Về phủ chiều cuối năm
Anh gọi điện vào chiều hai mươi chín Tết, lúc tôi đang đơm xôi chuẩn bị đặt lên bàn cúng tất niên.
“Anh ra đến Lăng Cô rồi. Qua khỏi đèo Hải Vân mây mù sa xuống, anh cứ liều mạng cho xe chạy ào xuyên mưa”. “Trời ơi, giờ này làm sao em đi được hở anh?”, “Vậy anh thì sao? Hai mươi chín Tết anh đi một trăm năm chục cây số, vì ai vậy?”.
Gió lạnh, tôi run cầm cập khi đứng chờ anh bên bờ sông. Thôi chết, tôi lại sổ mũi. Nhớ lại lần đầu gặp nhau, tôi cũng sổ mũi thế này. Trời Huế mùa đông mưa dầm sướt mướt, việc ở công ty lại bắt tôi phải đi nhiều, nhiều khi đi xa thành phố phải ở lại qua đêm. Mỗi lần như thế lại phải nhờ bà ngoại lên ngủ với con gái. Tiếp thị đồ trang trí nội thất, mỗi ngày gặp gỡ bia bọt với toàn các thủ trưởng, các ông chủ lớn, mà tôi không hề chàng chấu với ai trong các đấng mày râu cộm cán đó. Tôi lại mê anh, một nhà văn chẳng hề dính líu gì đến ngành trang trí nội thất.
Đã thành thói quen, mười hai năm nay tôi nằm với con gái. Hồi cháu còn nhỏ thì chồng tôi ngủ trên chiếc giường đơn gần đó, cả hai chiếc giường kê song song trong không gian chật chội của căn phòng mười tám mét.
Nhưng gần mười năm nay, sau khi xây nhà mới, hai mẹ con ngủ trên tầng hai, chồng tôi nằm tầng một, anh hay đi về khuya. Lâu lâu, đang ngủ say, tôi giật mình vì có bàn tay ai kéo nhẹ bàn chân mình: ”Liên, Liên!”. Nằm ngái ngủ vài phút rồi tôi tỉnh hẳn, hiểu ra là chồng gọi mình đi làm “nhiệm vụ”. Mắt nhắm mắt mở, tôi xuống lầu ngồi trên chiếc giường ngay dưới chân cầu thang. Trong bóng tối lờ mờ, tôi cởi áo ngủ, móc lên chiếc giá hình con bướm trên vách. Tôi nằm xuống. Ngửi thấy mùi rượu mạnh, bất giác tôi quay đầu sang hướng khác. Như anh vẫn thường nói, tôi là tấm nệm mousse êm ái và bảo đảm nhất. Anh khỏe, rắn chắc, dai sức; giá mà không có mùi rượu hăng nồng này thì hay biết bao, tôi nghĩ thế rồi bỗng thấy buồn cười, sao lúc này mình lại có thể so đo tỉnh táo vậy được.
Khi anh rên hộc lên một tiếng thì mùi rượu cũng ộc ra một cơn gay gắt nhất, tôi hiểu thế là đã xong. Phòng tắm ở ngay cạnh cầu thang nên tôi chỉ bước một bước là có thể tắm rửa sạch sẽ. Quấn mình trong chiếc khăn bông, với tay lấy chiếc áo ngủ trên móc, tôi lên lầu, vừa đi vừa mặc lại áo ngủ, mặc xong áo thì vừa lên đến tầng hai, lại chui vào ngủ bên con.
Nhưng thường sau đó tôi không ngủ lại được nữa. Đầu giường có đèn đọc sách, tôi đọc gần thâu đêm. Tôi đọc Anh.
Trên phần bìa gấp những cuốn sách của anh có in địa chỉ email của tác giả. Những bức e-mail có sức hút, bây giờ những đêm mất ngủ tôi không đọc truyện anh nữa (vì đã đọc hầu hết rồi), tôi lóc cóc gõ mail, tưởng tượng ra anh ở phía bên kia.
Một ngày tháng chín, đang trên đường ra Văn Xá dự liên hoan nhà máy xi măng, tôi nhận điện của anh: “Bỏ xe lại nhà máy, anh đón”. Tôi run. Tôi chưa bao giờ gặp anh ngoài đời, chỉ mới thấy tấm hình in sau bìa sách. Khuôn mặt gầy, mái tóc dợn sóng bồng bềnh, đôi mắt khinh bạc. Trong những bức mail gửi cho nhau, chúng tôi đã đi từ lời chào làm quen đến những lời chia sẻ, rồi tán tỉnh, rồi những cái hôn nồng nàn, rồi nỗi thương nhớ da diết như xé da thịt, bởi cảm giác về tình yêu giữa hai người trưởng thành chắc chắn phải dẫn đến chỗ làm bùng lên ngọn lửa khao khát được ôm ấp vuốt ve. Và chắc chắn là tôi rất muốn có dịp gặp anh, nhưng sao lại đúng lúc này? Bàn tiệc lớn hôm nay là cơ hội làm ăn của tôi. Cả chủ tịch hội đồng quản trị và giám đốc nhà máy đều có mặt, hôm qua cả hai vị đều đã điện thoại nhắc tôi, hôm nay nhớ đến nhé...
Nhưng mà, chủ tịch hay giám đốc gì thì cũng mặc, tôi cụng ly một cái, chúc mừng mấy lời, xong là bươn bả đi. Khí lạnh cùng với cảm giác căng thẳng làm tôi sổ mũi. Tôi sắp gặp anh. Không phải là ảo nữa, mà một con người bằng xương bằng thịt.
Một thoáng tôi bỗng thấy mình điên rồ. Chắc tôi nên quay vào lấy xe và về nhà. Hơn nữa, mũi tôi sụt sịt thế này...
“Em phải không?”. Chiếc xe hơi đỗ xịch trước mặt, câu hỏi nghe vừa thân quen vừa lạ lẫm, giọng nói ôn tồn và ấm. Khuôn mặt này, mái tóc lãng tử này tôi đã thấy nhiều lần trên những bìa sách. Xe lướt êm một lúc, tôi mới ngẩng đầu lên được, nhìn mắt anh tôi nhận ra vẻ hài lòng, vì thế trống ngực tôi đỡ đập, chân tôi đỡ run, chỉ có cái mũi quái ác là càng lúc càng nghẹt lại.
“Để anh mua thuốc cảm cho em, không sao đâu”. Nói thế nhưng qua khỏi Văn Xá là đồng không heo hút. Theo quốc lộ một đi mãi, anh đưa tôi đến tận Đông Hà. Trời đã tối, thị xã Đông Hà mùa đông hiu hắt, lại nhằm vào tối thứ bảy, mới hơn tám giờ mà các tiệm bên đường đã đóng cửa im ỉm. Đi từ đường này sang đường nọ, vẫn chưa tìm được tiệm thuốc nào còn mở. Cuối cùng xe đậu lại trước một khách sạn. Vừa ngẩng lên nhìn bảng hiệu, tôi giật nẩy mình, xua tay.
“Sao thế?”, anh hỏi.
“Khách sạn này mua đồ trang trí nội thất của công ty em...”.
“Công ty em khá thật, phủ sóng ra đến tận Đông Hà”. Anh làu bàu rồi lái xe đi, lúc nãy lang thang hết tiệm thuốc này đến tiệm thuốc kia, bây giờ thì lại hết khách sạn này đến khách sạn khác.
Cuối cùng chẳng có nơi nào tôi dám vào cả. Anh cho xe đáp vào lề một công viên, tắt đèn. Nằm dài trên băng ghế sau xe, tôi sụt sịt thở. Anh sờ trán tôi, tay anh mềm và âu yếm, bất giác nước mắt tôi trào ra. Bao năm rồi, từ khi mẹ mất thì chỉ có tôi sờ trán người thân trong gia đình chứ không ai sờ trán tôi khi tôi ốm. Anh cúi xuống hôn tôi, tôi lấy tay che mặt lại. “Em đang cảm. Cẩn thận lây sang cho anh”. “Chết cũng không sợ, huống hồ sợ lây cảm!”. Anh mở cặp. Tôi nhìn vào: có một chai rượu chát, một cái ly và một bông hồng.
Anh kê ly rượu vào miệng tôi. “Em uống một hớp cho ấm. Cũng tốt không thua gì thuốc cảm”. Tôi không tin, nhưng quả thật rượu ấm và thơm quá, anh hôn tôi, mùi rượu chát thơm trên môi anh.
Người tôi vẫn nóng hầm hập. “Em xin lỗi... Chắc là em không thể làm gì được đâu anh ạ!”. Anh không nói gì. Bao nhiêu điều để nói đã nói trong mạng hết rồi. Tôi biết, anh và tôi đến đây chỉ để làm dịu sự khao khát sinh ra từ đó thôi. Tay anh mở cúc áo trên ngực tôi, cởi dây ngực. Trong ánh sáng mờ mờ từ trụ đèn gần đó, anh nhìn ngực tôi, cười khẽ: “Vú em nhỏ nhắn và dễ thương như hai con thỏ non”.
Tôi hơi mắc cỡ. Tôi thường tự cho là ngực mình nhỏ, không sexy. Bù lại eo tôi nhỏ và hông rộng, hai vế căng tròn, gò Vệ Nữ đầy đặn. Nhưng một cơn hắt xì dài đã khiến tôi phải quơ vội chiếc khăn giấy bịt vào mũi, rồi sau đó cơn nghẹn thở đã khiến anh phải dừng lại. “Anh xin lỗi”.
Tôi cảm thấy mình quê một cục. Anh ngồi dưới sàn, đầu tựa vào cửa xe. Tôi mệt quá thiếp đi một lúc, khi tỉnh dậy nửa đêm thấy anh vẫn đang nhìn tôi. Cảm giác lúc đó thật lẫn lộn. Tôi vừa cảm thấy xao xuyến lo âu vì chỗ tôi đang nằm không phải là tấm nệm quen thuộc hàng ngày, vừa cảm thấy lâng lâng vì bên cạnh có một người đang chờ tôi tỉnh dậy.
Tôi áy náy: “Chỉ tại mấy cơn gió quái ác chiều nay, khi em đi xe máy ra Văn Xá. Mà em đâu có ngờ anh nhè lúc này mà ra”.
Anh vỗ nhẹ lên vai tôi, thì thầm: “Đừng băn khoăn nữa, ngủ đi em”.
Cơn sốt vẫn còn hành hạ tôi nhưng tôi biết lúc ấy mình đang trải qua giờ phút tuyệt diệu nhất. Tôi nắm lấy tay anh “Em hạnh phúc quá”. Anh khẽ hôn vào đôi môi tôi nóng hổi “Anh cũng vậy, đơn giản thôi mà em, thích là hạnh phúc”.
Chỉ đơn giản thế thôi sao, hình như hạnh phúc phải là gì hơn nữa... Nhưng mà thôi, cơ thể mệt mỏi của tôi đang chìm dần vào cơn mê, tôi không nghĩ thêm gì được nữa.
Thời gian sau đó tôi bỗng nhiên hóa ra hâm hâm. Bé Nụ cười hinh hích, bảo: “Mẹ giống như người cõi trên”. Gần đến Tết, chồng tôi lại phải đi nhiều hơn, uống nhiều hơn, kéo chân tôi nhiều hơn. Cái nệm rung bần bật, hình như một cái lò xo đâu đó đã bị gãy, tiếng cút kít cứ vang lên. Chồng tôi càu nhàu: “Đã bảo thay nệm khác”. Tôi yên lặng, sải tay chân, tôi là cái nệm thịt dưới thân thể chồng. Người ta thường bảo có những người đàn bà ngủ với chồng mà tưởng tượng đang nằm với tình nhân.
Tôi nghĩ điều đó thật khó, vì hai người đàn ông có gì giống nhau đâu mà lầm tưởng. Tôi nhắm mắt, nín thở, thỉnh thoảng lại hỏi nhỏ: “Xong chưa anh? Xong chưa?”. Trong lúc anh ấy ráo riết trên thân thể tôi, tôi chẳng tưởng tượng thấy ai, chỉ thấy mình đang đi ngược dốc, hai tay xách hai xô nước nặng. Khi đã tắm rửa sạch sẽ và quay về giường, vùi đầu vào cái gối êm cố dỗ giấc ngủ, lúc ấy tôi mới lại nghe bên tai một giọng nói nhẹ nhàng, âu yếm: “Ngủ đi em”.
Bây giờ, hai mươi chín Tết. Cũng cái tiếng nói dịu dàng ấy làm tôi bỏ cả nhang đèn, đến nơi thềm quán cà phê bên sông, chờ trong gió lạnh. Sốt ruột, chốc chốc tôi nhá máy. “Anh đến Truồi rồi, em gắng chờ”. “Anh đã đến Hương Thủy”. Khi chiếc xe đỗ trước cổng quán cà phê Vỹ Dạ Xưa thì tay chân và môi tôi đã tím tái.
Anh ào vào như cơn lốc, sà xuống ghế, cầm lấy tay tôi ủ vào giữa hai bàn tay anh. Tôi thấy trong những ngón tay mình máu bắt đầu chảy lại. Lóng cóng, tôi vuốt lại cho anh những sợi tóc lòa xòa hai bên thái dương. Lần đầu tiên tôi nhận ra tóc anh đã điểm tiêu muối... Anh kéo hai bàn chân tôi đặt vào lòng anh. Tôi ngượng muốn rút lại nhưng anh giữ chặt, tôi nhìn quanh, thật may, quán cà phê chiều hai mươi chín Tết chỉ có vài bàn thanh niên nhí nhố ở xa tận ngoài vườn. “Cho mười cái khăn nóng”. Anh gọi, chú bé phục vụ tròn cả mắt. Anh mặc kệ chẳng thèm nhìn, cứ lấy từng chiếc khăn lau bàn chân tôi, hơi ấm làm chân tôi tươi tắn lại. Anh lau vào đến từng kẽ chân, những mạch máu hồi sinh, cảm giác ấm và rạo rực từ kẽ ngón chân lan dần lên mắt cá, lên đùi, rồi cả phần dưới thân thể tôi như đắm trong một luồng điện lâng lâng êm ái.
Anh lái xe về phía chợ Mai. “Anh muốn đưa em về Phủ”. “Về Phủ?” tôi bỡ ngỡ. Anh giải thích: “Anh là đích trưởng ngành đệ nhị chánh hệ, phủ Định Đức Vương. Cuối năm, em về thắp nhang với anh nhé?”. Tôi giẫy nẩy: “Thôi anh, em không dám đâu!”, “Có gì mà không dám? Phủ không còn ai ở đâu, con cháu đi xa hết rồi. Có thuê một người chăm sóc bàn thờ thì đến Tết họ cũng về quê”.
Cái phủ xưa ấy bây giờ vừa cổ kính lại vừa cũ kỹ, những nhà bê tông mới xây chung quanh đã phá vỡ cái toàn cảnh có lẽ ngày xưa thâm nghiêm và thơ mộng lắm. Người giữ phủ trước khi ra đi đã sắm đủ bông trái trên bàn thờ. Rất nhiều những ảnh thờ lớn nhỏ, ảnh lớn nhất là bức tranh vẽ một ông hoàng có đôi mắt đăm chiêu. Anh thắp nhang, khấn vái rồi bảo tôi: “Em cũng thắp cho ông Tổ một nén đi”. Tôi không biết khấn gì, chỉ cúi đầu ba lần rồi đưa nhang cho anh cắm vào bát.
Ra khỏi khu nhà thờ âm u, tôi cảm thấy nhẹ người. Anh dẫn tôi xuống nhà ngang. Một cái chái rộng, trông như một căn phòng thấp, có giường tủ mùng màn, mọi thứ đều sạch và mới, chứng tỏ là dành riêng để đón chủ nhân. Anh ấn tôi xuống giường. Cử chỉ anh thành thạo và quen thuộc. Bất giác tôi buột miệng: “Em là người đàn bà thứ mấy được anh đưa về đây?”. Anh hơi khựng một chút, rồi bảo: “Em là người duy nhất”.
Anh nằm xuống bên tôi, anh làm ấm môi tôi, làm ấm ngực tôi, làm ấm thân thể tôi. Giờ phút này tôi không nhớ gì nữa, tôi không nhớ nồi xôi ở nhà chưa đơm lên đĩa, không nhớ ánh mắt đe dọa của ông hoàng tử áo đỏ trong bức tranh thờ. Tôi nhắm mắt, ôm chặt anh, lần đầu tiên ở trên giường tôi không có ý nghĩ mình là cái nệm thịt, tôi với anh là hai thịt da sinh động đang chực gắn vào nhau để phát ra những tia lửa sống. Chợt tôi mở choàng mắt. Anh vẫn ôm tôi. Vẻ mặt anh ngượng ngùng như đứa trẻ muộn giờ vào lớp. “Sao thế anh?”, “Anh ... có lẽ hơi bị sốc một tí”. Anh đang hết sức cố gắng để đi vào trong tôi, nhưng đúng là có trục trặc gì đó, anh không thể. Trước ngưỡng cửa thân thể tôi, da thịt anh cứ chùn lại như một lưỡi kiếm quằn. Cuối cùng tôi nhận ra. Hơi hụt hẫng một chút, nhưng vẫn dỗ dành: “Không sao đâu anh à”. Nhìn mặt anh thấy thương quá, tôi ân cần mặc áo lại cho anh, mang tất cho anh. “Em chỉ cần nằm trong tay anh, nghe tiếng anh nói là thấy hạnh phúc”. Tôi không nói dối. Tôi đâu có thiếu sex. Cái tôi thiếu là sự dịu dàng âu yếm, một điều chỉ mình anh có.
Nhưng anh lầm lì, không dịu dàng nữa, không âu yếm nữa. Mãi đến khi ngồi trong xe, anh mới liếc nhìn tôi, gượng cười: “Anh rất tiếc. Tại em khi không lại hỏi anh một câu làm anh cụt cả hứng!”. Tôi quay quắt: “Anh ơi! Tha lỗi cho em, lần sau em sẽ không vô duyên như thế nữa”. Anh gõ gõ vào đầu tôi, hôn tôi một cái chiếu lệ rồi từ từ lái xe đi ....
Vừa ló mặt vào nhà, tôi thấy bé Nụ nhăn nhó: “Mẹ! Con phải canh mèo nãy giờ, mẹ nấu xôi luộc thịt rồi bỏ đi đâu, mấy con mèo đánh nhau loạn lên làm rớt cả lồng bàn đây này!”. Tôi lật đật đi rửa tay rửa mặt, sửa soạn lại cỗ cúng rồi nhờ con bưng đặt lên gác thờ. “Con ơi, thắp nhang giùm mẹ luôn”. Tôi run run, nghĩ mình không nên phơi mình trước án thờ lúc này...
Tối hôm ấy chồng tôi về rất khuya. Không muốn bị anh ấy kéo chân vào lúc này nên tôi đã đóng chận cánh cửa trên cầu thang. Hộp thư điện tử mở ra, tôi ngạc nhiên: mail của anh gửi lúc 6 giờ chiều, nửa giờ sau khi rời phủ. Chắc anh đã gửi từ chiếc Iphone cầm tay. “Những hẹn hò từ nay khép lại... Còn một hôm nữa anh đã bước vào tuổi sáu mươi. Khi hai mươi tuổi anh đã bắt đầu với tình yêu đầu tiên ở Huế, và nay lại quay về có mối tình cuối cùng ở Huế. Vĩnh biệt em”.
Tôi chết lặng trước màn hình vi tính. Anh không trở lại nữa? Nước mắt tôi tuôn ra không cầm được. Tôi yêu tiếng nói ôn tồn của anh, tiếng nói ấy có thể còn mãi với anh cho đến bảy mươi, tám mươi, chín mươi, một trăm tuổi. Có gì quan trọng khiến anh phải lìa bỏ tôi vào tuổi sáu mươi kia chứ? Nghẹn ngào mãi tôi mới gõ lại được mấy dòng: “Em tôn trọng ý anh. Nhưng một tuần nữa, một tháng, một năm hay mười năm nữa, em vẫn đợi, được đi bên anh, được nghe anh nói là đủ. Như anh đã nói, rất đơn giản, thích là hạnh phúc”.
Đêm cuối năm lạnh buốt, tôi thấm hiểu thế nào là cảm giác cô đơn.
***
Bà T. cúi xuống, chăm chú hút mỡ đọng quanh mi mắt người đàn bà bốn mươi hai tuổi. Bà cố giữ cho bàn tay đang cầm chiếc ống nhựa trắng khỏi rung, mặt cố giữ cho khỏi lộ vẻ động tâm vì câu chuyện mà khách hàng của mình vừa kể. Những khi phụ nữ đến các cơ sở làm đẹp như chỗ này, họ rất dễ bị hoài niệm xâm chiếm tâm tư, dễ mềm lòng và thổ lộ những kỷ niệm thầm kín nhất. Bà T. luôn có lời an ủi tích cực nhất dành cho họ, lần này cũng vậy: “Liên thấy chưa, mắt em bây giờ nhẹ nhõm hơn, trông trẻ lại đến mười tuổi!”.
Vì lý do nghề nghiệp phải làm bạn thân của nhiều phụ nữ nên bà T. đã có thói quen nghe nhiều hơn nói. Vì thế bà giữ kín không nói cho Liên biết, nhiều khách hàng đến làm đẹp cũng đã tâm sự về một người đàn ông hào hoa, lịch sự, đã đến với họ với câu chuyện tình bắt đầu từ mạng yahoo và kết thúc một chiều cuối năm trong một tòa phủ xưa cổ kính.
Bà không nói, mà biết có nói, Liên cũng không tin. Với người đàn bà nào, ông ta cũng đã cố gắng hết sức nhưng không làm được công đoạn cuối cùng của cuộc yêu đương. Cứ với một người tình mới, ông ta lại có một hứng khởi mới, ông ta hy vọng phép lạ sẽ đến, nhưng rồi phút cuối đành phải chấp nhận sự thật.
Xoa nhẹ một lần nữa đôi mắt thiếu ngủ của Liên, bà thầm nghĩ: “Cứ như thế nhé, cứ mơ mộng và chờ đợi...”. Bà biết trong cuộc đời những người đàn bà phải phục dịch một người chồng khô khan và gia trưởng, cả năm không hề được một lời âu yếm, hình ảnh người đàn ông hào hoa, thơm tho và dịu dàng ấy là một kỷ niệm rực rỡ mà họ muốn ôm ấp mãi trong tim. Bà nhớ đến một chiều hai mươi chín Tết cách đây đã mười năm, lúc ấy chính bà cũng đã nghĩ sẽ chờ cho đến khi nào hắn trở lại, không cần hắn làm gì cả, chỉ cần nghe tiếng hắn hỏi han ôn tồn như thế, bàn tay hắn vỗ về êm đềm như thế...
TRẦN THÙY MAI
Trần Thùy Mai
Ảnh: NGUYEN VAN DUNG
Anh gọi điện vào chiều hai mươi chín Tết, lúc tôi đang đơm xôi chuẩn bị đặt lên bàn cúng tất niên.
“Anh ra đến Lăng Cô rồi. Qua khỏi đèo Hải Vân mây mù sa xuống, anh cứ liều mạng cho xe chạy ào xuyên mưa”. “Trời ơi, giờ này làm sao em đi được hở anh?”, “Vậy anh thì sao? Hai mươi chín Tết anh đi một trăm năm chục cây số, vì ai vậy?”.
Gió lạnh, tôi run cầm cập khi đứng chờ anh bên bờ sông. Thôi chết, tôi lại sổ mũi. Nhớ lại lần đầu gặp nhau, tôi cũng sổ mũi thế này. Trời Huế mùa đông mưa dầm sướt mướt, việc ở công ty lại bắt tôi phải đi nhiều, nhiều khi đi xa thành phố phải ở lại qua đêm. Mỗi lần như thế lại phải nhờ bà ngoại lên ngủ với con gái. Tiếp thị đồ trang trí nội thất, mỗi ngày gặp gỡ bia bọt với toàn các thủ trưởng, các ông chủ lớn, mà tôi không hề chàng chấu với ai trong các đấng mày râu cộm cán đó. Tôi lại mê anh, một nhà văn chẳng hề dính líu gì đến ngành trang trí nội thất.
Đã thành thói quen, mười hai năm nay tôi nằm với con gái. Hồi cháu còn nhỏ thì chồng tôi ngủ trên chiếc giường đơn gần đó, cả hai chiếc giường kê song song trong không gian chật chội của căn phòng mười tám mét.
Nhưng gần mười năm nay, sau khi xây nhà mới, hai mẹ con ngủ trên tầng hai, chồng tôi nằm tầng một, anh hay đi về khuya. Lâu lâu, đang ngủ say, tôi giật mình vì có bàn tay ai kéo nhẹ bàn chân mình: ”Liên, Liên!”. Nằm ngái ngủ vài phút rồi tôi tỉnh hẳn, hiểu ra là chồng gọi mình đi làm “nhiệm vụ”. Mắt nhắm mắt mở, tôi xuống lầu ngồi trên chiếc giường ngay dưới chân cầu thang. Trong bóng tối lờ mờ, tôi cởi áo ngủ, móc lên chiếc giá hình con bướm trên vách. Tôi nằm xuống. Ngửi thấy mùi rượu mạnh, bất giác tôi quay đầu sang hướng khác. Như anh vẫn thường nói, tôi là tấm nệm mousse êm ái và bảo đảm nhất. Anh khỏe, rắn chắc, dai sức; giá mà không có mùi rượu hăng nồng này thì hay biết bao, tôi nghĩ thế rồi bỗng thấy buồn cười, sao lúc này mình lại có thể so đo tỉnh táo vậy được.
Khi anh rên hộc lên một tiếng thì mùi rượu cũng ộc ra một cơn gay gắt nhất, tôi hiểu thế là đã xong. Phòng tắm ở ngay cạnh cầu thang nên tôi chỉ bước một bước là có thể tắm rửa sạch sẽ. Quấn mình trong chiếc khăn bông, với tay lấy chiếc áo ngủ trên móc, tôi lên lầu, vừa đi vừa mặc lại áo ngủ, mặc xong áo thì vừa lên đến tầng hai, lại chui vào ngủ bên con.
Nhưng thường sau đó tôi không ngủ lại được nữa. Đầu giường có đèn đọc sách, tôi đọc gần thâu đêm. Tôi đọc Anh.
Trên phần bìa gấp những cuốn sách của anh có in địa chỉ email của tác giả. Những bức e-mail có sức hút, bây giờ những đêm mất ngủ tôi không đọc truyện anh nữa (vì đã đọc hầu hết rồi), tôi lóc cóc gõ mail, tưởng tượng ra anh ở phía bên kia.
Một ngày tháng chín, đang trên đường ra Văn Xá dự liên hoan nhà máy xi măng, tôi nhận điện của anh: “Bỏ xe lại nhà máy, anh đón”. Tôi run. Tôi chưa bao giờ gặp anh ngoài đời, chỉ mới thấy tấm hình in sau bìa sách. Khuôn mặt gầy, mái tóc dợn sóng bồng bềnh, đôi mắt khinh bạc. Trong những bức mail gửi cho nhau, chúng tôi đã đi từ lời chào làm quen đến những lời chia sẻ, rồi tán tỉnh, rồi những cái hôn nồng nàn, rồi nỗi thương nhớ da diết như xé da thịt, bởi cảm giác về tình yêu giữa hai người trưởng thành chắc chắn phải dẫn đến chỗ làm bùng lên ngọn lửa khao khát được ôm ấp vuốt ve. Và chắc chắn là tôi rất muốn có dịp gặp anh, nhưng sao lại đúng lúc này? Bàn tiệc lớn hôm nay là cơ hội làm ăn của tôi. Cả chủ tịch hội đồng quản trị và giám đốc nhà máy đều có mặt, hôm qua cả hai vị đều đã điện thoại nhắc tôi, hôm nay nhớ đến nhé...
Nhưng mà, chủ tịch hay giám đốc gì thì cũng mặc, tôi cụng ly một cái, chúc mừng mấy lời, xong là bươn bả đi. Khí lạnh cùng với cảm giác căng thẳng làm tôi sổ mũi. Tôi sắp gặp anh. Không phải là ảo nữa, mà một con người bằng xương bằng thịt.
Một thoáng tôi bỗng thấy mình điên rồ. Chắc tôi nên quay vào lấy xe và về nhà. Hơn nữa, mũi tôi sụt sịt thế này...
“Em phải không?”. Chiếc xe hơi đỗ xịch trước mặt, câu hỏi nghe vừa thân quen vừa lạ lẫm, giọng nói ôn tồn và ấm. Khuôn mặt này, mái tóc lãng tử này tôi đã thấy nhiều lần trên những bìa sách. Xe lướt êm một lúc, tôi mới ngẩng đầu lên được, nhìn mắt anh tôi nhận ra vẻ hài lòng, vì thế trống ngực tôi đỡ đập, chân tôi đỡ run, chỉ có cái mũi quái ác là càng lúc càng nghẹt lại.
“Để anh mua thuốc cảm cho em, không sao đâu”. Nói thế nhưng qua khỏi Văn Xá là đồng không heo hút. Theo quốc lộ một đi mãi, anh đưa tôi đến tận Đông Hà. Trời đã tối, thị xã Đông Hà mùa đông hiu hắt, lại nhằm vào tối thứ bảy, mới hơn tám giờ mà các tiệm bên đường đã đóng cửa im ỉm. Đi từ đường này sang đường nọ, vẫn chưa tìm được tiệm thuốc nào còn mở. Cuối cùng xe đậu lại trước một khách sạn. Vừa ngẩng lên nhìn bảng hiệu, tôi giật nẩy mình, xua tay.
“Sao thế?”, anh hỏi.
“Khách sạn này mua đồ trang trí nội thất của công ty em...”.
“Công ty em khá thật, phủ sóng ra đến tận Đông Hà”. Anh làu bàu rồi lái xe đi, lúc nãy lang thang hết tiệm thuốc này đến tiệm thuốc kia, bây giờ thì lại hết khách sạn này đến khách sạn khác.
Cuối cùng chẳng có nơi nào tôi dám vào cả. Anh cho xe đáp vào lề một công viên, tắt đèn. Nằm dài trên băng ghế sau xe, tôi sụt sịt thở. Anh sờ trán tôi, tay anh mềm và âu yếm, bất giác nước mắt tôi trào ra. Bao năm rồi, từ khi mẹ mất thì chỉ có tôi sờ trán người thân trong gia đình chứ không ai sờ trán tôi khi tôi ốm. Anh cúi xuống hôn tôi, tôi lấy tay che mặt lại. “Em đang cảm. Cẩn thận lây sang cho anh”. “Chết cũng không sợ, huống hồ sợ lây cảm!”. Anh mở cặp. Tôi nhìn vào: có một chai rượu chát, một cái ly và một bông hồng.
Anh kê ly rượu vào miệng tôi. “Em uống một hớp cho ấm. Cũng tốt không thua gì thuốc cảm”. Tôi không tin, nhưng quả thật rượu ấm và thơm quá, anh hôn tôi, mùi rượu chát thơm trên môi anh.
Người tôi vẫn nóng hầm hập. “Em xin lỗi... Chắc là em không thể làm gì được đâu anh ạ!”. Anh không nói gì. Bao nhiêu điều để nói đã nói trong mạng hết rồi. Tôi biết, anh và tôi đến đây chỉ để làm dịu sự khao khát sinh ra từ đó thôi. Tay anh mở cúc áo trên ngực tôi, cởi dây ngực. Trong ánh sáng mờ mờ từ trụ đèn gần đó, anh nhìn ngực tôi, cười khẽ: “Vú em nhỏ nhắn và dễ thương như hai con thỏ non”.
Tôi hơi mắc cỡ. Tôi thường tự cho là ngực mình nhỏ, không sexy. Bù lại eo tôi nhỏ và hông rộng, hai vế căng tròn, gò Vệ Nữ đầy đặn. Nhưng một cơn hắt xì dài đã khiến tôi phải quơ vội chiếc khăn giấy bịt vào mũi, rồi sau đó cơn nghẹn thở đã khiến anh phải dừng lại. “Anh xin lỗi”.
Tôi cảm thấy mình quê một cục. Anh ngồi dưới sàn, đầu tựa vào cửa xe. Tôi mệt quá thiếp đi một lúc, khi tỉnh dậy nửa đêm thấy anh vẫn đang nhìn tôi. Cảm giác lúc đó thật lẫn lộn. Tôi vừa cảm thấy xao xuyến lo âu vì chỗ tôi đang nằm không phải là tấm nệm quen thuộc hàng ngày, vừa cảm thấy lâng lâng vì bên cạnh có một người đang chờ tôi tỉnh dậy.
Tôi áy náy: “Chỉ tại mấy cơn gió quái ác chiều nay, khi em đi xe máy ra Văn Xá. Mà em đâu có ngờ anh nhè lúc này mà ra”.
Anh vỗ nhẹ lên vai tôi, thì thầm: “Đừng băn khoăn nữa, ngủ đi em”.
Cơn sốt vẫn còn hành hạ tôi nhưng tôi biết lúc ấy mình đang trải qua giờ phút tuyệt diệu nhất. Tôi nắm lấy tay anh “Em hạnh phúc quá”. Anh khẽ hôn vào đôi môi tôi nóng hổi “Anh cũng vậy, đơn giản thôi mà em, thích là hạnh phúc”.
Chỉ đơn giản thế thôi sao, hình như hạnh phúc phải là gì hơn nữa... Nhưng mà thôi, cơ thể mệt mỏi của tôi đang chìm dần vào cơn mê, tôi không nghĩ thêm gì được nữa.
Thời gian sau đó tôi bỗng nhiên hóa ra hâm hâm. Bé Nụ cười hinh hích, bảo: “Mẹ giống như người cõi trên”. Gần đến Tết, chồng tôi lại phải đi nhiều hơn, uống nhiều hơn, kéo chân tôi nhiều hơn. Cái nệm rung bần bật, hình như một cái lò xo đâu đó đã bị gãy, tiếng cút kít cứ vang lên. Chồng tôi càu nhàu: “Đã bảo thay nệm khác”. Tôi yên lặng, sải tay chân, tôi là cái nệm thịt dưới thân thể chồng. Người ta thường bảo có những người đàn bà ngủ với chồng mà tưởng tượng đang nằm với tình nhân.
Tôi nghĩ điều đó thật khó, vì hai người đàn ông có gì giống nhau đâu mà lầm tưởng. Tôi nhắm mắt, nín thở, thỉnh thoảng lại hỏi nhỏ: “Xong chưa anh? Xong chưa?”. Trong lúc anh ấy ráo riết trên thân thể tôi, tôi chẳng tưởng tượng thấy ai, chỉ thấy mình đang đi ngược dốc, hai tay xách hai xô nước nặng. Khi đã tắm rửa sạch sẽ và quay về giường, vùi đầu vào cái gối êm cố dỗ giấc ngủ, lúc ấy tôi mới lại nghe bên tai một giọng nói nhẹ nhàng, âu yếm: “Ngủ đi em”.
Bây giờ, hai mươi chín Tết. Cũng cái tiếng nói dịu dàng ấy làm tôi bỏ cả nhang đèn, đến nơi thềm quán cà phê bên sông, chờ trong gió lạnh. Sốt ruột, chốc chốc tôi nhá máy. “Anh đến Truồi rồi, em gắng chờ”. “Anh đã đến Hương Thủy”. Khi chiếc xe đỗ trước cổng quán cà phê Vỹ Dạ Xưa thì tay chân và môi tôi đã tím tái.
Anh ào vào như cơn lốc, sà xuống ghế, cầm lấy tay tôi ủ vào giữa hai bàn tay anh. Tôi thấy trong những ngón tay mình máu bắt đầu chảy lại. Lóng cóng, tôi vuốt lại cho anh những sợi tóc lòa xòa hai bên thái dương. Lần đầu tiên tôi nhận ra tóc anh đã điểm tiêu muối... Anh kéo hai bàn chân tôi đặt vào lòng anh. Tôi ngượng muốn rút lại nhưng anh giữ chặt, tôi nhìn quanh, thật may, quán cà phê chiều hai mươi chín Tết chỉ có vài bàn thanh niên nhí nhố ở xa tận ngoài vườn. “Cho mười cái khăn nóng”. Anh gọi, chú bé phục vụ tròn cả mắt. Anh mặc kệ chẳng thèm nhìn, cứ lấy từng chiếc khăn lau bàn chân tôi, hơi ấm làm chân tôi tươi tắn lại. Anh lau vào đến từng kẽ chân, những mạch máu hồi sinh, cảm giác ấm và rạo rực từ kẽ ngón chân lan dần lên mắt cá, lên đùi, rồi cả phần dưới thân thể tôi như đắm trong một luồng điện lâng lâng êm ái.
Anh lái xe về phía chợ Mai. “Anh muốn đưa em về Phủ”. “Về Phủ?” tôi bỡ ngỡ. Anh giải thích: “Anh là đích trưởng ngành đệ nhị chánh hệ, phủ Định Đức Vương. Cuối năm, em về thắp nhang với anh nhé?”. Tôi giẫy nẩy: “Thôi anh, em không dám đâu!”, “Có gì mà không dám? Phủ không còn ai ở đâu, con cháu đi xa hết rồi. Có thuê một người chăm sóc bàn thờ thì đến Tết họ cũng về quê”.
Cái phủ xưa ấy bây giờ vừa cổ kính lại vừa cũ kỹ, những nhà bê tông mới xây chung quanh đã phá vỡ cái toàn cảnh có lẽ ngày xưa thâm nghiêm và thơ mộng lắm. Người giữ phủ trước khi ra đi đã sắm đủ bông trái trên bàn thờ. Rất nhiều những ảnh thờ lớn nhỏ, ảnh lớn nhất là bức tranh vẽ một ông hoàng có đôi mắt đăm chiêu. Anh thắp nhang, khấn vái rồi bảo tôi: “Em cũng thắp cho ông Tổ một nén đi”. Tôi không biết khấn gì, chỉ cúi đầu ba lần rồi đưa nhang cho anh cắm vào bát.
Ra khỏi khu nhà thờ âm u, tôi cảm thấy nhẹ người. Anh dẫn tôi xuống nhà ngang. Một cái chái rộng, trông như một căn phòng thấp, có giường tủ mùng màn, mọi thứ đều sạch và mới, chứng tỏ là dành riêng để đón chủ nhân. Anh ấn tôi xuống giường. Cử chỉ anh thành thạo và quen thuộc. Bất giác tôi buột miệng: “Em là người đàn bà thứ mấy được anh đưa về đây?”. Anh hơi khựng một chút, rồi bảo: “Em là người duy nhất”.
Anh nằm xuống bên tôi, anh làm ấm môi tôi, làm ấm ngực tôi, làm ấm thân thể tôi. Giờ phút này tôi không nhớ gì nữa, tôi không nhớ nồi xôi ở nhà chưa đơm lên đĩa, không nhớ ánh mắt đe dọa của ông hoàng tử áo đỏ trong bức tranh thờ. Tôi nhắm mắt, ôm chặt anh, lần đầu tiên ở trên giường tôi không có ý nghĩ mình là cái nệm thịt, tôi với anh là hai thịt da sinh động đang chực gắn vào nhau để phát ra những tia lửa sống. Chợt tôi mở choàng mắt. Anh vẫn ôm tôi. Vẻ mặt anh ngượng ngùng như đứa trẻ muộn giờ vào lớp. “Sao thế anh?”, “Anh ... có lẽ hơi bị sốc một tí”. Anh đang hết sức cố gắng để đi vào trong tôi, nhưng đúng là có trục trặc gì đó, anh không thể. Trước ngưỡng cửa thân thể tôi, da thịt anh cứ chùn lại như một lưỡi kiếm quằn. Cuối cùng tôi nhận ra. Hơi hụt hẫng một chút, nhưng vẫn dỗ dành: “Không sao đâu anh à”. Nhìn mặt anh thấy thương quá, tôi ân cần mặc áo lại cho anh, mang tất cho anh. “Em chỉ cần nằm trong tay anh, nghe tiếng anh nói là thấy hạnh phúc”. Tôi không nói dối. Tôi đâu có thiếu sex. Cái tôi thiếu là sự dịu dàng âu yếm, một điều chỉ mình anh có.
Nhưng anh lầm lì, không dịu dàng nữa, không âu yếm nữa. Mãi đến khi ngồi trong xe, anh mới liếc nhìn tôi, gượng cười: “Anh rất tiếc. Tại em khi không lại hỏi anh một câu làm anh cụt cả hứng!”. Tôi quay quắt: “Anh ơi! Tha lỗi cho em, lần sau em sẽ không vô duyên như thế nữa”. Anh gõ gõ vào đầu tôi, hôn tôi một cái chiếu lệ rồi từ từ lái xe đi ....
Vừa ló mặt vào nhà, tôi thấy bé Nụ nhăn nhó: “Mẹ! Con phải canh mèo nãy giờ, mẹ nấu xôi luộc thịt rồi bỏ đi đâu, mấy con mèo đánh nhau loạn lên làm rớt cả lồng bàn đây này!”. Tôi lật đật đi rửa tay rửa mặt, sửa soạn lại cỗ cúng rồi nhờ con bưng đặt lên gác thờ. “Con ơi, thắp nhang giùm mẹ luôn”. Tôi run run, nghĩ mình không nên phơi mình trước án thờ lúc này...
Tối hôm ấy chồng tôi về rất khuya. Không muốn bị anh ấy kéo chân vào lúc này nên tôi đã đóng chận cánh cửa trên cầu thang. Hộp thư điện tử mở ra, tôi ngạc nhiên: mail của anh gửi lúc 6 giờ chiều, nửa giờ sau khi rời phủ. Chắc anh đã gửi từ chiếc Iphone cầm tay. “Những hẹn hò từ nay khép lại... Còn một hôm nữa anh đã bước vào tuổi sáu mươi. Khi hai mươi tuổi anh đã bắt đầu với tình yêu đầu tiên ở Huế, và nay lại quay về có mối tình cuối cùng ở Huế. Vĩnh biệt em”.
Tôi chết lặng trước màn hình vi tính. Anh không trở lại nữa? Nước mắt tôi tuôn ra không cầm được. Tôi yêu tiếng nói ôn tồn của anh, tiếng nói ấy có thể còn mãi với anh cho đến bảy mươi, tám mươi, chín mươi, một trăm tuổi. Có gì quan trọng khiến anh phải lìa bỏ tôi vào tuổi sáu mươi kia chứ? Nghẹn ngào mãi tôi mới gõ lại được mấy dòng: “Em tôn trọng ý anh. Nhưng một tuần nữa, một tháng, một năm hay mười năm nữa, em vẫn đợi, được đi bên anh, được nghe anh nói là đủ. Như anh đã nói, rất đơn giản, thích là hạnh phúc”.
Đêm cuối năm lạnh buốt, tôi thấm hiểu thế nào là cảm giác cô đơn.
***
Bà T. cúi xuống, chăm chú hút mỡ đọng quanh mi mắt người đàn bà bốn mươi hai tuổi. Bà cố giữ cho bàn tay đang cầm chiếc ống nhựa trắng khỏi rung, mặt cố giữ cho khỏi lộ vẻ động tâm vì câu chuyện mà khách hàng của mình vừa kể. Những khi phụ nữ đến các cơ sở làm đẹp như chỗ này, họ rất dễ bị hoài niệm xâm chiếm tâm tư, dễ mềm lòng và thổ lộ những kỷ niệm thầm kín nhất. Bà T. luôn có lời an ủi tích cực nhất dành cho họ, lần này cũng vậy: “Liên thấy chưa, mắt em bây giờ nhẹ nhõm hơn, trông trẻ lại đến mười tuổi!”.
Vì lý do nghề nghiệp phải làm bạn thân của nhiều phụ nữ nên bà T. đã có thói quen nghe nhiều hơn nói. Vì thế bà giữ kín không nói cho Liên biết, nhiều khách hàng đến làm đẹp cũng đã tâm sự về một người đàn ông hào hoa, lịch sự, đã đến với họ với câu chuyện tình bắt đầu từ mạng yahoo và kết thúc một chiều cuối năm trong một tòa phủ xưa cổ kính.
Bà không nói, mà biết có nói, Liên cũng không tin. Với người đàn bà nào, ông ta cũng đã cố gắng hết sức nhưng không làm được công đoạn cuối cùng của cuộc yêu đương. Cứ với một người tình mới, ông ta lại có một hứng khởi mới, ông ta hy vọng phép lạ sẽ đến, nhưng rồi phút cuối đành phải chấp nhận sự thật.
Xoa nhẹ một lần nữa đôi mắt thiếu ngủ của Liên, bà thầm nghĩ: “Cứ như thế nhé, cứ mơ mộng và chờ đợi...”. Bà biết trong cuộc đời những người đàn bà phải phục dịch một người chồng khô khan và gia trưởng, cả năm không hề được một lời âu yếm, hình ảnh người đàn ông hào hoa, thơm tho và dịu dàng ấy là một kỷ niệm rực rỡ mà họ muốn ôm ấp mãi trong tim. Bà nhớ đến một chiều hai mươi chín Tết cách đây đã mười năm, lúc ấy chính bà cũng đã nghĩ sẽ chờ cho đến khi nào hắn trở lại, không cần hắn làm gì cả, chỉ cần nghe tiếng hắn hỏi han ôn tồn như thế, bàn tay hắn vỗ về êm đềm như thế...
TRẦN THÙY MAI