• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Kho Mộc thư bản chùa Vĩnh Nghiêm

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Kho Mộc thư bản chùa Vĩnh Nghiêm



    1. Chùa Vĩnh Nghiêm.

    Chùa Vĩnh Nghiêm từ xa xưa có tên gọi là Chúc Thánh thiền tự, trong dân gian quen gọi là chùa La, hay chùa Đức La, vì chùa tọa lạc trên phần đất thuộc xã Đức La, huyện Phương Nhãn xưa, nay là thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang . Đây một đại danh lam cổ tự, một Thiền viện - Trung tâm đào tạo tăng đồ trong suốt thời gian gần tám thế kỷ hình thành và phát triển của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử. Chùa Vĩnh Nghiêm đã được các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa xem như một bảo tàng văn hoá Phật giáo Đại thừa khá tiêu biểu ở miền Bắc Việt Nam.






    Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng, Bắc Giang)


    Di vật cổ kính ở chùa Vĩnh Nghiêm rất phong phú, đa dạng, mỗi nhóm hiện vật đều xứng đáng xếp thành một bộ sưu tập khá hoàn chỉnh, đó là:
    Sưu tập tượng thờ, có hơn một trăm pho được bài trí ở toà Tam bảo, Tổ đệ nhất,Tổ đệ nhị, Khách đường. Bộ tượng ở đây cũng có mấy nhóm như: Tượng Phật, tượng Tổ (Tổ phái, Tổ chùa), tượng Hậu, tượngThánh...được bài trí theo mô hình chuẩn mực lý tưởng và được tạc tạo thời Lê- Nguyễn;
    Hệ thống văn bia (8 tấm) cơ bản soạn khắc ở thế kỷ 17, 18 và tấm soạn khắc muộn nhất năm 1932 ghi lại toàn bộ lịch sử phát triển của trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm; Hệ thống hoành phi- câu đối, đồ thờ, kho kinh sách nhà Phật, mộc bản...tất cả đều xứng đáng là những bảo vật quốc gia.

    Một trong những di sản văn hoá đặc biệt quý giá ở chùa Vĩnh Nghiêm mà hiếm nơi nào trên đất nước ta còn lưu giữ được là kho mộc bản, thực chất đó là những trang sách bằng gỗ được các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm ở chùa Vĩnh Nghiêm cho san khắc từ những năm giữa thế kỷ 18 (triều vua Lê Cảnh Hưng) đến đầu thế kỷ 20.







    Hoà thượng Thích Thanh Vịnh giới thiệu các bản mộc thư

    2. Vấn đề nghiên cứu, bảo tồn kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.

    Nhận thức và đánh giá cao giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật kho mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm nên lãnh đạo ngành văn hóa cũng như các chuyên gia văn hóa xưa nay luôn trăn trở tìm phương pháp bảo tồn, đồng thời phát huy giá trị đặc sắc kho mộc bản có hiệu quả cao nhất.
    Năm 1964, Bộ Văn hóa đã kiểm kê, thiết lập hồ sơ công nhận và bảo vệ cho di tích chùa Vĩnh Nghiêm. Những năm sau đó, nhiều chuyên gia văn hóa ở trung ương và địa phương tiếp tục điều tra, khảo sát, nghiên cứu, công bố bài khảo cứu liên quan đến sự hình thành, phát triển và không gian văn hóa Phật giáo chùa Vĩnh Nghiêm.

    Năm 1994, dù điều kiện lực lượng cán bộ chuyên môn mỏng cũng như thời gian, kinh phí hạn chế, nhưng Bảo tàng tỉnh Hà Bắc (nay là Bảo tàng Bắc giang) đã cố gắng thực hiện kiểm tra, đánh giá hiện trạng kho và kiểm kê đầu sách ở kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.

    Đợt này, đơn vị đã kiểm tra 7 kệ đặt ở tòa Tam bảo và Nhà Tổ đề nhất. Sơ bộ thống kê có tổng số hơn ba nghìn bản lẻ, trong đó hầu hết là kinh, sách thuốc, luật giới nhà Phật. Số còn lại là trước tác của Tam thế tổ và một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử (thơ, phú, nhật ký...) được khắc bản cách đây trên dưới hai trăm năm.

    Theo dòng lạc khoản khắc ở bài tựa và dòng lạc khoản cuối các cuốn kinh- sách được biết, kho mộc thư chùa Vĩnh Nghiêm cơ bản khắc in dưới triều vua Tự Đức, Thành Thái nhà Nguyễn (nửa sau thế kỷ 19 ), một số ít được khắc dưới triều vua Cảnh Hưng, nhà Lê (nửa cuối thế kỷ 18 ). Qua sơ bộ kiểm kê và căn cứ vào bản tâm, thượng ngư vĩ của mộc bản thấy rằng: kho mộc bản có hơn ba chục đầu kinh- sách các loại, trong đó quá nửa là mộc bản san khắc bộ Hoa Nghiêm kinh; còn lại là Di Đà kinh, Quan Thế âm kinh, Tì Kheo ni giới kinh, Khai thánh chân kinh...và các sách, luật nhà Phật.

    Các mộc bản này đều bằng chất liệu gỗ thị, có nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo mộc bản của từng kinh sách. Vì đã qua nhiều lần in cho nên các mảnh ván đều có màu đen bóng bởi bề mặt được phủ một lớp dầu mực in khá dày. Lớp dầu mực này thấm sâu vào ruột gỗ, cho nên có tác dụng chống thấm nước, ẩm mốc, mối mọt rất hiệu quả. Phần lớn ván in được khắc chữ Hán trên hai mặt, kiểu chữ chân phương, chữ khắc sâu, sắc nét và đều khắc ngược (âm bản). Mỗi mặt ván 2 trang sách, khắc chạm đúng chuẩn mực theo kiểu đóng sách của người xưa. Biên lan có khung viền 4 lề trang sách, gồm 1 đường chỉ to và 1 đường chỉ nhỏ (người xưa gọi là Văn vũ Biên lan). Bản tâm (hay Bản khẩu) thường khắc dòng chữ cho biết tên sách (Hoa khẩu), thứ tự trang sách. Thượng hạ Bản tâmNgư vĩ (Đuôi cá) theo kiểu song Ngư vĩ. Tả hữu, thượng hạ BiênlanThiên đầu- Địacước rộng chừng 2,5 cm. Nhiều trang được các nghệ nhân xưa khắc đan xen thêm những bức minh hoạ, đường nét tài hoa tinh tế, nét chữ bay bổng, siêu thoát, bố cục chặt chẽ hài hoà xứng đáng là tác phẩm đồ hoạ trứ danh của mọi thời đại.

    Có thể nói, kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là bảo vật vô giá của quốc gia. Qua kho bảo vật này người đời có thể khai thác lượng thông tin phong phú, đa lĩnh vực như: Lịch sử Phật giáo, tư tưởng- văn hoá hành đạo, nhập thế của dòng thiền Trúc Lâm, lịch sử nghề khắc in mộc bản, thân thế sự nghiệp một số vị cao tăng có nhiều cống hiến cho sự phát triển nền văn hoá truyền thống của dân tộc... Hơn nữa, với sự tài hoa khéo léo của nghệ nhân xưa mỗi mảnh ván khắc xứng đáng là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật để đến hôm nay người đời được ngưỡng vọng và có thêm nguồn tư liệu tìm hiểu nghệ thuật chạm khắc gỗ Việt Nam thời Lê- Nguyễn.

    Năm 2005, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang tiếp tục kiểm tra tình trạng bảo quản và tiến hành in rập một số sách chữ Nôm như: Thiền tông bản hạnh, Yên Tử nhật trình, Thiền tịch phú...để phiên âm, dịch chú phục vụ xuất bản tập sách khảo cứu về chốn tổ Vĩnh Nghiêm.

    Năm 2009, được sự hỗ trợ, khích lệ của Bộ chủ quản, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tiến hành thực hiện chương trình Tư liệu hóa kho ván in kinh chùa Vĩnh Nghiêm, nhưng bản chất, mục tiêu, nội dung của chương trình là tiến hành bảo tồn kho mộc bản ở đây bằng cách kết hợp phương tiện, phương pháp truyền thống và hiện đại để bảo tồn kho mộc bản có hiệu quả cao nhất trong điều kiện cho phép.

    Hiện chương trình đang được thực hiện theo kế hoạch. Với lực lượng cán bộ thực hiện tương đối đông, hầu hết là cán bộ chuyên môn được đào tạo chuyên ngành bảo tồn bảo tàng cho nên công việc kiểm kê được thực hiện bài bản, khoa học.

    Đợt tổng kiểm kê lần này thống kê có tất cả 3050 đơn vị mộc bản (còn gọi là mảnh ván) và làm vệ sinh sạch sẽ để đánh giá hiện trạng và tìm ra biện pháp bảo quản thích hợp. Sau khi kiểm kê, vệ sinh đã phân loại đã sắp xếp theo thứ tự (số trang, số tập, số quyển) và đánh mã số hiện vật trên gáy, trên phiếu văn vật cho từng mộc bản. Hiện công tác ghi mã số đã hoàn thành, các cán bộ thực hiện chương trình đang triển khai in, nhân bản làm 3 bộ rồi đóng quyển để phục vụ tốt công tác biên dịch, bảo tồn sau này. Theo kế hoạch, sau khi in, đóng quyển xong sẽ kiểm tra số trang bị mất của từng bộ kinh- sách, sau đó tìm bản in xưa kia của những bộ sách đó còn tàng lưu ở các thiền viện hay các kho lưu trữ nhà nước để đối chiếu, khảo dị, tìm chọn bản nền rồi mới tiến hành biên dịch nhằm bổ khuyết nội dung bị mai một và đảm bảo tính khoa học cũng như giá trị ứng dụng của kho mộc bản. Đồng thời với công tác kiểm kê, nhóm thực hiện chương trình cũng tiến hành quay phim, chụp ảnh, lưu đĩa CD kho mộc bản... bằng kỹ thuật số, phương pháp bảo tồn hiện đại có hiệu quả, tiện dụng hiện nay.

    3. Những vấn đề nảy sinh khi thực hiện công tác bảo tồn

    Mới thực hiện những nhiệm vụ ở giai đoạn đầu của chương trình, nhưng những người thực hiện chương trình tư liệu hóa kho ván in chùa Vĩnh Nghiêm đã thấy có một số vấn đề phức tạp nảy sinh so với kế hoạch đề ra.

    Đó là vấn đề tiến độ thực hiện không đảm bảo, vì số lượng cán bộ tham gia đông nhưng vì phải đảm đương những nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, nên không thể tập trung triển khai nhiệm vụ của chương trình.
    Trong số những cán bộ tham gia chương trình thì số người trực tiếp tham gia ít, trong số tham gia trực tiếp lại có ít người có khả năng in, nhân bản ra sản phẩm thác bản đảm bảo yêu cầu.

    Qua kiểm kê, phân loại, sắp xếp...đã thấy nhiều kinh sách bị mất số lượng mộc bản khá nhiều, mà dự đoán khả năng sưu tầm được dị bản là rất thấp. Cho nên, vấn đề khảo dị, bổ khuyết và chọn bản nền để biên dịch không hứa hẹn những triển vọng khả quan.

    Trong tổng số hơn ba nghìn mộc bản đã xuất hiện không ít những mộc bản bị cong, vênh, nứt, mục, hãm gáy bằng tre - gỗ bị mất hoặc rập- mục- gãy. Đối với những mộc bản được in nhiều lần thì mặt ván được phủ lớp dầu mực dày thì chữ nét chữ không bị mục, nhưng những mộc bản ít được in ấn thì bề mặt có chữ của nhiều mảnh ván đã bị nấm mốc xâm hại rất dễ bị tổn hại, mất chữ. Để khắc phục những hiện trạng này những người trực tiếp thực hiện chương trình cần thận trọng mức độ cao nhất để giảm tối đa sự tổn hại, mất nét chữ của mộc bản. Thêm nữa, với kho mộc bản muốn không bị sứt vỡ, mất chữ thì cần hạn chế sự tác động trực tiếp càng an toàn. Cho nên, cần đầu tư thêm nguồn kinh phí để gia cố ván cong vênh bằng cách đóng ốp gáy đồng như một số nước (Nhật Bản, Hàn Quốc ) đã làm, mới hy vọng bảo tồn kho mộc bản lâu dài./.

    Nguyễn Văn Phong
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 07-04-2010, 09:55 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2



    Bảo quản những tấm mộc bản vô giá



    Ngày xưa gỗ thị đã được các vị cao tăng chọn để khắc kinh phật. Sư thày Thích Thanh Vịnh – trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho hay: Gỗ thị rất đặc biệt, màu trắng, ít cong vênh hay nứt vỡ, khi tươi thì mềm, khi khô thì dai và cứng rắn.

    Đầu tiên gỗ được xẻ ra thành từng tấm ván có kích thước trung bình 33cm x 23cm x 2,5cm. Sau đó được luộc trong nước sôi, rồi lại vớt ra phơi nắng cho khô. Quá trình sơ chế gỗ này được thực hiện 3 lần như một phương pháp tốt nhất để tránh mối mọt xâm phạm. Bề mặt ván gỗ thị có màu đen bóng do được phủ một lớp dầu mực in khá dầy. Lớp dầu này thấm sâu vào ruột gỗ có tác dụng chống thấm nước, ẩm mốc và mối mọt rất hiệu quả.

    Hiện nay, kho mộc bản kinh phật vẫn được bảo quản theo cách truyền thống, các ván thư được xếp trên 7 kệ hay còn gọi là tạng kinh, có mái, có cánh, như một ngôi nhà. Dưới mỗi chân của tạng, kê 1 viên đá, khoét sâu và đổ dầu vào. Cách này giúp cho mộc kinh không bị mối mọt, kiến xâm hại. Tạng kinh được kê ở vị trí gần cửa ra vào thoáng mát, có ánh sáng, gió để tránh ảnh ẩm mốc và hỏa hoạn.





    Kho chứa những bản đại tạng kinh vô giá

    Theo nhà chùa, bụi cũng là một “phương thuốc” tốt để tránh mộc bản bị ẩm bởi nhờ có bụi thấm phủ lên nên hút được ẩm trong ván kinh khi thời tiết nồm ẩm. Chính vì vậy, kho mộc bản được để trong ngôi nhà nền đất để khi quét, bụi bay lên thấm vào ván kinh, giúp mộc thư chống ẩm mốc.


    Mỗi năm nhà chùa tiến hành kiểm tra “sự an toàn” của đại tạng kinh 3 lần. Vì 2 mặt của ván kinh đều có chữ nên quá trình vận chuyển mộc thư đều phải rất nhẹ nhàng, trán cọ xát làm mòn đi mặt khắc chữ. Nhờ sự bảo quản và lưu giữ kì công như vậy mà trải qua chiến tranh, thời tiết khắc nghiệt suốt 300 năm, kho mộc bản kinh gần như vẫn còn nguyên vẹn, đảm bảo được một trong những tiêu chí của di sản tư liệu thế giới khi Việt Nam làm hồ sơ mộc bản kinh phật đệ trình lên UNESSCO.


    Kho sách bằng gỗ thị

    Chùa Vĩnh Nghiêm từ xa xưa có tên gọi là Chúc Thánh thiền tự, trong dân gian quen gọi là chùa La, hay chùa Đức La, đây là trung tâm đào tạo tăng đồ trong suốt thời gian gần 8 thế kỷ hình thành và phát triển của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử.

    "Mộc thư khố" được lưu giữ tại 8 kệ sách trong điện chính của chùa. Đây là kho sách bằng gỗ có tổng số hơn 3.000 bản, trong đó hầu hết là kinh, sách thuốc, luật giới nhà Phật. Số còn lại là trước tác của Tam thế tổ và một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử (thơ, phú, nhật ký...) được khắc bản cách đây trên dưới 200 năm.




    Chữ và hình ảnh được khắc trên bản mộc một cách tinh xảo kì diệu


    Theo dòng lạc khoản khắc ở bài tựa và dòng lạc khoản cuối các cuốn kinh thì kho mộc thư chùa Vĩnh Nghiêm phần nhiều được khắc in dưới triều các vua Tự Đức, Thành Thái nhà Nguyễn (nửa sau thế kỷ XIX), một số ít được khắc dưới triều vua Cảnh Hưng, nhà Lê (nửa cuối thế kỷ XVIII ). Căn cứ vào bản "Tâm thượng ngư vĩ" của mộc bản thấy rằng: kho mộc bản có hơn ba chục đầu kinh, sách các loại, trong đó quá nửa là mộc bản khắc bộ Hoa Nghiêm kinh, còn lại là Di Đà kinh, Quan Thế âm kinh, Tì Kheo ni giới kinh, Khai thánh chân kinh...và các sách, luật nhà Phật.

    Các mộc bản này đều bằng chất liệu gỗ cây thị, có nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo từng kinh sách. Bộ "Yên Tử nhật trình" có niên đại cuối thế kỷ XVI, là bộ ván in cổ nhất của kho mộc thư chùa Vĩnh Nghiêm, có kích thước 1,8x0,3 m là bộ lớn nhất, trong khi bộ "Dấu chấn" kích thước 0,25x0,17m là cuốn nhỏ nhất.

    Từ những ván khắc đó, người xưa phủ mực in lên trên rồi in và đóng sách theo khuôn mẫu với đủ "biên lan", "bản tâm", "ngư vĩ", "thiên đầu, địa cước". "Biên lan" có khung viền lề trang sách là một đường chỉ to và một đường chỉ nhỏ. "Bản tâm" cho biết tên sách, thứ tự trang sách. Thượng hạ Bản tâm có "Ngư vĩ" (đuôi cá) theo kiểu song "Ngư vĩ". Tả hữu, thượng hạ "Biên lan" có "Thiên đầu- Địa cước". "Biên lan" có khung viền 4 lề trang sách, gồm 1 đường chỉ to và 1 đường chỉ nhỏ (người xưa gọi là Văn vũ Biên lan). "Bản tâm" (hay Bản khẩu) thường khắc dòng chữ cho biết tên sách (Hoa khẩu), thứ tự trang sách. Thượng hạ "Bản tâm" có "Ngư vĩ" (Đuôi cá) theo kiểu song "Ngư vĩ". Tả hữu, thượng hạ "Biên lan" có "Thiên đầu- Địa cước" rộng chừng 2,5 cm. Nhiều trang được các nghệ nhân xưa khắc đan xen thêm những bức minh hoạ, đường nét tài hoa tinh tế, nét chữ bay bổng, siêu thoát, bố cục chặt chẽ hài hoà, xứng đáng là tác phẩm đồ hoạ trứ danh của mọi thời đại.

    Người xưa thật khéo chọn gỗ thị để tạc chữ. Đây là loại gỗ trắng, thớ gỗ mịn, lại ít cong vênh. Khi gỗ còn tươi rất mềm, khi khô lại trở nên dai bền hiếm có. Vì vậy mà các nghệ nhân xưa đã khắc ngay khi gỗ mới được xẻ thành ván. Đại đức Thích Thanh Vịnh- Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho biết: "Tất cả ván làm mộc thư đều được lấy xẻ từ thị trồng trong khuôn viên nhà chùa. Cho dù trải qua hàng trăm năm nhưng đến bây giờ vẫn còn gốc của những cậy thị lớn mà các vị sư tổ đã cho đốn làm mộc thư".

    "Mộc thư khố" đã qua nhiều lần in cho nên các mảnh ván đều có màu đen bóng bởi bề mặt được phủ một lớp dầu mực in khá dày. Lớp dầu mực này thấm sâu vào ruột gỗ, cho nên có tác dụng chống thấm nước, ẩm mốc, mối mọt rất hiệu quả.

    Phần lớn ván in được khắc chữ Hán trên hai mặt, kiểu chữ chân phương, chữ khắc sâu, sắc nét và điều độc đáo là tất cả được khắc ngược (âm bản). Mỗi mặt ván 2 trang sách, khắc chạm đúng chuẩn mực theo kiểu đóng sách của người xưa. Đã rất nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu quy trình khắc mộc bản của người xưa mà kết quả vẫn chưa thống nhất. Rất khó để lý giải được người xưa khắc chữ ngược trên gỗ mà nét chữ lại vuông vắn, tinh xảo đến mức kỳ diệu như vậy. Có những chữ có đến 3, 4 chục nét trong khoảng vài mm.




    Đại đức Thích Thanh Vịnh giới thiệu một vài trang sách trong số hơn 3.000 bản mộc được khắc trên gỗ thị.





    Nguồn tư liệu vô giá

    Hiện nay, kho mộc thư này vẫn lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3.000 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) với khoảng 2.000 chữ Nôm hoặc Hán. Những bản khắc có niên đại sớm nhất là từ thế kỷ XIV, còn lại được làm ở thế kỷ XVI, XVIII.

    Các bản mộc thư chủ yếu ghi chép kinh, luật nhà Phật, lịch sử hình thành và phát triển thiền phái Trúc Lâm, trước tác của 3 vị tổ thiền phái là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang; ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật ký của danh nhân Mạc Đĩnh Chi và một số vị cao tăng.

    Đặc biệt một số mộc thư giới thiệu cách chữa bệnh bằng thuốc nam, cách châm cứu với bản sơ đồ chỉ dẫn các huyệt rõ ràng. Đại đức Thích Thanh Vịnh cho biết, hiện nay phòng mạch của nhà chùa vẫn kế thừa các bài thuốc ghi trong mộc thư để chữa các bệnh về thần kinh, đau xương khớp và các bệnh về tiêu hoá.

    Kho "Mộc thư khố" để lại cho người đời lượng thông tin phong phú, đa lĩnh vực như: Lịch sử Phật giáo, tư tưởng- văn hoá hành đạo, nhập thế của dòng thiền Trúc Lâm, lịch sử nghề khắc in mộc bản, thân thế sự nghiệp một số vị cao tăng có nhiều cống hiến cho sự phát triển nền văn hoá truyền thống của dân tộc... Hơn nữa, với sự tài hoa khéo léo của nghệ nhân xưa, mỗi mảnh ván khắc xứng đáng là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật để đến hôm nay người đời được ngưỡng vọng và có thêm nguồn tư liệu tìm hiểu nghệ thuật chạm khắc gỗ Việt Nam thời Lê- Nguyễn.

    "Mộc thư khố" có lượng thông tin phong phú, đa dạng về lịch sử Phật giáo, tư tưởng hành đạo, nhập thế của thiền phái Trúc Lâm, văn học, y học, phong tục tập quán cùng sự phát triển của nghề khắc in mộc thư và nghệ thuật chạm khắc gỗ của Việt Nam. Với những giá trị văn hoá đặc biệt đó, kho mộc bản này rất cần được nghiên cứu, bảo tồn như những bảo vật quốc gia.




    Vĩnh Nghiêm tự, nơi sản sinh và lưu giữ kho "Mộc thư khố" vô giá



    Trong quá trình lưu giữ "Mộc thư khố" vẫn bị thất lạc khá nhiều. Đại đức Thích Thanh Vịnh cho biết, trước đây các vị sư trụ trì chùa khác đến chùa Vĩnh Nghiêm thỉnh về in trong quá trình trả bị thất thoát, có trường hợp chưa kịp trả, chùa bị cháy nên mất đi rất nhiều.

    Để bảo vệ kho mộc thư độc đáo này, chùa Vĩnh Nghiêm và Sở VH,TT&DL Bắc Giang đang phối hợp để in kho sách ra giấy gió, đánh số bản mộc, đồng thời dịch nghĩa. "Sau khi Sở VH,TT&DL dịch xong, nhà chùa cố gắng xây dựng một khu triển lãm để trưng bày nguồn tư liệu cho các sư hậu thế nghiên cứu cũng như cho khách tham quan được chiêm ngưỡng những tinh hoa của ông cha" - Đại đức Thích Thanh Vịnh cho biết.



    Quang Thành (GiadinhNet)
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 07-04-2010, 09:53 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    Working...
    X
    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom