• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Về Tây Giai

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Về Tây Giai

    Về Tây Giai

    Băng nhạc trong xe đang phát một bản tình ca về một mối tình dang dở. Nay anh về chốn xưa…ngỡ ngàng, nuối tiếc. Điệp khúc ấy nhắc đi nhắc lại khiến tôi có cảm tưởng như là chuyện lòng của tôi. Đây là quê tôi và nay tôi về chốn xưa…ngổn ngang bao nhiêu hoài niệm.




    Đường đi Vĩnh Lộc đất sỏi rộng rãi, có đoạn trải dài một màu đỏ khá tươi. Hai bên đường nhìn tận xa xa những ngọn đồi thấp, phẳng nhấp nhô nối tiếp nhau, thỉnh thoảng xen vào một mặt hồ, một vũng đầm. Gần sát là mía và sắn. Mía xanh mượt lá, sắn cao hơn đầu người. Buổi sáng trời âm u, gió se se khô, thoáng lạnh. Đứng ở Cầu Kiểu nhìn xuống dòng Sông Mã thuyền đậu san sát. Nơi chân trời dãy núi màu lam với những đỉnh nhọn kỳ vĩ.

    Sử ký Giáo khoa thư lớp Sơ đẳng có hình vẽ thành nhà Hồ. Nhớ lại, trong trí tưởng thấy nó nhỏ nhoi. Nhưng giờ này tôi thật sự ngạc nhiên, bởi không có một sự chuẩn bị trước cho tâm lý, chẳng hạn một cánh đồng rộng để nhìn thấy từ xa. Vừa mới hết xóm nhà thành xưa đã sừng sững trước mặt. Màu rêu phong đen sẫm phủ lên mặt đá khiến cho phế tích vừa uy nghi, đường bệ vừa lạnh lùng, hoang vắng.
    Sử gia Lệ Thần viết: “Quý Ly định dời kinh đô vào Thanh Hóa cho dễ đường thoán đoạt, bèn sai quan vào xây thành Tây Đô ở động Yên Tôn, xã Yên Tôn, huyện Vĩnh Lộc, tục gọi là Tây Giai. Đến năm Bính Tí (1396) Quý Ly bắt Thuận Tông phải dời kinh về Tây Đô…”

    Chúng tôi bước vào Cửa Nam, có ba cổng. Hai cổng hai bên chỉ thấp nhỏ hơn cổng giữa một ít, độ chín với mười. Cổng thành xây cuốn, xếp đá theo hình múi cam. Từ Cửa Nam một con đường chạy thẳng ra Cửa Bắc. Người đi honda, người đi xe đạp, có tốp phụ nữ gánh gồng, có tốp học sinh đồng phục. Giữa đường, hai con rồng đá không còn nguyên vẹn. Chỗ ấy là bậc thềm cung điện xưa…

    Cửa Bắc chỉ có một cổng. Chúng tôi trèo lên mặt thành quan sát. Tường thành xây bằng đá, cao chừng 5 mét, rộng chừng 3 mét, một phần đã bị sụt lở. Mỗi tảng đá xây có kích thước một bề độ 0,8 m đến 1m, một bề độ 1,5m. Kích thước ấy dễ làm ta choáng ngợp. Trong các cổ thành Việt Nam như Cổ Loa, Hoa Lư đều xây bằng đất, chỉ có Tây Giai là xây bằng đá. Chúng tôi thong thả đi trên mặt thành từ Cửa Bắc sang Cửa Tây. Mặt thành kín cỏ, có những lối mòn.

    Hiện tại nó là một con đường.

    Tôi lại nhớ trên Giáo Dục tạp chí, chuyên san của Nha Học chính Đông Dương có truyện Thành Tây Giai với Bình Khương nương kể rằng: “Lúc Hồ Quý Ly cho xây thành thì có một Cống sinh được cử vào chỉ huy công việc. Vợ của Cống sinh, bà Bình Khương theo chồng vào đây, ngày đêm nhỏ nhẹ khuyên chồng: ‘Ta là người của nhà Trần, không nên tận lực phò tá nhà Hồ?’. Từ đó Cống sinh xao lãng công vụ và bị kết án tử hình để làm gương. Bình Khương nương chạy đến bên thành than khóc, phản đối, hai bàn tay bà lún sâu vào mặt thành đang xây. Để tránh những tác động vào dân phu bất lợi cho công việc, vua nhà Hồ hạ lệnh chôn sống bà vào thành”. Truyện dẫn thêm câu ca dao :

    Chàng về Hồ, thiếp cũng về Hồ.
    Chàng về Hồ Hán, thiếp về Hồ Tây
    và chú thích “Hồ Hán: trỏ Hồ Hán Thương, Hồ Tây: trỏ (kinh đô) nhà Trần”.

    Chúng tôi đến Cửa Tây. Phần mặt bằng ngay trên cửa không còn, chỉ còn phần vòm cong. Bên ngoài thành là đồng ruộng khá màu mỡ, những mái nhà xa xa màu ngói mới. Sát chân thành nhiều khối đá ngổn ngang, hai cây cau vươn cao. Phía trong vòm cong có hai đường rãnh, có lẽ dùng lắp các cánh cửa. Từ Cửa Tây chúng tôi đi qua Cửa Đông bằng con đường thẳng góc với trục Nam-Bắc lúc nãy thành chữ thập. Trong vòng thành ruộng xen lẫn với nhưng ao nước tưới. Những luống cao trồng bắp, giữa các luống là rãnh sâu xuống, trồng đủ loại rau. Tất cả một màu xanh hiền lành, dễ thương…



    Cửa Đông cũng chỉ có một cổng và chỉ còn phần vòm cong như Cửa Tây. Có chỗ sườn đất thoai thoải do mặt thành đổ xuống, dưới chân thành một đàn gà con bươi tung tóe mớ rơm mới. Vài cậu bé chăn bò, vài phụ nữ quang gánh…họ chỉ cho tôi đền thờ Bình Khương nương.

    Đền thờ, hoặc là ngôi miếu nhỏ, dưới tàn cây không cao lắm. Mái ngói cũ đầy xác lá, tường loang lổ, cửa khóa, hai cột trước giả làm trụ biểu thấp…Có một điều gì đó rất lạ trong niềm xúc động. Không ngờ hôm nay được đứng trước nơi hồi tám tuổi đọc thấy trong sách, xa lắc xa lơ, một tuần lễ trước chưa hề nghĩ là mình sẽ đến đây. Tôi đang ngơ ngác thì thấy sát trên mặt thành sau đền có tấm bia, rộng độ ba tấc, cao độ năm tấc, mặt đá đã rạn, phần nhô lên có dòng chữ “Trần triều cống sinh Bình Khương nương đại quân chi…” , chữ cuối cùng bị đất lấp, chắc chắn là chữ “mộ”. Chúng tôi phân vân: Tại sao nươngđại quân ?
    Phải nhờ đến sách của cụ Vệ Thạch. Trong Hán Việt từ điển cụ giảng chữ “quân” ấy là: “Vua – Làm chủ – Người đồng bối gọi nhau là quân – Vợ gọi chồng – Thiếp gọi thê”. Phải chăng sau khi nhà Hồ thua trận, rồi nhà Lê lấy lại giang sơn, một người thiếp của Cống sinh đến dựng bia nơi Bình Khương nương bị chôn sống vào thành, gọi bà là “đại quân”?
    Quay lại nơi đôi rồng đá nghỉ chân trò chuyện về Hồ Quý Ly, nhân vật xuất chúng trong lịch sử, nhưng đương thời không được toàn dân quý trọng, yêu mến. Có lần ông đã bỏ chạy khi vua Trần Duệ Tông tử trận ở Đồ Bàn, có lần ông đã giả dối khóc lóc vớí vua Trần Nghệ Tông để che đậy chủ tâm và loại trừ Đế Hiển…Trên bình diện chung thì ông đã có những sách lược lớn, cải cách lớn về hành chánh, kinh tế, quân sự…để mong đưa đất nước tiến lên. Tiếc rằng “Khoảnh nhân Hồ chính chi phiền hà, trí sử nhân tâm chi oán bạn”(Bình Ngô đại cáo) nên nhà Hồ đã thất bại. Đến giờ phút cuối Quý Ly còn giết Ngụy Thức. Cho nên khi vua tôi bị giặc bắt ở núi Cao Vọng có tương truyền là do một con cáo trắng chỉ đường. Sau đó khi Bình Định vương bị vây khốn thì có tương truyền nhờ một con cáo trắng đánh lạc hướng giặc Vương mới thoát được. Ngày nay trong đền thờ vua Lê ở Lam Kinh có bàn thờ “Bạch y thần nhân”. Dân gian đã đưa quan niệm “ơn đền oán trả” vào dã sử và bổ sung cho chính sử.
    Bây giờ trời bỗng nắng, nắng vàng đậm, đẹp và ấm. Những chiếc bóng của chúng tôi hiện ra, đổ dài trên đường đi, trên mặt ruộng cùng với bóng những người qua lại. Chợt ai đó đọc lên câu đố :

    Nắng ba năm ta không bỏ bạn
    Mới mưa một ngày bạn vội bỏ ta
    Và giảng là : Cái bóng của ta.

    Tôi hiểu…Hơn một tuần trong chuyến du khảo này chúng tôi chỉ gặp mưa và thời tiết âm u…Làm sao không mừng được. Hôm nay giữa lòng Tây Giai, được nhìn thấy tận mắt…thành lũy của một triều đại qua bao lớp lớp phế hưng, đền mộ của một bậc liệt nữ tuy ngày thơ ấu chỉ được xem qua trên sách báo còn đọng lại ấn tượng sâu xa trong ký ức…và trong buổi chiều mùa đông bỗng nhiên hửng nắng, chúng tôi gặp lại bóng mình như gặp lại cố nhân…Thật thú vị biết bao. Tôi muốn nói vậy với đôi rồng đá xương cốt thịt da đang rạn nứt theo thời gian vẫn cố gắng tồn tại…

    Trần Hiền Ân
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom