Hạnh phúc chơn kinh
Lý Lan
Có một đêm, nửa đêm, Nhàn thức giấc, gọi tên chồng nhưng không có tiếng trả lời. Chị đi khắp nhà, vừa bật đèn vừa gọi “Anh Tuấn?”. Cửa trước cửa sau vẫn khoá bên trong, nhưng tầng trên tầng dưới đều trống vắng. Vừa sợ vừa nghi hoặc, Nhàn chụp điện thoại gọi về nhà mẹ, oà khóc: “Anh Tuấn… ”.

Mười lăm phút sau chuông cửa reo cùng lúc giọng oang oang của cha chị vọng qua cánh cửa: “Nhàn? Con có sao không?”. Khoá cửa vừa bật ra, cánh cửa đã bị ông xô mạnh, ông bước vào nhìn con gái một giây để biết Nhàn không sao hết, rồi nhìn quanh hỏi: “Chồng con đâu?”. Vừa lúc đó Tuấn từ nhà sau lật đật đi ra, vẻ mặt hiện rõ nét lo sợ. “Tôi ở trong toa-lét”.
Sau khi cha mẹ và người em trai về rồi, Nhàn cun cút dưới cái nhìn dữ tợn của chồng. Ngoài vẻ phẫn nộ khuếch đại tối đa được coi là chính đáng vì bị nghi ngờ, Tuấn còn biểu lộ sự căm ghét khinh miệt cái thói “hở ra là méc má, đụng tới là bênh con” của gia đình Nhàn. Điều Tuấn không muốn lộ ra là sự đắc ý đang khiến ruột gan anh tở mở. Từ nay cái thói ghen tương bóng gió cái điệu công chúa đứt tay của Nhàn chỉ khiến người ta cười khì. Màn hài kịch bữa nay cũng vui chớ!
Đêm sau đó, khi Nhàn lên giường nằm áp sát lưng chồng, Tuấn nhích ra càu nhàu:
“Cả ngày ở công trường, cái lưng đau quá đi”. Nhàn nằm lùi lại một chút, bàn tay nhẹ nhàng xoa bóp vai và lưng chồng. Tuấn nằm im một lúc rồi ngáy khò khò. Nhàn ngừng tay, xoay ra nằm ngửa. Chị nghi tiếng ngáy giả. Lâu nay chị nghĩ chồng chị chẳng qua viện cớ đau lưng, đau bụng, mệt mỏi, và đơn giản là ngủ, để tránh chuyện gối chăn. Lâu nay vợ chồng chỉ nằm chung giường, mạnh ai nấy ngủ (hoặc thao thức) không còn chuyện ôm ấp, không cả một cái hôn chiếu lệ.
Nửa đêm Tuấn thức giấc, nhẹ nhàng ra khỏi giường. Nhàn vẫn nằm im nhắm mắt có vẻ ngủ say. Để tránh sự cố đêm hôm trước lặp lại, Tuấn lấy một cái ve nhỏ, se sẽ đưa tới gần mũi Nhàn để cho chị hít thở vài hơi, rồi yên chí đi ra khỏi phòng ngủ. Anh đi xuống lầu, vô buồng vệ sinh, bật đèn, đóng cửa, gài chốt cẩn thận. Anh bấm điện thoại cầm tay, lắng nghe chuông reo sáu hồi thì máy bên kia ngắt. Anh cất điện thoại vô túi áo pi-gia-ma, quỳ xuống mở cánh cửa của cái tủ gỗ gắn tường dưới gầm cầu thang, gạt qua một bên các thứ linh tinh không mấy khi dùng tới. Anh quỳ gối, lom khom chui xuống gầm tủ, đẩy tấm gỗ vốn là vách lưng cái tủ. Một cái lỗ vuông vức khoảng sáu tấc mỗi cạnh lộ ra. Tuấn chui qua lỗ dễ dàng.
Mặc cho người đàn bà rối rít suýt phủi những hạt bụi hay mạng nhện vô hình trên áo anh, Tuấn vẫn cẩn thận kéo tấm gỗ vách tủ lại, đẩy cái ô tường cho khớp vô cái lỗ trên bức tường ngăn hai nhà, rồi đẩy cái kệ gỗ che khuất cái ô tường. Bấy giờ anh mới quay lại, để mặc cho người đàn bà vòng tay câu cổ anh, vừa nói ríu rít vừa hôn chùn chụt mặt Tuấn:
- Trời ơi, hôm qua em sợ quá trời!
Tuấn không mất thì giờ nói năng, chỉ nở nụ cười đắc ý, cầm bàn tay người đàn bà đang áp trên cổ anh, kéo xuống đưa vào giữa háng.
Nhàn biết là chồng mình thức dậy và ra khỏi giường. Chị chỉ nhắm mắt giả bộ ngủ. Nhưng rồi chị thiếp đi không sao cưỡng lại được. Khi tỉnh dậy, không thấy chồng đâu, chị không hoang mang như đêm trước. Không bật đèn, chị đi vào nhà vệ sinh cạnh phòng ngủ, tiểu tiện xong chị vẫn ngồi trên bồn cầu một lúc, đến khi đầu óc tỉnh táo. Chị đi xuống lầu, nhà vệ sinh cạnh cầu thang quả thực có ánh đèn thoát qua khe cửa. Chị nhẹ bước trở lên phòng ngủ. Nằm trăn trở một lát thì nghe bước chân lên cầu thang, chị nhắm mắt lại thở đều như đang ngủ say.
Khi Tuấn rời nhà đi làm, Nhàn đi vào buồng vệ sinh cạnh cầu thang. Chị ít khi dùng buồng vệ sinh này, chỉ thỉnh thoảng cọ rửa, trước và sau khi nhà có khách. Buồng không rộng lắm, nhưng vì không có bồn tắm, lại tận dụng không gian dưới gầm cầu thang làm tủ cất đồ linh tinh, nên ngoài cái bồn cầu cạnh chậu rửa tay vẫn còn chỗ kê một cái đôn nho nhỏ, trên đó chị thường để vài tạp chí, nhằm trang trí là chính. Trên mớ tạp chí bây giờ có thêm một cuốn sách. Hạnh phúc chơn kinh.
Chẳng lẽ đêm không muốn nằm cạnh vợ anh xuống đây ngồi đọc kinh? Hay anh mắc bệnh gì về đường tiêu hoá tiết niệu, bị táo bón, bí tiểu, phải vừa ngồi toa-lét vừa đọc kinh? Nhàn đậy nắp bồn cầu, ngồi lên đó, giở quyển kinh ra đọc. Chị muốn đặt mình vào hoàn cảnh của chồng để cố hiểu anh, may ra hoá giải được nỗi buồn của mình. Cuộc hôn nhân lẽ ra hạnh phúc. Chị và Tuấn lẽ ra xây dựng được một gia đình hạnh phúc. Tại sao không? Tại sao Tuấn ngày càng lạnh nhạt? Chị có quá đòi hỏi, quá ích kỷ, quá kiêu căng, đến nỗi Tuấn không thể chia sẻ nỗi đau khổ hay bệnh tật mà anh đang mang? Anh đau khổ điều gì? Anh mắc bệnh tật gì?
Nhàn đọc bốn trang mở đầu của quyển kinh, gấp sách lại. Mắt chị đã lướt qua từng dòng chữ, và chữ nghĩa lướt qua óc chị như những cánh chim bay qua mặt hồ. Dù sao thì Nhàn cũng cảm thấy như tìm được một chỉ dẫn, lòng chị nhẹ nhàng chút ít. Chị đặt sách lại chỗ cũ, ra khỏi buồng vệ sinh, làm những việc khác trong nhà.
Khi rảnh rỗi, hoặc lúc ngừng tay nghỉ, chị lại vào buồng vệ sinh cầm cuốn Hạnh phúc chơn kinh lên đọc vài trang. Đôi khi ngồi ở đó chị nghe vọng tiếng người quát thét hay cãi vã bên nhà láng giềng, đôi khi bàn ghế đổ ngã, chén dĩa kêu xổn xoảng. Chữ nghĩa lại lướt qua đầu chị như cánh chim bay qua mặt hồ. Đến một hôm, Nhàn bỗng nhận ra mình đang đọc một câu chuyện hay, chị đọc chăm chú, ngẫm nghĩ, thấm thía.
Ba tháng sau Tuấn đưa Nhàn đi xem một căn biệt thự ở ngoại ô. Anh bộc lộ cho Nhàn thấy nỗi khát khao căn nhà mơ ước này và niềm tin đây mới là tổ ấm thực sự cho hạnh phúc có thể có giữa hai vợ chồng. Căn nhà phố có ưu thế mặt tiền trong thời kinh doanh nhỏ bùng nổ nên bán được giá cao, cha Nhàn chỉ cần cho mượn thêm một trăm lượng vàng là đủ để bù vô mua đứt và trang bị căn biệt thự như ý Tuấn. Những chuyện dọn nhà, mua sắm đồ đạc, làm quen với không gian mới, láng giềng mới, khiến Nhàn quá bận. Bận đến nỗi bỏ qua nhiều cuộc điện gọi. Bấm máy coi danh sách các cuộc gọi nhỡ, Nhàn chỉ gọi lại số máy của cha mẹ, em trai và bạn bè rất thân, số lạ chị bỏ qua luôn.
Rồi cuộc sống trở lại nhịp bình thường. Ngày ngày Tuấn đi làm, do nhà xa, anh thường đi sớm, không thể về ăn trưa, chiều tối có khi về rất muộn vì kẹt xe. Thỉnh thoảng anh đi công tác xa dăm ba ngày. Những ngày chồng vắng nhà, Nhàn không đến nỗi sợ ngủ một mình trong căn biệt thự sáu phòng, vì có chị Tư giúp việc ăn ở luôn trong nhà. Chị Tư gốc nhà quê, biết trồng rau cải. Ban đầu chị xin phép trồng ít hành ngò và rau thơm ở một góc vườn còn để trống. Nhàn chăm sóc các thứ kỳ hoa dị thảo khác trong vườn. Chẳng bao lâu Nhàn phải nhìn nhận góc vườn rau của chị Tư tươi đẹp hơn bất cứ phần còn lại nào của khu vườn. Nhàn đành để cho chị Tư tham gia chăm sóc toàn bộ từ cánh cổng trở vào.
Thường thì chị Tư làm hết việc nặng nhọc và dơ bẩn như trộn phân, đào đất, tưới cây, bưng bê, dọn rửa. Nhàn cắt hoa, ngắm kiểng, thay đổi bố cục, tìm mua cây mới. Do vậy hai người làm việc rất hài hoà, và có những buổi mai rất bình yên hạnh phúc trong căn nhà. Ấy là sau khi Tuấn lái xe đi, cánh cổng đóng lại, Nhàn ngồi trên ghế mây trong vườn đọc sách và ngắm hoa, chị Tư trồng rau và kể chuyện làng xóm. Ở dưới đồng đàn bà đầu tắt mặt tối, nghèo đói hoá xấu xí. Đàn ông dưới đồng cũng do nghèo đói đâm ra hư hỏng, rượu gái cờ bạc. Chị Tư có chồng, còn ở cũng như thôi, thân ai nấy lo, có ba đứa con chung đã lớn, cũng tự lo được. Chị Tư ở cho Nhàn nửa năm, một hôm mở cổng ra đổ rác thì gặp một người đàn bà bồng con đứng chờ.
Hoá ra là người láng giềng cũ của Nhàn thuở còn ở căn nhà phố. Nhàn mừng rỡ mời vào nhà, cảm động nhìn đứa bé trên tay người đàn bà: “Chị có con rồi hả? Trai hay gái? Con còn nhỏ xíu mà chị bồng đi đâu vậy?”. Người đàn bà rõ ràng cũng đang xúc động, thậm chí căng thẳng vô cùng.
- Chị thấy nó giống chồng chị không?
Nhàn ngắm kỹ đứa bé, vô tư nhận xét:
- Con nít nhỏ quá khó nói giống ai, nhưng môi, mũi, chân mày thì quả là giống anh Tuấn.
- Con của ảnh mà.
Nhàn im lặng như vẫn đang mãi ngắm đứa nhỏ. Không biết do cái nhìn chăm chú của Nhàn hay do đứa nhỏ cảm nhận được sự căng thẳng trong vòng tay và toàn thân của người mẹ mà nó chợt khóc ré lên. Người đàn bà rung rung cánh tay để dỗ con. Nhàn nhìn người mẹ nói:
- Vậy sao?
Người đàn bà bật khóc:
- Hồi đó ảnh đục tường qua với tôi. Tại chồng tôi có mèo, có khi đi vắng hai ba đêm. Ảnh nói ảnh cũng không hạnh phúc với chị. Rồi ảnh nói chị đòi dọn nhà đi. Rồi sau khi tôi ly dị, ảnh nói chị không chịu ly dị. Tôi cũng cam làm bé. Bây giờ vỡ ra là ảnh đang bao một con khác.
Chị Tư đưa người đàn bà bồng con ra về rồi khép cổng, cài lại, trở vào vườn rau nhổ mấy cọng hành. Chị nấu canh cá đồng, bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm. Rồi dọn ra bàn, đi mời bà chủ nhà ăn cơm trưa.
Thấy Nhàn vẫn ngồi như tượng trong tư thế lúc chị Tư tiễn người đàn bà bồng con ra về, chị Tư đứng lại một lúc bên ngưỡng cửa. Chị nói khẽ:
- Cơm canh đang nóng, cô à.
Nhàn vẫn bất động. Chị Tư thở dài:
- Ăn cơm đi cô. Có đáng gì một người đàn ông.
Lý Lan
Có một đêm, nửa đêm, Nhàn thức giấc, gọi tên chồng nhưng không có tiếng trả lời. Chị đi khắp nhà, vừa bật đèn vừa gọi “Anh Tuấn?”. Cửa trước cửa sau vẫn khoá bên trong, nhưng tầng trên tầng dưới đều trống vắng. Vừa sợ vừa nghi hoặc, Nhàn chụp điện thoại gọi về nhà mẹ, oà khóc: “Anh Tuấn… ”.

Mười lăm phút sau chuông cửa reo cùng lúc giọng oang oang của cha chị vọng qua cánh cửa: “Nhàn? Con có sao không?”. Khoá cửa vừa bật ra, cánh cửa đã bị ông xô mạnh, ông bước vào nhìn con gái một giây để biết Nhàn không sao hết, rồi nhìn quanh hỏi: “Chồng con đâu?”. Vừa lúc đó Tuấn từ nhà sau lật đật đi ra, vẻ mặt hiện rõ nét lo sợ. “Tôi ở trong toa-lét”.
Sau khi cha mẹ và người em trai về rồi, Nhàn cun cút dưới cái nhìn dữ tợn của chồng. Ngoài vẻ phẫn nộ khuếch đại tối đa được coi là chính đáng vì bị nghi ngờ, Tuấn còn biểu lộ sự căm ghét khinh miệt cái thói “hở ra là méc má, đụng tới là bênh con” của gia đình Nhàn. Điều Tuấn không muốn lộ ra là sự đắc ý đang khiến ruột gan anh tở mở. Từ nay cái thói ghen tương bóng gió cái điệu công chúa đứt tay của Nhàn chỉ khiến người ta cười khì. Màn hài kịch bữa nay cũng vui chớ!
Đêm sau đó, khi Nhàn lên giường nằm áp sát lưng chồng, Tuấn nhích ra càu nhàu:
“Cả ngày ở công trường, cái lưng đau quá đi”. Nhàn nằm lùi lại một chút, bàn tay nhẹ nhàng xoa bóp vai và lưng chồng. Tuấn nằm im một lúc rồi ngáy khò khò. Nhàn ngừng tay, xoay ra nằm ngửa. Chị nghi tiếng ngáy giả. Lâu nay chị nghĩ chồng chị chẳng qua viện cớ đau lưng, đau bụng, mệt mỏi, và đơn giản là ngủ, để tránh chuyện gối chăn. Lâu nay vợ chồng chỉ nằm chung giường, mạnh ai nấy ngủ (hoặc thao thức) không còn chuyện ôm ấp, không cả một cái hôn chiếu lệ.
Nửa đêm Tuấn thức giấc, nhẹ nhàng ra khỏi giường. Nhàn vẫn nằm im nhắm mắt có vẻ ngủ say. Để tránh sự cố đêm hôm trước lặp lại, Tuấn lấy một cái ve nhỏ, se sẽ đưa tới gần mũi Nhàn để cho chị hít thở vài hơi, rồi yên chí đi ra khỏi phòng ngủ. Anh đi xuống lầu, vô buồng vệ sinh, bật đèn, đóng cửa, gài chốt cẩn thận. Anh bấm điện thoại cầm tay, lắng nghe chuông reo sáu hồi thì máy bên kia ngắt. Anh cất điện thoại vô túi áo pi-gia-ma, quỳ xuống mở cánh cửa của cái tủ gỗ gắn tường dưới gầm cầu thang, gạt qua một bên các thứ linh tinh không mấy khi dùng tới. Anh quỳ gối, lom khom chui xuống gầm tủ, đẩy tấm gỗ vốn là vách lưng cái tủ. Một cái lỗ vuông vức khoảng sáu tấc mỗi cạnh lộ ra. Tuấn chui qua lỗ dễ dàng.
Mặc cho người đàn bà rối rít suýt phủi những hạt bụi hay mạng nhện vô hình trên áo anh, Tuấn vẫn cẩn thận kéo tấm gỗ vách tủ lại, đẩy cái ô tường cho khớp vô cái lỗ trên bức tường ngăn hai nhà, rồi đẩy cái kệ gỗ che khuất cái ô tường. Bấy giờ anh mới quay lại, để mặc cho người đàn bà vòng tay câu cổ anh, vừa nói ríu rít vừa hôn chùn chụt mặt Tuấn:
- Trời ơi, hôm qua em sợ quá trời!
Tuấn không mất thì giờ nói năng, chỉ nở nụ cười đắc ý, cầm bàn tay người đàn bà đang áp trên cổ anh, kéo xuống đưa vào giữa háng.
Nhàn biết là chồng mình thức dậy và ra khỏi giường. Chị chỉ nhắm mắt giả bộ ngủ. Nhưng rồi chị thiếp đi không sao cưỡng lại được. Khi tỉnh dậy, không thấy chồng đâu, chị không hoang mang như đêm trước. Không bật đèn, chị đi vào nhà vệ sinh cạnh phòng ngủ, tiểu tiện xong chị vẫn ngồi trên bồn cầu một lúc, đến khi đầu óc tỉnh táo. Chị đi xuống lầu, nhà vệ sinh cạnh cầu thang quả thực có ánh đèn thoát qua khe cửa. Chị nhẹ bước trở lên phòng ngủ. Nằm trăn trở một lát thì nghe bước chân lên cầu thang, chị nhắm mắt lại thở đều như đang ngủ say.
Khi Tuấn rời nhà đi làm, Nhàn đi vào buồng vệ sinh cạnh cầu thang. Chị ít khi dùng buồng vệ sinh này, chỉ thỉnh thoảng cọ rửa, trước và sau khi nhà có khách. Buồng không rộng lắm, nhưng vì không có bồn tắm, lại tận dụng không gian dưới gầm cầu thang làm tủ cất đồ linh tinh, nên ngoài cái bồn cầu cạnh chậu rửa tay vẫn còn chỗ kê một cái đôn nho nhỏ, trên đó chị thường để vài tạp chí, nhằm trang trí là chính. Trên mớ tạp chí bây giờ có thêm một cuốn sách. Hạnh phúc chơn kinh.
Chẳng lẽ đêm không muốn nằm cạnh vợ anh xuống đây ngồi đọc kinh? Hay anh mắc bệnh gì về đường tiêu hoá tiết niệu, bị táo bón, bí tiểu, phải vừa ngồi toa-lét vừa đọc kinh? Nhàn đậy nắp bồn cầu, ngồi lên đó, giở quyển kinh ra đọc. Chị muốn đặt mình vào hoàn cảnh của chồng để cố hiểu anh, may ra hoá giải được nỗi buồn của mình. Cuộc hôn nhân lẽ ra hạnh phúc. Chị và Tuấn lẽ ra xây dựng được một gia đình hạnh phúc. Tại sao không? Tại sao Tuấn ngày càng lạnh nhạt? Chị có quá đòi hỏi, quá ích kỷ, quá kiêu căng, đến nỗi Tuấn không thể chia sẻ nỗi đau khổ hay bệnh tật mà anh đang mang? Anh đau khổ điều gì? Anh mắc bệnh tật gì?
Nhàn đọc bốn trang mở đầu của quyển kinh, gấp sách lại. Mắt chị đã lướt qua từng dòng chữ, và chữ nghĩa lướt qua óc chị như những cánh chim bay qua mặt hồ. Dù sao thì Nhàn cũng cảm thấy như tìm được một chỉ dẫn, lòng chị nhẹ nhàng chút ít. Chị đặt sách lại chỗ cũ, ra khỏi buồng vệ sinh, làm những việc khác trong nhà.
Khi rảnh rỗi, hoặc lúc ngừng tay nghỉ, chị lại vào buồng vệ sinh cầm cuốn Hạnh phúc chơn kinh lên đọc vài trang. Đôi khi ngồi ở đó chị nghe vọng tiếng người quát thét hay cãi vã bên nhà láng giềng, đôi khi bàn ghế đổ ngã, chén dĩa kêu xổn xoảng. Chữ nghĩa lại lướt qua đầu chị như cánh chim bay qua mặt hồ. Đến một hôm, Nhàn bỗng nhận ra mình đang đọc một câu chuyện hay, chị đọc chăm chú, ngẫm nghĩ, thấm thía.
Ba tháng sau Tuấn đưa Nhàn đi xem một căn biệt thự ở ngoại ô. Anh bộc lộ cho Nhàn thấy nỗi khát khao căn nhà mơ ước này và niềm tin đây mới là tổ ấm thực sự cho hạnh phúc có thể có giữa hai vợ chồng. Căn nhà phố có ưu thế mặt tiền trong thời kinh doanh nhỏ bùng nổ nên bán được giá cao, cha Nhàn chỉ cần cho mượn thêm một trăm lượng vàng là đủ để bù vô mua đứt và trang bị căn biệt thự như ý Tuấn. Những chuyện dọn nhà, mua sắm đồ đạc, làm quen với không gian mới, láng giềng mới, khiến Nhàn quá bận. Bận đến nỗi bỏ qua nhiều cuộc điện gọi. Bấm máy coi danh sách các cuộc gọi nhỡ, Nhàn chỉ gọi lại số máy của cha mẹ, em trai và bạn bè rất thân, số lạ chị bỏ qua luôn.
Rồi cuộc sống trở lại nhịp bình thường. Ngày ngày Tuấn đi làm, do nhà xa, anh thường đi sớm, không thể về ăn trưa, chiều tối có khi về rất muộn vì kẹt xe. Thỉnh thoảng anh đi công tác xa dăm ba ngày. Những ngày chồng vắng nhà, Nhàn không đến nỗi sợ ngủ một mình trong căn biệt thự sáu phòng, vì có chị Tư giúp việc ăn ở luôn trong nhà. Chị Tư gốc nhà quê, biết trồng rau cải. Ban đầu chị xin phép trồng ít hành ngò và rau thơm ở một góc vườn còn để trống. Nhàn chăm sóc các thứ kỳ hoa dị thảo khác trong vườn. Chẳng bao lâu Nhàn phải nhìn nhận góc vườn rau của chị Tư tươi đẹp hơn bất cứ phần còn lại nào của khu vườn. Nhàn đành để cho chị Tư tham gia chăm sóc toàn bộ từ cánh cổng trở vào.
Thường thì chị Tư làm hết việc nặng nhọc và dơ bẩn như trộn phân, đào đất, tưới cây, bưng bê, dọn rửa. Nhàn cắt hoa, ngắm kiểng, thay đổi bố cục, tìm mua cây mới. Do vậy hai người làm việc rất hài hoà, và có những buổi mai rất bình yên hạnh phúc trong căn nhà. Ấy là sau khi Tuấn lái xe đi, cánh cổng đóng lại, Nhàn ngồi trên ghế mây trong vườn đọc sách và ngắm hoa, chị Tư trồng rau và kể chuyện làng xóm. Ở dưới đồng đàn bà đầu tắt mặt tối, nghèo đói hoá xấu xí. Đàn ông dưới đồng cũng do nghèo đói đâm ra hư hỏng, rượu gái cờ bạc. Chị Tư có chồng, còn ở cũng như thôi, thân ai nấy lo, có ba đứa con chung đã lớn, cũng tự lo được. Chị Tư ở cho Nhàn nửa năm, một hôm mở cổng ra đổ rác thì gặp một người đàn bà bồng con đứng chờ.
Hoá ra là người láng giềng cũ của Nhàn thuở còn ở căn nhà phố. Nhàn mừng rỡ mời vào nhà, cảm động nhìn đứa bé trên tay người đàn bà: “Chị có con rồi hả? Trai hay gái? Con còn nhỏ xíu mà chị bồng đi đâu vậy?”. Người đàn bà rõ ràng cũng đang xúc động, thậm chí căng thẳng vô cùng.
- Chị thấy nó giống chồng chị không?
Nhàn ngắm kỹ đứa bé, vô tư nhận xét:
- Con nít nhỏ quá khó nói giống ai, nhưng môi, mũi, chân mày thì quả là giống anh Tuấn.
- Con của ảnh mà.
Nhàn im lặng như vẫn đang mãi ngắm đứa nhỏ. Không biết do cái nhìn chăm chú của Nhàn hay do đứa nhỏ cảm nhận được sự căng thẳng trong vòng tay và toàn thân của người mẹ mà nó chợt khóc ré lên. Người đàn bà rung rung cánh tay để dỗ con. Nhàn nhìn người mẹ nói:
- Vậy sao?
Người đàn bà bật khóc:
- Hồi đó ảnh đục tường qua với tôi. Tại chồng tôi có mèo, có khi đi vắng hai ba đêm. Ảnh nói ảnh cũng không hạnh phúc với chị. Rồi ảnh nói chị đòi dọn nhà đi. Rồi sau khi tôi ly dị, ảnh nói chị không chịu ly dị. Tôi cũng cam làm bé. Bây giờ vỡ ra là ảnh đang bao một con khác.
Chị Tư đưa người đàn bà bồng con ra về rồi khép cổng, cài lại, trở vào vườn rau nhổ mấy cọng hành. Chị nấu canh cá đồng, bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm. Rồi dọn ra bàn, đi mời bà chủ nhà ăn cơm trưa.
Thấy Nhàn vẫn ngồi như tượng trong tư thế lúc chị Tư tiễn người đàn bà bồng con ra về, chị Tư đứng lại một lúc bên ngưỡng cửa. Chị nói khẽ:
- Cơm canh đang nóng, cô à.
Nhàn vẫn bất động. Chị Tư thở dài:
- Ăn cơm đi cô. Có đáng gì một người đàn ông.
Truyện ngắn của Lý Lan - minh hoạ Hồng Nguyên
.