Huế mùa muối ra hoa
Tháng giêng bấy giờ đã đi qua ngàn lá. Mùa xuân về trên cây mơ những giấc hoa nồng nàn trong im vắng. Phố Huế về đêm tràn đầy hương sắc. Hoa ngọc lan nở e ấp cho hương bay để nhớ những ngày đã xa. Hoa nhãn, hoa chanh, hoa vải... trong vườn nhà ai đua nhau nở rộ, như đây là cơ hội cuối cùng để kỳ ngộ với mùa xuân. Quanh tôi và tình yêu hương hoa trái dịu bay như những bàn tay trẻ thơ ram ráp niềm hạnh phúc.
Tháng giêng ở Huế cũng là mùa Bích hợp (Bischofia Javanica) nở hoa. Người xứ Bắc gọi Bích Hợp là cây Nhội Tía, còn người Huế gọi dân dã là cây muối. Sau sắc hoa màu vàng tơi tả rơi ngày xuân, cây muối trên phố Huế đã làm thêm một mùa hoa khác, nối tiếp sự đài các bằng một vẻ đẹp bình dị riêng chỉ có ở những loài cây lưu niên. Có lẽ muối là loài cây lưu niên duy nhất mà hoa có màu xanh. Nhìn xa xa ngần ngại dưới ánh đèn vàng trên phố, hoa như những chồi cây tơ mịn một màu lộc non. Hoa khiến lòng ai rưng rức nhớ hoài một lần gặp gỡ. Nhớ hương tóc bồ kết của ai bay trong mùa hoa muối sẻ sàng. Hái từng chùm hoa muối rồi nhẩn nha tách ra từng chiếc một, mỗi đoá hoa li ti mang hình một ngôi sao năm cánh, le lói như sao Sâm, sao Thương ở cuối trời xa. Cái đẹp của hoa muối là cái đẹp của bầy đàn. Từng nụ hoa nhỏ, đơn lẻ trông rất bình thường, nhưng khi hoa kết thành chùm biệt chu thì màu xanh non líu chíu lại như mang một niềm hy vọng nào đó còn dấu sau ngực áo phập phồng. Có lẽ chỉ nên so sánh màu xanh của hoa muối với màu lá chuối non mọc lên từ mảnh vườn xưa của mẹ. Ở đó, màu xanh cứ xanh khắc khoải ngày đêm pha lên sắc trời một nỗi nhớ đồng quê.
Tháng giêng ở Huế cũng là mùa Bích hợp (Bischofia Javanica) nở hoa. Người xứ Bắc gọi Bích Hợp là cây Nhội Tía, còn người Huế gọi dân dã là cây muối. Sau sắc hoa màu vàng tơi tả rơi ngày xuân, cây muối trên phố Huế đã làm thêm một mùa hoa khác, nối tiếp sự đài các bằng một vẻ đẹp bình dị riêng chỉ có ở những loài cây lưu niên. Có lẽ muối là loài cây lưu niên duy nhất mà hoa có màu xanh. Nhìn xa xa ngần ngại dưới ánh đèn vàng trên phố, hoa như những chồi cây tơ mịn một màu lộc non. Hoa khiến lòng ai rưng rức nhớ hoài một lần gặp gỡ. Nhớ hương tóc bồ kết của ai bay trong mùa hoa muối sẻ sàng. Hái từng chùm hoa muối rồi nhẩn nha tách ra từng chiếc một, mỗi đoá hoa li ti mang hình một ngôi sao năm cánh, le lói như sao Sâm, sao Thương ở cuối trời xa. Cái đẹp của hoa muối là cái đẹp của bầy đàn. Từng nụ hoa nhỏ, đơn lẻ trông rất bình thường, nhưng khi hoa kết thành chùm biệt chu thì màu xanh non líu chíu lại như mang một niềm hy vọng nào đó còn dấu sau ngực áo phập phồng. Có lẽ chỉ nên so sánh màu xanh của hoa muối với màu lá chuối non mọc lên từ mảnh vườn xưa của mẹ. Ở đó, màu xanh cứ xanh khắc khoải ngày đêm pha lên sắc trời một nỗi nhớ đồng quê.
Hoa muối
Trái muối
Nhưng hương thơm hoa muối mới là điều đáng để tâm ở đời. Từ nửa đêm, hoa nở mạnh. Hương theo gió toả bay thơm ngày cả một khoảng trời.
Hương hoa muối quyện với sương mù thấm vào lòng phố và ở đó bịn rịn cho đến sáng ngày hôm sau. Buổi ngày, hoa muối thơm như một điều không có thật, hương bay mờ theo dấu hoa, lãng đãng gần xa như một giấc mơ hư ảo.
Huế từng có những con phố rặc một loài cây muối như phố Hùng Vương đoạn từ ngã sáu về chợ An Cựu, phố sương mù Ðoàn Thị Ðiểm đoạn trước cửa Hiển Nhơn, phố Lê Lợi đoạn trước trường Quốc Học... Nhiều cây muối rất đẹp nở hoa đơn lẻ ở phố Ðinh Tiên Hoàng, hay âm thầm ở các công viên ven bờ sông Hương. Lác đác trên phố Hai Bà Trưng gần phía bờ sông An Cựu ở đây những cây muối già trên trăm tuổi, thân đầy địa y rêu phong. Qua nhiều bể dâu nhưng cây vẫn chưa hề tàn tạ bởi thời gian. Như một cảm xúc không có thật hương hoa muối là loài hoa hương khiêm nhu, phải thực tĩnh trong lòng mới có thể nghe thấy được. Giác chiều, hương hoa lẫn khuất trên phố sau những tà áo lụa Hà Ðông mềm mại bay bay. Hương hoa lưu giữ một niềm riêng tư ướt đẫm lời của nắng.
Mùa muối ra hoa cũng là mùa chim rừng tận đại ngàn Trường Sơn kéo nhau về phố Huế. Chim sâu ri cánh xanh, chim chào mào má đỏ, chim chân vịt mũi đen...kéo thành bầy bay lang thang qua từng con phố, tìm về dưới tán cây muối đang nở hoa để đợi ngày muối chín...Huế lúc này là một thành phố đầy tiếng chim. Chim bay đan đôi bờ sông Hương, líu ríu kêu thương trên những cành cao xanh lá. Nhìn đàn chim thiên đi trên những chùm hoa muối xanh non bỗng thấy lòng xao xuyến một niềm riêng tư quá đỗi. Cứ như mùa xuân không bao giờ ra đi và chưa từng có những ngày đông lạnh tê tái lòng. Nhiều loài chim rất thích ăn hoa muối. Hoa có vị chát ngọt của muối bể pha đường, ngai ngái thơm. Ðó là vị mặn thực sự của cuộc đời được chắt lọc từ trăm ngàn nỗi đau của đất.
Cứ vào mùa muối chín, chim về phố nhiều thêm. Chúng bay từng đàn rợp trời rồi đậu bình yên trên những cành muối, ăn say sưa thứ trái quả màu nâu đất, khi vỡ ra trong miệng chim ngọt ngào những giọt rượu vang nồng nàn. Không chỉ cho đời hoa thơm và trái mặn, cây muối mùa lá non có thể trị được nhiều loại bệnh thông thường như bệnh ngoài da, bạch huyết, đường ruột... Lá muối khi già có màu xanh nhạt và khi rụng ngã sang màu đỏ vàng với những đường gân xanh chi chít như một gương mặt người ưu tư. Như một đặc trưng sinh tồn rất tự nhiên, muối là loài cây luôn biết giữ một độ ẩm nhất định để không phải cháy lên dưới ánh mặt trời. Chính vì giữ được độ ẩm (như con người ta uống được rượu) mà muối có rất nhiều người bạn cộng sinh cùng chung sống bốn mùa.
Mùa muối ra hoa tôi thẩn thơ ra phố, đi hoài đi huỷ trên những con đường rất nhiều hoa muối xanh. Những đoá hoa vô cánh li ti rụng tơi bời. Nghe chừng như trong thinh vắng cho một cánh chim trời đã cuối đường bay...
HOÀNG BÌNH THI
Comment