• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Thời hoa đỏ

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Thời hoa đỏ

    [ame="http://www.youtube.com/watch?v=22XcDGvxWME&feature=related"]YouTube- Thoi hoa do[/ame]





    Thời hoa đỏ

    Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
    Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng
    Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh
    Chẳng cho lòng ta yên

    Anh mải mê về một màu mây xa
    Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ
    Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa
    Em hát một câu thơ cũ
    Cái say mê của một thời thiếu nữ

    Mỗi mùa hoa đỏ về
    Hoa như mưa rơi rơi
    Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
    Như máu ứa của một thời trai trẻ
    Hoa như mưa rơi rơi
    Như tháng ngày xưa ta dại khờ
    Ta nhìn vào tận sâu mắt nhau
    Mà thấy lòng đau xót
    Trong câu thơ của em anh không có mặt
    Câu thơ hát về một thời yêu thương tha thiết
    Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
    Em không đi hết những ngày đắm say

    Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ
    Không cho ai có thể lạnh lùng
    Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ
    Như vết xước của trái tim.

    Sau bài hát rồi em lặng im
    Cái lặng im rực màu hoa đỏ
    Anh biết mình vô nghĩa đi bên em
    Sau bài hát rồi em như thể
    Em của thời hoa đỏ ngày xưa
    Sau bài hát rồi anh cũng thế
    Anh của thời hoa đỏ ngày xưa.


    THỜI HOA ĐỎ VÀ TRÁI TIM "CHÀNG ĐÀN ÔNG VÔ LÝ".


    LỜI BÌNH của HOÀNG ĐÌNH QUANG

    Bài thơ được viết vào khoảng năm 1972 khi vừa đổ vỡ cuộc tình cùng người vợ ở Hải Phòng. Bài thơ là nỗi đau tột cùng thăng hoa thành định mệnh của tôi, thành tên gọi của Thanh Tùng. Đây là những lời tự bạch của nhà thơ Thanh Tùng.
    Người bình thường, người nghe hát bình thường, biết đến Thời hoa đỏ qua ca khúc nhạc của Nguyễn Đình Bảng. Đó là một bài hát hay, phổ cập và có thể nói rằng ca khúc ấy ở cấp độ phổ thông.
    Người yêu thơ, người làm thơ nghe bài hát thấy hay, rất hay. Khi tìm đến bài thơ viết từ ngót 40 năm qua, sao thấy không chỉ buồn mà còn đau nữa. Vết khứa trong tim thật sâu, thật day dứt bằng con dao cùn trớ trêu.
    Nhưng bài thơ không dành cho số đông, không dành cho các nhà phê bình. Nó dành hẳn cho những ai đang buồn, đang đau xót và túng quẫn, không có lối ra.

    Thanh Tùng viết rằng anh viết bài thơ này "khi vừa đổ vỡ cuộc tình cùng người vợ", tôi không tin, rất không tin. Có thể anh nói thế để giấu đi nỗi đau của mình, để "làm hàng" với dư luận mà thôi. Đây chắc hẳn là một mối tình khác, mối tình sau của anh và cũng là của em:

    Sau bài hát rồi em lặng im
    Cái lặng im rực màu hoa đỏ
    Anh biết mình vô nghĩa đi bên em
    Sau bài hát rồi em như thể
    Em của thời hoa đỏ ngày xưa
    Sau bài hát rồi anh cũng thế
    Anh của thời hoa đỏ ngày xưa.

    "Anh biết mình vô nghĩa đi bên em", là thế nào? Là làm sao phải thế? Là em của thời hoa đỏ ngày xưa kia! Không phải của anh! Anh cũng vớt vát để giả vờ xoa đi nỗi đau của mình: Anh của thời hoa đỏ ngày xưa. Thật vụng về, đáng thương!

    Cách đây nhiều năm, khi ngồi uống bia với Thanh Tùng, tôi hỏi:
    - Anh là tác giả của Thời Hoa đỏ. Bài thơ hay lắm, câu nào cũng hay! Khi nó được làm lời cho ca khúc cùng tên, bài hát cũng hay, có một số câu sửa đi theo yêu cầu của âm nhạc, cũng vẫn còn hay. Nhưng tôi đố anh, trong đó có một câu hay nhất, phải nói là cái đinh của bài thơ, Đến nỗi, nếu rút nó đi, thì bài thơ sẽ đổ, hoặc chí ít, nó cũng chỉ là một bài thơ tình ở mức trung bình? Đố anh biết nó là câu nào?
    Thanh Tùng ngớ người ra, lắc đầu: Chịu!
    Tôi tiếp:
    - Câu thơ đó không phải là câu thơ hay, để người ta phải chép vào sổ, hay được đem ra phân tích ngữ pháp. Nó chỉ hay khi đứng trong bài thơ này, và bài thơ này hay là nhờ nó... Vì bài thơ tình này không dành cho số đông.

    Nhìn vẻ mặt căng thẳng của Thanh Tùng, tôi càng tin rằng: thi sĩ làm thơ là bằng gan ruột, băng giây phút thăng hoa nhất định, chứ tuyệt nhiên không phải bằng chữ nghĩa, lại càng không phải bằng thủ pháp tu từ nào để người đọc tuỳ tâm suy diễn. Và khi nói điều này, tôi cũng là người suy diễn mà thôi:

    Ta nhìn vào tận sâu mắt nhau
    Mà thấy lòng đau xót

    Chỉ vì:

    Trong câu thơ của em anh không có mặt

    Đây là câu thơ mang toàn bộ nguồn cơn, là lý do sâu xa để có được bài thơ buồn đau xót thế này.
    Thanh Tùng như là rùng mình, lắc đầu nhìn tôi, im lặng!

    Nhưng Thanh Tùng ơi, và cả những người đang buồn đau ơi! Cuộc đời là thế. Đây là cái đẹp nhất mà chỉ cuộc đời mới có. Và những ai nhấp phải nỗi buồn này, nỗi trớ trêu này mới được tận hưởng sức mạnh của thi ca.
    Một lần khác, tôi đem điều này nói với một bạn gái. Bạn tôi có hơi xúc động, nhưng chỉ thoảng qua, rồi rành rọt:
    - Này chàng đàn ông vô lý ơi! Thế lúc đó anh ở đâu? Sao anh không chạy đến với tôi? Sao anh không xô đẩy, giải tán đám đông, thậm chí nếu cần thì vung nắm đấm lên để giành lấy tôi? Lúc đó tôi sẽ làm thơ về anh, sẽ ca hát về anh và thậm chí tôi sẽ khóc nức nở trên vai anh...

    Tôi chịu thua! Và tự an ủi trái tim "chàng đàn ông vô lý" bằng một câu khác:

    Anh mải mê về một màu mây xa
    Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ.

    Trưa ngày 28-9-2009
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 27-02-2010, 11:26 PM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2




    Tháng năm – nghe thời hoa đỏ

    Lâu lắm rồi không viết! Cảm xúc tưởng chừng như đã cạn kiệt theo những bộn bề sách vở, theo những vòng tròn rệu rã của cuộc sống đầy bụi bặm. Đã không còn cái thuở lãng mạn, nhìn cánh phượng chao chát bay mà lòng ngập tràn cảm xúc. Bỗng dưng hôm nay thấy lạ, giữa tháng năm nóng bức ở cái đất Sài Gòn nhộn nhịp này ta lại thèm một chút bình yên, một góc ngồi cho cõi lòng tăm tối... Chợt nghe Thời hoa đỏ vang lên làm lòng đến tê dại!

    Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao, bước lặng trên con đường vắng năm nao. Chỉ còn tiếng ve sôi ồn ào, mà chẳng cho lòng nguôi yên chút nào”.

    Giai điệu quá tha thiết và nồng nàn như níu cả một khung trời đỏ cùng tiếng ve bỏng rát trên phố biển Quy Nhơn mà tưởng rằng đã ngủ yên tự hồi nào trong quá khứ. Quy Nhơn không nhiều phượng vỹ trên các đường phố, sắc đỏ không đủ làm cho ai đó đến một lần rồi nhớ mãi và cũng không phải là một biểu tượng. Không hơn… Nhưng cái thời mà các cặp tình nhân nắm tay nhau đi trên phố hay những người lang thang nao lòng trước chùm phượng vỹ đang âm thầm nở và nha nhẩn buông một vài câu

    “Anh mãi mê về một màu mây xa, cánh buồm trôi về một thời đã qua. Em thầm hát về một câu thơ cũ, về một thời thiếu nữ say mê. Về một màu hoa đỏ diệu kỳ”

    thì vẫn còn đó dù cuộc đời đã có nhiều thay đổi, thời gian không ngừng trôi... Bài hát viết về những tháng ngày đã qua, về một thời hoa đỏ, khi ấy những thương yêu của tác giả đã kịp hé nở, tình yêu tuy đẹp nhưng nó không thể kéo dài, không thể đi theo suốt một đời người, vì bởi một lẽ: chiến tranh. Chắc có lẽ, mối tình đầu giản dị mà chân thành kia đã để lại cho Thanh Tùng nhiều đau đớn, nhiều dằn vặt và cũng thật nhiều cảm xúc. Mối tình hoá tưởng là rồ dại, là ngây ngô, là dại khờ bỗng nhiên hoá thành bất tử và chắn chắc một điều rằng: bất cứ lúc nào nghe bài hát này, người sinh ra nó sẽ không bao giờ nguôi ngoai, không thôi ám ảnh cái sắc đỏ như một vết xước dài vào trái tim nhỏ bé, vết thương tinh tế mà sắc lẻm, nỗi đau không trào máu mà âm ĩ rỉ máu.

    Bài hát khá buồn, cứ chầm chậm và rơi đều theo dòng cảm xúc, nỗi đau cứ chầm chậm dần phai như cố lưu lại chút gì đó để nhớ về một thời yêu đương. Và ai đó trong đám đông người trên đường phố kia có nhớ những mùa hoa đỏ rơi, có nhớ tình yêu và tuổi trẻ của một thời hoa mộng

    “mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi. Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi. Như nuối tiếc một thời trai trẻ. Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi như tháng ngày xưa ta khờ dại. Ta nhìn sâu vào trong mắt nhau”.




    Ca từ trong sáng, lời thơ đẹp đến nao lòng, đến rỉ máu. Những câu thơ ấy cứ thấm dần trong mạch đời, trong biết bao thế hệ thời đó và bây giờ. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng đã phổ nhạc khi gặp được sự đồng điệu và Thời hoa đỏ đã được mọi người đón tiếp một cách nồng nhiệt nhất. Họ hát bằng cả nỗi lòng, bằng cả những nỗi đau, những dồn nén và mất mác trong tình yêu. Họ hát bất cứ đâu trên đường phố đầy những sắc đỏ, rộn tiếng ve kêu, ở những ký túc xá sinh viên chỉ một gã lãng du với cây đàn ghita và ngêu ngao hát bằng nỗi lòng thời hoa đỏ. Nhiều người thắc mắc tại sao trong câu thơ của Thanh Tùng “như ứa máu một thời trai trẻ” hay đến thế mà nhạc sĩ phổ nhạc lại thay bằng “tiếc nuối”. Không đơn giản để thay một cụm từ mang tâm trạng đau đáu như vậy, có lẽ rằng: cả đời viết nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng và cả đời thơ của Thanh Tùng sẽ có những nỗi buồn đọng lại nhưng đó là nỗi buồn trong sáng và đẹp, không ai muốn bài hát của mình khi hát lên lại đượm nỗi bi luỵ, ai oán. Nỗi buồn cũng mãnh liệt như màu hoa đỏ, nó có thể thiêu cháy tất cả mọi cảm xúc, nỗi buồn làm cho con người ta chán chường thất vọng rồi tuyệt vọng. Nhưng nếu ai đó tinh tế cảm nhận sẽ thấy trong bài hát nỗi buồn không hiện hữu mà chỉ có sự luyến tiếc mà thôi,

    “trong câu thơ của em, anh không có mặt, câu thơ hát về một thời yêu đương. Anh không buồn mà chỉ tiếc, em không đi hết những ngày đắm say”.

    Đó là một quy luật của lẽ tự nhiên, đời vốn thế! khi tình yêu không thuộc về ta thì anh và em sẽ mãi là hai đường thẳng song song, dù là nơi vô cực. Và thơ đơn giản chỉ là thơ, anh không có mặt trong lời thơ trọn vẹn ấy không phải là điều khó hiểu. Chỉ biết rằng, câu thơ ấy chứa đựng cả một thời thiếu nữ của em, một thời trai trẻ của anh, một thời hoa đỏ của đôi ta. Câu thơ không có anh, đã nói hộ tình cảm của lòng anh, của những ai đã đi qua một thời hoa đỏ, một thời nhung nhớ.

    Ca khúc Thời hoa đỏ được xem là một trong những ca khúc viết về tình yêu hay nhất Việt Nam. Thời hoa đỏ hay không chỉ với ca từ đẹp, giàu tính hình tượng, giai điệu nhẹ nhàng và xao xuyến mà cái cốt yếu nó đã để lại cho người nghe một dư âm, một dư vị, một cảm xúc khó tả, cái cảm giác như muốn ùa về, muốn tìm lại cái thời nông nổi, cái thuở yêu đương dại khờ nhưng sao cứ day dứt. Thời hoa đỏ có một sức mê hoặc lòng người gê gớm nếu không muốn nói đó là một ma lực cuốn mọi người theo dòng cảm xúc của tác giả. Thơ tài hoa, nhạc đồng cảm, thêm một ít tinh tế của chất liệu dân gian trong từng nốt nhạc đã làm nên thành công của tác phẩm tuyệt vời này. Tất cả như quyện lại gợi về quá khứ, nhưng không phải là quá khứ đã vĩnh viễn đóng băng mà quá khứ đọng lại với cuộc sống hôm nay để người nghe soi mình vào đấy.

    …“Sau bài hát rồi em lặng im, cái lặng im rực màu hoa đỏ. Sau bài hát rồi em vẫn thế, em của thời hoa đỏ ngày xưa. Sau bài hát rồi anh vẫn thế, anh của thời trai trẻ ngày xưa”

    Lời ca bỗng tắt trong tâm tưởng, tôi lịm dần trong cái không gian ngập tràn sắc đỏ của tưởng tượng. Tôi tưởng tượng về cái thời hoa đỏ đã qua, về thời hoa đỏ của tôi. Còn không cái thời lãng mạn ấy trong tôi. Tôi cầm bút viết, viết về một thời hoa đỏ ngày xưa!


    Hoài Trần
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    • #3

      Thời hoa đỏ như máu ứa



      (TT&VH Online) -

      Mỗi mùa hoa đỏ về
      Hoa như mưa rơi rơi
      Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
      Như máu ứa một thời trai trẻ

      Những câu thơ trong Thời hoa đỏ của nhà thơ Thanh Tùng được nhiều thế hệ đang yêu hát trên giai điệu âm nhạc tha thiết, mãnh liệt của Nguyễn Đình Bảng. Dù nhạc sĩ có làm vơi bớt nỗi buồn: “Như gợi nhớ về một thời trai trẻ” thì thi sĩ vẫn nhận lấy vết cắt đau đớn bởi cuộc tình…
      Em không đi hết những ngày đắm say…

      Nguyên mẫu nhân vật “em” trong bài thơ Thời hoa đỏ chính là vợ nhà thơ. Vợ Thanh Tùng một thời nhan sắc ở đất Cảng Hải Phòng và cũng nổi tiếng đa đoan. Ông, bà đến với nhau bắt đầu và kết thúc cũng vì thơ. Lúc chưa về sống cùng ông, bà cũng có làm thơ nhưng sau đó chuyên tâm lo nội trợ vì quá yêu thơ của ông. Nhiều bạn bè cùng thời Thanh Tùng ở đất Cảng nhận định đó là một cuộc tình đẹp như thơ…



      Màu hoa đỏ




      Thế nhưng, dòng đời lắt léo lắm thác ghềnh, cuộc hôn nhân của hai người rồi cũng chảy đến khúc quanh chia lìa. Phải nói cho đúng, bà đã bỏ ông thi sĩ mộng mơ để mơ mộng một chân trời khác cho riêng mình. Dù người đã bỏ mình đi, vậy nhưng Thanh Tùng vẫn nhất mực yêu thương bà. Hai người có hai con chung và Thanh Tùng có thêm một tình yêu dang dở bao giờ cũng đẹp để suốt đời hoài vọng.
      Sau nhiều năm hai người hai ngả vui đời sống của riêng mình, khoảng năm 1973, Thanh Tùng hay tin vợ cũ qua đời vì bệnh tim. Ông tức tốc xuống Quảng Ninh nơi bà đã sống trong những tháng ngày xa ông để tiễn đưa nhau lần cuối. Và bài thơ Thời hoa đỏ ra đời khi nỗi bi thương về cuộc tình, về phận mình trào lên cao độ:

      Trong câu thơ của em anh không có mặt…
      Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
      Em không đi hết những ngày đắm say”.

      Nhiều người cho rằng để có thơ hay thì chính tác giả phải trả một cái giá nào đó. Cái giá để có Thời hoa đỏ của Thanh Tùng đã trả phải chăng quá sức chịu đựng của một đời mộng mơ?!

      Tuy nhiên, ông đã có cùng bà những năm tháng thật đẹp tại thành phố hoa phượng đỏ. Thanh Tùng làm thợ gò trong một nhà máy đóng tàu. Hai vợ chồng rất nghèo nhưng giàu thơ, giàu bè bạn. Chính những tháng năm tuyệt đẹp ấy đã chuyển tải thành vần điệu trong sáng, lan tỏa đến mọi người.

      Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
      Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng
      Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh
      Chẳng cho lòng ta yên
      Anh mải mê về một màu mây xa
      Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ
      Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa…


      Hôn nhân luôn “mặc định”


      Có thể nói, chuyện hôn nhân của Thanh Tùng được ông mặc định cho số phận, thơ và do bạn bè “xui khiến”. Đang là một nhà thơ công nhân có danh ở Hải Phòng khi đất nước đang chiến tranh, Thanh Tùng theo nhà thơ Vân Long lên Hà Nội tìm thi sĩ Xuân Diệu nhờ “mắt xanh” thẩm định thơ. Xuân Diệu nghe Thanh Tùng đọc thơ xong liền hỏi: “Cậu có vợ chưa? Biết Thanh Tùng đang độc thân, Xuân Diệu “xúi” về lấy vợ đi chứ không đả động gì đến chuyện thơ. Thanh Tùng nghe lời Xuân Diệu cưới vợ ngay sau đó và… chỉ vài năm sau Thời hoa đỏ ra đời.



      Các thế hệ nhà thơ




      Năm 1995, Thanh Tùng “hành phương Nam” lập gia đình mới theo sự mai mối của vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng. Ngày tiễn ông ra sân ga, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha chỉ vào ba lô con cóc Thanh Tùng đang đeo bên người: “Đấy, hành trang 60 năm cuộc đời đấy”. Vào Sài Gòn, Thanh Tùng sống trong ngôi nhà của vợ - cũng là một độc giả mến yêu ông. Bà tên Thanh, đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ở trong ngôi nhà của vợ, Thanh Tùng viết được trường ca Phương Nam, trong đó có những câu thật xúc động:

      Anh đang sống trong ngôi nhà, em đã mua bằng cả thời cô đơn thiếu nữ”.

      Để được “sống trong ngôi nhà” với bà Thanh, Thanh Tùng phải chứng minh được thân phận… nhà thơ của mình. Vì ông lúc đó vẫn lang bạt, không nhà, không tiền, không chức vị… mà cái danh nhà thơ thì chỉ bảng lảng đâu đó trên chín tầng mây. Vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng và bè bạn đã đến thuyết phục gia đình bà Thanh. May sao lúc đó, ông nhận giải thưởng thơ của Hội nhà văn VN, thế là báo chí đưa tin, viết bài về ông. Nghiễm nhiên, “nói có sách, mách có… báo”, thân phận ông thuyết phục được gia đình vợ.

      Nhà thơ một thời sống bằng nắm đấm!


      Nhà thơ Trần Nhuận Minh (anh ruột thần đồng thơ Trần Đăng Khoa) trong tập Nhà thơ và hoa cỏ có bài thơ Nhà thơ áp tải viết về Thanh Tùng:

      Có ai ngờ nhà thơ
      Phải sống bằng nắm đấm

      Chai rượu ngang dốc ngược
      Đứng bên trời uống chung.

      Bài thơ chân dung Thanh Tùng của Trần Nhuận Minh được nhiều bạn thơ nhớ vì đã vẽ quá đúng tính cách cùng những gì tác giả Thời hoa đỏ đã trải qua. Thanh Tùng yếu mềm trong thi ca và trong tình yêu. Ngoài đời ông cũng là người mau nước mắt, dù ở tuổi ngoài 70, ông vẫn bật khóc hồn nhiên khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh hay nghe những câu chuyện đau lòng. Nhưng đâu ai ngờ, ông một từng làm nghề áp tải hàng từ Hải Phòng lên Hà Nội thời đường số 5 cướp nhiều như rươi. Ông nhà thơ đã tung nắm đấm vào bọn cướp mà lại rất dễ xúc động, Thanh Tùng là thế!

      Trần Hoàng Nhân


      ***********************

      Nhà thơ áp tải

      Tặng nhà thơ Thanh Tùng

      Bạn từ Hải Phòng sang
      Toả đầy sân mùi biển
      Nói đủ mọi thứ chuyện
      Tay vung hai phía trời

      Bạn làm nghề áp tải
      Đường bộ và đường sông
      Thỉnh thoảng lại gặp cướp
      Còn trộm thì... mênh mông

      Đất nước có một thời
      Kẻ gian nhiều như nấm
      Không ngờ một nhà thơ
      Lại sống bằng nắm đấm

      Đã từng cho một "chưởng"
      Những thằng đến "mổ" hàng
      Cũng từng bị nó đánh
      Thuốc xoa vài ba thang

      Đã từng uống chè vặt
      Đói đến vàng mắt ra
      Cũng từng ngày hai bữa
      "Thả phanh" nhai thịt gà

      Tải hàng không được mất
      Đêm đêm thức cùng sao
      Thơ trong đầu nổi loạn
      Mà chẳng nên bài nào

      Bạn "choảng" liền một mạch
      Bọn sống chỉ vì tiền
      Đứa viết gì cũng giả
      Lại được đài, báo khen

      Khi buồn đừng uống rượu
      Lúc vui chớ lắm lời
      Bạn rằng: Tao chấp tất
      Miễn hàng đưa đến nơi

      - Hãy áp tải sự thật
      Đến những bến cuối cùng!
      Chai rượu ngang dốc ngược
      Đứng cùng trời
      Uống chung ...

      Bồ Hòn, thu 1986

      TRẦN NHUẬN MINH

      (Theo cuốn Tuyển thơ Trần Nhuận Minh - Nhà thơ và Hoa cỏ - N X B Đồng Nai 1996 )
      Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 27-02-2010, 06:46 PM.
      ----------------------------

      Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

      Comment

      • #4


        Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng và nhà
        thơ Thanh Tùng - đồng tác giả bài
        hát "Thời hoa đỏ".


        " Thời hoa đỏ " và nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng


        Cứ đến mùa hè, dưới khung trời ngập màu phượng vĩ cùng tiếng ve bỏng rát những đường phố Hà Nội, nhiều cặp tình nhân bên nhau hay những người lang thang một mình trên phố cứ nha nhẩn câu hát: Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi, cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi, như nuối tiếc một thời trai trẻ.

        Nhiều người cứ thắc mắc tại sao trong câu thơ của Thanh Tùng: Như máu ứa một thời trai trẻ hay đến vậy mà nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng lại thay bằng nuối tiếc trong ca khúc Thời hoa đỏ. Ông chỉ cười: Có lẽ cả đời viết nhạc của tôi sẽ có những nỗi buồn đọng lại, nhưng đó là những nỗi buồn trong sáng và đẹp, tôi không muốn hát lên một nỗi buồn bi lụy...

        Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng mở đầu câu chuyện bằng ca khúc Thời hoa đỏ - một ca khúc không chỉ là tiếng lòng của những con người đã đi qua một tuổi trẻ đắm say mà còn là ca khúc " ruột " của không biết bao thế hệ sinh viên mỗi tối ngồi gảy ghi ta hát trên những căn phòng nhỏ của các ký túc xá. Năm 1989, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cử 4 nhạc sĩ sang Nga dự một trại viết, trong đó có ông.

        Không có giày lông, áo măng tô chỉ may bằng vải ka ki không thể chống lại cái lạnh giá bên nước bạn, chỉ 1 tuần ông bị ho ra máu. Những người bạn Nga đưa ông đi cấp cứu và suốt 1 tháng trời nằm viện, xung quanh ít có người đồng hương, ông lại không quen với bánh mì và xúp chua, nên cái gì trước mắt cũng xa lạ, chỉ có nỗi buồn và nỗi cô đơn là gần gũi, đang giày vò ông từng giờ.
        Sau 1 tháng, ông phải chuyển sang bệnh viện lao, hết nằm lại ngồi, ông lục trong ba lô của mình tập thơ 99 bài thơ tình, do một người bạn tặng trước lúc lên đường, để ngày ngày đọc cho khuây khỏa. Đọc đến bài thơ Thời hoa đỏ của nhà thơ Thanh Tùng, ông rất thích những câu thơ như thế này:

        Mỗi mùa hoa đỏ về
        Hoa như mưa rơi rơi
        Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
        Như máu ứa một thời trai trẻ.

        Ông chỉ cảm nhận những tình cảm của tác giả thơ qua câu chữ. Ông liên tưởng đến điệu quân tử vu dịch: Dặm trường thân gái một mình, gánh sầu xe nửa gánh tình chia đôi mà nàng Châu Long hát tiễn Lưu Bình trước lúc đi thi trong tích chèo Lưu Bình - Dương Lễ.
        Nỗi buồn trong tích chèo cũng mênh mang, man mác như những câu thơ ấy và tự nhiên trong tim ông, những nốt nhạc bắt đầu thốt ra, chậm rãi, nao nao như những tiếng bước chân vọng về từ quá khứ:

        Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao,
        bước lặng trên con đường vắng năm nao,
        chỉ còn tiếng ve sôi ồn ào,
        mà chẳng cho lòng nguôi yên chút nào.

        Bài hát ráo mực, ông ngồi hát một mình trên giường bệnh, lòng cảm thấy nhẹ bẫng khi nỗi buồn, nỗi cô đơn hơn cả tháng nay vợi dần và sau đó ông dần bình phục trở lại. Về nước, ông bắt tay vào việc thu âm ca khúc với tiếng hát Lệ Thu, giọng alto chuẩn, cách nhả chữ tròn trịa đã gợi được hình ảnh của những cánh phượng rơi và bước chân chậm rãi của đôi tình nhân dưới vòm lá kỷ niệm. Và bài hát như là chiếc cầu nối để nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng có thể gặp tác giả của ca từ trong ca khúc Thời hoa đỏ mà ông chưa may mắn một lần gặp mặt.

        Nhà thơ Thanh Tùng đã được nghe ca khúc Thời hoa đỏ qua Đài Tiếng nói VN, lấy làm ngạc nhiên khi bài thơ của mình là thơ tự do nhưng khi vào nhạc lại nuột nà đến thế. Còn nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng "muộn màng" xin phép được đổi mấy chữ: "Nhất là chữ tan tác và máu ứa, tớ thấy nó buồn quá, mà kỷ niệm thì buồn là đương nhiên, nhưng phải là cái buồn man mác, lạc quan chứ không bi lụy".

        Ca khúc Thời hoa đỏ được liệt vào một trong những bản tình ca hay nhất của ca khúc Việt Nam thời đổi mới. Những nốt nhạc tha thiết bên những ca từ đẹp, giàu tính tượng hình. Đặc biệt, đoạn điệp khúc vang lên ở đoạn cuối như là tiếng ve và tán phượng hoa tan tác rơi và bên dưới là đôi tình nhân bước đi trong kỷ niệm gợi một tình yêu đẹp đến nao lòng:

        Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi, mỗi mùa hoa đỏ về..

        Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng cho rằng, ca khúc này mang âm hưởng của âm nhạc dân gian nhưng ông đã biến hóa, phát triển thành của mình, hiện đại hóa nó. Ông cũng cho rằng những ca khúc của ông đều có chất liệu dân gian như thế và đều gợi lại bóng hình quá khứ, nhưng không phải là quá khứ đã trôi đi vĩnh viễn mà là quá khứ đọng lại với cuộc sống hôm nay để người nghe soi vào đấy.

        Để có được điều đó với ông là sự đánh đổi cả một đời. Sinh ra từ vùng quê chiêm trũng của tỉnh Hà Nam, 9 tuổi ông theo gia đình về sống ở Thái Bình. Làng ông thường làm gàu sòng mang xuống quê lúa bán vì quê ông nghèo, lúa ít, bán gàu cũng chẳng ai mua. Thông thường mỗi chuyến đi kéo dài 1 - 2 tháng là cùng, nhưng lần đi ấy, Pháp tràn xuống quê ông nên gia đình ông ở lại Thái Bình. Tuổi thơ ông đi đánh dậm, đơm con tép bắt con cua, đói khổ nhưng bù lại, những làn điệu chèo của quê lúa dần ngấm vào máu thịt ông.
        Một tuổi thơ tự lập, một đời trai tự huyễn, một đời người không tự biến mình, tự lập ngay trong âm nhạc nên ông sống rất thật và đầy trách nhiệm với từng nốt nhạc.

        Những sáng tác của ông thiên hướng kinh viện chỉn chu với vẻ đẹp của âm thanh. Thời hoa đỏ cũng nằm trong mạch phát triển ấy, nhưng lại có sức lan rộng và bền bỉ với thời gian. Năm 1993 tác phẩm Thời hoa đỏ được giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm và năm 1995 được giải thưởng của Hội âm nhạc Việt Nam. Bài hát Thời hoa đỏ được rất nhiều ca sĩ thể hiện, được nhiều người yêu thích chép vào sổ tay, nhất là các bạn trẻ đang chuẩn bị rời ghế nhà trường…
        Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 27-02-2010, 11:02 PM.
        ----------------------------

        Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

        Comment

        Working...
        X
        Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom