• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Cà phê và cuộc sống

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Cà phê và cuộc sống




    Cà phê và cuộc sống


    Cà phê là một loại đồ uống màu đen có chứa chất caffein. Hiện nay, cây cà phê được trồng tại hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có một số nước xuất khẩu cà phê. Hạt cà phê được lấy từ hạt của các loài cây thuộc họ cà phê (Rubiaceae). Hai dòng cây cà phê chính là Coffea arabica (Cà phê Arabica) – cà phê chè – và Coffea canephora (Robusta) – cà phê vối – với nhiều loại khác nhau. Chất lượng hay đẳng cấp của cà phê khác nhau tùy theo từng loại cây, từng loại hạt và nơi trồng khác nhau. Cà phê Robusta được đánh giá thấp hơn so với cà phê Arabica do có chất lượng thấp hơn và giá cả theo đó cũng rẻ hơn. Loại cà phê đắt nhất và hiếm nhất thế giới tên là Kopi Luwak (hay cà phê chồn) của Indonesia và Việt Nam. Giá mỗi cân cà phê loại này khoảng 20 triệu VND (1300 USD) và hàng năm chỉ có trên 200 kg được bán trên thị trường thế giới.
    Không giống như các loại đồ uống khác, chức năng chính của cà phê không phải là giải khát, mặt dù người dân Mỹ uống nó như thức uống giải khát. Nhiều người uống nó với mục đích tạo cảm giác hưng phấn. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 8 năm 2005 của nhà hoá học Mỹ Joe Vinson thuộc Đại học Scranton thì cà phê là một nguồn quan trọng cung cấp các chất chống ôxi hóa (antioxidant) cho cơ thể, vai trò mà trước đây người ta chỉ thấy ở hoa quả và rau xanh. Những chất này cũng gián tiếp làm giảm nguy cơ bị ung thư ở người.

    Từ "cà phê" trong tiếng Việt có gốc từ chữ café của tiếng Pháp. Giống như các ngôn ngữ thuộc hệ ngôn ngữ Ấn-Âu, café có gốc từ kahveh của tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và kahveh đến từ qahwa của tiếng Ả Rập.
    Trong nhiều ngôn ngữ, café còn dùng để chỉ "quán cà phê".


    [IMG]Link[1].jpg[/IMG]

    Một quán cà phê cổ ở Palestine

    Theo một truyền thuyết đã được ghi lại trên giấy vào năm 1671, những người chăn dê ở Kaffa (thuộc Ethiopia ngày nay) phát hiện ra một số con dê trong đàn sau khi ăn một cành cây có hoa trắng và quả màu đỏ đã chạy nhảy không mệt mỏi cho đến tận đêm khuya. Họ bèn đem chuyện này kể với các thầy tu tại một tu viện gần đó. Khi một người chăn dê trong số đó ăn thử loại quả màu đỏ đó anh ta đã xác nhận công hiệu của nó. Sau đó các thầy tu đã đi xem xét lại khu vực ăn cỏ của bầy dê và phát hiện ra một loại cây có lá xanh thẫm và quả giống như quả anh đào. Họ uống nước ép ra từ loại quả đó và tỉnh táo cầu nguyện chuyện trò cho đến tận đêm khuya. Như vậy có thể coi rằng nhờ chính đàn dê này con người đã biết được cây cà phê.
    Người ta tin rằng tỉnh Kaffa của Ethiopia chính là vùng đất khởi nguyên của cây cà phê. Từ thế kỉ thứ 9 người ta đã nói đến loại cây này ở đây. Vào thế kỉ thứ 14 những người buôn nô lệ đã mang cà phê từ Ethiopia sang vùng Ả Rập. Nhưng tới tận giữa thế kỉ thứ 15 người ta mới biết rang hạt cà phê lên và sử dụng nó làm đồ uống. Vùng Ả Rập chính là nơi trồng cà phê độc quyền. Trung tâm giao dịch cà phê là thành phố cảng Mocha, hay còn được gọi là Mokka, tức là thành phố Al Mukha thuộc Yemen ngày nay.

    Cách thức pha chế cà phê truyền thống của người Ethiopia có lẽ là cách thức cổ xưa nhất. Hạt cà phê được cho vào một cái chảo sắt to và rang lên, sau đó được nghiền vụn ra hoặc cho vào cối giã. Chỗ hạt giã vụn đó được trộn với đường trong một cái bình gọi là jebena (một loại bình cổ thon có quai), nấu lên và đổ ra bát.



    Quả cà phê

    Với sự bành trướng của Đế quốc Ottoman (Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ) đồ uống này càng ngày càng được ưa chuộng hơn. Quán cà phê đầu tiên được mở ở Ba Tư. Trong những quán nhỏ ở vùng tiểu Á, Syria và Ai Cập người ta gặp nhau để thưởng thức loại đồ uống kì lạ. Kể từ năm 1532 các quán cà phê luôn đông nghịt khách. Vào thế kỉ 17 cây cà phê được trồng phổ biến tại các thuộc địa của Hà Lan, đưa nước này thống trị ngành thương mại cà phê.

    Ở Constantinople (Istanbul ngày nay) có lẽ cà phê được biết đến lần đầu tiên vào năm 1517 (khi ông hoàng Selim chiếm lĩnh Ai Cập). Năm 1554 quán cà phê đầu tiên ở châu Âu đã được mở ở đây bất chấp sự phản đối của nhà thờ. Vào năm 1645 quán cà phê đầu tiên của Ý được mở ở Venezia. Năm 1650 ở Oxford và năm 1652 ở London lần lượt xuất hiện các quán cà phê đầu tiên của Vương quốc Anh. Ở Pháp những quán đầu tiên được khai trương vào năm 1659 ở thành phố cảng Marseille, Paris theo sau vào năm 1672. Vào năm 1683 Wien cũng có quán cà phê đầu tiên (do một người Ba Lan thành lập), sau khi Áo giành thắng lợi trước Thổ Nhĩ Kỳ và tịch thu được 500 bao cà phê chiến lợi phẩm. Thủ đô Wien sau đó trở thành thành phố với những quán cà phê nổi tiếng nhất. Từ nước Pháp, cà phê du nhập vào Đức qua thành phố cảng Bremen vào năm 1673. Năm 1679 quán cà phê đầu tiên của Đức được một người Anh mở ở Hamburg, sau đó là Regensburg (1686) và Leipzig (1694).

    Loại cây này đầu tiên chỉ được trồng ở châu Phi và Ả Rập, nhưng sau đó người ta đã nghĩ tới việc gieo trồng nó ở các vùng đất thích hợp khác.
    Những người Hà Lan đã cho trồng cây cà phê trên các vùng đất thuộc địa của họ. Thống đốc vùng bắc Ấn, van Hoorn, đã cho trồng cà phê trên đảo Tích Lan (Sri Lanka ngày nay) vào năm 1690 (có tài liệu ghi là năm 1658), sau đó đến đảo Java (Indonesia) năm 1696 (hoặc 1699). Năm 1710 người ta đã đem cây cà phê về châu Âu và trồng thử trong các khu vườn sinh vật. Amsterdam là nơi đầu tiên cây cà phê nảy mầm trên đất châu Âu.

    Năm 1718 người Hà Lan mang cây cà phê tới Surinam, năm 1725 người Pháp mang tới Cayenne, 1720/1723 tới Martinique v.v. Cuối thế kỉ 18 cây cà phê đã được trồng ở khắp các xứ sở nhiệt đới, chủ yếu do sự bành trướng thuộc địa của các đế quốc Âu châu.
    Ban đầu cà phê rất đắt, vì thế chỉ có tầng lớp quý tộc hoặc những người giàu có mới được thưởng thức thứ đồ uống thơm ngon này.

    Honoré de Balzac thường uống loại cà phê rất đặc để có thể thức làm việc. Ông thường làm việc tới 12 tiếng một ngày. Ludwig van Beethoven có thói quen lựa chọn đủ 60 hạt cà phê để pha một tách Mokka. Johann Wolfgang von Goethe thì có ý tưởng chưng cất cà phê. Về sau nhà hoá học Friedlieb Ferdinand Runge đã chuyển hoá ý tưởng này thành hiện thực, nhờ vậy mà ông tìm ra caffein.

    Vào những thời kỳ khủng hoảng, người nghèo không có đủ tiền mua cà phê, họ phải uống các loại đồ uống giả cà phê để thay thế.
    Ngày nay, ở một số nước người ta coi việc uống cà phê như một thức uống phổ thông (cà phê thường có hàm lượng Cafein thấp) và ăn kèm bánh trái hoặc hoa quả.

    Ở Việt Nam cà phê là một thức uống được ưa chuộng, đặc biệt vào buổi sáng (nhưng hàm lượng cafein rất cao chỉ thích hợp với những người quen dùng hoặc nghiện cà phê). Các quán giải khát (trừ các "bar") thường gọi là "quán cà phê", mặc dù cũng phục vụ những thức uống khác.

    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #16



    Cà phê ĐàLạt xưa

    Hiện diện tại Khu Hoà Bình, trung tâm thành phố Đà Lạt, trên sáu mươi năm, là quán cà-phê Tùng — chúng tôi gọi là “Cà-phê Đà Lạt xưa” — những ẩm khách cà-phê từ thập niên 1950 tới nay ở thành phố cao nguyên không thể không nhớ. Qua chừng ấy năm, quán cà-phê Tùng, căn nhà một lầu hai mái ấm áp khiêm nhường, cứ như vậy mà tồn tại giữa những nhà hộp bê-tông mặc sức lên cao tầng. Nhìn vào cái biển quán, ở “auvent” của căn nhà một lầu, CAFÉ Tùng, đã là một sức mời gọi lặng lẽ mà quyết liệt một nhà văn trầm tư thắm thiết với hương vị cuộc sống: Nguyễn Tuân. Chính nơi đây, tác giả Vang Bóng Một Thời uống tách cà-phê đầu tiên khi đặt chân tới Đà Lạt sau ngày biến cố lịch sử Ba Mươi Tháng Tư 1975. Ông Tùng kể lại: “Tôi không nhớ ông Nguyễn Tuân có uống cà-phê hay không. Tôi đã để dành một chai Courvoisier để mời nhà văn mà tôi từng mong gặp... Ông Nguyễn Tuân bảo, vào cái quán này như vào để nghe một tiết tấu của điệu Blues buồn, tiếng đàn cello trổi lên trong cái không gian lặng thầm của quán...”

    Chúng tôi vào quán cà-phê Tùng từ những năm 1960, phong cách, kiểu dáng của quán thuở ấy tới bây giờ, lúc nào cũng vẫn như vậy. Vẫn những bàn ghế trang trọng đơn giản giữ mãi một vẻ không cũ không mới, trên nền nhạc hoà âm trầm. Chiếm khoảng lớn trên bức tường, hoạ phẩm Người đàn ghi-ta của Vị Ý: một mình một bóng vươn dài để gãy gục, đầu người, đầu phím đàn chúc xuống bục gỗ thô tháp màu nâu khô. Ở một bức tường phía trong, hoạ phẩm của Cù Nguyễn: Thiếu nữ mơ màng một hạnh phúc nào... Nghĩa là chúng ta phiêu bạt bất cứ nơi đâu, khi trở lại vẫn là yên ả chốn cũ, quán cà-phê Tùng luôn đón tiếp chúng ta như vậy.





    Ông Tùng đã mất vài năm nay, trở thành người thiên cổ, như nhà văn Nguyễn Tuân còn lại ở quán cà-phê Tùng câu chuyện về ly rượu mạnh, như hoạ sĩ Vị Ý còn lại trên bức tường quán Người đàn ghi-ta mãi hoài cơn đam mê khắc khoải. Người con của ông Tùng, Trần Đình Thông, đảm đương quán cà-phê Tùng tiếp nối ông Tùng. Chúng tôi nghĩ tới những tên tuổi danh xưng như định mệnh: Tùng, Thông ở nơi chốn ngàn thông... Người tiếp nối giữ một lòng kiên trinh với ý vị gia truyền của một quán cà-phê lập nên từ thuở Đà Lạt còn nhiều thơ mộng nguyên sơ, sương còn nhiều mù sa dày đặc, ngựa con theo mẹ đi thong thả trên đường phố cùng khách nhàn du...

    Ẩm khách trẻ tuổi vào những quán cà-phê có nhạc rock nhạc pop, họ không vào quán cà-phê Tùng. Chúng tôi vừa nghe lại trong quán cà-phê Tùng một bản nhạc rất xưa, nhạc nền trong một cuốn phim của điện ảnh Pháp từ những năm 1960: L’Eau Vive. Và chợt nhớ thi sĩ Bùi Giáng, một ngày đã xa mù mịt, thi sĩ cùng chúng tôi nhìn bầu trời Đà Lạt âm u qua cửa kính quán cà-phê Tùng như những ngày này. Trung Niên Thi Sĩ (Bùi Giáng) viết hai dòng thơ trên miếng giấy bạc trong bao thuốc lá:

    Quán ngồi mỏi. Nắng chưa lên.
    Chợt vui tràn. Thấy còn nguyên sơ đầu.





    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    • #17

      Tản mạn Cà Phê Phố Núi .

      Thursday, 11. March 2010, 22:31:21



      Trong tâm thức của mỗi người đều có một quê hương riêng. Có người coi trái đất là quê hương mình, có người coi Tổ Quốc mình là quê hương mình, có nguời coi Tỉnh mình là quê hương mình, có người coi nơi mình chôn nhau rốn là quê hương mình. Tâm tôi không to rộng, nên tôi chỉ coi phố núi Pleiku là quê hương mình. Quê hương với bao ân tình kỷ niệm, ngồi bên tách cà phê, nhắm mắt lại là từng con người, dãy phố, con đường ở Pleiku hiện ra.

      Nhắc đến cà phê, chúng ta vô cùng cảm ơn, nhớ ơn Đức Phật, hai ngàn sáu trăm năm trước Ngài đã không cấm đệ tử mình uống cà phê, Ngài chỉ cấm uống rượu và các thức uống gây say khác. Bởi Thầy mình không cấm, nên ngày hôm nay các Tăng sĩ phật giáo ngồi nhâm nhi ly cà phê công khai, chứ nếu Phật cấm thì không công khai được đâu, chỉ tìm cách uống lén thôi.

      Diện tích trồng cà phê ở Pleiku - Gia Lai chỉ thua Đắc Lắc - Buôn Mê Thuột, và có lẽ cà phê ở Pleiku không ngon bằng cà phê Ban Mê Thuột, có thể do chất đất, có thể do cách sao tẩm, chế biến chưa đạt đến đỉnh cao. Cả nước khi nhắc đến cà phê là liên tưởng đến Ban Mê Thuột, ít khi liên tưởng đến Pleiku. Bởi các doanh nghiệp trồng cà phê, chế biến cà phê Pleiku – Gia Lai chưa có dịp cùng với các vị lãnh đạo, văn nghệ sĩ, dân ghiền cà phê tỉnh nhà ngồi lại với nhau, cùng uống cà phê, cùng trao đổi, cùng thổi hồn, thổi nghệ thuật, thổi triết lý nhân sinh vào cho từng giọt cà phê, để cà phê trở thành một thứ Đạo, như Trà Đạo, tại sao ta không biến thú vui tao nhã là uống cà phê, thành cà phê Đạo.

      Ừ cũng vui lắm chứ, cũng thú vị lắm chứ !

      Ngày xưa khi đất nước chưa công nghiệp hoá, chưa hiện đại hoá, con người tiêu thụ ít hơn, có nhiều thời gian hơn ta cùng với bạn lành ngồi bên tách cà phê phin, trong một buổi sáng sương mù lãng đãng trong một quán cà phê vỉa hè, vừa uống vừa nghe nhạc Trịnh với chiếc máy đĩa to đùng, nhìn mọi người lướt qua nhẹ nhàng, không vội vã không hấp tấp, do vậy ta cũng bình tĩnh hơn để nhắp ly cà phê, tương tác mà.

      Đức Phật dạy: ” Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt”. Thiên hạ mà vội vội vàng vàng thì ta cũng vội vội vàng vàng theo, chế một ly cà phê tốc hành uống vội rồi đi, đi như bị ma đuổi, đi mà không biết mình đi về đâu.

      Bên tách cà phê buổi sáng, sương mù giăng giăng khép nẻo, cùng với tiếng vó ngựa lốc cốc trên mặt đường, đường trồng nhiều cây thông, ta nghe lòng thanh thản, thư giản. Nhìn từng giọt cà phê rơi ! rơi ! nhè nhẹ rơi ! Ta thấy như giọt thời gian rơi vào hư vô, nhắc ta phải làm gì, biết mình phải làm sao trong cuộc đời này. Mình từ đâu đến và chết rồi sẽ đi về đâu. Không có cái gì bỗng dưng mà có, không có cái gì bỗng dưng mà không, tất cả là nhân duyên trùng điệp. Giọt cà phê này từ đâu mà có, uống vô bụng rồi thì đi về đâu. Có thiệt là uống vô bụng rồi thì mất hẳn ?

      Khi buồn ta uống cà phê để suy gẫm, suy gẫm vì sao đời mình lao đao lận đận, vì sao cuộc tình nào đến với mình rồi cũng vỗ cánh bay, vì sao mình cứ chối bỏ quê hương, vì sao tháng năm biền biệt chưa về thăm cha già mẹ yếu, em thơ…..

      Khi vui ta uống cà phê và ta nhận diện ra rằng không có gì hạnh phúc bằng giây phút hiện tại, ta an lạc với giây phút này, bởi ta không biết trân quý giây phút này, thì biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao.

      Tôi không ghiền cà phê, nhưng tôi có uống, bởi có thói quen suy tưởng nên ghi lại đây vài dòng tâm tư tản mạn, để tặng mình và tặng thân hữu gần xa.

      Pleiku , đầu xuân Canh Dần.
      Thích Giác Tâm







      Link
      ----------------------------

      Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

      Comment

      • #18

        ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi CONHAKO View Post
        Tản mạn Cà Phê Phố Núi .

        Thursday, 11. March 2010, 22:31:21


        Nhắc đến cà phê, chúng ta vô cùng cảm ơn, nhớ ơn Đức Phật, hai ngàn sáu trăm năm trước Ngài đã không cấm đệ tử mình uống cà phê, Ngài chỉ cấm uống rượu và các thức uống gây say khác. Bởi Thầy mình không cấm, nên ngày hôm nay các Tăng sĩ phật giáo ngồi nhâm nhi ly cà phê công khai, chứ nếu Phật cấm thì không công khai được đâu, chỉ tìm cách uống lén thôi.
        Đúng là miệng lưỡi của kẻ tu hành á
        Lại thèm cà phê nữa rồi , đi làm một ly đen đá cho hạ hỏa mới được ....
        Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

        Comment

        • #19

          ...Cà phê ngon chỉ mới được một nửa, nhưng chúng ta đâu chỉ cần uống cà phê, chúng ta còn ghiền “uống” con người tại quán cà phê; “uống” không khí và cảnh sắc cà phê; “uống” câu chuyện quanh bàn cà phê và nhiều thứ nữa. Vậy thì mời bạn cùng tôi trở lại không khí cà phê Sài Gòn những năm cuối 1960 và đầu 1970.




          Sài Gòn những năm giữa thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970 tuổi trẻ lớn lên và tự già đi trong chiến tranh. Những "lưu bút ngày xanh" đành gấp lại; những mơ mộng hoa bướm tự nó thành lỗi nhịp, vô duyên. Tiếng cười dường như ít đi, kém trong trẻo hồn nhiên; khuôn mặt, dáng vẻ tư lự, trầm lắng hơn và đầu óc không thể vô tư nhởn nhơ được nữa. Những điếu thuốc đầu tiên trong đời được đốt lên; những ly cà phê đắng được nhấp vào và quán cà phê trở thành nơi chốn hẹn hò để dàn trải tâm tư, để trầm lắng suy gẫm. Có một chút bức thiết, thật lòng; có một chút làm dáng, thời thượng. Đối với một thanh niên tỉnh lẻ mới mẻ và bỡ ngỡ, Sài Gòn lớn lắm, phồn vinh và náo nhiệt lắm. Phan Thanh Giản đi xuống, Phan Đình Phùng đi lên; hai con đường một chiều và ngược nhau như cái xương sống xuyên dọc trung tâm thành phố giúp định hướng, tạo dễ dàng cho việc di chuyển. Cứ như thế, cái xe cọc cạch, trung thành như một người bạn thân thiết lê la khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định.

          Những ngày này, tôi là khách thường trực của quán Cà phê Thu Hương đường Hai Bà Trưng. Quán nằm ở một vị trí đẹp, chiếm ba lô đất ngó chéo qua phía trại hòm Tobia; nơi đây có một căn phòng hẹp vừa đặt quầy thu tiền, vừa là chỗ ngồi cho những ai thích nghe nhạc với âm thanh lớn, phần còn lại là một sân gạch rộng, có mái che nhưng không ngăn vách, từ trong có thể nhìn rõ ra đường qua những song sắt nhỏ sơn xanh với một giàn hoa giấy phủ rợp. Ngồi đây có thể nghe được văng vẳng tiếng nhạc vọng ra từ bên trong; cảm được chút riêng tư cách biệt, nhưng đồng thời cũng có thể nhận ra được sức sống bừng lên mỗi sáng, dáng vẻ mệt mỏi, u ám mỗi chiều đang lặng lờ chảy qua trên đường phía ngoài.

          Chủ quán ở đây là một người đặc biệt: Khó chịu một cách dễ thương. Hình như với ông, bán cà phê chỉ như một cách tiêu khiển và pha cà phê là một nghệ thuật kỳ thú. Ông hãnh diện với tên tuổi của Thu Hương và muốn bảo vệ nó. Bạn là khách uống cà phê phải không? Xin cứ ngồi yên đó. Cà phê được bưng tới, ông chủ sẽ ngồi đâu đó quan sát và sẽ xuất hiện đúng lúc cạn phin, sẽ bỏ đường, khuấy đều cho bạn và sẽ lịch sự "xin mời" khi mọi việc hoàn tất. Ly cà phê như vậy mới là cà phê Thu Hương, đó là cung cách của Thu Hương, đặc điểm của Thu Hương. Trong lãnh vực kinh doanh quán cà phê, có người dùng âm thanh; có người dùng ánh sáng và cảnh trí; có người nhờ sự duyên dáng của tiếp viên; có người dùng phẩm chất của cà phê để hấp dẫn khách. Ông chủ Thu Hương đã chọn cách cuối cùng, cách khó nhất và ông đã thành công. Khách đến với Thu Hương là ai? Nhiều lắm, nhưng dù từ đâu họ đều có điểm giống nhau là tất cả đều trẻ và đều có vẻ "chữ nghĩa" lắm; "ông", "bà" nào cũng tha tập cours quằn tay, cộng thêm các tập san Sử địa, Bách khoa, Văn và vân vân...





          Bạn thường ăn phở gà Hiền Vương, phở Pasteur; bạn thường đi qua đi lại liếc liếc mấy bộ đồ cưới đẹp ở nhà may áo dài Thiết Lập, vậy bạn có biết cà phê Hồng ở đâu không? Thì đó chứ đâu, gần nhà may Thiết Lập, cách vài căn về phía đường Nguyễn Đình Chiểu, ngó xéo qua mấy cây cổ thụ ở bờ rào Trung tâm Thực nghiệm Y khoa (Viện Pasteur). Tôi phải hỏi vì tôi biết có thể bạn không để ý. Quán nhỏ xíu hà, với lại cái tên Hồng và tiền diện của nó trông ủ ê cũ kỹ lắm, chứ không sơn phết hoa hòe, đèn treo hoa kết gì cả.

          Từ ngoài nhìn vào, quán như mọi ngôi nhà bình thường khác, với một cái cửa sổ lúc nào cũng đóng và một cánh cửa ra vào nhỏ, loại sắt cuộn kéo qua kéo lại. Quán hẹp và sâu, với một cái quầy cong cong, đánh verni màu vàng sậm, trên mặt có để một ngọn đèn ngủ chân thấp, với cái chụp to có vẽ hình hai thiếu nữ đội nón lá; một bình hoa tươi; một con thỏ nhồi bông và một cái cắm viết bằng thủy tinh màu tím than. Phía sau, lúc nào cũng thấp thoáng một mái tóc dài, đen tuyền, óng ả, vừa như lãng mạng phô bày vừa như thẹn thùng, che dấu.





          Cà phê Hồng, về ngoại dáng, thực ra không có gì đáng nói ngoài cái vẻ xuề xòa, bình dị, tạo cảm giác ấm cúng, thân tình và gần gũi; tuy nhiên, nếu ngồi lâu ở đó bạn sẽ cảm được, sẽ nhận ra những nét rất riêng, rất đặc biệt khiến bạn sẽ ghiền đến và thích trở lại.

          Hồi đó nhạc Trịnh Công Sơn đã trở thành một cái "mốt", một cơn dịch truyền lan khắp nơi, đậu lại trên môi mọi người, đọng lại trong lòng mỗi người. Cà phê Hồng đã tận dụng tối đa, nói rõ ra là chỉ hát loại nhạc này và những người khách đến quán - những thanh niên xốc xếch một chút, "bụi" một chút (làm như không bụi thì không là trí thức)- đã vừa uống cà phê vừa uống cái rã rời trong giọng hát của Khánh Ly. Không hiểu do sáng kiến của các cô chủ, muốn tạo cho quán một không khí văn nghệ, một bộ mặt trí thức hay do tình thân và sự quen biết với các tác giả mà ở Cà phê Hồng lâu lâu lại có giới thiệu và bày bán các sách mới xuất bản, phần lớn là của hai nhà Trình Bày và Thái Độ và của các tác giả được coi là dấn thân, tiến bộ. Lại có cả Time, Newsweek cho những bạn nào khát báo nước ngoài.

          Quán có ba cô chủ, ba chị em; người lớn nhất trên hai mươi và người nhỏ nhất mười lăm, mười sáu gì đó. Nói thật lòng, cả ba cô đều chung chung, không khuynh quốc khuynh thành gì, nhưng tất cả cùng có những đặc điểm rất dễ làm xốn xang lòng người: Cả ba đều có mái tóc rất dài, bàn tay rất đẹp và ít nói, ít cười, trừ cô chị. Những năm 1980, Cà-phê Hồng không còn, tôi đã thường đứng lại rất lâu, nhìn vào chốn xưa và tự hỏi: Những người đã có thời ngồi đây mơ ước và hy vọng giờ đâu cả rồi? Còn chị em cô Hồng: những nhỏ nhẹ tiểu thư, những thon thả tay ngà, những uyển chuyển "chim di" giờ mờ mịt phương nào?





          Viện Đại học Vạn Hạnh mở cửa muộn màng nhưng ngay từ những năm đầu tiên nó đã thừa hưởng được những thuận lợi to lớn về tâm lý, cùng với những tên tuổi đã giúp cho Đại Học Vạn Hạnh được nhìn vừa như một cơ sở giáo dục khả tín, vừa như một tập hợp của những thành phần trẻ tuổi ý thức và dấn thân.
          Tuy nhiên, dường như cái hồn của Đại Học Vạn Hạnh được đặt tại một tiệm cà phê: Quán Nắng Mới ở dốc cầu, ngó xéo về phía chợ Trương Minh Giảng. Quán Nắng Mới có nhiều ưu thế để trở thành đất nhà của dân Vạn Hạnh, trước nhất vì gần gũi, kế đến là khung cảnh đẹp, nhạc chọn lọc và cuối cùng, có lẽ quan trọng nhất là sự thấp thoáng của những bóng hồng, có vẻ tha thướt, có vẻ chữ nghĩa. Các nhóm làm thơ trẻ đang lên và đang chiếm đều đặn nhiều cột thơ trên báo chí Sài Gòn ngồi đồng từ sáng đến tối để... làm thơ. Nhưng đông hơn cả, ấm áp hơn cả là những nhóm hai người, một tóc dài, một tóc ngắn chờ vào lớp, chờ tan trường và chờ nhau. Nắng Mới đã sống với Vạn Hạnh cho đến ngày cuối cùng. Nắng Mới nay không còn. Những con người cũ tứ tán muôn phương.





          Có một quán cà phê thân quen nữa không thể không nhắc đến: Quán chị Chi ở gần đầu đường Nguyễn Phi Khanh, kế khu gia cư xưa cũ, rất yên tĩnh và rất dễ thương, nằm phía sau rạp Casino Đa Kao. Ở đó có những con đường rất nhỏ, những ngôi nhà mái ngói phủ đầy rêu xanh, những hàng bông giấy che kín vỉa hè, trầm lắng cô liêu và im ả tách biệt lắm mà mở cửa ra là có thể nghe người bên trái nói, thấy người bên phải cười và có cảm tưởng như có thể đưa tay ra bắt được với người đối diện bên kia đường.

          Quán chị Chi độ chín mười thước vuông, chỉ đủ chỗ để đặt ba bốn chiếc bàn nhỏ. Quán không có nhạc, không trưng bày trang trí gì cả ngoại trừ một bức tranh độc nhất treo trên vách, bức tranh đen trắng, cỡ khổ tạp chí, có lẽ được cắt ra từ một tờ báo Pháp. Tranh chụp để thấy một bàn tay giắt một em bé trai kháu khỉnh, vai đeo cặp sách, miệng phụng phịu làm nũng, hai mắt mở to nhưng nước mắt đang chảy dài theo má, phía dưới có hàng chữ nhỏ: "Hôm qua con đã đi học rồi mà". Khách đến với chị Chi không phải coi bảng hiệu mà vào, cũng không phải nghe quảng cáo, mà hoàn toàn do thân hữu truyền miệng cho nhau để đến, nhiều lần thành quen, từ quen hóa thân và quyến luyến trở lại.

          Chị Chi có bán cà phê nhưng tuyệt chiêu của chị là trà; loại trà mạn sen, nước xanh, vị chát nhưng có hậu ngọt và mùi thơm nức mũi. Trà được pha chế công phu trong những chiếc ấm gan gà nhỏ nhắn, xinh xinh. Ấm màu vàng đất, thân tròn đều, láng mịn, vòi và quai mảnh mai, cân đối. Mỗi bộ ấm có kèm theo những chiếc tách cùng màu, to bằng ngón tay cái của một người mập, vừa đủ cho hốp nước nhỏ. Ấm có ba loại, được gọi tên ra vẻ "trà đạo" lắm: độc ẩm, song ẩm và quần ẩm, nhưng hồi đó chúng tôi thường "diễn nôm" theo kiểu "tiếng Việt trong sáng" thành ấm chiếc, ấm đôi và ấm bự. Trà được uống kèm với bánh đậu xanh - loại bánh đặc biệt của chị Chi- nhỏ, màu vàng óng và mùi thơm lừng. Nhắp một ngụm trà, khẽ một tí bánh, cà kê đủ chuyện trên trời dưới đất, trông cũng có vẻ phong lưu nhàn tản và thanh cao thoát tục lắm.

          Quán chị Chi giờ đã biến tướng ít nhiều nhưng dù sao cũng xin cảm ơn chị và xin đại diện cho những anh chị em đã từng ngồi quán chị bày tỏ lòng tiếc nhớ đến chị và đến những ngày khó quên cũ.




          Những năm cuối thập niên 60 Sài Gòn có mở thêm nhiều quán cà phê mới, và thường được trang hoàng công phu hơn, có hệ thống âm thanh tối tân hơn và nhất là quán nào cũng chọn một cái tên rất đẹp, phần lớn là dựa theo tên những bản nhạc nổi tiếng: Cà phê Hạ Trắng, Lệ Đá, Diễm Xưa, Hương Xưa, Hoàng Thị, Biển Nhớ, Hoài Cảm, Da Vàng...

          Tuy nhiên, ở một con đường nhỏ - Hình như là Đào Duy Từ - gần sân vận động Thống Nhất bây giờ, có một quán cà phê không theo khuôn mẫu này, nó mang một cái tên rất lạ: Quán Đa La. Đa La là Đà Lạt, quán của chị em cô sinh viên Chính Trị Kinh Doanh, có lẽ vừa từ giã thác Cam Ly, hồ Than Thở để về Sài Gòn học năm cuối tại nhà sách Xuân Thu hay sao đó, mở ra. Trường kinh doanh quả là khéo đào tạo ra những môn sinh giỏi kinh doanh: Tin mấy cô sinh viên mở quán thật tình là không được chính thức loan báo ở đâu cả; tuy nhiên, cứ úp úp mở mở như vậy mà tốt, nó được phóng lớn, lan xa, tạo ấn tượng mạnh và quán được chờ đón với những trân trọng đặc biệt, những náo nức đặc biệt. Những cô chủ chắc có máu văn nghệ, đã cố gắng mang cái hơi hướm của núi rừng Đà Lạt về Sài Gòn: Những giò lan, nhưng giỏ gùi sơn nữ, những cung tên chiến sĩ đã tạo cho quán một dáng vẻ ngồ ngộ, dễ thương; rồi những đôn ghế, những thớt bàn được cưa từ những gốc cây cổ thụ u nần, mang vẻ rừng núi, cổ sơ đã giúp cho Đa La mang sắc thái rất ... Đa La.
          Ngày khai trương, Đa La chuẩn bị một chương trình văn nghệ hết sức rôm rả, với những bản nhạc "nhức nhối" của Lê Uyên Phương, Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà... Đa La đông vui, chứng kiến sự nở hoa và tàn úa của nhiều mối tình. Nhưng Đa La vắng dần những người khách cũ và đóng cửa lúc nào tôi không nhớ.

          Cà phê Hân ở Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao là quán thuộc loại sang trọng, khách phần lớn ở lớp trung niên và đa số thuộc thành phần trung lưu, trí thức. Bàn ghế ở đây đều cao, tạo cho khách một tư thế ngồi ngay ngắn, nghiêm chỉnh và bàn nào cũng có đặt sẵn những tạp chí Pháp ngữ số phát hành mới nhất. Câu chuyện ở Hân chắc là quan trọng lắm, lớn lắm; nhìn cái cách người ta ăn mặc; trông cái vẻ người ta thể hiện là biết ngay chứ gì; có lẽ cả thời sự, kinh tế tài chánh, văn chương, triết học đều có cả ở đây. Một chỗ như vậy là xa lạ với dân ngoại đạo cà phê.
          Nhưng Hân là một nơi hết sức đáng yêu, đáng nhớ của nhiều người, dù ngồi quầy là một ông già đeo kính như bước ra từ một câu chuyện của văn hào Nga Anton Chekov. Về sau, đối diện với Hân có thêm quán cà phê Duyên Anh của hai chị em cô Hà, cô Thanh; cô em xinh hơn cô chị và được nhiều chàng trồng cây si.
          Hai tiệm cà phê, một sang trọng chững chạc, một trẻ trung sinh động, đã trở thành một điểm hẹn, một đích tới mà khi nhắc đến chắc nhiều anh chị em ở trường Văn Khoa, trường Dược, trường Nông Lâm Súc ngay góc Hồng Thập Tự - Cường Để còn nhớ, cũng như nhớ món bánh cuốn ở đình Tây Hồ bên trong chợ Đa Kao thờ cụ Phan, nhớ quán cơm "lúc lắc" trong một con hẻm nhỏ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm mà nữ sinh viên vừa đi lên căn gác gỗ vừa run khi được mấy chàng mời cơm.




          Bạn nào muốn gặp các nhà văn nhà thơ, muốn nhìn họ ngậm ống vố, đeo kính cận nói chuyện văn chương thì mời đến quán Cái Chùa, anh em nào muốn có không khí trẻ trung đầm ấm mời đến Hầm Gió; anh em nào muốn có chỗ riêng tư tâm sự thì cứ theo đường Nguyễn Văn Học chạy tuốt lên Gò Vấp, vào quán Hương Xưa, ở đó có vườn cây đẹp, các cô chủ đẹp và cái cách người ta đối đãi với nhau cũng rất đẹp. Cũng đừng quên nhắc đến quán Chiêu, hẻm Cao Thắng. Rồi còn cà phê hàng me Nguyễn Du, cũng Beatles, cũng Elvis Presley như ai ; và cả pha chút Adamo quyến rũ. Giá ở đây thật bình dân nhưng thường xuyên chứng kiến những pha so găng giữa học sinh hai trường nghề Cao Thắng và Nguyễn Trường Tộ.

          Chán cà phê thì đi ăn nghêu sò, bò bía, ăn kem trên đường Nguyễn Tri Phương, góc Minh Mạng hoặc bên hông chợ Tân Định. Phá lấu đã có góc Pasteur-Lê Lợi, nhưng chỉ dành cho các bạn có tiền. Rủng rỉnh tí xu dạy kèm cuối tháng có Mai Hương (nay là Bạch Đằng Lê Lợi). Quán Mù U, hẻm Võ Tánh, chỗ thương binh chiếm đất ở gần Ngã tư Bảy Hiền dành cho những bạn muốn mờ mờ ảo ảo.
          Muốn thưởng thức túp lều tranh mời đến cà phê dựa tường Nguyễn Trung Ngạn gần dòng Kín, đường Cường Để.
          Rồi quán cà phê Cháo Lú ở chợ Thị Nghè của một tay hoạ sĩ tên Vị Ý.
          Cao cấp hơn có La Pagode (đổi thành Hương Lan trước khi giải thể), Brodard, Givral. Thích xem phim Pháp xưa, phim Mỹ xưa và ngồi... cả ngày xin mời vào rạp Vĩnh Lợi trên đường Lê Lợi để chung vai với đám đồng tính nam.
          Vào Casino Sài Gòn có thể vào luôn hẻm bên cạnh ăn cơm trưa rất ngon tại một quầy tôi đã quên tên. Nhưng rạp Rex vẫn là nơi chọn lựa nhiều nhất của SV, cả nghèo lẫn giàu. Cuộc sống SV cứ thế mà trôi đi trong nhịp sống Sài Gòn. Nghèo nhưng vui và mơ mộng. Tống Biệt hành, Đôi mắt người Sơn Tây sống chung với Cô hái Mơ. Đại bác ru đêm sánh vai với Thu vàng. Ảo vọng và thực tế lẫn vào nhau. Thi thoảng lại pha thêm chút Tội ác Hình phạt, Zara đã nói như thế! Che Guervara, Garcia Lorca.

          Tất cả những gì tôi nhắc tới là một chút ngày cũ, một chút cảnh xưa, một phần hơi thở và nhịp sống của Sài Gòn trong trí nhớ. Xin tặng anh, tặng chị, tặng em, đặc biệt là tặng tất cả những ai tha hương có lúc bỗng bàng hoàng nhận thấy, dường như một nửa trái tim mình còn đang bay lơ lửng ở cà phê Hồng, Thu Hương, hay đâu đó ở quê nhà.

          LƯƠNG THÁI SỸ - AN DÂN
          Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 23-03-2010, 10:41 AM.
          ----------------------------

          Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

          Comment

          • #20

            Lang thang cà phê Đà Lạt

            PNO - Tháng Sáu, Sài Gòn “trời mưa, trời mưa không dứt” nhưng cái nóng, cái oi ả vẫn khiến người ta bức bối. Trốn nóng trong một quán cà phê máy lạnh, nhìn qua cửa kính, thấy Sài Gòn mưa mà nóng, tự dưng tôi thèm một ly cà phê Đà Lạt...

            Một buổi sáng của 2 năm trước..trong cafe Tùng. Đalat....





            Hương Bình

            Comment

            • #21

              ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi Hương Bình View Post
              Lang thang cà phê Đà Lạt

              PNO - Tháng Sáu, Sài Gòn “trời mưa, trời mưa không dứt” nhưng cái nóng, cái oi ả vẫn khiến người ta bức bối. Trốn nóng trong một quán cà phê máy lạnh, nhìn qua cửa kính, thấy Sài Gòn mưa mà nóng, tự dưng tôi thèm một ly cà phê Đà Lạt...

              Một buổi sáng của 2 năm trước..trong cafe Tùng. Đalat....





              Hương Bình
              Ai sao mờ xinh giống em gái của chị vậy cà? Nhìn nét của ai sao mà thông minh, sáng láng dữ à nha! Nếu chị mà là đờn ông thì em...chít với chị đó em gái à! Có ai đang ngồi ngó sau lưng ai kìa, trong gương đang phản chiếu bóng đó!

              Comment

              • #22

                ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi Hương Bình View Post
                Lang thang cà phê Đà Lạt




                Một buổi sáng của 2 năm trước..trong cafe Tùng. Đalat....




                Hương Bình

                ...cũng thời điểm này - khoảng hai năm trước , có người viết :

                Dalat trong mắt tôi

                Wednesday, 27. February 2008, 12:58:28

                Chỉ tại Anh nên trời thu đổi gió
                Mimosa phủ kín mặt đường khuya
                Vương đầy tóc em, bắt đền anh đó
                Gỡ dùm đi, đứng cười mãi..ô kìa..''


                Dalat với tôi là dĩ vãng,là thương nhớ ở tuổi thơ đẹp nhất.
                Thuở bé, tôi bị bà chị lôi đầu dậy từ kém 5 giờ sáng để đi nhà thờ Con gà ở Dalat; đường lên nhà thờ dốc cao gío thổi ngược, rét căm căm,
                hai tay nắm chặt, đôi chân bé nhỏ của tôi phải chạy theo chị thật nhanh trên con dốc cao ,các bậc thang nhà thờ; Rõ khổ cho thân còm của tôi!
                Vào được nhà thờ phù..phù...ấm áp qúa; chị tôi lo qùy xuống cầu nguyện, còn tôi đến hàng ghế từ từ ngồi xuống ,từ từ lấy bánh và đậu phộng ra ..ăn chậm rãi niềm vui trọn vẹn!

                Tôi biết dalat khi thành phố này con đường còn mang số, mang tên các lòai hoa.

                Đi lên cầu thang chợ Dalat tôi luôn cúi xuống hái hoa bồ công anh mọc hoang dã ở các khe bậc thang đá. Cánh hoa bồ công như những sợi lông trắng nhỏ rất mong manh, luôn bị gió thổi bay trong không khí
                trông rất tội nghiệp, bố tôi bảo; con bé này thế mà tình cảm qúa!
                Ai đã từng thương
                và ngắm hoa bồ công anh ắt hẳn sẽ có mối tình với xứ sở trăm hoa này.

                Mimosa còn nở vàng trên Dalat dạo đó;
                Mimosa, mimosa hoa bé vàng trong lòng tôi mãi nhớ, nhớ phấn hoa mimosa vô cùng...nhớ...
                Vươn tay bẻ cành mimosa, phấn hoa bay vào mắt mũi, miệng cười toe tóet nhìn tay đầy phấn vàng mà lòng thích thú

                Khi còn bé là chúa bẻ hoa bắt bướm,có lần bẻ một cành Tú cầu rõ to của Nhà Thủy tạ, bố tôi biết ông hỏi thế con trồng hoa ai bẻ con chịu không ? cái đầu bé nhỏ lắc lia lịa, bố nhỏ nhẹ: vậy đừng hái hoa đẹp của người ta nghe. Từ đó trở đi bé Nga này không hái hoa của nhà người nữa.

                [Mimosa là loại cây thân gỗ nhỏ, lá nhỏ hình bầu dục, có lông mịn và phấn trắng; hoa màu vàng tươi, cánh li ti kết thành chùm . Mimosa như thân thảo,ngày nay người VN thường gọi "thuộc họ trinh nữ", có tên khoa học là Mimosaceae, có ở Đà Lạt từ cuối thế kỷ 19 (*)]

                Có một giai thoại nhỏ về ba chữ hoa trinh nữ: nhạc sĩ Trần thiện Thanh trong lúc nghỉ bên đường gặp một lòai hoa bé dáng tròn màu hồng,chạm vào lá, lá khép lại;
                chàng nhạc sĩ tài hoa đầy mơ mộng viết lên bản nhạc với tựa "hoa trinh nữ"
                trong đó có câu :
                " nâng nhẹ một cây
                lá khép trong tay
                lá ngủ thật mê say,
                ngỡ đôi mi gầy
                khép đêm trăng đầy
                cài then cung ái..."
                trữ tình qúa đi mất.
                Có lẽ tên của bản nhạc nổi tiếng này được dùng làm tên "thuộc họ trinh nữ" của các loài hoa mỏng manh dễ mọc,và...hoang dã !??

                MIMOSA nay không thấy nhiều nữa mà người ta lăm le đem Dã Qùy vào thay ...buồn nhiều lắm lắm!

                Màu vàng của Dã quỳ không thể thay Mimosa bởi dã quỳ thấp hơn mimosa nhiểu. Chỉ có mimosa mới in đậm chất vàng trên nền trời xanh sáng, mới đủ sức quyến rũ các tay caméra, làm say lòng khách vãng lai, làm nên tình yêu đôi lứa...

                Thời gian thơ mộng nhất là bách bộ cùng người yêu trên thành phố vừa đi đã mỏi này, nắm tay nhau và mắm cả cành mimosa
                Bạn có biết về khuya gío mạnh lay cành lá ,mimosa rụng,phấn vàng tô điểm mặt đường đi nên thi sĩ đã thốt lên:


                Chỉ tại Anh nên trời thu đổi gió
                Mimosa phủ kín mặt đường khuya
                Vương đầy tóc em, bắt đền anh đó
                Gỡ dùm đi, đứng cười mãi..ô kìa..''


                Chúng tôi đều sinh trưởng tại Saigon, Dalat tạo nên mối tình chúng tôi.
                Thế giới này qủa không rộng lớn.

                Trong mắt tôi Dalat không còn là vùng đất hòang triều cương thổ thủa xa xưa, Dalat hoang sơ ngày nào đã in đậm trong tôi: lối đi còn đất đỏ, bà hàng rong còn mặc áo dài gánh hàng đi bán ...
                Dù xa xưa hay hiện tại , Dalat luôn mơ màng tráng lệ... Tôi vẫn yêu sự lẫn lộn giữa xưa và nay của đất hòang triều .

                Ngày xưa Dalat có quán kem, quán dù, cafe Singsing ,bar Đào nguyên .... bây giờ là dãy cafe dài đều nhau như Phượng tím ....
                ngôi nhà kinh dị nhưng tôi gọi là Nhà Điên vì tự nhiên mình bỏ tiền ra để leo cầu thang vòng vòng ....hì..hì...mà vui như những ngày thơ ấu.

                Xuân này, tôi ngắm dalat với dòng xe chạy nối đuôi, với khách du lịch, với những cửa hàng lộng lẫy, cửa hàng bánh Liên hoa không thua Kinh đô của saigon, các miniLab thật đáng yêu, dãy cafe Phượng tím, phương hồng ...

                Lên Dalat thăm người bạn bỏ phố lên rừng,
                căn nhà bạn màu tím nên thơ, gần đó cây salem hoa tím nở rợp một góc xuân phố nhỏ.
                Vườn nhà bạn hai bên trồng tỷ muội hồng thơm ngát, cây hoa trạng nguyên đang ra từng cụm lá đỏ tươi nho nhỏ thật đáng yêu ,nhưng nhựa cây này có màu trắng rất độc hại , dính vào mắt gây ...mù !! do đó chơi hoa phải biết bẻ cành bạn ơi .

                Chị bạn tôi vui vẻ chỉ căn nhà cửa sổ gỗ màu nâu cổ rất gô-tích nói thầm:
                -Nhà của bồ mình hồi hai đứa học trung học đấy.

                Còn tôi ?? các con đường xưa còn đây, mà người xưa đã "bốc hơi" tự lâu rồi !!
                chỉ còn
                bản nhạc mimosa
                vừa khẽ hát vừa thì thầm thơ Xuân Diệu :

                Thời gian ơi vội đi làm qúa khứ,
                Trở về đây và hãy trở về đây!!!

                Sương xuống ,Dalat chìm trong đêm, một màn đêm tĩnh mịch êm đềm. Một lặng yên đối với tôi là trường cửu.Tôi đã khóc khi trở về Dalat !!!


                Link

                ...phải đồng hương ko Hương Bình...


                [ame="http://www.youtube.com/watch?v=S7W5fNn1FOw&feature=related"]YouTube- Oginski , The polonaise, Farewell to Homeland[/ame]






                .
                ----------------------------

                Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

                Comment

                • #23

                  Tôi đã khóc khi trở về Dalat !!!

                  Mái tóc dài buông xoã
                  Tựa như áng mây chiều
                  Ta thấy lòng mình đã
                  Thì thầm một tiếng yêu



                  Nhắc đến Đalat..nơi ấy dường như có cái gì làm mê hoặc và rồi lòng mình lại lãng đãng nhớ nhung , lạ thật đó sáng nay thức giấc nằm nhìn qua khung cửa tuyết đang rơi chẳng thấy bóng dáng một chú chim nào nằm cuộn mình trong chăn nghe hơi lạnh và tiếng ù ù sưởi chạy..chẳng có chút gì romantic , ngồi dậy bới lại mớ tóc rồi mở nhạc và tiện tay bật pc làm một ly nước nóng và vào MCLL , xem ngay bài cafe & cuộc sống..nhìn thấy 2 chữ Đalat của 2 năm về trước tỉnh cả người và ngồi nghiền ngẫm xem..thế là từ lúc đó lòng mình lại lãng đãng lâng lâng thật kỳ lạ , nói đến Đalat là nói đến Tình yêu hình như ai đã sống và đã qua một lần được ghé đén Đalat chắc khó có thể quên những cảm giác thần tiên ấy ,ở đây HB chỉ muốn nhắc đến cái thuần chất của Đalat hôm xưa từ không gian cho đến cảnh vật hình như thiên nhiên đã ban tặng cho Đalat những cái đặc thù ấy ,không khí rất trong lành chẳng thế mà khi xưa vẫn được mệnh danh là nơi ở của vua chúa ,khí hậu rất mát mẻ cảnh vật thì khỏi nói chắc ai cũng dã được xem qua trên các hình ảnh hay đã một lần ghé đến.Nói đến Đalat là phải nói đến sương mù ,buổi sáng thức dậy có những buổi sáng theo các anh chị đến trường bước vào lớp học đứa nào cũng nhìn hàng lông mi đọng đầy sương những cái chớp mắt không kịp làm cho sương rơi mất..2 má thì rám lại vì lạnh và đỏ ửng thật là xấu xí..


                  ngày đó HB còn bé lắm ngoài những lúc đến trường thì chỉ biết tha thẩn trên những quả đồi với các anh chị bắt bướm hái hoa ,sợ nhất là buổi tối trời đalat lạnh và chỉ nghe những âm thanh của gió tiếng gió hú qua khe cửa ánh sáng mập mờ của ngọn đèn dầu nhà của HB toạ lạc trên một quả đồi vì thế những buổi tối xúm lại quanh bà nội nghe chuyện cổ tích và nhất là nghe những câu chuyện ma...


                  Đường xuống chợ Đalat

                  HB cám ơn chị CONHAKO nhiều lắm những bài post của chị thật là hay HB mong sẽ được xem thật nhiều nữa ..Thân ái chúc chị luôn vui.HB
                  Đã chỉnh sửa bởi Hương Bình; 24-03-2010, 09:18 AM.

                  Comment

                  • #24

                    CaFê Và Nỗi Nhớ

                    Buổi sáng tinh sương bầu trời mây giăng xám xịt nhìn qua khung cửa những tàn cây lờ mờ khuất trong sương mù, trời âm u lành lạnh buồn hiu hắt

                    Ngồi Uống từng ngụm CaFê mà luôn suy tư nghĩ về Phương Xa thật xa cảm nhận được một gương mặt , ánh mắt nụ cười vô tư hồn nhiên

                    nhưng tiềm ẩn một tình yêu thương tha thiết ân cần ,một tình cảm đơn thuần được xây dựng trên cơ sở là mối tình thân , Càng ngày càng gần, thật gần với nhau và mình củng hiểu được giá trị của sự cảm thông,

                    chia xẻ những vui buồn rất cần trong cuộc sống.Trao nhau những nụ cười chia sẽ nhau nhửng suy tư luôn tạo cho nhau một niềm vui một hạnh phúc trong cuộc sống , những cảm xúc vẫn luôn là mối quan hệ trong

                    veo của tình bạn, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn một hạnh phúc khi mình đã có được "trao và nhận" đến với anh nhẹ nhàng như đã dấu yêu , Ngoài trời gió se lành lạnh nhưng lòng tôi vô cùng ấm...

                    Đang cho mình một nụ cười những cảm xúc của mình sâu thẳm trong tâm hồn thì chỉ có tự mỗi người mới hiểu được mình mà thôi.

                    Tách CaFê một mình trong bầu không khí trầm lặng ,với lời nhạc "Lỗi Lầm" gợi trong lòng một nỗi nhớ về một phương trời xa xôi .

                    Lỗi Lầm .



                    Có khi nào em buồn em nhớ đến anh
                    có khi nào em ngồi em khóc vì anh
                    tình yêu ta ly tan vụn vỡ khi đẹp đôi
                    vì sao thế anh làm gì có lỗi

                    Em rất buồn em nào có lỗi với anh
                    có bao giờ anh giành tất cả vì em
                    để khi ta chia tay anh nói anh còn yêu
                    thì lúc đó em đã rời xa
                    Ngậm đắng nuốt cay tình ái qua tay
                    để em bước đi quên cả nối về
                    giọt nước mắt rơi ngày tháng đam mê, đâu mất

                    Anh và em bây giờ như vầng trăng khuya
                    anh và em bây giờ hai đứa hai nơi
                    nhớ làm gì khóc làm gì
                    vì tình yêu không có lần thứ hai

                    Qua ngày mai chẳng còn ai nợ ai yêu
                    qua ngày mai thiên đường vắng bóng đôi tơ
                    sao bây giờ nhớ nhau nhiều
                    nhưng ta không đến được với nhau

                    Đôi khi cảm nghỉ một thời thơ dại đã đi qua ..để lại trong lòng mỗi khi hồi tưởng lại như một trận mưa rào để rồi cuộc sống lại vẫn phải tiếp tục với nhịp bước của cuộc đời


                    T_Q
















                    Comment

                    • #25

                      ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi Hương Bình View Post

                      Một buổi sáng của 2 năm trước..trong cafe Tùng. Đalat....




                      Hương Bình
                      Mimosa mắc cỡ!

                      Ngày trở về,
                      Con đường xưa vẫn giăng giăng sương mờ,
                      Hàng Tường vi vẫn ỡm ờ trong gió,
                      Tóc ai vẫn bay bay vương vướng bờ vai ai đó,
                      Mộng mơ đầu đời vẫn lẫn khuất đâu đây?
                      Một thuở học trò mắt biếc, mi gầy…
                      Mimosa một thời e ấp!

                      Dạo bước loanh quanh bao con ngõ hẹp,
                      Lại trở về nơi cũ, quán xưa,
                      Quán nhỏ, ly cà phê, một mình ai,
                      Cà phê Tùng, bên dốc đá!

                      Thả hồn theo gió,
                      Nhạc nhẹ vương vương,
                      Nhớ về ai đó!
                      Người xưa, trường xưa…
                      Ai đó xưa thật là xưa…
                      Một lần đánh mất….

                      Cà phê một mình,
                      Sao hôm nay đắng quá!
                      Đắng nghét đầu môi!
                      Tê điếng hồn tôi!
                      Đôi mắt xa vời nhìn qua khung cửa,
                      Một trời giăng giăng…
                      Nỗi buồn mang mang…

                      Mimosa vương vương vàng mái tóc,
                      Nhờ ai gỡ hộ,
                      Bàn tay ai vô tình,
                      Vuốt nhẹ mái tóc ai,
                      Nhớ hoài!
                      Mimosa mắc cỡ!!!

                      Thương tặng em gái Hương Bình, để nhớ một lần về thăm Đà Lạt!
                      Chị UKH
                      Mar 24, 2010
                      Đã chỉnh sửa bởi Uất Kim Hương; 24-03-2010, 03:48 PM.

                      Comment

                      • #26

                        ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi Uất Kim Hương View Post
                        Mimosa mắc cỡ!






                        Ngày trở về,



                        Con đường xưa vẫn giăng giăng sương mờ,



                        Hàng Tường vi vẫn ỡm ờ trong gió,



                        Tóc ai vẫn bay bay vương vướng bờ vai ai đó,



                        Mộng mơ đầu đời vẫn lẫn khuất đâu đây?



                        Một thuở học trò mắt biếc, mi gầy…



                        Mimosa một thời e ấp!






                        Dạo bước loanh quanh bao con ngõ hẹp,



                        Lại trở về nơi cũ, quán xưa,



                        Quán nhỏ, ly cà phê, một mình ai,



                        Cà phê Tùng, bên dốc đá!






                        Thả hồn theo gió,



                        Nhạc nhẹ vương vương,



                        Nhớ về ai đó!



                        Người xưa, trường xưa…



                        Ai đó xưa thật là xưa…



                        Một lần đánh mất….






                        Cà phê một mình,



                        Sao hôm nay đắng quá!



                        Đắng nghét đầu môi!



                        Tê điếng hồn tôi!



                        Đôi mắt xa vời nhìn qua khung cửa,



                        Một trời giăng giăng…



                        Nỗi buồn mang mang…






                        Mimosa vương vương vàng mái tóc,



                        Nhờ ai gỡ hộ,



                        Bàn tay ai vô tình,



                        Vuốt nhẹ mái tóc ai,



                        Nhớ hoài!



                        Mimosa mắc cỡ!!!






                        Thương tặng em gái Hương Bình, để nhớ một lần về thăm Đà Lạt!



                        Chị UKH



                        Mar 24, 2010


                        Cám ơn chị thật nhiều chị làm em cảm động quá chừng..xem xong mà lòng cứ rưng rưng vừa nhung nhớ lại vừa xúc động thật là tình cờ em đã gặp được chị ở chốn này và đặc biệt lại nhận được một tình cảm thật đẹp...Hương Bình

                        Comment

                        • #27

                          Tìm về tuổi thơ!

                          Thương ai ngồi một mình
                          Trầm ngâm bên cửa sổ,
                          Thả hồn về đâu đó,
                          Chốn quê xưa!

                          Nhớ về ngôi nhà cũ,
                          Những đêm mưa,
                          Tuổi thơ của một thời,
                          Sương trắng núi đồi,
                          Đà lạt!
                          Nội già kể chuyện ngày xưa….
                          Có một chàng hoàng tử,
                          Cỡi con ngựa trắng phau…
                          Đi tìm công chúa nhỏ….
                          Để rồi ai đó
                          Mơ ước một lần,
                          Vào vườn cổ tích,
                          Có tòa lâu đài,
                          Mờ mờ ảo ảo,
                          Bên ngọn đèn dầu,
                          Leo lét cháy….

                          Cô gái nhỏ giờ đây,
                          Môi đỏ, má hây hây,
                          Tóc xõa bờ vai,
                          Nơi xứ người,
                          Mùa đông lạnh,
                          Tuyết trắng giăng giăng…

                          Quê người cũng có một vầng trăng,
                          Treo lững lơ đầu núi,
                          Trăng quê người lạnh lắm!
                          Núi quê người chẳng giống núi quê hương!
                          Núi quê người thiếu mất một mảnh hồn!
                          Trăng quê người thiếu mất một trái tim!

                          Tuổi thơ,
                          ai vẫn mãi đi tìm!

                          UKH
                          Mar 24, 2010

                          Thương tặng em Hương Bình, để nhớ về quê em. Nơi chị cũng có một kỷ niệm đẹp thời thơ ấu với Cậu của mình.
                          Đã chỉnh sửa bởi Uất Kim Hương; 25-03-2010, 12:04 AM.

                          Comment

                          • #28

                            ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi Uất Kim Hương View Post
                            Tìm về tuổi thơ!

                            Thương ai ngồi một mình
                            Trầm ngâm bên cửa sổ,
                            Thả hồn về đâu đó,
                            Chốn quê xưa!

                            Nhớ về ngôi nhà cũ,
                            Những đêm mưa,
                            Tuổi thơ của một thời,
                            Sương trắng núi đồi,
                            Đà lạt!
                            Nội già kể chuyện ngày xưa….
                            Có một chàng hoàng tử,
                            Cỡi con ngựa trắng phau…
                            Đi tìm công chúa nhỏ….
                            Để rồi ai đó
                            Mơ ước một lần,
                            Vào vườn cổ tích,
                            Có tòa lâu đài,
                            Mờ mờ ảo ảo,
                            Bên ngọn đèn dầu,
                            Leo lét cháy….

                            Cô gái nhỏ giờ đây,
                            Môi đỏ, má hây hây,
                            Tóc xõa bờ vai,
                            Nơi xứ người,
                            Mùa đông lạnh,
                            Tuyết trắng giăng giăng…

                            Quê người cũng có một vầng trăng,
                            Treo lững lơ đầu núi,
                            Trăng quê người lạnh lắm!
                            Núi quê người chẳng giống núi quê hương!
                            Núi quê người thiếu mất một mảnh hồn!
                            Trăng quê người thiếu mất một trái tim!

                            Tuổi thơ,
                            ai vẫn mãi đi tìm!

                            UKH
                            Mar 24, 2010

                            Thương tặng em Hương Bình, để nhớ về quê em. Nơi chị cũng có một kỷ niệm đẹp thời thơ ấu với Cậu của mình.
                            Thơ chị làm hay quá
                            Đưa em gái trở về
                            với cổ tích ngày xưa
                            trong khu vườn hoa mộng
                            Bố là một quân vương
                            bên hoàng hậu từ ái
                            một đám thần ngu ngơ
                            Hương em còn be tí
                            yêu thương nhớ sao vừa
                            .....
                            hạnh phúc vuột bay mất
                            thiên đàng chợt tan hoang
                            giờ chỉ là cổ tích..
                            hạnh phúc là tuyết rơi
                            hơi ấm là tình người
                            Chị...em...và tất cả
                            nơi đây với nụ cười.....

                            HB

                            Comment

                            • #29

                              CAFE Flore PaRis

                              Paris có rất nhiều tiệm café, đó chính là Paris có nét độc đáo riêng của nó. Truớc hết xin nói về những tiệm café nổi tiếng, nằm trong những khu sầm uất của Paris, và tiệm cũng đã nhiều tuổi thọ (nhà cửa ở Paris trên hai, ba, trăm năm là thường). Tiệm café Flore ở đường Boulevard Saint-Germain, quận 5, tiệm này có 120 tuổi(1887).



                              Tiệm Flore nằm trong khu nổi tiếng Saint-Germain. Nơi đây như là một cái làng nhỏ trong Paris mà nhiều người ngoại quốc biết đến, nhờ tiệm tồn tại đến hôm nay. Café Flore độc đáo nhất, không suy suyển với thời gian, được coi như là một ngã tư để trao đổi thời trang và những tư tưởng mới. Rất có nhiều người muốn đến đây để thưởng thức bầu không khí đặc biệt bên ly café nhỏ, đậm đắng, nhưng rất thơm ... Tiệm café Flore này, lấy tên một tượng thần, dựng bên kia đường. Nói tóm lại, từ năm 1930, những tiệm café nằm trên khu vực này, là nơi hẹn hò của những nhà trí thức, hoạ sĩ, nhà xuất bản, tài tử điện ảnh. Juliette Gréco, và Boris Vian thường sánh vai nhau ở đây. Nhà văn viết về thuyết hiện sinh Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir cũng thường hẹn gặp nhau tại đây vào năm 1939.


                              T_Q
















                              Comment

                              • #30

                                .






                                Cà phê có nhiều vị và chuyện tình cà phê cũng nhiều, lang thang trên mạng tình cờ xem được một số chuyện...



                                Ly cà phê nhạt màu...

                                1. Người khách tình cờ

                                Tôi biết đến quán cà phê này do một người bạn giới thiệu. Đó là một nơi kháyên tĩnh, với những bản nhạc nhẹ nhàng và êm ái, nơi tôi cảm thấy yên bình cũng như thanh thản trong tâm hồn vốn mệt mỏi với công việc từ lúc bình minh chào ngày mới.

                                Tôi bắt đầu để ý đến cô gái trẻ ngồi ở bàn đối diện khi cô ta đi một mình vào quán nhưng anh nhân viên lại đem ra hai ly nước. Một ly cà phê sữa cho cô và một ly đen đá ít đường cho người- nào- đấy sẽ ngồi ở chiếc ghế đối diện. Có lẽ, cô ấy đang chờ một người bạn nào đó, là bạn trai chăng? Phải rồi, vì hôm nay là cuối tuần mà! Các cặp tình nhân trẻ thì thường hay hẹn hò ở các quán cà phê lãng mạn vào dịp cuối tuần. Bỗng nhiên tôi phì cười, không hiểu sao tôi lại bắt đầu có sở thích để ý chuyện người khác. Phải chăng vì đôi mắt buồn trên gương mặt lạnh lùng của cô gái trẻ có một sức hút mãnh liệt với tôi?

                                Anh nhân viên trong quán tiến đến gần chỗ ngồi của cô , mỉm cười nhìn cô rồi hỏi:

                                - Tuần này của hai anh chị thế nào?
                                + Vẫn thế anh ạ! Hạnh phúc và bình yên.

                                Cô gái trẻ vẫn chắp tay vào nhau, mỉm cười rồi nhẹ nhàng đáp trả. Vậy ra, tôi đã đoán đúng. Cô ấy đang chờ người yêu. Và hai người họ là khách quen của quán cà phê này
                                Một tiếng đồng hồ trôi qua, tôi nóng lòng muốn xem mặt anh chàng người yêu tốt số ấy là ai, nhưng vẫn không thấy anh ta đến. Đàn ông con trai mà lại để người yêu mình chờ đợi mỏi mòn như thế, thật không lịch sự chút nào.

                                Cô gái trẻ từ nãy giờ vẫn chăm chú nhìn vào màn hình di động trên tay, lâu lâu lại khẽ cười, nhưng đôi mắt vẫn đượm một chút gì đấy buồn và day dứt. Thỉnh thoảng cô liếc nhìn ly cà phê đen như màu mắt đang từ từ nhạt màu đi khi đá dần tan ra. Thời gian làm nhạt phai mọi thứ...?
                                Rồi tôi bỡ ngỡ khi cô gái trẻ gọi tính tiền và bước ra cửa, anh nhân viên buông một câu chào khó hiểu :

                                - Cám ơn hai anh chị và chúc một buổi tối cuối tuần hạnh phúc. Hẹn gặp cả hai vào tối thứ bảy tuần sau..

                                Tôi vẫn tròn xoe đôi mắt và cố gắng hiểu những gì đang diễn ra. Cô gái bỗng quay lại nhìn vào mắt tôi rồi mỉm cười. Có lẽ cô ấy đã biết có một kẻ tò mò đã trộm nhìn mình từ nãy đến giờ.

                                2. Nhân viên lâu năm

                                Tôi làm part-time cho quán cà phê này từ khi là sinh viên năm nhất. Tôi thích làm vào buổi tối, nhất là cuối tuần, khi những cặp tình nhân chọn nơi đây làm điểm hẹn hò, tôi đã chứng kiến được những chuyện tình lãng mạn, hài hước, và cả đau đớn nữa..

                                Vẫn như mọi buổi tối thứ bảy, cô gái ấy đến cùng với người yêu của mình.Tôi lập tức pha nước cho cả hai, như thường lệ, anh- cà phê đen và cô-cà phê sữa. Đã lâu rồi tôi không được nói chuyện với anh. Anh ấy là một người vui tính, nhưng rất điềm đạm và cư xử lịch thiệp, cũng như chiều chuộng người yêu mình hết lòng.

                                Tôi đặt ly cà phê sữa cho cô, và ly cà phê đá cho anh. Tôi vẫn pha cho anh nhiều cà phê hơn những người khách khác - vì anh là một người khách đặc biệt của quán chúng tôi.

                                -Tuần này của hai anh chị thế nào? - Tôi hỏi một câu quen thuộc như thường lệ. Thường thì anh sẽ là người trả lời. Nhưng bây giờ thì không.

                                + Vẫn thế anh ạ! Hạnh phúc và bình yên - Cố ấy mỉm cười nhìn tôi và đáp trả.

                                Một tiếng đồng hồ trôi qua, tôi để ý có một vị khách ngồi gần cửa sổ suốt từ nãy đến giờ vẫn nhìn chăm chăm vào hai người họ. À không, chính xác là vào cô ấy. Cô đang mở điện thoại di động và xem lại hình ảnh hoặc tin nhắn gì đấy - tôi đoán thế - có lẽ là những tin nhắn của anh và hình hai người chụp bằng máy di động.

                                Khi ly cà phê đen của anh đã tan hết đá. Cô gọi tính tiền và bước ra cửa. Tôi mỉm cười chào hai người :

                                - Cám ơn hai anh chị và chúc một buổi tối cuối tuần hạnh phúc. Hẹn gặp cả hai vào tối thứ bảy tuần sau..

                                Cô nhìn về phía cửa sổ, mỉm cười với vị khách đang tròn xoe đôi mắt vì câu chào của tôi. Tôi không mấy ngạc nhiên, vì luôn có những vị khách tò mò về câu chuyện tình yêu của hai người họ.

                                3. Cô gái trẻ

                                Tôi và anh là bạn thân từ nhỏ. Đến hết năm cấp 3, chúng tôi quen nhau và hạnh phúc đến tận bây giờ. Nửa năm trước, anh dắt tôi vào một quán cà phê khá yên tĩnh, với những bản nhạc nhẹ nhàng và êm ái, làm thanh thản và dịu mát tâm hồn tôi. Khi tôi và anh cãi nhau, chúng tôi thường đến quán cà phê này, và sau đó thì lại làm lành với nhau, rất dễ dàng.

                                Sau một thời gian lui tới quán cà phê này vào mỗi tối cuối tuần thì chúng tôi đã trở thành khách quen của quán. Anh bắt chuyện với một nhân viên trạc tuổi chúng tôi, cậu ấy có vẻ thích cách nói chuyện của anh, và sau đó thì ba chúng tôi quen nhau.

                                Hôm nay, tôi lại đến đây cùng với anh. Tôi không cần gọi nước vì khi thấy chúng tôi, cậu nhân viên ấy sẽ biết mình nên pha nước gì. Ly cà phê đen cho anh lúc nào cũng được pha với rất nhiều cà phê, và chỉ bỏ một ít đường, vì anh thích uống như thế, cậu nhân viên cũng biết như thế.

                                -Tuần này của hai anh chị thế nào?- Cậu ấy hỏi chúng tôi một câu hỏi quen thuộc như thường lệ. Nếu như mọi khi, tôi sẽ để anh trả lời. Nhưng bây giờ thì không.

                                + Vẫn thế anh ạ! Hạnh phúc và bình yên - Tôi trả lời cậu ấy thật tự nhiên...

                                Một tiếng đồng hồ trôi qua, vị khách ở bàn đối diện gần cửa sổ vẫn nhìn vào tôi chăm chăm từ nãy giờ. Tôi cười nhạt, chẳng để tâm nữa, rồi lại mở di động và đọc những tin nhắn của anh từ nửa năm trước. Bây giờ, anh không còn nhắn tin cho tôi nữa, nhưng đọc lại những tin nhắn của anh, tôi vẫn cảm thấy hanh phúc. Mỗi khi chúng tôi giận nhau, anh luôn nhắn tin làm lành trước, và khi kết thúc một tin nhắn, anh thường để câu này vào cuối tin. "Hãy yêu anh như thể hôm nay là ngày cuối cùng ta bên nhau, em nhé..!"

                                Tôi nhìn ly cà phê đen đang dần đổi màu, với lớp đá đã tan thành nước ở phía trên, anh vẫn không uống dù chỉ một ít cùng tôi. Tôi thấy đắng ở cổ, nhưng vẫn cố kìm nén để nước mắt không rơi, vì tôi không muốn anh nhìn thấy tôi khóc.

                                Khi tôi gọi tính tiền và bước ra cửa, cậu nhân viên mỉm cười chào chúng tôi :

                                - Cám ơn hai anh chị và chúc một buổi tối cuối tuần hạnh phúc. Hẹn gặp cả hai vào tối thứ bảy tuần sau..


                                Thường thì anh sẽ quay lại và nói với cậu ấy rằng "Tất nhiên rồi! Vì chúng tôilà cặp tình nhân hạnh phúc nhất thế gian này" Nhưng hôm nay, anh vẫn không nói gì.

                                Vị khách ở gần cửa sổ vẫn cứ nhìn hai chúng tôi. Tôi mỉm cười với ông ta rồi bước ra khỏi quán, hoà vào dòng người tấp nập ngoài kia, với những tiếng xe cộ réo lên inh ỏi, những ngọn đèn đường làm mắt tôi nhạt nhoà đẫm lệ

                                Cuối cùng thì, tôi vẫn phải khóc, vì nhớ anh... Một người đã ra đi vĩnh viễn từ nửa năm trước.






                                .
                                ----------------------------

                                Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

                                Comment

                                Working...
                                X
                                Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom