm vi thành phố Tuy Hòa) chợt nhìn lên bầu trời, thấy còn vầng trăng mỏng, thật mỏng, chỉ là một đường cong, và chỉ duy nhất một ngôi sao cạnh đó, rõ ràng là tinh hình đạn tử nguyệt hình cung. Vế này tuy không xuất sắc như vế trên nêu lên hình ảnh dấu chân mèo và dấu chân gà, cũng chứng tỏ khả năng quan sát của tác giả thật độc đáo.

    Trần Huyền Ân
    Similar Threads
  • #2

    [QUOTE=Hương Bình;32777]NGƯỜI XƯA & HOA MAI


    Ngải Tuấn Mỹ, đời nhà Thanh có câu đối tặng Phó sứ Việt Nam Nguyễn Tư Giản đã được truyền tụng rộng rãi:





    • Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

      Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

    ::::::::::::::: ::::::::::::::::::::: :::::::::::::::::::::::::





    CÂU ĐỐI "NHẤT SINH ĐÊ THỦ BÁI MAI HOA "
    CÓ PHẢI CỦA CAO BÁ QUÁT ?




    Trong tạp chí Diễn đàn văn nghệ VN số 3/2006, nhà thơ nổi tiếng Phạm Tiến Duật (Tổng biên tập) có đăng bài thơ “cây mai trắng trong phòng Tổng Biên tập” tặng nhà văn, thiếu tướng Hữu Ước, có dẫn ở phần “đề từ” câu đối của Cao Bá Quát :

    Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

    Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

    Dịch là :

    Mười năm lặn lội tìm cây kiếm cổ

    Một đời chỉ biết lạy hoa mai)

    Theo các tài liệu đã được các nhà nghiên cứu tiền bối công bố, thì đôi câu đối trên có xuất xứ như sau :

    Theo “Như Thanh Nhật ký” năm Mậu Thìn (1868) vua Tự Đức cử đoàn sứ bộ sang triều cống nhà Mãn Thanh : cầm đầu là chánh sứ Lê Tuấn (đỗ Hoàng Giáp năm 1853); phó sứ là Nguyễn Tử Giản (Hoàng Giáp năm 1884); phó sứ thứ 2 là cử nhân Hoàng Tịnh.
    Hành trình của sứ bộ theo lối xưa từ ải Nam Quan đến Yên Kinh “bộ khôn bằng bộ, thuỷ khôn bằng thuyền” mất 181 ngày (lưu trú 64 ngày đi 117 ngày trong đó 44 ngày đường bộ, 73 ngày đường thuỷ). Khởi hành ngày 1/8 Mậu Thìn, sau 125 ngày thì đến huyện thành Hà Dương tỉnh Hồ Bắc, ở đó đoàn Sứ bộ Việt Nam được viên tri phủ Hán Dương là Ngải Tuấn Mỹ đón tiếp và tặng đôi câu đối cho chánh sứ Lê Tuấn :

    Hữu Khẩu tu ngôn thiên hạ sự
    Kháng hoài bất nhượng cổ chi nhân

    Tạm dịch :

    Có miệng nên nói việc thiên hạ
    Nghị lực không chịu nhường người xưa.

    Câu đối tặng Nguyễn Tử Giản :

    Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
    Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

    Tạm dịch :

    Mười năm chọn bạn như tìm thanh kiếm cổ
    Một đời chỉ biết cúi đầu lạy hoa mai

    Câu đối tặng Hoàng Tịnh:

    Truyền thần cổ hữu Lý Tư Huấn
    Vấn tự kim vô Dương Tử Vân

    Tạm dịch :

    Truyền thần xưa có Lý Tư Huấn
    Hỏi chữ nay không Dương Tử Vân.

    Sự kiện trên được chép trong “Yên thiều bút lục” của Nguyễn Tử Giản (1823-1890) sách viết tay của thư viện khoa học Trung ương, số A.852 tờ 18a-b; Cứ liệu trên đã được các học giả Tảo Trang và Hoa Bằng đưa ra trên tạp chí văn học số 2-Hà Nội năm 1972, trang 61 và 64).

    Câu đối “... bái mai hoa” của Ngải Tuấn Mỹ tặng Nguyễn Tử Giản là vào năm 1868, trước đó 14 năm, Cao Bá Quát đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương (Giáp Dần 1854)... phải chăng người đời do quá yêu Cao Chu Thần nên cứ thích tương truyền câu “nhất sinh đê thủ bái mai hoa” là của ông như một giai thoại để đời ?
    </B>
    Góc Thành Nam-Hà Nội ngày 5-12-2006




    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 18-02-2010, 05:12 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    • #3


      Phật Thơ Vương Duy thì viết:


      Quân tự cố hương lai
      Ung tri cố hương sự
      Lai nhật ỷ song tiền
      Hàn mai trước hoa vị


      (Người từ quê cũ đến
      Hẳn biết chuyện quê nhà
      Ngày đi qua trước cửa
      Thấy Hàn Mai nở không?)

      Ý chỉ thân cô đất khách được gặp đồng hương lại không vội hỏi thăm chuyện quê cũ mà chỉ nhớ đến một gốc mai xưa!





      Đại thi hào Nguyễn Trãi thì thưởng hoa theo cách của riêng ông:

      Hái cúc, ương lan, hương bén áo
      Tìm mai, đạp nguyệt, tuyết xâm khăn

      hay:

      Quét trúc, bước qua lòng suối
      Thưởng mai, về đạp bóng trăng


      Nguyễn Du thì có thơ rằng:

      Nghêu ngao vui thú yên hà
      Mai là bạn cũ, hạc là người quen



      Chắc bạn đọc đọc đến đây sẽ nhớ lại bài kệ “Cáo tật thị chúng” đầy hàm súc của Mãn Giác Thiền Sư lấy tứ từ hoa mai:

      Xuân khứ bách hoa lạc
      Xuân đáo bách hoa khai
      Sự trục nhãn tiền quá
      Lão tùng đầu thượng lai
      Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
      Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

      (Xuân đi trăm hoa rụng
      Xuân đến trăm hoa cười
      Trước mắt việc đi mãi
      Trên đầu già đến rồi
      Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết
      Đêm qua sân trước một nhành mai) -
      (Ngô Tất Tố dịch)
      Cuộc đời là một dòng chảy không ngừng biến chuyển, vạn vật có sinh có diệt, đời người có sinh lão bệnh tử; tuy nhiên, có một cái bởi không sinh nên sẽ không diệt. Đó chính là bản lai diện mục, là pháp gốc mỗi người chúng ta. Cái Tâm ẩn dụ đó cũng như như cành mai mọc bên ngoài dòng sinh tử vô thường của thời gian và nở bên ngoài quy luật bể dâu của vũ trụ. Người ta nên như nhành mai kia: an nhiên tự tại khi đối diện với sinh tử vô thường của tạo hóa, với cái được thua còn mất của kiếp người.

      Cùng chung ý tưởng, thi nhân Trung Quốc viết về cái ngộ trong tâm:

      Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân
      Mang hài đạp phá lãnh đầu vân
      Quy lai khước quá mai hoa hạ
      Xuân tại chi đầu dĩ thập phân

      (Ni sư đi hài cỏ trèo đèo vượt núi,
      Cực khổ tìm Xuân suốt bao ngày
      Đến khi không gặp về nhà cũ
      Mới thấy Xuân hiện trên cành mai)

      Làm sao tìm được mai trong vườn nhà khi xuân đã tàn? Cành mai ấy là cành mai trong Tâm mà thôi, cũng như cành mai khai nở trong tâm an nhiên mà Mãn Giác thiền sư đã viết!


      Truyện về mai chưa hết … Sách xưa chép tích Hồ Quý Ly vì câu thơ hoa mai mà được vua Trần gả vợ mới thật là kỳ thú. Khi vua Trần ngự điện có ra vế đối:

      Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế.

      Hồ Quý Ly nhớ lại câu thơ ông biết thủa hàn vi bèn đọc luôn:

      Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai

      Cả hai câu ghép lại thành hai vế đối nhau rất chỉnh.

      Thanh Thử điện kia ngàn gốc quế
      Quảng Hàn cung nọ một cành mai.

      Kinh ngạc hơn là vua có một công chúa đặt tên là Nhất Chi Mai luôn ở trong cung cấm mà chưa từng ra ngoài. Truyện lạ duyên trời, vua gả công chúa Nhất Chi Mai cho ông. Chính bà sau này sinh cho Hồ Quý Ly 2 người con tài ba là Hồ Nguyên TrừngHồ Hán Thương



      Xưa đã hay, nay càng không kém. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ngày còn ở Huế, Xuân nọ đi thấy các sư đang bán cành mai Tết, lòng xao xuyến:

      Huế đẹp đã đành xa xôi lắm
      Bỗng gặp mai vàng nở chòng vai
      Có ông sư trẻ chừng muốn bán
      Hoa Tết vườn chùa một nhành mai.

      Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng ở Quy Nhơn lên thăm di tích thành Đồ Bàn của người Chăm đã bồi hồi trước phố cũ hoa vàng:

      Ai lên phố cũ hoa vàng
      Cung thành xe ngựa dặm đàng dư ba

      Nhà thơ Xuân Hoàng thì chiêm nghiệm:

      Bỗng một ngày Xuân một khách thơ
      Gặp mai trong núi ngẩn ngơ chờ
      Mai vàng đến dộ ươm nên hát
      Mang giống về xuôi tự bấy giờ

      Nguyễn Đình Chiểu thời trẻ học ở Kim Long (Huế) có câu thơ rất hay về hoa mai vàng:

      Hữu tình thay ngọn gió đông
      Cành mai nở nhuỵ lá tòng reo vang





      Cũng là một cành mai, nhưng lại này nằm trên đỉnh núi cao chót vót, hướng về mặt trời, nên trong mắt người lên núi nó cũng ngạo nghễ như mặt trời vậy.

      Riêng Nguyễn Bính đã thi vị hoá thành hình ảnh cây hoa mai để nói về nơi có nhà người con gái ông yêu:

      Nhà em ở dưới cây mai trắng
      Bên cụm mai vàng dưới Đế kinh

      Cây mai trắng là phố Bạch Mai, cụm mai vàng là phố Hoàng Mai, còn Đế kinh chính là…Phố Huế Câu thơ quả là để đời


      Đôi dòng hữu ý, tản mạn lại quá dài, người viết xin dừng lời. Bài viết có sử dụng tư liệu sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau nên chưa kịp đề cập đầy đủ, mong đọc giả lượng thứ
      Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 18-02-2010, 12:45 AM.
      ----------------------------

      Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

      Comment

      Working...
      X
      Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom