Google rút khỏi Trung Quốc
SGTT - Sau hai tháng thương thảo không thành với chính quyền Trung Quốc, Google loan báo không chấp thuận việc lọc kết quả tìm kiếm theo ý muốn của chính quyền Bắc Kinh và quyết định dời các máy chủ phục vụ cho thị trường hơn một tỉ dân này sang Hong Kong.
Nhiều người đến đặt hoa quả lên logo của Google ở Bắc Kinh, để “bái tế” thương hiệu này. Ảnh: Reuters
Năm 2005, Google ra mắt trung tâm điều hành tại Bắc Kinh và trang web Google hoạt động vào một năm sau đó. Để có thể vận hành trang web này, Google đồng ý lọc các kết quả tìm kiếm như Bắc Kinh đề ra. Hơn hai tháng trước hãng tìm kiếm có thị phần lớn nhất thế giới này tuyên bố sẽ gỡ bỏ bộ lọc sau khi một số tài khoản Gmail và Google bị tấn công. Google cho rằng chính quyền Trung Quốc liên quan đến những cuộc tấn công ấy.
Lý giải cho quyết định trên, giám đốc pháp lý của Google là David Drummon đã nói rằng: “Để có thể làm tốt hơn lời hứa ngừng kiểm duyệt kết quả tìm kiếm trên Google thật khó. Chính phủ Trung Quốc đã nhất quán trong suốt cuộc đàm phán với chúng tôi rằng tự kiểm duyệt là một yêu cầu pháp lý không thể đàm phán”.
Tháng một năm nay, khi Google đưa ra tuyên bố về khả năng rút khỏi Trung Quốc, giá cổ phiếu của tập đoàn này bắt đầu giảm. Đến nay, khi Google rút khỏi Trung Quốc, giá cổ phiếu đã mất giá khoảng 5%. Trong khi cùng thời gian trên, chỉ số NASDAQ, nhóm các công ty công nghệ cao, tăng lên 5%. Theo ước đoán, có khả năng Google sẽ mất đi khoản thu nhập từ 250 triệu đến 600 triệu USD khi rời Trung Quốc.
Mới đây, cộng đồng ảo của Trung Quốc đã lan truyền một bức thư yêu cầu cả Google lẫn chính quyền Bắc Kinh giải thích rõ ràng về việc kiểm duyệt kết quả tìm kiếm. Bức thư được biết đến từ chiều chủ nhật vừa qua tại Trung Quốc với sự tham gia biên tập của hơn 20 người, trong đó có Isaac Mao, một nhà nghiên cứu trên mạng của Trung Quốc, người được xem là một trong những blogger tiên phong của Trung Quốc. Blogger Isaac Mao cho biết chỉ trong một đêm có đến hơn 4.000 bài viết đăng trên Twitter để bày tỏ sự luyến tiếc khi Google ra đi.
Trong triết lý doanh nghiệp gồm 10 điều do Google công bố trên trang chủ, điều thứ tư chỉ rõ, công cụ tìm kiếm của hãng này hoạt động dựa trên sự dân chủ. Theo đó, kết quả tìm kiếm được hiển thị theo mức độ giá trị của thông tin của website đó, dựa theo 200 dấu hiệu và các công cụ.
Ngô Minh Trí (tổng hợp)
Comment